Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Một vài tin tức về người Việt ở nước ngoài (7-8/2013)

Dưới đây chỉ là một vài ghi nhận tin tức về người Việt ở nước ngoài trong tháng 7 và tháng 8/2013, không phải và không thể là bức tranh tổng thể về người Việt ở khắp nơi.



Tại Nga:

Theo các phương tiện truyền thông Nga, Cảnh sát Mátxcơva trong chiến dịch an ninh lớn ngày 31/7 đã bắt giữ 1.200 người Việt lưu trú bất hợp pháp tại Mátxcơva và đã dựng một khu trại dã chiến bằng lều bạt nằm ở địa chỉ số 8, 2nd Irtysky proezd ở phía Đông thủ đô Mátxcơva để tạm giữ những người này. Khu lều bạt dã chiến trên gồm 200 lều bạt, 100 toa lét, được tính dành cho 900 người. Tuy nhiên ở thời điểm cao nhất, số người được đưa tới đây là 612 người, sau đó khoảng 200 người chủ yếu là phụ nữ, được đưa từ khu lều bạt tới các điểm giam giữ đặc biệt và tạm giữ cố định khác. Theo truyền thông Nga, "Tính tới 8h00 (giờ Mátxcơva ngày 6/8) tại khu lều trại tạm còn 388 người, trong đó có 28 phụ nữ mong muốn được ở lại với chồng họ". Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga thì cho biết số người Việt bị bắt trong đợt kiểm tra này không như truyền thông Nga thông tin mà chỉ có 588 người Việt. Những người này được xác định là cư trú bất hợp pháp và chờ làm thủ tục trục xuất về nước. Cảnh sát Mátxcơva cũng đã khởi tố hình sự đối với 6 "chủ nô lệ" đã cưỡng bức lao động không lương với 700 người nhập cư bất hợp pháp...

Tại Anh:

18 người vượt biên, từ Xyri và Việt Nam, bị giới chức Anh phát hiện trong lúc gần đông cứng trong một xe tải ngày 7/8. Những người này đã bí mật trốn vào xe tải trong lúc người lái xe nghỉ mệt ở cảng Calais (Pháp), trước khi vào Anh. Nhưng dường như họ không biết đây là chiếc xe chở hàng tấn mì pasta được trữ ở nhiệt độ đông lạnh. Khi xe đang ở đoạn đường cao tốc M25 ở vùng Essex, những người vượt biên tuyệt vọng vẫy tay qua lỗ thông hơi, khiến các xe đi trên đường chú ý và báo cảnh sát.

Cảnh sát tìm thấy và bắt giữ 17 người đàn ông và 1 phụ nữ. Theo cảnh sát, có thể họ đã ở trong xe tải đến 8 giò đồng hồ. Những người này đang bị giam ở nhiều đồn cảnh sát trước khi được trao cho biên phòng Anh và có thể bị trục xuất.


Tại Mỹ:

Theo số liệu của USCIS (Center For Immigration Studies - Trung Tâm Nghiên Cứu Di Dân của Mỹ), hiện có trên 11 triệu người nước ngoài đang sống trong tình trạng bất hợp pháp trên đất Mỹ, trong đó 300.000 đến từ châu Âu, 800.000 đến từ Nam Mỹ, nhiều triệu đến từ Mêhicô và những cộng đồng Hispanic khác, 1 triệu người đến từ châu Á mà trong đó không ít người đến từ Việt Nam. Vẫn theo thống kê của USCIS, chỉ trong năm 2011, chính phủ Mỹ đã cấp gần 32.000 visa di dân và khoảng 90.000 visa không di dân cho người Việt sang Mỹ.

Tại Campuchia:

Ông Dương Quốc Xuân - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết hiện trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ có 2.644 hộ với 8.076 nhân khẩu người Việt trở về từ Campuchia, tập trung chủ yếu ở các tỉnh biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các hộ này tạm thời sinh sống ổn định. Riêng tại Long An, ông Võ Minh Thành, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho biết thống kê mới nhất vào đầu năm 2013, có 413 trường hợp người Việt ở Campuchia mới trở về từ năm 2009. Và hiện vẫn chưa thống kê được số trẻ em sinh ra trong các xóm “liều” của Việt kiều về từ Biển Hồ.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bà đồng

