Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt (Phần 4)

18-7-1968



(...) Từ hôm đến A7 này mình cảm thấy rất dễ chịu và may ra có thể tranh thủ làm việc được. Mình và Anh được ở một căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Huy bà Tú bên Thông Tấn Xã ở trước. Góc trong cùng là một chiếc hầm hàm ếch có mui thông ra ngoài. Kề trước miệng hầm là chiếc giường một. Chân giường là những chạc cây cắm xuống đất và dát giường là cuống những tàu lá cọ dài và dẹt đã bóng lên màu da bò. Thú vị nhất là chiếc bàn nhỏ có ghế đàng hoàng. Ban ngày và ban đêm đều có thể làm việc được. Nhà được che kín bằng những “bức tường” ghép bằng lá cọ. Xinh xắn và đầm ấm quá giữa khu rừng bằng phẳng trên đỉnh một ngọn núi cao đứng. Ở đây không sợ pháo kích vì núi rất cao, nhưng đêm thì lạnh buốt. Nửa đêm, Anh phải dậy lấy áo len mặc.

29-7-1968

Sau 7 ngày đi cõng các thứ còn bỏ lại ở A8 về A7, 12g trưa hôm qua 4 anh em mới về đến nhà. Thật chưa bao giờ vất vả như chuyến đi này. 6g sáng 22.7 thì ra đi. 3g30 chiều ngủ ở Đội 6. Lo pháo. Nửa đêm mình và Anh phải chui xuống hầm. 11 người mà chỉ độc một cái hầm. Mấy tốp người kia cứ muốn đùn bọn mình ra bãi ngủ. Thật tệ. Hôm sau vào A8. Lạc đường mãi ở chỗ bãi bom B52. Đi nhanh vùn vụt. Lạc hoài. Gai góc và cỏ rậm. Chân mình lấm tấm mụn. Dưới ngón chân trầy da xót như cào cấu mỗi lần lội suối. Mãi 4g chiều mới đến A8. Dọc suối vào, cây đổ, đất lở và những hố bom hiện ra. Càng vào gần nhà bom càng nhiều. Cả một khoảng rừng bị bạt đi vì bom. Nước suối vẫn còn ngầu đục vì đất xói lở, và ghê gớm hơn là ngay trước cửa nhà Văn Nghệ, một hố bom sâu hoắm, tròn loe ra như một cái ao lớn nằm lù lù chắn lối vào nhà, một cây to đổ ngang. Cửa bật tung. Đất bắn vào quanh nhà lầm bụi. Ghê thật. Thì ra ngay chưa đầy một ngày sau khi bọn mình chuyển, bom đã dội xuống. Lại một lần thoát chết.

(...) Mình tiếc ngơ ngẩn mấy tập giấy trắng nên cố mang theo một tập và tập truyện ngắn “Về làng” của Phan Tứ. Ngay cả tập này mình cũng chưa đọc ngoài mấy cái “Con đĩ”, “Trong đám mía” và “Hai anh em”. Mình cảm thấy nếu không được đọc thì y như dao không mài, khó mà viết nổi về cái Khu 5 rất xa lạ với mình này.

Buổi tối ra đến Làng Dần (Ban Dân Y Khu - BMQ) thì đã 5g chiều. Trời mưa. Đường dốc, vắt và muỗi. Bình thường từ A8 ra Làng Dần chỉ đi 2g đường thôi. Gặp anh Nhật về lấy đồ. Thì ra bọn mình ngủ lại đúng cơ quan cũ của anh Nhật. Bọn anh Nhật nhặt được ít bắp ngô bị B52 phạt trụi. Mình nướng ăn. Sôi bụng cả đêm. Sáng hôm sau 9 lần đi ngoài toàn nước. Thông và Anh cũng bị như thế. Chắc ngô có chất độc hoá học. Chúng nó thả chất độc hoá học vùng này ghê gớm quá. Mới hôm nào mình đi từ trạm 10 vào trạm 9 rừng hãy còn xanh tốt. Thế mà bây giờ cây đã khô đi. Lá rũ xuống những cành tái nhợt. Một thứ màu nâu xám ngoét. Cả một vùng rừng trụi. Đường giao liên đi xuyên giữa khu rừng bị chất độc hoá học. Nom tàn khốc biết chừng nào. Mình dẫm lên một hòn đá bập bênh giữa lòng suối. Ngã. Gậy gãy. Mặt đâm vào khe đá và người gieo xuống đá. Anh tái người đi. Mặt anh nhăn lại vì đau đớn. Mình cố bật cười để xua tan nỗi lo cho anh. Tối vừa nằm lên võng thì chiếc cọc gãy. Cả anh và mình đều ngã. Chân mình bị đá va vào trầy da. Mình tru tréo lên. Thật xấu quá. Tại sao có lúc mình lại cáu kỉnh với anh vô nghĩa lý như thế? Đêm ấy ngủ dưới hầm, nhưng yên ổn. Mấy hôm nay máy bay và pháo của nó ít hoạt động hơn. Chiến sự đang dữ dội ở Quảng Ngãi. Tiểu đoàn biệt kích đổ bộ xuống rẫy bắp đã rút, có mấy cán bộ cơ quan X đi nhặt được tới 3 gùi đồ hộp. Chúng nó cũng không sục sạo mà mình cũng không nổ súng gì cả. Nghe nói đêm 14.7 cái đêm B52 dữ dội ấy 17 bộ đội ở trại sản xuất chỗ rẫy bắp bị chết và 2 người bị thương.

Từ Làng Dần, hôm sau mấy anh em lại lạc đường mãi. Tới B2 đã 1g30 chiều, mà bình thường chỉ đi 1 tiếng đồng hồ. Trời vẫn mưa tầm tã. Đường qua bãi bom nhão nhoẹt vì sụt lầy và đất dính. Chân cứ muốn tuột ra ngoài dép. Nguyên do một lần bị lạc là tại ông Chất đi trước ông ấy mang nhẹ nên luôn vượt lên trước qua bãi bom B52, nghe tiếng máy bay, ông ấy sợ quá, thế là không nhận ra đường được nữa. Mình nhoài người lên dốc B52. Chân sụt xuống bùn, tay chống xuống, bò. Chiếc gùi cứ đè và xói vào lưng nặng trĩu. Nước mắt mình ứa ra. Mình khóc. Ngay lúc ấy mình cũng thấy vô lý quá, nhưng mình không thể cưỡng lại được. Chẳng phải mình sợ khổ đâu, có lẽ mình thấy tủi cực vì cái quan niệm về số phận ám ảnh. Mình luôn thấy những khó khăn, những vất vả cứ nhằm mình mà đay nghiến, mà hành hạ. Vượt bãi bom, bọn mình ăn cơm ngay bên miệng một hố bom nhão nhoét. Muỗi, ruồi, kiến bu vào những nốt mụn loét ở hai chân mình. Ăn cơm với mắm cái lại càng hút ruồi muỗi đến mạnh. Không có lấy một chỗ ngồi, đứng nhấp nhổm, ăn vội vàng rồi đi vào B2. Anh mệt quá, đòi nghỉ lại. Nhặt được ít chuối khô lại đem nấu canh, và rang ngô ăn.

30-7-1968

(...) Thực sự mình vẫn chưa thấy gì là khổ sở, chưa thấy tư tưởng bị dao động vì những nỗi cực nhọc ở đây. Trái lại, mình bắt đầu thấy tha thiết yêu cái khúc ruột miền Trung mà mình đang sống này. Mình có cái tình gắn bó và thông cảm với Khu 5 y như hồi mình bắt đầu về Quảng Nạp để đẻ ra “Đất cằn”. Lạ ghê. Trước đây mình rất ghét Khu 5, chỉ yêu Nam bộ và Huế. Bây giờ vào Khu 5, cái hấp dẫn mình trước hết, cái lôi kéo mình trước hết lại chính là cái khổ của Khu 5 - mảnh đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Cán bộ Khu 5 đi gùi cõng và lo ăn nhiều hơn Nam bộ và Trị Thiên. Cơ quan phải di chuyển nhiều hơn. Nhất là giai đoạn này lại càng ác liệt gấp bội… Hôm nay lẽ ra bọn mình xuống gần chợ Phú Thuận cõng gạo, nhưng bên nhà in đi lại phải quay về vì chúng nó càn.

Thế đấy, mảnh đất mà mình đang sống nó giống hệt như con người mình: vất vả, cực nhọc. Mình sung sướng được có mặt ở đây đúng vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến đấu. Mình sung sướng được chịu đựng và vượt qua tất cả gian khổ vì đã gặp một mảnh đất đồng điệu với tâm hồn mình.

31-7-1968

… Bắt đầu “Hoa rừng” (Tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý, gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam - BT). Chật vật nhưng kiên nhẫn. Muỗi. Muỗi nhiều vô kể. Chúng nó luôn phá hoại sự yên tĩnh của mình. Nhưng dẫu sao cũng sướng hơn cái cảnh viết vụng trộm ở 47HC. Cứ nghe tiếng guốc là giật thót mình. Thật ghê tởm. Kể cũng hay. Cuối cùng thì con ngựa bất kham này đã vượt khỏi hàng rào dây thép gai ấy rồi.

3-8-1968

(...) Gạo bắt đầu thiếu mà địch lại đang càn ở Phú Thuận nên chưa xuống gùi được. Chiến dịch X2 đã mở màn. Ta đánh mạnh vào Đà Nẵng và bắc Quảng Nam. Tình hình càng gay hơn, mỗi tháng mỗi người phải tiết kiệm 2kg gạo bằng cách ăn thay 4 ống mì nhãn hiệu “Ông Phật”. (...) Sáng nay ngồi nói chuyện với Anh về Ly và Liên, về 195 Hàng Bông. Nhớ nhà quá. Đêm qua nhớ 195. Nhớ từ hạt bụi, từ chỗ Ly ngồi chơi, mình bỗng khóc oà lên. Kinh khủng quá. Xa 195 quá rồi trời ạ. Mình nhớ những buổi tối bạn bè, những ngày bận rộn và vắng vẻ ở 195. Rồi lo cho Ly…



Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt (Phần 3)

10-7-1968, Chi hội Văn Nghệ Trung Trung Bộ, 1g chiều



2g chiều qua, 9-7, ngày Ly đầy 19 tháng, mình đã tới và gặp Anh. Mới một ngày trôi qua mà mình đã cảm thấy muốn ra đi và đôi lúc lặng buồn. Anh nói đúng, “sống giữa một tập thể toàn những người độc thân và cô đơn thì sự đoàn tụ của những cặp vợ chồng lại trở nên cô độc”. Mình cảm thấy mất hết cả tự nhiên và thoải mái. Cái cảm giác cứ ngấm dần vào người. Sang báo Cờ Giải phóng ngay đi, làm việc ngay đi, đi sản xuất ngay đi… Ôi, khổ quá. Chắc không ai hiểu nổi sự thay đổi đột ngột này. Bằng giờ hôm qua mình còn nguyên vẹn sự hăm hở đến với Anh. 7g sáng đi, đến 10g nghỉ lại, đi, và lạc 2g liền. May gặp anh Chất (họa sĩ) đi công tác về, mình và anh ấy lần theo dấu đi của anh Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu) hôm nọ và 20 phút sau thì nghe thấy tiếng chặt cây. Leo lên, hóa ra căn nhà của Anh đã lù lù trước mặt. Anh cởi trần, mặc quần đùi chạy ra đón : “Anh vừa đi đón em xong mà không gặp”. Trần Tiến (nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong, tác giả truyện ký Mặt biển, mặt trận, Rét tháng giêng và Nhật ký Chu Cẩm Phong - BT) mới đi Hội An về được ít phút. Anh Chất đi vẽ Kông Tum 3 tháng lại về cùng với mình.

Căn nhà của Văn Nghệ ồn lên. Anh Phan Huỳnh Điểu xanh và gầy đang hì hục đào hầm. Chiếc hầm hình chữ nhật nằm giữa nhà, cạnh chiếc bàn ghép bằng que để mấy tờ báo và bi đông nước, bát, cốc, thìa. Bên trên bàn (chỗ đầu gian) là chiếc giường ngắn và hẹp nối với chiếc bàn nhỏ ghép bằng cây rừng của anh Phan Huỳnh Điểu. Bên dưới bàn (phía gian cuối) là bếp Hoàng Cầm, là giàn củi, là hăng-gô, là chậu nấu canh… Một chiếc giàn để ba lô nằm song song với chiếc hầm. Đấy, tất cả cái nhà Văn Nghệ chỉ có thế. Tổng cộng chưa được một gian nhà to. Ấy là còn khá hơn những lần ở cơ quan (chỗ cũ) trước đấy. Trước thì chỉ là “lều” Văn Nghệ thôi. Buổi tối Chu Cẩm Phong mắc võng một đầu nhà. Anh Điểu mắc võng chéo hầm (cái hầm chưa đào xong, mới chỉ sâu quá đầu gối). Trên võng anh Điểu là võng của anh Trần Hữu Chất. Rồi một đầu nhà là võng của Anh. Bên cạnh võng Anh, mình nằm giường. Nhìn anh Điểu xanh và gầy chui tọt xuống hầm nằm võng dưới những khúc cây dát ngang, mình thấy tội quá. Hầm chật và nóng. Bên trên lại có võng anh Chất án ngữ, quá ngột ngạt. Mình thấy lòng nặng trĩu khi “phải” nằm bên anh. Thật là một hình phạt. Chắc anh cũng cảm thấy thế nhưng anh sợ mình buồn, anh không dám nói.
Anh em rất tốt.

