Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Viết vào ngày tang tóc ở cầu Cần Thơ


Ngày 26/9, một ngày định mệnh.

Một dự án xây dựng chiếc cầu với mục đích nối hai bờ Cần Thơ và Hậu Giang hứa hẹn sẽ đem lại sự thông thương mang tới sự phát triển kinh tế cho khu vực này.

Thế nhưng....ngày 26/9 định mệnh. Cầu Cần Thơ đang nối qua sông Hậu bất ngờ gãy, sập 2 nhịp phía Vĩnh Long, đã khiến người dân hai bờ Hậu Giang đau đớn. Tôi có thể hình dung sự hoảng loạn của những gia đình có người thân tham gia xây dựng cây cầu. Chỉ biết khóc và cầu nguyện bởi những người có khả năng cứu được thì đã được cứu ngay từ đầu. Số công nhân còn lại rất đông đang nằm chờ dưới những lớp bê tông lạnh lẽo và xám ngắt chờ đợi những phương án giải cứu....hy vọng không nhiều nhưng cũng chỉ biết hy vọng.



Sẽ không còn những mùa trung thu đoàn tụ. Chỉ còn nước mắt khóc chồng, khóc cha.
Ảnh: Phóng viên Báo Pháp Luật TPHCM tại Cần Thơ. (nguồn Blog BCH)

Tình người được thức tỉnh. Rất nhiều người đã sẵn sàng hiến máu để cứu nạn. Các cá nhân và tập thể sẵn sàng hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần. Sự chia sẻ về vật chất là cần thiết nhưng lạm dụng nó để quảng bá doanh nghiệp mình là một hành vi vô đạo đức. Tờ báo đăng tải nó còn vô đạo đức gấp nhiều lần, dù là vô ý. Bác sỹ là cần thiết nhưng sữa thì không.

Những mất mát về tình cảm của những gia đình có nạn nhân thì chẳng thể nào chia sẻ hết....Một người em tôi đang ở Cần Thơ đã phải chứng kiến những hình ảnh hãi hùng: "....nhìn sâu vào bên dưới đống đổ nát, chúng tôi nhìn thấy những bàn chân vẫn đang nhúc nhích, vài cánh tay cố bấu víu, như mong cho có ai nhìn thấy, để biết mình còn sống. Tôi nhìn thấy, nhiều người nhìn thấy, nhưng tất cả bất lực, và quặn lên từng cơn đau nhói, như có ai dùng kim chích lên tim mình. Lúc này, tôi mới thấu cái cảm giác, người chứng kiến người đang chết dần, đớn đau và khốn khổ đến mức nào! ....". Những hình ảnh và cảm giác này sẽ ám ảnh nó trong suốt cuộc đời làm báo !

Mới trước đó 01 ngày báo Tuổi Trẻ Tp.HCM đưa tin: "Thi công hai đường dẫn cầu Cần Thơ vẫn chậm", Bộ GTVT đã tiến hành sơ kết tiến độ thực hiện dự án cầu Cần Thơ, không một lời cảnh báo về chất lượng chỉ thấy nói tới tiến độ công trình. Các nhà thầu thi công được yêu cầu thúc đẩy nhanh việc thi công để kịp tiến độ thông xe vào năm 2008.

Với một công trình quốc gia như Cầu Cần Thơ, bảo hiểm là việc bắt buộc. Công trình này được bảo hiểm tài sản bởi 4 nhà bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Bảo hiểm Dầu Khí (PVI), Bảo Minh, PJICO và Bảo Việt Việt Nam. Thế nhưng theo Trung tâm Dữ liệu - Thông tin chuyên ngành bảo hiểm Việt Nam......"riêng bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm trách nhiệm chủ sử dụng lao động của nhà thầu chưa rõ thuộc trách nhiệm của hợp đồng với công ty bảo hiểm nào...." . Quả bóng trách nhiệm đã bắt đầu lăn.

Mọi chuyện sẽ qua đi. Một vài năm nữa mấy ai sẽ nhớ đến tai nạn thảm khốc này mỗi khi qua cầu Cần Thơ ?! Những gia đình có nạn nhân trong vụ tai nạn này sẽ sống như thế nào hay họ sẽ bị lãng quên như bao vụ tai nạn khác.....

Xin được chia sẻ nỗi đau đớn, mất mát lớn lao này với tất cả các gia đình nạn nhân. Xin được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các anh chị đã mất và cầu mong cho những người bị thương có thể sớm phục hồi.


Thứ Hai, 24 tháng 9, 2007

Tàu điện


Tự nhiên đọc cái bài viết trên báo Thanh Niên bỗng thấy nhớ tàu điện ngày xưa ở Hà Nội.

