Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Từ tình báo sang báo chí!

Có một cuốn truyện tình báo Mỹ mà mình rất thích, ấy là cuốn "Quyền lực thứ tư" của J.Archer. Tuy nhiên, nội dung của cuốn này lại đậm chất báo chí vì nó mô tả thế giới ngầm của quyền lực truyền thông và sự khéo léo của KGB trong việc xây dựng và sử dụng một ông trùm truyền thông. Nói chung là cuốn nào của J.Archer thì mình cũng thích cả :)

Nối mạch từ tình báo sang báo chí thế là cũng ổn rồi nhỉ?...Còn quên mất một ý, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn khi vào vai Nhà báo đã rất thành công khi thu thập tin tức tình báo. Cá nhân mình nghĩ, nghề báo và tình báo cũng gần giống nhau. Chỉ có một điểm khác: nhà báo thì đưa tin, bài lên báo còn tình báo thì phân tích và báo cáo nội bộ. Tuy nhiên, cả hai nghề này đều đòi hỏi kiến thức cơ bản phải rất tốt để nắm vững vấn đề, có khả năng tư duy logic tốt để phân tích và dự đoán chính xác. Bên cạnh đó, nếu một nhà báo (tình báo) giỏi cũng cần phải biết tổng hợp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cho riêng mình để từ đó có khả năng phân tích và dự đoán được tương lai xa hơn bởi lịch sử luôn là những "sự lặp lại" - bản chất vấn đề vẫn luôn vậy chỉ có sự kiện là khác đi.

Giờ qua giới thiệu bộ sách báo chí của TTXVN. Thật tình mà nói thì bộ sách này chưa hay nhưng thử hỏi trong số vô vàn các cuốn sách xuất bản hàng năm ở VN chưa đếm nổi trên đầu ngón tay các cuốn sách dạy nghiệp vụ báo chí. Vì vậy cũng nên thừa nhận nỗ lực của NXB Thông tấn khi cho xuất bản được 1 bộ sách nghiệp vụ (dù là dịch của Nga).

Trong làng báo đến giờ này thì bác Trần Đình Bá vẫn thuộc loại "cứng", tuy sách của bác thì không hay lắm. Cho nên mới nói: Đâu phải cứ làm báo hay là viết sách giỏi.

Nhân tiện giới thiệu luôn vài cuốn sách về báo chí, có thể làm tư liệu tham khảo:

Nói về nghề làm báo thì không thể chối cãi rằng nghề này trong Nam làm tốt hơn ngoài Bắc. Thời trước 75 đã từng có rất nhiều chủ báo gây ảnh hưởng lớn đến chính quyền Ngụy và phong cách làm báo trước giải phóng vẫn còn in dấu ở trong làng báo phía Nam hiện nay.

Cũng không thể bỏ qua làng báo chí của người Việt ở Hải ngoại với những tờ báo giữ lại những "lát cắt" lịch sử của Miền Nam Việt Nam sau năm 75. Có thể kể đến những tờ như Tạp chí Văn (ban đầu là Mai Thảo sau chuyển cho vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hoàng) và Hợp Lưu (ban đầu là Khánh Trường, sau nội bộ lục đục thì mất chất văn nghệ).



(Note bên FB đem về)

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Sách tình báo

Thấy thằng Hoàng quay ra tìm đọc "Ông cố vấn" của Hữu Mai nên hơi lạ, hỏi thì nó bảo đợt này thích tìm sách tình báo đọc lại. Bữa rồi cũng giật gân câu khách trên wall bảo show hàng sách tình báo ở nhà, biết rằng trước sau nếu có cuốn nào nó chưa đọc sẽ bị mượn nhưng..."sách mà...".

Sách (truyện) tình báo thì thời trước hay nhắc đến bộ "Ván bài lật ngửa" của Nguyễn Trường Thiên Lý (tức ông Trần Bạch Đằng) viết về đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo. Thời bé thì cũng có thấy nhắc đến cuốn X30 phá lưới (chả nhớ của tác giả nào) và Ông cố vấn (của Hữu Mai). Hình như bác Hữu Mai cũng khá có duyên với các câu truyện và nhân vật tình báo nên không thể không kể đến cuốn "Đêm yên tĩnh".