“Quốc lên giường mà ngủ. Vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau, nói chuyện nói trò chứ. Chúng mình thông cảm”.

Khổ quá. Họ là ai ? Anh Phan Huỳnh Điểu xa vợ từ 3 năm nay. Trần Hữu Chất vừa vào được nửa năm, đi Tây Nguyên vẽ 3 tháng. Tưởng về nhà có thư vợ, anh bảo : “Thế nào tôi cũng có thư, và đây là niềm vui duy nhất sau chuyến đi này”. Nhưng thư không có. Còn Chu Cẩm Phong - Ôi, sao mà khổ thế, người yêu của Phong là Phương Thảo mới hy sinh. Phong vào đã hơn 3 năm rồi mới được về Hội An quê hương nhưng “Tao vẫn không được gặp mẹ mày ạ. Nhớ mẹ quá chừng. Mẹ tao có gửi tiền ra cho tao, tao mua một cái Sony bấm… Sau đợt hoạt động vừa rồi, mẹ tao bị bắt rồi. Chị tao không có tin tức. Tao lo thằng em tao bị bắt lính quá (năm nay nó 15 tuổi)…” (Thư Phong viết cho Anh). Mình thương cậu ta quá. Cậu ta bằng tuổi Anh, vui tính và hay chuyện tào lao. Trước họ, mình chẳng biết nói gì cả. Vào đây, mình thấy nhiều bi kịch quá. Anh Thu, người đi cùng với mình đoạn đường hôm qua cười thản nhiên :

- Con gái tôi năm nay lên 9, vợ tôi bị địch giết từ năm 1963 rồi…

Đấy, xung quanh mình toàn những người như thế. Mình cảm thấy lạc điệu quá. Mặc dù sự “lạc điệu” đó chẳng do mình gây ra. Chưa bao giờ mình thấy lạ lùng như lần gặp Anh kỳ này. Như thế là vừa chẵn 14 tháng chúng mình mới lại nằm bên nhau. Nhưng ngay cả những giây phút ấy, mình và Anh đều cảm thấy ngại ngùng và khó chịu quá, mặc dù chẳng ai nói với ai. Nhớ vô cùng 195 (tức số nhà 195 Hàng Bông, Hà Nội, gia đình của Dương Thị Xuân Quý - BT) thân yêu. Kể với anh những nỗi khổ ở “nhà tù 47HC”. Mừng nhất là anh đã thấy việc mình ra đi là hết sức đúng. Lo nhất là cái “gu” văn nghệ trong này xem chừng khuôn phép và lên gân lắm. Đọc truyện ngắn “Cô bé” của anh đăng trong Văn Nghệ Giải Phóng miền Trung số 2. Đó là một ghi chép tốt chứ không phải một truyện ngắn. Anh chưa viết thêm được gì ngoài những cái đó. Những bữa ăn, gùi gạo, gùi mắm, chuyển cơ quan, đào hầm lấn chiếm thì giờ của Anh. Cấp dưỡng cơ quan đi sản xuất, thế là phải nấu lấy.

17-7-1968

Có tiếng bên Điện Ảnh nhốn nháo:

- Nó bỏ ngay đầu mình rồi, nên tránh đi thôi.

- Anh Sơn ơi, thế nào đây ?

- Trần Tiến ơi, thế nào ?

- Làm sao bây giờ ?

Giọng ông Đống cuống quýt. Rồi các ông ấy kéo nhau đi ngược suối vào trạm 9. Lúc ấy là 2g30 sáng. Mấy anh em Văn Nghệ cũng định vào. Tất cả đã xếp tăng võng, mang ba lô để sẵn miệng hầm. Bên Điện Ảnh đi nên mấy anh em có hầm cả. Mình và anh cùng lên một cái hố hình chữ nhật độ quá đầu gối, có một lớp mui mỏng dính và ngắn ngủn. Thực ra chả biết đi đâu giữa đêm thế này. Có khi đi lại hóa ra là đi đến chỗ chết. Thế là chui xuống hầm ngủ (...). Lì ra rồi. Căng thẳng quá rồi, con người trơ ra và chẳng còn nghĩ đến cái chết. Thế là 4 đợt với 12 lần B52 giã xuống trong một đêm. Kinh khủng quá (...). Xuống suối mới thấy là mấy anh em đã thoát chết trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Dưới suối, cách tăng võng của bọn mình chừng 30m là hố bom, là đá, là đất và lòng suối chiều qua còn trong vắt nay đục ngầu lên. Nước xám ngoét đầy đất. Bắt đầu từ đó, một bãi bom B52 với những hố sâu như những cái đìa lớn liên tiếp hiện ra. Đường tắc. Chúng nó ném trúng con đường mòn giao liên mới ghê chứ. Cây đổ, đất vàng trơ ra từng bãi rộng (...). Phản lực rít réo trên đầu với những luồng bom man rợ trút xuống. OV10 vè vè ong ong. Thỉnh thoảng bọn mình phải ngồi thụp xuống giữa bãi trống và ngay bên miệng hố bom đợi OV10 đi qua. Mình ngước lên thấy rõ cái hình thù xám ngoét với hai thân song song của nó đang lừ lừ đi như một con mụ giám thị trường học thời thực dân. Cứ thế mà đi suốt 2 giờ mới hết bãi bom B52 (...). Có đi qua mới thấy lạ, không hiểu sao luồng bom tới đúng bãi trú quân của bọn mình nó lại chệch từ sườn núi xuống suối. Nếu nó nhích một chút xíu thôi thì tất cả bọn mình đã ngỏm hết rồi. Mà cũng không hiểu sao đến đúng chỗ mình là hết hố bom. Tuy vậy, dẫu sao bọn mình cũng đã nằm gọn trong tọa độ bom B52 rồi. Qua khỏi, nghĩ lại mới thấy hãi hùng. Anh em ở trong này đã 2, 3, 4 năm nhưng cũng chưa mấy ai trải qua một trận B52 dữ dội như thế. Hôm nay anh Phan Huỳnh Điểu từ Ban về A7 (A7, A8, A10 ... là mật danh của các cơ quan khu 5 - BT). Anh Điểu nói ở bên ấy tuy rất xa mà ông P.H tỏ ra rất sợ hãi, cứ hỏi : Ở trong này các anh có bị thế mấy khi không ? Ở đồng bằng có thế không ?

Mình thì cũng sợ. Nhưng nỗi lo sợ thường tan biến rất nhanh. Lạ thế. Trận B52 ghê gớm ấy tuyệt nhiên không để lại trong lòng mình một dư âm gì khiến mình chùn bước. Mình vẫn còn nguyên vẹn cái hăm hở khi bước vào tiền tuyến. Vẫn còn nguyên vẹn tấm lòng thiết tha đi đồng bằng.



"Nhật ký chiến trường": Quảng Nam ác liệt (Phần 2)

30-6-1968



Từ trạm 13 sang trạm 14, mình đi cùng với Dân, Y Văng và Huệ. Họ đi công tác tội quá. Trong ba lô là một chiếc máy quay phim, một nghìn thước phim, 10 ngày gạo và tất cả đồ dùng, nghĩa là không để ở cơ quan chút gì. Vì đang đi công tác mà cơ quan di chuyển thì ai gùi đồ đạc cho? Thế là mang đi tất. Dân còn trẻ, mới 27 tuổi, da dẻ hồng hào, dáng cao lớn và nhanh nhẹn. Thế mà đeo ba lô vào, mồ hôi đổ ra như tắm. Trên đường, nom cậu ta lúc nào cũng như vừa lặn ở dưới nước ngoi lên. Y Vang khoẻ hơn, nhưng khi nghỉ họ vẫn phải tìm hòn đá hoặc cây đổ để tựa đặt ba lô. Nếu đặt thẳng xuống đất thì không tự nâng ba lô lên nổi. Huệ đã 2 con, từ một giáo viên văn học cấp 2 chuyển sang quay phim. Anh ta có mái tóc xoăn tự nhiên và rất yêu thơ. Huệ yếu hơn hai người kia, chuyên môn đi tụt lại sau cùng, lại rất sợ vắt nên mỗi lần nghỉ thường không dám ngồi. Có lần vắt bò vào chân, anh ta quăng cả máy quay phim trong ba lô xuống đất. Họ đi chậm như bò ra đường, độ 20-30 phút lại nghỉ. Nom họ đi công tác tội quá. Ấy là chưa kể những nguy hiểm xảy ra ở dọc đường. Mình nói đi nói lại mãi:

- Ở miền Bắc, khi xem phim về miền Nam có hiểu cho không, giá trị từng thước phim của những người quay phim miền Nam?

Không! Họ không thể hình dung nổi những vất vả, khó nhọc thế này đâu. Vai đeo nặng, đường xa, một chuyến công tác kéo tới 6, 7, 8 tháng liền, thế mà lại ăn đói, ba người một hăng-gô cơm. Cứ đến lúc đong gạo là ba đôi mắt lại nhìn nhau:

- Thôi, đừng đầy vun quá, sau đói chết đấy.

- Đâu, đưa hăng-gô xem nào? Chưa, chưa đủ 2 lon rưỡi đâu, tớ nhìn hăng-gô tớ biết…

Đang đi đường, thấy soan rừng là Y Văng nhảy tót lên hái. Dân bảo: “Y Văng có nhiều tài lắm, Y Văng bắt được cá dưới suối bằng tay không, thò tay vào hang bắt.Y Văng bắt được cá chình to bằng cổ tay mà chỉ với hai bàn tay không thôi đấy”.

(...) Họ thật đáng yêu. Vất vả thế, nặng thế nhưng trong ba lô vẫn có sổ chép thơ. Dân không nghỉ, ngồi bật dậy mượn quyển thơ Tố Hữu của mình chép vội mấy bài. Mình cũng chép cho Dân bài “Núi Đôi”. Huệ thích “Gửi sông La” của Minh Khanh. Sớm hôm sau, trước phút mình vào trạm đón tiếp Dân còn vội vàng chép bài Việt Bắc của Tố Hữu. Mình đọc cho Dân ghi mà ghi không hết thì đoàn đã đi rồi. Phải chia tay tiếc quá. Mình bảo: “Tết về ăn Tết nhé”.

- Chưa chắc đã về đủ đâu - Dân trả lời.

- Không được nghĩ thế.

- Cách mạng miền Nam phải luôn luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng như thế Quý ạ.

Nghĩ mà thương họ quá. Nhớ chiều đợi đò qua sông Tranh, chi mình và ba người nấu vội mấy hăng-gô cơm bên suối, vừa ăn xong thì trời đổ mưa. Tất cả đeo ba lô khoác ni lông vào rồi đứng chúi vào nhau ở cuối rừng. Mình bỗng nhìn ra cái khuôn mặt dữ tợn của bão rừng. Mưa quất mạnh vào ngọn cây. Ngọn cây như xoắn lại, vặn người đi trong gió mạnh. Không ai bảo ai, mọi người đều đứng xích lại gần nhau. Lạnh run lên. Nhưng mưa không lâu. Bầu trời lại quang đãng và một chiếc cầu vồng bỗng vụt hiện lên ở bên kia sông. Một chiếc cầu vồng rất trọn vẹn, hai mỏm đầu cầu đặt lên những phiến đá nổi lô nhô giữa sông. Cầu in giữa những ngọn cây rừng những vệt màu lộng lẫy mà êm dịu. Mình cứ nhìn mãi những giọt mưa rơi trắng lấp lánh như những giọt nước nhảy nhót trên tầng không. Dân đến sau, cậu ta kêu lên:

- Đẹp quá, có phim màu mà quay thì tuyệt. Có một phim thần thoại trẻ con nào mà quay chỗ chân cầu đặt giữa những hòn đá kia thì tuyệt quá…

*
* *
Bắt đầu ăn gạo rẫy, gạo đỏ từ bữa chiều. Anh Châu xuất kho. Tiêu chuẩn đi đường mới được 2 lon rưỡi, còn ở lại thì chỉ 2 lon một ngày. Chiếc lon gỉ sắt, nhỏ hơn lon sữa bò, đong không được đầy vun mà chỉ gạt lon. Chỉ có cách ăn thật nhiều rau vào. 8 người ăn mỗi bữa 3 hăng-gô chặt rau luộc, 2 nắp hăng-gô cá kho lại một nồi canh lá lốt nấu với muối và mì chính. Hôm qua ăn cả môn khoai nấu nhừ và hôm nay ăn thêm cà ghém muối, anh Sắc, anh Nhật xin ở rẫy. Mới ăn xong thì no, nhưng chỉ một lát đã thấy bụng vơi nhẹ đi. Gạo đỏ chỉ xay mà không giã, anh Châu nói đây là gạo sản xuất cách đây 3 năm. Đun sôi sình sịch mãi mới cạn. Mở vung ra là từng hạt khô rời, ăn sậm sịt như gạo xay thổi làm mốc tương, ngọt và bùi. So với gạo Đà Nẵng hôm mình ăn với Dân thì kém xa. Gạo Đà Nẵng trắng, hạt to, nấu dẻo như xôi và thơm ngào ngạt. Buổi tối hôm chia tay, Dân và Y Văng nấu 3 hăng-gô cháo đậu xanh đặc, bỏ mì chính và hạt tiêu vào, cháo nấu bằng gạo Đà Nẵng rất sánh, rất thơm. Mình định không ăn, Dân gắt lên:

- Sao lại không? Không được thế. Bọn mình quyết định chiêu đãi mà không ăn à? Phải ăn hết đi. Chả lẽ lại không ăn hết.

