Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu?

Đọc bài Rate cut II trên blog của bác Lê Hồng Giang, vòng qua blog Cavenui mới chợt nhớ ra là mình còn nợ bác Cavenui một câu trả lời. Chuyên môn chính của mình thì chắc chắn không phải là kinh tế và cá nhân mình không phải là doanh nhân. Dù chưa hỏi doanh nhân nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và sắp tới nhưng mình đã được ngồi nói chuyện về tình hình kinh tế của Việt Nam với một (01) chuyên gia kinh tế có uy tín của Việt Nam và hiện ở Việt Nam. Ghi chép dưới đây là để trả nợ bác Cavenui:

Tình hình kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng rất xấu. Có thể ví kinh tế Việt Nam hiện nay giống như một căn bệnh trong xương tủy, đến lúc nào đó khi có điều kiện bên ngoài thích hợp thì sẽ bộc lộ hết ra. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ đã được đưa ra với 3 vấn đề ưu tiên: tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Về cơ bản đó là những bước đi đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vấp phải 2 vấn đề rất lớn:

Thứ nhất là các chương trình tái cơ cấu trên được thực hiện quá gấp gáp. Từ cuối 2008, Thủ tướng đã giao cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì và dự thảo chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tháng 3/2009, dự thảo chương trình đã hoàn thành và nộp lên Bộ Kế hoạch Đầu tư để trình cho Chính phủ nhưng không nhận được phản hồi. Đến tháng 9/2011, chính phủ lại giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng điểm là đầu tư công; Giao cho Bộ Tài Chính cùng với Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước xây dựng Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng. Từ 03 đề án trên, Chính phủ sẽ tổng hợp thành một đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc Chính phủ giao cho các bộ, ngành trên xây dựng đề án tái cơ cấu đã sai về mặt nguyên tắc bởi sự xung đột trực tiếp về lợi ích.

Thứ hai là cả 3 đề án tái cơ cấu trên không có sự phối hợp với nhau. Ngân hàng, doanh nghiệp và đầu tư công là 3 đỉnh của một tam giác kinh tế nên liên hệ cực kỳ chặt chẽ với nhau. Nếu cải cách được Ngân hàng thì sẽ hỗ trợ lại cho đầu tư công và cũng sẽ hỗ trợ cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Khi nghiên cứu kỹ 3 đề án tái cơ cấu, các chuyên gia thấy 3 cách làm đi theo 3 hướng khác nhau. Do vậy, nếu không có một sự điều phối mạnh (trên thực tế đến giờ là chưa có) thì chắc chắn việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sẽ không đi đến đâu cả.

Đứng về góc độ cơ bản của kinh tế học thì căn bệnh của kinh tế Việt Nam đã ăn sâu vào trong xương tủy. Nhưng những công việc đề ra trong 3 đề án tái cơ cấu nếu làm tốt cũng mới chỉ giải quyết được bề nổi, chưa có phương án nào đi sâu giải quyết căn bệnh của nền kinh tế. Vì vậy, 3 đề án tái cấu trúc thực sự chỉ có một tác dụng nào đó và trong thời gian ngắn mà thôi. Chẳng hạn trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: giải pháp duy nhất mà đề án này đưa ra là cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Với cách làm như vậy thì căn bệnh của các Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nguyên và đó không phải là tái cơ cấu. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải làm thế nào để các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả.

Đó là những nội dung chính liên quan tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trong đề án đã không "động chạm" tới. Và nếu không giải quyết được những nội dung căn bản đó thì câu chuyện tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước sẽ không có hiệu quả thực sự. Một trong những biện pháp đáng lẽ ra cần phải làm từ rất lâu là niêm yết tất cả các doanh nghiệp Nhà nước trên thị trường đại chúng. Nhà nước vẫn sở hữu 100% nhưng các doanh nghiệp này phải được chuyển thành các công ty đại chúng và đặt các doanh nghiệp này trong một môi trường hoạt động công khai minh bạch. Đây chính là một trong những cơ chế giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tương tự như thế đối với đầu tư công và với cải cách hệ thống ngân hàng.