Bà Đồng
Những kẻ ngu dốt hay bị mê hoặc vì chuyện thần quái! Bọn đồng cốt liền theo đó làm mê hoặc thêm. Nào xem cây lộc, nào tìm hồn người chết….Nhưng phần lớn đều hoang đường bịa đặt. Những người hơi hiểu biết một chút thì không bàn chuyện đó. Chỉ có một chuyện lạ như sau:

HồI cha tôi chưa thi đỗ, trọ học ở ngoài cửa Nam Kinh đô. Một đêm nọ, nghe tiếng gõ cửa rất gấp, cha tôi mở cửa ra xem thì ra là bạn thân của người là ông Phạm ở Đông Bình đến chơi. Cha tôi mời ông vào hỏi:

-Đêm hôm thế này ông tới đây làm gì!

Ông Phạm đáp:
-Tới để mừng ông!

Cha tôi nói:
-Mừng vì chuyện gì?

Ông Phạm đáp:
-Thi Hội năm nay, nhất định ông chiếm ngôi trạng.

Khi ấy còn đang đầu xuân, cha tôi nói:
-Chắc lại điềm mộng mị chứ gì?

Ông Phạm nói:
-Không phải mộng đâu, thực đấy!

Cha tôi cả cười, hỏi nguyên do, ông Phạm đáp:
-Bên cạnh nhà tôi có một bà đồng xem cây lộc cho người, con mà cây ấy từ lâu chưa về. Khi nó về người ta hỏi nó sao về muộn thế, con ma nói: Cửa trời treo bảng, mọi người chen chúc nhau chật cả cửa. Tôi nhỏ yếu, không lách lên mà đi được, nên về muộn. Hỏi nó: Đã thế, những ngườI thi đỗ ngươi biết cả chứ? Con ma nói: Bảng trời treo cao, tôi nhìn từ xa, người đầu bảng tên có hai chữ. Chữ trên ít nét, chữ dưới nhiều nét. Thấy người xem ồn ào nói rằng có mười ba người đỗ, đứng đầu bảng là người họ Vũ tên Mỗ. Còn những tên ở dưới thì không nhớ. Bà đồng này xưa nay chưa hề quen biết ông, mà nói rõ rành rành như thé, chắc phảIi chắc chắn là gì?

Cha tôi cười nói:
-Những lời đồng cốt, làm sao đúng được. Sao ông mê tín thế!

Năm ấy thi Hội, đúng là có mười ba người đỗ. Cha tôi đỗ đầu, tất cả đều phù hợp với lời bà đồng.

(Lan Trì kiến văn lục)

------------------

Chuyện Bà đồng

Năm 92, ông nội tôi mất ở quê vì ung thư dạ dày. Chuyện ông mất cũng được các bác sỹ báo trước cả năm vì lúc mổ cho ông thì mổ đến đâu dạ dày mủn ra đến đấy vì bệnh đã di căn, cuối cùng các bác sỹ cắt gần hết dạ dày. Khi trả ông từ bệnh viện về, các bác sỹ bảo nhiều lắm ông sống thêm được 06 tháng, vậy mà rồi ông cũng chống chọi được với bệnh tật hơn cả năm trời.

Ông mất, tang lễ được tổ chức ở nhà bác gái nằm ngay trong thị trấn Xuân Hòa (Lập Thạch) vì nhà ở ngoài Yên Thạch thì ông bà nội đã bán để cho bố tôi chút tiền để góp vào dự án xin đất dự án của cơ quan. Tôi nhớ ngày hôm đó vẫn chưa đưa ông ra đồng, đang tổ chức viếng cho họ hàng và người thân thì có bà đồng ở bên xã Liễn Sơn đến thắp hương. Cũng chẳng biết bà đồng này có quen biết trước với bác gái tôi thế nào nhưng ở thời điểm đấy thì tôi thấy cũng chỉ sơ sơ thôi chứ chẳng phải thân thiết hay gần gũi gì. Sau khi thắp hương ông nội tôi thì bà đồng ra ngoài ngồi nói chuyện với mọi người, tôi cũng ngồi ở đấy hóng. Được một lát, bỗng nhiên bà đồng ngồi lắc lư rồi khóc hu hu. Mọi người xung quanh xúm vào hỏi thì bà đồng xưng “cậu” và bảo: Cậu về cậu đón Bố. Mấy hôm nay mọi người thắp hương, cúng cơm, cúng gà cho Bố mà sao không thắp hương, cúng cơm, cúng gà cho “cậu”? Ai nấy trong nhà đều ngạc nhiên vì ông bà chỉ có 3 người con (2 bác gái và bố tôi) chứ làm gì có chú nào nữa mà “cậu về đón bố?”….Gặng hỏi thêm nữa thì “cậu” chỉ lắc đầu không nói rồi “thăng”. Mọi người trong nhà quay ra hỏi bà nội thì lúc ấy mới biết, sau khi sinh bố tôi một thời gian thì bà nội có mang bầu thêm một lần nữa nhưng đâu chừng được 03 tháng, khi đi làm ngoài đồng thì bị sảy thai. Từ đấy, khi cúng cơm cho ông (và sau này cho bà) thì bố tôi còn thường mời “cậu” về hưởng nữa.

