Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Lời kêu gọi Toàn quốc chống dịch!

Lời kêu gọi Toàn quốc chống dịch! 


Hỡi đồng bào chiến sỹ nước Phây!


Chúng ta muốn làm ăn yên ổn, muốn du lịch nghỉ dưỡng, muốn về thăm ông bà bố mẹ, tụ tập bạn bè để chém gió, nên chúng ta phải nhân nhượng mà giãn cách. Nhưng chúng ta càng giãn cách, bọn virus lại càng biến chủng để lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp mạng người dân ta nhiều hơn nữa!


Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất mạng, nhất định không chịu làm nô lệ cho Facebook, Google.


Hỡi đồng bào!


Chúng ta phải đứng lên! Xong chúng ta lại ngồi xuống! 


Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên tập thể dục trong nhà cho khoẻ, tập thở và ăn cho đủ chất, nhớ đừng lang thang ngoài đường khi không có nhu cầu thiết yếu.Ai có rau ăn rau. Ai có thịt ăn thịt, không có rau có thịt thì gọi đến MTTQ nơi mình ở để được hỗ trợ, chờ lâu quá thì lên mạng mà kêu chứ đói mà không kêu thì ai biết đâu mà giúp. Ai cũng phải ra sức chống dịch cứu bản thân.


Hỡi anh em bác sỹ, y tá, điều dưỡng!


Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh lợi ích cá nhân để lao vào tâm dịch mong giữ gìn mạng sống của người dân. 


Hỡi anh em dân phòng, công an, quân đội! 


Nếu người dân gặp lúc khó khăn mà lang thang ngoài đường thì chắc đa phần cũng là vì thiết yếu, nên rộng lòng cân nhắc lý tình mà nhắc nhở thông chốt, không nên lấy phạt làm tiền. 


Dù phải gian lao chống dịch, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh lợi ích cá nhân chờ miễn dịch cộng đồng, thắng lợi nhất định thuộc về nhân dân ta!


Vaccine muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!


——

Biên tút chơi vậy nhưng thực tình là có việc muốn nhờ các anh/chị em ở TPHCM quan tâm hỗ trợ: 


Nhóm bác sỹ Bệnh viện E tại Hà Nội do thằng em Nguyên Phan cầm đầu được điều động vào tăng cường cho TPHCM chống dịch tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, số 12 D400, Long Thạnh Mỹ, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã được hơn 3 tuần. Hôm qua, tâm sự với thằng anh thì mong muốn được hỗ trợ một số vật tư y tế và lương thực cơ bản để đảm bảo sức khỏe, yên tâm chống dịch, cụ thể: Áo bảo hộ PPE cấp 3 hoặc 4; Kính che mặt; Nước xúc họng; Rửa tay xịt khuẩn; cháo ăn liền và sữa hộp uống liền. 


Do điều kiện địa lý xa xôi, HN chỉ có thể với vào nhờ các bạn ờ  TPHCM nhón tay hỗ trợ trong điều kiện có thể. Xin liên lạc trực tiếp với Cao Hoài Tuấn Anh: 0913738683 hoặc BS Nguyên: 0912179386. 


Chân thành cám ơn tấm lòng của tất cả các bạn. 

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Ngày cách ly thứ 13-14

Cuộc sống tươi đẹp*


Người (bị nghi - mình nghĩ dùng từ này sẽ chuẩn hơn nhưng chắc do dài dòng nên thường gọi tắt) là F1 sẽ được (bị, phải) xét nghiệm đủ 03 lần. 

- Lần thứ nhất do Trung tâm Y tế Phường lấy mẫu xét nghiệm ngay khi (cái ngay khi này tuỳ thuộc và sự bận rộn của Trung tâm Y tế Phường, Quận) truy vết được F1. Kết quả xét nghiệm này sẽ dẫn tới 02 phương án: Nếu dương tính thì được nâng hạng F0, đưa đi cơ sở chữa trị; Nếu âm tính, sẽ có quyết định chuyển đến cơ sở cách ly tập trung. 

- Lần thứ hai do nhân viên Khu cách ly lấy mẫu sau 7 ngày cách ly tập trung (Đoạn này kể rồi nhé). Nếu dương tính thì chuyển đi cơ sở điều trị, nếu âm tính thì lại tiếp tục theo dõi. 

- Lần thứ ba cũng vẫn do nhân viên Khu cách ly lấy mẫu sau 13 ngày cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm lần thứ 3 này quyết định F1 được về hay vào cơ sở điều trị. 

Theo kinh nghiệm từ lần xét nghiệm lần thứ 2, việc lấy mẫu thường diễn ra tầm 10h sáng (có lẽ bắt đầu từ 8, 9h nhưng cuốn chiếu từ tầng 1 lên tầng 7 nên hơi mất thời gian). Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý thoải mái, lạc quan nhưng trước khi chuẩn bị lấy mẫu cũng sốt ruột, lo lắng đi ra đi vào ngó xem nhân viên lấy mẫu đến đâu rồi. Đá cái ghế nhựa đến trước cửa Phòng, 2 em nhân viên lấy mẫu xịt khử trùng chỗ ghế ngồi rồi gọi mình ra. Nghĩ cảnh mẫu gộp lần trước, mình hỏi: Lần thứ 3 này có lấy mẫu gộp không em? Mẫu gộp tất anh ạ. Đúng là mẫu gộp thì tiết kiệm chi phí và thời gian, nhưng lần xét nghiệm quan trọng như này cũng mẫu gộp nhỉ? Xét nghiệm độc lập luôn đi cho đỡ tăng huyết áp, loạn nhịp tim. Không anh ạ, tất cả các lần xét nghiệm đều dùng mẫu gộp, chỉ khi có kết quả nghi ngờ mới chuyển sang xét nghiệm độc lập thôi. Vậy thì phải làm thôi, lại ngửa cao cổ để ngoáy mũi (không thấy chọc họng). 

Xong việc lấy mẫu thì lại quay sang tham quan và giao lưu với thế giới bên ngoài, sắp sửa hết cách ly nên thái độ với nghiên cứu Báo cáo chính trị và Nghị quyết ĐHĐ nhạt hẳn đi. Đây hẳn là vấn đề cần nghiên cứu,đánh giá sâu sắc để rút kinh nghiệm trong thực tiễn. 

Tự tin chuẩn bị dọn dẹp sắp đồ đạc để đi về, phát hiện ra sau 3 lần tiếp tế thì mình ăn uống quá ít và đồ dư vẫn còn nhiều. Bèn gói lại thành 1 túi để sẵn để gửi các bạn nhân viên Khu cách ly, nghĩ chủ nhật các bạn ấy cũng phải đi làm vất vả bèn nhét chục cái phong bì mệnh giá nhỏ để bồi dưỡng các anh/chị em. Vừa hay gặp các bạn đi thu gom rác bèn chạy vội ra vẫy lại bảo: Chú có ít hoa quả bánh kẹo và quà gửi các anh em phục vụ trong khu cách ly, cháu cầm giúp nhé! 

- Bọn cháu không được nhận đâu ạ. 

- Thôi nhận giúp chú, đây là tình cảm, chú có mỗi mình không ăn hết được, bỏ đi thì rất lãng phí.

Cậu nhân viên không nói gì thêm, đẩy thùng rác đi, tôi để túi hoa quả ơn trên cái bàn trước phòng rồi đi vào. Lát sau thấy cậu đi cùng một anh nữa (có lẽ cấp cao hơn) qua Phòng nói: Cám ơn anh nhưng bọn tôi không được phép nhận quà của người cách ly anh ạ. 

- Túi này chỉ có trái cây, bánh kẹo và chút quà nhỏ tôi gửi bồi dưỡng anh em làm việc vất vả ngày chủ nhật, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm, ngày mai tôi cũng đi về, một mình không ăn hết số này, để cũng hỏng phí ra anh ạ. 

- Thế anh cho phòng khác đi. 

- Vậy cũng được, nhờ anh chuyển giúp phòng khác giùm chứ mình cũng không đi sang các phòng khác được. 

Tôi rút lại tập phong bì cất đi, để lại túi hoa quả bánh kẹo ngoài bàn. Đến chiều, thấy anh lãnh đạo cầm tập giấy lên nhờ kiểm tra thông tin cá nhân rồi ký tên, tôi ký xong quay ra cửa nhìn thì túi hoa quả, bánh kẹo đã được chuyển đi. Tự mình thấy cũng vui vẻ. 

Sáng hôm sau, lại thấy anh quản lý đưa thêm tập giấy kêu ký tên, lần này thì mình nhìn kỹ hơn, không lớt chớt như lần trước. Hoá ra là quyết toán tiền ăn, 80k/người/ngày, ký ngay thôi. Nghĩ cũng giống quyết toán tiền ăn 150k/người/ngày thời đi tàu ra Trường Sa năm 2012 thôi. Vào xem nốt film “The Father” (2020, Anthony Hopkins động chính) do Hoàng đầu to giới thiệu, film hay về gia đình, một thực tế của VN không xa. 

Chiều tối, dọn dẹp lần cuối, bạn bè hỏi thăm liên tục, hỏi có cần lên đón không? Mình nhất quyết từ chối, đi xe chung về cùng mọi người (không phải vì vui mà vì muốn trải nghiệm cho đủ combo du lịch mạo hiểm lần này). Sốt ruột nhắn tin hỏi quản lý xem mấy giờ xe đón thì được trả lời: Sau bữa cơm tối anh ạ. Vậy là bắt ăn đủ 3 bữa đây. Thôi cứ chén đã rồi tính, mở nắp khay cơm thì đúng là “ý trời”: hộp cơm bữa cuối giống hệt hộp cơm bữa đầu tiên ở khu cách ly, cũng đủ 4 món cơm, trứng chiên, rau, 3 miếng chả mỏng và hộp canh. 

Ăn xong thì ra hành lang hóng xe bus đến đón. Hôm nay số người rời khỏi khu cách ly khá đông, tiếng người huyên náo suốt hơn 2 tiếng, xe ra xe vào như mắc cửi. Đi ra đi vào ngó nghiêng mãi rồi cũng đến lượt, hơn 8h30 đi cầu thang bộ xuống sân nhận QĐ hết cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Trước khi đi, lại xách 2 túi bánh kẹo, sữa với đồ ăn khô ra để bàn và nói với quản lý tầng cho mình gửi lại các anh em phục vụ. Vì thế, do thấy mình lếch thếch xách va li, anh ấy đã kêu lính đưa va li và túi đồ lỉnh kỉnh đi đường thang máy, mình định lấn tới xin đi thang máy luôn nhưng anh ấy từ chối. Thế là đành xách cặp đi thang bộ. Nhưng lần này phơi phới hơn chứ không nhọc nhằn như hôm đầu tiên leo lên tầng 7. 