Dân múc cho mình một nắp hăng-gô cháo đầy. Mình định sẻ bớt, Dân nhất định gạt đi. Mình ăn ngắc ngứ mãi. Dân nhìn mình ngạc nhiên:

- Mặn quá hả? Mặn hay sao mà ngắc ngứ thế?

Đến đây mình mới hiểu mấy chữ “miếng khi đói bằng gói khi no”. Có lẽ trong đời mình không bao giờ quên những sự chăm sóc chân thực ấy. Dân có vẻ phớt đời và bướng. Cậu ta vừa được kết nạp vào Đảng hồi Tết. Cậu ta là con cả trong một gia đình đông em gái và bố mẹ hết sức chiều chuộng... Trên đường đi công tác, cậu ta luôn mang theo một tổ ấm, hình ảnh dịu ngọt của một gia đình hạnh phúc giữa thủ đô. Người con trai Hà Nội ấy xông pha trong lửa đạn một cách dũng cảm và ngang nhiên nhưng rất Hà Nội trong tình cảm: “Em gái mình nó lo cho mình lắm… Em gái mình không thích ăn ruốc bông nhiều đâu, nó thích ăn ruốc không bông lắm mới có nhiều thịt cơ… Con bé láu thật… Hồi ở Hà Nội mình hay đi chợ với bố mẹ mình lắm. Nhớ Hà Nội không thể tả…”.

7-7-1968, trạm 11

Hôm nay đi chậm như sên. Chân mình nứt ra đau nhói. Sao mà khổ thế. Vừa đi vừa lo cho đoạn đường cuối cùng. Trạm giao liên 11 và 10 này đã bỏ. Giao liên không đi đường bọn mình đang đi nữa vì chúng nó đánh chỗ đường 16 ác liệt quá. Hai lần vượt đường 16 trước chúng nó chỉ thả bom B52 còn tránh được bằng cách đi đêm, bây giờ nghe anh em nói nó lại pháo kích nữa. Thế là anh em quyết định 12g trưa mai mới đi để sớm ngày kia vượt đường. Lẽ ra thì 12g trưa mai mình có thể tới Anh được nhưng thế này thì ngày kia 9-7 mới tới. Mà những nguy hiểm gì đang chờ mình? Kể cũng run thật. Giá đi với đoàn K185 của mình thì mình lại yên tâm hơn đi với mấy ông lạ lẫm và hay sợ này. Khổ cho mình quá, hết khó khăn này đến khó khăn khác. Đi bây giờ là đi tự do, chẳng còn giao liên nữa vì đi theo đường giao liên thì phải mất thêm 2 ngày nữa nên bọn mình đi đường này gần hơn. Thôi liều vậy, biết làm sao.

Đến ở lại mái nhà giữa bãi trú quân hôm xưa 8 anh em đã ở. Có mấy ông ra nằn nì bọn mình đổi gạo lấy muối:

- Chúng tôi đi công tác, 15 hôm nay toàn ăn sắn, chưa có hột gạo vào bụng. Các đồng chí đổi cho tôi về nấu cháo cho anh em ốm.

Chả ai nhúc nhích. Mình thấy thương quá liền đánh liều trút ra một lon gạo. Họ trút cho mình một lon muối. Tội quá. Một lon gạo có 5đ, một lon muối những 25đ, thế mà họ còn nằn nì mình đổi cho nửa lon nữa (...). Gạo, muối… Càng ở đây càng thấy giá trị của hột gạo thật ghê gớm.


Thứ Tư, 25 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường": Quảng Nam ác liệt - Phần 1

20-6-1968, trạm 11, Quảng Nam, 4g30 chiều

… Hai hôm nay đi một cách khó nhọc. Hành kinh. Người mình nặng trĩu, mình thường lấy lúc các anh nghỉ giải lao để mình đi vượt lên. Mình đi chậm nhích từng bước một, nghỉ rất ít. Cứ thế, một mình lững thững đi giữa rừng bạt ngàn, chân nứt, lội xuống suối lại buốt và xót thấu ruột. Mà hai hôm nay lại lội suối khá nhiều, những con suối rộng mông mênh đáy vàng sỏi đá và bên bờ là những rặng cây rủ bóng mát xuống những tảng đá đen trùi trũi trồi lên. Đi trong rừng nghe suối hát và ngồi nghỉ ăn cơm trên những tảng đá ven suối sao mà thích thế. Thỉnh thoảng những con đường rắc đầy hoa lại hiện ra. Hoa 4 cánh trắng hồng như sáp, hoa 4 cánh đỏ trắng và nhụy là một chùm đỏ nhô hẳn lên. Hoa rừng mọc li ti đỏ chót bám vào rễ cây. Hoa, hoa… và lá rừng xạc xào…

… Hôm nay có 2 cậu ở bệnh viện Quân khu 5 đi cùng với mình một đoạn. Các cậu ấy cùng cơ quan với vợ Thu Bồn. Các cậu ấy bảo Thu Bồn mới về thăm vợ cách đây một tháng, nói chuyện thời sự…

22-6-1968, trạm 9, đường dây Giải phóng

Hoang mang và khó hiểu tột độ. Chả biết ngày mai mình sẽ đi đâu. Nghe nói phải lộn ra 5 trạm nữa. Mệt.

23-6-1968, trạm 10, đường dây Giải phóng

Quay ra. Lại quay ra 4 trạm nữa. Cực khổ. Không biết ngày hôm nay nên vui hay nên buồn. Hai hôm rồi, nghe người ta nhắc đến anh nhiều quá. Hôm qua vào trạm 7, trên đường gặp 3 cậu gùi mắm cái. Mình và anh Nhật, và Thọ, Oách, anh Ngũ đến nghỉ ở đó. Nói chuyện ba loăng quăng, hoá ra ba cậu đó biết anh. Các cậu bảo anh nghe tin mình vào nên từ Quảng Đà về 5 hôm rồi.Vào trạm 9, lại gặp một số anh biết Dương Hương Ly. Sáng nay đi ra, mình đi trước, có mấy cô gùi hàng đi với mấy cậu. Họ hỏi anh Sắc: Vợ BMQ đấy phải không? Dương Hương Ly phải không? Và họ đuổi kịp mình:

- Tôi cùng nhà với anh Quốc đây, anh ấy đi Quảng Đà gặp anh Phát nói chị đang vào, anh ấy về đợi chị 5 hôm rồi.

Và họ dặn mình ngồi đợi bên suối dọc đường. Anh ấy bảo: - Tôi vào gọi, anh ấy ra bây giờ. Mình, anh Nhật, anh Sắc, anh Hữu ngồi lại đợi. Ôi chao, không ngờ mình 2 lần đi qua cơ quan anh mà không biết. Cơ quan Anh chỉ cách đường mình đi 15 phút đường. Thế mà mình không ngờ được. Một lát, một ông già lông mày rậm và đen đi ra. Mình hỏi luôn:

- Anh Quang phải không?

- Đúng. Sao tài thế.

Thế là gặp anh Phan Huỳnh Điểu. Mừng quá. Anh Điểu bảo: anh mới đi Quảng Đà về đợi mình 5 hôm. Bây giờ anh đi “có việc”, ngày kia mới về. Khổ quá. Anh Điểu nói là cơ quan đang làm nhà. Anh em bảo dành cho Quốc một phòng ở đầu hè nhưng Quốc không chịu. Quốc bảo đợi từ nay đến cuối tháng vợ không vào thì nó lại đi công tác. Anh Điểu bảo Quốc không biết đường mà đi đón đâu. Mình gửi anh Điểu mang vào gần hết ba lô bọc trong chiếc túi ni lông xanh. Mình chỉ còn mang theo 2 bộ quần áo, võng, tăng, bi đông, hăng-gô và mấy thứ cần dùng hàng ngày. Đời mình vất vả quá. Mình biết rằng mình chẳng bao giờ gặp may mắn cả. Nhưng dù sao như vậy là anh cũng đã biết mình vào tới nơi rồi. Tạm yên tâm. Chỉ lo anh theo thư mình viết tìm đi đón mình rồi gặp nguy hiểm thì phiền. Nhưng mình đã dặn anh Điểu là đừng đi đón rồi mà. Tình hình trong này linh tinh quá. Trạm giao liên đưa bọn mình đi sai, phải quay ra 4 trạm nữa mới tới khu tập kết, đợi phân công công tác có khi hàng tuần lễ. Chắc phải lâu nữa mình mới gặp anh. Nhưng không sao, mình sẽ dùng số thì giờ rảnh để suy nghĩ và bắt đầu viết một cái gì đó. Trạm giao liên lờ không chịu phát gạo. Thế là phải ăn đói, ăn cháo để đi ra khu tập kết.

29-6-1968, trạm đón tiếp của Khu

Hai mái nhà dột nát. Nửa đêm mưa, 10 người bị ngã tất vì hai cây then ngang buộc võng do cột nhà gẫy. Lục đục chống mãi, lúc lên võng chưa dám nằm ngay vì sợ lại ngã. Nằm không dám cựa vì sợ cột gẫy. Chật như nêm. Chưa hôm nào phải ở chật như vậy. Võng mình chỉ cách võng anh Hữu hơn gang tay, chỉ cựa mình là chạm vào nhau rồi. Bọn chi 2 phải ở ngoài tăng. Trạm có ông Châu và một ông nữa làm nhiệm vụ coi kho gạo và đón người vào. Các ông chả có việc gì, chỉ đi câu cá suốt ngày. Đấy, nơi tập kết của mình là như vậy. Chỗ này cách trạm 14 một giờ đường. Bọn mình đến đây từ 8g sáng hôm qua. Không biết còn phải chờ đợi bao nhiêu ngày nữa? Xẩm tối hôm qua, sau khi ăn cơm, mưa đổ xuống như thác. Mình nằm võng nhẩm thơ Anh và nhẩm lại bài thơ mình làm cho Ly, mình òa khóc.

*
* *
Hôm ở trạm 13 gặp Trần Thế Dân, Y Văng, Huệ trên đường đi Kông Tum, Gia Lai quay phim về Tây Nguyên. Dân là bạn học cũ trường Chu Văn An của Anh. Cả 3 người cùng chỗ anh, và Huệ với Y Văng lại chính là mấy tay điện ảnh sơ tán ở Nhổn với mình hồi năm ngoái. Mấy tháng nay mới lại trở lại với những bạn bè nghề nghiệp. Bọn mình quý nhau ngay. Vì bọn họ có vẻ quý Anh lắm. Huệ thuộc bài “Cánh chim” và khen hay. Sổ thơ của Dân chép khá nhiều thơ anh, có cả “Đà Nẵng ơi mùa xuân”, “Em là đất liền của anh”… Mình chạy đi nấu cơm cho 3 người ăn. Lúc đong gạo, Y Văng nhắc: “Huệ ơi, nhớ không? ”. Huệ gật: “Nhớ”. Chả là bọn họ bàn nhau hôm nay bỏ ra một lon gạo cho mình ăn no một chút. Mình xúc động quá vì nó đúng cảnh chiến trường không tưởng được... Đói. Lúc nào cũng đói. Đi công tác như bọn mình cứ là 2 lon rưỡi một ngày (7 lạng). Y Văng trèo cây hái cho mình một bọc xoan rừng vàng thắm và chín mọng, bỏ vào mồm ăn ngọt lịm và có mùi thơm của xoài. Buổi tối, Dân nằm cạnh võng mình, hai đứa nói chuyện đến 10g đêm. Dân bảo mình không nên vào thì phải. Vào đây nhếch nhác lắm, cực lắm, con gái đừng có vào. Đi đồng bằng thì chết như chơi. Khi mình hỏi:

- Anh Văn Cận có nhà không?

Dân trả lời:

- Anh ấy hy sinh rồi. Hy sinh dạo Tết trong lúc duyệt tiết mục văn nghệ của Quảng Đà. Cả đoàn văn công Quảng Đà chết mất cả vì chúng nó thả bom “đứt gióng” - 9 người chết, trong đó có 3 nữ, 3 bị thương. Sau đó vợ anh Văn Cận được thư chồng báo tin vào, lên tìm thì anh ấy đã hy sinh.

Mình lặng đi vì sửng sốt. Anh Văn Cận, người đã đổi cho anh chiếc áo len dài tay lấy nửa lạng sâm, người đi cùng với anh, người đã đến nhà mình chơi và Anh rất quý anh Văn Cận. “Anh ấy tội lắm, anh ấy đi tập kết, chị ở lại Đà Nẵng 14 năm rồi, nhưng anh ấy rất tình cảm với vợ”. Thế mà bây giờ anh ấy vào, mới chỉ làm mấy bài hát ký tên Tân Nam mình đã nghe, trong đó có bài “Mẹ ơi con đã về”. Và anh đã ngã xuống. Khổ biết bao cho người vợ ngần ấy năm vò võ đợi chồng, lúc lên gặp chồng lại là lúc nhận tin chồng đã hy sinh. Bi kịch quá. Văn học nào tả nổi nỗi đau ghê gớm như vậy đây?