Sau này, cũng có lần tôi được bác gái cho lên chơi nhà bà đồng kia nhưng chẳng ấn tượng gì mấy.


------------------
Bà đồng (2)

Năm 94 nhà tôi chuyển về xã Tứ Liên, nay đã được lên thành Phường Tứ Liên – Quận Tây Hồ. Đất bố tôi mua từ nhà hai vợ chồng ông già chuyên trồng quất cảnh (ở miền Nam gọi là quả tắc). Sau khi bán đất, ông con trai vợ chồng già lập tức xây nhà 3 tầng, mua xe Dylan…ăn chơi nhảy múa. Tiền tiêu thì dễ nhưng không còn đất để trồng quất mà bán nữa nên sau 2-3 năm ăn chơi thì anh vợ chồng con trai nhà ông bà già nọ lại quay về bán Phở và bán nước chè ngay cạnh nhà tôi. Mỗi sáng, ngồi cái quán nước chè ấy thì dù muốn hay không cũng phải nghe khối chuyện hàng xóm láng giềng được dân tình “buôn bán” bên cốc chè, điếu thuốc.

Đến năm 96, ở Tứ Liên nổi lên có bà đồng rất hay, người đến gọi hồn, xem bói đông nghìn nghịt, xếp hàng đăng ký trước cả tuần mới đến lượt. Ấy là mình nghe loáng thoáng thế chứ cũng chẳng quan tâm nên không tập trung hóng hớt. Đến một hôm, bà mẹ của bạn gái mới nhỏ nhẹ nhờ mình cậy là hàng xóm cùng xã, cùng xóm với bà đồng để chen ngang xem trước. Để lấy lòng gái mình cũng can đảm gặp “cô” để nhờ, được “cô” cho cái hẹn 3 ngày. Nghe nói là vợ chồng “cô” trước là dân “anh, chị” rồi chả hiểu được lộc thánh thế nào mà giải nghệ lập đền thờ, khách đến rất đông….Phải nói thêm là “cô” là người có khuôn mặt xinh, sắc sảo và từng trải. Đúng như đã hẹn, 3 ngày sau tôi dẫn mẹ bạn gái sang nhà “cô” để thắp hương, hầu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vào nhà “cô”, nhà rộng, vườn tược khang trang, nguyên một căn nhà 2 tầng được “cô” dùng làm nơi đặt các ban thờ, nhiều ban thờ lắm mà tôi chả nhớ ban nào với ban nào cả. Hóa ra “cô” không trực tiếp hầu đồng mà có một đệ tử chuyên trách việc này. Đến giờ cũng chả nhớ là “thánh” về nói gì nữa, chỉ mang máng là bà mẹ bạn gái gật gù bảo đúng, đúng….Một thời gian sau, có lần nói chuyện với bố, bố kể là vợ chồng “cô” toàn chơi trò yêu cầu khách ghi tên, địa chỉ để đăng ký trước rồi thuê đệ tử đến khu nhà ấy tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để từ đó mà gạch đầu dòng cho đệ tử phán. Có lẽ vì thế mà Đền nhà "cô" cũng chỉ đông khách được vài năm rồi cứ thưa dần, thưa dần và nghỉ hẳn.

  

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Đọc "Chuyện nghề của Thủy" và những điều còn đọng lại.


