Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Entry for May 01, 2008- Chuyện Rước đuốc

Chuyện rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại Tp.HCM là chuyện "hot" của cư dân trên mạng từ cả tháng nay và tập trung cao độ nhất là vào ngày 29/4 - ngày rước đuốc. Nhìn lại sự việc và tận mắt chứng kiến một số hoạt động tại Nhà hát Tp.HCM ngày 29/4 thì có thể thấy rằng:
- Ý đồ "chính trị hoá" Olympic Bắc Kinh 2008 của chính quyền TQ là rõ ràng và rất bài bản. Họ đã có sự chuẩn bị cho việc này từ rất lâu. Ngay cả việc tuyên bố thành lập Tam Sa vào cuối năm 2007 cũng chỉ là bước đi đầu tiên của ý đồ này mà thôi. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng đã không đem lại cho chính quyền TQ như ý muốn mà còn có phần bất lợi. Việc gỡ Hoàng Sa ra khỏi bản đồ rước đuốc đã chứng minh điều đó. Phía VN phải gánh một hậu quả cũng không nhỏ vì không nắm rõ được ý đồ này từ ban đầu, đó là "sự rạn vỡ niềm tin của một bộ phận trí thức và nhân dân" vào hoạt động của chính phủ. Gánh một phần trách nhiệm của hậu quả này là Ban TGTW và Bộ TT&TT khi lúng túng trong việc chủ động thông tin.

Trong trí tưởng tượng của tớ kế hoạch "chính trị hoá" Olympic Bắc Kinh của chính quyền TQ đối với VN là:
- Bước 1: Tuyên bố thành lập Tam Sa trong phạm vi hẹp. Có hai khả năng xảy ra: Nếu phía VN phản đối mạnh mẽ thì sẽ im lặng. Nếu phía VN không có phản ứng gì thì sẽ làm tới để có cơ sở sau này với Quốc tế .
- Bước 2: Tiến hành rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 qua Tp.HCM rồi sau đó qua Hoàng Sa để tiếp tục "quốc tế hoá" vấn đề TS-HS. Cũng vẫn có hai khả năng xảy ra: Nếu phía VN phản ứng thì TQ sẽ rút HS ra khỏi bản đồ rước đuốc. Nếu phía VN không có phản ứng gì thì đương nhiên TQ được lợi. Và dù rằng không rước đuốc được ở Hoàng Sa thì sau khi từ Tp.HCM về Hồng Kông, qua Ma Cao thì rồi TQ cũng vẫn rước đuốc qua Hải Nam cơ mà. Nên nhớ rằng chính quyền TQ vẫn coi Trường Sa và Hoàng Sa là 02 xã đảo thuộc Hải Nam và Tam Sa dù có lập nên cũng vẫn trực thuộc tỉnh Hải Nam mà thôi.

Rõ ràng chính quyền TQ cũng đã lường được cả phản ứng của VN đối với những bước đi trên và dù phía VN có phản ứng cũng sẽ không thể làm mạnh thì kết quả đem lại sẽ vẫn là "làm mất lòng tin của một bộ phận trí thức và dân chúng" vào chính phủ.

Có một việc mà đến thời điểm này tớ cho là nằm ngoài kế hoạch của TQ đó là: Lê Minh Phiếu. Cũng không phải ảnh hưởng ghê gớm gì đến kế hoạch của TQ nhưng việc có một du học sinh người VN tham gia rước đuốc lại gửi thư đến Uỷ ban Olympic Quốc tế phản ứng việc "chính trị hoá" đã làm cho chính phủ VN thêm một lợi thế bất ngờ. Nếu khôn khéo thì có lẽ cần đẩy mạnh hơn nữa khai thác việc Uỷ ban Olympic Bắc Kinh đã không cho Phiếu rước đuốc.

Ngoài lề: Chiều 29/4 tại Nhà hát Tp.HCM tớ nghe lỏm được câu chuyện phỏng vấn của AFP với một chuyên gia TQ đã làm việc ở VN 06 năm về chuyện rước đuốc. Cô gái Bắc Kinh đó đã trả lời rất vui vẻ rằng chúng tôi chỉ muốn thông qua Olympic để gửi đến thế giới một thông điệp về thể thao, tình đoàn kết và hoà bình....Quả thật có rất đông sinh viên, chuyên gia TQ mặc đồng phục áo trắng (hoặc đỏ) có in hình Olympic Bắc Kinh 2008 cầm cờ Olympic 2008 và cờ TQ chào mừng. Mới nhìn thì "xốn mắt" nhưng ngẫm cho kỹ thì việc người dân họ tự hào vì được tổ chức Olympic cũng là một việc bình thường mà, đâu thể cấm đoán được. Chính quyền TQ đã gỡ Hoàng Sa ra khỏi bản đồ rước đuốc thì hà cớ gì chính phủ VN lại vẫn cho dân biểu tình phản ứng?

Entry for April 30, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“Ngày 28.4 ông Lê Ái Siêm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận 8,5kg trong số hàng chục kilôgram tiền cổ được phát hiện ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Người dân ở đây khi đào kinh mương đã tình cờ phát hiện 1 cái lu, trong đó chứa hàng chục kilôgram tiền cổ. Kết quả phân tích cho thấy, có hơn 40 loại tiền chất liệu đồng pha kẽm thuộc các triều đại từ Trị Bình Nguyên Bảo (1205-1210), Nguyên Phong Thông Bảo (1251-1258)... đến đời Quang Trung Thông Bảo (1788-1792). Có một số loại tiền của Trung Quốc như: Sùng Trinh Thông Bảo, Khang Hy Thông Bảo, Càn Long Thông Bảo...” (Tin “Tiền Giang: Phát hiện nhiều tiền cổ quí hiếm” - Báo Lao Động ngày 29/4/2008).

"Chúng ta xây nhà hát không phải cho hôm nay mà xây cho 10-15, 50 năm sau, vì vậy, không thể không xây. Nếu không tính đến việc xây nhà hát ngay từ bây giờ thì trong quy hoạch đất đai sẽ không còn một địa điểm nào cho nhà hát nữa. Cũng không thể vì lý do các nhà hát không sử dụng hết công suất thì không xây mới các nhà hát khác. Trên thế giới, nhiều nhà hát cũng có quán cà phê, đi kèm các loại hình dịch vụ văn hóa giải trí cần thiết khác, vì vậy nếu kiên quyết không cho các đơn vị tận dụng diện tích cho thuê, mà để bỏ hoang thì cũng là một hình thức lãng phí. Tới đây, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để có quan điểm thống nhất về việc sử dụng đất công trong các nhà hát. Tóm lại, quan điểm của chúng tôi là ai có tiền, có đất thì cứ xây nhà hát, khuyến khích thôi". (Phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng trong bài viết Xây mới hàng loạt nhà hát: coi chừng lãng phí!” đăng trên báo Thanh Niên ngày 30/4/2008)

“...Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tin về dự án phim Song long anh hùng như một phim nội "được chờ đợi nhất năm 2008" bởi nhiều yếu tố: phim dã sử hiếm hoi, có diễn viên Hồng Kông nổi tiếng Chung Lệ Đề đóng, có đạo diễn Mỹ và Trung Quốc tham gia... Trong nhiều cuộc phỏng vấn, đạo diễn Thạch Nguyên không ngần ngại tiết lộ về dự án phim này. Theo đó, Song long anh hùng do Công ty TNHH giải trí Nam Phương, Công ty sản xuất phim Huỳnh Lê Nguyên phối hợp cùng DEL Production (Hồng Kông) sản xuất, được quay ở nhiều nơi: Việt Nam, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc (Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành, các thắng cảnh ở Triết Giang, Tô Châu, Vân Nam...); có bối cảnh vào triều đại Vua Lê Long Đĩnh, có những đại cảnh chiến tranh quy tụ mấy trăm diễn viên, ngựa và voi... Đặc biệt, anh cho biết, nữ diễn viên Hồng Kông gốc Việt Chung Lệ Đề sẽ sang Việt Nam đóng phim. Đồng thời ngoài anh là đạo diễn của Việt Nam, thì ông Lương Bình (từng là trợ lý hiện trường của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu trong các phim Anh hùng, Hoàng Kim Giáp) đã nhận lời tham gia công tác đạo diễn và John Dravermen (người Mỹ) sẽ phụ trách đạo diễn hình ảnh cho phim... Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết động tĩnh của phim thế nào, ngoài những "kế hoạch" xôm tụ mà đạo diễn Thạch Nguyên công bố trên báo....” (Bài viết “Song long anh hùng "quả bom xì" của làng điện ảnh” đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/4/2008).