… Thế Dân chặc lưỡi:

- Cũng bình thường thôi. Cách mạng miền Nam, thế là thường. Xuống đồng bằng mà xem, mỗi người đều có mấy cái tang trên đầu. Quốc hôm nọ bị một mảnh ca-nông vạt đúng cái chóp nón, nếu không cũng chết rồi. Đi cõng gạo cũng có thể chết. Mình bị bom mất hết cả máy quay phim, ba lô nữa… Sổ bị xém đây này. Cách mạng miền Nam mà, Quý phải làm quen với tất cả đi…



Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Vào Nam - Phần 4


6-5-1968, 5g30 chiều

6g sáng hành quân, 1g30 chiều đến bãi trú quân thuộc trạm 4. Những khẩu hiệu và chiếc cổng chào quen thuộc của một trạm trú quân dọc đường lại hiện ra. Nhớ hôm đến trạm 2:

Ơn Đảng nặng, thù giặc sâu

Bắt dốc Năm Thang phải cúi đầu

Dốc Năm Thang cúi đầu rồi. Hôm nay bọn mình vượt một cái dốc 520 bậc nữa và vượt qua cầu sông Xê-pôn. Sông Xê-pôn nhỏ, nước xanh biếc như nước hồ Hoàn Kiếm. Hai hôm nay bọn mình đã đã tắm rửa trên dòng Xê-pôn của miền Trung Lào sau khi rời dòng suối ở cửa hang trạm 1 thuộc tỉnh Khăm Muộn.

Bây giờ bọn mình đóng giữa một rừng Lào tuyệt đẹp. Những chiếc tăng màu xanh vỏ đỗ mở hai cánh phẳng ra nối tiếp nhau liền cánh với nhau dưới những cây gỗ to và thẳng che kín bầu trời bằng những vòm lá xanh nõn màu lá mạ trong những ngày mùa xuân vừa thay áo mới cho nó. Vòm lá gặp nắng, chiếu ánh lên cái màu hoàng yến tinh khôi và trong suốt. Những cây cao mang cái nước da phấn hồng và vân đều đặn với những ô lục lăng bừng sáng lên. Thèm được đi bên anh trong những chiều ở rừng Lào đẹp như thế này. Không biết anh có đi đường này để ngắm cánh rừng này không. Từ hôm ngủ rừng, hôm nay là cánh rừng đẹp nhất. Cây to nhất. Cây nào cũng to tới một vòng tay người ôm. Cây nào cũng thẳng tắp và cao vút đến nỗi không nhìn thấy ngọn đâu cả mà chỉ thấy mờ mờ một vòm xanh nối tiếp với những vòm xanh khác che kín bầu trời. Mặc dưới chân ta có muỗi có vắt và có ruồi bâu đốt đau nhoi nhói nhưng cái ta hướng tới vẫn là vẻ đẹp của rừng. Và để tận hưởng vẻ đẹp ấy mình đã kiên quyết mắc tăng ngủ. Đêm qua trăng lọc qua vòm lá xuyên xuống rừng một thứ ánh sáng mờ mờ mỏng manh. Mình nằm dài trên võng nghe đài. Các đảng viên trong đoàn tập trung họp. Chỉ có vấn đề không bấm đèn pin tối, không đốt lửa đun nấu ngoài giờ qui định và thực hiện mệnh lệnh hành quân mà đảng viên tranh luận suốt. Đảng viên thiếu gương mẫu, cán bộ chi ỷ lại cho trưởng đoàn Lưu Quang Vinh mà thiếu trách nhiệm chung. Bây giờ Đảng phải lãnh đạo thế nào? Vấn đề nhỏ nhưng là vấn đề sống còn của đoàn. Phải làm sao bảo vệ cho được 108 con người của 5 chi vào đến nơi đến chốn. Họp và gay gắt tranh luận. Mình vừa nghe đài vừa để ý nghe cuộc họp. Buồn. Bao giờ mình mới trở thành đảng viên?

Hôm qua anh Bái chi trưởng chi 2 bảo: - Tôi có nói với anh Thăng đấy, Quý rất tốt, tại sao “muộn” thế? Có lẽ tại đi nhiều à? Nhiều gì, cái chính là hẹp hòi thôi…

8-5-1968, trạm 10, Lào

Một năm Anh của ta gia nhập Đảng. Một tháng chẵn Ly của ta xa mẹ. Ly ơi. Đêm qua mẹ nhớ Ly vô hạn. Ở nhà ai cắt móng tay cho con? Ai ngoáy tai cho con? Không ai lo tỉ mỉ cho con gái mẹ bằng mẹ đâu. Trời ơi. Đêm qua mẹ suy nghĩ lại tất cả, và Ly ạ, lần đầu tiên, lần đầu tiên trong chuyến đi này mẹ hối hận. Mẹ nghĩ biết thế ráng chịu đựng mà ở lại với con… Mẹ đã có 7 năm kinh nghiệm ở báo PN (Báo Phụ nữ Việt Nam - BT) rồi. Ừ, có thể như vậy, nhưng con ạ, mẹ sẽ bỏ lỡ một thời cơ hiếm có là được đi vào chiến trường, được tham gia và chứng kiến một sự kiện lịch sử cực kỳ vĩ đại mà mẹ và bố hằng ước mơ. Rồi đây, nếu như mẹ làm được việc, mẹ có một vài cuốn sách tốt chẳng hạn, thì ngày trở ra với con, với Hà Nội, với miền Bắc yêu thương của mẹ không phải là khó. Ly ơi, mẹ hứa với con nhé, mẹ sẽ làm việc không mệt mỏi để chóng được về với con. Dù thế nào mẹ cũng không bỏ viết đâu vì mẹ đã phải hy sinh những ngày hạnh phúc bên con vì nghệ thuật, điều đó chính là sức mạnh phi thường của mẹ, cổ vũ mẹ mạnh mẽ đi lên.

Anh thương yêu của em. Hôm nay chắc anh nhớ và nghĩ về em và Ly nhiều. Từ một khu rừng Lào thuộc tỉnh Khăm Muộn, em thân yêu chúc mừng anh một tuổi Đảng. Em ngồi một mình, suy nghĩ một mình và cùng kỷ niệm ngày ghi nhớ này với Anh. Con chúng ta còn một ngày nữa là 17 tháng rồi anh nhỉ. Ngày hôm nay anh ở đâu? Còn em, em đang qua những ngày mệt mỏi ghê gớm của cuộc hành quân. Em bị hành kinh từ sáng sớm hôm qua, mà hôm qua là một trong những ngày hành quân dài nhất. 7g sáng đi, 5g chiều mới tới trạm 5. Em phải leo một cái núi cao 820m và lão giao liên rất tệ đã bắt đi hai thôi liền, mỗi thôi 2 giờ mà không cho nghỉ giải lao. Chi em đi cuối, em phải vượt lên đi đầu với chi 5 mà cuối cùng cứ tụt lại dần, không thể nào đi nhanh được nữa.

9-5-1968

Chiều nay Diệp Minh Tuyền bảo:

- Này, cái cây này có chữ Quốc đấy. Tên ba thằng: Khâm - Hồng - Quốc.

Mình đang ăn cơm, chạy lại, chữ quốc lại không viết hoa. Chắc không phải anh, mặc dù mình biết chắc chắn là anh có qua khu rừng này. Đây là trạm giao điểm, bất cứ ai đi đường nào cũng phải qua đây. Ông Liên trạm trưởng bảo có đoàn anh Văn Cận qua đây năm ngoái, nhưng chả ai nhớ Anh của mình. Để tới đây, mình và Anh đã đi bằng hai con đường hoàn toàn khác nhau, nhưng ở khu rừng này, anh đã qua, mình biết chắc như thế và bỗng thấy gắn bó với nơi đây biết bao.

10-5-1968, 11g30 trưa, trạm 11, Lào

… Võng của mình mắc dưới một gốc cây to và ở một khu biệt lập chỉ gần anh Mão và anh Ngũ thôi. Hôm nay trời nắng gay gắt nhưng ở dưới bóng râm trong rừng nên không thấy nóng lắm. Đêm qua mình nằm ngắm trăng mãi. Trăng đêm qua là trăng 14 thì phải. Khoảng 7g tối cả khu rừng bỗng sáng bừng lên như có ai bật điện. Ấy là mặt trăng nhô lên. Trăng lách qua lá rừng rắc ánh vàng trong suốt xuống những đám lá khô màu nâu nhạt và xuống mái tăng. Mình nằm gối tay trên võng và lặng lẽ nhớ Ly. Một ngôi sao long lanh ở một lỗ hổng hình bầu dục, kẽ hở của mấy vòm lá rọi vào mắt mình, tưởng như đôi mắt tròn và sáng của Ly đang nhìn mẹ cái đêm hai mẹ con chia tay. Ly ơi, mẹ nghĩ mãi về những ngôi sao đó. Chấm vàng nhỏ phản chiếu ông trăng soi vào mắt con đêm ấy giống hệt ngôi sao hôm qua. Từ nay, mỗi lần thấy ngôi sao, mẹ lại hình dung rõ rệt đó là chấm trăng nhỏ từ mắt con đang nhìn mẹ, và Ly ơi, trăm nghìn ngôi sao chính là trăm nghìn ánh mắt con đang soi sáng trên đường hành quân của mẹ. Mẹ ở trong rừng chả mấy khi thấy sao nhiều, sao càng ít, càng nhớ đôi mắt con nhiều hơn. Kìa, mắt con đang xuyên cành cây, soi thẳng xuống mắt mẹ. Cảm ơn Ly. Mẹ sẽ đi trong ánh mắt nhìn của con.

Đêm qua máy bay chúng nó dong đèn đi suốt, những chấm vàng lao vun vút, qua các kẽ lá mình trông thấy chúng nó, nom như những con đom đóm chạy vội vàng. Chẳng sao, chúng nó không thể làm giảm được vẻ đẹp của rừng trong đêm trăng.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Vào Nam - Phần 3


30-4-1968, trạm 21, Trường Sơn, 6g15 chiều





8g30 sáng nay mình khởi hành từ trạm 20. Một chặng đường ngắn nhất từ hôm đi. Cả thảy 7km (hôm qua đi 25km). Nghỉ giải lao có một lần, lại không dốc lắm. 11g20 đến nơi. Hôm nay được ở với chi ngoài rừng vì nhà có bộ đội và mấy ông cán bộ ở. Trạm mới chuyển về đây nên rừng còn lơm nhơm lắm. Không quang đãng và bằng phẳng như trạm 20. Bắt đầu mang tính chất khô khan của Lào từ trạm 20. Suối ở 20 rất nhỏ, nước chảy chậm và nông, đến đây không còn suối nữa, chỉ có một ống nứa nhỏ phun nước ra. Mỗi người mang hăng-gô hứng một ít rồi rửa chân tay. Mình bị mất mũ ở trạm 19, đến đây xin được cái mũ quân giải phóng. Lên Ban chỉ huy trạm, gặp 3 lính đào ngũ. Anh Bái lăn vào giải thích, 3 lão bảo : - Chúng em nghĩ kỹ rồi, chỉ vì chúng em yếu sức khỏe nên chúng em không vào Nam được, chúng em ra Bắc, vẫn ở bộ đội ngoài Bắc thôi, chứ chúng em về nhà thế nào được. Một lão tâm sự những chuyện bất bình với cán bộ. Cả ba là đảng viên, trong đó có một lão là thượng sĩ. Cuộc sống đúng là một sự sàng lọc ghê gớm. Chặng nào cũng thấy lính đào ngũ. Họ sợ chết, sợ gian khổ, nhưng họ không nghĩ rằng khi rời bỏ hàng ngũ tức là họ đã đi vào chỗ chết.

Con số chết của đoàn bộ đội đi trước mình hôm qua lên tới 5. Bị thương 9. Ghê gớm thật.
Đây là trạm cuối của chiến trường A. Lại lĩnh thêm mì, thịt hộp, gạo, lạc… Chiều, cả chi làm một bữa mì nấu thịt hộp, ăn tưởng như phở Hàng Buồm, lại có lạc rang và chè tàu nữa, sang thật. Ngày mai sẽ đến đất Lào. Trạm này, Anh của mình cũng đã đến. Từ mai, sẽ gặp nhiều lưu niệm của Anh. Từ mai em sẽ đi những chặng đường Anh đã đi đấy. Thôi chào miền Bắc thân thương. Chào Ly yêu dấu và nhiều hy sinh của mẹ. Hãy tha thứ cho mẹ con nhé. Mẹ sẽ đem Hạnh phúc tới cho con.

2-5-1968, 9g tối, hang đá, Trường Sơn, đất nước Lào

Mình tới trạm 1 của đất nước Lào từ 3g30 chiều hôm qua. Thế là mình không còn ở Việt Nam nữa. Nhớ ngày nào mình thèm được đi Lào như Anh. Bây giờ thì mình đã thực hiện được mơ ước đó. Kể từ trạm 21A bọn mình bắt đầu đi sang đất Lào. Đêm 30 rạng ngày 1-5 ngủ tăng. 3g sáng đã phải mò dậy gấp tăng, gấp võng trong bóng tối. Máy bay lượn và thả pháo sáng suốt. Địch mặt đất cũng gần nên chẳng thể bấm đèn pin được. Hễ ai loè một ánh đèn lên là bị la ó ầm ĩ. Thế mà rồi cũng xong, cứ lần tới đầu dây mà giật nút, rồi vo viên lại nhét vào ba lô. 4g15 bắt đầu đi. Chi mình đi đầu, đằng sau la hét vì không thể nào đi nổi, trời tối quá, may sao, đơn vị bộ đội đi trước vì chưa gặp giao liên nên họ xuất quân muộn. Bọn mình chờ họ đi nên 6g30 mới lại tiếp tục. Bắt đầu sang đất Lào sau 9 trạm đi bộ, kể cả trạm 21 tới trạm 1 thì vừa đúng 10 trạm, gần 200km rồi. Đất Lào cũng dọc dải Trường Sơn, nhưng khô bỏng. Đường xuyên rừng vạch thành một vệt trắng, rắn đanh lại như chưa bao giờ có một giọt nước. Lá rụng vụn nát nằm bẹp gí trên đường vì biết bao bàn chân đạp lên lúc hành quân. Trời nắng nhạt. Những tiếng ve kêu đã thay cho tiếng suối róc rách của Việt Nam mình. Ve như hét lên những điều sầu muộn, như tiếng rên của rừng bạt ngàn. Tiếng ve và ánh nắng gây một không khí oi bức ngột ngạt và gợi dậy trong lòng mình mùa hè.