Nhận QĐ xong thì bác tài gọi, hoá ra là xe Bus theo Quận, của Quận nào Quận đó đón về. Mình đếm trên xe cả thảy 16 người, tính cả trẻ con. Riêng về chung cư mình thì vẫn duy trì đủ 6 người, (mình và 5 chị em hôm đầu đi cùng xe cứu thương 115). Xe về đến Trung tâm Y tế Quận thì ngạc nhiên chưa….Trung tâm tắt đèn khoá cửa, có mỗi 1 bạn trực. Bác tài thông tin: Trung tâm không biết có chuyến về hôm nay, thôi mọi người tự giải tán, ai về nhà nấy. Sau chuyến này tôi còn phải đi đón F1 ở Trần Duy Hưng. Mọi người động viên nhờ bác tài chở đến ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch trên đường quay ra để bớt một đoạn đi bộ, bác vui vẻ đồng ý. 

Xe dừng ở ngã tư, mình xách đồ đi xuống cùng mọi người. Gọi đt cho chỉ huy không nghe máy bèn gọi cho con bé thứ hai bảo mẹ lấy xe ra đón bố ở đầu Lưu Hữu Phước, nó vâng dạ rồi cúp máy. Lát sau thấy gọi lại nói: Mẹ bảo bố chờ tí, mẹ đang dọn nhà dở. 

Chờ mẹ mày thì tao về đến nhà rồi, thôi bố đi bộ, khỏi đón. Thế là mình kéo vali đi bộ về nhà thật (chả thật thì sao). Việc đầu tiên khi về đến nhà là nhắn tin ông bà nội và thông báo cho anh/chị em bạn bè trên FB để mọi người yên tâm.

Giờ thì nằm khểnh chân trong phòng riêng nghĩ ăn gì 3 bữa để thông báo chỉ huy phục vụ trong 7 ngày tới. Cơ hội mấy chục năm cưới nhau giờ mới xuất hiện một lần, nhất định phải sử dụng cho có ích. 

Thế nhỉ! Khép lại Nhật ký cách ly tập trung nhé các bạn. Mà có muốn nữa cũng không viết đâu, nhà bao việc…he he. Thân chúc tất cả anh/chị em cô bác, bạn bè trên nước FB một Mùa Dịch An Lành, sức khoẻ.

———

*Đây là tên bộ phim “Life is Beautyful” (tiếng Ý là La Vita è Bella của Roberto Benigni phát hành năm 1997, do chính ông viết kịch bản, làm đạo diễn và đóng vai chính). Diễn xuất tuyệt vời của Benigni cùng Braschi (vợ thật của ông ngoài đời) cùng diễn viên nhí Cantarini đem lại một trong những bản hòa ca ngọt ngào và bi tráng nhất của điện ảnh thế kỷ 20. Vừa ngọt ngào, hài hước lại vừa pha sự chua xót đắng cay, bộ phim là một bài ca của niềm tin, hy vọng được tấu lên trong những nơi tăm tối nhất. Không chỉ đem tới những bài học về tình yêu, tình cha con đầy ý nghĩa, bộ phim còn nhắn nhủ con người rằng chính cách sống của chúng ta sẽ quyết định sống ra sao; bởi như gia đình Guido, dù phải đấu tranh trong địa ngục trần gian nhưng với họ, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp. (Trích VNE)

Ngày cách ly thứ 11-12

Đơn xin được tiếp tục ở lại khu cách ly tập trung


Kính gửi:  

             - Sở Y tế Hà Nội

             - Trung tâm Y tế Quận Nam Từ Liêm

             - BQL Khu cách ly tập trung KTX Học viện Nông nghiệp 1


Tôi là Nguyễn Tuấn Việt, (nghi) F1, do vô tình gặp phải F0 trong thang máy chung cư An Sinh tối ngày 16/7, kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 ngày 18/7 âm tính, chính thức đến khu cách ly tập trung tại Học viện Nông nghiệp 1 ngày 20/7 theo Giấy chuyển Trường hợp cách ly Y tế tập trung của Trung tâm Y tế Phường Cầu Diễn, do đ/c Chủ tịch Phường đã ký cùng ngày. Hiện tôi đang cách ly tập trung tại Phòng 704 Toà C4 Khu cách ly tập trung KTX Học viện Nông nghiệp 1 (sau đây xin được viết tắt là KCL). Tôi xin trình bày với các cơ quan chức năng về nguyện vọng của mình như sau: 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cho đến hôm nay tôi đã trải qua đã 12 ngày trong KCL. Ngay từ khi vào công tác tại KCL tôi đã được cung cấp rất đầy đủ vật dụng cơ bản phục vụ sinh hoạt cá nhân hàng ngày, từ những thứ nhỏ nhất như tăm xỉa răng, tăm bông ngoáy tai, bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng, nước sát khuẩn,…cho đến những đồ dùng phục vụ cho hoạt động thể dục hàng ngày như chổi quét nhà, chổi lau nhà, nước thơm lau nhà, nước cọ bồn cầu, bột giặt… Không gian phòng cách ly được tận dụng từ KTX sinh viên nên mặc dù tường ẩm, vôi ve đã lở loét, các thiết bị ở bồn rửa mặt, nhà vệ sinh đã muôn phần lỏng lẻo nhưng đổi lại là không gian rộng rãi, có phòng tắm riêng, phòng vệ sinh riêng. Đặc biệt, phòng tắm còn được trang bị cả máy đun nước nóng, rất tiếc do thời tiết mùa hè nên tôi cũng không được sử dụng nhiều để trải nghiệm chất lượng. Tôi phải khẳng định, điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng cho KCL như trên là TỐT, phải nói là RẤT TỐT. 

Trong suốt thời gian qua tại KCL tôi đã luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình và chu đáo của đội ngũ anh/chị, em phục vụ tại KCL (cơm ăn 3 bữa quần áo mặc cả ngày). Với khung cảnh nên thơ, bốn phía thì 3 phía đồng không mông quạnh, đêm đêm được nghe tiếng ếch nhái gọi nhau ru cho giấc ngủ từng đêm. Cứ vào 7h sáng và 5h chiều hàng ngày, tôi cũng luôn được cập nhật tin tức thời sự covid qua bản tin phát trên loa truyền thanh khu vực, cùng với đó là giọng đọc thân thương truyền cảm của cán bộ KCL luôn nhắc nhở đến giờ phát cơm, động viên những công dân vi phạm quy định của KCL nên tuân thủ quy định tuyệt đối không ra khỏi phòng cách ly để lang thang ngoài hành lang Toà nhà. Trong thời gian cách ly, tôi cũng đã được BQL tạo mọi điều kiện để tham quan, giao lưu với thế giới bên ngoài, đã viết được Nhật ký khu cách ly (dù còn bập bõm, ngày có ngày không). Như vậy có thể khẳng định, cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của các F1 tại KCL được chăm lo ĐẦY ĐỦ, phải nói là RẤT ĐẦY ĐỦ. 

Cũng xin được trình bày thêm với các cơ quan chức năng về hoàn cảnh gia đình. Vợ tôi, tuy tuổi đã cao nhưng Công - Dung - Ngôn - Hạnh đầy đủ (mỗi tội Ngôn hơi nhiều), đã luôn đảm đang (chữ đảm đang có dấu nha) việc nhà, vất vả việc nước. Ở nơi làm việc luôn được đồng nghiệp tin yêu, quý trọng, không việc gì không mách sếp, bao giờ cũng được nhắc đến trong các buổi thảo luận nhóm mà vợ tôi không có mặt (đấy là nhà tôi kể thế - mà cơ quan nào chả thế, nhất là giữa các đồng nghiệp nữ với nhau). Ở nhà, các con tôi tuyệt đối tuân thủ sự dạy bảo của mẹ (làm gì có dân chủ ở cái nhà này - vợ tôi luôn quán triệt sâu sắc với các thành viên trong gia đình về quan điểm chỉ đạo sáng suốt và xuyên xuốt này). “Ra đường anh là cá mập/Về nhà anh là cá con”; “Nhà là phải có Nóc” cũng là thành ngữ hiện đại được gia đình quán triệt trong những lần thảo luận về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước và các thành viên Chính phủ trong gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi luôn thuận hoà, êm ấm. Trong những năm tới, nếu đến lượt Tổ dân phố giới thiệu xét duyệt, tôi tin chắc gia đình mình sẽ đạt danh hiệu “Gia đình Văn hoá”. 

Với những điều kiện và hoàn cảnh như đã trình bày như trên, tôi xin phép được trình bày ngắn gọn nguyện vọng của mình: TÔI XIN ĐƯỢC Ở LẠI KHU CÁCH LY TẬP TRUNG, nếu kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 lần 3 vào ngày mai là dương tính. 


Xin trân trọng cám ơn.


Người viết đơn


CHƯA KÝ


Nguyễn Tuấn Việt


———-

P/S: Sau khi viết Đơn này, tôi nhận được thông tin BYT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống Covid-19 để áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh trên toàn quốc, theo đó BYT đã thay đổi cách xác định, phân loại F0 và F1. Đọc qua hướng dẫn này tôi cảm giác mình sắp trở thành “dân oan”, chỉ vì một thay đổi chính sách, chỉ vì không triển khai chính sách (được lập luận là do đặc thù địa phương) nên tôi đã phải cách ly tập trung. Tôi đã “kêu cứu” đến Cán bộ có trách nhiệm của BYT và nhận được sự chia sẻ thân tình của anh “Anh trải nghiệm và để chia sẻ trải nghiệm đó, hy vọng công tác truyền thông tới đây tốt hơn 😁”. Lại hỏi tiếp: Thế theo hướng dẫn mới thì em có phải cách ly tại nhà 14 ngày nữa không? Anh chỉ bảo ân cần: Việc này thuộc thẩm quyền của địa phương, em hỏi chị GĐ Sở Y tế nhé! 

Đành ngước mặt lên mà hỏi Trời Xanh: Ai trả cho em 14 ngày cách ly tập trung? 14 ngày của một thời Trung niên sôi nổi, trầm tư nghĩ sự đời?

Ngày cách ly thứ 10

Các bạn làm sao ý! 

