Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Khi vợ vắng nhà - Tập 1


Tình hình là hôm nay là ngày đầu tiên vợ vắng nhà nên tớ kể bà con nghe câu chuyện: Vợ đi vắng - tập 1.

Chiều đưa mẹ con Cún ra sân bay. Đưa lên tận phòng chờ. Lúc đi qua bộ phận kiểm soát vé, có cô bé An ninh sân bay ngọng líu ngọng lô hạch sách. Vợ thì hơi cau có, còn tớ thì quen rồi....kệ. Tớ có thẻ lên sân bay, tớ cứ đi thôi...hê hê, tử tế thì nói với nhau một câu "nhờ" còn đúng quy định thì tớ có thẻ, việc tớ, tớ đi thôi...hí hí.

Dắt Cún con ra xem máy bay. Kìa, máy bay nó đang chờ con đấy! Bao giờ con lên thì nó mới bay nhé! hí hí....oai thế còn gì.

Tiễn vợ ra Bắc xong thì điều đầu tiên cần làm là hú mấy đứa đi nhậu. Chả mấy khi vợ vắng nhà... phải không nhỉ ? Việc thứ hai sau khi đi nhậu về là mua lấy 1 thùng mỳ tôm để sẵn, tiện lúc nào, xơi lúc đó. Vợ và Cún đi vắng không khí ở nhà yên ắng hẳn. Cún con hết quậy và mẹ Cún cũng khỏi la hét. Hôm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ là Cún con bắt bố đọc truyện. Bắt đầu là "Dế mèn phiêu lưu ký" với khoảng 3 dòng đầu: "Tôi sống độc lập từ thưở bé. Ấy là tục lệ lâu đời của họ dế nhà chúng tôi...." đến mức Cún con chỉ cần nhìn bố giở sách ra là đã đọc vanh vách...híc híc. Sau truyện "Dế mèn" là đến truyện "Tấm Cám", "Cây khế", "Anh học trò nghèo và thượng hoàng", "Tiêu diệt mãng xà". Hết đủ từng đó truyện (tất nhiên là bố đọc bỏ qua thôi) mới đi ngủ. Từ hôm nay là bố không phải đọc truyện cho Cún nữa. Bố tự đọc truyện cho mình rồi đi ngủ thôi.

Chúc Cún con ngủ ngon nhé!

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam


“Tài nguyên địa chính trị” là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này.

Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam hiện nay

Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam là một tổng thể hết sức đa dạng và phức tạp. Tổng thể ấy cấu thành từ rất nhiều yếu tố. Giá trị và ý nghĩa của từng yếu tố cũng không nhất thành bất biến. Chẳng hạn Việt Nam là một cửa ngõ của Lào và Campuchia ra biển, nhưng yếu tố này quan trọng đến đâu còn tùy theo Lào và Campuchia giàu mạnh đến đâu. Tài nguyên địa chính trị, do đó, không chỉ là địa thế như thuyết địa chính trị cổ điển vẫn hiểu, cũng không chỉ là cục diện như cách nghĩ của trường phái địa chính trị Kissinger, mà luôn là sự kết hợp của cái “thế” về địa lý tự nhiên và nhân văn, với một bối cảnh chính trị và kinh tế quốc tế nào đó. Chính cục diện chính trị-kinh tế xung quanh Việt Nam sẽ quyết định yếu tố nào là vượt trội, có tầm vóc chiến lược, trong các tài nguyên địa chính trị của Việt Nam.

Xét tham vọng và tầm với của các nước lớn hiện nay thì Việt Nam đang nằm trong bàn cờ chiến lược của bốn nước lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Ấn Độ.

Trước kia, Việt Nam từng đóng vai trò như là cửa ngõ chính của Trung Quốc thông xuống phía Nam. Nhưng đối với Trung Quốc hiện nay, vai trò ấy của Việt Nam đã mờ nhạt dần. Chiến lược của Trung Quốc hiện nay nhằm mở hai đường thông xuống phương Nam. Trên biển, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 và tiếp tục chiếm một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988. Trên bộ, Trung Quốc kết thân với Myanmar để mượn đường thông ra Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự ở Myanmar và dự định sẽ xây đường ống dẫn dầu từ cảng nước sâu Sittwe bên bờ vịnh Bengal của nước này lên Vân Nam, Trung Quốc. Với việc từng bước lấn chiếm biển Đông, Trung Quốc muốn tự mình sở hữu cái “then chốt” trên con đường biển nối nước họ với Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Vai trò cửa ngõ ra biển của Việt Nam đối với miền Tây Nam Trung Quốc cũng suy giảm sau khi Vân Nam đã mở đường ra Ấn Độ Dương qua ngả Myanmar, và Quảng Tây tăng cường phát triển các cảng biển của mình trên vịnh Bắc Bộ như Khâm Châu, Phòng Thành và giao thông với Vân Nam. Vai trò chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc tiếp tục bị hạ thấp sau khi Trung Quốc thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” với Indonesia vào đầu năm nay. Indonesia là nước lớn nhất Đông Nam Á về dân số và diện tích nhưng chủ yếu là có vùng biển nối liền từ Ấn Độ Dương sang biển Đông. Như vậy, chỉ cần kiểm soát biển Đông, bắt tay với Myanmar và Indonesia, là Trung Quốc bảo đảm lưu thông tới Ấn Độ Dương, đồng thời có hai gọng kìm kẹp lấy Đông Nam Á.

Việc Trung Quốc tăng cường khống chế biển Đông và gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên thành cường quốc thế giới và lãnh đạo khu vực, đã khiến các nước lớn Mỹ, Nhật và Ấn Độ đổ dồn con mắt về biển Đông, Đông Nam Á, và tìm biện pháp đối phó.

Là nước muốn đóng vai trò “lãnh đạo thế giới”, Mỹ đương nhiên coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối nguy ở tầm đại chiến lược. Hai nước Nhật và Ấn Độ không nuôi tham vọng toàn cầu nhưng muốn làm cường quốc châu Á, tất nhiên không muốn Trung Quốc nổi lên “lãnh đạo khu vực”. Nhật chọn liên minh chiến lược với Mỹ, đứng dưới sự “lãnh đạo thế giới” của Mỹ để chống lại sự “lãnh đạo khu vực” của Trung Quốc. Ấn Độ tìm một vị trí “tự do” hơn, nhưng chủ đạo cũng là liên minh chiến lược với Mỹ. Trên địa bàn châu Á, nổi lên tranh chấp quyền lãnh đạo khu vực giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là trục Mỹ-Nhật-Ấn.

Trong bối cảnh đó, biển Đông và Đông Nam Á trở thành một địa bàn chiến lược trên bàn cờ quan hệ nước lớn. Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt sống còn đối với Nhật. 90% dầu lửa mà Nhật tiêu thụ và hầu hết hàng hóa giao dịch giữa Nhật với Trung Đông và châu Âu phải qua đây. Chỉ cần Trung Quốc “thực thi chủ quyền” của họ trên biển Đông, cổ họng Nhật coi như nằm trong bàn tay Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, biển Đông cũng có tầm quan trọng sống còn. 80% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc cũng như phần lớn hàng hóa thông thương giữa Trung Quốc với châu Âu và Trung Đông đi qua đây. Biển Đông tuy không sống còn đối với Mỹ nhưng có tầm quan trọng chiến lược. Nó án ngữ con đường ngắn nhất thông từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, cũng là một “huyết mạch chủ” của kinh tế khu vực, của Trung Quốc, đối thủ chủ yếu của Mỹ, và Nhật, đồng minh chính của Mỹ, trong khu vực.