“Theo dự kiến có trên 80 thí sinh sẽ tham dự cuộc thi Miss Iniverse - Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với ba tiêu chí gồm ba chữ B. Đó là Brains - trí tuệ, Behaviour - ứng xử khéo léo và Beauty - sắc đẹp. Các thí sinh phải có mặt tại Việt Nam để tham gia hoạt động của cuộc thi diễn ra liên tục trong vòng 28 ngày (từ 17/6 đến 14/7)....” (Bài viết “Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với tiêu chí 3B” đăng trên báo CAND ngày 30/4/2008)

“....Nhiều năm qua, các tác giả viết kịch bản vẫn đi theo lối mòn, viết theo dạng truyền thống các tuyến nhân vật, sự kiện phát triển theo một hệ thống chung nhất đó là đi từ giao dãi đến thắt nút, phát triển, cao trào rồi giải quyết vấn đề. Trong khi đó, ở thế giới có rất nhiều trường phái viết kịch như chủ nghĩa vị lai, đa đa, siêu thực, phi lý, biểu hiện... Sự nghèo nàn trong cách viết, sự nỗ lực đi tìm chiếc áo mới cho vở diễn của đạo diễn đã dẫ́n đến độ chênh của tác phẩm, khiến cho nhiều tác phẩm nghiêng về chủ nghĩa hình thức. Giống như một người gầy mặc chiếc áo của người mập....Thể nghiệm để tạo nên cái mới cho sân khấu là điều rất cần thiết và cần phải được phát huy. Tuy nhiên, sự thể nghiệm phải được thực hiện đồng bộ, từ khâu biên kịch, nghệ thuật diễn xuất của diễn viên đến ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn... Khi có sự thể nghiệm đồng bộ như thế chúng ta mới hy vọng tạo nên một sự đột biến cho sân khấu thành phố. Còn không, chỉ là chiếc áo mới được khoác lên thân thể cũ mà thôi...” (Bài viết “Sân khấu: Đừng khoác áo mới lên thân thể cũ” đăng trên báo Thế giới Nghệ sỹ)

“Tỷ lệ phim Việt đang phát sóng đạt gần một nửa so với phim nước ngoài. Nhiều hãng phim, đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim... bắt đầu chuyển sang làm phim truyền hình dù trước đó họ gắn bó với màn ảnh rộng..... Chính vì "hệ số an toàn" cao hơn điện ảnh nên phim truyền hình Việt đang nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều hãng phim tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự để đầu tư phim truyền hình. Các hãng như Thiên Ngân, Lasta, BHD, HK, M&T Pictures, Á châu, Hành tinh xanh, Vifa... đang chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành phim lên sóng.... Nhiều ý kiến cho rằng sự dịch chuyển này là tín hiệu vui vì người làm phim điện ảnh có cơ hội để làm nghề, trong tình hình mỗi năm cả nước chỉ sản xuất được trên dưới 10 đầu phim nhựa. Cuộc sống của đạo diễn, diễn viên, biên kịch và cả ê-kíp làm phim cũng sẽ "dễ thở" hơn.... Tuy nhiên, cũng có một số khác cho rằng đây là điều đáng lo hơn. Tình trạng nhiều người từ điện ảnh chuyển sang làm phim truyền hình kéo dài sẽ khiến lực lượng làm phim nhựa bị "bào mòn", đã mỏng sẽ càng mỏng hơn, kỹ năng làm điện ảnh sẽ bị mai một....” (Bài viết “Cuộc dịch chuyển sang màn ảnh nhỏ” đăng trên báo Thanh Niên ngày 29/4/2008)

“....Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ tiếng Việt mà từ cách phá tâm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt. Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó hiểu cho người dân bình thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những Việt kiều thực sự, vì người Việt ta vốn có lòng vị tha, lại rất coi trọng những người nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là khó học. Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu, không những thế, cái thứ tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất là trong sáng nhất - đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng....” (Bài viết Bệnh dịch" ngôn ngữ: Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt” đăng trên báo Tri thức Trẻ)

“...Sự vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài luôn luôn xảy ra đối với mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với nhiều ngôn ngữ, sự vay mượn đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức xã hội mà đại diện là những cơ quan hay tổ chức có đủ quyền lực để quyết định về những trường hợp vay mượn cụ thể. Mục đích của sự kiểm soát này trước mắt là nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói của dân tộc, nhưng về lâu dài là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc khỏi sự diệt vong. Hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới đang mất đi với nhịp độ rất nhanh trước sự truyền bá rộng rãi của một vài ngôn ngữ lớn. Báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung được coi là công cụ vừa để phổ biến tiếng chuẩn của ngôn ngữ dân tộc vừa để bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố ngoại lai. Ấy thế nhưng ở ta, nhiều người đang nắm giữ các phương tiện thông tin đại chúng lại không thấy được vai trò xã hội của mình. Không những thế, chính các phương tiện thông tin đại chúng lại đang góp phần đáng kể, nếu không muốn nói là chủ yếu, vào việc làm cho tiếng mẹ đẻ bị méo mó đi, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng thiếu nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài. Nhờ vào sức mạnh tác động của mình, một số phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, và hơn thế nữa, đang làm cho nhiều người Việt Nam trở nên mù chữ từng phần...” (Bài viết Bệnh dịch" ngôn ngữ: Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt” đăng trên báo Tri thức Trẻ)

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

Entry for April 28, 2008- Đọc báo-Văn hóa

Chúng ta đang làm nghệ thuật một cách quá hèn hạ. Thứ nhất, quá gò bò về tư tưởng. Thứ hai, gò bó về kinh tế, phải sản xuất tác phẩm trong điều kiện kinh phí quá eo hẹp. Hôm nay tôi chính thức tuyên bố và kêu gọi: kinh phí dưới 2 triệu USD xin đừng làm phim nữa, sẽ hèn hạ khổ sở vô cùng. Trung úy nên là phim cuối cùng phải làm trong sự hèn hạ đó. (Ý kiến của Đạo diễn Hà Sơn trả lời phỏng vấn Viet Nam Net trong bài “ĐD Hà Sơn: Sex của tôi là sex có văn hóa!” ngày 27/4/2008)



“.....Trung tâm mở cửa cho tất cả các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, không riêng với các đoàn quốc tế đến biểu diễn. Nhưng đây là địa chỉ "đỏ", là địa chỉ văn hóa cao, tuyệt đối không có chỗ cho thứ nghệ thuật lôm côm, bình dân. Xây dựng trung tâm cũng không phải chỉ là xây một sân khấu sang trọng hay một khán phòng lớn. Đây còn là nơi đào tạo từ tác giả kịch bản, nghệ sĩ cho đến công chúng. Chúng tôi sẽ có sân khấu riêng cho từng bộ môn nghệ thuật chèo, tuồng, kịch, cải lương, thậm chí cả sân khấu trên băng. Chúng tôi sẽ có những đêm diễn miễn phí, nhưng không cho phép khán giả nào ăn mặc bất lịch sự vào rạp. Chúng tôi sẽ có những ban nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chúng tôi sẽ đi khắp các tỉnh thành để phát hiện tài năng trẻ, đưa về bồi dưỡng. Tiền cho công tác đào tạo, nghiên cứu, tiền cho những đêm diễn miễn phí ở đâu ra? Trung tâm có đủ các dịch vụ vui chơi giải trí (nhà hàng, khách sạn...) để nuôi văn hóa. Tôi có thể khẳng định luôn đây là công trình kinh tế - văn hóa, nhưng không phải là công trình thương mại. Lấy kinh tế nuôi văn hóa. Và phải nuôi văn hóa đỉnh cao, văn hóa bác học. Ở đây miễn bàn đến văn hóa đại chúng. Trên thế giới, mô hình này rất phổ biến, chỉ có ta là chưa áp dụng thôi. Giờ đã đến lúc áp dụng chưa? Có lẽ hơi chậm rồi đấy! ....” (NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói về ý tưởng xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM trong bài viết Về dự án Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia: “Ý tưởng lớn” hay giấc mơ đẹp?” đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/4/2008)