Một điều rất quan trọng là phân định cho rõ, phân biệt giữa triệu chứng và nguyên nhân cơ bản. Đọc báo sẽ thấy thông tin nói thanh khoản ngân hàng có vấn đề, những biểu hiện của nó như lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cao, hoặc là các ngân hàng không cho nhau vay, hoặc là sức ép để đẩy lãi suất lên ở thị trường tín dụng giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng với người tiêu dùng….Các dấu hiệu trên có thể diễn giải theo 2 cách: một là thuần túy chỉ là thiếu thanh khoản, hai là mất khả năng thanh toán. Nếu như thiếu thanh khoản thì chỉ cần hỗ trợ thanh khoản là hết bệnh. Còn mất khả năng thanh toán tức là về cơ bản kỹ thuật là phá sản rồi, tức là khi bán hết tất cả các tài sản cũng không đủ để trả các nghĩa vụ nợ. Khi mất khả năng thanh toán, các ngân hàng cũng phải đi vơ vét trên thị trường làm cho lãi suất lên, làm cho thị trường trở nên cạn kiệt thanh khoản, nên biểu hiện bề mặt giống như thiếu thanh khoản nhưng thực tế chính là không còn khả năng thanh toán. Với tình hình hiện nay thì các ngân hàng thực ra đã phá sản về mặt kỹ thuật hay là mất khả năng thanh toán nhiều hơn là thiếu thanh khoản. Nếu chỉ chẩn bệnh là thiếu thanh khoản sẽ kê đơn sai. Vì vậy, có thể nói các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện mới dừng ở bề mặt. Việc sát nhập một số ngân hàng hiện nay đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo cơ chế hành chính chứ không phải theo cơ chế thị trường. Khi Nhà nước đã tiến hành sát nhập, đã tham gia tiếp quản tức là Nhà nước sẽ lấy lại sở hữu và đứng ra giao cho một ngân hàng nào đó đứng ra tiếp quản coi như sở hữu nhà nước. Sau một thời gian tổ chức lại, thay đổi hệ thống quản trị và phương thức kinh doanh cho hiệu quả thì phải đưa lên đưa lên thị trường chứng khoán và bán cổ phần để lấy lại số tiền đã bỏ ra để đưa vào công quỹ mới đúng là cơ chế thị trường. Đó chính là hoạt động mua bán tài chính nhằm ổn định thị trường.

Thực tiễn ở Việt Nam đã có những kinh nghiệm để cải cách thành công với một ví dụ điển hình là lĩnh vực Viễn thông. Thời kỳ đầu tiên là sự độc quyền của VNPT (Vinaphone và Mobile phone) sau đó chỉ với sự tham gia thị trường của một công ty rất nhỏ như S Fone đã làm thay đổi thị trường bởi khi vào thì làm nóng lại thị trường, vì họ đưa ra những mức giá mà VNPT không thể nào mà định giá quá cao khi bán hàng nên đã tạo ra cạnh tranh. Hiện nay thị trường viễn thông cơ bản còn lại VNPT và Viettel, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có Beeline, có SPT, có GTel, có EVN Telecom, S Fone….Điều đó có nghĩa là vấn đề không thuần túy chỉ là sở hữu, hay vẫn là sở hữu 100% vốn Nhà nước nhưng mà cước viễn thông đã rẻ đi rất nhiều, chất lượng cao hơn rất nhiều, độ bao phủ rộng hơn rất nhiều. Nói cách khác, nếu như có áp lực cạnh tranh (ngay cả đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước) thì hoạt động kinh doanh mới thực sự có hiệu quả.

Ở một khía cạnh khác, tưởng là giống như lĩnh vực viễn thông nhưng về bản chất rất khác, đó là ngành điện. Hiện nay Petro Việt Nam chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng điện của cả nước trong đó chủ yếu là từ sản xuất điện khí. Nhưng EVN vẫn được giữ độc quyền hoàn toàn, độc quyền từ đường trục truyền tải điện cho đến khâu mua bán điện. Nếu bây giờ Nhà nước tạo ra sự cạnh tranh với nhau thì chắc chắn ngành điện Việt Nam sẽ phát triển hơn hiện nay rất nhiều. Mặc dù đã có đề án tách hệ thống sản xuất, truyền tải và kinh doanh điện nhưng tôi tin rằng cũng sẽ không đi đến đâu bởi trong đề án này thì Công ty mua bán và điều phối điện vẫn trực thuộc EVN. Tức là EVN vẫn là nơi quyết định mua điện của ai. Muốn thực sự tạo ra sự cạnh tranh thì Công ty mua bán điện phải độc lập, khi mà Công ty mua bán điện vẫn trực thuộc EVN thì chắc chắn Công ty này sẽ ưu tiên mua điện của EVN chứ không phải các doanh nghiệp sản xuất điện khác, chỉ khi nào rất thiếu mới mua của doanh nghiệp khác. Và như vậy thì hoàn toàn không có cạnh tranh lành mạnh.

