Thứ Ba, 20 tháng 12, 2005

Chuyện ghi ở Bệnh Viện


Những câu chuyện dưới đây được ghi lại trong một lần vợ tôi bị ốm, tôi phải đưa bà xã vào nằm điều trị tại một Bệnh viện của Thành phố. Trong 5 ngày vợ nằm viện, tôi đã được chứng kiến một câu chuyện về lòng tốt, một câu chuyện về lòng tin của con người và một câu chuyện về chữ "tâm" của những người làm bác sỹ ở Bệnh viện này. Ghi lại những câu chuyện này, tôi chỉ muốn được chia sẻ với các bạn những điều mà mình đã gặp, đã thấy, đã nghe.

Câu chuyện về lòng tốt:

Đã là bệnh nhân thì việc đầu tiên bạn phải làm khi vào bệnh viện - dù có là khám bệnh thông thường hay nhập viện - là phải "đóng tiền". Tôi cũng vậy ! Ngay khi đưa bà xã vào khám bệnh, tôi được hướng dẫn rất cặn kẽ là phải cầm cái sổ khám bệnh đi đến quầy thu ngân để đóng tiền khám rồi sau đó mới quay lại nhận số thứ tự để khám. Tại chỗ đóng tiền, tôi tình cờ chú ý đến một bà cụ già với vẻ mặt khắc khổ đang nói chuyện với cô thu ngân. Nghe thoáng qua câu chuyện giữa hai người tôi được biết là bác sỹ khám bệnh cho bà đã yêu cầu bà phải tiến hành xét nghiệm máu và chụp X quang rồi sau đó mới có cơ sở để chuẩn đoán bệnh, thế nhưng hình như bà cụ không có đủ tiền để trả cùng lúc cho việc xét nghiệm máu và chụp X quang và bà đang nhờ cô gái thu ngân tư vấn cho liệu mình có thể làm một trong hai yêu cầu đó có được không. Tất nhiên, cô thu ngân với trình độ chuyên môn kế toán của mình, chỉ có thể trả lời với bà cụ rằng bà phải làm theo yêu cầu của bác sỹ, phải tiến hành xét nghiệm máu và chụp X quang thì mới có thể phát hiện ra bệnh của bà được. Bà cụ già quay ra, nhưng loay hoay một lúc rồi lại quay vào và hỏi cô thu ngân rằng liệu ngày mai bà có thể quay lại và nộp tiền để xét nghiệm và chụp X quang được hay không ? Cô thu ngân cũng điềm đạm mà trả lời bà rằng: Hôm nay là thứ 6 và ngày mai là ngày thứ 7, mà thứ 7 thì sẽ chẳng có ai xét nghiệm máu và chụp X quang cho bà cả. vì thế bà phải đóng tiền và làm ngay sáng nay hoặc thứ 2 bà quay lại. Đến lúc đó tôi cũng vừa nộp tiền khám bệnh cho vợ xong, cô thu ngân trả lại cho tôi hơn 50 ngàn, thấy ba cụ già khó khăn tôi bổng thấy áy náy. Ước tính và lẩm bẩm trong bụng thấy bà cụ cũng chỉ thiếu khoảng 50 nghìn để làm xét nghiệm và chụp X quang, tôi đưa cho bà cụ già tờ 50 nghìn mà cô thu ngân vừa mới trả và nói: "Hay là bà cứ cầm tiền này của cháu mà nộp để chụp X quang và làm xét nghiệm máu luôn đi bà ạ". Bà cụ già quay lại nhìn tôi với con mắt có gì đó như sợ hãi và cảnh giác rồi trả lời: "Thôi, thôi ! Cám ơn chú !". Tôi ngớ người ra, bần thần mất vài phút như chẳng̉ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Có lẽ cách nói của tôi cũng chưa chuẩn lắm khiến cho bà cụ già giật mình "cảnh giác", nhưng hình như lòng tốt không phải lúc nào cũng được hoan nghênh phải không các bạn ?

Câu chuyện về lòng tin:

