Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Entry for May 20, 2008 - Đọc báo - Văn hoá

"Đây là cuộc chơi đầu tiên của giới ảo thuật gia cả nước, xã hội hóa toàn bộ, từ người tham dự, nhà tổ chức đến kinh phí. Tại lễ bế mạc liên hoan tối qua, phần thưởng cho ba giải cao nhất chỉ có ... 2 triệu đồng/giải. 4 đêm người bay, cắt thân người làm ba, biến không thành có, cũng nhiều “tai nạn nghề nghiệp”, nhiều ngón trò bị hở sườn nhưng trên hết là niềm đam mê của các “David Copperfiel Việt Nam” và niềm vui từ khán giả. Đam mê và niềm vui ấy nếu đem so với giải thưởng cao nhất 2 triệu đồng mà họ nhận tại buổi bế mạc tối qua (17/5) thì thật là phung phí! Diễn ra từ 13 - 17/5 tại Hà Nội với 50 nghệ sĩ ảo thuật thuộc 20 câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật tham gia. Phần lớn nghệ sĩ tham gia Liên hoan đến từ các gánh xiếc tư nhân và có thể chỉ là 1 - 2 người hoạt động tự do. Người dân rất yêu thích ảo thuật nhưng các “David Copperfiel Việt” vẫn chưa để lại ấn tượng gì nhiều...." (Bài viết "Giải thưởng cao nhất LH ảo thuật toàn quốc: 2 triệu đồng" đăng trên báo Tiền Phong).

"Người nổi tiếng luôn được dư luận chú ý, và càng chú ý hơn nếu họ tự nói về mình. Xuất bản tự truyện, hồi ký có thể là nhu cầu tự thân của người viết (muốn giãi bày) và của độc giả (thích "nhòm qua lỗ khóa"). Nhưng đến nay, nhiều cuốn hồi ký dù được ồn ào tuyên bố ấy vẫn còn nằm... dưới đáy lọ mực....xuất bản hồi ký, nếu không phải là thứ "si-rô" ngòn ngọt thì người viết có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều "rào cản" (rào cản về dư luận, về văn hóa, về chính trị). Trên thực tế, có những cuốn hồi ký, tự truyện đã bị thu hồi vì cơ quan chức năng cho rằng "chưa phù hợp thời điểm để xuất bản". Có những cuốn chỉ phát tán trên mạng internet và các webiste "không chính thống". Có những cuốn mãi mãi nằm im trong ngăn kéo...." (Bài viết "Sốt ảo hồi ký người nổi tiếng" đăng trên báo Thanh Niên).

"Những năm gần đây, phản biện xã hội trên báo chí đã có những hơi hướng của marketing chính trị và kinh tế một cách gián tiếp. Về bản chất, những phản biện loại này không phải lúc nào cũng có hình thức phù hợp với những sự chọn lựa mang tính định hướng chiến lược về chính trị, kinh tế và văn hóa....Một thái độ phản biện có tính xây dựng bao giờ cũng tức thời, vì những phản biện nhanh nhạy dù rụt rè và chưa hoàn chỉnh vẫn có giá trị cảnh báo, ngăn chặn sớm những sai lầm và lãng phí. Thế nhưng ở ta có một loại phản biện đặc biệt là phản biện vuốt đuôi, do người viết quá thận trọng, quá khôn ngoan hay có một ý đồ riêng nào đó. Những người phản biện mai phục, phản biện vuốt đuôi không lên tiếng ngay khi vấn đề nảy nở trong tư duy của họ, mà chờ đến thời cơ nhất định mới tung vấn đề ra như kích hoạt một quả mìn nổ chậm đã gài vào lô cốt địch. Khi ấy, những ý kiến phản biện đúng cũng bắt xã hội đi vòng lại một chặng đường xa, những ý kiến phản biện sai sẽ gây rối loạn vì nguy cơ đảo ngược thế cờ, những ý kiến phản biện kiểu ăn theo nói leo một cách hùng hồn cũng làm rối trí những người có trách nhiệm bởi cách nói mạnh mẽ của người nói chậm. Trước đây, khi chưa có mạng Internet, các phản biện nặc danh nhân danh quần chúng hầu như không có, vì khi in ra ý kiến độc giả các tòa soạn phải có thư bạn đọc trong tay với tên tuổi và địa chỉ rõ ràng. Nếu có ai muốn bịa ra ý kiến độc giả thì cũng phải nhờ bạn bè, hàng xóm hay vợ con đứng tên. Từ khi có mạng Internet, mỗi người có thể làm một Tôn Hành Giả nhổ lông thổi phù thành hàng trăm độc giả ký những cái tên nặc danh thời thượng gắn với địa chỉ a-còng. Thành ra, có những tờ báo in hàng chục, hàng trăm ý kiến phản biện của độc giả, nhưng chẳng ai biết được đó thực ra có phải là ý kiến của một vài người thường xuyên nặc danh bằng Gmail hay Yahoo hay không....(Bài viết "Phản biện xã hội trên báo chí" đăng trên báo Công an Nhân dân").

