Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008

Entry for May 30, 2008 - Đọc báo - Văn hoá

"...Để một con người già đi về suy nghĩ cũng như hình dáng, đó không phải là công việc mà con người cần phải cố gắng, nó là chuỗi tự nhiên. Chỉ có nỗ lực làm trẻ lại của ông già mới khó, mới phải cố gắng, còn người trẻ thì luôn luôn có cơ may già đi, không việc gì phải cố cả. Một con người suy ngẫm và dằn vặt sẽ là một tai nạn hơn là niềm vui thú. Tôi không bao giờ chủ đích trở thành như thế. Cũng không có chủ đích để trẻ lại. Chẳng qua, khi viết cho thiếu nhi thì không thể bằng tâm hồn của một ông già...." ( Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần trả lời phỏng vấn trong bài "Không thể viết cho thiếu nhi bằng tâm hồn của ông già" đăng trên báo CAND).

"...trí thức là người truyền bá tư tưởng, ý tưởng. Ý tưởng đó có thể là của chính họ (khi đó họ là các nhà tư tưởng đích thực) hay là các ý tưởng của những người khác mà họ coi là của mình (khi đó họ là những người bán ý tưởng của người khác). Họ truyền bá ý tưởng cho những người khác và muốn những người này chịu ảnh hưởng của các ý tưởng đó trong hoạt động của mình. Họ tạo dư luận...Như thế các nhà giáo, các nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị và một số nhà kỹ thuật, v.v... là những trí thức phù hợp với cách hiểu thông thường. Cho đến đây chúng ta vẫn chưa đưa ra phán xét giá trị (tốt-xấu; tiến bộ-phản động; v.v...) nào đối với khái niệm trí thức cả. Vì không gắn phán xét giá trị với khái niệm nên nó đủ rộng để phân tích (không chỉ bó hẹp ở những người "ưu tú", "tiến bộ" hay "yêu chủ nghĩa xã hội" như có người kiến nghị). Dân chủ, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, khuyến khích tranh luận, sự khoan dung, sự chấp nhận những ý kiến khác nhau là những điều kiện tiên quyết để phát triển tầng lớp trí thức mạnh nhằm góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá...." (Tiến sỹ Nguyễn Quang A "Luận bàn về trí thức" trên báo Lao Động).

"...Mặt bằng học vấn của họ có thể cao hơn thế hệ cha anh họ, nhưng tình yêu với văn chương, cái tinh thần ham đọc, sự háo hức của họ khi đi tìm sách hoặc sự vồ vập của họ trước cuốn sách đang cầm trên tay thì rõ ràng đã "tụt" thê thảm so với trước (đáng buồn là trong số đó không ít người đang hoạt động trong các ngành Văn hóa). Tôi không có tham vọng giải thích cho ra nguồn cơn chuyện này mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh sự "khô đạo" với văn chương đã ở mức báo động như vậy, thì mơ ước về một lực lượng hùng hậu của những người trẻ tuổi tham gia viết phê bình văn học sẽ chỉ là một mơ ước hão huyền. Bởi, nhà phê bình văn học trước hết phải là một người đọc chung thủy và đầy say mê với văn chương, như một người tình. Không thể khác thế...." (Bài viết "Phê bình văn học: Thiếu vắng những người trẻ" đăng trên báo ANTG cuối tháng).