3-5-1968

Mùa hè năm ngoái, chính vào những ngày này đây, Anh chuẩn bị lên đường và mình thì tái người vì nỗi nhớ. Năm ngoái, có lúc nằm bên anh mình bảo : bằng giờ sang năm thì em ở đâu, có gì ? Lúc ấy cả em và anh không ai hình dung nổi sau đúng một năm thôi, em lại đi trên quãng đường mà anh đã đi. Đường em đi năm nay dài hơn anh và gian khổ hơn anh nhiều. Những hố bom B52 và những khoảng rừng cháy trụi hiện ra. Máy bay rít dữ dội trên đầu đúng vào lúc đoàn mình đi qua những khoảng đất B52 tàn phá. Hơi sởn gai ốc nhưng cứ nghĩ rằng xung quanh mình có cả một tập thể lớn thì mình chả biết sợ là gì nữa... Bọn mình qua những chỗ giấu ô tô và những kho tàng cao ngất trong hang đá. Miền Trung Lào hiện ra với những cánh hoa rụng đầy lối đi. Hoa cánh trắng, 4 cánh xòe ra và một chút nhụy hồng cao vổng lên. Đồng chí giao liên nhặt bông hoa lên nâng niu trên tay và thỉnh thoảng lại bỏ mũ giải phóng mà ngước mắt nhìn cánh rừng, và sau bất chợt nói :

- Hoa trứng gà, mùi hoa trứng gà thơm quá mà không biết nó ở đâu. Chị có biết hoa trứng gà không ? Nó tròn như quả trứng gà và cũng trắng như trứng gà ấy.

Rồi vừa lững thững đi, cậu ta vừa ngâm ngợi :

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Ơi Trường Sơn vời vợi nghìn trùng…

- Đồng chí thuộc bài ấy à ? Đồng chí Phan ?

- Thuộc một ít câu thôi.

- Đồng chí học hết lớp mấy rồi đi bộ đội ?

- Hết 7. Quê tôi ở Bắc Kạn.

Mình phải cố gắng lắm mới không bật ra một tiếng reo : bài thơ ấy của BMQ (Bùi Minh Quốc - BT), chồng tôi đấy.

Thì ra tất cả những điều anh kể trong thư viết cho mình là sự thật 100%. Hai chuyến đi của mình và của Anh cách nhau một năm rồi (chỉ chuyến vào Nam trước đó của Bùi Minh Quốc - BT) mà cái sự thật ấy vẫn diễn ra giống hệt như nhau.

3g chiều thì đoàn mình đến trạm. Ông trạm trưởng đội chiếc mũ lưỡi trai đen, triệu tập ngay ban chỉ huy đoàn họp tại chiếc bàn nứa ngay giữa rừng. Rồi trưởng đoàn Lưu Quang Vinh phổ biến lại :

- Đây gần Khe Sanh, do đó B52 chúng nó hoạt động rất dữ, lại ở nước bạn, một số dân không phân biệt được bạn thù, các đồng chí phải cẩn thận.

Ông ấy dọa thế thôi, chứ theo bản đồ, bọn mình mới chỉ tới ngang tầm Vĩnh Linh. Ông ta bảo anh Ngọc Nhu và anh Lê Đình Dư có tới đây. Anh Ngọc Nhu hy sinh lúc 3g15 chiều còn anh Dư thì hy sinh buổi sáng. Ông ta còn nói là Hữu Thọ đang đi Khe Sanh, 10-5 thì ra tới đây. Mình không tin lắm vì lúc mình đi thì Hữu Thọ đang ở Hà Nội cơ mà.

… Bây giờ là 2g15 chiều, các đồng chí đang cắt tóc cho nhau và chuẩn bị cơm nước. Thật bận về cơm nước vô cùng.Chiều qua trạm mổ một con trâu chia cho mỗi người 1 lạng. Mình phải làm thịt trâu cả chiều nhưng không muốn ăn. Thịt trâu xào mỡ, gân lọc ra nấu với rau cải khô. Rau cắt từng bánh như bánh thuốc lào nhưng rất xanh, khi nấu lên vẫn xanh như cốm. Cả đoàn được 2kg5 rau khô. Mỗi chi ăn một bữa rất tuyệt. Càng thấy xúc động, chúng ta dốc ra chiến trường ghê quá.

Sáng nay ngồi ngắm những đàn chim én lông đen mỏ vàng bay từ trong hang ra sao mà thích thế. Chim ríu rít gọi nhau từng đàn rồi lặng lẽ vào hang khiến cho hang mình sinh động hẳn lên. Giá có Ly ở đây, mẹ sẽ chỉ :

- Này, Ly ơi, chim kìa !

Nhớ Ly quá đỗi. Bất cứ lúc nào nhắc tới Ly là mình lại chảy nước mắt.




Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường": Vào Nam - Phần 2

Chủ nhật 21-4-1968, Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Suốt cả ngày hôm qua, bọn mình đi trong mưa. Mưa tầm tã, cả đoàn 108 người đã bỏ lại trạm 13 đồng chí. Cái Tý bị sụt hố bong gân từ lúc mới xuống ô tô, anh em đeo cho cả, ba lô san ra, Tý chống gậy đi không với một bi đông nước. Nhưng chỉ cố được đến trạm 13. Cái Đê bị liệt cả ngực cả vai, 11g đêm cấp cứu, thế là ở lại. Và một cậu nữa ở chi 4 mệt. Thế là nữ chỉ còn mình và 8 đứa nữa. Trông đoàn quân đi như một sợi dây dài màu xám mà những chiếc ba lô to là những chiếc móc xích nối vào nhau. Tất cả đều khoác ni lông xám đội mũ áo mưa xám và chậm chạp bước. Đầu cúi về đằng trước, lưng gập về đằng trước và cái lưng cong lên. Nom ai cũng giống con lạc đà. Riêng mình thì giống hơn cả, anh em bảo thế, vì mình bé nhỏ quá, chiếc ba lô che lấp mất cả người. Anh em bảo : bà Quý đi chân nọ đá chân kia, chân cứ run lẩy bẩy. Chẳng qua là bà cố gắng bằng tinh thần thôi, chứ chân bà không thể chịu nổi sức nặng của chiếc ba lô trút xuống. Tại sao bà hay ngã nhất ? Đấy là do bà không chịu nổi mà bà cố gắng… Anh em đều quan tâm đến mình, khi mình trượt chân hai ba anh kéo lên (...)

… Mình vẫn còn đi nhanh và đi khỏe hơn nhiều anh em khác. Lại vui vẻ, luôn luôn vui vẻ, ca hát và tươi cười. Thực sự mình sung sướng tới mức khó hiểu. Được sống giữa tình thương của anh em, được khám phá ra một “thế giới” hoàn toàn mới lạ, lòng mình luôn luôn sảng khoái. Dĩ nhiên là mình mệt nhoài… Lắm lúc lên dốc, tất cả như nín thở. Không một tiếng nói, một tiếng cười, chỉ có những chiếc dép miết xuống bùn nhớp nháp. Anh Hữu đi sau mình, đột nhiên bảo :

- Làm sao mà cứ cúi mãi lưng xuống thế ?

Một lát anh ấy lại nói :

- Quý phải rút dép lại đi, dép rộng quá, chân cứ trật ra ngoài.

Có lúc cùng đi, anh ấy bảo :

- Bây giờ phải tập đi nhé, đi dài bước, đi cho thật vững. Đừng bước ngắn, bước ngắn hay phải chạy, chạy một lúc là liệt người mà luôn luôn phải vội.

26-4-1968, Trường Sơn, trạm 18, Quảng Bình.

Anh Sắc, người Hải Dương, bảo Oách cũng người Hải Dương

- Cậu có gặp đồng hương Hải Dương cậu nhớ nhắc chúng nó đừng có đào ngũ, xấu mặt quê hương.

Oách trả lời :

- Có, em có bảo chúng nó rồi. Em nói gợi ý khéo : “Cố mà đi. Có về bây giờ cũng chả biết đường về đâu…”.

Anh Sắc :

- Có hai cậu người Ninh Giang vừa đào ngũ đấy, về được 2 trạm thì bắt lại được.

Mình rất thương họ. Họ rất trẻ, tính xốc nổi của tuổi trẻ có lúc dìm họ xuống. Hố bom và tiếng gầm rít của phản lực Mỹ khiến họ run sợ. Từ trạm 16 trở đi, tình hình căng một cách ghê gớm. Tuyệt đối không được bật đèn pin và thắp đèn dầu, nhân dân cũng thế. Máy bay Mỹ hoạt động suốt đêm, thường là nó bay rất thấp như muốn lao xuống đè bẹp người ta. Nửa đêm ở trạm 17, mình thấy sáng bừng cả lán, mình bảo : - Ô cái gì sáng quá.

- Pháo sáng đấy - các anh nằm bên nhắc.

Có tập thể, người ta thấy bạo dạn hẳn lên. Tối nay mưa và mù, được thắp đèn tự do, sướng quá. Ông Thăng, ông Chức tìm lên trạm để ngủ giường. Bọn mình ăn một bữa cơm chớp nhoáng. Cơm gói từ sáng chấm với mắm kem. Xong mình đi dóm bếp cho Kiều nấu cơm. Bếp đặt dưới một tảng đá nghiêng để tránh mưa. Trạm cho mỗi chi 2 thanh củi to. Lấy dao găm chẻ ra. Mình phải đốt cả một cuốn “Hoà Vang” của Nguyễn Khải mới dóm được bếp vì củi tươi quá.

29-4-1968, 6g45 tối, Trường Sơn, trạm 20

Mưa lâm thâm, mình nằm trong một cái lán giữa rừng và viết nhật ký dưới ánh đèn pin đây. Hôm nay mình đã qua một chặng đường ghê gớm nhất trong chiến trường A. “Ai qua được chặng này mới là sinh viên trường đại học thực tế”, đồng chí Nờ trưởng trạm nói thế. Mình hình dung nó ghê gớm lắm vì qua cả “Cổng trời”. Quả thực nó khác hẳn những chặng đường khác. 9 giờ liền từ 8g sáng đến 5g chiều đoàn mình đi liên tục. Những dốc đá tai mèo lởm chởm hiện ra. Dốc đứng, hoàn toàn đạp trên đá. Trông lên và trông xuống đoàn 108 người chúng mình như một sợi dây kéo thẳng xuống một vệt sẫm. Đá nhọn hoắt, nhớp nháp những vết chân tha đất sét bao bọc. Mình đeo ba lô và bò lên dốc. Tay vịn những thân cây cụt và những mẩu đá nhọn nhẵn thín vì bao nhiêu bàn tay vịn nó. Có những khúc cây bóng lên. Khi lên còn vịn được, nhưng khi xuống sao mà căng thẳng đầu óc. Theo những mỏm đá tai mèo, mình bước ngang chân, đi dần xuống vực sâu. Chỉ cần trượt một tí là ngã ngay, là gãy chân ngay, và thế là không đi nữa. Mình thận trọng từng bước, cố gắng từng bước, có những lúc mắt mờ đi vì mây trắng và vực sâu. Qua dốc Nguyễn Văn Trỗi, dốc Nguyễn Văn Bé, dốc Nguyễn Thị Định và dốc Nguyễn Chí Thanh, 4 cái dốc lớn chọc trời, mình đã không bị ngã một cái nào. Anh Hữu bảo :

- Chị Quý hôm nay cố gắng lắm đấy, không ngã cái nào, giỏi đấy. Hôm nay khá lắm rồi, chân vững gấp rưỡi hôm đầu rồi.

Hôm nay các chi đều ngã oanh oách cả. Riêng mình thấy khỏe lắm, không mệt mỏi gì. Ăn rất khỏe. Chiếc ba lô không còn đè nặng lên vai mình nữa. Chỉ có một nỗi khổ là nhớ Ly. Thèm hôn lên má con và nói chuyện với con quá. Mình thì thầm hát bài Ru con và mình bật khóc. Ly ơi, chắc hôm nay Ly đã quên mẹ rồi. Mẹ chưa gặp bố Ly nhưng chắc bố Ly sẽ trách mẹ. Anh ơi, anh sẽ trách, sẽ mắng em vì em bỏ Ly mà đi, nhưng em không ân hận về chuyến đi này. Càng đi em càng thấy em quyết định đi là đúng. Mong sao chóng gặp anh để nói chuyện với anh. Chỉ có anh mới thương em nhất và hiểu em nhất thôi, anh ơi. Anh bây giờ ở đâu ? Có khỏe không ? Ly biết làm gì rồi ? Ly có khỏe không ? Trời ơi, chưa bao giờ mình phải chịu đựng ghê gớm như thế này. Càng nghĩ, càng thấy muốn lao vào làm việc để quên đi tất cả, để bù đắp cho Ly và cho Anh. Phải tranh thủ sống và viết. Mình lan man nghĩ và nhắc Ly với anh em trong đoàn thì trông thấy một chữ Ly khắc trên thân một cây to giữa đường mình đi. Cảm động quá, lòng mình run lên. Nhưng phải tự hạ lệnh cho mình quên đi thôi.