(quote “Cô giáo Minh Thu”)


Khổ thân em, mấy ngày nay không ngày nào không có comment nhắc nhở mở lại Zalo cho em gái F1 suýt cách ly chung phòng. Đa phần đều là chị em phụ nữ hóng drama. Em là em nói thật, các cụ các mợ có tin thì tin, chả tin thì đừng, em lập trường vững chắc đã nói là làm, kiên quyết không khai kể cả có mở lại Zalo thật. Nghĩ cho kỹ mà xem, thời gian cách ly tại khu tập trung không còn nhiều, về nhà còn phải ở với vợ cả đời - lương tâm nó cắn rứt lắm chứ. 


Các cụ ông với các anh thử điểm lại kinh nghiệm của mình xem, một lần thật thà trung thực thì được vợ “thathu” như nào? Lại chả cằn nhằn cả tháng chưa quên, thi thoảng lôi ra nhiếc móc, chì chiết tiếng bấc tiếng chì. Em đảm bảo 90% luôn là vết hằn như “tattoo” trong não luôn. Các cuộc hôn nhân tốt đẹp đến “đầu bạc răng long” (nghe kinh bỏ mịa) là do vợ không biết chồng có bồ và chồng không biết vợ ngoại tình - cái này đã được các nhà nghiên cứu xã hội học trường Đại học Công nghệ MIT tổng kết trong 1 báo cáo gần đây (các cụ không tin search Google, không tìm thấy thì em cũng k chịu trách nhiệm về tính chính xác đâu nhé, em đọc đâu đấy trên báo chí nước nhà thôi). 9% còn lại là thỏa thuận ngầm (hoặc công khai) với nhau về vợ chồng hạnh phúc trước công chúng để giữ gìn hình ảnh cho cả đôi bên. 


Cũng mở ngoặc thêm là có một vài trường hợp đặc biệt, nhưng số này hiếm - nhưng đảm bảo em hỏi riêng từng người thì nhiều chị em cũng sẽ giơ tay xác nhận mình đặc biệt (đặc biệt éo gì lắm thế…he he). Mà thôi, trình bày thế cũng là dài dòng lắm dồi. Sau đây em xin trích chuyện xưa tích cũ để một lần cuối khẳng định với anh/chị bà con cô bác rằng: Em đã unfriend Zalo cô gái suýt chung phòng cách ly được 9 hôm rồi. Và chắc chắn không có ý định mở lại. Kể ra thì cũng có duyên nợ mới gặp nhau, nhưng thôi, để kiếp khác em trả, kiếp này em kiếu! 


Chuyện rằng:


Một chú tiểu đi cùng với sư thầy của mình. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn 


“Có chuyện gì thế?”, sư thầy hỏi.

“Tôi lo lắng quá. Cha tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến thăm cha nhưng cây cầu gãy rồi - cô gái đáp.

“Đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, sư thầy trả lời.

Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ, và sư thầy cõng cô đi qua bờ sông bên kia rồi chào từ biệt.

Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt đường đi. Cuối cùng, không chịu nổi nữa chú đành hỏi sư thầy.

Khi sư thầy nghe xong thì bật cười. Thầy nói “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông bên kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy đến tận đây à?”.


Chuyện đến đây là hết rồi. Các anh/chị, bà con cô bác để cô ấy yên nhé, nhắc cô ấy hắt hơi nhiều quá khéo các F1 cùng phòng tưởng F0 gọi xe bế đi thì lại khổ…he he.


(Ảnh minh họa trong film “Xuân, Hạ, Thu, Đông….rồi lại Xuân-đạo diễn Kim Ki Duk).

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ 7- 8 và thứ 9

Đến tối hôm cách ly ngày thứ 6 mình đã sốt ruột vì mãi không thấy được chọc họng ngoáy mũi để xét nghiệm. Mà không có xét nghiệm âm tính đủ 3 lần thì biết ngày nào được ra. Lần tìm số đt của Bác sỹ khu cách ly để gọi. 

Vâng, bác sỹ Hùng đấy phải không ạ? Em là Tuấn Việt, F1 trong khu cách ly KTX Đại học Nông nghiệp 1 (mình biết là đã nâng chuẩn đào tạo lên thành Học viện rồi, nhưng quen mồm nên kệ thôi), em vào cách ly được mấy hôm rồi mà chưa thấy xét nghiệm lần 2 bác sỹ ạ. Bác sỹ cho em hỏi quy trình xét nghiệm trong khu cách ly như nào vậy? 

- Anh vào khu cách ly được mấy ngày rồi? Từ hôm thứ mấy? 

- Dạ được 6 ngày. Từ hôm thứ 2, à không thứ 3 tuần trước bác sỹ ạ.

- Thế thì ngày mai lấy mẫu nhé! Ở trong khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm đối với F1 hai lần, ngày thứ 7 và ngày thứ 13. Sau 14 ngày cách ly nếu 3 lần xét nghiệm âm tính thì anh được về. 

- Vâng, cám ơn bác sỹ.

- Tôi nghe phản ánh trong khu cách ly gần đây xuất hiện nhiều kiến ba khoang, anh lưu ý đóng cửa phòng và giũ chăn, chiếu sạch sẽ khi nằm nhé.

- Dạ vâng. Cám ơn bác sỹ. 

Vậy là yên tâm đi ngủ, chờ sáng mai xét nghiệm. 

Sáng ngủ dậy, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng xong thì túc tắc sửa lại cái bài viết trên blog về nhà cũ tìm được tối hôm qua để sửa lại đăng FB hầu chuyện bạn đọc. Xong xuôi đâu đó cũng tầm 10h, vẫn chưa thấy ai đến xét nghiệm. Đã mở đt ra chuẩn bị nhắn tin gửi bác sỹ hỏi thời gian cụ thể sẽ xét nghiệm trong ngày thì chợt thấy bóng bảo hộ y tế màu trắng ngoài cửa gõ cạch cạch. Anh chuẩn bị ra ngoài cửa làm xét nghiệm nhé. Vâng, chờ mãi rồi cũng tới-giọng rất tự tin.

Thủ tục xét nghiệm khá nhanh, lần này chỉ ngoáy mũi không thấy chọc họng. Kinh nghiệm được truyền lại là cứ ngửa hết cổ ra thì ngoáy mũi sẽ đỡ đau và khó chịu. Nhưng dù có đỡ như nào thì lần nào ngoáy mũi, chọc họng mình đều hắt hơi và ho, nước mắt nước mũi cứ giàn dụa theo phản xạ cơ thể. 

Được một lát thì bữa trưa mang đến, xơi xong bữa trưa thì an tâm ngủ. Chiều ngủ dậy giao lưu và tham quan với thế giới bên ngoài. Trong đầu nghĩ thầm, xét nghiệm mà dương tính kiểu gì cũng bị bảo hộ áo xanh, áo trắng lên gõ cửa xếp đồ chuyển trại. Chiều và tối loay hoay với suy nghĩ về truyền thông chống dịch thì nhận tin nhắn Zalo của cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở đến hạn nộp Luận văn. Báo cáo cô rất đầy đủ rằng em đang cách ly F1, tình hình chống dịch toàn quốc đều đang rất hăng say, gần như tỉnh nào cũng đang áp dụng thực hiện tinh thần và nguyên tắc của chỉ thị 16 (bản Hoa ngữ dịch là “Phong thành” hay xúng xính tiếng Anh hơn thì là “Lockdown”). Vậy nên mong cô thông cảm và báo cáo giúp BGĐ Học viện cho xin lùi thời gian nộp luận văn và bảo vệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Và nếu được thì thí điểm triển khai bảo vệ luận văn của khoá này qua phần mềm Zoom luôn, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào giảng đường Học viện luôn. Cô giáo gật gù ghi nhận bảo sẽ báo cáo lên trên. 

Sáng nay ngủ dậy xơi xôi ruốc, tráng miệng nốt hộp Cherry gửi tiếp tế hôm kia. Định mở gói chả Quốc Hương (cũng hàng “ông ngoại” tiếp tế) ra ăn nốt nhưng ngửi thấy mùi chua chua, biết hỏng rồi, bèn thôi (nói thế để khẳng định mũi vẫn thính nha). Mải mê giao lưu và quan hệ với thế giới bên ngoài đến hơn 10h thì thấy bóng áo trắng bảo hộ y tế gõ cửa. Lòng xôn xao suy nghĩ rất mông lung. 

- Anh chuẩn bị xét nghiệm độc lập nhé! Hôm qua xét nghiệm gộp, hôm nay làm xét nghiệm độc lập. 

Bỏ mịa rồi! Vậy là trong cái mẫu xét nghiệm gộp kia cho kết quả dương tính rồi. Giờ đi tách ra từng mẫu để xét nghiệm riêng xem F1 nào chính thức được lên hạng F0 đây. Lần này không có ghế ngoài hành lang nữa mà vào thẳng giường trong phòng (đúng cái giường ngoài cửa chỗ em gái F1 hôm nọ đòi cách ly chung trải chiếu mắc màn nằm luôn rồi ấy). Chiếu chưa cuộn, màn vẫn chưa gấp, gạt cái gối sang 1 bên để ngồi chính giữa giường, ngửa cổ lên, mắt nhìn trần nhà, thả lỏng hết người (nhưng lúc cây bông chọc sâu vẫn theo phản xạ mà co người lại). Lấy mẫu kỹ hơn, chọc đủ 2 bên lỗ mũi, ngoáy họng sâu, bắt kêu A A A để cây ngoáy vào sâu hơn.

Rồi cũng xong phần lấy mẫu. Giờ thì co giò ngồi chờ kết quả xét nghiệm. Hồi hộp phết! Thực ra thì mình không lo cho mình. Nhưng nghĩ đến việc mình nâng hạng F0 thì 4 mẹ con ở nhà đương nhiên nâng hạng F1, lại auto vào cách ly tập trung. Oải phết. Nhưng xác định là nếu đến phải chịu. Thế cho nhẹ nhàng, đằng nào cũng thoát được đâu nếu “lộc rơi vào đầu”. Nhắn tin cho bạn và đứa em biết tin, nó cười ha ha bảo để em loan tin này. He he, anh thì chả ngại, đang lo ở nhà lên F1 thôi. 

Gọi dt về nhà báo cáo chỉ huy tình hình chiến trường. Dặn trước đây là báo động giả, tập huấn, chuẩn bị nhưng không loại trừ khả năng nâng cấp lên thành chiến sự. Chuẩn bị sẵn 1 số quần áo, đồ dùng cá nhân cho bọn trẻ con đề phòng khi phải di chuyển đến trại cách ly tập trung mà vội vàng quá lại thiếu nọ, sót kia. Nghe tinh thần chỉ huy khá vững, vậy cũng không lo lắm. 