Nói đến Trần Văn Thủy thì ai cũng sẽ nghĩ đến 02 bộ phim tài liệu đã làm nên tên tuổi của ông, đó là "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế". Tớ còn nhớ lần đầu tiên được nghe đến bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” là hồi còn học cấp 1-2 Tây Sơn, cô giáo chủ nhiệm xem phim ở đâu về kể rất hào hứng trong lớp. Nhớ nhất là mấy chi tiết mà cô giáo kể là cảnh quay hỏi thăm người dân ở phố có biết ông ấy là ai không? Rồi chuyện Ngân hàng Nhà nước với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân….Mãi cho đến 04 hay 05 năm gần đây tớ mới xem phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của ông. Và có một điều chắc chắn là tớ lại được đọc cái tập “Nếu đi hết biển” trước cả khi xem 02 bộ phim trên và sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của ông trên tờ SGTT thì tớ đã lùng bằng được bộ phim “Chuyện Người Man di Hiện đại” để xem….


Dẫn nhập loằng ngoằng thế để nói rằng cá nhân tớ cũng rất thích anh Thủy. Sau khi đọc bài giới thiệu sách "Chuyện nghề của Thủy" trên tờ SGTT thì tớ cũng lập tức lùng cuốn sách để đọc để tìm hiểu thêm về nghề và cái tài của ông. Tuy nhiên, mặc dù cuốn sách đọc khá trôi nhưng đọc xong rồi thì cũng có 2, 3 phần thất vọng. Thất vọng thứ nhất là “chuyện nghề” của ông được đề cập hơi ít mà nặng phần tả về không gian cuộc sống của ông thời những năm 80. Mặc dù được rào đón là sẽ không phải là cuốn hồi ký nhưng thực tế thì nó là chính là một dạng hồi ký nửa vời bởi có đến ½ số trang sách là dùng để kể việc kể chuyện khó khăn, vất vả khi phát hành 02 bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”…; Thất vọng thứ 2 là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp của ông đã không được nêu lên một cách đầy đủ. Theo hiểu biết của tớ thì nghề điện ảnh là dấu ấn cá nhân nhưng công sức là của cả một tập thể vì vậy chuyện của những người phụ trách âm thanh, ánh sáng, quay phim, dựng phim, biên tập….trong các bộ phim tài liệu của ông Thủy cũng là rất quan trọng đối với người làm nghề nhưng chỉ được nêu vẻn vẹn đâu chừng có hơn chục trang trong tổng số gần 500 trang sách; Thất vọng thứ 3 là việc đưa các bài viết, bài phỏng vấn anh Thủy đã đăng trên các báo trong thời gian qua vào trong cuốn sách. Nếu thực sự cần thiết chỉ nên ghi tiêu đề, ngày đăng, tên cơ quan báo đăng đối với các bài viết vẫn lưu trên mạng hoặc cùng lắm là đưa vào phần phụ lục chứ không nên để thành nội dung của cuốn sách.…

Thực ra ý định ban đầu khi viết cái note này chỉ nhằm để lưu lại cái list phim tài liệu mà ông Thủy đã thực hiện (dựa trên những gì được kể trong cuốn sách) thế mà cuối cùng lại thành ra tóm tắt cuốn sách. Cái list ấy đây:

1./ Những người dân quê tôi (Giải vàng LHP Leipzig 1970)

2./ Nơi chúng tôi đã sống (phim Tốt nghiệp - làm tại Liên Xô năm 1977)

3./ Phản Bội (Giải đạo diễn xuất sắc trong LHP quốc gia 1980)

4./ Hà Nội trong mắt ai (1982)

5./ Chuyện Tử Tế (Giải Bồ Câu Bạc LHP Leipzig 1988)

6./ Thầy mù xem voi (02 tập: tập 1: Chuyện vặt xứ người; tập 2: Chuyện đồng bào - Phim được làm từ năm 1988 đến 1990)

7./ Một cõi tâm linh (1992 - tên tiếng Anh là "A Spiritual Word làm cùng với Channel 4 của Anh)

8./ Có một làng quê (1992 - tên tiếng Anh là There is a Village - làm cùng với NHK Nhật Bản)

9./ Chuyện từ góc công viên (Giải vàng LHP Hội Điện ản 1996)

10./ Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (Giải Hạc vàng LHP Châu Á Thái Bình Dương 1999)

11./ Người Man di hiện đại (Phim được làm từ 2006 đến 2007 về Nguyễn Văn Vĩnh)