Ngày hôm nay mình đã qua một chặng đường nguy hiểm. Vừa đi được 15 phút thì máy bay đến, chặng đường mình đi bị chúng thả bom bi. Bom bi vào đúng trạm trú quân mình vừa ra khỏi và bom bi đánh vào đội hình đoàn bộ đội đi trước mình. Máu chảy đỏ lòm đường đi, những chiếc cáng đè lên vai anh em bộ đội. Nhìn vào cáng, thấy anh em máu đẫm chân tay, kinh quá. Một đồng chí đại đội phó hy sinh, cáng đi ngay rồi. Một đồng chí trung đội phó bị thương nặng có thể hôm nay hy sinh và 6 đồng chí khác bị thương. Ôi, cái chết đến sao đột ngột và dễ dàng thế. Bọn mình vẫn đi một cách thản nhiên mà chẳng lo lắng gì cả. Thật kỳ lạ. Nếu đoàn mình hôm nay đi chậm một chút, hoặc nhanh một chút thì thương vong nhiều lắm. Sao may mắn lạ lùng. “Máu thắm đường ta đi đẫm mồ hôi rơi…”, thật đúng. Hoàn toàn lúc đó chả ai lo sợ gì cho bước đường mình đi cả. Tất nhiên vẫn có những kẻ chạy trốn. Sáng nay đơn vị bộ đội đi trước mình cũng có một cậu người Hải Dương đào ngũ. 3g30 sáng cậu ta còn lấy phần cơm. Rồi cậu ta bỏ ba lô lại và đi. Đơn vị tìm mãi, loay hoay mãi, sau phải cử 7 đồng chí ở lại tìm nên mới chậm xuất phát và mới xảy ra thương vong. Nếu đơn vị ấy không có kẻ chạy trốn thì thương vong sẽ đến với đoàn của trường 105 mình.

Lác đác đơn vị nào cũng có người đào ngũ. Số anh em ngã gãy chân cũng có. Thỉnh thoảng bọn mình lại thấy một cái cáng, trong đó thường là một khuôn mặt trẻ măng bị gãy chân vì ngã.

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường": Vào Nam - Phần 1


12-4-1968, Lạc Sơn, Hòa Bình, 10g30 sáng

4g chiều ngày hôm qua, 11-4-68, ô tô chuyển bánh rời trường 105. Thế là cuộc hành quân vĩ đại của mình thực sự bắt đầu, sau những ngày chuẩn bị ráo riết. Nếu không thực sự khoác ba lô thì mình không thể thấm thía một cách sâu sắc những trang bị đầy đủ của Đảng đối với từng người, mà những người như mình thì có là cái gì đâu. Một hạt cát, một gịot nước… Nhưng tất cả đều được chuẩn bị chu đáo hơn cả những người vợ chuẩn bị cho chồng và những người mẹ chuẩn bị cho con. Mình đeo một chiếc ba lô cóc to hơn người. Trong ba lô là đủ thứ đồ dùng cần thiết: quần, áo, khăn rằn, hăng-gô, đường sữa, kẹo, chè, mì chính, ruốc, mắm, muối, thuốc (1kg đủ loại thuốc), phao bơi, vải mưa, tăng vi-ni-lông, võng dù, màn… Tóm lại, từ trong ba lô ấy mình có thể dựng nhà ở và nấu ăn trong lúc đi đường. Đúng là cuộc đời dã chiến, cái cuộc đời mà mình từng ao ước từ trước tới nay. Mình mặc quần bộ đội và áo sơ mi pô-pơ-lin màu cỏ úa. Chiếc áo bộ đội cho Tú rồi. Tú nó thích mà mình thì mặc cái áo ấy có vẻ già hơn mặc sơ mi. Mình làm quen với đôi dép cao su từ một tháng nay. Bây giờ chính thức mang nó lên đường. Lần đầu tiên trong đời, mình có một đôi dép vừa vặn như thế. Tất cả những trang bị cho cuộc đời “xê dịch” đó gây cho mình một cảm giác thú vị. Mình cảm thấy cuộc đời mình đang mở ra một giai đoạn mới. Vì vậy, giây phút lên đường chính là giây phút mình phấn khởi nhất.

14-4-1968, Như Xuân, Thanh Hóa, 3g chiều

Bằng giờ tuần trước mẹ đang tắm cho Ly đấy Ly ơi. Hôm nay là chủ nhật, mẹ và bố chẳng về với Ly được. Ly sẽ phải chịu nhiều chủ nhật vắng mẹ, vắng bố như thế nữa. Nhưng Ly ạ, mẹ tin rằng Ly sẽ khỏe mạnh và sẽ lớn lên như nghị lực của mẹ, sức khỏe và ý chí của mẹ.

Chiều nay mẹ ở nhà sàn, giữa một vùng đồi núi trùng điệp của Thanh Hóa. Bây giờ mẹ lại sắp đi tiếp con ạ. Càng ngày mẹ càng xa con thân yêu. Đêm nay chắc trăng sáng lắm, con có chơi trăng không? Đêm qua mẹ đã đi giữa một biển trăng đẹp. Trăng tỏa bức màn mỏng xuống đường mẹ đi. Ánh trăng không chói lọi như những đêm trăng hè mà trăng đêm qua mỏng manh, dịu lặng như lòng mẹ nhớ mong con. Ông trăng tròn xoe cứ chạy theo mà nhòm vào mắt mẹ. Nhìn trăng, mẹ nhớ Ly biết bao! Xe của mẹ phải dừng lại 2 lần và mẹ phải đi bộ một quãng vì đường lầy và xóc ghê gớm. Mẹ ngồi sau cùng, có lúc bánh xe sụt xuống, mặt mẹ gần sát xuống mặt đường. Nhiều đoạn xe nghiêng đi lắc la lắc lư. Nhưng mẹ vẫn vững vàng… Người ta dọa mẹ:

- Rồi đến lúc đi bộ sẽ thấy nhau.

19-4-1968, xã Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh, 9g45 sáng

Tới trạm 13 từ 1g30 đêm hôm qua. Mình đã vượt được một thử thách đầu tiên để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 27 của mình. Hôm nay ở trong ấy chắc Anh cũng nhớ và nghĩ về em. Anh đã biết tin em vào với Anh chưa? Có thể không cùng công tác với Anh nhưng cũng chung một chiến trường, và như thế là đến gần với anh rồi phải không? Thế là 3 lần sinh nhật rồi em có Anh mà vẫn chẳng có Anh. Bao giờ ở bên anh để được anh tổ chức một ngày kỷ niệm nho nhỏ cho em nhỉ?

Anh mà không nhớ 19-4 thì khi gặp em sẽ phạt đấy. Bây giờ em không nhượng bộ anh như trước nữa đâu. Em sẽ thi hành kỷ luật hẳn hoi.

5g30 chiều qua bắt đầu xuất phát. Chiếc ba lô của mình có cả 2kg5 gạo, thịt kho và đủ thứ trên đời trút xuống đôi chân nhỏ quá khổ của mình. Tất cả khoảng 32 đến 35kg. Hành quân trên một đoạn đường 18km nhưng vì nhầm nên phải đi tới 19km. Đi được 1 giờ ven một vùng đồi trọc, xuyên giữa bãi sim và thanh hao thì trời tối sập xuống. Sim đang phơi những chùm nụ trắng tròn, mọng căng, lác đác một vài bông hoa đã nở khoe màu tím chung thủy và thương nhớ. Khi bóng tối trùm xuống thì mặt đường chìm đi. Đồng chí giao liên không cho bật đèn pin. Bật đèn pin là phạm kỷ luật chiến trường. Thế là mình phải đi mò. Bước thấp bước cao, ngã 3 cái, anh Hữu, anh Nhật xách hai tay mà không sao đứng dậy được, phải một người nữa xốc ba lô lên. Lại trẹo chân. Chân cứ nghiêng bàn đi đau nhói. Đôi chân của mình nhỏ bé quá, nó lại không đủ sức đương đầu với sức nặng của chiếc ba lô đè xuống, nhưng nó cố gượng dấn bước và dần dần nó vượt lên được, mặc dù nó đau buốt tận xương. Đôi chân của mình nó cũng y như cuộc đời của mình vậy. Có nhẽ mình sẽ viết một truyện ngắn đồng thoại về đôi chân này, hoặc làm sao đưa mày vào sáng tác của tao “chân” ạ. Anh Hữu bảo: - Đầu tiên là tôi lo cho đôi chân của chị lắm đấy. Tôi bảo bà này rồi bất trị. Nhưng sau tôi thấy bà mang 7 - 8 viên gạch gọn gàng tôi mới yên tâm. Buồn cười, trông bà đi khuệnh khoạng đôi chân, vai đeo nặng cứ y như lạc đà. Chắc ngày xưa mẹ chị bắt chị đi sớm quá phải không? Chưa biết đi đã tập đi rồi, mẹ chị không kể lại à?

Đúng anh ạ, đôi chân tôi có lẽ phải đứng lên, phải đi, phải chạy non quá. Người ta bảo cái dáng đi của tôi vất vả. Ừ, vất vả, nhưng nó sẽ không chịu đầu hàng đâu. Nó run, nó vấp, nó trẹo xuống, nhưng nó không thể bong gân và cũng không thể gẫy xương được.

Thế rồi trong tiếng bom, tiếng máy bay của giặc Mỹ, bọn mình vẫn đi. Đi. Đi… Bộ đội mũ giải phóng, ba lô con cóc nhan nhản. Mình nhẩm “Đường ra mặt trận” của Anh (tức của nhà thơ Bùi Minh Quốc - BT) thấy đúng quá.

… Chúng ta đi rầm rập triệu bàn chân
Cả đất nước cùng ta nhịp bước
Mắt dõi hướng miền Nam
Ôi miền Nam thịt xương ta đang giục

Chúng nó hoạt động vùng trời này dai như đỉa đói. Máy bay rẹt thấp, bom và pháo sáng liên tục. 12g đêm tới chỗ ông trạm trưởng 13. Ông ta đứng ra giọng nghiêm trang:

- Báo cáo các đồng chí, chúng tôi nhận được điện ở trạm 12 báo các đồng chí sẽ đến từ 9g đến 11g đêm. Các đồng chí giao liên đợi đón về cả rồi. Bây giờ các đồng chí chịu khó quay lại 800m, còn tôi sẽ báo cáo tình hình địch vùng này. Tháng 12-1967 ta bắt được 1 thằng phi công, bản đồ của nó gạch chéo vùng này. Nó nói là điểm 2 (điểm 1 là trục giao thông). Từ 1968 nó đã đánh nhiều trận cách đây từ 150m đến 2km. Ngày 16-4-68 vừa rồi nó mới đánh cách đây 150m.

Nghe đồng chí ấy nói sao mà rùng rợn. Vậy mà nhân dân ở đây vẫn bình tĩnh như không. Bác chủ nhà thắp đèn trong chiếc ống tre che ánh sáng. Chỉ đủ ánh sáng hắt vào trong nhà. Máy bay rạt qua chả ai thèm chạy.

Bọn mình quay lại 800m, chân buốt nhoi nhói, mỏi rã rời. Đêm hành quân đầu tiên bị mưa, mình phải lấy mũ và áo mưa ra choàng. Đi sau anh Hữu, mỗi lần nghỉ anh Hữu lại đặt ba lô xuống và khoác ba lô lên cho mình. Đó là điều duy nhất mình phải phiền đến các anh.

… Hôm nay tới trạm 13, tất cả đều xôn xao để vứt đồ. Anh Nhật nộp lại toàn bộ đồ mổ và thuốc thang. Anh Chức trả dao găm, vỏ bi đông. Anh Thăng, anh Chức cho pin đèn, anh Sắc vứt phao bơi… Các anh ấy vứt không thương tiếc những thứ quý giá và hiếm hoi. Mình tiếc đứt ruột. Mặc, mình vẫn lặng lẽ và bình tĩnh để nguyên ba lô. Có thể đến một lúc nào đó mình không chịu được cũng sẽ vứt thôi, nhưng bây giờ thì chưa đâu.

… Chiều nay lại nhận thêm gạo và thực phẩm. Đường đi rất gay go. Bọn phỉ chôn mìn dưới đất làm mấy người bị thương trong đoàn đi bộ hôm trước. 8g tối qua chúng nó bắn pháo hiệu cho nhau. Máy bay thì vẫn cứ lồng lộn tìm kiếm. Chẳng đáng sợ gì nữa.

(Còn tiếp)

Tiêu đề trong cuốn nhật ký được trích đăng là của Tòa soạn đặt. Các chú thích: BMQ (là của nhà thơ Bùi Minh Quốc), BT (của biên tập).

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý


Báo Quảng Nam vừa nhận được một tư liệu quý dài gần 80 trang: tập “Nhật ký chiến trường” của nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý từ nhà thơ Bùi Minh Quốc. Theo nhà thơ Bùi Minh Quốc (cũng là chồng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý), đây chính là những trang nhật ký lần đầu tiên được công bố chính thức, qua đó sẽ cho thấy nữ nhà văn trẻ “đã sống, suy nghĩ, làm việc thế nào, trong một hoàn cảnh dữ dội thế nào, từ ngày chị rời thủ đô Hà Nội đến khi rời căn cứ A7 miền tây Quảng Nam đi chuyến công tác đầu tiên, và cũng là cuối cùng, xuống chiến trường đồng bằng”. Nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, và “Tuyển tập Dương Thị Xuân Quý” đang được chuẩn bị xuất bản. Năm 1983, nhà văn Nguyên Ngọc từng viết về Dương Thị Xuân Quý: “Thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng”.