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Entry for April 28, 2008- Chuyện giá gạo tăng

Mấy ngày nghỉ ở nhà hoàn toàn tách biệt với thông tin nên chẳng hề được biết giá gạo tăng từ hôm 26/4. Cho đến chiều qua khi vợ sai đi mua gạo thì mới giật mình, giá gạo tăng gần gấp đôi. Cách đây 06 tháng tớ mua gạo với giá khoảng 7000 đ/kg, rồi khi lạm phát gạo tăng lên 10.000 đ/kg, và mới đây thì tớ phải mua với giá 11.000 đ/kg. Nhà tớ có cái thói là mua mỗi lần 05 kg và ăn hết thì xách tiền đi mua nênkhoảng cách giữa những lần tăng giá đối với có thể tính theo tỉ lệ 5kg. Chiều qua thì thật ngạc nhiên, bà bán gạo tỉnh bơ khi nói: Giá gạo em vẫn hay mua giờ là 20.000 đ/kg nhé ! Chả nhẽ không mua ? Mà không mua thì biết lấy gì ăn ? Thôi thì cứ mua 5kg như mọi lần.

Điều gì khiến giá gạo tăng một cách bất thường như thế ? Vẫn biết chuyện khủng hoảng an ninh lương thực ở thế giới là ghê gớm nhưng mà đấy là "chúng nó" nhập khẩu gạo, còn VN nhà ta xuất khẩu gạo cơ mà ? Mà giả sử là tăng thật như thế đi thì liệu bà con nông dân có được hưởng lợi thực sự từ việc tăng giá này ? Nếu được thế thì phúc đức quá!

Tối đọc tin trên mạng thấy các báo đưa tin người dân nháo nhào đi mua gạo để tích trữ. Có hiện tượng đầu cơ gạo để kiếm lời....Chuyện gì thế nhỉ ? Thời này là thời nào rồi mà dân tình vẫn "tin vào những điều không thể" ấy nhỉ ? Rõ ràng là dân trí có vấn đề. Thứ nữa mới đến lòng tin của dân vào Nhà nước. Và cuối cùng thì liệu các cơ quan nhà nước có tìm ra được cụ thể "đứa nào đầu cơ" để xử lý làm gương không nhỉ ?

Lời cuối dành cho báo chí: Các anh, các chị làm việc chán bỏ mịe.

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

Entry for April 25, 2008 - Đọc báo - văn hóa

“...Nhạc Việt thiếu diva, cần diva, loanh quanh đi tìm diva nhưng lại đang vùi dập nỗi khát khao, hy vọng lên tầm diva của những nữ ca sĩ trẻ. Trong khi những diva đàn chị đang miệt mài cố gắng để giữ được 2 chữ đẳng cấp cho danh hiệu diva thì ở phía bên kia, lớp nữ ca sĩ trẻ lại "tỏ vẻ" thờ ơ trước cái mác được cho là danh giá này...” (Bài viết “Loanh quanh thương hiệu diva Việt” đăng trên Tạp chí Truyền hình Hà Nội).

“....Thật buồn cười, nhiều người không phân biệt được đâu là thật và hư cấu. Chúng tôi làm phim truyện chứ có làm phim tài liệu đâu mà nhiều người cứ tưởng chúng tôi đang nói về họ. Ở phần 1, tôi đã nhận được không biết bao nhiêu cuộc điện thoại chất vấn của những người cho rằng mình là nguyên mẫu. Có cả một đại gia cũng gọi điện đề nghị mua lại bộ phim để chúng tôi không phát sóng. Khi phần 2 phát sóng, mong khán giả đừng hiểu chúng tôi đang ám chỉ một ai đó. Đây là sự tổng hợp của nhiều câu chuyện có thật xung quanh chúng ta...”. (Trả lời phỏng vấn của Đạo diễn Vũ Hồng Sơn về bộ phim Chạy án: Có đại gia đòi mua đứt bộ phim để khỏi phát sóng! – Báo Người Lao Động ngày 25/4/2008).


"Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2006 - điều 1 quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng đĩa nhạc; điều 10 quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh..., chúng tôi đề nghị Công ty Nhạc Xanh chấm dứt sản xuất và phát hành bài hát thuộc quyền sở hữu của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng..." (Bài viết “Đàm Vĩnh Hưng sẽ kiện Công ty Nhạc Xanh” đăng trên báo Thanh Niên ngày 25/4/2008)


“...Ðến thời điểm này, một số công trình văn hóa lớn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm so với tiến độ đề ra. Cửa ô phía nam chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án kiến trúc, khu di tích Cổ Loa chưa xong thủ tục phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án lập qui hoạch, đền Lý Thái Tổ chưa xác định địa điểm. Ngoài nguyên nhân chính là năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và một số nhà thầu còn yếu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ; một điểm đáng lưu ý là hầu như các dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa, trong quá trình triển khai đều phải tổ chức hội thảo, lấy ý kiến, thẩm định của các nhà khoa học nhiều lần. Các công trình văn hóa còn đòi hỏi yêu cầu cao về thiết kế kiến trúc nên đều phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn, do vậy thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài. Cơ chế quản lý giá thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ đấu thầu triển khai các dự án....nhiều chuyên gia đã cho rằng: với số lượng các công trình văn hóa khá nhiều, nên đầu tư có chọn lọc, tập trung cho những công trình nào thật sự cần thiết; còn lại mạnh dạn xã hội hóa, kêu gọi người dân vào cuộc, tạo nên những giá trị văn hóa thiết thực, hữu dụng cho thời đại mình đang sống, đó cũng là một cách kỷ niệm..”. (Bài viết “Công trình mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vừa chờ vừa... run” đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM ngày 25/4/2008).


“...Ở những bộ môn khoa học thuần tuý, mọi chuyện đều rất rõ ràng, Nếu vì không hiểu biết, mà viết bài báo ca ngợi, tán dương lầm những công trình kém hoặc rởm thì lộ ra trình độ khoa học của người viết báo ngay. Hiển nhiên là như vậy rồi. Không ai có thể lái cả một nền khoa học đi theo ý mình được. Thế nhưng để lái cả một nền nghệ thuật, cụ thể hơn là âm nhạc, theo tầm hiểu biết của các nhà báo thì hoàn toàn có thể. Thật dễ dàng khi viết những bài báo ca ngợi những “thành tích” âm nhạc tưong đương với 1 cộng 1 bằng 2 của bên toán học, báo chí có thể lăng xê những “tác phẩm” đó, để nó trở thành thần tượng của công chúng một cách dễ dàng. Ở Việt Nam ta hiện nay, tầng lớp công chúng có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp ngày càng ít dần, ít dần. Thẩm mỹ bình dân, gắn với nghệ thuật thưng mại rẻ tiền ngày càng lấn lướt. Một nghịch lý trong âm nhạc Việt Nam hiện nay là: những thứ “nhạc” càng rẻ tiền, thì càng bán được nhiều tiền. Và ngược lại....” (Bài viết “Nền âm nhạc của các nhà báo?” đăng trên Viet Nam Net ngày 24/4/2008) .

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2008

Entry for April 09, 2008 - Sống dễ lắm!