"Một giờ khuya, tại một đám tang ở chung cư X, quận 8. “Cuộc vui” đã tưng bừng ở mức đỉnh điểm. Một “người đẹp bưởi Năm Roi từ Thái Lan về” ưỡn ẹo bước vô “sàn diễn”. Cả đám đông đều trố mắt nhìn, vì “cô” chỉ mặc trên người hai mảnh bikini mỏng manh! Tiết mục “múa lửa” của “cô”, trước đầu quan tài, chốc chốc cứ bị gián đoạn vì những bàn tay “đen đúa” nào đó cứ nhè hai bên dây cột của chiếc quần tắm mà giật, mà kéo…Chỉ sau vài ba bài nhạc sến có vẻ “đám ma” cho có lệ, chương trình văn nghệ lập tức bùng lên bằng những bài “kích động nhạc”. Sau những bước dò dẫm mà không thấy một phản ứng nào của gia chủ, các “em” ca sĩ “nhồi” ngày càng dồn dập những bài hát có nhịp điệu sôi nổi, rộn ràng. Một hai anh chàng đang ngồi nhậu bỗng nổi hứng bỏ bàn nhảy vào “sàn diễn” nhảy với các ca sĩ, kéo theo cả một đám đông hứng khởi nhảy nhót. Khoảng hẻm trước đầu quan tài nhanh chóng trở thành một sàn nhảy “đít cô tè que” sôi động, hú hét…(Bài viết "Múa sexy ở đám tang!" đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị).

"Khoa học và Phật giáo vốn có những phương thức khác biệt rất cơ bản trong việc nghiên cứu thực tại. Trên bình diện khoa học, tri thức và luận lý nắm giữ những vai trò then chốt. Khoa học thu lượm những hiểu biết về thế giới thực tại rồi cô đọng chúng lại thành những quy luật có thể kiểm chứng được...Trong khi khoa học chỉ bận tâm về thế giới khách quan thì mối quan tâm chính yếu của Phật giáo là cái ngã tự thân. Thay vì chẻ nhỏ thực tại ra thành từng bộ phận khác biệt như phương pháp quy giản của khoa học, Phật giáo với phương thức tiếp cận toàn bộ sự vật mà mục đích là để hiểu chúng như một tổng thể nguyên trạng. Phật giáo không cần đến những thiết bị đo lường và cũng không cần nương tựa vào bất cứ phương tiện quan sát tinh vi nào vốn là xương sống của nền khoa học thực nghiệm. Nó thiên về định phẩm hơn là định lượng....Tuy nhiên, sự khác biệt chính yếu giữa sự theo đuổi kiến thức trong khoa học và Phật giáo là do ở những mục tiêu rốt ráo của chúng. Mục tiêu của khoa học là tìm hiểu về thế giới hiện tượng. Trọng tâm chính yếu của nó là những kiến thức về vũ trụ vật lý, được xem như mang tính khách quan và có thể xác định số lượng, cũng như nhằm đạt đến việc kiểm soát thế giới tự nhiên. Ngược lại trong Phật giáo, kiến thức được thu nhận chủ yếu chỉ nhằm vào những mục đích trị liệu. Mục tiêu của Phật giáo vì thế không phải tìm hiểu vũ trụ vật lý cho lợi ích của riêng mình mà chỉ để nhằm giải phóng nhân sinh ra khỏi những khổ đau hệ lụy gây ra bởi sự dính mắc thái quá vào cái thực tại biểu kiến của thế giới ngoại tại. Những tra vấn mang tinh thần thực nghiệm được thúc đẩy bởi tính tò mò tri thức không phải là mục tiêu chính mà Phật giáo nhắm đến. Thay vào đó, họ muốn hiểu rõ bản tánh chân thật của vạn pháp để có thể xóa tan đi đám mây mờ vô minh và mở ra cánh cửa vào giác ngộ và con đường giải thoát.... (Bài viết "Khoa học và Phật giáo: Có nền tảng cho một cuộc đối thoại?" đăng trên báo Người Lao Động).

