Thứ Tư, 19 tháng 3, 2008

Nghĩ về "thế giới phẳng"

Tớ đã suy nghĩ về cái gọi là "Thế giới phẳng" của Thomas L. Friedman ngay từ khi đọc cuốn sách của ông. Thú thật là tớ cũng chẳng đọc hết cuốn sách nhưng cũng đã hiểu cái ý của ông muốn nói, thế giới đang trở nên "phẳng" sau cuộc Cách mạng về Công nghệ thông tin của khoa học kỹ thuật hiện đại, con người đã có thể vượt thời gian và không gian để thực hiện nhiều công việc mà trước đây không thể làm. Nhưng ở một góc nhìn khác tớ lại thấy cái gọi là "thế giới phẳng" đó chẳng qua chỉ là sự "thích nghi" của các nhà tư bản đối với những khó khăn về kinh tế trong thời hiện đại hòng đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho chính họ mà thôi. Định viết về điều này từ lâu nhưng thực sự hôm nay khi đọc blog của K.I.M mới khiến tớ viết ra.

Hãy quay lại một chút với lịch sử Việt Nam thời những năm thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nhằm mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm kiếm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất ở Pháp. Và nay, các ông chủ tư bản đã dần dần chuyển những nhà máy sản xuất sang các nước thứ 3. Thay vì phải vận chuyển nguyên liệu về nước để sản xuất sản phẩm thì họ lấy ngay những nguyên liệu và nhân công giá rẻ tại chính những nước mà họ đặt nhà máy để sản xuất và rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Chẳng cần đến những cuộc chiến tranh quá ồn ào, các nhà máy liên doanh, đầu tư trực tiếp đang được xây dựng rất nhiều ở Việt Nam. Tài nguyên đang được khai thác triệt để, môi trường sống đang bị tàn phá...và rồi khi những nhà máy của họ rút đi, chẳng biết những công nghệ mới nào mà chúng ta sẽ học được ? Hậu quả chắc chắn không thể thấy ngay được trong 5 hay 10 năm...nhất là những hậu quả về môi trường.

Quay lại vấn đề của K.I.M, tớ thấy: Trong bất cứ xã hội nào cũng đều tồn tại những bất công (có lẽ trừ xã hội "cộng sản nguyên thủy" và "chủ nghĩa Cộng sản" - theo quan niệm của Mác). Nhưng ở nước đang phát triển (mà nói cho chính xác là chậm phát triển) như Việt Nam thì những bất công đó càng thể hiện rõ nét bởi sự phân hóa xã hội giữa giầu - nghèo mới đang diễn ra. Chỉ cố gắng để hạn chế sự bất công đó thôi.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

Đàn bà số

Trễ ngực,
thỏm vào camera
nuốt chững những gă đàn ông bên kia đại dương.
nghèo thế mà không thương, mới lạ!!!
khóc bằng bàn phím,
mắt dán lên sàn…
chứng khoán hôm nay...tụt
áo quần trút ngược
cổ phiếu sẽ tăng...
lúc màn hình lung lay bóng nguyệt

em - đàn bà số,
tình yêu lềnh lềnh
tuồn chảy qua nhiều khe số
chia chác qua đại lộ băng thông.
chỉ tại đám đàn ông thường hay động lòng…
…đành chịu!!!

Cao Hải Hà


Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2008

Lại chuyện 42 Nhà Chung

Nhà văn Nguyễn Khải có viết: "Tôn giáo chỉ nói chứ không làm, tất cả đều ở trong lý thuyết, trong hy vọng, còn đã làm là hỏng ngay như các giáo sĩ của đạo Thiên Chúa đã làm trong khoảng thời gian hai năm bốn tháng tại các huyện miền Nam Nam Định (*), như các tu sĩ đạo Phật đã làm thời còn chính quyền Ngô Đình Diệm, hồi đầu thì hay, được dân chúng tôn sùng như các nhà sư anh hùng, đến hồi sau lại dở bị cả nước chê là kiêu tăng..."

Thật tình là đến giờ vẫn chưa hiểu, tại sao sau khi câu chuyện đã tạm yên, đã dần qua đi thì báo Công Giáo và Dân tộc vẫn cứ tiếp tục xới nó lên với 3 số liên tiếp (1644, 15645 và mới đây nhất là 1646 ra ngày 02/3/2008) ? Nếu Nhà nước sử dụng khu đất đó chưa đúng, Toà giám mục Hà Nội có thể có ý kiến phản bác nhưng đòi đất, đòi nhà.... thì đúng là không hợp "ý Chúa".

(*)
Thời gian quân đội Pháp tạm chiếm từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1952.

P/S: Hình dưới là bài viết của Linh mục Trương Bá Cần trên báo Công giáo và Dân Tộc số 1644 ra ngày 15/02 đến 21/02/2008. Có thể dowload bản PDF tại đây. (Lưu ý:Website của báo chỉ cho down trong vòng 01 tuần).






"Phát hiện chấn động lịch sử" - phát hiện cho ai ?


(Ảnh:Cinet)

Mấy hôm nay giới tri thức Phật giáo và nghiên cứu lịch sử xôn xao về loạt bài viết "Những phát hiện lịch sử chấn động" của Thiền sư Lê Mạnh Thát (síc) đăng liên tiếp 03 kỳ (và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt). Chuyện xôn xao cũng là cái lẽ dĩ nhiên bởi lẽ cái phát hiện đó đưa ra quan điểm mới khẳng định rằng: truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi....(theo báo Thanh Niên ngày 28/02/2008).

Tạm gác vấn đề chắc chắn sẽ còn nhiều bàn cãi là truyền thuyết An Dương Vương có thật hay không. Ở đây tớ chỉ muốn nói ở góc độ thao tác cần thiết của một nhà nghiên cứu khoa học như ông Lê Mạnh Thát về một vấn đề lịch sử. Một thao tác đơn giản cần thiết phải có của một nhà nghiên cứu khoa học chân chính là phải đưa vấn đề của mình ra để mọi người có chuyên môn cùng thảo luận, phản biện trước khi kết luận vấn đề. Theo tớ, đối với vấn đề trên nhà khoa học "nhớn" như ông Lê Mạnh Thát có thể tổ chức 01 cuộc Hội thảo giữa những nhà khoa học nghiên cứu lịch sử để phản biện và lấy ý kiến bổ sung cho hoàn thiện trước khi công bố trên báo chí và các PTTTĐC. Ở một góc độ khác, báo Thanh Niên cũng nên làm việc này trước khi đăng thành một loạt tư liệu nhiều kỳ trên báo Thanh Niên để chứng tỏ uy tín của thông tin được đăng tải, thế nhưng họ đã không làm điều này.

Tớ cũng còn băn khoăn một điều, đó là: Tại sao báo Thanh Niên lại chọn đăng thông tin này vào đúng dịp này ? Chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (VESAK) hay "đánh bóng" ông Thiền sư (giả cầy) nọ ? Hay là vì một lý do khác ....

Từ "Những phát hiện lịch sử chấn động" trên báo Thanh Niên có lẽ sẽ có những phát hiện mới về con người và báo chí Việt Nam hiện nay. Cần lắm những cái TÂM.