Chả hiểu tại sao tự nhiên hôm nay lại nhớ ra cái truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp, search ra nó và đọc lại, thì ra mình bị ám ảnh bởi câu nói "Sống dễ lắm!".



Sống dễ lắm

1.

Trường Sư phạm tỉnh miền núi mở lớp tập huấn cho giáo viên vùng cao vào cuối tháng 7. Có 11 người và họ đều là những giáo sinh trẻ lần đầu đi dạy học. Bạn đọc ở đô thị chắc hiểu ít về các trường học vùng cao cách đây ba, bốn mươi năm.Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng không ở đâu buồn tẻ hơn và ít vụ lợi hơn ở đấy, còn việc hình dung và dành tình cảm cho nó ra sao tuỳ bạn.

Cuối tháng 7, ở Tây Bắc mưa nhiều và những đợt lũ quét bất ngờ có thể gây nên những tai hoạ không thể lường trước được. Người ta cử ông giáo Chi mang những tài liệu sách vở đến giảng cho lớp tập huấn nhưng trên đường từ tỉnh lị về trường, khi qua suối, ông giáo Chi bị nước cuốn sạch đồ đạc. Mười một giáo sinh ra đón ngài thanh tra giáo dục, họ nửa khóc nửa cười khi thấy một ông già gày gò, mình trần thân trụi ướt như chuột lột đang ngồi rét run cầm cập.

Tất cả những nghi lễ và dự định cho lớp tập huấn giáo dục bỗng vứt đi hết vì lí do bất ngờ, những qui định ứng xử giữa ông giáo Chi và đám trẻ bỗng xoay ra hướng khác hẳn. Ông giáo Chi được các cô con gái thân mật gọi là "bố" mặc dầu ông nửa đùa nửa thật nói rằng mình thích được coi là "bạn thân" hoặc "anh giai" hơn. Các cô con gái trổ tài may vá và ông giáo Chi lập tức có ngay hai bộ quần áo được "cải tạo" từ đám quần áo cũ của họ. Hai cậu con trai không tỏ ý thân thiện gì với "bố", dưới mắt họ ngài thanh tra giáo dục "xuống cấp", trở thành một tay dấm dớ chẳng ra gì.

Tuy nhiên, đúng ngày đúng giờ, lớp tập huấn giáo dục vẫn được bắt đầu như thường lệ, y như qui định của Bộ giáo dục tận mãi Thủ đô. Ông giáo Chi vốn xuất thân là lính, ông coi nhiệm vụ trên hết và không có gì ngăn cản ông làm nhiệm vụ được giao.

Không có giấy bút gì, ông giáo Chi đĩnh đạc đứng lên bục giảng có các cô con gái vây quanh, hai cậu con trai bất đắc dĩ phải ngồi cùng, không phải vì nể ông giáo mà vì nể các cô con gái.

- Dạy học là nghề sống dễ lắm! - Ông giáo Chi bắt đầu bài giảng của mình.

- Nếu lương ít, lại không có thực phẩm thì làm sao? Ở các vùng cao lấy đâu ra chợ? - Các cô giáo trẻ lần đầu sống xa nhà lo lắng hỏi ông.

- Phải trồng rau chứ! - ông giáo Chi trả lời. Nuôi lấy vài con gà... Ngày xưa, tớ (ông giáo Chi xưng "tớ" chứ không xưng "bố")... tớ nuôi cả lợn. Chiều ba mươi Tết thịt lợn, đánh tiết canh... thật không có gì vui như thế... vui như Tết !

- Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! - ông giáo Chi nói - Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...Cũng cần phải biết một ít kĩ năng, như cách thiến gà... Phải biết một số cây thuốc cầm máu, biết phân biệt các thứ nấm độc...Tớ có kinh nghiệm không nên tin cái gì đẹp đẽ quá...

Ông giáo Chi đưa bọn trẻ vào rừng, ông chỉ cho họ cách tìm các cây rau ăn được, các cây thuốc, cách tìm phương hướng khi lạc rừng nhờ vào việc xác định rễ ở các gốc cây. Buổi tối, họ ngồi tập hát, ông giáo Chi dạy họ bài hát về nghề dạy học :

"Tôi không quên những giờ lên lớp đầu tiên
Khi bước về ngôi trường xa
Trang sách trắng tinh
Với nét phấn đơn sơ vụng về
đừng hỏi vì sao tôi yêu dấu... "

- Dạy học không có gì khó cả! Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Mình cứ hình dung mình là đứa bé, đứa bé cần gì thì dạy thứ ấy... đừng dạy nó thứ không cần...

- Sống dễ lắm! - Ông giáo Chi lại nói - Giáo dục... nghĩa là tha bổng... Hễ có tội là tha... trẻ con không có tội gì... Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội... Mình phải yêu mạng sống của chúng như yêu mạng sống của mình...

- Thế còn tình yêu? - Những cô gái trẻ náo nức hỏi.

- Tớ không biết... - ông giáo Chi lúng túng trả lời - Nhưng có sự hi sinh... nghĩa là cay đắng...Tình yêu là mang cho nhau lời nguyện cầu tốt đẹp, những cử chỉ thân tình âu yếm, dục vọng, lòng ham sống... tóm lại là cảm giác...

- Nói dối! - Một trong hai cậu con trai sầm mặt lại, chửi thề rồi nói khẽ qua kẽ răng. Đấy là Dân, tay thanh niên sinh ra ở thành phố - Nó hơn thế nhiều...

- Cậu thì bao giờ cũng coi cậu đúng còn mọi người là dối trá hết! - Ông giáo Chi buồn bã nói

- Cậu không dạy học được.Cậu chỉ đi chiếm đoạt và áp chế người...Cậu giống "sếp" của tôi.

- Để xem - Anh chàng Dân trả lời - Nhưng dạy học đâu có phải là nghề tốt nhất trên đời phải không?

- Tớ không biết! - Ông giáo Chi thừa nhận - Có lẽ thế thật!

- Nhưng chúng ta đang nói chuyện về tình yêu cơ mà? - Các cô giáo trẻ vẫn không bằng lòng với cách giải thích của ông giáo Chi.

- Hỏi làm gì? Rồi trước sau ai cũng biết hết... - Cậu con trai tên là Hiếu bẽn lẽn chen vào. Khác với Dân, anh chàng Hiếu là một thanh niên nông thôn rụt rè.

- Đúng đấy! Trước sau gì ai cũng biết hết... Rồi sẽ được ăn đòn cả thôi ! Đừng có vội! Đừng có sốt ruột! - Anh chàng Dân nói xong thì cười nửa miệng.

Các cô gái trẻ đòi ông giáo Chi kể về tình yêu. Ông giáo Chi từ chối mãi không được, cuối cùng ông đành nói :

- Có lẽ tớ đã yêu rất sớm... - Ông giáo Chi đỏ mặt thú nhận - Từ khi tớ còn là học trò...Mà người tớ yêu lại là cô giáo. Cô giáo đi vào lớp, tớ ngắm nghía như muốn nuốt chửng cô ta. Sau này tớ rất xấu hổ, rất ân hận...

Hai cậu con trai tỏ vẻ khinh bỉ đứng lên bỏ ra khỏi lớp. Ông giáo Chi ngồi im. Ông biết ông đã dại dột nói ra điều không nên nói. Ông là một nhà giáo dục thất bại. Các cô gái an ủi ông :

- Bố lại bịa, phải không? Sao bố lại đi bịa như thế để cho người ta coi thường bố? Chúng con biết bố có một tình yêu cao thượng, có phải không?

- Ừ ừ... - Ông giáo Chi trả lời - Cao thượng... riêng tư... nhưng tớ có lỗi... tớ ích kỉ... mà lại hèn...Cô ấy là người rất kiên nhẫn mà cuối cùng cũng phải chán tớ.

- Cũng tại bọn đàn bà hay đòi hỏi cơ! - Các cô gái than thở - Người ta vẫn nói đàn bà với tiểu nhân là một...