"...Đội ngũ diễn viên trẻ hiện nay đa số đều là tay ngang, xuất thân từ người mẫu hay từ các cuộc thi tuyển diễn viên triển vọng, các cuộc casting diễn viên “bỏ túi”. Có không ít người không nắm được những kỹ năng cơ bản về diễn xuất, không có khả năng đọc hiểu kịch bản, lời thoại, phân tích tâm lý nhân vật...Tại các “lò” đào tạo chuyên nghiệp như Trường Đại học sân khấu và điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng sâu khấu điện ảnh TP.HCM, cũng hiếm diễn viên có thể tỏa sáng được. Các “lò” khác như Thăng Long Film, Á Đông, Vietfilm, Vietcast, MTS, Lý Nhã Kỳ... phần lớn chỉ dạy các học viên một số kỹ năng diễn xuất, sau đó ... giới thiệu họ với các đơn vị sản xuất.Các đơn vị sản xuất có chọn được hay không còn phải tùy thuộc nhiều yếu tố, nhiều diễn viên sau khi học xong, thi tuyển vào các phim đều “rớt” như sung. Trong thời đại ăn nhanh, làm nhanh, sống nhanh, nhiều khi đạo diễn cũng lười “chăm chút, chỉ bảo” cho diễn viên mới, họ đều quen... ăn xổi nên các vai diễn vì thế kém thuyết phục, các diễn viên mới gần như không tạo được những hình tượng trên màn ảnh mà thế hệ trước họ đã làm được. Nhiều người trong và ngoài nghề quan tâm đến nền điện ảnh nước nhà đều phải thốt lên, điện ảnh Việt đang khát diễn viên trầm trọng, nếu không có kế hoạch dài hơn sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng diễn viên." (Bài viết "Bi kịch hàng đầu của phim truyền hình" đăng trên báo Kinh tế và Đô Thị).

"...khi chọn lựa các bài viết lẻ vào cùng một tập sách, đáng ra người biên soạn phải có cái nhìn bao quát toàn tập và phải kiểm soát được những thông tin chính yếu liên quan đến tác giả và thân nhân của họ. Nếu như trước đây, để biên soạn một cuốn sách, các soạn giả phải rất công phu tìm kiếm tài liệu, thậm chí còn phải xuôi Nam ngược Bắc, chép tay từ những bản lưu trữ ở các thư viện, kể cả sao chụp ở những thư viện nước ngoài, thì hiện nay, với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học kỹ thuật, thao tác này trở nên giản tiện hơn nhiều. Bù vào đó, các soạn giả phải thể hiện được quan điểm của mình, sự nghiêm túc trong mặt thu thập tư liệu thông qua việc chú giải, hiệu đính những điều chưa được chuẩn mực về mặt thông tin ở từng bài viết đơn lẻ của các tác giả (nếu có). Tiếc thay, điều mà các độc giả đòi hỏi họ nhất thiết phải có ấy lại là khâu yếu nhất của các soạn giả ngày nay. (Bài viết "Thị trường xuất bản: Người “biên soạn” nhiều, người “hiệu đính” ít đăng trên Tạp chí Văn nghệ Công An).

"...Không thể phủ nhận những đóng góp khá thành công của những bộ phim là sản phẩm của sự hợp tác, nhất là những phim truyện nhựa được làm một cách nghiêm túc, công phu, tốn kém và tất nhiên là chuyên nghiệp. Một số phim theo cách riêng đã ra được với thế giới, góp phần quảng bá cho đất nước, con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam....Những lo ngại về sự "hòa tan" chỉ thực sự xuất hiện khi làn sóng hợp tác với Hàn Quốc liên tục "đổ bộ" vào Việt Nam. Hai bộ phim truyền hình dài tập "Lẵng hoa tình yêu" và "Mùi ngò gai" được xem đậm đặc mùi... kim chi của Hàn Quốc với những cảnh yêu đương lãng mạn, rồi đẫm nước mắt pha chút hài hước... Trào lưu "Hàn Quốc hóa" vì thế không còn là tín hiệu vui cho điện ảnh nước nhà nữa mà còn là tiếng còi báo động....Nếu hợp tác là để những bộ phim Việt ra đời lại giông giống phim Hàn, hao hao Trung Quốc đại lục, lại có nét của cộng đồng Pháp ngữ thì thực sự họ đang đưa điện ảnh Việt Nam về đâu?" (Bài viết "Phim hợp tác với nước ngoài: Hương đồng gió nội bay đi… rất nhiều" đăng trên Tạp chí Văn nghệ CAND).