Thời đó tớ còn bé tí nhưng cũng đã may mắn được biết thế nào là tầu điện. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tàu điện là được một thằng bạn rủ đi lên Chợ Mơ mua cá chọi. Không có tiền thì sang nhà hàng xóm vay. Hai đứa nhảy tàu điện đi lên chợ Mơ mua cá. Mua cá chọi xong qua ra đi về thì gặp ngay bà mẹ nuôi đi làm về bắt gặp thằng bạn phải về trước, mẹ nuôi chở về nhà mẹ tắm rửa rồi đưa về nhà cho bố mẹ mình. Bữa đó bị một trận no đòn vì dám vay tiền hàng xóm !

Mãi đến sau này tớ cũng vẫn cứ băn khoăn, chả hiểu tại sao hồi đó Hà Nội là không dùng tàu điện nữa mà lại quay sang dùng xe buýt điện bánh hơi.

Tàu điện

Và chợt nảy ra cái ý tưởng: Bạn nào bây giờ mà có nhiều tiền thì làm cái mô hình thu nhỏ toàn bộ khu vực xung quanh Hồ Gươm (thời xưa ấy nhé) có tàu điện chạy xung quay kêu leng keng, có Bưu điện Bờ Hồ, có nhà hàng Bô đê ga, có Bách Hoá tổng hợp, có hiệu sách Quốc văn, có hàng kem 4 mùa….mà bán, thì khéo cũng được ối tiền đấy nhỉ ?

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2007

Đi mua Mũ bảo hiểm !


Hôm nay tớ đi mua MBH xe máy, có đi có nhìn mới thấy nhiều điều hay phết nhé!

Sáng ra, trước tiên là tớ lên mạng search xem phải mua MBH ở đâu cho gần với cq và chọn loại mũ định mua. Tất nhiên là tớ chọn Protec rồi vì chả gì thì nó cũng là thương hiệu được đảm bảo bởi uy tín và chất lượng (nghe nói là tạm ổn). Tớ đến thẳng trụ sở công ty ở Quận 1 và giật mình vì thấy một mảnh giấy A4 dán trên cổng với hàng chữ "Công ty sẽ hoạt động trở lại sau ngày 25/9/2007"….bó tay thật !

Thế mới biết chỉ trong vòng vài tháng qua Protec và chắc hẳn là các công ty sản xuất MBH khác đã đắt hàng đến mức nào….cứ gọi là "béo quay" nhé !



Tớ quay về và lượn lờ qua đường Huyền Trân Công Chúa tìm mua nhưng phải nói thẳng là hàng hoá không đa dạng nên chả biết chọn kiểu nào vì toàn mũ xấu mù….

Chiều lại lên mạng search để tìm….và lại tiếp tục lên đường. Chợt nhớ lúc sáng mình không chụp cái ảnh hàng chữ "ngưng hoạt động" kia thì thật là phí, thế là nhằm thẳng đến công ty Protec và đi thẳng vào. Một chị gái tiếp tân đi ra hỏi:

- Anh cần gì ?

- Dạ, em mua MBH rồi.

- Thế anh không nhìn thấy tờ giấy dán ngoài cửa à ?

- Vâng, em có thấy nhưng mà rõ ràng là công ty vẫn đang hoạt động mà???

- Hết hàng rồi anh ạ. Anh mua lẻ à ?

- Vâng ạ

- Thế thì anh chịu khó chạy ra 14 Phạm Hồng Thái dùm em nhé!

Ra Phạm Hồng Thái trông thấy đúng là cũng nhiều MBH thật nhưng chỉ là lừa mắt thôi chứ thực tế thì cũng chỉ có 2 -3 loạI của 2, 3 công ty liên doanh ở VN mà thôi. Không có nhiều để lựa chọn tớ đành mua 01 cái mũ cho mình và tất nhiên là 1 cái dành cho Cún (mẹ Cún thì cq có phát cho rồi nên tớ chẳng phải mua).

Về đến cq giở tờ báo ra đọc thì thấy những bài viết thuộc hàng vơ đét của báo chí hôm nay như "Khi Thứ trưởng Bộ Công an phải xuống xe điều khiển giao thông (Tiền Phong), "Chẳng còn bao năm nữa, xe xuống đường thì chỉ có xếp hàng?" (Thanh Niên), "Bản đồ 10 trọng điểm kẹt xe ở TP.HCM" (Pháp luật Tp.HCM)….hê hê. Kẹt xe thế này thì đi còn chả nổi chứ nói gì đến tai nạn nhể !

Kẹt xe trên đường Pasteur Trên đường Hoàng Minh Giám (công viên Gia Định) bị kẹt vào trưa 18-9 với hàng loạt xe buýt.