- Không phải thế đâu... - Ông giáo Chi cười đau đớn - Đấy là Khổng Tử. Ông ấy là tay say mê chính trị, hắn không có tình yêu, hắn yêu lễ hơn cả tình yêu... mà tình yêu là thứ vô lễ nhất. Tình yêu rốt ráo thậm chí còn là vô luân...

- Thế cũng phải dạy cho bọn trẻ con những điều như thế phải không? - Các cô gái lại hỏi.

- Phải dạy chứ! - Ông giáo Chi nói - Nhưng tốt nhất cứ để tự nhiên điều chỉnh là hơn... Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống.Có điều phải trung thành với công việc... Đừng có như hai thằng trời đánh kia! Tớ thề rằng chúng nó sẽ phản bội nghề dạy học. Cô nào yêu chúng rồi sẽ đau khổ... Chúng nó thì có dạy ai? Bọn đàn ông, tớ biết rất rõ... Một phần cũng bởi tại giới nữ các cô kích động nữa cơ, chúng nó là bọn láo khoét, không có phúc đức gì đâu... "Phúc đức tại mẫu", đã hiểu chưa ? Không hiểu thì rồi sẽ hiểu.

Trong lớp học có Mạ là cô gái mà ông giáo Chi yêu mến nhất. Cô gái nhà nghèo, bỏ quê lên vùng cao dạy học, lúc nào cũng nhường nhịn mọi người, lúc nào cũng tranh làm những việc nặng. Mạ ít tuổi nhất lớp nhưng cô lại có vẻ đàn chị nhất lớp. Sớm mồ côi, phải nuôi hai em nhỏ nên Mạ sớm tháo vát hơn người.

- Con ạ... Sao mày cứ đi làm tranh việc của người khác như thế? - Ông giáo Chi hỏi cô.

- Con không biết... tại số con nó thế...

- Thôi cũng được... - Ông giáo Chi ngậm ngùi thở dài - Nhưng cũng phải thương lấy thân mình.Thương người là rồi rước hoạ vào thân...

Cứ như thế, từng ngày một, trong nửa tháng trời ông giáo Chi truyền cho đám giáo sinh trẻ những kinh nghiệm, những nguyên tắc sơ khai về giáo dục theo cách của ông. Ông đã từng sống một mình trong gian khó, phải đấu tranh với cái đói, sự hiểm nguy. Ông là giáo viên tiểu học, một viên chức thấp nhất trong ngành giáo dục, ông rất dễ bị tổn thương, rất dễ bị người khác sỉ nhục hoặc coi thường, ông nói ra những kinh nghiệm của ông để bảo vệ thân phận, bảo vệ miếng ăn cũng như nhân cách của ông. Đơn giản mà kiên quyết, không có chút gì khoa trương và khoan nhượng hết.

- Không nên tin ai! Sống dễ lắm! Trong gian khó mà tin người là chết! Tất cả mọi người có khả năng phản bội, kể cả phản bội những đức tính cao quí nhất, vì thế mới có cái chết chứ... Chỉ có một sự bất tử duy nhất là huyền thoại... trong huyền thoại thì tình yêu là thứ huyền thoại vĩ đại và cay đắng nhất...

Khi lớp học tan thì mọi người đã thân thiết với nhau lắm, thậm chí anh chàng Dân còn khoe rằng đã hôn được tất cả các cô gái ở trong lớp học. Họ ghi vào sổ tay của nhau những lời chúc tụng tốt đẹp, những bài thơ... Các cô con gái chép cho nhau cả những bài hát để khi về trường dạy lũ trẻ con... Rồi khóc lóc... Rồi chia tay... Rồi tiễn nhau ra bờ suối. những cánh chim bay đi. Vùng cao xa mờ trong mây núi. Các thày cô giáo trẻ tuổi bịn rịn lên đường, vừa háo hức, vừa sợ hãi, cả vui với buồn lẫn lộn. Ông giáo Chi lội suối trở lại tỉnh lị báo cáo với trên về việc mở lớp "tập huấn" của mình.

- Không có tài liệu! Không có sách vở! Không có chương trình! Mình trần thân trụi! Thế ông làm những trò gì cho những giáo sinh ở vùng cao ấy? - Người ta hỏi ông.

- Tôi nhen lửa... nghĩa là thổi vào lòng họ vài ngọn gió... Tôi bảo họ sống dễ lắm! Chỉ có thế thôi!

Người ta cười phá lên :

- Ngọn gió! Thật là đồ ngu! Đồ dối trá! Sống dễ lắm! Ông đã làm hỏng toàn bộ phương pháp. Rồi ông sẽ biết thế nào là sống dễ lắm!

Ông giáo Chi bị cách chức, bị chuyển đi làm việc khác. Người ta bảo ông :

- Mắt xích giáo dục, ông già ạ, trong chuỗi mắt xích giáo dục thì ông đã làm cho mắt xích vùng cao mất toi, chẳng ra cái gì...

Ông giáo Chi ngậm ngùi xếp đồ đạc vào chiếc ba lô bạc màu ngày trước của ông. Người lính già cảm thấy lòng mình tan nát. Ông đành thôi việc về quê. Sống dễ lắm chẳng phải là một câu nói đùa cửa miệng cho vui sao? Vùng cao xa xôi trong ông chỉ còn mơ hồ là những đám mây trắng trong dãy núi xa xôi, tiếng cười vô tư lự của đám giáo sinh trẻ tuổi, hình ảnh cô bé Mạ năm nào, cái cô giáo cấp một chịu thương chịu khó có thân hình gầy gò bé nhỏ trông chẳng khác gì một đứa trẻ chăn trâu ở trong xóm núi...

Ba mươi năm sau, ông giáo Chi khi ấy đã thành một ông lão quá tuổi "thất thập cổ lai hi" chỉ loanh quanh nơi vườn nhà. Một hôm ông có khách, khách là hai mẹ con nhà kia từ nơi xa xôi đến chơi. Chưa bao giờ ông vui như thế: cô giáo Mạ ngày nào đưa con gái về thành phố đi thi đại học ghé lại thăm thày giáo cũ.

Ông giáo Chi cười không thành tiếng:

- Thế nào? Vẫn còn nhớ ta ư con? Sống dễ hay khó hả con?

Cô giáo Mạ vừa lôi trong túi xách ra những gói quà đặt lên mặt bàn vừa cười :

- Kể cũng thất điên bát đảo nhưng xét cho cùng thì sống dễ lắm! Bố có nhớ không? Lớp học ngày ấy có 11 người... chết mất một nửa rồi... Ông Dân bây giờ lên chức to lắm nhưng không còn làm trong ngành giáo dục. Ông Hiếu nghiện nặng, nghiện thuốc phiện, bị đuổi khỏi ngành vì đi sàm sỡ với cả học trò...

- Tớ biết ngay mà! - Ông giáo Chi than thở - Thằng Dân tham vọng quá, nghề dạy học là nghề quá bé nhỏ với nó. Những tên lưu manh bao giờ cũng phải khua khoắng ở nơi đất rộng có người chen chúc. Thằng Hiếu thì tình cảm quá, không thắng được những bản năng...Chà! Lũ đàn ông! Thày bậy thày bạ! Phúc đức gì lũ chúng mày!

Ông giáo Chi khổ sở, bận rộn với những ý nghĩ trong đầu y như trước mặt ông đang có 11 đứa con giống như ở trên lớp học vùng cao ngày nào.Ông mỉm cười với người học trò mà ông yêu mến nhất, đứa con gái trung thành của ông:

- Hãy kể chuyện đi, con gái... Sống dễ là như thế nào?

- Cũng đói... Cũng rét... Cũng khổ đủ đường nhưng rồi cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...

- Thế những đứa khác thế nào?

- Cũng thế...Bố còn nhớ con bé Thảo không?

- Cái con bé trắng trẻo, vẫn hay nói lắp chứ gì?