"...Cơn sốt bán tranh đã khiến cho thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay bị xáo trộn, người ta khó có thể nhận ra đâu là tranh thật, đâu là tranh giả, đâu là hoạ sĩ chuyên nghiệp và hoạ sĩ nghiệp dư. Trên thực tế ở nước ngoài sự phân biệt đẳng cấp trong giới hội hoạ rất rõ ràng, còn ở Việt Nam ranh giới này còn quá mơ hồ khiến cho không ít nghệ sĩ làm thật lại ăn giả mà người làm giả lại ăn thật. Rất nhiều tác phẩm, là những đứa con tinh thần được nung nấu hàng mấy năm trời, được chắt lọc từ trái tim tâm huyết của người nghệ sĩ nhưng khi ra thị trường lại ít được chú ý. Không phải vì tác phẩm ấy quá cao siêu mà do ở ta chưa có thị trường tranh chuyên nghiệp nên chưa có đất để tác phẩm nghệ thuật đích thực đến với công chúng. Trong khi đó, nhìn vào các Gallery hiện nay hàng loạt những tranh chép sặc sỡ, trùng lặp được bày bán, chỉ cần có một bức tranh nào bán chạy, lập tức chủ kinh doanh đặt hàng hoạ sĩ “tới tấp” vẽ những tác phẩm tương tự để cung cấp cho khách hàng. Vô hình chung, họ là tác nhân “bào mòn” nội lực của người hoạ sĩ. Điều đó khiến cho nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính cảm thấy ngao ngán, bất lực...." (Bài viết "Thị trường tranh Việt Nam: Cần những “cú hích” đồng loạt" đăng trên báo điện tử Tổ Quốc).

"...Hiện nay các sinh viên học nhạc cụ dân tộc còn “lười động não” trong việc tìm hiểu, nghiên cứu các phong cách âm nhạc dân gian, âm nhạc của các vùng miền trong cả nuớc. Chính vì ít đi điền dã, ít thời gian mày mò nên sinh viên chưa tiếp cận nhiều các “ngón nghề” của các nghệ nhân lão thành và ít người phát lộ thành những tài năng thực thụ như các loại hình âm nhạc khác. Nhiều người lại quá lạm dụng kỹ thuật diễn tấu, áp đặt vào cây đàn tộc, biến đổi hình thúc vốn có của nó đã làm mất đi giá trị và vẻ đẹp đích thực của từng cây đàn, không tạo nên những âm sắc dân tộc theo đúng nghĩa. Do đó việc kết hợp một cách khôn khéo giữa công nghệ hiện đại, sự phối hợp ăn ý giữa nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn sẽ tạo nên diện mạo mới cho nền âm nhạc truyền thống....Một thực tế hiện nay việc đào tạo sinh viên chơi nhạc cụ dân tộc còn dàn trải và quá nhiều tham vọng của nhà giáo dục. Các nhà khoa học, nghệ sĩ, thậm chí nhiều nhà giáo không tán thành với chương trình đào tạo đã tồn tại hơn 10 năm nay, đó là việc cùng một lúc các nghệ sĩ được đào tạo nhiều loại đàn như nhau. Thậm chí với nhạc cụ chính một tuần sinh viên chỉ được học một tiết bằng số tiết với nhạc cụ phụ. Với cách sắp xếp chương trình như vậy làm sao sinh viên có đủ thời gian, tâm sức để đầu tư luyện tập cho việc chơi đàn thành thục, chưa nói đến việc phát triển tài năng để các em có thể biểu diễn ở mức độ “điêu luyện”....(Bài viết "Nhạc cụ dân tộc: Bức tranh còn thiếu gam sáng?" đăng trên báo điện tử Tổ Quốc).

1 nhận xét:

  1. Đọc b�o Tia s�ng số mới nhất, c� b�i của HS L� Thiết Cương viết về văn h�a v� chơi tranh...Em chỉ nhớ mang m�ng: "V�o City Bank, Standard Bank VN th� c�n được ngắm tranh nghệ thuật của c�c HS VN. V�o c�c trụ sở TCT lớn, c�c kh�ch sạn 5 sao...to�n tranh nh�i, tranh chợ. C�c kh�ch sạn của HAGL...kệch cỡm, xấu x�..."

    Trả lờiXóa