Thằng em gọi lại hỏi: thế mã xét nghiệm anh số mấy? Biết đâu, chọc họng ngoáy mũi xong thì người ta cho vào ống mang đi có đọc cho mã đâu mà biết. (Các cụ có đọc đến đây thì lưu ý rút kinh nghiệm lần sau nhớ hỏi để báo số về nhà làm con lô, con đề hay mạnh dạn hơn là Vietlott nhé, biết đâu đổi đời. Lần trước báo số đi cho anh em trong Quân khu Mỹ Đình xong người nọ nhìn người kia như sành sỏi, từng trải lắm - hoá ra chả ông nào biết số đt nhà cầm cái để nhắn tin báo số cả, hôm ấy về cả đề lẫn lô. Con cá mất bao giờ cũng là con cá to.) Thôi để em nhờ kiểm tra lô xét nghiệm bên khu cách ly ấy, chắc tầm 14-15h chiều xét nghiệm, 18-19h có kết quả. OK, thì cũng chỉ biết chờ thôi chứ biết làm thế nào hơn được. 

Định đi ngủ trưa, mà thời tiết oi bức quá, khó ngủ. Bèn ngồi dậy xem nốt tập cuối Season 3 bộ TV Series WestWorld của HBO (phần 1 và 2 khá hay, phần 3 dễ đoán hơn nhưng bù lại thì tính giải trí cao). Đến 15h30 chiều, quyết tâm chợp mắt để đảm bảo ngủ đủ giấc theo các  khuyến cáo khoa học đăng trên báo chí gần đây. Ngủ dậy đã sẩm tối, lười không muốn dậy, nhận được tin nhắn thằng em kiểu rất khủng bố: “Có 8 ca tại KTX Đại học Nông nghiệp 1 do CDC HN test từ F1 thành F0”. Một lúc sau nó mới nhắn tiếp “Mẫu ngày hôm qua. Đêm nay chạy tiếp, hy vọng sáng mai không có tên anh”. Em với chả út, toàn khủng bố với đe doạ các anh. 

Chiều tối nhận được tin nhắn trong nhóm cơ quan, một cán bộ đơn vị tổ chức đám cưới online. Hôn lễ sẽ được tổ chức trên Zoom, quan khách sẽ được cô dâu chú rể nhắn tin cấp ID và Password để tham dự. Tuy nhiên do điều thực tế, việc tổ chức đám cưới trong thời gian giãn cách, cả HN thực hiện theo tinh thần và nguyên tắc của CT16, đa số đều ở nhà và lướt mạng nên qua kiểm tra, thử nghiệm nhận thấy mạng hơi lag. Nhưng với quyết tâm cao độ, không ngại khó không ngại khổ, đôi vợ chồng trẻ vẫn quyết định cử hành hôn lễ trên Zoom. Thôi dù sao cũng chúc mừng đôi vợ chồng trẻ, đăng ký kết hôn lâu rồi, cũng ở với nhau rồi, cưới cũng chỉ là hình thức thôi. 

Đêm trằn trọc không ngủ, cứ lo kết quả xét nghiệm dương tính thì 4 mẹ con ở nhà đương nhiên thăng hạng F1 rồi sẽ phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Biết là nghĩ cũng không thay đổi được kết quả xét nghiệm nên thôi, xem film “Black Widow” hoà mình vào thế giới Marvel. Được nửa film thì ngủ. 

Sáng dậy khá sớm, xem nốt film cho thời gian qua nhanh. Đang ăn sáng thì thấy bóng bảo hộ y tế màu xanh gõ cạch cạch. Bình tĩnh ra cửa thì nghe bảo hộ y tế hỏi: Chú có rác không? À có chứ, đổ giúp chú nhé! Ăn nốt cái bánh bao, uống cho xong hộp sữa rồi nhắn tin hỏi thằng em: Kết quả đâu? 

Mất một lúc mới thấy nó nhắn lại: Âm tính rồi. 

Vẫn chưa tin, hỏi lại nó: Tiên sư, chắc chắn chưa? 

Nó bảo: Chưa có kết quả. Hôm qua bên Khu cách ly anh có 1 mẫu xn dương tính thôi. 

Đứng dậy đi ra rửa tay sạch sẽ rồi vốc nước lău mặt. Đi vào đến giường thì thấy cuộc gọi nhỡ của thằng em và tin nhắn trên FB Messenger: Anh âm tính rồi nhé! 

Thở phào. Bốc đt báo cáo chỉ huy và giục đi tiêm theo kế hoạch. 

Trong một diễn biến khác, cùng chiều không gian và thời gian mà mình đang sống, cách đây chừng 20 tiếng, chỉ huy biên tút rất hùng hồn: 

Hết dịch và thế giới khống chế được dịch. Tao sẽ bán nhà (ép đại tá ký giấy, bán xe cũng ép ký) lấy tiền đi du lịch. Ít nhất tao sẽ đến Mông Cổ cưỡi ngựa trên thảo nguyên, sang Iran thăm các đền thờ Islam, sang Turkey để mua thảm và trang sức…Nếu còn tiền còn sức tao đi tiếp đến Nam Cực tìm chim cánh cụt. 

Thật là tầm nhìn dài hạn. Chả biết sống lay lắt qua mùa dịch thế nào đây nữa. Vãi cả chim cánh cụt. 

(Không hứa hẹn gì việc mỗi ngày một truyện nữa đâu các bạn nhé)

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ 6

Quả thật là hôm nay rất bí, không nghĩ ra viết cái gì hầu bạn đọc. Tìm đề tài cho mình quá khó. Lục lại những gì đã viết trên Note của FB thì FB đã đóng tính năng Note từ bao giờ, việc tìm kiếm rất khó khăn và không ra kết quả. Lục tìm tiếp bên blogspot đem về cái Note cũ này từ hồi 2008 để bổ sung, chỉnh sửa lại cho cập nhật với tình hình thực tế. 


——-+———-

Nhà cũ


Trong trí nhớ của tôi thì căn nhà mà tôi lớn lên lớn lên khá rộng rãi, là một căn nhà cấp 4 lợp mái ngói ở trong một khu tập thể cơ quan ngay trung tâm Hà Nội. Sau này mới biết nó chỉ có 17 mét vuông, 9 mét vuông chính thức được cơ quan phân cho gia đình, còn 8 mét vuông kia là cơi nới từ một cái giếng cũ lấp đi. Kể ra thì rất oai vì nhà tôi ngày đó ở ngay đối diện Rạp xiếc TW, cạnh công viên Lê Nin (giờ là công viên Thống Nhất) và bến xe Kim Liên (mà nay đã xây khách sạn Nikko, giờ chuyển thành HÔTEL du PARC HANOÏ). Nhưng thực tế thì nhà là căn cuối cùng của dãy nhà cấp 4 trong một cái ngõ cụt, đường vào rất khó khăn. Nếu có 1 người dắt xe máy đi vào thì người đi ngược chiều phải nép sang một bên để tránh. Sau nhiều năm khó khăn bố mẹ mới có điều kiện làm thêm cái gác xép, năm đó hình như là năm tôi học lớp 8.


Đây là khu tập thể 58 Trần Nhân Tông dành cho CBCS Cục thông tin liên lạc. Lúc còn nhỏ thì khu tập thể và khu làm việc hoàn toàn không có tường ngăn cách, có lẽ do số hộ gia đình còn ít, không quá phức tạp, sau này mới xây tường ngăn riêng giữa khu làm việc và khu gia đình (nên mới bắt đầu có 58A và 58B). Thỉnh thoảng mình vẫn lên chỗ mẹ làm việc, nhìn các cô các chú gõ tele tip (không biết gọi vậy đúng không?), lấy các cuộn băng giấy mã vứt đi về chơi. Khu làm việc được gọi là “Khu xử lý”, nơi điện báo, mật mã gửi thông tin đi khắp nơi của toàn ngành. Bố thì đi làm xa hơn, sáng nào cũng cặp lồng cơm lên xe ca Hải Âu đưa xuống Thường Tín, chiều xe đưa về. 


Nhìn tổng thể thì Khu tập thể nhà tôi có 03 dãy nhà cấp 4, một dãy nhà 02 tầng và 02 nhà 03 tầng. Có một nhà 3 tầng là khu nhà ở còn một nhà 3 tầng có toàn bộ tầng 1 (tầng trệt) làm nhà ở, các tầng trên là phòng làm việc. Dãy nhà cấp 4 nơi tôi ở nằm sát tường ngăn với Bến xe Kim Liên, trước mặt là dãy nhà 2  tầng. Toàn bộ các Phòng trong dãy nhà 2 tầng này được dành cho cán bộ chưa có gia đình, một phòng có 4 đến 8 giường tầng, tuỳ theo diện tích.


Nhà tôi ở ngay cạnh 02 cái nhà tắm chung cho cả dãy nhà cấp 4 (06 hộ gia đình) và 02 phòng tập thể của tầng 1 thuộc dãy nhà 2 tầng của những cán bộ chưa lập gia đình. Nói là nhà tắm chung nhưng thực tế thì nó cũng kiêm luôn cả chức năng của nhà vệ sinh (tiểu tiện) vì khu vệ sinh chung rất xa, nếu ai mà bị "tào tháo đuổi" thì chắc chắn sẽ ra quần.


Nhà bác ruột (chị bố) tôi ở bên khu 3 tầng, bác ở trên tầng 3. Khu bên này tiện nghi và hiện đại hơn hẳn so với dãy nhà cấp 4. Mỗi tầng hình như có 10 căn hộ, cầu thang giữa, mỗi bên cầu thang là 5 nhà. Mỗi bên cầu thang có 1 khu vệ sinh, bao gồm cả tắm rửa, giặt giũ và WC chung . Nhà bác tôi có cửa sổ nhìn ra mặt đường Trần Nhân Tông với diện tích khoảng 20 mét vuông. Tầng 1 của khu có 1 cái nhà trẻ dành riêng cho toàn bộ trẻ con của cán bộ, tôi và ngay cả thằng út nhà tôi cũng được gửi ở đây lúc nhỏ. Lớn hơn một chút thì đi nhà trẻ ở phố Đỗ Hành rồi chuyển về phố Thuyền Quang, cũng có năm được về trụ sở chính của Trường Mầm non Sao Sáng ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Học cấp 1 và cấp 2 thì đi bộ qua Hồ Thuyền Quang đến trường Tây Sơn, nhưng tôi nhớ hồi đó chúng tôi học lớp một ở tầng trệt Biệt thự ngay góc ngã tư Trần Bình Trọng và Nguyễn Du, giờ hình như cái Trường học của tôi đã là Chi nhánh ngân hàng PVCombank (vừa mới đập bỏ để xây lại). 