"Những chương trình xúc động. Những game show hào nhoáng. Những bộ phim truyền hình lộng lẫy. Mỗi ngày khán giả đều cảm thấy được no đủ với công nghệ giải trí trong nhà mình, chỉ qua một cái tivi. Nhưng ít ai biết rằng, góp phần làm nên những giá trị láng bóng đó cho các kênh truyền hình là đội ngũ hùng hậu những người được coi là trí thức. Khán giả sẽ gọi tên MC dẫn chương trình, gọi tên diễn viên đóng vai chính và có thể coi đó là show, là phim của những gương mặt hấp dẫn ấy. Nhưng để có cái cho MC hay diễn viên diễn trước ống kính là một chặng đường khổ ải của những người viết kịch bản. Họ làm việc như những trí thức nghiêm túc nhất, nhưng được trả công như những công nhân bình thường nhất. Chất xám trong công nghệ truyền hình đang bị... bạc đãi..." ( Bài viết "Chất xám trong công nghệ truyền hình-Sự bèo bọt của tri thức" đăng trên báo CAND).

"...Tình trạng đạo văn không chỉ có ở sinh viên. Rất nhiều người được coi là học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu…đã nêu những tấm gương xấu về đạo đức nghề nghiệp. Có những vụ đạo văn trắng trợn mà báo chí đã nêu, nhưng cũng có những cách đạo văn “tinh tế” hơn - như một vị phó giáo sư thuê người giỏi ngoại ngữ dịch sách rồi mượn cớ “hiệu đính” để đứng tên đồng dịch giả, hay lấy luận án của học trò đem sửa lại in thành sách của mình. Hoặc nữa, có những “học giả” nghiễm nhiên lấy ý tưởng của người khác viết thành công trình của mình. Ngoài ra, còn phải nói đến một “cách làm” khác rất đáng trách mà hiện nay chúng ta vẫn thấy bình thường, đó là “Việt hóa” các giáo trình của nước ngoài để làm giáo trình của mình. Nếu căn cứ vào những tiêu chí và thông lệ quốc tế, những cuốn giáo trình như thế về bản chất cũng là sản phẩm đạo văn...." (Bài viết "Nguồn gốc văn hóa của đạo văn" đăng trên website Viet-studies).

"...Theo thống kê của các cơ quan quản lý thì từ năm 1988 (năm đầu tiên có cuộc thi hoa hậu) đến nay, đã có trên dưới 40 cuộc thi hoa hậu từ cấp địa phương tới trung ương được tổ chức, từ các hoạt động tôn vinh người đẹp các ngành tới các cuộc thi bên lề các sự kiện lễ hội. Con số này cho thấy sự quan tâm của xã hội trong việc phát hiện và tôn vinh nét đẹp, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2007, chúng ta đã tổ chức tới gần 10 cuộc thi hoa hậu. Và điều đáng buồn là cùng với sự gia tăng về số lượng thì những chuyện lình xình quanh các cuộc thi cũng theo cấp số nhân. Thực tế này khiến cho giá trị của chiếc vương miện ngày càng giảm, chưa nói tới việc người ta cảm thấy ngao ngán khi liên tục gặp những cuộc thi na ná nhau và tình trạng "ra ngõ gặp… hoa hậu"....(Bài viết "Thi hoa hậu, người đẹp: Bao giờ mới hết lình xình?" đăng trên báo Văn nghệ CAND).

"...Theo nhận định của Ban giám khảo, chính vì không nắm được hồn ca khúc nên các thí sinh mới có sai sót trong kỹ thuật biểu diễn, cách xử lý bài hát. Không khí cuộc thi căng thẳng nhưng cũng có rất nhiều tình huống làm khán giả không khỏi phì cười. Trước câu hỏi “Em hiểu gì về bài hát Quạt giấy?" của NSƯT Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Thu Hiền hồn nhiên: "Thưa thày, thưa bác, thưa anh, theo em, do đêm hè mất điện, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương muốn có điện để bật điều hòa nhưng không được nên mong có một chiếc quạt giấy để quạt cho mát". Đinh Ứng Phi Trường thật thà bộc bạch, anh đã tan vỡ ba mối tình ở tuổi 24, nên thích chọn những bài hát giống tâm trạng mình như Đổi thay - bài hát về cuộc tình không trọn vẹn...." (Bài viết "Sao Mai Điểm hẹn vòng một: ‘Sao’ chưa ló rạng" đăng trên báo điện tử VN Express).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét