Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Nghĩ về trả lời của ông Hồ Xuân Sơn trên Website Chính phủ

Mấy hôm rồi các báo Việt Nam đều trích đăng lại trả lời của đ/c Hồ Xuân Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng trên Website Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam về vấn đề Nhật Bản tiến hành điều tra vụ đưa hối lộ của PCI cho Trưởng ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây. Điều đáng nói là trong bài viết "Việt Nam đặc biệt coi trọng chống thất thoát, chống tham nhũng trong sử dụng vốn ODA" ông Hồ Xuân Sơn đã khẳng định: "...lấy làm tiếc vì đến nay, thông tin mà các cơ quan chức năng Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vẫn còn sơ sài và chưa phù hợp với các thủ tục pháp lý của Việt Nam; trong khi đó, báo chí Nhật Bản lại có một số bài viết không thật khách quan, thậm chí cá biệt có thông tin không đúng sự thật, gây nghi ngờ về chính sách ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam, về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng...". Có rất nhiều thông tin còn bỏ trống trong đoạn khẳng định trên, ví như: Các cơ quan chức năng Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam những thông tin gì? Những thông tin đó chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam ở điểm nào? Bài viết nào, thông tin nào của báo chí Nhật Bản được phía Việt Nam coi là "có thông tin không đúng sự thật"?....Nhận định trên của ông Hồ Xuân Sơn sẽ trở nên thuyết phục hơn nếu Cơ quan điều tra của Việt Nam ra quyết định khởi tố vụ án và sau một thời gian điều tra vụ án đi đến kết luận rằng "không có đủ cở sở và chứng cứ để khẳng định ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận tiền hối lộ từ PCI" hay một kết luận tương tự thế. Nhận định trên của ông Hồ Xuân Sơn cũng có thể bị Hiệp hội báo chí Nhật Bản kiện ngược lại rằng đã "vu khống" khi Tòa án Nhật Bản tuyên án đúng với những gì mà thông tin báo chí Nhật đã phản ánh.

Ngày xưa các cụ có dạy "Uốn lưỡi chín lần trước khi nói", đấy là với người thường chứ với các quan chức, tớ nghĩ phải uốn lưỡi nhiều hơn gấp đôi, gấp ba. "Miệng nhà quan có gang, có thép" mà!


* Hiện nay trên trang web Viet studies đã đăng tải Lời khai của Sakashita Harua, Lời khai của TakasuGiấy đề nghị cùng hợp tác điều tra giữa Nhật và Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chưa rõ nguồn của những tài liệu trên ở đâu và tính chính xác của nó đến đâu?


Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Sức mạnh ma thuật của từ ngữ và công thức

...Khi nghiên cứu trí tưởng tượng của đám đông chúng ta đã thấy rằng nó đặc biệt bị những hình ảnh gây ấn tượng. Không phải bao giờ ta cũng có những hình ảnh ấy, nhưng có thể gợi lên chúng bằng việc sử dụng đúng đắn từ ngữ và công thức (formule). Khi được sử dụng một cách nghệ thuật, chúng thực sự có sức mạnh bí ẩn mà ngày xưa những môn đồ của ma thuật vẫn gán cho chúng. Chúng làm nảy sinh trong tâm hồn đám đông những cơn bão khủng khiếp nhất, và cũng biết làm lắng dịu những cơn bão ấy. Người ta sẽ xây được một kim tự tháp cao hơn nhiều so với kim tự tháp cổ Khéops với chỉ bằng xương nạn nhân của sức mạnh từ ngữ và công thức.

Sức mạnh của từ ngữ được gắn liền với những hình ảnh mà chúng gợi lên, và hoàn toàn độc lập với ý nghĩa thực của chúng. Đó thường là những từ mà ý nghĩa kém xác định nhất và chi phối nhiều hành động nhất. Ví dụ như những từ như dân chủ, chủ nghĩa xã hội*, bình đẳng, tự do v.v..., nghĩa của chúng thì mơ hồ đến nỗi những cuốn sách dày cộp cũng chẳng đủ để nói chính xác về chúng. Và tuy nhiên, chắc chắn có một sức mạnh thực sự ma thuật gắn kết với những âm tiết ngắn của chúng, cứ như thể chúng chứa đựng những giải pháp cho mọi vấn đề. Chúng tổng hợp những khát vọng vô thức khác nhau nhất và niềm hi vọng thức hiện những khát vọng ấy.