Quay lại với cái nhà tôi ngày đó. Không dừng ở việc cơi nới thêm 8 mét, bố mẹ tôi còn làm thêm cái chuồng lợn ở trước cửa, tất nhiên là để nuôi lợn rồi. Và mấy cái chuồng gà ở góc cạnh khu nhà tắm chung. Hồi đó tôi cũng có một nhiệm vụ nho nhỏ mà bây giờ vẫn có thể "đấm ngực" tự hào là đi vào Công viên vớt bèo về nấu cám cho lợn. Thật ra thì sáng học chiều về đi chơi là chính thôi, vớt bèo là nhiệm vụ bố giao nhưng chắc là ông chỉ muốn tôi liệu giờ mà về chứ không quá mải chơi thôi. 


Trẻ con trong khu tập thể hồi ấy nhiều trò chơi nghịch ngợm nhưng thông minh và sáng tạo. Anh Ngọc dịu làm pháo thăng thiên bằng đất đèn, làm film bằng cách vẽ trên nilon rồi chiếu đèn vào phóng lên tường làm màn ảnh rộng, quấn pháo đùng bằng lõi cây sắt đánh kẻng (rồi nhét quả pháo tép trong ruột) để ra giữa đường dọa người đi đường…Hồi ấy cũng nhiều lần được xem chiếu bóng lưu động tại sân chung cư, được đem tem phiếu đổi bánh mỳ, bia hơi chở xe ô tô đến lăn bom xuống bán. 


Cả gia đình mình đã ở căn nhà này đến tận năm đầu tiên tôi vào Đại học (1994), nhà được bán cho bác gái (chị thứ 2 của bố) chuyển từ quê lên tiếp tục ở đây. Từ năm 1999, mình vào SG công tác tận 2015 mới B quay về HN nên không cập nhật lắm, chỉ biết đến giờ gần như toàn bộ khu tập thể này đã nhận nhà tái định cư: Đợt đầu các Hộ gia đình về Khu chung cư ở Trung Hoà-Trung Kính; Đợt sau các Hộ gia đình còn lại về Khu Chung cư ở Hoàng Cầu…Ngoài ra thì các gia đình chuyển khỏi khu tập thể này trước khi có yêu cầu tái định cư cũng khá đông, nhiều anh chị mình không còn nhớ mặt, biết tên; nhiều thế hệ các em chuyển đến sau mình cũng không kịp cập nhật. 


Học theo cách anh Bình Ca gọi tên Quân khu Nam Đồng, các anh chị đã từng ở đây cũng đặt một cái tên cho khu tập thể này là: Quân khu 58: Ngôi nhà Huyền thoại.


P/S: Thật không biết viết gì, đành tìm về quá khứ. Vì thế rất có thể mai, kia không kể chuyện hàng ngày nữa. Kính báo.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ 5

Hôm kia, trong tút giới thiệu ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam tại Úc châu - kiêm người bán vang dạo - mình có giới thiệu cuốn sách Quyền sư của anh Tran Viet Trung. Thích cuốn truyện này vì nó kể về Vịnh Xuân, thật giả trong truyện bao phần thì để hôm nào phỏng vấn riêng anh Trung, nhưng phủ lên trong sách là tinh thần võ thuật cao thượng và nghĩa khí. 

Mình có cảm tình với Võ thuật, chắc do hồi bé đọc truyện đánh nhau nhiều. Ban đầu là Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, sau đến chưởng Kim Dung, Cổ Long... Ấn tượng trong trí nhớ ngay lúc này với truyện Việt Nam thời đó là Người không mang họ (sau có được dựng thành film nhưng không toát lên được hết cái không khí trong truyện). 

Hồi bé có lần được Dì cho tiền, nhân dịp lĩnh tháng lương đầu tiên khi đi làm, mình đã đi bộ từ nhà lên Hiệu sách Quốc văn (nay là cửa hàng Louis Vuitton góc Tràng Tiền - Ngô Quyền) để mua quyển Tây Du Ký tập 1. Đọc nhoáy phát trong ngày xong, hụt hẫng vì hết nhanh quá. Hồi ấy sách không ra cả bộ cùng lúc mà mỗi tuần 1 tập như TV series. Thành ra mỗi tuần lại lên hiệu sách Quốc văn 1 lần - tất nhiên, chỉ để mua sách. Cái không gian sách ở Hiệu sách Quốc văn thời ấy nó sang trọng, quý phái như sảnh khách sạn 5 sao bây giờ vậy. Tam Quốc với Thuỷ Hử thì mượn đọc của mấy anh trong khu tập thể. Ấn tượng mạnh nhất với mình là cuốn truyện tranh “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” được vẽ theo trường phái Thuỷ mặc, hoàn toàn đen trắng. Sau này hình như Nhã Nam có in lại 1 đợt xong biến mất. Nhưng khổ in của Nhã Nam vẫn nhỏ hơn khổ sách của TQ (hình như là 25cmx35cm). 

Lớn lên chút thì đi thuê sách. Thời đầu thì thuê sách ở Bà Triệu, cạnh trường Mầm Non gần ngã tư Bà Triệu-Trần Nhân Tông có cái kios bằng gỗ như bốt gác của mấy chú CSGT bây giờ, thời ấy bùng nổ sách dịch không cần quan tâm tác quyền, trăm hoa đua nở. Ấn tượng nhất có lẽ là NXB Phú Khánh. Đọc truyện chưởng thì mình đi thuê ở Lý Nam Đế, ngay gần ngã ba với Cửa Đông. Lúc đầu là “sách xịn” in trong SG thời trước 75, sau chỗ này dời về trong khu tập thể đầu Nguyễn Tri Phương với Điện Biên Phủ. Đến thời này thì chỉ toàn sách photo đóng quyển cho thuê, giá vẫn không đổi. Những tên tuổi lừng danh trong làng văn kiếm hiệp như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô gái Đồ Long, Liên Thành Quyết, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu ngạo Giang hồ…đều đọc trong thời kỳ này. Ấn tượng nhất đến giờ này ngoài tác giả Kim Dung, Cổ Long ra thì mình vẫn phục dịch giả Hàn Giang Nhạn, giống như Ngọc Thứ Lang thổi hồn cho bản dịch Bố Già của Mario Puzo vậy. 

Đọc sách chưa đủ, thời những năm 80-90 cũng là thời của đầu video tape bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ban đầu thì chỉ là những đầu video loại thường (như Akai và các loại khác quên tên rồi), sau này xịn hơn thì xuất hiện thêm những loại đầu video mà đầu từ mạ vàng, tách tiếng, đa hệ, có thể hát karaoke luôn như Sharp K98 (hiện giờ nhà vẫn còn 1 cái trong hộp cũ, năm đầu ĐH kỳ kèo bố mẹ mua đâu chừng 5 cây vàng, lâu rồi không thử xem phát được nữa hay không). Mỗi cuối tuần mình lại đòi bố mẹ cho lên nhà cậu mợ (họ hàng bên ngoại) trên Hàng Thiếc để xem film chưởng bộ. Film bộ Hồng Kông thời ấy ngoài kiếm hiệp Kim Dung còn có dòng ngôn tình Quỳnh Dao như Xóm Vắng, Dòng sông ly biệt, Nỗi lòng thấu trời xanh…Bên cạnh TV Series của TVB, ATV thời ấy cũng còn rất nhiều film lẻ võ thuật với dàn diễn viên đi vào Huyền thoại lứa tuổi 7x như: Lý Tiểu Long, Jackie Chan Thành Long, Trương Mạn Ngọc, Dương Tử Quỳnh…

Đấy là đời sống trong sách, trong film còn ngoài đới thực thì sao? Hồi mình còn bé vẫn có phong trào buổi sáng dậy sớm tập thể dục. Các anh chị Đội, Đoàn bắt phải dậy sớm ra tập thể dục tập trung từ lúc 5h30, sau 30 phút thì thả cho tự do. Mình thường lang thang vào Công viên Lê Nin xem mọi người tập và cũng là đi chơi. Sau nhiều lần quan sát một chú tập quyền mình bèn xin chú dạy. Bài quyền chú dạy mình nhớ là Hổ quyền, không rõ của môn phái nào. Sáng nào cũng chăm chỉ ra học, nhưng được chừng đâu hơn tuần thì bố biết cấm tiệt luôn. Giờ cũng chả nhớ được bao nhiêu, đại loại cũng học đứng tấn, cũng học trảo….Tiếp đến đâu như năm cấp hai, mình năn nỉ bà chị họ kêu ông Bồ bả dạy võ cho mình. Ông nể chị quá nên bảo: Thôi mày đi học Karate đi, xong anh dạy thêm cách di chuyển của Vịnh Xuân. Thế là được giới thiệu đến Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, cũng bắt đầu bằng đai trắng. Ấn tượng đầu tiên khi vào sân tập là võ sinh rất đông, mình thầm nghĩ trong đầu: Bỏ mịa, thế mà cứ hung hăng ra đường có ngày bị oánh cho tè mỏ. Học đâu cũng được mấy tháng hè, chưa kịp thi lên đai thì bố lại bảo: Mày học võ để ra đường đánh nhau à? Thôi nghỉ ờ nhà. Thế là kết thúc sự nghiệp võ học. Sau này, cũng có lúc quay lại với võ, học mấy tháng trời ở Đông Ngạc nhưng chủ yếu xác định mình làm “cave võ” vì người gầy ốm, các bạn tập dễ quật, mình “biết ngã” nên cũng nhẹ nhàng. Bạn nào cũng tranh thủ nhờ mình làm đối tác tập để quật qua vai cho dễ. Mỗi năm đều quay đi quay lại với bài quyền 38 và 42 động tác (hoặc rút ngắn thì chỉ học 38 động tác thôi) nhưng năm nào cũng như mới. Giờ bụng to do nghiến răng, nuốt nước bọt nhiều bảo cúi xuống để 2 tay cạm mũi ngón chân cái chừng 5p cũng lắc đầu chịu chết. 

À, hôm qua trong lịch làm việc tại khu cách ly có nhiều bạn thắc mắc việc nghiên cứu Nghị quyết ĐH Đảng XII, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIII trong khung giờ 18h30-21h30… Xin thưa là việc này đã từng có tiền lệ, hồi bé bố mẹ đi làm khoá trái cửa nhốt mình trong nhà, không có gì đọc mình lôi Điều lệ ĐCSVN ra đọc và thuộc lòng. Tuy nhiên, đến giờ này thì chả còn nhớ tí gì, mỗi khi cần nghiên cứu mình vẫn lên tra Google.

