Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

Khoảng cách giầu nghèo!

Thật dễ dàng khi nói chung chung là khoảng cách giầu nghèo ở VN đang ngày càng nới rộng, và với tất cả những người chịu nhìn, chịu đọc, chịu nghe chút xíu thôi cũng có thể dễ dàng thấy được điều ấy qua báo chí, truyền hình và cả cuộc sống thực tế. Những hình ảnh ấy hàng ngày đập vào mắt, vào tai mọi người...chỉ có điều rất ít những hình ảnh như thế đọng lại trong suy nghĩ và cách hành xử của người đó với công việc của mình thôi.

Lúc tối tớ vừa xem chương trình "Vượt lên chính mình" của HTV7, à không, nói cho đúng là của LASTA. Lần nào xem chương trình này và "Như chưa hề có cuộc chia ly" tớ cũng khóc. Những chương trình như thế trên truyền hình hơi ít. Trong phần trả lời phỏng vấn của MC Quyền Linh một người dân tham gia cuộc chơi đã trả lời về chi tiêu hàng ngày của mình cho bữa ăn của gia đình là chỉ có 7000 đồng! 7000 đồng cho bữa ăn của một gia đình gồm 4 người và 3 bữa (cũng không rõ có được đủ 3 bữa không nữa?). Số tiền ấy thì đủ cho chị ấy mua cái gì ? Xin thưa là chị ấy mua cá vụn ở ngoài chợ....

Tớ vừa lướt mạng Internet đọc tin tức buổi tối. Một bài báo khiến tớ quan tâm: Xe "khủng" ở Sài Gòn . Normal 0 Bài báo kể về những chiếc xe ô tô của các đại gia, thiếu gia ở Sài Gòn. Chiếc xe rẻ tiền nhất cũng “chỉ” khoảng 3 tỷ, còn chiếc đắt nhất là chiếc RR màu trắng gần 30 tỷ...

Bạn thử đặt con số "3.000.000.000" đồng bên cạnh con số "7000" đồng, bạn sẽ có một hình ảnh cho khoảng cách giầu nghèo ở Việt Nam. Tất nhiên, đó không phải là hình ảnh đại diện nhưng những hình ảnh và các con số như vậy cũng nói lên nhiều điều.

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2009

Nghĩ về sự thay đổi nhân sự báo chí

Ngay trước khi có thông báo ra quyết định tạm ngưng TBT đối với 02 tờ báo lớn là Thanh Niên và Tuổi Trẻ Tp.HCM thì blog Osin đã kịp tung ra entry “Tiễn Đưa Tổng biên tập”. Thực ra cộng đồng blog đã xôn xao về tin tức thay đổi nhân sự Tổng biên tập của 04 tờ báo lớn nhưng vẫn chỉ là những tin đồn cho đến sáng ngày 01/01/2008 đồng loạt các báo đưa tin về việc này. Tờ báo đưa đầy đủ nhất về việc này có lẽ là Tuổi Trẻ Tp.HCM, ngoài tin chính còn cả lời phát biểu của TBT Lê Hoàng: không cảm thấy điều gì khó khăn khi nhận quyết định vì cũng hiểu sự việc, nguyên nhân của nó. Việc báo Tuổi Trẻ tp.HCM đưa thêm chị Minh Hiền (TBT báo Doanh Nhân Sài Gòn) đã được ra quyết định nghỉ hưu từ 08/12 vào cùng với những người không được bổ nhiệm lại như Lê Hoàng hay thôi giữ chức như Công Khế và nghỉ hưu của Nam Đồng là cách làm “khen cho chết” không nên có ở một tờ báo lớn. Điều đó cũng cho thấy dấu hiệu của sự đi xuống về chất lượng một cách rõ ràng đối với đội ngũ BTV vốn được cho là vững chắc ở làng báo VN.