Nhà nước thường nói các doanh nghiệp ngành điện, ngành than hay các doanh nghiệp Nhà nước chủ chốt khác đang hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng trên thực tế thì không như vậy, đó là kinh doanh độc quyền có điều tiết của Nhà nước. Và khi kinh doanh độc quyền có sự điều tiết của Nhà nước thì vấn đề quan trọng nhất là thông tin phải minh bạch, ít nhất là với cơ quan điều tiết, chứ không nhất thiết đối với tất cả người dân. Thứ 2, trong các khâu của hoạt động kinh doanh độc quyền ấy không phải khâu nào nhất thiết cũng phải nhà nước nắm giữ. Chẳng hạn một khâu quan trọng trong ngành điện như trục truyền tải quốc gia, việc có 02, 03 trục truyền tải thì sẽ rất lãng phí. Chỉ cần một trục truyền tải, nhưng 2 khâu còn lại là sản xuất điện và kinh doanh điện thì hoàn toàn có thể xã hội hóa. Thứ 3, phải có một cơ quan điều tiết độc lập chứ không thể gắn cơ quan điều tiết đó với nhóm lợi ích.

Một cách tổng quan nhất là không hy vọng vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam có thể được giải quyết bởi 3 chương trình tái cơ cấu này và sẽ vẫn không thể giải quyết được bởi không có một thủ lĩnh và một quyết tâm rất mạnh mẽ để giải quyết.

* update có bổ sung lúc 16h15. Title là do tớ tự đặt :)

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Về cừu

Bài này là của Admin trang Lacai.org post trên Note của Facebook. Tớ đem về đây để ngẫm về cái sự "cừu" của chính mình :).

Về cừu

(Nhân xem Kony 2012, Việt Gốt Te Lần và những thứ khác.)

Không, cái các bạn cần lúc này không phải lòng tin. Các bạn cần phải tỉnh táo. Các bạn cần phải biết nghi ngờ.

Các bạn ngoan ngoãn như những con cừu, tội nghiệp như những con cừu. Các bạn bị tẩy não từ khi mới sinh ra, các bạn nhầm lẫn giữa chính quyền và đất nước, giữa con người và thần thánh. Đó không phải là lỗi của các bạn. Khi các bạn lớn lên một chút, các bạn đọc những thông tin trái ngược từ Dân Luận, Dân Làm Báo, Ít Xì Cà Phê các loại, các bạn như nghe tiếng sét giữa trời quang, các bạn lăn lộn đau đớn vì bị người ta lừa dối. Từ đó các bạn quay sang đả kích Đảng, đả kích chính quyền, đả kích cộng sản, đả kích Các Mác và Lê Nin và Xít Ta Lin và Mao Trạch Đông, các bạn hô hào “Bọn giết người, bọn đồ tể, quân sát nhân uống máu không tanh,” các bạn đem Thiên An Môn và cách mạng văn hóa và cải cách ruộng đất làm nhiên liệu, các bạn nghiến răng nhắm mắt mà căm phẫn mà hận thù. Lúc ấy, những con người từ nhỏ các bạn được dạy phải căm thù lại trở thành tia sáng chỉ đường cho các bạn, mỗi lời người ta nói ra các bạn xem như là sấm truyền. Những thần thánh tuổi ấu thơ của các bạn lại trở thành thằng hề, họ làm gì các bạn cũng thấy đạo đức giả, ngu xuẩn, độc ác, vô lại. Các bạn từ một cái chuồng cừu này chạy sang một cái chuồng cừu nọ, miệng be be, đầu hí hửng nghĩ mình được mở mang, đã sáng rõ, đã được mặt trời chân lí chiếu văng chim. Nhưng thật ra, các bạn vẫn là cừu. Cừu đi bên trái hay cừu đi bên phải cũng vẫn chỉ là cừu mà thôi.

Các bạn nghĩ, từ xưa đến nay, ai là những người có đức tin lớn nhất? Các bạn tưởng ông John Lennon ổng hát bài Imagine là ổng tin sao? Nhầm. Ổng còn không tin vào Beatles, ổng nói ổng chỉ tin vào ổng và Yoko. Đó là ổng nói vậy, nhưng tôi cũng không tin ổng nốt. Tôi nghĩ ổng còn không tin vào Yoko nữa kia. Làm sao ổng có thể tin vào một người nào khác ngoài ổng ra? Các bạn nghĩ Trịnh Công Sơn tin sao? Chỉ vì ổng uống nước mắm để trốn bị động viên, trốn hết chỗ này đến chỗ kia, để viết “Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi?” Thật là hài hước. Những người có đức tin lớn nhất chính là những người đã xây nhà thờ, xây chùa chiền miếu mạo, những người sì sụp lạy cái cây bị sét đánh, những người mặt mày nghiêm trọng mà đồn nhau là có người đi được trên nước và chữa bệnh băng huyết, những người ném đá vào đàn bà có chửa, những người mang củi và châm lửa đốt cái ông bảo trái đất hình tròn và quay điên cuồng xung quanh mặt trời, những người tình nguyện ngồi vào máy bay tiêm kích thực hiện kamikaze, những người đã hi-jack thành công và lái chiếc máy bay đâm vào tòa tháp. Chính vì cái lòng tin ngu xuẩn ấy mà có chiến tranh, có thập tự chinh, có bom nguyên tử, có phát xít, có đồng minh, có hội nhóm cánh hẩu, có tất cả những thứ ghê tởm nhất trên thế giới này.