- Đúng rồi! Nó yêu ông Dân...Tình yêu đơn phương... Nó bỏ vào rừng, nó cứ đi mãi, nó sa vào tổ ong đất rồi chết. Chỗ ấy mặt đất rất sạch, lại rất phẳng phiu, bên trên không có một ngọn cỏ nào... Cái hố toàn ong là ong sâu hơn bốn mét...

- Khổ! đã bảo không được tin vào cái gì sạch sẽ cơ mà! - Ông giáo Chi rên rỉ, nước mắt ròng ròng - Cái con bé xinh thế! Thật tội nghiệp! Thế bây giờ mộ nó ở đâu?

- Vẫn ở trên ấy, bố ạ... Bố còn nhớ dãy núi Đầu Hổ không? Nó nằm ở đấy 30 năm rồi...

- Thế những đứa khác thế nào?

Cô giáo Mạ ngồi im một lát như muốn nhớ lại từng người bạn cũ ngày xưa, cô nói:

- Được cái không ai bỏ nghề dạy học... Nhưng hễ đứa nào dính đến yêu đương là chết... Khổ thế đấy! Đứa nào an phận thủ thường thì cũng vung vinh hơn người...

- Ta đã bảo mà! - Ông giáo Chi gật đầu - Cứ để cho tự nhiên điều chỉnh là hơn! Cứ mơ mộng hão huyền là chết... Đừng có lãng mạn viển vông gì cả... Thế còn con? Con gái của con năm nay thi vào đại học? Thế bố nó đâu? Bố nó làm gì?

Cô giáo Mạ đưa mắt nhìn cô con gái.Cô con gái biết ý bẽn lẽn đi ra ngoài sân.

- Bố nó ngày xưa cũng là thanh tra giáo dục - Cô giáo Mạ thì thào - Anh ấy đi về trường con có mỗi một lần... cũng y như bố, buồn cười, mình trần thân trụi...

Ông giáo Chi cảm thấy nghẹt thở, nước mắt chảy ra ràn rụa. Ông cười không thành tiếng :

- Ừ... Vậy nó là thanh tra giáo dục...Thế nó nói gì?

- Không nói gì cả...

- Thằng ông mãnh! Thế là nó khôn...

- Được cái thật thà...Mà khoẻ lắm! Cứ như lực điền...

- Đúng rồi...Tất cả là ở cảm giác...

- Hồi ấy mùa thu...Hoa cúc nở vàng như mê như man trong thung lũng. Mật ong thì nhiều vô kể... Lũ học trò mang đến cho con bao nhiêu là hoa với mật ong...

- Ừ ừ... ta hiểu... Thế cũng xơi chứ?

- Vâng... Ăn tham không tưởng tượng được. Toàn mật ong rừng thuộc loại ác chiến...

- Có phải nó đặc sánh mà lại vàng như ánh nắng ở dưới mặt trời phải không?

- Vâng... vàng như hổ phách... Mà trong suốt.

Cô giáo Mạ ngồi lặng im một lát không nói năng gì. Mãi lúc sau ông giáo Chi mới húng hắng ho. Ông nói nho nhỏ :

- Ở vùng cao ấy, con ạ, không khí rất sạch, rất tốt cho trẻ con đấy!

Cô giáo Mạ như bừng chợt tỉnh, mỉm cười :

- Vâng... được cái không khí thì sạch lắm. Hồi đẻ con bé, con tự làm lấy hết... tự cắt rốn cho nó, tự may vá lấy...

- Thế lúc ấy không có ai à?

- Không có ai... May mà cũng không nhiễm trùng... Hôm ấy trời mưa rất to...

Ông giáo Chi đỡ lấy chén nước mà cô giáo Mạ vừa rót cho ông, ông nói :

- Con bé của con xinh lắm? Thế nó ngoan chứ? Có hiếu chứ?

- Vâng... Được cái cháu nó cũng ngoan, cũng biết thương mẹ. Con nghĩ thi được đại học thì thi, không được thì thôi...

- Ừ... phải nói với nó là sống dễ lắm... đừng làm nó sợ...

- Con hiểu... - Cô giáo Mạ tần ngần nhìn ông giáo Chi, tự dưng nước mắt ứa ra - Bố già rồi... Thế bố có còn nhớ gì về những nơi ở ngày xưa của bố hay không?

Ông giáo Chi gật đầu, ông nói rất khẽ cứ như là ông tự nói để cho mình nghe :

- Có... nhớ chứ! Toàn núi là núi nhỉ? Mà toàn núi xanh mây trắng...

Một lúc sau, hai mẹ con cô giáo Mạ từ biệt ông giáo Chi để trở về nhà, trở về trường học cũ của họ. Giống như ngày xưa : lại nước mắt, những lời li biệt...

Ông giáo Chi tiễn người học trò rồi mà cứ thẫn thờ tần ngần đến suốt mấy tiếng đồng hồ. Hôm sau, hôm sau nữa ông cứ lơ lửng như người mất hồn. Nhiều lúc, ông giáo Chi bỗng thấy người mình tựa như nhẹ bỗng, nhẹ đến nỗi tưởng như có thể bay lên được kia! Chao ôi! Ước gì ông có thể bay lên trời được! Như những ngọn gió! Nếu bay lên được thì ông sẽ bay đến những dãy núi xanh xa xôi tít tắp kia, nơi ấy lẩn khuất trong mây trắng và sương mù, nơi ấy không khí rất sạch và khoáng đạt, nơi mà hoa cúc dại nở vàng rực rỡ như mê như man đầy trong những thung lũng hoang vắng không có một bóng người nào.

Phải! Điều cốt nhất là phải không có một bóng người nào! Như thế thì sống dễ lắm! Nhất định rồi ông sẽ về đấy mà! Ông sẽ về đấy... Ông nghĩ như thế? Cho ngày mai...Mai...

Hà Nội, tháng 12.1999
Nguyễn Huy Thiệp

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2008

Entry for April 07, 2008 - Tan vỡ (Shattered)


Xem bộ phim này lâu rồi, cũng định viết về nó lâu rồi nhưng cứ lần lữa mãi. Tớ thích cái kịch bản của bộ phim với những yếu tố tâm lý kịch tính, cái “gút” mãi đến tận gần cuối phim mới được gỡ.

Câu chuyện bắt đầu với một gia đình hạnh phúc. Anh chồng Neil (do Gerard Butler đóng) yêu vợ thương con. Chị vợ Abby (do Maria Bello đóng) xinh đẹp, hiền dịu. Cô con gái bé bỏng Sophie ngoan ngoãn dễ thương. Neil làm việc cho một công ty quảng cáo, có năng lực và rất được tín nhiệm. Nhân dịp sinh nhật Abby, Neil bỏ hẹn giao lưu với bạn bè, dành trọn buổi tối cho vợ. Họ nhờ dịch vụ giới thiệu một người giữ trẻ, để vợ chồng đi xem hát. Neil lái xe vào thành phố, bất chợt hai người hãi hùng khiếp vía khi có kẻ nấp ở băng ghế sau chồm dậy chĩa súng vào họ. Hắn (Tom Ryan – do Pierce Brosnan) gọi điện cho đồng bọn là người trông trẻ cốt cho Neil và Abby hiểu: Bé Sophie đang nằm trong tay chúng. Trước sự an nguy của con gái, vợ chồng Neil đành chấp thuận vô điều kiện mọi yêu cầu của tên bắt cóc....Họ “ngoan ngoãn” vào ngân hàng rút sạch hơn 140 ngàn dollar mang ra cống nạp cho tội phạm. Nhưng kẻ bắt cóc tống tiền lại... không cần tiền. Chiếc xe lăn bánh qua cầu, gã đốt va li tiền rồi quẳng xuống sông trước sự tiếc nuối và bất lực của hai vợ chồng nạn nhân. Tiếp theo đó hắn hành vợ chồng Neil - Abby khốn khổ cùng cực, luôn trong trạng thái hoảng loạn, lo lắng cho tính mạng của người thân....(lúc thì là con, lúc thì là vợ, lúc lại là chồng).....Người chồng định liều mạng ăn thua với tên cướp nhưng cô vợ ngăn cản, Sophie có thể bị hại. Khi có cơ hội, Neil và Abby lao đi giải cứu con gái, cuối cùng họ lại chạm trán tên tội phạm bí ẩn. Hắn luôn cao tay hơn nạn nhân của mình. Bất đắc dĩ Neil phải báo cảnh sát, song chẳng ai nghe anh, kẻ chủ mưu đã sắp đặt sẵn kế hoạch đối phó. Trong những giờ phút nguy nan, kinh hoàng và điêu đứng của cuộc đời, Neil luôn tự hỏi: Kẻ uy hiếp gia đình anh là ai? Hắn muốn gì? Câu trả lời chỉ đến với Neil khi tên tội phạm dí vào tay anh khẩu súng lục, buộc anh vào một căn nhà để giết một người, bằng không vợ con anh sẽ bị sát hại. Không còn con đường nào khác, Neil bước vào căn nhà nọ. Trước mắt Neil là Judy, nữ thư ký riêng của anh tại công ty.....người mà anh vẫn thường ngoại tình tại công sở....Bức màn được vén lên khi kết thúc bộ phim, toàn bộ câu chuyện là do Tom Ryan và chính cô vợ Abby cùng nhau đạo diễn để “dạy” cho Neil và cô thư ký (cũng chính là vợ của Tom Ryan) một bài học về giá trị của gia đình....Nam diễn viên Pierce Brosnan vào vai Tom Ryan rất đạt. Vẫn nét hào hoa, nhưng lần này Brosnan không phải là điệp viên 007 làm ngả nghiêng phái đẹp mà là anh chồng bị cắm sừng.