Trong entry “Tiễn Đưa Tổng biên tập” của mình blogger Osin đã rất khéo léo khi chỉ nêu 1 vế - TBT Lê Hoàng – nhưng vẫn khiến người đọc nhận ra bóng dáng của TBT Công Khế ở đâu đó thấp thoáng trong sự so sánh đối xứng. Với entry này Osin đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích nặng nề từ phía các blogger nói chung và các blogger trong làng báo nói riêng. Việc ra đi của 2 TBT này đã được khéo léo “đánh động” trong dư luận từ rất sớm, thông tin “nhiễu” về sự ra đi cũng vì thế mà tăng lên. Ở góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ dù gì đi nữa thì entry này cũng đã đem lại cho người đọc thông tin - còn việc tiếp nhận và xử lý thông tin ra sao là tùy vào điều kiện thông tin và hoàn cảnh tiếp nhận thông tin của mỗi người. Việc ra đi của TBT Lê Hoàng, theo tôi, không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình hoạt động của báo Tuổi Trẻ mà có khi lại làm cho anh Lê Hoàng cảm thấy vui vì được ra đi một cách “anh hùng” như các đời TBT trước. Cái đáng sợ ở báo Tuổi Trẻ bây giờ là sự tự mãn với những gì mình đang có và đã có…sẵn sàng đổ hết trách nhiệm “chất lượng đi xuống” của tờ báo cho những lý do ...vì “cơ quan quản lý” - Điều ấy đúng nhưng không đủ. Việc ra đi của TBT Công Khế theo tôi là cần thiết. Phải thừa nhận anh Khế đã rất giỏi khi thay thế anh Huỳnh Tấn Mẫm chèo lái báo Thanh Niên từ một tờ Bản tin Tuần San vượt lên thành một trong 2 tờ báo có khối lượng bạn đọc lớn nhất cả nước và ảnh hưởng sâu rộng đối với bạn đọc. Nhưng hình như anh Khế đã quá say men chiến thắng của mình và trở thành một người độc tài, gia trưởng. Báo Thanh Niên cũng vì thế mà trở nên có hơi hướng…giật lùi.

Việc ra đi của 2 TBT báo Thanh Niên đáng nhẽ ra phải được thực hiện ngay khi có kết quả của phiên tòa xét xử nguyên 2 nhà báo và 2 cựu sĩ quan, tuy nhiên có lẽ do e ngại vì sẽ gây sốc cho dư luận nên các cơ quan quản lý Nhà nước mới lui việc này lại để thực hiện sau. Về mặt nguyên tắc thì đây là việc làm tất yếu bởi lẽ 02 nhà báo đều có án (ít thì 06 tháng tù treo, nhiều thì 2 năm tù ngồi) chẳng nhẽ các TBT lại vô can? Cũng phải thừa nhận rằng trong năm 2008 các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những biện pháp “siết lại” đối với báo chí từ những văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí…cho tới những biện pháp mạnh như khởi tố và truy tố. Việc tiếp tục đưa ra các văn bản quản lý là cần thiết, việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động của báo chí cũng là cần thiết nhưng đây là việc phải làm hàng năm chứ không phải “dồn ép” vào thực hiện trong 01 năm. Tất cả những sự việc này cho thấy sự lúng túng và xơ cứng của các cơ quan quản lý đối với hoạt động của báo chí nói riêng và quản lý thông tin hiện nay. Sự lo ngại đối với hoạt động “bung ra” của báo chí trong tình hình hiện nay quả là điều cần thiết, nhưng để giải quyết những vấn đề của báo chí nói riêng và quản lý thông tin nói chung hiện nay phải cần có một chiến lược dài hơi (không phải là cái Chiến lược phát triển thông tin đến 2010 của Bộ VHTT nay là Bộ TT&TT đâu nhá) chứ không phải là những liệu pháp tức thì. Điều phải thực hiện ngay để nâng cao chất lượng báo chí hiện nay là nâng cao trình độ cho phóng viên, giúp cho họ những kỹ năng cơ bản nhất của nghề báo mà ở trường báo chí đã không dạy, hoặc đã dạy “chay” lý thuyết mà thiếu thực hành. Chỉ có như vậy thì sự ra đi của 2 TBT mới thực sự có ý nghĩa.

