Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Trách nhiệm của tư nhân khi tham gia liên kết xuất bản

Mấy hôm nay cư dân mạng ồn ào vụ em LKN và cuốn sách “Sợi xích” của NXB Hội Nhà văn. Một số ý kiến phản ứng cho rằng em nó muốn ồn ào, tạo scandal để bán sách và quảng bá bản thân. Một số ý kiến lên án trách nhiệm của NXB Hội Nhà văn đã vì lợi nhuận trước mắt mà để lọt một tác phẩm “dâm thư” ra thị trường. Ở đây tớ không bàn nhiều về nội dung cuốn sách (vì tớ chưa đọc hết toàn bộ mà chỉ đọc một trích đoạn trên blog Cogaidolong). Tuy nhiên, qua vụ việc này tớ thấy rằng hoạt động xuất bản ở VN vẫn còn có kẽ hở trong hoạt động liên kết xuất bản giữa tư nhân với các nhà xuất bản. Tại điều 20 của Luật Xuất Bản năm 2004 quy định:

Điều 20. Liên kết trong lĩnh vực xuất bn

1. Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.

2. Giám đốc nhà xuất bản tổ chức biên tập hoàn chỉnh và ký duyệt bản thảo trước khi đưa in, ký duyệt xuất bản phẩm liên kết trước khi phát hành.

3. Tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản quy định tại khoản 1 Điều này được đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết.

Theo quy định của điều 20 thì có thể hiểu rằng: NXB được phép liên kết với tư nhân trong hoạt động xuất bản; NXB chịu trách nhiệm chính đối với ấn phẩm khi xuất bản: Tư nhân chịu trách nhiệm liên đới đối với ấn phẩm của mình đem đến liên kết xuất bản. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay mọi hoạt động xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xuất bản đều nhằm vào các NXB bởi 02 lý do: Giám đốc NXB là những người thuộc cơ quan Nhà nước do vậy hình thức và biện pháp xử lý sẽ dễ dàng thực hiện hơn; Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ ràng và cụ thể về cái gọi là “trách nhiệm liên đới” của tư nhân ở trong Luật xuất bản. Cho đến tận “Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản” ban hành vào tháng 6/2008 cũng chẳng có một chế tài nào đối với tư nhân trong quá trình tham gia hoạt động xuất bản 01 ấn phẩm sai phạm mà vẫn chỉ nhăm nhăm vào GĐ các NXB. Tớ cho rằng điều này là hoàn toàn chưa công bằng và là một thiếu sót lớn trong việc tạo ra bộ lọc các ấn phẩm xấu trước khi đến với các NXB.

Hoạt động liên kết xuất bản giữa tư nhân và NXB là hoạt động đôi bên cùng có lợi: Tư nhân tham gia bản thảo để thỏa mãn nhu cầu xuất bản của mình và phát hành để thu lợi nhuận; NXB có thêm nguồn bản thảo phong phú và cũng thu được một phần lệ phí cho hoạt động của mình. Vậy thì tại sao khi có ấn phẩm xấu của tư nhân bị phát hiện mà lại chỉ có NXB bị xử lý? Với những tác phẩm xấu khi phát hành trên thị trường thì tư nhân cũng sẽ bị xã hội lên án hay NXB cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Tuy nhiên, tớ cho rằng không nên trông chờ vào “đạo đức” của tư nhân cũng như hy vọng vào sự nghiêm cẩm của các Biên tập viên hay sự gìn giữ thương hiệu của các NXB một cách hình thức. Mặc dù đặt trách nhiệm của các NXB lên cao nhất nhưng rõ ràng cũng cần phải có hình thức chế tài rõ ràng đối với trách nhiệm của từng bên, cụ thể như cá nhân đưa bản thảo xấu đến NXB cũng phải chịu hình thức xử lý của pháp luật, cty liên kết xuất bản đưa bản thảo xấu đến NXB cũng phải có chế tài để xử lý thật nghiêm.

Làm được như vậy là chúng ta đã tạo thêm được bộ lọc nhất định bằng pháp luật để loại bỏ không ít những ấn bản xấu của tư nhân khi muốn đưa ra thị trường. Tớ tin rằng chẳng người đọc có tri thức nào lại phản đối điều đó.