Chả phải tớ phản đối gì cái quy định bắt buộc đội MBH đâu nhé. Tớ hoàn toàn ủng hộ việc vận động mọi người cứ ra đường là đội MBH nhưng mà rõ ràng là có một bộ phận làm tham mưu cho Ttg đã không làm tốt công việc của mình. Nhớ lại mấy năm trước "phong trào" bắt buộc đội MBH rộ lên một thời gian rồi đâu lại vào đó và nếu lần này mà "quyết tâm" không đến nơi đến chốn chắc rằng luật nước sẽ "nhờn". Thế nên chắc chắn là sẽ phải thật thận trọng khi ra quyết định tiếp tục "bắt buộc" đội MBH. Hay làm con số đơn giản chỉ từ nay đến 15/12/2007 tất cả người điều khiển xe máy lưu thông trên đường đều phải đội MBH thì ít nhất phải cần đến 20 triệu MBH (tớ ước tính là 1/4 dân số VN cần phải đội MBH) trong một thời gian rất ngắn như vậy liệu có khả thi ? Chắc rằng tình trạng đối phó của dân chúng sẽ xảy ra …

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2007

Đội mũ bảo hiểm nào bà con ơi!

Tớ lấy cái này ở trang web: www.doimubaohiem.com về, bà con xem xong thì nhớ đi mua mũ bảo hiểm nhé ! Mai tớ cũng đi mua mũ đội làm gương nhẩy.....

Mô hình quả trứng


Hãy xem qua cuộc thử nghiệm rất thú vị với mô hình quả trứng này, các bạn sẽ thấy rằng đội mũ bảo hiểm là việc cực kỳ cần thiết!


Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2007

Đọc sách

Cả tuần rồi vớ được cuốn "Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận" hay quá cứ loay hoay với nó suốt, tự nhiên không hiểu sao mình bỗng trở thành người yêu khoa học mới chết chứ ! Hê hê...chả tin đâu. Nhưng đúng là thế giới khoa học trong cuốn sách này đã khiến mình thấy mình nhỏ bé thế nào, hãy nghe Trịnh Xuân Thuận nói về sự nhỏ nhoi của lịch sử của loài người so với vũ trụ nhé:

"Để chứng minh cho ông thấy sự nhỏ nhoi của lịch sử loài người so với lịch sử Vũ trụ, tôi xin giới thiệu với ông một lịch sử vũ trụ của Carl Sagan, trong đó 15 tỷ năm của Vũ trụ được nén lại còn 1 năm. Big Bang xảy ra vào ngày 1 tháng giêng. Sự hình thành Ngân Hà của chúng ta diễn ra vào ngày 1 tháng 4. Mãi đến ngày 9 tháng 9 hệ Mặt Trời mới được hình thành. Tế bào sống đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất vào ngày 25 tháng 9. Những hóa thạch cổ nhất (của vi khuẩn và tảo lam) có “niên đại” ngày 9 tháng 10. Giới tính được sáng chế bởi các vi sinh vật vào ngày 1 tháng 11. Toàn bộ quá trình tiến hóa tới con người diễn ra trong tháng cuối cùng trong năm. Những con cá và động vật có xương sống đầu tiên bước ra sân khấu ngày 19 tháng 12. Những con côn trùng đầu tiên xuất hiện ngày 21 tháng 12. Cây cối đầu tiên xuất hiện – ngày 23 tháng 12, những con khủng long đầu tiên – ngày 24 tháng 12, những động vật có vú đầu tiên – ngày 26 tháng 12, những con chim đầu tiên – ngày 27 tháng 12. Ngày 28 tháng 12 là ngày tận thế của khủng long, có lẽ là sau khi một thiên thạch đập vào Trái Đất làm tung lên một đám mây bụi khổng lồ, chặn hết ánh sáng mặt trời. Khi đó, bao trùm Trái Đất là sự lạnh giá ghê gớm, giết chết thực vật và các động vật ăn cỏ. Con người văn minh chỉ xuất hiện vào phút cuối cùng, ngày cuối cùng trong năm. Những bức tranh của Lascaux đã được thực hiện vào lúc 23 giờ 59 phút ngày 31 tháng 12. Nền văn minh Hy Lạp và sự phát triển thiên văn học chỉ ra đời vào 10 giây cuối cùng của năm, tức là vào lúc 23 giờ 59 phút 59 giây, trong khi đó Đức Phật và Chúa Giêsu chỉ xuất hiện vào 5 giây cuối cùng (ngày sinh chính xác của họ tương ứng là 23 giờ 59 phút 55 giây và 23 giờ 59 phút 56 giây ngày 31 tháng 12). Nền phục hưng của châu Âu và sự ra đời của khoa học xảy ra vào giây cuối cùng của năm và sự chinh phục không gian, sự tìm kiếm các sự sống khác trên các hành tinh khác và do trí tuệ là một con dao hai lưỡi, sự ý thức về tự hủy diệt mới được bừng tỉnh vào phần giây cuối cùng của năm. Vậy là ông đã thấy con người trở nên thật nhỏ bé cả trong thời gian..."