Vợ nằm viện, gia đình lại không có ai thân thích ở gần nên tôi thường xuyên phải chạy ra chạy vào trong viện với vợ. Gọi là "chăm sóc vợ ốm" cho nó oai chứ thực ra tôi cũng chẳng phải làm gì ngoài việc ngày ba bữa cất giọng thỏ thẻ "Em ăn gì để anh mua?" rồi chạy đi mua đồ ăn mà nàng yêu cầu, tối thì ngủ lại ở bệnh viện để cho bà xã đỡ buồn và tất nhiên là cũng chia sẻ với vợ đàn muỗi đói khát của bênh viện. Câu chuyện thứ hai của tôi lại bắt đầu từ bãi giữ xe ở trong bệnh viện. Chả là ngày nào cũng phải ra vào bệnh viện nên ngày nào tôi cũng phải gửi xe vài ba lần. Cái giá giữ xe ở Bệnh viện là 2000đ/xe máy, mặc cho quy định của các cơ quan quản lý là chỉ được thu 1000đ/xe máy. Nhưng thôi, tôi cũng chặc lưỡi cho qua vì cái quy định của Nhà nước mình thì mãi chẳng chịu thay đổi trong khi giá cả leo thang, lạm phát tăng lên mấy chục phần trăm thì cái giá 2000đ/xe cũng là phải chăng thôi. Vả lại, cả cái bệnh viện chỉ có một bãi giữ xe, không gửi đây thì còn biết gửi đâu khác bây giờ? Nhưng thôi, giờ xin phép được quay lại với câu chuyện thứ hai của tôi. Một buổi chiều, sau khi bà xã đã ăn uống xong xuôi bữa trưa và yên giấc ngủ, tôi quay xuống bãi giữ xe để lấy xe đi về cơ quan làm việc. Lục túi lấy vé xe và tiền để trả tiền xe tôi mới phát hiện ra là mình chỉ còn có 1000đ tiền lẻ trong túi quần và mấy tờ 500 nghìn mà sáng nay cô bé xinh xắn cùng cơ quan mới phát lương đưa cho. Thầm nghĩ trong bụng mình mà đưa tờ 500 nghìn để trả tiền gửi xe 2000đ thì chắc người ta mắng cho không còn cái lỗ nào mà chui, thôi thì cứ đưa 1000đ rồi lát nữa đi mua cái gì đó cho vợ lấy tiền lẻ về trả sau cũng được. Tôi dắt xe ra và nói với anh giữ xe: "Anh thông cảm, em hết sạch tiền lẻ rồi, chỉ còn có 1000 đồng thôi. Anh cho em nợ, lát nữa em quay lại em trả". Thế nhưng anh ta lại nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ và nói: "Tiền chẵn cũng được đưa đây tôi thối lại". Tôi thoáng chút bất ngờ, nhưng cũng rút ví ra và đưa cho anh ta tờ 500.000 đồng. Anh ta cầm tiền và đếm trả lại tôi đúng 498.000đ. Tôi cầm tiền mà lòng thoáng chút buồn vì không ngờ anh giữ xe lại có thể "quá đáng" đến mức như vậy. Nhưng ngẫm kỹ thì cũng chả trách được anh giữ xe bởi anh ta cũng phải sống chứ, 1000 đồng tuy không phải số tiền lớn nhưng cũng không phải là số tiền nhỏ với rất nhiều người và lòng tin đối với con người không phải tự nhiên mà có, phải vậy không các bạn ?

Câu chuyện thứ 3:

Đi ra, đi vào bệnh viện được vài ngày tôi phát hiện ra một việc mà tôi cho là cũng rất lạ, đó là ở bệnh viện này người ta thu tiền dịch vụ thang máy. Giá cho một lần đi lên là 500đồng/01 người, bất kể người già, phụ nữ hay trẻ em. Thật ra thì ở bệnh viên có 02 cái thang máy, một cái dùng cho nhân viên, bác sỹ, y tá của bệnh viện và cái thứ hai mới được dùng để làm dịch vụ. Hôm đầu tiên khi vợ nhập viện, cô ý tá kêu vợ tôi ngồi lên xe lăn rồi đẩy đến cái thang máy thứ nhất, tôi lếch thếch chạy theo nên cũng được đi "ké" thang máy này mà không hề phát hiện ra cái thang máy thứ hai ở ngay đối diện. Chỉ mãi cho đến khi vợ đã được sắp xếp vào giường bệnh ổn định, tôi quay về nhà lấy thêm một số đồ đạc và vật dụng sinh hoạt cần thiết đem lên bệnh viện thì tôi mới phát hiện ra cái thang máy thứ hai. Khệ nệ, tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh tôi chui tọt vào cái thang máy thứ nhất định bấm lên lầu 3 nhưng đã bị anh bảo vệ kịp thời chặn lại, chỉ cho tôi sang thang máy bên kia và đến tận lúc đó tôi mới biết được cái bệnh viện này có một loại hình dịch vụ vô cùng đặc biệt mà có lẽ trên thế giới chẳng nước nào có được, nhất lại là ở bệnh viện. Đối với tôi thì leo cầu thang còn khoái hơn là đi thang máy, thế nhưng có một điều làm tôi rất băn khoăn - sau vài ngày ra vào bệnh viện tôi mới biết - đó là: Bệnh viện này chỉ có 05 lầu thì lầu 4 và lầu 5 lại là khám chữa bệnh của Khoa Nhi. Có rất nhiều em nhỏ vì bệnh tật phải ở nội trú tại Bệnh viện thường xuyên phải đi lên, đi xuống bằng thang máy và cái "tổ dịch vụ thang máy" ấy cứ điềm nhiên thu 500 đồng/01 em. Thật không thể tin được, trong khi các cơ quan báo chí đang tuyên truyền về "Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi" và lên án các hình thức lạm thu thì tại bệnh viện này việc thu tiền "dịch vụ thang máy" vẫn cứ diễn ra một cách bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi không biết là Bệnh viện thu thêm được bao nhiêu tiền ở cái "dịch vụ thang máy" này trong một tháng, nhưng có một điều tôi dám chắc là Bệnh viện đã làm mất đi trong lòng những người đến bệnh viện một điều rất quan trọng và cần có ở tất cả các Bệnh viện, đó là chữ "Tâm" của những người làm bác sỹ. Có thể một số người sẽ cho rằng đây chỉ là "chuyện nhỏ" hay là sự "vô ý" của Bệnh viện. Nhưng với tôi thì "nếu bạn bỏ qua những chuyện nhỏ mà không làm thì chẳng bao giờ bạn có thể làm được một việc gì lớn", các bạn có đồng ý với tôi như vậy không ?

(Tp.HCM, 14-17/12/2005)