Các bạn xem một cái video 30 phút, các bạn khóc tu tu và trở thành nhà hoạt động xã hội năng nổ, các bạn hô “Hãy bắt Kony và đưa ra ánh sáng ôi ánh sáng ánh sáng của ta,” mặc dù hắn đã biến mất tăm từ rất lâu rồi, nay chỉ tồn tại như một con cờ chính trị, lẫn giữa dầu mỏ và hầm bà lằng các thứ khác. Các bạn xem Việt Nam Te Lần, các bạn chửi bới rủa xả con bé mười lăm tuổi không ra gì, các bạn bảo nó là đồ ngu con điếm, các bạn gọi mẹ nó là mặt ngựa; nguyên một xã hội cùng với ti vi báo đài bâu lại đánh một gia đình, đất con Lạc cháu Hồng ta mấy ngàn năm nay chưa thấy sự gì hèn hạ đến như thế. Không có một chút kiến thức về kĩ thuật nào, các bạn gửi tin nhắn khắp trên Facebook và Yahoo! Messenger rằng “Ai không đọc tin này là NGƯỜI KHÔNG CÓ TRÁI TIM! Em Diễm bị ung thư, mỗi lần tin này được đăng Microsoft sẽ cho em ấy hai trăm đồng,” các bạn làm như Microsoft người ta không cần phải cạnh tranh với Google và Apple nữa, người ta chỉ ngồi vắt giò trái qua giò phải mà quan tâm đến một đứa bị ung thư tinh hoàn ở Việt Nam. Các bạn cắm đầu và đít chạy theo số đông. Mà thật ra các bạn còn không chạy nữa kia, các bạn chỉ bị cuốn theo, như miếng rác trên xoáy nước. Cái đầu của các bạn cũng như cái đít của các bạn, nó u u mò mò, không hề có một tia lửa nào xoẹt ngang qua, như que diêm, mà đánh động rằng “Có khi nào tất cả những thứ này là một tấn tuồng không?” “Có khi nào mọi thứ không đơn giản như nhìn thấy trên YouTube hay không?” Các bạn bảo: “Ô hô, kệ nó chứ, ai lừa thì lừa, tôi cứ tin. Tin vô đuỵt, tin muôn năm!” Lòng tin đến với các bạn thật dễ dàng làm sao, thanh thản làm sao. Một bài hát, một cuốn phim, dăm câu nói truyền đời của những bậc triết gia mớ ngủ, những bậc thông thái vô tri cũng đủ làm các bạn ròng ròng nước mắt mà tim run chân đập rồi.

Không, cái các bạn cần lúc này không phải lòng tin. Các bạn cần phải tỉnh táo. Các bạn cần phải biết nghi ngờ. Van các bạn, cha mẹ các bạn đã tốn công tốn của sinh các bạn ra với một cái đầu hoạt động bình thường về mặt sinh học, với số lượng nơ ron thần kinh không thiếu không thừa, chỉ cầu mong cho các bạn biết suy nghĩ, để các bạn động não một chút mà biết rằng không có gì trên đời này là đơn giản. Các bạn không thể bắt một thằng tội phạm sừng sỏ đã tuyệt tích cách đây bảy tám năm bằng cách dán tên nó lên tường, các bạn cũng không muốn người ta lao vào nhà các bạn mà nói rằng “Để yên cho tao lùng sục thằng kẻ cắp,” cũng như ông Ngô đã nói với Mỹ “Nếu quý vị mang quân đội vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi?” Các bạn nên nghi ngờ những người đem sự hồn nhiên trong sáng của trẻ em vào để tăng trọng cho công cuộc hô hào của mình, ít nhất cũng bằng sự nghi ngờ đối với những người dùng trẻ em làm quân đội. Các bạn hãy đọc thêm một chút, nghiên cứu thêm một chút, để biết rằng đằng sau những đồ bẩn thỉu có những thứ hay ho, và đằng sau những điều tốt đẹp an lành lại thường có không ít những đồ bẩn thỉu.

Đất ta không cần cừu đâu, đã có quá nhiều cừu rồi. Dân ta càng tỉnh táo - tỉnh táo đến mức độ nghi ngờ cũng được, chả sao - Đại Việt ta càng sung sướng.

Lạy các bạn