Đã có những ý kiến về một cuộc sống khác cùng lúc và bên cạnh với cuộc sống của con người hiện nay, ví như: Cuộc sống của con người là 60 năm (lấy số chẵn) thì cuộc sống của một con đom đóm chỉ trong có 1 đêm hay cuộc sống của những sinh vật nhỏ nhoi khác có khi chỉ tính bằng giờ, bằng phút hay bằng giây....và nó vẫn là một vòng đời đầy đủ. Nhờ cuốn sách này tớ được hiểu thêm về thời gian và không gian:

"Thời gian là một khái niệm rất sâu sắc và còn lâu mới có thể làm sáng tỏ được những bí mật của nó. Có nhiều loại thời gian. Với tư cách là con người tôi cảm nhận được thời gian tâm lý. Chúng ta cảm nhận thời gian này như nước của dòng sông đang chảy, nó xa dần những con sóng của quá khứ và tiến dần tới những ngọn sóng của tương lai, người mang lại hy vọng và hứa hẹn còn đang tới. Quá khứ đã qua không thể còn thay đổi được nữa, trong khi tương lai còn có thể tạo dựng bằng những hành động của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cảm thấy sự trôi qua của thời gian, đó là chuyển động của nó đối với ý thức bất động của chúng ta. Tuy nhiên, nói về thời gian chuyển động là không có ý nghĩa đối với nhà vật lý hoặc vật lý thiên văn. Nếu thời gian là chuyển động thì vận tốc của nó bằng bao nhiêu? Một câu hỏi hiển nhiên là vô lý. Mặt khác, lý thuyết của Einstein đã làm nổ tung những khái niệm cổ điển về quá khứ và tương lai. Einstein đã làm sụp đổ tan tành tính phổ quát của thời gian. Ông dạy chúng ta rằng quá khứ của một người có thể là hiện tại của một người khác hoặc còn là tương lai của người thứ ba...."

Hãy nghe Trịnh Xuân Thuận giải thích về thời gian:

"Đây là vấn đề về hướng của thời gian. Tôi vừa nói với ông về thời gian tâm lý luôn luôn trôi về phía trước. Tất cả chúg ta đều bị chi phối bởi mũi tên đó của thời gian, nó nhất thiết sẽ dẫn chúng ta từ chiếc nôi tới nấm mồ và gây ra nỗi ám ảnh về cái chết của mỗi chúng ta. Đứa bé sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Không ai có thể làm dừng hoặc đảo ngược được dòng chảy của thời gian tâm lý. Nó là bất thuận nghịch.
Tính bất thuận nghịch này cũng được tìm thấy trong thế giới vĩ mô bao quanh chúng ta và bị chi phối bởi cái mà người ta gọi là thời gian nhiệt động học. Nhiệt động học là khoa học nghiên cứu về các tính chất của nhiệt. Trong thế giới vĩ mô, các sự kiện diễn ra theo một chiều duy nhất. Một cốc trà nóng để trên bàn sẽ nguội dần. Một mẩu nước đá sẽ tan dưới ánh nắng mặt trời. Một nhà thờ bỏ hoang sẽ dần đổ nát. Một chiếc cốc thủy tinh rơi xuống đất sẽ vỡ thành trăm mảnh. Đó là những tình huống trong cuộc sống hàng ngày mang trong chúng chiều của thời gian. Bạn sẽ không bao giờ thấy một cốc trà tự động hâm nóng trở lại, nước tự động đóng thành băng dưới nắng mặt trời, đống đổ nát tự dưng lại thành ngôi nhà thờ mỹ lệ, cũng như những mảnh cốc vỡ tự lắp lại thành chiếc cốc nguyên vẹn.
Hướng của thời gian nhiệt động được áp đặt bởi cái gọi là nguyên lý hai nhiệt động học, nó nói rằng mức độ hỗn loạn (cái mà các nhà vật lý gọi là entropy) luôn luôn tăng. Mọi vật sẽ luôn luôn bị xuống cấp. Chúng sẽ hao mòn theo thời gian. Những ngôi nhà sẽ hư hỏng và các bông hồng sẽ tàn phai. Thời gian nhiệt động này trôi cùng chiều với thời gian nhiệt động: nó hướng tới sự hao mòn và chết chóc. Ông có thể cãi lại rằng nguyên lý cho rằng tất cả đều hướng tới sự hỗn độn là trái với sự tiến hóa của Vũ trụ đi từ Big Bang tới chính chúng ta, tức là đi từ trạng thái hỗn độn (Vũ trụ ở lúc khởi đầu của nó là món súp đồng nhất của bức xạ và các hạt sơ cấp) tới một trạng thái có tổ chức cực cao là bộ óc của con người có khả năng hiểu được sự tuyệt đẹp của Vũ trụ và biết đặt những câu hỏi về nguồn gốc và lịch sử của nó. Thực tế, nguyên lý hai của nhiệt động học không hề cấm đoán một góc nào đó trong Vũ trụ có trật tự xuất hiện miễn là ở những nơi khác sự mất trật tự lớn hơn được tạo ra để bù trừ cho trật tự đó. Chẳng hạn, để tạo ra sự sống trên Trái Đất, cần phải có năng lượng của Mặt Trời. Nhưng, Mặt Trời khi phát ánh sáng nóng vào không gian giá lạnh giữa các vì sao lại đã tạo ra sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn này là lớn hơn sự trật tự cần thiết cho việc xuất hiện của sự sống và ý thức, sao cho tổng kết lại sự hỗn loạn vẫn là tăng.
Có một chiều thứ ba của thời gian do sự giãn nở của Vũ trụ mang đến cho chúng ta. Đó là thời gian Vũ trụ. Hướng của thời gian này được xác định bởi thực tế là Vũ trụ đi từ nhỏ hơn tới lớn hơn, các thiên hà ngày càng chạy ra xa nhau. Mối liên hệ giữa thời gian vũ trụ, thời gian tâm lý và thời gian nhiệt động không phải là đã được hiểu rõ ngọn ngành. Nhiều câu hỏi vẫn còn được đặt ra. Chúng ta hiện vẫn chưa biết liệu Vũ trụ có giãn nở vĩnh viễn hay không. Giả sử rằng có đủ vật chất để làm đảo ngược hướng chuyển động giãn nở của Vũ trụ. Các thiên hà thay vì chạy ra xa nhau lại tiến đến gần nhau. Thử hỏi lúc đó thời gian Vũ trụ có đảo chiều hay không? Và cả thời gian nhiệt động nữa? Liệu đống đất đá lổn nhổn có tự biến thành một nhà thời tráng lệ hay không? Rồi thời gian tâm lý nữa? Liệu bộ não của chúng ta có trí nhớ về tương lai thay vì về quá khứ hay không? Và nếu tất cả các quá trình trong não đều đảo ngược, thì các cư dân sống trong Vũ trụ đang co lại có còn cảm thấy Vũ trụ đang giãn nở không? Hiện nay, tất cả những câu hỏi đó vẫn còn chưa có câu trả lời...."

Ôi đúng là bắt đầu phức tạp rồi đây, dừng ở đây thôi nhé, không thì lại đau đầu....

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2007

Vớ vẩn...

Rảnh việc đếch biết làm gì thì viết blog chơi....

Gạ gẫm một ông anh ở tờ báo nọ nêu vấn đề "có thể kiện" báo chí đưa tin sai sự thật về vụ Bưởi gây ung thư làm thiệt hại cho bà con nông dân nhà ta....Ông anh bảo "ngại" sợ đụng chạm sau này chúng nó soi lại mình....hê hê. Thôi thì anh ngại thì tùy anh vậy....

Một thằng em nhảy vào chát chít rủ rê chiều làm vài ve....hì. Để anh xin phép vợ đã nhé ! Anh là cứ phải cẩn thận "nhất con gái nhì đến vợ"....em thông cảm nhé

Chú em đặt câu đố rằng:

Sáu chục người ta sức mỏi mòn
Riêng cụ cứ thích nhảy lon ton
Hết hậu rồi hoa phung phí sức
Tuổi già sao cứ chén gái son
Tăng tốc vui chơi bù quá khứ
Chẳng dè gân cốt đã hao mòn
Ngày mai có cuộc thi hoa hậu
Hỏi rằng xăng nhớt hết hay còn?!

Đố anh biết là ai ??? Chịu thôi, chú đố thế thì anh đoán thế quái nào được

Lại còn cho biết bài thơ này Nguyên tác là của cụ Nguyễn Du (Miếu Thờ Mã Phục Ba Ở Giáp Thành).

Sáu chục người ta sức mỏi mòn,
Riêng ông yên giáp nhảy bon bon.
Được lời vua chúa cười là thích,
Quên nỗi anh em thấy cũng buồn.
Những tưởng cột đồng lòe gái Việt,
Chẳng dè xe ngọc lụy tàn con.
Đài mây tên họ sao không để,
Cúng tế Phương Nam chết vẫn bòn.

Úi giời! Phục lăn...Giờ mới biết ông em có cả tài phóng tác thơ nữa đấy !


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

Babel - Câu chuyện đa ngôn ngữ


Ông Abdullah quyết định mua súng. Là người chăn thả gia súc tại vùng núi đìu hiu ở Morocco, Abdullah muốn có một khẩu súng để bắn lũ chó rừng lởn vởn quanh bầy dê của ông. Lão Hassan bán cho người bạn láng giềng khẩu súng săn với giá hời. Trước khi lên đường ra tỉnh, Abdullah trao súng cho Ahmed và Yussef, dặn các con nhớ trông chừng đàn dê. Cậu anh khù khờ, cậu em tinh quái, giỏi bắn súng lẫn nhìn trộm con bé Zohra thay đồ. Hai thằng nhỏ lùa bầy đàn lên núi. Chúng thách nhau nã đạn vào mục tiêu di động, Yussef dương súng ngắm bắn chiếc xe chở du khách đang bon bon trên đường đèo...

Vợ chồng Richard - Susan đi tour du lịch, giao phó Mike và Debbie cho bà vú Amelia người Mexico trông giữ. Đặt chân đến Morocco, Susan trách chồng đưa chị đến chốn này. Một đất nước nghèo nàn và kém vệ sinh, đến nước đá của họ chị cũng không dám uống. Xe chở du khách băng qua đồi núi heo hút. Một phát súng nổ vang, viên đạn đâm xuyên cửa kính cắm vào cổ Susan. Máu ướt đẫm vạt áo của chị, Richard hoảng loạn ôm lấy vợ đang lả dần. Cả xe náo loạn. Quanh vùng không có bệnh viện, tài xế phóng xe vào một ngôi làng, tìm người cấp cứu nạn nhân. Cư dân địa phương đứng nhìn các vị khách không mời, ánh mắt e dè từ hai phía. Richard bế vợ đến nhà bà lang, Susan bấu chặt chồng, chị sợ lắm khi bàn tay bà ấy đụng vào người. Tạm cầm máu cho vợ, Richard gọi điện cầu cứu. Người phiên dịch Ả Rập hết lòng giúp đỡ anh...

Bà Amelia khấn Chúa phù hộ cho vợ chồng nhà chủ tai qua nạn khỏi. Em gái đã ngủ, Mike nói chuyện với cha qua điện thoại, cậu bé muốn cha yên lòng ở bên mẹ, nó đã 8 tuổi rồi... Điều bận tâm nhất của bà Amelia là hai đứa nhỏ, không biết nhờ ai trông chúng chỉ một ngày thôi, để bà về Mexico làm đám cưới cho con trai ? Chẳng còn cách nào khác, bà Amelia đưa hai đứa trẻ rời San Diego sang Mexico dự đám cưới bằng chiếc xe do cậu cháu Santiago cầm lái. Anh em Mike - Debbie được bữa vui chơi thỏa thích ở xứ lạ. Trời xẩm tối, bà mẹ vội vàng tạm biệt dâu con, dục Santiago trở về Mỹ, ngày mai hai đứa bé phải đến trường. Tại cửa khẩu biên giới, lực lượng an ninh Mỹ kiểm soát gắt gao người đến từ bên kia. Đối với họ, tất tật dân Mễ đều đáng ngờ. Chẳng có ma túy hay một thứ gì phạm pháp, nhưng Santiago có uống chút bia. Cảnh sát buộc kẻ "có vấn đề" đưa xe vào khu vực tạm giữ... Lợi dụng sơ hở, Santiago nhấn ga bỏ chạy. Người ta huy động lực lượng vây bắt. Mặc bà dì van nài và hai đứa trẻ kêu khóc, chàng trai lao xe vào hoang mạc lẩn trốn. Đến quãng vắng, Santiago bảo dì đưa chúng xuống, để anh đánh lạc hướng công lực, sẽ quay lại đón sau...

Tokyo, nước Nhật, Chieko là học sinh câm điếc, ngấp nghé ngưỡng cửa cuộc đời, cô bé buồn lắm. Mẹ tự tử chết, cha bận bịu công việc, Chieko khao khát tình yêu và muốn nếm trải tình dục. Các chàng trai khi biết cô không nói được, họ lảng tránh thật xa. Cô đơn trong thế giới người câm, Chieko gạ gẫm người lớn tuổi... Cảnh sát tìm ông Yasujiro, cha của Chieko, cô bé nghĩ liên quan đến cái chết của mẹ. Cha đi vắng, họ để lại tấm card. Chieko thích viên thanh tra nọ, cô gọi điện cho Mamiya... Anh ta không kiềm chế nổi bản thân. Sau cuộc thử nghiệm xác thịt đầu đời, Chieko dúi vào tay Mamiya một lá thư và trần truồng đứng ngoài ban công. Thành phố đêm rực rỡ ánh đèn, nhưng không có chỗ cho người như cô bé. Phía dưới là khoảng không thăm thẳm...

Người Mỹ bảo khủng bố giết hại du khách. Hassan bị bắt, khai ra xuất xứ của khẩu súng và người đang sở hữu nó. Ba cha con Abdullah bị cảnh sát bao vây, đạn bắn xối xả về phía họ, những viên đạn không có mắt. Đám du khách Mỹ bỏ mặc đồng bào chạy khỏi cái làng Ả Rập tiềm ẩn nhiều bất trắc. Richard nỗ lực cứu vợ bằng mọi giá, Susan được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Ba bà cháu Amelia lạc lối giữa hoang mạc cháy nắng, đói khát và kiệt sức. Debbie mê man, Amelia tuyệt vọng dặn Mike trông em để bà đi tìm người trợ giúp, cậu bé khóc vì sợ hãi. Bước chân người đàn bà Mexico ghập ghềnh trên con đường sỏi đá, nắng chói chang trên đầu. Thanh tra Mamiya gặp Yasujiro, anh hỏi về khẩu súng ông tặng cho gã Morocco trong chuyến đi săn ở Bắc Phi....

Tháp Babel là một biểu tượng trong Kinh Thánh, nơi xảy ra mâu thuẫn giữa những con người ở các tầng cư trú chỉ vì không hiểu ngôn ngữ của nhau. Nói rộng ra: Sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, tín ngưỡng là một trong nguyên nhân chính đẩy loài người vào các cuộc xung đột, đối kháng triền miên trong lịch sử. Brad Pitt trong vai Richard thể hiện xuất sắc hình ảnh người chồng lồng lộn giành giật vợ khỏi lưới hái tử thần. Nữ diễn viên Adriana Barraza sắm vai bà Amelia để lại ấn tượng thật xúc động. Còn cậu bé Boubker Ait El Caid thủ vai Yussef xứng đáng nhận được lời khen bởi diễn xuất đầy cá tính. Phim khá hay, mang thông điệp "toàn cầu" về tính nhân bản.

Câu chuyện trải dài ba châu lục, bốn quốc gia và... 5 ngôn ngữ. Ta có thể khẳng định như vậy vì ngôn ngữ của người câm đóng một vai trò đáng kể trong phim. Người phương Tây lạ lẫm với thế giới Hồi giáo, họ thích du lịch các vùng đất hoang sơ nhưng mang theo không ít định kiến về cư dân bản địa. Vậy mà khi gặp sự cố, các "đồng bào" văn minh chẳng giúp gì nhau, còn bỏ mặc người bị nạn "sống chết mặc bay", thân ta ta chạy. Chính những người địa phương "dơ bẩn, lạc hậu" đã duy trì sự sống của nạn nhân trước khi có phương tiện cấp cứu. Ông thợ săn Nhật Bản tặng khẩu súng săn để bày tỏ tấm lòng hữu hảo, mà không lường nổi ở chốn rừng núi hoang vu vũ khí được sử dụng tùy tiện lại chẳng chịu sự kiểm soát của chính quyền. Khẩu súng lọt vào tay hai đứa trẻ trở thành món đồ chơi nguy hiểm. Lòng tốt thể hiện không đúng chỗ, đó là tai họa. Trong con mắt lực lượng bảo vệ biên giới nước Mỹ, người nói tiếng Tây Ban Nha, đến từ đất nước kề bên là đối tượng phải dè chừng. Sự phân biệt đối xử dẫn đến hậu quả khôn lường, người ta cần truy bắt "tội phạm" hơn là truy tìm mấy em bé mất tích. Người câm lạc loài giữa lòng dân tộc của họ, đây là một tầng ngôn ngữ đặc biệt tồn tại trong mỗi xã hội, mỗi quốc gia.

Một sự tắc trách nhỏ nhoi có sức lan tỏa theo chiều hướng tiêu cực khắp năm châu bốn biển ? Đó là điều có thể. Loài người là một thể thống nhất với nhiều bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo, chịu tác động chi phối, giao thoa chồng chéo trong môi trường sống chung là trái đất. Muốn xóa nhòa mọi khoảng cách về họ là chuyện không nên và ảo tưởng, song nhân loại sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu chúng ta cảm thông, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Bộ phim kết thúc với mấy câu hỏi không có lời giải. Số phận hai anh em người Morocco ? Lá thư cô gái câm gửi viên cảnh sát ? Tính mạng hai đứa trẻ người Mỹ trên hoang mạc ? Sự lơ lửng của các phận người tựa như nhân loại đã, đang và sẽ còn lơ lửng trong cái tháp Babel mà chưa tìm ra con đường ngắn nhất để hóa giải mâu thuẫn.

(Nguồn: ConfidantVCD)

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2007

Bứt lá cho mẹ gội đầu


Mẹ có mái tóc dài óng ả và thật đẹp. Sáng sáng, mẹ phải mất rất nhiều thời gian chải tóc. Mỗi lần như thế, Người đều phải đứng lên một cái ghế cao để cho tóc khỏi quét đất. Chị em tôi thì có thói quen chờ xin những mớ tóc rụng mang đi đốt, tiếng tóc cháy nghe xèo xèo vui tai. Vài ba ngày mẹ lại gội đầu một lần và đó quả là một “sự kiện trọng đại”. Chị em tôi được giao nhiệm vụ phơi một xoong nước ngoài trời nắng để khi đun nước chóng sôi. Rồi chúng tôi được biệt phái đi khắp các mảnh vườn trong làng để tìm hái lá sả, lá bưởi, hương nhu, mần tưới, mần trầu... những hương liệu không thể thiếu của một xoong nước gội đầu. Ăn cơm trưa xong, mẹ bắt đầu đi đun nước gội đầu với đầy đủ những thứ mà chúng tôi đã dày công tìm kiếm từ sáng sớm. Đun sôi xoong nước, mẹ ấp vào bếp một nắm trấu hoặc mùn rơm, ủ ở đó rồi tiếp tục đi làm công việc đồng áng hoặc dọn dẹp nhà cửa. Mẹ chỉ gội đầu khi trời đã hoàn toàn tắt nắng.

Gội đầu xong, bao giờ mẹ cũng phải “vắt” tóc bằng cách nắm lấy cả suối tóc dài óng mượt ấy mà quay vèo vèo trong không khí cho những hạt nước còn lại trong đó văng ra ngoài để tóc chóng khô. Những lúc ấy, thế nào chị em tôi cũng chia nhau đứng hai bên để được nghe những tiếng tóc kêu vun vút ngồ ngộ và cũng là để được tận hưởng những hạt bụi nước (mà chúng tôi vẫn ví là những hạt ngọc trời ban) nhỏ li ti, mát rượi ấy mơn man khắp mình mẩy. Đã có lần chúng tôi còn cá với nhau xem ai được “trời yêu mến ban cho nhiều ngọc quý” và nhờ mẹ phân xử. Mẹ nhìn hai đứa, cười thật hiền rồi nhẹ nhàng bảo: “Bao giờ mẹ cũng nghiêng về bên trái (phía tôi đứng) nhiều hơn và quất tóc mạnh hơn nên cậu ấm chắc chắn là luôn được nhiều “ngọc” hơn chị Thanh rồi!”. Chỉ chờ có thế, tôi cười vênh váo và lấy làm tự hào với điều kì diệu ấy lắm! Ăn cơm tối xong, mẹ lại cho chị em tôi ra đường làng hóng mát và hong tóc. Những hôm trời tạnh gió, mẹ trải chiếu ra sân ngồi, vừa kể chuyện cho chị em tôi nghe, vừa quạt cho khô mái tóc; chúng tôi nằm gối đầu lên đùi mẹ rồi dần chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Nhiều năm sau này, hàng loạt loại dầu gội, dầu xả v.v. thi nhau xuất hiện, nhưng cũng chưa một lần mẹ chia tay với xoong nước gội đầu thuần khiết của mình. Những năm cuối đời, mẹ mắc căn bệnh ung thư quái ác ; mái tóc dài óng ả cứ thưa dần... Mỗi khi ngồi chải tóc cho mẹ, chúng tôi không còn thói quen xin tóc rụng mang đi đốt nữa; chị lặng lẽ dấu bớt đi những mớ tóc rụng ngày một nhiều để mong mẹ đỡ buồn...

Bây giờ, cuộc sống xô bồ hơn, gấp gáp hơn; chị tôi, bạn gái tôi, không ai còn đi đun nước gội đầu như mẹ nữa. Nhớ về mẹ hay mỗi khi thấy lòng trộn trạo, tôi lại thèm đến nao lòng được trở về mái nhà xưa để đi dạo quanh mảnh vườn quen thuộc, nhìn ngắm lại mỗi loài cây, thứ lá năm xưa. Tôi biết, từ ngày mẹ mất, bố vẫn để chúng mọc um tùm khắp vườn...