Thời gian mấy năm trước rộ lên sách (truyện) tình báo với truyện ký "Phạm Xuân Ẩn - cuộc đời như tên gọi" của chị Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về thiếu tướng Trần Văn Trung (Hai Trung hay thường gọi là Phạm Xuân Ẩn). Thực ra, theo góc nhìn của cá nhân thì ông Ẩn đã xuất hiện từ rất lâu trước đó trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khải. Cuốn "Phạm Xuân Ẩn - cuộc đời như tên gọi" nằm trong bộ 3 cuốn (2 cuốn sau là "Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo" và "Đại tướng Mai Chí Thọ"

Viết về ông Ẩn còn có 2 tác giả nước ngoài mà trong đó cuốn của Larry Berman là nổi đình nổi đám (vì được PR) nhiều nhất, trong khi một góc nhìn khác của nhà báo Pháp tại Miền Nam Việt Nam lúc đó là Jean Claude Ponmoti lại ít được quan tâm.

Nhắc đến những câu chuyện tình báo thì không thể không nhắc đến Nguyễn Hùng với bộ truyện của ông về Bảy Viễn, về tướng Nguyễn Bình và "sư thúc Hòa Hảo"

Cuốn "Điệp viên giữa sa mạc lửa" của Nhị Hồ cũng vẽ lại bức tranh tình báo giao thời Pháp - Mỹ ở tại Miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra cũng phải kể đến các cuốn sách của các tác giả nước ngoài viết về CIA và cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Và một vài góc nhìn của các cá nhân đã từng tham gia lịch sử

Cuốn sách "Cuộc tháo chạy tán loạn" của Frank Snept (nguyên là nhân viên tình báo CIA tại Miền Nam Việt Nam trước khi Giải phóng Sài Gòn) cũng là một cuốn sách được nhiều người quan tâm.

Cuốn "Kế hoạch phản gián CM12" lại là một cuốn sách nói về câu chuyện phản gián thời kỳ sau 75, về tổ chức đấu tranh chống lại tình báo Hải quân Thái Lan, Trung Quốc và cả Mỹ đứng sau Mặt trận giải phóng dân tộc của Hoàng Cơ Minh, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh.

Bonus thêm cuốn về KGB



(Note bên FB đem về)

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Gửi con gái Yên Khuê

Gửi con ngày khai trường

Một mùa thu lại đến, một mùa tựu trường và mùa của những âu lo.

Mùa thu đến mang theo hương cốm, mang theo gió heo may và nắng vàng rực rỡ. Mùa tựu trường với những tiếng trống rộn rã, tiếng nhạc quốc ca vang lên hùng tráng. ..

Mùa của âu lo, vì những bước chân bé nhỏ chập chững những bước đầu tiên đi học, những bàn tay bé nhỏ níu vạt áo mẹ, níu tay bố... Mỗi một người mẹ, người cha khi lần đầu đưa con đi học đều có những vui mừng, hạnh phúc vì con đã khôn lớn hơn, những bồn chồn lo lắng không biết con có khóc, có ngoan, có chịu chơi hay không.

Khi mẹ quyết định cho con đi học, mẹ đã phân vân để chọn cho con một môi trường học tập lành mạnh, một nơi với những tình yêu thương tràn đầy, một nơi để con luôn cảm thấy như đang ở nhà, một nơi mà con có thêm rất nhiều người Mẹ, để con luôn cảm thấy thân quen và gần gũi.

Mẹ cũng đã thấp thỏm mong cuối ngày để đón con, để nhận thấy những tiến bộ của con, để thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt con khi kể về cô giáo đã dạy con múa hát, đã dạy con tự đi giày mà không cần đến sự giúp đỡ của cô. Cả một năm đầu tiên đi học, con thật hạnh phúc với tình yêu và sự quan tâm của các cô. Con thấy vui và suốt ngày líu lo những bài hát ở trường, những đồ chơi và những người bạn mới của con.