10-4-1968

Đêm nay là đêm cuối ở trường 105(1). Cho đến bây giờ, 8g20 đêm mình mới thật sự xong ba lô. Xếp mãi, xếp mãi mà vẫn lai rai. Nhớ tới Anh. Hồi anh đi chắc cũng bấn như mình. Anh kể chuyện các cô nữ giúp anh khá nhiều. Còn mình mấy hôm nay thì trái lại, các anh nam giới xâu cho từng chiếc dải màn, dải tăng, gấp cho từng chiếc võng, chiếc màn và buộc gói, ghi địa chỉ để mình gửi đồ đạc về nhà. Anh làm hộ mình chiếc đèn, anh làm cho mình cái lót đồng hồ… Nếu không có tập thể giúp đỡ chắc mình lúng túng lắm. Cho đến phút này mình hoàn toàn có thể phấn khởi lên đường, thỏa mãn và toại nguyện. Không ngờ chiều chủ nhật 7-4 vừa qua mình lại còn được về ngủ với Ly một đêm.

… Sáng chủ nhật, 7g xe chạy về Hà Nội. Mình phải đi mượn một chiếc xe đạp. Đến Mỹ, gặp cả hai vợ chồng nó… Một chiếc xe đạp đang sơn, để cho nó khô, còn một chiếc thì chồng nó hôm sau đi sớm.

… Ở nhà Mỹ ra, mình định đi tìm Kim Thư mượn nó xe đạp. May sao gặp Chánh(2) đứng với Trịnh Tường và Hoàng Tống.

…Lấy xe của Chánh, mình về sửa soạn, ăn cơm xong tới gần 12g mình mới đạp về quê. Khoảng 2g30 chiều đến nhà. Bọn trẻ con reo lên và mình thấy Ly trên tay Thơ. Ly nhìn thấy mẹ, Ly cười, rồi Ly vừa cười vừa mếu. Mình dắt xe vào nhà và bế Ly. Ly bóc kẹo ăn ngon lành. Ly không gọi mẹ như những lần trước. Bảo mãi Ly cũng chẳng gọi, rồi Ly tụt xuống, Ly chỉ nhìn mẹ. Đôi mắt của Ly vừa linh hoạt, sinh động nhưng sao nó vẫn có vẻ gì như trầm lắng. Mình tắm cho Ly. Ly không khóc một chút nào. Thích quá. Buổi chiều Ly chỉ gọi mẹ khi nào mẹ bảo: “Gọi mẹ đi” thì Ly nũng nịu: “Mi…ẹ…ẹ”. Ôi, mình không sao quên được cái giọng thương yêu ấy của con. Lần này có một cái khác là Ly không xoắn xuýt mẹ như trước. Ly không khóc đòi theo mẹ mà Ly cứ tụt khỏi lòng mẹ để xăm xăm đi. Ly đã đi được như thường, đi rất nhanh. May mắn cho mình là mình được thấy con đi mạnh bạo như thế. Mặc Ly, Ly đi ra đường và lên đê. Mình dắt Ly, hai mẹ con vượt dốc và lên đê. Vừa lên tới đê Ly đã bảo: “Bò, bò…”. Tuy lúc ấy không có bò, nhưng vì Ly cứ nhớ lên đê là thấy bò mà. Gió lộng, mình thủng thẳng dắt Ly đi dạo trên đê. Những phút ấy sao êm đềm và hạnh phúc thế. Rồi sợ gió nhiều mình vội đưa Ly về và hai mẹ con đã chơi một tối trăng tuyệt diệu.

- Ông trăng đâu Ly?

Ly ngửa mặt lên và cười:

- Đầy! ...

Bé Ly với bà ngoại.

Mình bỗng khám phá ra một điều kỳ lạ: trong mắt Ly, giữa hai con ngươi lóng lánh, có hai chấm vàng nhỏ xíu bằng đầu kim lay động. Ông trăng đã in trong mắt Ly. Mình nghĩ ngay đến những chặng đường hành quân sắp tới. Mỗi khi nhìn trăng, mình sẽ nhớ rằng ông trăng ấy chính là ở trong mắt Ly. Mẹ hát ông trăng cho Ly nghe. Còn Ly thì thỉnh thoảng lại đòi: “Xuống… xuống”. Ly chỉ muốn chạy đi băng băng. Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy. Chỉ có một lần Ly đạp chăn và mình sờ chân Ly thấy lạnh toát mình vội đắp lại cho Ly. Tối uống nước nhiều nhưng Ly không hề đái đêm. Bà bảo độ này Ly không đái đêm nữa. Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới. Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Khi mở mắt ra, câu đầu tiên của Ly là: “Chừa! Chừa! ”. Hai mẹ con nằm mãi. Chính Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu con mới bảo: “Dậy! Dậy! ”. Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy con cũng phải hy sinh. Bà dậy từ 5 giờ sáng để quấy bột, Ly nằm một mình không có ai để quàng tay vào cổ, thế là Ly dậy, chả có ai vuốt ve và kể chuyện “Con mèo” cho Ly nghe. Ly rất thích nghe chuyện. Hễ mẹ nói: Nằm im mẹ kể chuyện Con mèo nhé! Thế là Ly nằm yên lặng, chăm chú nghe mẹ kể. Chỗ nào mẹ cười, Ly cũng cười theo.

Ly ngồi ghế thủng ỉa, vừa ăn sữa. Lần này con ăn sữa rất nhanh chứ không chê tránh như lần trước. Ly vừa ngồi ỉa, mẹ đi bắt muỗi trong màn. Muỗi trong màn nhiều quá, hàng chục con mọng máu.Thảo nào trán Ly lấm tấm đỏ vì muỗi cắn. Làm sao được. Phải biết tránh, không để cho những gợn đó bào vào ruột! Ly vẫn ỉa thành khuôn. Sau khi ăn sữa, Ly lại ăn một quả chuối. Rồi 9g lại ăn cơm trứng. Chả hiểu có đau bụng không? Có một lúc mình bỗng thấy Ly cười: “Quốc! Quốc! ”. Ly nói Quốc rất rõ, không ngọng ngượng tí nào. Rồi Ly gọi: “Quý! Quý! ”, Ly tròn miệng: “Bố! Bố !”. Mấy tiếng ấy Ly thường nói liền nhau. Mình ứa nước mắt. Không biết bao giờ Ly mới được sống gần bố. Nếu mình vào và anh được ra với Ly thì mình sung sướng quá. Ăn cơm xong mình phải đi thay áo. Ly ngồi xổm nhặt rau với bà. Mình bế Ly lên, Ly lại tụt ra đòi ngồi nhặt rau. Nhìn đồng hồ đã 10g10. Mình vội lên đường. Kể ra mình có thể ở nhà tới 12g. Nhưng còn phải đi trả xe Tú, lại chờ anh Chức ở nhà. Mình sợ 3g đến Hà Nội thì cập rập quá. Mình đi. Mợ bế Ly ra tiễn. Ly lên tận đê và chỉ nhìn theo mẹ đi chứ không khóc đòi theo mẹ. Thôi, thế cũng yên tâm. Kỳ này mình mang về cho Ly 1 hộp dầu cù là Trung Quốc trong số 3 hộp mình được phát. Lại mang cho Ly được 2 hộp sữa nữa. Thế là 9 hộp cả thảy. Lẽ ra chỉ có 8 hộp nhưng mình đã đổi trứng gà của mình cho chị Vân để lấy một hộp sữa. Từ hôm đến trường, mình không động đến một giọt sữa nào. Tất cả dành cho Ly hết. Hiện nay trong ba lô của mình chỉ còn một gói sữa bột thôi. Nhưng không sao. Sức khỏe mình rất tốt. Mình đã tăng 3kg. Hôm đến trường mình chỉ có 41kg. Hôm nọ cân được 44kg, béo hơn cả hồi đi Khu 4 mình chỉ có 42kg. Trông ảnh, cũng thấy rõ là mình béo. Có lẽ vì mình khỏe như vậy nên trong số nữ cán bộ, mình là đứa duy nhất ở lại đi bộ. Sáu nữ và bốn nam ở các chi tách ra, đi ô tô vào tới Kông Tum.

… Tối thứ bảy, họp toàn trường, anh Văn đọc mệnh lệnh hành quân. Chi mình có 15 đồng chí tất cả. Mình chuẩn bị tinh thần chịu đựng tất cả. Cũng như Anh, mình tin là mình sẽ vượt qua được hết thảy. Bởi một lẽ giản đơn, chẳng có khó khăn nào bằng khó khăn ở báo PN (Báo Phụ Nữ Việt Nam - BT)… Mỗi khi nghĩ tới báo PN, mình thấy rùng mình ghê sợ…

(Còn tiếp)

--------------------------------------------

(1) Trường 105: trường huấn luyện cán bộ để vào chiến trường miền Nam.
(2) Nhà báo Nguyễn Chánh, chồng của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Hội, quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột chị, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày. Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.
Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật ký từ 7 tuổi, khi đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương, rồi ra Quảng Ninh học trường trung cấp mỏ, sau đó về học khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Tốt nghiệp khóa học, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ và xông xáo, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, chị vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4 năm 1968, chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc thì đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó. Đêm 8-3-1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.

Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời tác phẩm “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam) cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.

BÙI MINH QUỐC

(Nguồn: Báo Quảng Nam)

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2007

An Open Letter to CNN from Michael Moore


Saturday, July 14th, 2007
An Open Letter to CNN from Michael Moore

Dear CNN,

Well, the week is over -- and still no apology, no retraction, no correction of your glaring mistakes.

I bet you thought my dust-up with Wolf Blitzer was just a cool ratings coup, that you really wouldn't have to correct the false statements you made about "Sicko." I bet you thought I was just going to go quietly away.

Think again. I'm about to become your worst nightmare. 'Cause I ain't ever going away. Not until you set the record straight, and apologize to your viewers. "The Most Trusted Name in News?" I think it's safe to say you can retire that slogan.

You have an occasional segment called "Keeping Them Honest." But who keeps you honest? After what the public saw with your report on "Sicko," and how many inaccuracies that report contained, how can anyone believe anything you say on your network? In the old days, before the Internet, you could get away with it. Your victims had no way to set the record straight, to show the viewers how you had misrepresented the truth. But now, we can post the truth -- and back it up with evidence and facts -- on the web, for all to see. And boy, judging from the mail both you and I have been receiving, the evidence I have posted on my site about your "Sicko" piece has led millions now to question your honesty.

I won't waste your time rehashing your errors. You know what they are. What I want to do is help you come clean. Admit you were wrong. What is the shame in that? We all make mistakes. I know it's hard to admit it when you've screwed up, but it's also liberating and cathartic. It not only makes you a better person, it helps prevent you from screwing up again. Imagine how many people will be drawn to a network that says, "We made a mistake. We're human. We're sorry. We will make mistakes in the future -- but we will always correct them so that you know you can trust us." Now, how hard would that really be?

As you know, I hold no personal animosity against you or any of your staff. You and your parent company have been very good to me over the years. You distributed my first film, "Roger & Me" and you published "Dude, Where's My Country?" Larry King has had me on twice in the last two weeks. I couldn't ask for better treatment.

That's why I was so stunned when you let a doctor who knows a lot about brain surgery -- but apparently very little about public policy -- do a "fact check" story, not on the medical issues in "Sicko," but rather on the economic and political information in the film. Is this why there has been a delay in your apology, because you are trying to get a DOCTOR to say he was wrong? Please tell him not to worry, no one is filing a malpractice claim against him. Dr. Gupta does excellent and compassionate stories on CNN about people's health and how we can take better care of ourselves. But when it came time to discuss universal health care, he rushed together a bunch of sloppy -- and old -- research. When his producer called us about his report the day before it aired, we sent to her, in an email, all the evidence so that he wouldn't make any mistakes on air. He chose to ignore ALL the evidence, and ran with all his falsehoods -- even though he had been given the facts a full day before! How could that happen? And now, for 5 days, I have posted on my website, for all to see, every mistake and error he made.

You, on the other hand, in the face of this overwhelming evidence and a huge public backlash, have chosen to remain silent, probably praying and hoping this will all go away.

Well it isn't. We are now going to start looking into the veracity of other reports you have aired on other topics. Nothing you say now can be believed. In 2002, the New York Times busted you for bringing celebrities on your shows and not telling your viewers they were paid spokespeople for the pharmaceutical companies. You promised never to do it again. But there you were, in 2005, talking to Joe Theismann, on air, as he pushed some drug company-sponsored website on prostate health. You said nothing about about his affiliation with GlaxoSmithKline.

Clearly, no one is keeping you honest, so I guess I'm going to have to do that job, too. $1.5 billion is spent each year by the drug companies on ads on CNN and the other four networks. I'm sure that has nothing to do with any of this. After all, if someone gave me $1.5 billion, I have to admit, I might say a kind word or two about them. Who wouldn't?!

I expect CNN to put this matter to rest. Say you're sorry and correct your story -- like any good journalist would.

Then we can get back to more important things. Like a REAL discussion about our broken health care system. Everything else is a distraction from what really matters.