Nhiều người chắc hẳn cũng đang băn khoăn: Tiếp sau những vụ việc xử lý như trên thì báo chí sẽ đi theo hướng nào? Có thay đổi gì lớn chăng? Tôi cho rằng sẽ chẳng đi đến đâu cả và sẽ cũng chẳng có thay đổi gì lớn cả. Việc thay đổi nhân sự TBT của 02 tờ báo lớn chắc chắn đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý những người làm báo nhưng rồi nó cũng sẽ qua, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Các phóng viên và các nhà báo lại sẽ tiếp tục lao vào săn tin, săn bài như họ đã và đang làm hàng ngày. Tất cả mọi sự thay đổi lớn đều có những dấu hiệu báo trước và đều phải dựa trên những cái nền cơ bản. Báo chí Việt Nam hiện tại chưa có được cái nền ấy và cũng chưa hề chuẩn bị cho sự ra đời của cái nền ấy! Mặc dù trong làng báo đã và đang âm thầm có sự thay đổi về hình thức, nhưng về bản chất những con người làm báo vẫn chưa được nâng tầm cho sự thay đổi. Làng báo Việt Nam sẽ còn phải vật vã ít nhất 05 năm nữa…may ra…

Nghiệp vụ khi PR trên báo chí

Đi lên bằng chính đôi chân mình

Năm ngoái, tôi từ một huyện miền núi ở Tây Nguyên về công tác tại trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, một môi trường mà với tôi quả là “địa linh nhân kiệt”. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhà trường, có một người còn rất trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị, ở tuổi 32, anh đã là Trưởng ban Sau đại học và Quan hệ quốc tế của nhà trường và mới đây, anh lại được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị

Những người trẻ mà giữ chức vị cao ở nước ta chưa nhiều nên một người như Nghị dĩ nhiên là khá “nổi tiếng”. Nhưng còn một điều khiến tôi ngạc nhiên khác là mọi người nhắc nhiều đến anh không phải ở chức vụ ấy mà chính ở cách nghĩ, cách sống, cách làm việc rất khiêm tốn, chững chạc. Điều nổi bật ở anh khiến mọi người tin cậy, yêu mến lại chính là cái tâm trong sáng và phong cách làm việc sôi nổi, nhiệt tình. …

Nếu không tình cờ nghe thầy Phó hiệu trưởng nhà trường “bật mí” trong một bữa tiệc liên hoan, có lẽ tôi sẽ không biết chàng trai trẻ này là con một vị cán bộ lãnh đạo cao cấp ở Trung ương. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị nguyên là sinh viên ưu tú của Trưòng Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. TS Lê Quang Quý, Phó hiệu trưởng nhà trường kể cho tôi hay: Ba Nghị là cán bộ cấp cao, làm việc ở Hà Nội nên anh phải sống, học tập gần như tự lập tại thành phố Hồ Chí Minh.

Dĩ nhiên, ban lãnh đạo của nhà trường khi ấy cũng không ai biết điều này nếu như không có một ngày nọ, thầy hiệu trưởng nhà trường bất ngờ nhận được điện thoại của một đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban giám hiệu cho biết kết quả học tập, rèn luyện của cậu sinh viên là con một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Lý do đơn giản vì có lần, trong cuộc trò chuyện thân mật, đồng chí cán bộ cao cấp của Chính phủ với tư cách một “phụ huynh” đã “ngỏ ý”: “Tôi bận công tác, mong nhà trường giúp đỡ, theo dõi, quản lý “thật chặt”, sợ cháu hư hỏng”.