Là nước chiếm giữ phân nửa các đảo đã bị chiếm trên quần đảo Trường Sa, đồng thời đóng chốt trên một số bãi ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam bộ, lại có bờ biển chạy dọc theo hải trình quốc tế, Việt Nam là nước có lợi thế nhất về mặt địa lý trong việc khống chế biển Đông. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước tiếp giáp nhiều nhất và chiến lược nhất với Trung Quốc, lại có lịch sử lâu dài nhất và kinh nghiệm dày dạn nhất trong đối xử với Trung Quốc. Do đó, các nước Mỹ, Nhật và Ấn Độ đều muốn Việt Nam đóng một vai trò tích cực và nếu cần, then chốt trong việc bảo đảm an ninh biển Đông cho họ và muốn Việt Nam đứng về phía họ trong trường hợp tranh chấp nước lớn trở nên gay gắt.

Như vậy, từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm tăng ý nghĩa chiến lược của biển Đông, Đông Nam Á và Việt Nam trên bàn cờ chiến lược quốc tế. Việt Nam trở nên có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Nhật. Với Mỹ, Việt Nam cũng từ một chương sử cũ trở thành một vị trí chiến lược. Hai nước này đều muốn Việt Nam trở thành đồng minh quan trọng của họ ở Đông Nam Á. Trong khi ấy thì tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông khiến Việt Nam không thể đóng vai trò đồng minh chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Ngược lại, Việt Nam là vật cản lớn nhất trên con đường nam tiến của Trung Quốc.

Chính sách nam tiến của Trung Quốc là một phần trong đại chiến lược “hòa bình trỗi dậy” của nước này. Con đường này được Trung Quốc chia làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn đầu gọi là “ấp ủ”, hình thức là bảo vệ, tiêu chí là “chủ quyền lãnh thổ không thể bị chia cắt”;

- Giai đoạn giữa gọi là “tạo dựng”, hình thức là chủ động, tiêu chí là “thu hồi lại những vùng đất đã mất”;

- Giai đoạn cuối gọi là “kinh lược”, áp dụng các biện pháp nhằm làm cho cộng đồng quốc tế chấp nhận trật tự chính trị-kinh tế có lợi cho Trung Quốc, tiêu chí là “đạt đến cân bằng và ổn định chiến lược”.(*)

Trong đoản kỳ, nhìn nhận thực lực của mình còn hạn chế, Trung Quốc xác định vẫn ở giai đoạn 1. Về trung hạn, vào giai đoạn 2 của “hòa bình trỗi dậy”, Trung Quốc sẽ tìm cách “thu hồi chủ quyền” trên biển Đông và Đài Loan. Trong dài hạn, vào giai đoạn 3, Trung Quốc sẽ đảm lãnh vai trò cầm trịch trật tự ở khu vực và thế giới. Cùng lúc với Trung Quốc, các cường quốc khác cũng có đại chiến lược của mình, mà về cơ bản cũng có thể chia làm ba giai đoạn tương tự như của Trung Quốc. Tuy nhiên, do thực lực mạnh hơn nên Mỹ đã ở giai đoạn 3 và Nhật đã ở giai đoạn 2 trên con đường trỗi dậy riêng của họ. Mỹ cho việc họ chi phối trật tự thế giới, can thiệp vào các ổ bất ổn là trách nhiệm của họ. Nhật đang tiến tới mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng vũ trang, mở rộng khu vực lợi ích sống còn của họ. Trong khi đó thì Ấn Độ mới đang ở thời kỳ đầu của giai đoạn 1. Tất cả những điều này tạo ra tính phức tạp của một cuộc tranh đua quyền lực nước lớn nhiều giai đoạn cùng một lúc. Việt Nam cần hết sức sáng suốt và quyết đoán để chèo lái thành công trong vùng nước xoáy này.

Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong khi cục diện chính trị khu vực có xu hướng phân tán thì cục diện kinh tế lại có xu hướng hội tụ. Các thế lực kinh tế thị trường đang hoạt động rất mạnh tại các nước trong khu vực, tạo ra nhu cầu liên kết và giao thương to lớn giữa các nước, các địa phương. Trong bối cảnh ấy, lợi thế địa lý của Việt Nam do nằm kề “trục lộ xương sống” của kinh tế khu vực, đặc biệt khu vực miền Nam và miền Trung ở vị trí “bản lề” giữa biển và đất liền, ngay tâm hình học của miền Đông Nam châu Á, nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là nguồn tài nguyên vô giá giúp Việt Nam phồn thịnh. Việc phát huy tài nguyên địa chính trị của Việt Nam có thể diễn ra theo hai hướng: 1. làm “cửa ngõ” ra biển của nội địa châu Á; 2. làm “đầu cầu” trên đất liền của con đường giao thương - trên biển và trên không - qua biển Đông.

Từng phần lãnh thổ Việt Nam có thể đóng vai trò “cửa ngõ” của nội địa châu Á thông ra Thái Bình Dương. Miền Bắc làm cửa ngõ ra biển của miền Tây Nam Trung Quốc. Miền Trung làm cửa ngõ ra biển của Đông Bắc Thái Lan, Lào, có thể cả Myanmar. Miền Nam làm cửa ngõ ra biển của Campuchia. Tuy nhiên, “cửa ngõ” chỉ có thể sầm uất khi nội địa có sức sản xuất mạnh. Xét thực lực của các trung tâm sản xuất trong nội địa nói trên, vai trò “cửa ngõ” chưa phải là một “chìa khóa” cho sự đi lên của Việt Nam. Như vậy, chỉ còn cách là phải “kéo” được các luồng giao thương qua khu vực biển Đông vào Việt Nam.

Nhìn vào bản đồ, ta thấy Việt Nam có thể hướng tới vai trò “trạm trung chuyển” cho tuyến giao thông biển xuyên khu vực, và vai trò “trục bản lề” miền Đông Nam châu Á (tính cả Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Ấn Độ). Tuy nhiên, có mấy khó khăn lớn. Một là, vai trò “trục bản lề” chỉ có thể phát huy sau khi Việt Nam đã làm tốt vai trò “cửa ngõ” và “trạm trung chuyển”. Hai là, trong khu vực đã có Hồng Kông và Singapore đóng vai trò trạm trung chuyển. Với điều kiện kỹ thuật và cao trình phát triển hiện nay, khu vực Đông Nam Á không cần có thêm một trung tâm nào nữa cỡ Hồng Kông và Singapore.

Để Việt Nam có thể bứt phá, trở thành một “đầu mối” của con đường giao thương qua biển Đông, chỉ còn cách là phải liên kết với các đầu mối khác trên con đường này, thông qua chiến lược “lan tỏa”, hình thành nên một đầu mối nữa trên lãnh thổ Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong việc kết nối kinh tế với Nhật và Singapore. Đây là những bước đi hợp quy luật vì sự cần nhau giữa Việt Nam, Nhật và Singapore ở mức độ khá lý tưởng. Trong viễn tượng nối kết kinh tế giữa ba nước, Việt Nam cần trở thành hậu phương đất liền của Singapore - trung tâm tài chính, dịch vụ, môi giới, nghiên cứu của khu vực Đông Nam Á nhưng thiếu không gian và nhân lực. Mặt khác, Việt Nam phải thu hút tư bản, công nghệ và tri thức của Nhật để trở thành một tụ điểm kinh tế hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và trên con đường sang không gian châu Á-Ấn Độ Dương.

Trong quá trình phát triển, Việt Nam sẽ phải đối phó với sự chênh lệch tài nguyên địa chính trị giữa các vùng, miền ở trong nước, dẫn đến phát triển mất cân đối giữa các địa phương. Lợi thế của một địa phương không chỉ nhờ “địa lợi”, “nhân hòa” mà còn nhờ “thiên thời”. Lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã từng là đầu mối của con đường giao thương qua biển Đông trong quá khứ. Nhưng vị trí của “đầu mối” ấy dịch chuyển dần theo đà tiến bộ của kỹ thuật giao thông, từ hai đầu mối ở miền Bắc (xứ Giao Chỉ cũ) và miền Nam (xứ Phù Nam cũ), hợp vào một đầu mối ở miền Trung (xứ Chămpa cũ), rồi chuyển vào miền Nam (vùng Đồng Nai-Bến Nghé). Giao Chỉ và Phù Nam thịnh vào nửa đầu thiên kỷ thứ nhất, Chămpa thịnh vào nửa đầu rồi tàn lụi vào nửa sau thiên kỷ thứ hai, cuối cùng nhường vai trò cho miền Đồng Nai-Bến Nghé, để rồi chính miền này cũng phải đấu tranh để khỏi bị bỏ qua, khi các con tàu đi biển không còn bị bắt buộc phải cập bến từng chặng ngắn nữa và khi miền Nam bán đảo Đông Dương chưa tự mình là một trung tâm sản xuất mạnh.

Ngày nay, miền Bắc nằm xa con đường hàng hải chính qua biển Đông, lại bị đảo Hải Nam chặn trước mặt, nên không thể trở thành vị trí của một “đầu mối” trên con đường biển ấy. Miền Trung tuy có bờ biển như “bao lơn” trên Thái Bình Dương, có nhiều vịnh nước sâu, kín gió, nhưng địa hình chia cắt, tính liên thông với các trung tâm sản xuất khác trong nội địa kém, nên khó phát huy được lợi thế. So với miền Đông Nam bộ, miền Trung có nhược điểm là không gian phát triển manh mún, phân tán, hậu phương thưa dân, sản xuất yếu, sức mua nhỏ. Bản thân miền Đông Nam bộ đã là đầu mối của một tiểu khu vực bao gồm cả miền Tây Nam bộ, miền Trung và Campuchia. Do đó, lợi thế của miền Trung (vị trí “bao lơn”, các vịnh nước sâu, kín gió) chỉ có thể được phát huy một cách hiệu quả nếu miền Trung hướng tới gắn mình vào luồng giao thương quốc tế, đầu tư nhắm vào xuất khẩu, không nhất thiết phục vụ thị trường nội địa.

Tài nguyên địa chính trị có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với vận mệnh của một đất nước. Sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên địa chính trị. Trong bối cảnh chính trị-kinh tế quốc tế hiện nay, một trật tự thế giới mới đang ló dạng, trong đó Việt Nam nằm ở một vị trí tương đối trung tâm của tranh chấp nước lớn và liên kết kinh tế của khu vực. Điều này đang đặt ra những thách thức to lớn, nhưng cũng đem lại những vận hội không nhỏ cho Việt Nam.

(*) Tôn Xa Phong, “Hòa bình trỗi dậy và chính sách Nam Hải của Trung Quốc”, tạp chí Học thuật Đại học Công nghiệp Quảng Đông, số tháng 3 năm 2005.

Vũ Hồng Lâm

Trung tâm khoa học

và các vấn đề quốc tế Belfer,

Kennedy School of Government,

Đại học Harvard

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Chuyện ở trên giời


Hôm qua giới thiệu với một người bạn về bài viết về "Diễn biến Hòa bình" trên Blog của bác Đông A xong thì thấy bạn đăng lại entry đó trên blog nhưng lại có thêm đoạn nữa khác với đoạn kết mà mình đã đọc. Kiểm tra lại thì đúng là bác Đông A có update. Hi hi....thế thì mình cũng phải update theo thôi, chót xin bác Đông A cái entry đó rồi mà.

cái thế của Việt Nam thật khổ, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận "chơi" với cả hai thằng lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng cũng lớn nhất thế giới. Nếu theo bác Vũ Hồng Lâm (Trung tâm khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer, Kenedy School of Government, Đại học Harvard) thì "Xét tham vọng và tầm với của các nước lớn hiện nay thì Việt Nam đang nằm trong bàn cờ chiến lược của bốn nước lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Ấn Độ". Trong 04 nước này thì chỉ có Mỹ và TQ là tớ thấy hơi ngán vì cái tham vọng của chúng. Với Nhật và Ấn Độ thì họ chỉ thuần là lý do kinh tế, không quá nặng vấn đề chính trị. Với Mỹ thì ai cũng hiểu, tham vọng của nó là Việt Nam trở thành hàng rào ngăn cản sự phát triển của TQ, bởi đây là chính sách an ninh chiến lược từ xa của Mỹ. Tớ nghĩ sẽ không khó nếu chịu khó tìm hiểu nó, hiểu rõ nó và ứng xử với nó. Nhưng với TQ thì khó hơn dù VN có truyền thống đánh thắng TQ cả nghìn năm lịch sử vì TQ hay ném đá giấu tay và đâm sau lưng vào lúc bất ngờ nhất.

Gần đây trong giới Blogger có phong trào kêu gào ầm ĩ về vấn đề Hoàng Sa. Đấy chỉ là một trong những vấn đề của Việt Nam phải đối mặt với TQ. Còn rất nhiều vấn đề khác không hề nhỏ hơn mà ít người thấy, như vấn đề sông Mekong chẳng hạn. Hiện TQ đã vài cái thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Mekong. Vào mùa khô, họ giữ nước. Vào mùa lũ, họ xả nước. Đã đủ thấy cái thiệt hại khủng khiếp về kinh tế cho toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (một vựa lúa gạo lớn nhất Việt Nam). Nếu các bạn muốn nghiên cứu thêm vấn đề này, nên tìm đọc cuốn "Mekong - Dòng sông nghẽn mạch" của tác giả Ngô Thế Vinh.

Vấn đề không phải là không đòi lại chủ quyền của Hoàng Sa, việc đó có thể dễ dàng hơn với việc phản đối họ xây thủy điện. Nhưng mà đòi như thế nào ? Có phải cứ kêu gào ầm ĩ là đòi được đất về đâu ? Với các cơ quan truyền thông của nhà nước thì bất cứ một bài viết hay phát ngôn nào xuất hiện đều sẽ được hiểu đó là ý kiến chính thống của Nhà nước. Tớ chẳng phải chuyên gia trong lĩnh vực này nên nhường câu trả lời này cho các chuyên gia.

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

Khi vợ vắng nhà.....


Tình hình là tuần tới vợ tớ đi vắng trong khoảng 1 tuần. Theo các bạn, tớ nên làm gì ? Vote cái nhỉ ?

Tớ tổng kết là đến ngày hôm nay (27/11/2007) mới chỉ có 4 vote trong đó 3 vote là "tranh thủ chơi bời và ăn nhậu thỏa thích..."....Humm, tối ngày mai vợ với con gái mới bay ra HN, thế nên để ngày mai khóa sổ vote nhé!


Quyền trẻ em và đường dây nóng !