Các bạn xem thử phim mà xem....hê hê.

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2008

Entry for April 07, 2008 - Tưởng con ốm - Hết hồn!

Cún con ăn xong nằm chạy tọt vào trong nhà leo lên giường xem Cartoon Network, chả thèm để ý gì đến bố mẹ. Gần 9h30' rủ rê mãi mới chịu ngồi dậy đi đánh răng với bố để đi ngủ. Vừa đi vừa cười trêu bố. Ấy thế mà vừa vào đến giường chưa kịp tháo dây buộc tóc thì lại kêu đau ầm ĩ, gặng hỏi mãi mà cứ vừa khóc vừa chỉ vào ngực bảo đau, chả biết đằng nào mà lần. Mẹ Cún ra nịnh mãi cũng không nín cứ một mực kêu đau và đòi đi bác sỹ Hương (bác sỹ mà Cún con thường đến khám). Hai bố mẹ hoảng hốt sắp xếp quần chở con vào Bệnh viện Nhi Đồng để khám. Đi được 1/3 đường thì con bảo hết đau rồi, hỏi hết thật chưa thì Cún ta cũng khẳng định chắc nịch: Hết thật rồi. Sờ vào chỗ ngực đau lúc trước và hỏi có còn đau không? Câu trả lời lại vẫn là Không. Thế con có đi bác sỹ Hương nữa không ? Không, con về nhà. Bố mẹ nhìn nhau rồi lại chở con về nhà. Cả đêm Cún ngủ yên chả thèm quẫy đuôi. Nhưng mà cứ cẩn thận là ngày mai đưa Cún con đi khám!


Giời! Mới có 1 đứa hơn 3 tuổi đã thế, mấy tháng nữa thêm 2 đứa thì làm sao nhỉ?

Entry for April 06, 2008- Chủ nghĩa tư bản 3.0


Mới lướt vài trang nhưng thấy cuốn sách này có cái để đọc, có cái để ngẫm. Đại loại là tác giả gợi ý một hướng phát triển của Chủ nghĩa tư bản trong thời đại mà môi trường bị tàn phá. Cảm nhận cá nhân của tớ thì nếu đúng CNTB mà phát triển theo hướng này thì nó đã theo đúng mô hình lý thuyết của Mác, đó là nó đã gần tới CNXH rồi. Thôi chả bình loạn nhiều, các bạn cứ đọc cái lời giới thiệu ở đầu sách của tác giả nhé.

Trích Lời giới thiệu:

"Công sản - những tạo phẩm của thiên nhiên và xã hội mà chúng ta cùng thừa kế và có bổn phận giữ gìn cho con cháu - đang bị phong tỏa. Chủ nghĩa tư bản phiên bản 2.0 đã toàn cầu hóa vớt sự thao túng của các Công ty - đang nhanh tay phung phá di sản chung này. Nay Peter Barnes đưa ra một giải pháp: bảo vệ công sản bằng cách trao cho công sản những quyền sở hữu và những thể chế quản lý hữu hiệu.

Barnes cho thấy chủ nghĩa tư bản - tựa như một máy tính - hoạt động nhờ một hệ điều hành. Hệ điều hành hiện nay của chủ nghĩa tư bản trao quá nhiều quyền hành cho những Công ty chỉ lo tối đa hóa lợi nhuận xâu xé công sản và phân phát hầu hết lợi nhuận cho một thiểu số rất nhỏ. Còn Chính phủ - trên lý thuyết có nhiệm vụ bảo vệ công sản - lại thường xuyên trở thành công cụ của chính các Công ty đó.

Barnes đề nghị một hệ điều hành đã được chỉnh sửa - Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0 - để bảo vệ công sản. Phát kiến lớn nhất của ông chính là quỹ tín thác công sản, một thực thể pháp nhân theo cơ chế thị trường có thẩm quyền hạn chế việc sử dụng các công sản khan hiếm thu tiền thuê và trả cổ tức - dưới hình thức tiền mặt và lợi ích sử dụng - cho tất cả mọi người.

Trong tầm nhìn của Barnes, một loạt quỹ tín thác công sản sẽ thể chế hóa các nghĩa vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai, đồng bào và thiên nhiên. Một khi được hình thành, các quỹ tín thác đó sẽ sử dụng thị trường và quyền sở hữu để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.

Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0 đề ra một giải pháp thực tế cho hệ điều hành đang bị lỗi của chủ nghĩa tư bản hiện nay."

Trích Lời mở đầu sách:

"....Khi chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện, thiên nhiên thật phong phú còn tư bản thì khan hiếm, vì vậy ưu tiên khuyến khẩu tư bản là hợp lẽ. Ngày nay chúng ta dư dật tư bản mà lại đang cạn nguồn thiên nhiên. Chúng ta cũng đang đánh mất nhiều thể chế xã hội có thể liên kết chúng ta thành cộng đồng và làm phong phú cuộc sống của chúng ta bằng những phương cách không dựa trên tiền bạc. Điều này có nghĩa chủ nghĩa tư bản cần phải điều chỉnh. Chúng ta phải điều chỉnh chủ nghĩa tư bản cho phù hợp với thế kỷ hai mốt chứ không phải thế kỷ XVIII và điều đó có thể thực hiện được.

Làm thế nào có thể chỉnh đốn cả một hệ thống rộng lớn và phức tạp như chủ nghĩa tư bản? Và làm sao làm điêu đó một cách êm thấm, hạn chế đau đớn và xáo trộn đến mức thấp nhất? Câu trả lời là làm như Bill Gates: nâng cấp hệ điều hành.

Phạm vi của cuốn sách này

Cũng giống như Hiến pháp đã đề ra các quy tắc cho Chính phủ, hệ điều hành kinh tế của chúng ta đề ra các quy tắc cho thương mại. Tôi dùng tính tử sở hữu chúng ta để nhấn mạnh rằng hệ điều hành kinh tế này thuộc về mọi người. Nó không phải là không thay đổi được, và chúng ta có quyền nâng cấp nó, cũng giống như chúng ta có quyền tu chính Hiến pháp vậy. Cuốn sách này giải thích tại sao chúng ta phải nâng cấp hệ điều hành hiện nay, một hệ điều hành mới có thể sẽ như thế nào, và chúng ta có thể cài đặt hệ điều hành mới cách nào.