Lúc này, Ban giám hiệu mới giật mình, không biết cậu sinh viên ấy là ai? Mấy năm liền, chưa thấy nói thông tin có con trai của một cán bộ cao cấp Chính phủ học tập ở trường mình. Ban giám hiệu yêu cầu Bí thư Đoàn trường, người gần gũi nhiều sinh viên nhất cung cấp thông tin, cô bí thư cũng chỉ biết lắc đầu. Tra cứu toàn bộ hồ sơ sinh viên, người ta mới tìm ra Nguyễn Thanh Nghị, khi đó đã là sinh viên năm thứ ba của nhà trường. Nhưng cũng phải mất mấy ngày đối chiếu mới tìm ra Nghị, vì trong hồ sơ, anh khai rất khiêm tốn, không hề nêu cụ thể chức vụ, đơn vị công tác của ba mình. Một điều rất bất ngờ là toàn thể lớp học, thầy cô, bạn bè đều không biết Nghị là con đồng chí cán bộ cấp cao nọ, nhưng ai cũng biết Nghị là một sinh viên học tập giỏi, có đạo đức tốt, nhiệt tình với các phong trào tập thể. Khi người ta “phát hiện” ra anh là con đồng chí cán bộ cấp cao thì cũng là thời điểm anh vừa vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam – một vinh dự mà anh đã phấn đấu, giành được bằng chính đôi chân của mình chứ không phải “dựa bóng” của ba.

Tốt nghiệp xuất sắc, với khát vọng học tập không ngừng, như bao bạn bè khác, Nguyễn Thanh Nghị tự tìm kiếm thông tin và thi đỗ học bổng tiến sĩ của một trường đại học lớn ở Hoa Kỳ. Cùng thời điểm ấy, anh lại được nhà trường xét, cho chỉ tiêu học tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington.

Tốt nghiệp xuất sắc, anh trở về nước, bạn bè ai cũng nghĩ rằng anh sẽ “nhảy” vào một bộ, ngành, cơ quan nào đó ở Trung ương nhưng Nguyễn Thanh Nghị lại làm đơn xin về công tác tại Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Lý do với anh thật đơn giản: Anh muốn đi sâu vào con đường nghiên cứu khoa học, tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão và những công trình khoa học từ những năm tháng sinh viên. Giờ đây, 32 tuổi, là một trong những lãnh đạo trẻ nhất ở một trường đại học danh tiếng nhưng Nguyễn Thanh Nghị luôn khiêm tốn, chững chạc, làm việc với tất cả tài năng và tâm huyết của mình.

Ban Sau đại học, dưới sự chỉ đạo của anh đã có nhiều phát triển mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Khi Trường đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh là một trong những lãnh đạo khoa gương mẫu, vận động mọi người thực hiện cuộc vận động nghiêm túc thông qua những việc làm cụ thể hằng ngày, “soi mình” vào tấm gương của Bác.

Với anh, một trong những bài học đạo đức lớn mà anh học tập được từ Bác Hồ chính là nghị lực lớn lao và sự phấn đấu suốt đời hi sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc, đất nước. Bác đã nhiều lần căn dặn thanh niên phải tự học tập, rèn luyện, đi lên bằng chính nội lực của mình, không trông chờ, ỷ lại vào người khác. Bác cũng nhiều lần phê phán căn bệnh cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, kết bè kết cánh trong công tác cán bộ. Tuy anh chưa bao giờ tự khẳng định hay khoe mẽ về sự tự lực đi lên của mình, nhưng trong suy nghĩ của tôi cũng như nhiều sinh viên khác, Nguyễn Thanh Nghị chính là một tấm gương về tinh thần ấy.

Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc gần đây, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng chỉ rõ: “Một bộ phận thanh niên chưa chuyên tâm học tập, rèn luyện, tự lực vươn lên và cống hiến cho đất nước, còn bị chi phối bởi cuộc sống hưởng thụ, sa vào tệ nạn xã hội, sống thiếu trách nhiệm với mọi người và chính mình. Vì vậy, những tấm gương như Nguyễn Thanh Nghị thật đáng quý biết bao.

Quang Tuyền - Nguyên Minh
Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh

(Nguyên văn bài viết tại đây)

Comment của tớ: Bài này chứng tỏ trình độ nghiệp vụ non kém của VNN. Định khen nức nở con trai của Thủ tướng là người tài giỏi, đức độ không cần dựa vào uy tín của bố mình nhưng hóa ra lại phản tác dụng. Người đọc bị phản cảm...