Bà chị hỏi mới loay hoay đi tìm lại thông tin. Sáng ra có đọc lướt thấy cái tin đó mà không để ý lắm, thế mới biết là mình cũng vô cảm (!). Bà chị muốn tìm số đt của Công an huyện Bình Chánh để liên lạc hỏi thăm địa chỉ của đứa bé rồi đến thăm. Gửi YM cho Friend list của VJ nhưng không có thông tin gì....đành phải chơi với Google thôi. May mà lại tìm thấy bài viết trên báo SGGP từ năm trước, có ghi lại số đt đường dây nóng của CA huyện Bình Chánh. Bà chị bảo, vấn đề quyền trẻ em ở VN rất tệ. Humm, thế thì lập website tuyên truyền về món đó. Khó khăn về tài chính ư, bà chị làm dự án đi rồi gửi qua cho bọn UNICEF ở VN ấy, bọn nó thế nào cũng có tiền để làm việc này mà....Nó lại chả mừng húm vì có người làm giúp nó ấy chứ.



Thôi, túm lại là cứ để lại số đt đường dây nóng của CA các quận, huyện ở TPHCM lên đây, biết đâu sau này lại có lúc cần đến nhỉ?



Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thường trực Thành uỷ TPHCM về việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Công an TPHCM (CATP) vừa có thông báo công khai đến cán bộ, nhân dân TPHCM số điện thoại trực ban của CATP và trực ban công an 24 quận, huyện.

Theo lãnh đạo CATP, thông qua các “đường dây nóng” này (và các hình thức khác) Công an TP mong muốn cán bộ, nhân dân thành phố tích cực đóng góp cho lực lượng CATP các giải pháp giữ gìn an nình trật tự; thủ tục, giấy tờ giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân; tác phong, thái độ của cán bộ chiến sĩ công an khi tiếp xúc với nhân dân; phản ánh những biểu hiện tiêu cực, hách dịch, cửa quyền đối với dân của cán bộ, chiến sĩ ngành công an; kịp thời biểu dương gương những cán bộ, chiến sĩ công an liêm khiết, tận tuỵ phục vụ nhân dân... Mọi phản ánh, người dân có thể trực tiếp gọi vào “đường dây nóng” trực ban CATP các số: 8387344 -9201150.

Hoặc số điện thoại trực ban của công an 24 quận, huyện như sau:
- Công an Quận 1: 8297643 - Công an Quận Bình Thạnh: 8414882
- Công an Quận 2: 7415327 - Công an Quận Tân Bình: 8444996
- Công an Quận 3: 8392764 - Công an Quận Tân Phú: 8474549
- Công an Quận 4: 9400188 - Công an Quận Phú Nhuận: 8444695
- Công an Quận 5: 8550878 - Công an Quận Gò Vấp: 9968012
- Công an Quận 6: 8550737 - Công an Quận Thủ Đức: 8972025
- Công an Quận 7: 7851410 - Công an Quận Bình Tân: 7560128
- Công an Quận 8: 8504574 - Công an Huyện Bình Chánh: 7606918
- Công an Quận 9: 8960495 - Công an Huyện Hóc Môn: 8910387
- Công an Quận 10: 8657261 - Công an Huyện Củ Chi: 8920272
- Công an Quận 11: 9634720 - Công an Huyện Nhà Bè: 7851743
- Công an Quận 12: 8916754 - Công an Huyện Cần Giờ: 8740345

(Nguồn: Báo SGGP)

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Đọc thấy


Tăng phí đăng ký phương tiện mới bằng 30%-50% giá trị phương tiện. Thu phí lưu hành phương tiện vào giờ cao điểm tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn: 20.000 đồng/ngày (hoặc 500.000 đồng/tháng) đối với ô tô; 10.000 đồng/ngày (hoặc 200.000 đồng/tháng) đối với xe máy. Các khoản thu này hỗ trợ việc cấp vé đi xe buýt miễn phí cho một số đối tượng. Nghiên cứu mạng lưới các trường mầm non, tiểu học để tổ chức xe buýt đưa đón học sinh, giải quyết việc đưa đón học sinh cho các gia đình. Bắt buộc đi xe buýt và phương tiện công cộng đến trường đối với học sinh cấp 3 và sinh viên; phát miễn phí vé hoặc trợ giá đi xe buýt cho các đối tượng này. Trong giờ cao điểm, cấm ô tô chỉ có một lái xe trên xe lưu thông trên đường tại một số tuyến phố...



Báo Đại Đoàn Kết: "Phong trào"... Casino?


...Tháng 6-2007, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản gửi Chính phủ xin ý kiến về việc Cty TNHH Xây dựng kinh doanh Nhà và Khách sạn Thái Bình xin chủ trương đầu tư Khu Liên hợp khách sạn - casino và trò chơi có thưởng tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị bác bỏ ngay tức thì với lý do "thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kinh doanh các dự án có nội dung casino tại Thông báo kết luận số 96/TB-VPCP (4-5-2007) của Thủ tướng".


Giữa tháng 7-2007, Thủ tướng có ý kiến giải quyết những đề nghị của TP.Hồ Chí Minh về kinh tế xã hội và đồng ý với chủ trương xúc tiến kêu gọi đầu tư một khu phức hợp vui chơi, giải trí tại khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Với đề nghị đầu tư casino, phải theo Thông báo 96/TB-VPCP (4-5-2007) về đề án "Định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam.


Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến truyền đạt tại công văn số 6671/VPCP-ĐP (16-11-2007) giải quyết đề nghị của tỉnh Quảng Nam là "Về đầu tư loại hình casino tại khu Du lịch đặc biệt Tam Hải (khu kinh tế mở Chu Lai), hiện Chính phủ chưa có chủ trương cấp phép đầu tư cho các dự án casino"...


Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM: Người nghèo - Chiếc phong vũ biểu


Xăng lên giá. Vàng lên giá. Cá thịt lên giá. Rau lên giá... Và lên ngay lập tức, không báo trước. Cũng có tin lương sẽ được tăng lên, nhưng còn phải đợi, phải đợi...


Báo Tuổi Trẻ Tp.HCM: Cảnh sát giao thông đánh người?

..........Anh Chiến kể lại: anh cùng bạn là Hồ Hữu Chinh đi thăm thầy cô giáo về thì gặp bốn CSGT đi trên hai môtô. Cảnh sát thổi còi, anh Chiến chưa kịp dừng xe đã bị một cảnh sát trên môtô (Lê Tấn Nhất) nhảy xuống đạp vào mặt, khiến cả xe lẫn người đều bị ngã. Thấy vậy người dân xung quanh xúm lại yêu cầu chở anh Chiến đi bệnh viện nhưng một cảnh sát không cho đi. Sau đó anh Chiến được đưa lên ôtô và tiếp tục bị một cảnh sát khác đánh vào bụng. Tại trụ sở công an huyện, anh Chiến lại bị hai cảnh sát đánh....



Báo Thanh Niên: Hà Nội sẽ có trường đua ngựa đẳng cấp thế giới

Sau nhiều năm bị trì hoãn với hai lần bị đối tác nước ngoài "bỏ rơi", cuối cùng dự án xây dựng trường đua ngựa lớn nhất tại Việt Nam (một trong những trường đua hiện đại đẳng cấp thế giới) cũng sắp thành hiện thực......


Các bên liên doanh dự kiến tổng vốn đầu tư sẽ từ 500 triệu - 1 tỉ USD, trên diện tích 235 ha và chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (120 triệu USD) xây dựng trường đua và giai đoạn 2 sẽ khai trương tổng thể dự án (bao gồm khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, sân golf, công viên nước, chung cư, resort...). Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong vốn điều lệ của liên doanh thì phía Việt Nam góp bằng các lợi thế thương hiệu, tính cạnh tranh nổi trội, uy tín thương mại...; còn phía nước ngoài góp bằng tiền mặt, thiết bị, công nghệ và ngựa giống.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

Logo Renault theo dòng lịch sử

Phá cách nghịch chơi, lấy cái bài này ra để suy nghĩ về Logo của Thư viện sách việt..... Bạn nào có khả năng đồ họa thì tư duy dùm cái nhé !

Logo Renault theo dòng lịch sử

Hơn 100 năm lịch sử, như hầu hết các hãng xe danh tiếng ngày nay, Renault đã trải qua những thời khắc khó khăn, cay đắng và vinh quang nhất. Trong suốt quãng thời gian đó, hãng đã 8 lần thay đổi logo để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của ngành công nghiệp ôtô và thế giới.

1900-1906
1900-1906

Năm 1898, nhân ngày sinh nhật lần thứ 21, chàng trai Louis Renault đã chọn dịp đặc biệt đó để bán chiếc xe mang cái tên rất cổ điển do chính anh chế tạo, Renault Type A. Năm 1899, Louis cùng hai người anh em Marcel và Ferand mở công ty "Renault Frères - Anh em nhà Renault", tại số 10, đại lộ Cours, Billancourt. Như ý nghĩa của từ "Frères", Renault đã thiết kế logo đầu tiên của hãng bằng hai chữ "R" lồng vào nhau, theo phong cách nghệ thuật cầu kỳ những năm đầu thế kỷ 20.

1906-1919
1906-1919

Mười năm sau, Renault Frères giành được những thành công liên tiếp: 1902 nhận bằng phát minh sáng chế về động cơ siêu nạp; năm 1906, sản xuất xe bus và bắt đầu sản xuất động cơ máy bay với năng suất 3.800 chiếc một năm. Cùng trong năm đó, Renault thay đổi logo nhưng bằng hình ảnh thực tế và đơn giản hơn nhiều: chiếc ôtô lồng trong vòng bi cơ khí.

1919-1923
1919-1923

Tuy nhiên, cũng từng ấy thời gian, Louis phải chứng kiến hai cái chết của Marcel năm 1903 tại giải đua Paris-Maldrid và Ferand năm 1909. Một mình Louis sở hữu Renault Frères, nhưng ngay sau đó, vì thương nhớ hai người anh, ông đổi tên thành Les Automobiles Renault - Công ty ôtô Renault.

1923-1925
Chiến tranh thế giới II nổ ra, theo yêu cầu của phe Đồng minh, Renault ngừng sản xuất ôtô mà tập trung vào xe tăng và máy bay. Theo đó, logo của hãng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình thế chiến tranh. Chiếc ôtô được thay bằng hình ảnh xe tăng đang leo dốc.

Sau chiến tranh Louis Renault nhận huy chương anh hùng và tiếp tục sản xuất ôtô với các mẫu xe 10CV hay 6CV. Năm 1923, bỏ lại sự khốc liệt của chiến tranh để trở lại vai trò chính, logo Renault thay đổi lần thứ 3 với hình tròn làm khung chính, bao quanh những đường gạch ngang mô phỏng lưới tản nhiệt và dòng chữ "Renault".

Kiểu thiết kế nắp ca-pô của Renault năm 1923
1925-1960
1925-1960

Sau đó hai năm, Renault thay thế hình tròn bằng hình thoi và lấy làm logo chính thức của công ty. Tuy nhiên, trước 1925, logo hình thoi đã tồn tại trên đa số các mẫu xe bởi một lý do hết sức ngẫu nhiên; xuất phát từ chính phong cách thiết kế nắp ca-pô của hãng. Lúc đó, nắp ca-pô trên các xe Renault kéo dài xuống tận thanh cản trước với gờ nổi chính giữa tạo nên nhờ giao tuyến của hai mặt phẳng.

Nhưng kiểu thiết kế đó gặp trở ngại do còi nằm ngay phía dưới. Bởi vậy, để tiếng còi thoát qua ngoài, các kỹ sư đã đục phần mũi xe thành các khe hở song song, tập hợp lại thành một hình thoi. Với dòng chữ Renault chạy ngang, vô tình hình thoi này được coi là logo chính thức.

1960-1972
1960-1972

Hứng chịu những tổn thất nặng nề từ khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và đại chiến thế giới thứ hai, đến năm 1960 Renault mới hồi sinh và để đánh dấu cho thời kỳ phát triển mới, công ty quyết định thay đổi logo lần thứ năm. Mẫu logo mới có đôi chút thay đổi so với năm 1925. Chữ "Renault" được làm đậm và cao, nổi bật trên nền khung hình lục giác trắng. Các nét cắt ngang thưa và đậm hơn. Renault sử dụng logo này cho đến năm 1972, trước khi thay đổi nó lần thứ sáu.

1972-1992
1972-1992

Logo Renault thứ 7 từ bỏ kiếu thiết kế "chữ-hình ảnh" quen thuộc. Chỉ còn lại hình thoi, nhưng nó bao gồm nhiều đường thẳng được nối với nhau trên trục tọa độ 3 chiều, tạo độ nổi khá "mông lung" cho người quan sát. Tuy nhiên, trên các văn bản, Renault vẫn sử dụng logo có dòng chữ "Renault" bên cạnh.

1992-2004

Năm 1992, logo thứ 8 ra đời. Không còn các đường kẻ mà thay vào đó là mặt phẳng đồng nhất sơn hai màu đen trắng, đối xứng với nhau qua trục thẳng đứng.

Vẫn có độ nổi như 20 năm trước nhưng bớt đi phần phức tạp và "nhức mắt", logo năm 1992 thân thiện, bóng bẩy và mang tính công nghệ cao hơn. Được Renault sử dụng trên lưới tản nhiệt các đời xe từ năm 1992, nhưng trên các văn bản, hãng vẫn dùng mẫu mang dòng chữ "Renault" phía dưới.

Logo thứ 9 năm 2004
Logo thứ 9 năm 2004.

Năm 2004, Renault trình làng logo thứ 9 và giữ nguyên những nét cấu trúc cơ bản. Nổi bật nhờ bề mặt sơn bóng và những đường gấp trên thân được mạ crôm, logo thứ 9 thể hiện cho công nghệ, sức sáng tạo không ngừng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của hãng. Đơn giản và mang tính thống nhất cao, có lẽ Renault đã và sẽ hài lòng với biểu tượng của mình trong khoảng thời gian xa nữa.

(Nguồn: VN Express)


Qua thời xuân sắc!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: P.V.











Đố các bạn biết hình này ở đâu đấy ? Hê hê, thôi để tớ nói luôn cho đỡ hồi hộp. Nó là ở trên báo điện tử Phụ Nữ Việt Nam đấy! Chán thật! Có mấy cái đáng chán thế này: Thứ nhất là phóng viên ảnh vớ vẩn, chụp hình thủ tướng gì mà xấu tệ thế ? Thứ hai là cái đứa làm website cũng tệ, hết ảnh rồi hay sao mà lại đi chọn ảnh này ? Các bạn không tin thì vào đây coi bản gốc này!


Cũng vụ ảnh báo chí của tờ báo điện tử này thì còn phải bàn thêm cái tin về thời tiết nữa: Chả hiểu nghĩ gì mà tin thì đưa rằng: Bắc và Trung Trung Bộ đang bước vào một đợt nắng nóng mới. Một số địa phương thuộc Khu 4 cũ nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C, xuất hiện gió Lào. Nhiệt độ cao nhất của Hà Nội ngày hôm nay khoảng 37 - 38 độ C...còn ảnh thì đưa cái ảnh rất vớ vẩn với lời chú thích cũng vớ vẩn không kém: Uống trà đá - cách giải nhiệt bình dân mà hiệu quả trong những ngày nắng nóng.....ha ha.