Cuốn sách gồm ba phần. Phần một tập trung vào hệ điều hành hiện nay của chúng ta, một phiên bản tôi đặt tên là Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 2.0 (Chủ nghĩa Tư bản Phiên bản 1.0 kết thúc vào khoảng năm 1950, như tôi sẽ giải thích trong Chương II). Tôi cho thấy hệ thống này xâu xé thiên nhiên, gia tăng bất bình đẳng. và vì vậy làm chứng ta phải khổ sở thế nào. Mặc dầu những vấn đề này nhiều độc giả cũng đã ý thức rồi, tôi vẫn xem xét lại để chứng định rằng những kết quả này không phải ngẫu nhiên - đó là những kết cuộc không thể tránh khỏi của phần mềm kinh tế của chúng ta. Điều này có nghĩa không thể chỉnh đốn chúng bằng cách vá víu bên ngoài. Nếu muốn chỉnh đốn, phải thay đổi bộ mã.

Phần II của cuốn sách tập trung vào chủ nghĩa tư bản trong tương lai, một phiên bản tôi đặt tên là Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0. Khác biệt chủ yếu giữa phiên bản 2.0 và phiên bản 3.0 là trong phiên bản 3.0 có thêm một loạt những ảnh mà tôi gọi là khu vực công sản. Thay vì chỉ có một động cơ - tức là khu vực tư nhân do các Công ty thống trị - hệ điều hành kinh tế đã nâng cấp của chúng ta sẽ hoạt động bằng hai động cơ: một động cơ để tối đa hóa lợi nhuận, động cơ kia để bảo tồn và phát huy công hữu.

Hai động cơ cùng hoạt động này - gọi là khu vực Công ty và khu vực công sản - sẽ tiếp sức và kiềm chế nhau. Một cái lo cho mặt "tôi" của chúng ta, còn cái kia phụ trách mặt "chúng ta". Khi cân bằng với nhau - và để đặt được sự cân bằng này Chính phủ phải nỗ lực rất nhiều - hai động cơ sẽ làm chúng ta thịnh vượng, an tâm, và hài lòng hơn là khi chỉ có một động cơ hoạt động như hiện nay. Và với hai động cơ cùng hoạt động, Trái đất sẽ không bi tàn phá.
Phần II đề xuất một số quyền sở hữu mới, quyền đương nhiên có, và những thể chế mới để bằng cách nào đó có thể mở rộng khu vực công sản. Tôi vẫn nghĩ rằng những đề xuất này kết hợp được hy vọng và hiện thực. Một số đề xuất cụ thể là:

• Một loạt những quỹ tín thác hệ sinh thái để bảo vệ không khí, nước, rừng, và môi sinh.
• Một quỹ đầu tư tập thể để thanh toán cổ tức cho mọi người dân Mỹ - mỗi người một cổ phần.
• Một quỹ tín thác để cấp vốn khởi nghiệp cho mọi trẻ em.
• Một quỹ chia sẻ rủi ro về y tế cho một người.
• Một quỹ quốc gia dựa trên phí bản quyền để hỗ trợ nghệ thuật địa phương.
• Một hạn chế về lượng quảng cáo.

Phần cuối của cuốn sách giải thích lộ trình để đi đến Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, cách hoạt động của các mô hình và các bạn cùng tôi có thể đóng góp gì.

Những nhân vật xuyên suốt cuốn sách này là các Công ty, Chính phủ, và công sản. Cốt chuyện đại khái như thế này. Khi màn kéo lên, các Công ty đang vơ vét công sản. Họ luôn ở thế thượng phong, còn công sản - một sự pha trộn vô tổ chức thiên nhiên, cộng đồng, và văn hóa - luôn là kẻ thua cuộc. Công sản không có quyền sở hữu cho riêng mình nên phải nhờ Chính phủ bảo vệ. Nhưng Chính phủ lại là một người bảo hộ bất nhất, chuyên thiên về phe các Công ty.

Thật may, các Công ty chỉ chi phối Chính phủ hầu hết thời gian mà thôi, có lúc họ cũng lơi tay. Vì vậy có thể hình dung ra rằng lần tới khi sự thống trị của các Công ty suy giảm, Chính phủ - thay mặt cho dân thường - sẽ nhanh chóng củng cố công sản Chính phủ giao quyền sờ hữu mới cho các quỹ tín thác công sản, xây dựng cơ sở hạ tầng công sản và tạo nên một giai cấp mới gồm các đồng sở hữu chủ đúng nghĩa. Khi các Công ty giành lại sự thống trị về chính trị và chắc chắn sẽ thế, họ không thể phá bỏ hệ thống mới. Công sản giờ đây đã có những cơ chế bảo vệ và các cổ đông, công sản đã đủ vững vàng để trường tồn. Và sẽ đến lúc các Công ty chấp nhận công sản là đối tác làm ăn của mình. Họ nhận thấy mình vẫn có thể kiếm lời, vạch kế hoạch phát triển rộng hơn và thậm chí có khả năng cạnh tranh hơn trên quy mô toàn cầu.

Không đề xuất nào đưa ra trong cuốn sách này có thể thành công trong nay mai. Mà đó cũng không phải là mục đích của tôi. Mục đích của tôi là thắp lên một ngọn đèn, để mọi người thấy được loại hệ thống chúng ta sẽ xây dựng, từng chút một, khi có cơ hội. Tôi thấy việc xây dựng hệ thống như vậy là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ trong đó sẽ có những giai đoạn thay đổi nhanh chóng. Công việc này có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà chính trị, các nhà kinh tế và luật sư, các công dân và những người hướng dẫn dư luận ở mọi cấp. Để khỏi lạc đường, chúng ta cần một kim chỉ nam. Và tôi hy vọng cuốn sách này sẽ làm được vai trò kim chỉ nam đó."

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

Entry for April 03, 2008-Chiếc khuy áo

Câu chuyện này được thằng em tớ viết từ những hồi những năm94-95 nên có vẻ "sến", hồi đó tớ cứ tưởng rằng sau này nó sẽ theo nghề viết văn cơ đấy. Lâu quá rồi cũng chẳng gặp lại nó và cũng chẳng nghe tin tức gì.

Chiếc khuy áo

Nó khoác chiếc áo vét cũ lên người, liếc qua bóng mình trên gương rồi gật gù tỏ vẻ hài lòng. Chợt nó nhíu mày khó chịu khi nó nhận ra áo sơ mi bị mất một chiếc khuy cổ. "Tức thật" - Nó thầm nghĩ - áo sơ mi mà thiếu khuy thì còn gì là thể thống nữa?". Nó bước về phía tủ quần áo lục tìm một hồi lâu mày không thấy chiệc khuy nào phù hợp. Đột nhiên, mắt nó sáng lên khi nhìn thấy chiếc áo của thằng em treo ở góc phòng, đúng là loại khuy mà nó đang cần. Nhưng chiếc áo của thằng em cũng thiếu khuy cổ, nó tặc lưỡi: Ôi dào, thiếu thêm một cái nữa cũng chẳng sao". Nó dùn dao cắt rời chiếc khuy thứ hai ra khỏi áo thằng em rồi lấy kim chỉ cẩn thận khâu vào áo của mình.

Sinh nhật đứa bạn, nó đến từ chiều, vẫn hào hoa phong nhã như mọi ngày. Nó bước ra ban công, hít thở khoan khoái cái không khí ngòn ngọt của buổi giao mùa. Ánh mắt nó trượt dài qua các ngọn cây, xuống mặt đường rồi dừng lại ở một bóng dáng gầy gò quen thuộc đang đạp xe từ phía cuối con đường.

Nó chạy nhanh xuống cổng. Thằng em nó một tay dựng xe, tay kia tím chặt cổ áo chống đỡ với cơn gió bất ngờ thổi tới:

- Em mang thêm áo len cho anh đây. Đài báo tối nay có gió mùa đông bắc tràn về, anh đừng ở lại khuya quá nhé.

Nói xong em nó ngoác miệng ra cười rồi lên xe phóng đi.

Phạm Hoàng Long