(Hẹn các bạn ngày mai nhé). 

P/s: Trong một diễn biến khác, sau 5 ngày an dưỡng trong khu cách ly mình vẫn chưa được hân hạnh một lần, dù chỉ một lần được gặp y tá, điều dưỡng hay bác sỹ ở đây. Chỉ có mỗi một mẩu giấy ghi số đt liên hệ khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở….

Ngày cách ly thứ 4

Đêm qua trằn trọc không ngủ được, mãi đến gần 3h sáng mới thiếp đi. Mưa cả đêm rả rích, sáng dậy trời vẫn đang mưa. 

Hơn 7h30 mò dậy, ra cửa lấy đồ ăn sáng. Chắc ngủ sâu quá không nghe tiếng gọi nhận cơm.

Ăn xong loay hoay biên tập lại tút trước khi OnAiir. Lại bắt đầu xuất bản trên Phây và giao lưu với độc giả. Sức ép viết mỗi tút một ngày khá lớn. Tất nhiên là mình rảnh, nhưng chỉ ngồi trong phòng, loanh quanh với 4 bức tường chả có sự kiện gì mà kể. Nghĩ chuyện Tam Quốc, Khổng Minh chỉ ngồi trong lều tranh biết việc thiên hạ (mà thời ấy chưa có 4G với các ứng dụng OTT để chuyển tải thông tin nhanh chóng, mà chưa chắc chính xác, như bây giờ nhé); nghĩ việc ông Tào Thực trong 7 bước xuất khẩu thành thơ, mà gần nhất như ông Cụ viết Ngục trung Nhật ký…thấy mình thật vớ vẩn (tất nhiên là vẫn vớ vẩn rồi, so sánh thế cũng cao lên được tí). Thôi thì cứ cố gắng hầu chuyện bạn bè cho vui, tranh thủ luyện não hoạt động, mua vui cũng được một vài trống canh. Hết cách ly thì cũng chả có thời gian mà viết. Ở trong hoàn cảnh như này có 2 thứ bắt buộc phải làm: Luyện não và vận động chân tay. 

Đọc tin tức trên báo về việc có nhiều ca F1 lên thành F0 trong chính khu cách ly ĐH Nông nghiệp 1 mà giật mình. Xưa nay đọc bản tin BYT chỉ chú ý số ca F0 tăng bao nhiêu, giảm thế nào. Thi thoảng lướt qua thông tin trong số ca F0 thì có bao nhiêu F0 trong khu cách ly, bao ca F0 ngoài cộng đồng đang xác định nguồn lây, truy vết thì chỉ lưu tâm đến số ca F0 ngoài cộng đồng. Giờ ở trong khu cách ly F1 mới thấy con số F0 lên từ F1 trong khu cách ly tập trung cũng rất rất nguy hiểm. Nhớ đến con số khoảng 38% số ca nhiễm tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo mà sợ. Như đã kể trong các tút trước, Khu cách ly ĐH Nông nghiệp 1 tại Trâu Quỳ-Gia Lâm mới được trưng dụng từ KTX sinh viên cách đây vài ngày, có 03 toà (C3-C4-C5), mỗi toà 07 tầng, mỗi tầng (tạm tính) 10 phòng, mỗi phòng 4 giường cho 4 người. Tạm tính sơ sơ thì sức chứa khoảng hơn 1000 ca F1. Ngay từ hôm đầu tiên vào KCL, nghe tiếng gọi các tầng nhận cơm trưa, cơm tối mình đã thấy BQL gọi đủ các tầng ra cửa nhận cơm. Điều ấy cho thấy, các tầng đều đã có người ở, và với con số F0 đang tăng lên thì chả mấy chốc KCL này sẽ đầy. 

Nằm trong khu cách ly đến nay đã ngày thứ 4, chỉ thấy sáng ăn, trưa ăn, tối ăn. Vẫn chưa được xét nghiệm lần 2. Có tờ giấy in số đt của bác sỹ dặn khi nào có biểu hiện ho, mệt mỏi hay tức ngực…thì gọi. Khu cách ly cũng có nội quy, quy định nhưng chủ yếu hướng dẫn quy định người bị cách ly phải làm gì. Thiếu hẳn đi phần người bị cách ly được gì (dù thực tế là có được phục vụ khá nhiều). Thông tin trong khu cách ly chủ yếu là hệ thống truyền thanh qua loa. Vì qua loa nên cũng tiếng được tiếng mất. Mình nghĩ đáng nhẽ ra phải thông tin đầy đủ về thời gian, quy trình, quyền lợi và trách nhiệm của người bị cách ly để họ nắm rõ và thực hiện, phản ánh khi sai sót, vướng mắc….Đằng này các cơ quan quản lý, cứ nghĩ thông tin trên báo chí là truyền thông đầy đủ rồi, ai cũng phải biết! 

Thôi cũng kệ. 

Chị bạn dặn mình phải lập lịch làm việc trong khu cách ly để tạo ý thức tự giác và thói quen. Loay hoay mấy hôm vẫn chưa làm. Nay quyết tâm ngồi lập được cái dự thảo dưới đây. Mong bạn bè góp ý cho thêm phần hoàn thiện, 

Lịch làm việc tại khu cách ly

(Có giá trị tạm thời trong 14 ngày, nếu tình hình có thay đổi sẽ bổ sung)

Sáng dậy lúc 6h. Vệ sinh cá nhân

Vận động thể dục tại giường và ngoài trời

Từ 7h đến 7h30 đun nước gừng sả uống, ăn sáng kèm trái cây nhà làm, à quên nhà gửi. 

Từ 7h30 đến 8h30, biên tập chỉnh sửa, bổ sung Nhật ký cách ly phục vụ bản thân và bạn bè. 

Từ 8h30 đến 9h30, tham quan và giao lưu với thế giới bên ngoài khu cách ly. 

Từ 9h30 đến 10h30, lau nhà, dọn dẹp vệ sinh nơi cách ly (2 ngày/lần). Nếu không lau nhà thì hoạt động giải trí: xem film, đọc sách. 

Từ 10h30 đến 11h30, tắm và tiếp tục vận động nhẹ bằng hình thức tập hít vào thở ra. 

11h30 đến 12h: Ăn trưa kèm trái cây nhà gửi (hết trái cây thì nhịn hoặc đề nghị tắc tế).

12h đến 14h ngủ trưa. 

14h đến 15h30 dậy đun nước sả, gừng uống. Viết Nhật ký cách ly

15h30h đến 16h vận động thể dục.

16h-17h30 tiếp tục tham quan và giao lưu với thế giới bên ngoài. 

18h-18h30: Ăn tối. 

18h30-21h30: Nghiên cứu Báo cáo Chính trị và Nghị quyết của ĐH Đảng lần thứ XIII. (Việc này phải duy trì thường xuyên và liên tục - có thể đọc đi đọc lại, mở rộng nghiên cứu các Báo cáo chính trị và Nghị quyết của các HNTW và các ĐH nhiệm kỳ trước nữa). 

21h30-22h: Vận động nhẹ, tập hít thở. Vệ sinh cá nhân và đi ngủ.

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ ba

Tút này có quảng cáo - không có tiền thì làm nhạc làm sao? (ĐEN)


Nghe tiếng ồn ào tưởng như máy xịt khuẩn quanh đây, bèn bật dậy ngó xem, thì ra là máy cắt cỏ. 

Lại lướt Phây chờ bữa sáng. Tình cờ đọc bài bình thơ anh Sáu Bình của Nông dân đất Úc - Lai Trong Tinh. Hắn bình như nào các bạn tự đọc trên FB hắn, chỉ biết đọc xong mình vỗ đùi liên hệ Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của một tạp chí thuộc Liên Hiệp các Hội Unesco Việt Nam đề nghị giao hắn chức Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Úc châu. Để viết đôi nét về Tình: Tay này xưa cũng từng chuyên văn Lê Hồng Phong -Nam Định (đoạn này hắn tự nhận), từng làm báo nổi tiếng khắp Hà Nội (lúc ấy mình ở SG, sau này nghe anh em giang hồ làng báo bảo thế - chắc cũng đúng mươi phần). Lúc chuyển ra HN công tác thì Tình đang làm ở VTC14 (kênh truyền hình thời tiết - nói vậy cho dễ nhớ), sau sự kiện đặc biệt hắn bỏ nghề nghỉ nhà mấy tháng rồi sang Úc theo diện đoàn tụ với vợ con (chắc chắn không phải diện H.O - việc này mình biết). Mình thích tản văn quê nhà hắn viết, đọc thấy mùi rơm rạ, mùi bùn và cả mùi phân trâu bò của làng quê Việt. Đọc hắn mình cảm giác thấy Tô Hoài thời Dế mèn phiêu lưu ký, thấy Trần Đăng Khoa thời Góc sân và khoảng trời….Mình rất thích món cá cuộn giấy bạc nướng rơm ủ qua đêm nhà hắn, Tết năm nào cũng đặt vài con. Ăn ngọt thịt, bùi mà hơi dai nhắm với bia thì tuyệt. Sang Úc hắn làm nông dân chính hiệu (cũng là hắn tự nhận thế) trồng nho, bán rượu vang, thi thoảng chạy uber (thấy khoe FB thế). Thấy bảo mấy tháng chuyển lửa về quê hương một lần, mỗi lần vài container rượu vang Úc để bán cho bạn bè và người dân Việt. Mình có mua vài lần, nhưng khổ cái mua lần nào cũng giảm giá với khuyến mại kiểu mua 2 thùng tặng 1 thùng thành ra rất ngại. Mình không sợ những “viên đạn bọc đường” như thời các Cụ, thời nay nếu không vì sợ tiểu đường thì mình vẫn có thể nhai hết đường rồi nhả đạn chì ra thoải mái. Nhân văn tri thức như vậy mà bỏ đi sang Úc làm nông dân quả thật rất đáng mừng cho nền văn học nghệ thuật và báo chí nước nhà và tất nhiên là cả bản thân hắn. Mình nhấn mạnh lần nữa là rất đáng mừng! Vì vậy, để ngăn cản hắn quay trở lại với con đường văn chương, nếu bạn có nhu cầu mua rượu vang uống nhâm nhi trong bữa trưa, bữa tối (tốt cho tim mạch) thì nên mua rượu vang của hắn. Giá cũng bình dân như con người hắn vậy. 