Rồi ngắm kỹ thêm tý nữa thì tớ lại phát hiện ra mấy cái lỗi nữa của báo điện tử Phụ nữ Việt Nam này:


- Báo điện tử này chưa có giấy phép nhé ! (Nếu có sao không trưng lên nhỉ ? Quy định là phải trưng giấy phép lên cơ mà ?)


- Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam có hẳn 2 ấn bản khác nhau hoàn toàn: Một cái là của thằng báo chính, còn một cái là của thằng báo phụ (Thế Giới Phụ Nữ)....Việc này là sai rồi, làm gì một tờ báo mà lại có 2 website khác nhau được cơ chứ ? Mà cả hai đều không có giấy phép gì cả nhé !




Thôi, chả buồn soi nữa. Nói như một anh lớn tuổi: Cái tờ báo này đã qua thời xuân sắc rồi!


Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

Hiểu về văn hóa Phương Tây - Phương Đông

Hiểu về văn hóa Phương Tây - Phương Đông (Copy từ Blog Tình Tang)

Mời quý vị xem những bức tranh dưới đây để hiểu thêm về sự khác biệt của người phương Tây và người châu Á (Việt Nam, Trung Quốc...)

1. Quan điểm

1

2. Cách sống.

2

3. Tính đúng giờ.

3

4. Giao tiếp.

4

5. Giận.

5

6. Xếp hàng.

6

7. TÔI.

7

8. Phố ngày chủ nhật.

8

9. Party.

9

10. Trong nhà hàng.

10

11. Stomach Ache.

11

12. Du lịch.

12

13. Cách trình bày vấn đề.

13

14. Ba bữa ăn một ngày.

14

15. Phương tiện đi lại.

15

16. Cuộc sống người già.

16

17. Giờ tắm.

17

18. Tính khí và thời tiết.

18

19. Sếp.

19

20. Mốt.

20

21. Trẻ em.

21

22. Khi có đồ mới.

22

23. Cuối cùng là cách hiểu về nhau giữa người phương Tây - phương Đông.

23

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2007

Duyên với sách

Một người chị nhắn tin gặp chị gấp để bàn việc liên quan đến cuốn sách "Đạo và Đời" vì có khách hàng phản ánh. Chẳng rõ ra sao nhưng cũng phải chạy qua, bà chị nói có khách hàng mua cuốn sách "Đạo và Đời" đã điện thoại cho Việt Văn (tác giả cuốn sách) phản ánh về một số lỗi rất nghiêm trọng trên cuốn sách như có chữ viết "tăng đỏ" ở tấm ảnh cô gái chắp tay trong bộ Nguyện Cầu, có chữ "tăng xanh" ở vài trang viết khác, và rất nhiều lỗi khác nữa....Việt Văn cũng cho biết khách hàng đó tên Hưng là chủ một cửa hàng sách ở Tp.HCM có số đt là 091..... Lạ thật, làm quái gì có chuyện có chữ "tăng đỏ" hay "tăng xanh" ở cuốn sách cơ chứ ! Để biết thực hư sự việc, tớ đã điện thoại cho anh Hưng, khách hàng mua cuốn "Đạo và Đời" đó để hỏi kỹ thì anh cũng trả lời đúng như anh đã nói với Việt Văn. Nhưng lạ một nỗi là khi tớ xin đổi cuốn sách bị lỗi đó lấy một cuốn khác mới tinh không hề bị lỗi thì anh Hưng đã từ chối. Ngạc nhiên pha lẫn tò mò tớ xin gặp anh Hưng để được xem những lỗi ở cuốn sách mà anh phản ánh. Anh Hưng hẹn gặp nhau lúc 11h00 ở cửa hàng "Sách Hà Nội" trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Quận 1.

Cửa hàng "Sách Hà Nội" thì tớ lạ gì, tớ vẫn thường ghé đây mua sách vì thích cái tên "Hà Nội" của nó. Trước khi qua "điểm hẹn" tớ còn cẩn thận đem theo 01 cuốn "Đạo và Đời" mới cùng với 01 cuốn "Cây búa & bàn phím". Anh Hưng dẫn tớ lên tầng 3 và cho xem cuốn sách ảnh "Đạo và Đời" mà anh đã mua ở hiệu sách gần chùa Vĩnh Nghiêm. Lật cuốn sách được vài trang thì tớ hiểu ra vấn đề. Thì ra đây là cuốn sách in trong đợt đầu bị lỗi, ngay khi phát hiện ra lỗi thì chúng tớ đã ngưng in và dùng cuốn sách này để ghi lại những lỗi trong cuốn sách để nhà in biết đường mà sửa. Lỗi phổ biến của cuốn sách lúc đó là bị sai mầu (hay đúng hơn là thiếu mầu), những tấm ảnh cô gái mặc áo màu đỏ thì trông như cái áo mầu hồng nên mới ngoạch bút ghi "tăng đỏ", và cũng có những chỗ thiếu màu xanh nên mới "tăng xanh"....Có lẽ cái bọn nhà in cẩu thả in nên đã đóng cả cuốn sách này vào hàng "thành phẩm" để giao cho tớ. Và vì tất cả cuốn sách thành phẩm đã được bọc nilong kín nên tớ cũng chẳng thể kiểm tra để phát hiện cái lỗi này. Tớ đề nghị anh Hưng đổi cuốn sách lỗi này lấy 01 cuốn "Đạo và Đời" mới, không bị lỗi. Anh Hưng chỉ cười và không đồng ý đổi. Tớ chợt nhận ra rằng mình đã gặp phải dân "chơi sách"....Anh Hưng bảo Việt Văn và trước đó là ông chủ cửa hàng sách ở cạnh chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã đề nghị anh đổi cuốn lỗi lấy 01 cuốn khác nhưng anh đều từ chối. Khi điện thoại cho Việt Văn, anh Hưng cũng đã dặn rằng khi nào vào TPHCM công tác thì nhớ qua anh ký tặng vào cuốn sách này.....

Chuyện vẫn chưa hết lạ. Anh Hưng kể rằng anh nhìn thấy cuốn sách này lần đầu tiên là do có lần 01 người nam có râu quai nón đến cửa hàng sách của anh mua cuốn Almanach, khi đó trên tay người nam kia cầm cuốn "Đạo và Đời". Anh đã rất thích cuốn sách nhưng lại ngại không hỏi. Anh có để ý tìm mua nhưng không thấy bán ở đâu. Mấy hôm rồi tình cờ anh thấy cuốn sách ở cửa hàng sách cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, mua xong một cuốn rồi định quay lại mua thêm cuốn nữa thì cửa hàng đóng cửa. Giời ạ! Tưởng ai chứ, cái thằng có râu quai nón kia là thằng Thảolư, tớ và nó đã đụng đầu nhau ở cái cửa hàng sách này 01 lần rồi. Nó toàn ra đây mua sách thôi...híc híc.

Anh Hưng hỏi tớ sao không đem cuốn "Đạo và Đời" qua cửa hàng sách của anh giới thiệu và gửi bán ? Giời ạ, chính bà xã em đem cuốn sách này qua đây gửi anh bán nhưng cửa hàng anh từ chối cơ mà ??? Vừa lúc cô phụ trách phát hành qua chơi. Cô nhận ngay ra cuốn sách cô đã từ chối phát hành để rồi chính ông chủ cửa hàng phải lặn lội đi tìm mua với giá bìa và vớ phải cuốn sách lỗi....hê hê. Anh Hưng chỉ biết cười và bảo, thật sự đây là cuốn sách hay nhưng rất kén người xem. Tớ được dịp tiếp thị ngay cuốn sách "Cây búa và bàn phím". Cô phụ trách phát hành nhìn thấy kêu trời. Chả là cô ấy tìm cuốn sách này mất mấy tuần nay mà không thấy nó đâu, nhiều đơn đặt hàng gửi đến cửa hàng mà không có sách. Kết quả cuối cùng là cửa hàng sách Hà Nội nhận phát hành cho tớ 10 cuốn "Đạo và Đời" cùng gần 90 cuốn "Cây búa và Bàn phím"....hê hê.

Chả hiểu sao tớ lại có duyên với sách đến thế! Câu chuyện này mà Thảolư buôn thêm với ông Hưng vài buổi nữa thì thế nào cũng được 1 bài viết "bên lề trang sách" đấy nhỉ ?!

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

Spam YM !


Ảnh: http://www.istockphoto.com

Tình hình là rất bực bội vì trưa nay gõ gần xong cái entry thì bị treo máy, mất sạch toàn bộ entry gõ hơn 1 tiếng đồng hồ. Điên lên đi làm việc khác không thèm gõ blog nữa.


Vừa đi ra ngoài về nhận được 01 tin nhắn offline trên Yahoo Messenger có nội dung như sau: "Không phải spam đâu. Cẩn thận nhé. Mọi người hãy cảnh giác: Ăn hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu bò kho tại quán 343F, đường Lạc Long Quân, p.5, q.11, coi chừng bị chủ quán lừa đảo lấy xe đó. Khi vào ăn, họ yêu cầu không khóa xe, để họ trông giùm, nhưng lại không phát thẻ giữ xe, sau một hồi ngon miệng, cuối cùng thực khách đành phải đi bộ về đấy. Theo pà con khu vực, quán này buôn bán không được đông khách lắm, vì tại đây đã mất 05 chiếc xe rồi. Đề nghị ai nhận được tin nhắn này, hãy gửi cho bạn bè trong list của mình, giúp họ cảnh giác hơn. Không phải tin vớ vẩn đâu"

Loay hoay suy nghĩ chả biết có nên gửi lại cho bạn bè trong friendlist hay không ? Gửi thì áy náy vì nhỡ thông tin trong đó không đúng thì hóa ra mình tuyên truyền nói sai cho người tốt à ? Mà không gửi thì nhỡ bạn bè mình có ai đến ăn ở quán đó rồi ra về mất xe thì có phải khổ không ? Thế rồi quyết định rằng vẫn gửi cho Friendlist đoạn spam trên, tất nhiên là có mở ngoặc nói rõ rằng: tin kiểu này không gửi cũng k được mà gửi cũng không xong. Thôi thì cứ gửi để mọi người tham khảo.

Nếu ai bị spam thì xin tha thứ nhé !

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2007

Chuyện vớ vẩn


Ảnh: http://www.pointerhill.com

Ờ, tình hình là hôm nay có anh Osin nhắc đến Vàng Anh, thế là tớ nhớ ngay đến cái bài "Mèo con đi học". Kể cũng lạ, đáng nhẽ ra phải nhớ đến "Vàng Anh" trong show "Nhật ký Vàng Anh" chứ nhỉ ? Cũng lạ nữa là tớ lại chỉ nhớ đến "Mèo con đi học" chứ chả nhớ đến bài thơ hay truyện ngắn nào khác của Vàng Anh. Mặc dù tớ cũng khá thích các truyện ngắn và mấy câu chuyện như "Nhân trường hợp chị Thỏ bông" của chị Vàng Anh (ký tên Thảo Hảo).

Có lẽ tại cái anh Osin nghiêm túc quá nên tớ chả nghĩ được là ông ấy đã viết bài "Vàng Anh và Nghi can" rồi mà lại tiếp tục quan tâm đến Nhật ký Vàng Anh trong cái khúc cuối của câu chuyện và viết tiếp 01 bài nữa.

Tớ nghĩ đến bài thơ "Mèo con đi học" của chị Vàng Anh, nên tớ đi tìm trên Google cái bài thơ đó. Nó đây:

Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một mẩu bút chì
Và mang một cái bánh mì con con.

Tình hình là có thay đổi một chút, tớ sẽ viết về cả 2 chị Vàng Anh - tất nhiên là 2 góc độ khác nhau.

Chuyện cô bé Vàng Anh trong Nhật ký Vàng Anh "sản xuất" phim sex mà báo chí nhân cơ hội làm rùm beng để bán báo tớ thấy thế này: Chuyện cũng không phải là nhỏ, nhưng cũng không phải là quá lớn để báo chí làm ẫm ĩ lên đến thế. Ấy nhưng thương thay cho cô bé là vì các báo nhà ta đang thiếu đề tài để giật gân và câu khách nên vớ được cái "cọc" Vàng Anh nên mừng húm ! Tưởng thế là xong ai ngờ mấy chú Công an Hà Nội lại nhảy vào "cứu chúa" nên báo chí lại có cớ để câu khách và bán báo. Các bạn không tin à ? Cứ đọc cái bài "Tận cùng sự thật của vụ án “Vàng Anh?" trên báo Người Lao Động số ra ngày 03/11/2007 đi, đọc cả cái bài đấy xong, tớ đoan chắc rằng bạn sẽ chẳng thể thấy "tận cùng sự thật" đâu....hê hê. Chuyện tìm người tán phát video clip đó là chuyện cực kỳ đơn giản nhưng CAHN đang làm một quy trình ngược. Thế này nhé: Rõ ràng là có chuyện sản xuất rồi mới có chuyện tán phát. Thế nhưng CAHN lại đang đi tìm người tán phát mà chẳng buồn hỏi thẳng 2 cái đứa sản xuất là: Chúng mày sản xuất xong thì để ở đâu, chúng mày đưa cho những ai ? Vậy là xong. Nhưng mà vướng. Nên lại đi vòng. Tìm ra 4 đứa tán phát lung tung (chả biết là nhánh thứ bao nhiêu) rồi mới truy đến đứa tán phát đầu tiên (mà cũng chả biết chắc đã phải là đầu tiên hay chưa nữa??)....hê hê. Đấy, chuyện cô bé Vàng Anh chỉ có thế thôi. À không, cũng còn có 1 góc nữa: Nên lên án hay thương hại và tha thứ cho một cô bé sinh năm 1988 có quan hệ tình dục trước hôn nhân ??? Các bạn thử tự đặt cô bé đấy là con hay cháu nhà mình rồi suy rộng ra là được....

Giờ sang chuyện chị Phan Thị Vàng Anh: Tớ phải ghi rõ là Phan Thị Vàng Anh bởi bây giờ tên chị rất dễ bị nhầm lẫn với cô bé Vàng Anh kia. Bạn không tin ư ? Thử Google "Vàng Anh" mà xem, 99,9% bạn sẽ tìm thấy khoảng
1.260.000 kết quả mà trong đó ít nhất 10 trang đầu sẽ toàn là thông tin về cô bé Vàng Anh....hê hê. Chị Phan Thị Vàng Anh nổi tiếng từ rất lâu, ngay từ nhỏ đi học tớ đã được nghe bài thơ "Mèo con đi học" rồi. Thế nhưng rồi chả hiểu sao chị ấy cứ vướng mãi ở cái bài thơ đấy mà chả bứt ra được. Ngay cả cái tập thơ "Gửi VB" mới đây ra mắt bạn đọc nhưng rồi cũng chìm nghỉm. Có lẽ tại thời đại này người ta không thích thơ nữa chăng ? Tớ cũng rất thích truyện ngắn của Vàng Anh nhưng đến vài năm gần đây thì tớ chả được đọc truyện ngắn nào của Vàng Anh cả. May mắn thay vẫn còn có Thảo Hảo, tớ nhớ đến chị Vàng Anh là nhờ cái tên Thảo Hảo với câu chuyện đầu tiên trên báo TT&VH mang tên "Gửi Đoàn của tôi", rồi mới đến "Nhân trường hợp chị Thỏ Bông".... Tớ phải công nhận là giọng điệu của chị rất đanh đá. Nhưng chị viết có cái tâm của người cầm bút.

Thôi nhỉ ! Dạo này ăn bả gì mà buôn nhiều thế không biết!

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2007

Du Lịch Vũng Tàu


Vũng Tàu nhìn từ Google Earth.

Vừa rồi có chuyến đi chơi Vũng Tàu với cả nhà. Dự định ban đầu thì đi bằng tầu cánh ngầm nhưng cuối cùng lúc xuất phát bị chậm giờ nên phải đón xe khách du lịch ở Bến xe Miền Đông. Phải thừa nhận rằng thời buổi bây giờ đi lại giữa các tỉnh đã thuận tiện hơn rất nhiều so với 5 hay 10 năm trước. Lý do đơn giản là cho tư nhân tham gia vào hoạt động vận tải hành khách thì sẽ mất đi sự độc quyền của nhà nước (một sự độc quyền không cần thiết) ở lĩnh vực này, tạo nên một áp lực cạnh tranh về chất lượng, giá cả giữa các công ty xe khách tư nhân với các công ty xe khách nhà nước và ngay cả giữa các công ty xe khách tư nhân với nhau. Phải thừa nhận rằng vẫn còn tình trạng "nhìn nhau để cạnh tranh" nhưng chẳng sớm thì muộn tình trạng đó sẽ phải thay đổi nếu Nhà nước cho phép nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Từ Tp.HCM đi Vũng Tàu có khoảng 4 - 5 công ty tư nhân tham gia hoạt động, đơn giản và dễ hiểu là cứ khoảng 15' là sẽ có 1 xe khách xuất bến, từ Tp.HCM xuống Vũng Tàu mất khoảng 2h30', có nghỉ ở giữa đường.

Nếu để nói là kinh doanh vận tải hành khách thì nói chung là tạm ổn, còn kinh doanh lữ hành hay du lịch thì chưa ổn tí nào. Mà lẽ ra khi kinh doanh vận tải hành khách phát triển đến một giai đoạn nào đó thì nó phải biến thành kinh doanh du lịch lữ hành mới phải chứ nhỉ ? Đơn giản nhé: Tớ đi xe khách từ Tp.HCM xuống Vũng Tàu, đến đoạn nghỉ giữa đường lái xe chở thẳng vào một nhà hàng của Công ty. Tất nhiên không phải là cơm tù nhưng cái nhà hàng đó phải làm sao cho khách cảm thấy thoải mái, có nhiều thức ăn, thức uống để chọn lựa và mua sắm. Ý tớ là cái nhà hàng của Công ty xe khách đó phải là một hệ thống kinh doanh về ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn cho khách đi đường, chứ nó chỉ như chỗ dừng chân thì chả móc được túi khách hàng đâu.


Vũng Tàu vẫn thế. Trông lướt bên ngoài thì vẫn tưởng là dựa vào du lịch để phát triển kinh tế, nhưng thực tế thì hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch ở Thành phố vẫn cứ như là từ những năm trước 1975, chỉ có những khách sạn được xây nhiều và lộn xộn hơn. Bãi biển vẫn là những người dân kinh doanh tư nhân tự phát cho thuê phao, cho thuê ghế, bán chai bia con mực hay hột vịt lộn....Nếu khôn khéo tổ chức họ lại, bãi biển sẽ sạch sẽ và thoáng đãng hơn nhiều. Người dân vẫn buôn bán, nhà nước thu được thuế và bãi biển thì sạch sẽ. Tớ có leo lên Nghinh thiên đài, ở đó mát thật, nhìn ra xung quanh thấy mình thật nhỏ bé. Giá mà ở đó có cái ống nhòm nữa thì hay biết mấy nhỉ?


Được đứa em chỉ cho cái "siêu thị Mỹ nghệ" ghé qua xem, thất vọng! Đấy mà cũng gọi là "siêu thị" á ? Các bác cứ đùa....quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy thứ san hô, ngọc trai khảm....tớ mua cho con bé nhà tớ cái ô tô cảnh sát và một con chim chạy bằng pin made in China, còn tớ thì mua 01 bộ sưu tập tiền Việt Nam. Tối đến thì đi ăn Hải sản, Vũng Tàu mà cũng chỉ có Hải sản Gành Hào là nổi tiếng, khách đông làm tớ gọi phục vụ mỏi miệng mới thấy ! Rồi thì cafe trước biển, tớ thích nhất là cafe trước biển nhưng hơi chán vì các bạn ở quán cứ mở nhạc ầm ĩ. Ở Vũng Tàu có trò chơi đua chó, nhưng vì du khách ít nên chỉ có thể tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần, chẳng biết có được mấy người xem và cá độ? Bạn có thể kể cho tớ nghe xem ở Vũng Tàu còn có gì nữa nào ?

Vẫn quyết tâm phải đi đường biển để biết đường biển từ Tp.HCM đi Vũng Tàu (và ngược lại) nó như thế nào nên chuyến về tớ đi bằng tầu cánh ngầm. Híc, tàu Greenline được giới thiệu là ok nhất trong số các hãng tàu đang chạy nhưng cũng khiến tớ thất vọng. Nội thất xuống cấp tệ hại, điều hòa thì gần như không chạy. Nhưng có lẽ đó lại là điều may. Khó chịu ngồi ở trong khiến tớ leo ra ngoài boong tầu. Gió biển mang hơi muối nhưng vẫn mát rượi.


Chợt thấy một điều lạ: Tại sao không có công ty hay hãng du lịch nào tổ chức du lịch trên đường biển từ Tp.HCM về Vũng Tàu và ngược lại nhỉ ? Thay vì đi thẳng từ Tp.HCM về Vũng Tàu thì con tàu du lịch này sẽ đi thong thả để du khách ngắm cảnh và người hướng dẫn kể chuyện dọc đường. Đoàn du khách sẽ nghỉ ngơi ăn uống giữa đường ở một nhà hàng bên sông hoặc ngay trên tàu. Một tuần 1 lần tour đó sẽ được tổ chức vào ngày thứ 7 và chủ nhật, tớ nghĩ sẽ có nhiều người bỏ tiền để được thư giãn đấy chứ nhỉ ?


Với Thành phố Vũng Tàu, tớ nghĩ đơn giản, sẽ không thể dựa mãi vào du lịch như hiện nay đang làm bởi đường bờ biển không dài, bãi biển không nhiều....Có lẽ đã đến lúc Vũng Tàu nên tính đến một cách khai thác khác mà trong đó đến Vũng Tàu tắm biển chỉ là một giá trị cộng thêm mà thôi.