Lí trí và những luận chứng cũng không thể chống lại một số từ ngữ và một số công thức. Người ta trầm tĩnh công bố chúng trước đám đông; và ngay khi chúng được phát âm, những gương mặt trở nên kính cẩn và những vầng trán cúi xuống. Nhiều người coi chúng như những lực lượng của thiên nhiên, những sức mạnh siêu nhiên. Chúng gợi lên trong tâm hồn những hình ảnh lớn lao và mơ hồ, nhưng chính cái mơ hồ đã làm mờ nhạt chúng và làm tăng sức mạnh huyền bí của chúng. Ta có thể so sánh chúng với những thần linh đáng sợ giấu mình sau chiếc khám thờ và kẻ sùng đạo run rẩy đến gần.

Những hình ảnh mà từ ngữ gợi lên độc lập với nghĩa của chúng, thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác, dưới căn cước là những công thức. Còn một số từ lại tạm thời được gắn với một vài hình ảnh: từ ngữ chỉ là cái nút bấm điều khiển làm cho những hình ảnh hiện lên...

* Xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng, đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

(Trích chương 2 “Những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới ý kiến của đám đông” của cuốn sách “Tâm lý học đám đông” do Gustave le Bon viết năm 1895, được NXB Tri thức xuất bản năm 2008)

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Ở quê, tôi có bầm!


Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới về thăm bầm. Tin tức của người thân thì tháng nào tôi cũng nhận qua điện thoại và cứ theo định kỳ ba tháng một lần tôi lại gửi tiền về. Cho đến một ngày tự nhiên lòng dạ như lửa đốt, cảm giác nhớ quê, nhớ bầm dội lên thế là đùng đùng tôi phóng xe ra khỏi thành phố...

“Bầm ơi! Con đã về!” - tôi đã không quên thói quen reo to mỗi khi đặt chân vào con ngõ nhỏ thân thuộc. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chơ vơ nằm giữa khu vườn rậm rạp, lá khô rụng đầy và ải mục trên nền đất. Bầm đi ra từ phía bếp. Tôi sững người, giật mình, ngờ ngợ như người đang đứng trước mặt không phải là bầm tôi. Có đâu bầm tôi lại thế kia! Mái tóc thì lốm đốm bạc, rụng chỉ còn lưa thưa. Bầm nhìn tôi và cười. Không, hình như là bầm đang khóc. Những nếp nhăn nơi đuôi mắt co lại, xếp chồng lên nhau, đến khi hết cười vẫn còn hằn lên những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má. Hàm răng bầm đã khuyết từ mấy năm nay nên chẳng bao giờ bầm cười được tròn trịa. Bữa chiều hôm ấy, hai bầm con quây quanh chiếc mâm đồng, nhìn tôi trộn cơm với mắm tép ăn ngon lành, đôi mắt bầm rưng rưng. Đã mấy năm rồi, kể từ khi vết thương cũ của bố tái phát phải nằm viện điều dưỡng, anh em tôi thì công tác xa, bầm ở có một mình, tự tay phải chăm lo mọi việc. Bận rộn mấy thì bầm cũng không quên làm mắm tép để gửi cho chồng, cho con. Bố con tôi đã nghiện món mắm tép ấy từ bao giờ không biết? Ngày còn bé, cứ vào độ đầu thu, khi những trận mưa cuối hạ đã đủ lạnh để làm da thịt gai gai, cha tôi thường vác giậm ra đồng. Và bao giờ khi bố trở về, cái giỏ đựng tép đeo ở bên sườn cũng nặng chịch. Đêm ấy, bầm và chị lại thắp đèn dầu, cặm cụi vừa đãi, vừa nhặt những con ốc vặn, vỏ hến, rơm, rác lẫn trong rổ tép, sau đó giã giập, cho vào hũ sành, rắc thính để làm mắm tép. Hũ mắm được nút chặt bằng lá chuối khô, đặt sát ngay cạnh bếp, nhờ hơi ấm tro than chờ ngày ngấu. Suốt cả mấy tháng mùa thu, anh em tôi cứ háo hức chờ đợi giây phút bầm cho thử mắm. Mấy gian nhà luôn phảng phất hương thơm đến lạ lùng. Chiều muộn, dong trâu về chuồng, tôi chạy ù vào bếp. Bữa tối dọn ra, cả nhà quây quần đầm ấm, chỉ có bát mắm tép cùng bát canh dưa đặt trên cái mâm gỗ đã tróc sơn từng mảng. Bầm sới lưng cơm nóng hôi hổi, rưới đều từng thìa mắm tươi hồng, đặc sánh. Nhìn chồng, con ăn ngon lành, bầm mỉm cười, mắt rưng rưng...

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người và trong những truyện kể về thời thơ ấu, không bao giờ tôi quên nhắc đến bầm. Tôi nhớ như in bàn chân bầm với những ngón khum lại, lúc nào cũng như bám chặt vào đất để khỏi trượt ngã. Ngoại tôi thường bảo: “Đấy là bàn chân vất vả”. Gan bàn chân bao giờ cũng chai sần và lỗ rỗ chứ không đầy đặn như chân các cô, các mợ tôi. Mu bàn chân bầm mốc trắng, da nứt toác bong từng lớp loang lổ, bùn đất đã làm hằn đen những vết thương không gì tẩy được. Mùa lạnh thì nẻ, mùa mưa thì sâu nước ăn, chúng cứ luôn phiên hành hạ bầm. Đêm nào bầm tôi cũng ngâm nước muối ấm, hay dùng lá trầu không sát lấy sát để. Khi ngủ, có những lúc tôi nghe thấy bầm rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì chân nhức buốt. Thế mà tinh mơ hôm sau đã thấy bầm dậy để lo toan công việc của một ngày mới. Tôi biết bầm tôi hay đi chân đất. Những lúc vui bầm thường đùa: “Đi như tao thì tiền đâu mua giày, mua dép cho xuể...”. Bầm tất bật đi từ sáng sớm, đến khi trở về cũng là lúc sương đêm xuống đẫm cây cỏ. Cái nón mê và đôi quang gánh đã làm bạn với bầm từ thuở còn là thôn nữ.

Tôi chia tay tuổi thơ, rời xa mái nhà cấp bốn cũ kỹ nơi có hương vị mắm tép quê nghèo để vào giảng đường đại học, rồi lại tất bật cùng bao lo toan của cuộc sống chốn thị thành. Của ngon vật lạ, đặc sản nhà hàng tôi đều đã thử qua, nhưng mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng, tự nhiên tôi lại nhớ quê, nhớ bầm da diết, lòng lại cồn cào nhớ vị mắm tép cùng bát canh dưa bầm nấu thuở nào.

Bao nhiêu năm mải mê kiếm sống, nay về đứng trước mái nhà xưa, chợt nhận ra mình không còn trẻ nữa. Tự sâu thẳm lòng tôi như muốn kêu lên: “Bầm ơi! Con đã về!”...

Nguyễn Minh Trường

(Trích từ cuốn "Quà tặng Mẹ" do NXB Văn học xuất bản 8/2007).

Đọc thêm các bài viết khác trong cuốn sách "Quà tặng Mẹ"

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2008

Hát nhạc ở phòng trà

Hôm rồi đưa vợ đi nghe nhạc ở Phòng Trà Không Tên chợt phát hiện ra có mấy bài hát sáng tác trước 1975 chưa hề được phép phổ biến mà các ca sỹ nhà ta cứ hát ngêu ngao như không. Lạ quá nhắn tin hỏi Co gai do long thì nàng ấy bảo: "Anh muốn nghe nhạc cấm thì cứ đi phòng trà", rồi lại còn "Anh đi phòng trà lần đầu hay sao à?" Hơ hơ....

Nói cho đúng thì cũng có vào "Tiếng Tơ Đồng" từ hồi chân ướt chân ráo từ HN vào TPHCM. Từ bấy giờ đến nay chẳng bao giờ biết đến Phòng trà. Khiếp, tính tiền đắt như quỷ, lương công chức chịu sao thấu, thà tớ mua đĩa về nhà nghe còn tiết kiệm hơn. Với lại không khí nhạc nhẽo ở Tp.HCM tớ thấy cũng chả có gì hay ho lắm (ngoài mấy vụ Nhạc viện TP tổ chức giao hưởng ở Nguyễn Du hoặc ở Nhà hát TP) nên cũng ít quan tâm. Của đáng tội là hôm trước bác Phạm Duy cũng có lời mời xuống Phòng trà Văn nghệ nhưng nhạc Phạm Duy thì không phải gu của tớ nên kiên quyết không đi.

Quay trở lại chuyện hát những bài chưa được phép phổ biến ở Phòng trà. Không biết Sở Văn hóa có quy định như thế nào đối với việc hát ở phòng trà nhỉ ? Các Phòng Trà có phải thông báo các bài hát sẽ hát cho Sở VH để quản lý không nhỉ ? Chắc chắn các Phòng trà đều có lịch diễn trước cả tuần, ca sỹ nào sẽ hát, hát bài gì chứ nhỉ ? Không phải khó khăn gì nhưng cứ để thả nổi thế này rồi đến lúc các em nó làm album sẽ thắc mắc: Sao em hát ở phòng trà được giờ các anh (chị) lại không cho ? Đã không làm thì thôi, làm thì làm cho đàng hoàng.

Tớ có nhắn tin cho chủ Phòng trà nhưng không thấy anh hồi âm. Lạ, hay anh coi đấy là chuyện bình thường?

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2008

Chuyện xưa tích cũ - Mượn đầu Vương Hậu giữ yên lòng quân sĩ

Hồi thứ mười bảy

Viên Công Lộ Hưng Binh Bảy Đạo
Tào Mạnh Ðức Hội Tướng Ba Miền

...Viên Thuật biết quân Tào đã đến nơi, sai Kiều Dị đem năm vạn quân làm tiên phong.

Hai bên gặp nhau ở giáp giới Thọ Xuân. Kiền Dị tế ngựa ra trước, đánh nhau với Hạ Hầu Ðôn, chưa được ba hiệp, bị Ðôn đâm chết.

Quân Thuật thua chạy về thành. Giữa lúc ấy lại có người báo rằng:

- Tôn Sách đem thuyền đánh mặt Tây; Lữ Bố đem binh đánh mặt Ðông; ba anh em Lưu, Quan, Trương dẫn binh đánh mặt Nam; Tào Tháo thì dẫn mười bảy vạn quân đánh mặt Bắc.

Thuật nghe báo vội vàng họp cả văn võ lại để bàn. Dương đại tướng nói:

- Ðất Thọ Xuân luôn mấy năm nay nước lụt rồi nắng to, dân gian đói khát cực khổ. Nếu bây giờ lại cất quân thì nhiễu dân quá, tất dân oán mình, giặc đến khó lòng mà cự được, không bằng đóng quân ở Thọ Xuân, không đánh nhau với quân địch, đợi quân địch cạn lương tất nhiên sinh biến. Bây giờ bệ hạ hãy nên đem quân ngự lâm qua sông Hoài, trước là sang chỗ lúa chín, sau nữa là hãy tạm lánh thế mạnh của quân địch.

Thuật nghe lời, cho Lý Phong, Nhạc Tựu, Lương Cương và Trần Kỷ, cả thảy bốn tướng với mười vạn quân để giữ Thọ Xuân, còn bao nhiêu tướng giỏi, cùng là vàng bạc châu báu trong kho, thu xếp nhặt nhạnh hết đem qua sông Hoài Nam.

Quân Tào Tháo mười bảy vạn mỗi ngày ăn lương tốn lắm. Các quận lại mất mùa, chuyển vận không kịp.

Tháo thúc quân đánh mau.

Lũ Lý Phong cứ đóng chặt cửa thành không ra. Quân Tháo đánh thành hơn một tháng, lương ăn gần hết.

Tháo đưa thư sang vay Tôn Sách được mười vạn hộc lương. Quan coi lương là Vương Hậu thấy ít quá không đủ phát cho quân, vào bẩm với Tháo, hỏi xem nên làm thế nào?

Tháo nói:

- Ðem hộc nhỏ mà phát cho chúng nó, tạm cấp cứu lấy một lúc.