Cạch cạch, bữa sáng hôm nay là Xôi ruốc. Xong bữa sáng là đến giờ biên tập, bổ sung cho hoàn chỉnh (tắt nhiên lần nào cũng vội) để đăng tút duyệt phây. Đa phần không tin hoặc nghi ngờ việc mình hủy kết bạn Zalo với em gái suýt chung phòng. Thì kệ thôi, đâu bắt mọi người tin mình được…he he.


Bạn bè vẫn nhắn tin hỏi thăm tình hình cách ly có ổn không? Các em gọi hỏi anh thiếu đồ gì để ship vào khu cách ly….Thực ra thì tối qua đã nhờ anh em cq ship cho gừng, sả, bộ ấm đun nước (đa năng), C sủi, dầu gió, dao kéo…vào rồi. Nhưng vì gửi buổi tối nên chưa được nhận, hẹn sáng nay sẽ giao. Việc gửi đồ tiếp tế cũng khá đơn giản, chỉ cần ghi rõ họ tên, số phòng và toà nhà (tất nhiên nên kèm số đt) gửi ngay ngoài cửa KTX thì sẽ có người ship đồ giúp đến cửa phòng. 


Trưa nay, ngoài giao cơm còn được giao thêm đồ tiếp tế. Ăn xong, vận động nhẹ, tập hít vào thở ra chút rồi đi ngủ. Luyện khí công môn hít vào thở ra này khó khăn phết. Hai lần khoanh chân bấm giờ mà không lần nào quá nổi 5 phút. Làm việc này đòi hỏi phải tập trung, theo dõi luồng khí hít vào từ mũi cho đầy bụng, xong thở từ từ ra đường miệng. Ngày xưa đọc sách (sách gì chả nhớ tên) hướng dẫn còn có trình cao hơn là khi hít vào thì dùng tâm trí điều khiển (thực ra chính là ý nghĩ thôi) cho luồng khí đi khắp cơ thể 1 vòng xong mới thở ra. Thời sinh viên rảnh rỗi cũng thử luyện vài lần mà khó quá nên bỏ qua. Giờ nghĩ kỹ thực ra Đông Y cũng là đây. Dùng khí mở huyệt đạo như truyện chưởng, chắc cũng nhiều  phần sự thật. Chợt nhớ cuốn Quyền Sư của anh Trần Việt Trung, rất hay, khuyến cáo các bạn nên đọc (nếu còn tìm mua được).


Chiều ngủ dậy, bắt đầu khám phá túi đồ tiếp tế. Lấy sả với gừng ra cắt thành nhiều miếng nhỏ cho vào ấm đun nước đa năng (Nói đa năng vì ấm này có những 10 chế độ: Đun nước, pha trà, luộc trứng, nấu mì, nấu chậm, lẩu, chưng yến, thuốc Bắc, sửa chua và pha sữa).  Tất nhiên đến phần lau nhà, dọn dẹp vệ sinh phòng ở. Bình thường cũng không chăm như này đâu, nhưng trong này có việc động chân động tay là tốt rồi, không thì cũng lại mờ mắt mòn vân tay trên ipad với điện thoại thôi. Hôm nay mở rộng không gian lau nhà sang cái giường thứ hai, cạnh giường mình nằm. Lười nó thế…he he. Và tất nhiên xong việc thì phải tắm rồi. 


Tối vừa cơm xong được lúc thì con bé gái thứ 2 gọi Zalo video, vừa nói chuyện vừa cười như nắc nẻ. Bảo con vừa đọc status trên FB của bố xong, buồn cười quá bố ạ. Ô hay, tôi đấu trí với gái thế mà cô cười được à (mình nghĩ thầm trong bụng). Sao bố không nói với cô ấy là bố có vợ rồi? Ha ha, bố nói rõ rồi đấy! Bố bảo mình có 1 vợ 3 con cơ mà. Thế tình hình ở nhà thế nào? Phải đổi đề tài ngay lập tức. Kinh nghiệm cho thấy là không nên coi thường phụ nữ và trẻ con các cụ ạ. Phụ nữ chả có logic nào cả. Họ là chân lý. Còn trẻ con thì rất ngây thơ, hỏi những câu rất ngây thơ, chân chất mà người lớn thường cứng họng. 


Nói chuyện với mấy đứa trẻ con xong thì lên cơn buồn ngủ. Không hiểu sao thỉnh thoảng mình hay có giấc ngủ ngắn tầm 8 hoặc 9h đến 11 hoặc 12h, sau đấy lại thức. Tầm giờ đấy thì bớt chat chít nên yên tĩnh và tập trung hơn để viết tút. Viết những gì đọng lại trong ngày (mấy hôm nay thì phải note các chi tiết vì hay quên). 


Hẹn các bạn ngày mai nhé!


Ảnh minh họa: Ban công khu cách ly.


—————-

Update thêm 01 tản văn Lại Trọng Tình viết truyện làng quê để bạn bè thẩm văn. 


ĐẰNG SAU


Góc vườn chỗ mảng tường đất còn sót lại mọc lên một cây sung hái.

Sau mấy trận mưa rào, cây lá trong vườn mơn man như phủ một lớp dầu bóng màu xanh. Sáng sớm tinh sương, bố đã vác bừa vắt trâu ra đồng. Mẹ chắc đi chợ bán thóc đong muối mua rọc khoai cho lợn. Thằng Thương từ ngoài vườn chạy về rỉ tai tôi " cây sung hái sắp có tổ chim". Nó nói nhỏ như sợ con chim sâu nghe thấy bỏ đi không làm tiếp. 

Ở giữa cây sung, một tàu lá to đẹp cứng cáp nhất đã được khâu cong lại, khum khum hình cái bồ đài. Mấy hôm nay vợ chồng chim sâu đã miệt mài chuẩn bị ngôi nhà cho những đứa con sắp ra đời.


Mũi khâu của đôi chim trên tàu sung hái đánh thức cả khu vườn. Bụi chuối tây giáp tường nhà ông Thụ bỗng ló ra một cái đò nhỏ xíu, hóa ra bông hoa chuối đã trổ thành buồng từ bao giờ. Tôi hí hửng, tối nay lại có món nộm. Đò chuối tây luôn là đỉnh nhất, bùi, ngậy mà chát vừa phải. Thái mỏng, ngâm qua nước vo gạo...mới nghĩ tới đó đã tứa nước dãi. 

Cây khế sát bờ ao bà Đê cũng trổ thêm bông, những chùm quả sai chĩu chịt lả sát mép nước. Cầu ao bố bắc bằng một tấm gỗ lấy từ miếng quan tài sau bốc mộ, hai bao thóc giống mẹ ngâm buộc ở hai đầu cọc tre lăn tăn sủi bọt. Hai bao thóc kẻ thù của tôi. Nỗi khiếp sợ của tôi. Mấy ngày mẹ ngâm thóc tối nào tôi cũng bị sai nhấc lên xách vào hiên để. Cầu ao vừa trơn vừa lung lay, bắc bằng tấm ván thôi đã quá đáng, lại bắc ngay góc ao sát vườn bà Âu, chỗ có cây sung. Đêm, nằm ở giường bố, mỗi lần thò chân lên cửa sổ, nghe tiếng quả sung rụng tõm xuống ao, tôi lại cảm giác như có bàn tay nào chộp lấy chân mình lôi ra ngoài cửa sổ. 

Mỗi lần bị sai đi nhấc bao mạ vào thời điểm xâm xẩm tối là tôi lại chơi trò vừa làm vừa gọi mẹ ơi. Gọi váng cả đằng sau, mà mẹ thì mải cho lợn ăn chả mấy khi giả lời. Tôi cũng biết vậy, nhưng không gọi thì sợ tụt quần. Mấy đứa em xỏ lá biết tôi sợ, đứng trong nhà bám cửa sổ còn hét toáng lên " ôi ma kìa" " ôi có cái gì đỏ lòm trên cây sung ". Lần nào cũng vậy. Cho đến khi bao thóc ngâm với những cái mộng mạ màu trắng đâm ra vỏ bao, ấm áp chạm vào bắp chân tôi trong hiên nhà, mới có thể thở phào nhẹ nhõm. 

Buổi trưa. Bố đi bừa về. Mẹ đội thúng lòa xòa rọc khoai và chỉ có thế. Thì chúng tôi được xách cần câu ra đằng sau.

Hồi ao chưa bán cho chú Võ, lối nhà tôi bùn sẩu vì ao toàn đón lá nhãn lá sung rụng, ít có cá vào. Tôi đáp vùng bằng cám rang, họa hoằn lắm mới giật được một hai con cá diếc. Sướng củ tỷ.

Nhưng ra đằng sau câu không bao giờ là một ưu tiên. Ao bà Lãng đằng trước nhiều tôm trà hơn, lại tiện để rắng nhà, chủa thóc. Đặc biệt là nhiều câu chuyện rùng rợn được sáng tác ra để ngăn chúng tôi ra đằng sau. Gốc cây sung có ông Ớt chết đuối thỉnh thoảng lại nổi đỏ lòm. Vườn bà Đương có mấy người bị Pháp bắn vùi ở đó, giờ bà Đương làm vườn vẫn nhặt được cát tút vàng chóe.

Đáng sợ nhất, thực sự là rắn và ngã ao.

Gốc chuối tây là ổ cạp nong. Hổ mang bành thì luôn bò qua bò lại hai bên mảng tường đất còn sót giữa vườn bà Sảng và vườn nhà tôi. Lối tắt chui qua bụi duối nhà bà Âu để sang nhà Bác Hằng bị chặng lại bằng một lần nhì thấy cặp rắn ráo cuộn nhau vắt vẻo, lộ cái bụng vàng ươm.

Tôi vẫn bị mũi khâu điệu nghệ của đôi chim sâu cuốn hút. Trên cành trà rào giữa ao bà Đê, con chim chả lòe loẹt rình rập. Những tàu lá chuối chín già gập xòa xuống gốc. Cây chuối non đang nhú lên từ nền đất ẩm ướt sau mưa. Vết chém trên gốc sung vẫn còn rỉ nhựa. Ai đã hứng nhựa sung để phất diều. Đám chìa vôi và chích chòe vẫn xà xuống đầu vườn. 

Không có những cọng rơm trong cái bồ đài sung hái. Có lẽ đôi chim sâu đã quyết định tìm một chỗ kín đáo hơn. Đằng sau vẫn là một thứ bí ẩn và hấp dẫn. Vẫn gai gai khi sẩm tối bước ra. Vườn bà Đương bán lại cho chú Chinh làm nhà, chả có gì ngoài mảnh sành bát vỡ. 

Bây giờ ra đằng sau. Những gốc bưởi tôi trồng đang bám vào đất ướt. Cây khế và cầu ao không còn.

Bất giác tôi vẫn thấy lành lạnh và cất tiếng gọi " mẹ ơi".

Không có tiếng trả lời....dù tôi biết là ở trên kia, vầng trăng mười rằm tháng sáu tròn vành vạnh, mẹ nghe rõ tiếng gọi của tôi.

Vậy đó, phía đằng sau luôn có những thứ làm người ta ớn lạnh. Nhưng không sao, chỉ cần cất tiếng gọi mẹ, mẹ ơi. 

(Vân Đồn, 8/7/2017)

Ngày cách ly thứ hai.

Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày.


Sáng sớm bị báo thức đt nhắc dậy lúc 5h30. Quên tối qua ngủ không tắt báo thức định kỳ như mọi ngày đi làm. Uể oải tắt hết cả 3 cái báo thức cách nhau nửa tiếng để ngủ tiếp. Hôm qua, tắt đèn đi ngủ xong trằn trọc nằm biên tút đến hơn 1h sáng mới đi ngủ. Và cũng lạ chỗ, đếch ngủ được. 


Ngủ nướng đến 7h thì cũng phải dậy. Mở FB đếm like, thả tim, reply còm cái status hôm trước. Bạn nhắn bảo hôm nay thấy xôi Yến gói mấy trăm suất chắc nay ông được ăn xôi Yến rồi. 8h thấy gõ cửa kêu nhận đồ ăn sáng, khẩu phần là cái bánh bao nhân thịt, trứng cút và hộp sữa đậu nành. Ăn xong lấy trái cây bạn mua gửi chỉ huy bắt xách theo khi đi cách ly tập trung. Vật vã hơn ngày mới hết nửa hộp Cherry, phấn đấu hoàn thành kế hoạch xơi hết hộp trong ngày hôm nay. Đời cách ly thế mà sang chảnh. 


Vươn vai đứng dậy định đi bài quyền 38 động tác mà chả nhớ từ đầu như nào. Search YouTube thấy đòi hỏi không gian rộng rãi hơn chứ phòng vướng 5 cái giường tầng (chả hiểu sao phòng này lại 5 cái) thì chỉ đủ chỗ…chống đẩy. Hay là tập Dịch cân kinh? Lại mất công search YouTube xong còn phải hỏi em út, bạn bè xem cái nào đúng là dịch cân kinh, cái nào không nữa thì phức tạp quá! Tập không đúng bài Dịch cân kinh nhỡ tẩu hoả nhập ma thành Đông Phương Bất Bại thì toi. Có người bảo tập Plank, thôi trước mắt mình cứ chống đẩy cho giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, mai mốt hội nhập Tây Tàu gì tính sau. Nghĩ là làm, chổng mông chống đẩy 50 cái (đoạn này phét tí, thực ra mỗi lần 10 cái, 2 lần 20 chục - đừng ai mặc cả xuống nữa nhé. Tội lắm). 


Nghĩ vận động như vậy cũng chưa đủ tiêu hao hết cái bánh bao và hộp sữa đậu nành bèn nhìn quanh nghĩ mưu khác. Chợt thấy chai nước lau nhà và chai rửa toilet thì nghĩ ngay ra việc: Lau nhà và cọ rửa toilet chứ còn gì nữa! Mấy việc này bình thường ở nhà mình không động tay, chủ yếu ghểnh chân xem Netflix. Nhưng ở đây mình không làm thì chả ai làm, vừa lau nhà vừa vận động chân tay, thật 1 công đôi việc. Nghĩ là làm, lập tức lấy gậy lau nhà ra múa từ đầu phòng đến cuối phòng. Hết lượt một lại sang lượt hai đổ thêm nước lau nhà cho át mùi khử khuẩn. Mình ghét mùi khử khuẩn và mùi băng phiến nồng nặc thế không biết. Hoàn toàn có thể dùng cách khác để khử khuẩn mà vẫn thơm tho được cơ mà?


Xin tiết lộ chút thông tin được thảo luận trong nhóm “Chi bộ yêu tranh hóng vaccine” mà mình hân hạnh tham dự: Bệnh viện dã chiến đông y Trung Quốc dùng ngải cứu xông phòng cho bệnh nhân, kết quả đối chiếu tốt hơn nhiều so với khử khuẩn hoá chất. Trung Quốc đã áp dụng điều trị và ngăn ngừa covid bằng Đông y và triển khai thực hiện rất nghiêm túc. Ở ta thì gần đây mới nổi lên Xuyên Tâm Liên, còn lại thì chìm. Có lẽ BYT nên nghiêm túc thúc đẩy việc này hơn nữa. Tôi thấy mùi sả rất hợp với việc khử khuẩn phòng cách ly vì gợi nhớ đến không gian ấm cúng và thư giãn trong các phòng Massage…


Sau khi vận động bằng hình thức lau nhà và cọ toilet thì các bạn biết rồi đấy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại giữa thời tiết mùa hè. Tất nhiên là mình lại đi tắm, mình có “bán nước” đâu, tắm nhiều tẩy vi khuẩn virus covid tốt mà. Ơ kìa….Điện thoại đổ chuông, nhìn màn hình thấy hoá ra là cuộc gọi Zalo em gái hôm qua mình cho số, sáng ngủ dậy quên mất quyết tâm nhẩm tính hôm qua nên chưa xoá số. Để kệ đt reo gọi vậy đi tắm đã, sáng mình ăn bánh bao uống sữa đậu nành rồi! 


Tắm xong thì cũng là lúc đến giờ cơm, cán bộ gõ cửa cạch cạch báo cơm để ngoài cửa, ra mà lấy vào ăn. Ăn xong chuẩn bị đi ngủ thì cơn mưa to ập đến, dù cửa sổ đóng hết nhưng vẫn bị mưa hắt vào tận giường. Nặng nhất là cái cửa sổ đầu giường, lúc nãy mình tháo hết dây sắt buộc để mở ra chụp cánh đồng lúa ngay đầu hồi. Chạy ra lấy cái vỏ chăn giường khác gấp lại để che cửa sổ cho mưa khỏi hắt thì phát hiện ra chỗ giường mình nằm cạnh 2 cửa sổ và mình thì mới che có 1 cái. Thôi kệ, ra ban công ngắm mua hít thở không khí tí vậy. Được một lát thì trời ngớt mưa, may giường không ướt, chỉ bị hắt lúc mưa to chút thôi, mà mưa to trời mát yên tâm đi ngủ. 


Ting ting…tỉnh giấc, tưởng tin báo tiền về tài khoản ngân hàng hoá ra không phải. Lại là tin nhắn Zalo của em gái hôm qua: Anh à, tình hình anh như nào rồi? Ơ chết mịa, vẫn quên chưa hủy kết bạn với em gái suýt chung phòng này. Thôi lờ đi đã, nửa đêm mình xử lý. 


Nhớ ra cần phải tắc tế một ít đồ vào khu cách ly phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài, bèn nhắn tin nhờ anh em cơ quan: Mang giúp anh cái ấm đun nước đa năng, mua giùm anh ít sả, gừng, mật ong, C sủi và cái cốc giữ nhiệt. Tiện nhặt giúp anh mấy quả kha tử còn để trên bàn rồi gói gọn trong 1 túi nhờ gửi vào khu cách ly cho anh. Quả kha tử có tác dụng chữa viêm họng, tăng kháng sinh rất tốt. Chỉ cần đập vỏ bỏ hạt ngậm qua đêm bạn sẽ thấy họng mình nhẹ hẳn. 


Cơn mưa chiều rất to ập đến, ngại anh em vất vả nhắn bảo hết mưa hãy chạy qua gửi tắc tế thì thấy đứa em đã gọi đt bảo em đến cổng đây rồi, nhưng hết giờ nên người ta nhận đây, mai mới chuyển cho anh. OK. Cứ gửi đấy đi, mất thế nào được, đồ cũng chả có gì quan trọng hay giá trị. 


Lại đến giờ cơm tối. Bữa tối như bữa trưa duy trì 4 món và hộp canh, thức ăn luôn thay đổi. Hôm nay là món gà rán tẩm bột, mà cũng chả hiểu là gà hay cá tẩm bột, cứ bở như nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các bữa cơm hộp đều rất ổn. 


Bạn bè, anh em nhắn hỏi hôm nay có em gái nào đến xin ngủ chung phòng nữa không? Phải khẳng định chắc nịch là mình đã chốt cửa bên trong, tắt đèn tối om rồi, không ai vào đâu cho mọi người yên tâm. Rồi ai cũng giục ngày biên 2-3 tút kể chuyện cách ly. Khổ, ở trong phòng cách ly tuyệt đối không đi ra ngoài, giao tiếp với bên ngoài bằng đt và các ứng dụng MXH thì làm gì có sự kiện gì mà biên tút nhiều. Cố gắng mỗi ngày 1 tút để vận động trí não, ghi lại sự việc cho khỏi nhớ nhớ quên quên. Già rồi hay lẫn. Kể mà lẫn vợ với em nào xinh xinh được thì tốt. Đằng này những thứ xưa cũ nhớ rất dai, chuyện mới trong ngày chả nhớ xảy ra lúc sáng hay chiều. Đoạn này mà chị em cứ nhớ kiểu ăn rồi bảo chưa ăn thì anh em mệt phết…hi hi


Lại loanh quanh vận động, chụp ảnh khu cách ly lúc nửa đêm để lấy ảnh gắn vào tút em gái hôm qua. Rồi nhớ ra phải hủy kết bạn, lập tức làm ngay. Rất dứt khoát. Sau hành động ấy, tin nhắn em gái trở thành “tin nhắn từ người lạ”. 


Hẹn các bạn ngày mai tiếp nhé! Định kỳ như nào nhỉ?


Vĩ thanh.

Tối hôm trước khi đăng tút về chuyện đặc biệt ở khu cách ly, chỉ huy nhắn hỏi: Nghe đâu có gái vô phòng hả? Làm ăn gì được mà đòi. Rồi thả icon cười rất hả hê. 

Mình sẵn sàng trong tình thần chủ động, gửi ngay đoạn nháp tút biên lúc khởi đầu sự việc. Chỉ huy chỉ hỏi thêm mỗi câu: Chồng con là F0 thì sao là F1 được?. Xong rồi sang chuyện chủng Delta lây rất nhanh, thường được biết với tên gọi “sự liên hệ thoáng qua”. Thế là mình yên tâm biên tập bổ sung cho cái tút thêm phần mùi mẫn. Đằng nào cũng có quota rồi cơ mà.