Yours,
Michael Moore
mmflint@aol.com
www.michaelmoore.com

P.S. If you also want to apologize for not doing your job at the start of the Iraq War, I'm sure most Americans would be very happy to accept your apology. You and the other networks were willing partners with Bush, flying flags all over the TV screens and never asking the hard questions that you should have asked. You might have prevented a war. You might have saved the lives of those 3,610 soldiers who are no longer with us. Instead, you blew air kisses at a commander in chief who clearly was making it all up. Millions of us knew that -- why didn't you? I think you did. And, in my opinion, that makes you responsible for this war. Instead of doing the job the founding fathers wanted you to do -- keeping those in power honest (that's why they made it the FIRST amendment) -- you and much of the media went on the attack against the few public figures like myself who dared to question the nightmare we were about to enter. You've never thanked me or the Dixie Chicks or Al Gore for doing your job for you. That's OK. Just tell the truth from this point on.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2007

Khương Tử Nha câu cá ở Sông Vị


Bỏ trốn Triều Ca lánh bụi trần
Ðưa dân khỏi ải thật thần nhân
Buôngcâu sông Vị chờ thời vận
Uống nước Bàn Khê đợi chờ duyên
Võ Kiết ra tay người chỉ ngỡ
Tử Nha ứng mộng chúa cầu hiền
Tám mươi mới đạt yên công nghiệp
Ra giúp nhà Chu, xã tắc yên.


Hồi thứ 23


Văn Vương nằm mộng ứng điềm lành.



.........Khương Tử Nha từ khi bỏ xứ Triều Ca cứu dân qua ải rồi ẩn dật nơi Bàn Khê đợi vận, gieo câu sông Vị chờ thời, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì câu cá giải khuây.


Ngày kia, Tử Nha ngồi trên thạch bàn, cầm cần câu thả xuống nước, ngâm một bài thơ như vầy :

Đã tám thu trôi qua

Trần ai chịu đọa đày

Nửa năm nương đất Trụ

Một khắc đến non Tây

Sợi dây kinh luân này

Miếng mồi thao lược đây

Truớc dùng câu tôm cá

Sau nổi hội rồng mây


Tử Nha vừa ngâm xong bài thơ, bước lại cội dương ngồi hứng mát bỗng thấy một ông tiều vai gánh củi, miệng hát lêu nghêu. Ông tiều thấy Tử Nha liền ghé lại hỏi :


- Tôi thấy ông thường câu cá nơi khúc sông này, mưốn nói với ông vài câu chuyện để hưởng thú ngư tiều vấn đáp.


Tử Nha mừng rỡ nói :


- Tốt lắm ! Tôi với ông sẽ là bạn với nhau .


Ông Tiều hỏi :


- Ông quê quán ở đâu, tên họ là chi ?


Tử Nha nói :


- Tôi ở Hứa Châu, họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng.


Ông Tiều nghe nói bật cười nghiêng ngả. Tử Nha lấy làm lạ hỏi :


- Ông là ai vậy ?


Ông tiều đáp :


- Tôi họ Võ tên Kiết ở xứ Tây Kỳ.


Tử Nha hỏi :


- Tại sao ông lại cười như vậy ?


Võ Kiết đáp :


- Tôi nghe ông xưng hiệu Phi Hùng nên nín cười không được.


Tử Nha hỏi :


- Từ xưa đến nay làm người ai cũng có tên có hiệu, chuyện gì mà cười .


Võ Kiết nói :


- Ðời xưa, những bậc thánh hiền bụng chứa văn chương, lòng đầy thao lược xưng tên xưng hiệu đã đành, còn như ông ngồi câu cá suốt ngày, cái lưng cháy nám mà cũng xưng hiệu Phi Hùng bảo tôi nín cười làm sao. Nếu ông tự xưng là con khỉ ốm thì khỏi ai bắt bẻ.

Võ Kiết vừa nói vừa đến nơi đặt cần câu cầm nhấc lên, thấy lưỡi câu ngay duỗi, liền vỗ tay cười, rồi chặc lưỡi than :


- Hễ có trí thì tuổi thơ cũng có trí, còn không mưu thì đầu bạc cũng không mưu. Muốn câu cá mà để lưỡi câu ngay thì đời nào bắt được cá. Ðể tôi dạy dùm cho. Ðốt cây kim này cho đỏ, cắt ngạnh, uốn cong cong rồi móc mồi cho thơm, nhợ phải cột phao chính giữa, lúc thả xuống sông mà thấy phao động đậy ấy là cá ăn câu, phải giựt lên cho gấp, lưỡi câu móc vào mép cá, mới bắt được cá mà ăn. Khờ dại như ông mà dám cả gan xưng Phi Hùng.

Tử-Nha nói :


- Ngươi biết một chẳng biết hai. Ta không dùng lưỡi câu cong này để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời câu vận. Nếu làm cong queo thì được của thà cứ thế ngay mà thanh bạch còn hơn. Như ý ta là :


Ngồi đợi ngày giờ quý

Nên chẳng đợi của câu

Không mong tôm mong cá

Mà mong kiếm công hầu


............
(Trích Phong Thần Diễn Nghĩa)

P/S: Tớ phải chú thích lại cái entry này không bà con hiểu lầm thì chít. Chả phải tớ lấy truyện xưa nói chuyện nay gì cao xa đâu, chẳng qua là ngày hôm qua đưa con bé Yên Khuê đi chơi đu quay, nhà bóng và câu cá....Tối về loay hoay nghịch ngợm định post ảnh con bé câu cá lên Blog nên mới nghĩ tới cái tích trên. Mong bà con chớ hiểu sâu hiểu xa kẻo oan cho cháu nó....hê hê. Kính !

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Nào thì Tag !


Vào cái hôm thứ 7 ngày 7/7/2007 (không biết có đúng vào lúc 7h hay không nữa?!) thì cư dân blog nảy ra cái trò chơi mới - Tag. Tui cũng bị dính trong số đó. Nếu tính chẵn thì 2 em tag tui (vungtaureportMaGiang) mà tính lẻ thì có cả em Diepvi nữa nhưng vì em bảo anh dính tag rồi nên em không tag anh nữa....hì hì. Thì tag rồi mà tag nữa thì cũng có sao đâu, đằng nào thì cũng bị tag cả...hê hê.

Cái luật chơi của trò tag nó như thế này: "Mỗi người chơi phải bắt đầu với 7 sự thật/sở thích gì đó về bản thân họ. Những người bị bắt cần phải viết vào blog của họ về 7 thứ về họ, cũng như những điều luật này. Kết thúc entry, bạn phải bắt 7 người khác và liệt kê tên của họ. Đừng quên để lại cho họ một quick comment nói rằng họ đã bị bắt và phải đọc blog của bạn". Đọc qua "luật chơi " thấy nó cũng đơn giản ấy thế mà tại sao nó lại lan truyền nhanh đến thế? Tại sao mọi cư dân của blog lại thi nhau tag vậy nhỉ? Hì hì....Tự hỏi rồi tự trả lời thôi: Nó đánh vào tâm lý tò mò của mọi người và cũng là một việc gì đó giúp blogger "tự nhìn lại mình" trong cái xã hội sống nhanh và sống gấp bây giờ, tag như vậy khiến cho người viết phải "phanh" mình lại một chút, ngẫm mình lại một chút....âu cũng là điều hay ho nên cư dân blogger thi nhau tag.

Nào thì tag nào:

1./ Tui bị cái tính tham, cái gỉ cái gi cái gì cũng thích nhưng mà cũng chóng chán chả thích được lâu cái gì. Ờ thì tất nhiên là thích thì phải tìm hiểu và học về nó nhưng mà như đã nói thì chả thích được lâu cái gì nên chả học được cái gì cho nên hồn....

2./ Tui có cái tính cứ hay cả nể, nhất là đối với bạn bè...ấy thế nên mới có đứa bạn gái mắng rằng "mày mà là con gái thì chửa hoang không biết bao nhiêu lần"....hê hê. May quá, tớ lại là con trai.

3./ Tui là đứa ham chơi và lười học. Hồi bé tui là đứa học hành cũng khá (tí nữa là đại diện cho 2 học sinh của Trường đi thi toán ở Thành phố nhưng mà tớ nhất định không đi dù cô giáo chủ nhiệm nói thế nào thì nói...hê hê), thi tốt nghiệp PTCS lên PTTH tớ được 34 điểm/4 môn ấy thế nhưng mà thi vào cấp 3 thì tui trượt thẳng cẳng (môn văn được 3 điểm còn toán được có 0,5 điểm)..., lý do rất đơn giản là hồi đó không chịu ôn bài để thi mà mải xem phim truyền hình nhiều tập phản gián của Đức (tui quên béng tên phim rồi, Hồ sơ gì gì đó)....hê hê.

4./ Tui là thằng thường xuyên bị bố mắng là chủ quan, mà cũng đúng thật. Này nhé: Hồi đi thi Đại học (năm đó tui đăng ký thì có 1 trường thôi) vào làm bài 2 môn thì rất ngon rồi, nhưng đến môn thứ 3 là môn Sử có 3 câu thì tui làm có 2 câu còn câu thứ 3 bỏ không thèm làm bài nữa mặc dù còn nhiều thời gian. Giám thị hỏi sao không làm nốt thì tui bảo: Chắc là cũng đủ điểm đỗ rồi....ha ha. Cuối cùng thì trượt thẳng cẳng thêm một lần nữa vì trường lấy điểm chuẩn là 14,5 điểm trong khi tôi chỉ có 14 điểm thôi...hi hi. Mở ngoặc thêm tí nữa cho oai là năm đó Trường Đại học Thương Mại lấy điểm chuẩn là 7 điểm/3 môn....ha ha.

5./ Ngay từ nhỏ tui đã cực kỳ mê đọc sách, đọc truyện. Bố mẹ cho được mấy đồng ăn quà sáng thì để dành sang cúng nộp cho mấy ông, mấy bà bán truyện tranh và đồ chơi trẻ con ở cổng Công viên Lê Nin. Đến giờ tui vẫn còn nhớ cái cảnh tui được bà dì cho một số tiền lớn (nhân dịp lĩnh tháng lương đầu tiên đi làm) tui đã đi bộ từ nhà (hồi đó còn ở Trần Nhân Tông - đối diện với Rạp xiếc TW bây giờ í) lên thẳng Cửa hàng sách Ngoại văn ở Tràng Tiền mua quyển Tây Du Ký tập 1 vừa mới ra (mà bộ đó thì có những 10 tập chứ không phải chỉ có 3 tập như bây giờ đâu nhé!) Hay như cái cảnh vác cái cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (của Nguyễn Đổng Chi) mượn được của nhà hàng xóm ngồi đọc ở ngõ rất tức cười vì lúc đó mới khoảng 7 - 8 tuổi người thì bé tí vác cuốn sách to hơn cả người, rõ khổ !

6./ Tính tui cũng thích lãng mạn, mơ mộng thế nên yêu từ hồi còn bé tí. Nói như con bé bạn tui thì nếu mà ghi danh sách người yêu của tôi (không bít họ có yêu lại hay không nhé !) thì cũng phải kín hai trang giấy. Ấy nhưng mà là nó nói hơi quá, cùng lắm cũng chỉ hết 1 trang giấy vở học sinh thôi và tất nhiên là gạch đầu dòng và xuống hàng đấy nhé chứ không phải là viết dàn hàng ngang đâu đấy !

7./ Bật mí một truyện vui là ngay từ bé tui đã thuộc làu làu Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam...hê hê. Đơn giản chỉ là vì bố mẹ tui đi làm không có ai ở nhà nên khóa trái cửa nhốt tui ở trong nhà, mà ở nhà thì chẳng có gì đọc ngoài cuốn đó cả thế nên tui cứ vác nó ra đọc oang oang ầm xóm và tự nhiên thuộc lòng nó lúc nào không hay...hê hê. Nhưng đến giờ thì tui quên béng nó rồi, bộ nhớ bây giờ đầy quá rồi, có lẽ nhiều thứ cần nhớ hơn đã đẩy nó ra ngoài lúc nào không hay! Đừng ai bắt tui đọc để kiểm tra sự thật nhé, tui nói thật đấy...hê hê.

Đấy, 7 cái sự thật của tui đấy. Bây giờ thì tag ai nhỉ? Thôi, chả tag ai nữa cả, ai muốn tự nhìn lại mình thì tự tag mình đi thôi (hô hào thế chứ tui biết thời buổi này mà kêu gọi tự nguyện e chừng khó), cũng là một dịp để nhìn lại mình nhỉ !

Còn đây là Bonus:

8./ Trong 8 năm vào SG đến giờ thì tui đã làm được mấy việc nho nhỏ: Lấy vợ, sinh con, mua nhà (tất nhiên là nhà tập thể và vẫn còn phải nợ như chúa Chổm)....hì

9./ Tương lai sắp tới thì chả biết ra sao, nhưng mà tui nói thật là tui chẳng thích làm quan mà chỉ thích làm một chuyên gia trong lĩnh vực và công việc của mình....thế thui.

10./ Bố tui luôn dạy tui rằng: Sống ở trên đời phải giữ lấy cái Đức con ạ. Vâng, tui luôn nhớ lời dạy này của bố và tui cũng sẽ dạy lại nó cho đứa con gái (nghịch như quỷ) của tôi. Ngoài ra, trong công việc của mình tui còn thấy ngoài cái Tài cũng còn phải cần đến cái Tâm, nếu thiếu nó e rằng khó bền.