Hậu lại hỏi:

- Thế ngộ quân sĩ kêu ca thì nói thế nào?

Tháo nói:

- Ta đã có cách.

Hậu vâng lệnh, lấy hộc nhỏ đong lương phát cho quân.

Tháo cho người đi dò các trại, chỗ nào cũng thấy quân ta thán rằng: thừa tướng đánh lừa quân.

Tháo thấy vậy mật cho người ra đòi Vương Hậu vào bảo rằng:

- Nay ta muốn mượn ngươi một cái, để dẹp yên lòng quân, ngươi đừng nên tiếc.

Hậu hỏi:

- Thừa tướng muốn dùng cái gì?

Tháo nói:

- Ta muốn mượn cái đầu ngươi để dẹp yên lòng quân.

Hậu thất kinh, kêu oan, Tháo lại nói:

- Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến, sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta nuôi cho, ngươi đừng lo.

Vương Hậu muốn nói nữa, nhưng Tháo đã gọi ngay đao phủ vào lôi Hậu ra ngoài cửa chém rồi bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: Vương Hậu cố tình làm đấu nhỏ, để ăn cắp lương vua, nay chiếu quân pháp trị tội.

Bởi thế quân sĩ không oán gì nữa.
..........

* Đọc chuyện xưa, nghĩ chuyện nay: Có lẽ cũng nên "chém" vài viên quan "giữ lương" thời nay để làm yên lòng dân.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2008

Lại chuyện sách...

Trưa, đếch ngủ được chat với Tien Long mới chợt nhớ ra là phải ghi sổ nợ một số đứa em đang mượn sách của mình. Trí nhớ dạo này kém, tiện có cái blog, tội gì mà không ghi lại khỏi quên. Mấy đứa bị hài tên trên bảng “phong thần” chắc cũng không nỡ lấy luôn mấy cuốn sách của mình. Cũng chẳng có cuốn sách nào ghê gớm. Thôi, nào mời các “thần” ra “chiếu” ngồi nhá:

- Đầu tiên là em Diepvi đang cầm cuốn Thao Thức. Cuốn này nguyên thủy là thằng Nguoilangbat mượn đọc trong thời gian công tác ở TPHCM, đọc chưa xong cầm ra HN, chả nhớ nguyên nhân nào khiến nó lạc đến tay em Diepvi. Nói chung, thế là may rồi, cũng còn biết giờ này cuốn sách đó ai cầm.

- Tiếp theo là thằng Pin Pin. Hôm nọ cũng mới chat với nó rồi. Nhưng mà nó chỉ thừa nhận cầm có 2 cuốn “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” và “Hồi ký Trần Văn Đôn”. Ừ thì 02 cuốn, nhưng mà nhớ trả cả mấy cái đĩa DVD cho anh nữa nhá. Đòi là đòi thế thôi, lúc nào mày tiện thì cầm qua cho anh, anh biết rằng là nếu đòi mày “rát” quá mày sẽ không trả anh luôn, nên anh cũng biết điều mà...Pin nhỉ ! Tao hứa là sẽ cho mày mượn lại cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” mà, còn nhiều phim hay nữa đấy!

- Giờ là cô Malibu. Cô suốt ngày kêu ca em bận rộn nhưng cứ đòi mượn sách bằng được. Anh nhớ là cô cầm 2 cuốn Trọn bộ tiểu thuyết Nguyễn Khải, cuốn “Thượng đế thì cười”, tùy bút “Nghĩ muộn” và 2 tập từ điển anh cho cô mượn photo và nhân thể nhờ cô photo cho Tien Long. Chả biết bao giờ cô mới hết bận nhể ?

- ThaoLu thì cầm của anh cuốn Huynh đệ tập 2 và cuốn “Cai” của Vũ Bằng. Chả biết mày vứt cái cuốn “Cai” ở đâu rồi nữa. Anh thích cuốn này vì nó cũ thôi, dạo này hơi ghét sách mới!

- Tí nữa thì quên, thằng Nhã còn cầm cuốn “Quyền lực thứ tư” nữa nhể ?

Tạm thế đã nhá. Bạn nào có mượn sách mà chưa có tên trong này thì tự giác nhận đi nhá! Tớ nhớ ra là tớ bổ sung đấy !