Một năm đầu tiên trôi qua, bước chân con vẫn chập chững nhưng đã mạnh dạn hơn nhiều để chuẩn bị cho một năm học mới, cho một lớp học mới khi con sang tuổi mới. Chia tay lớp Gấu bông khi con gái của mẹ bước sang tuổi thứ 3, cái tuổi mà cái gì cũng hỏi, cái tuổi mà con đã muốn thể hiện sự độc lập và cá tính của mình. Con đã có nhiều hiểu biết hơn về thế giới quanh con. Con được thể hiện sự độc lập và năng khiếu của mình bằng sự động viên khuyến khích cô giáo. Thế giới quan của con đã phong phú hơn, tâm hồn con cũng biết thể hiện rất nhiều cảm xúc. Con đã luôn nhắc nhở mẹ quan tâm đến các bạn có hoàn cảnh khó khăn, con đã biết động viên mẹ khi thấy mẹ buồn. Con thương mẹ bằng một cái nắm tay nhỏ xíu, bằng một nụ hôn thơm mùi sữa.

Con háo hức mỗi buổi sáng đi học, con thích được múa hát, thích được vẽ những điều con nhìn thấy và tưởng tượng.

Khi con học lớp Mầm, là khi mẹ sinh hai em bé. Mẹ không còn nhiều thời gian dành cho con. Mẹ quan tâm đến con ít hơn, mẹ không còn đưa đón con đi học mỗi ngày. Mẹ vẫn biết là mẹ có lỗi, nhưng mẹ tin con hiểu và thương 2 em bé. Vì khi mẹ hỏi: "con có buồn không?", con nói "vì mẹ bận 2 em mà". Mẹ biết, sự cảm thông và chia sẻ của con nhờ công chăm sóc và dạy dỗ rất nhiều của các cô.

Một điều thật hạnh phúc với Mẹ, đó là con đã được là học sinh giỏi, ngoan với những bông sen thơm phức trong sổ liên lạc. Là những món quà con tự tay làm tặng mẹ nhân ngày sinh nhật, nhân ngày 8-3... Mẹ đã cảm ơn con và thấy vui. Con đã cho biết giá trị của sự quan tâm dù nhỏ nhất cũng khiến tim Mẹ như thắt lại.

Chia tay Mầm, con bước vào lớp Chồi. Con đã tự đi mà không cần mẹ dắt, con đã sải những bước chân mạnh mẽ, con đã biết phân biệt tốt, xấu, thiện, ác. Con đã biết trao yêu thương và nhận lại yêu thương. Năm lớp Chồi, các cô có nghiêm khắc hơn, nhưng các cô muốn các con trở thành một con người vững vàng và bản lĩnh để sau này các con trở thành người lớn, các con sẽ là người có ích cho xã hội, cho gia đình. Có những lúc con mếu máo khóc vì cô nghiêm khắc, nhưng sau đó con cũng lại tự nói :" Vì tụi con quậy phá quá". Con đã hiểu được những khó khăn, và cũng đã biết vượt qua khó khăn và không đổ lỗi cho ai.

Con học một năm, năm đó con đã tự tay viết một tấm thiệp tặng Mẹ. Con đã biết chia sẻ với cô vì thấy cô mệt. Con làm được những điều đó, vì con đã được sự hướng dẫn và sự dạy dỗ tận tình và chu đáo của cô.

Bước sang tuổi thứ 5, con đã là lớp đàn anh của trường. Con biết nhường nhịn các em lớp dưới, con biết phải là tấm gương tốt để các em noi theo. Con được học tiếng Anh, và đã chào hỏi mẹ bằng những câu tiếng Anh ngắn. Một sự tiến bộ rõ rệt trong giao tiếp và ngôn ngữ của con. Mẹ chỉ biết thầm cảm ơn các cô giáo.

Năm cuối, con chuẩn bị cho một môi trường học tập khác, nhưng mẹ cảm nhận thấy con không lo lắng và sợ. Hàng ngày, trong những bài giảng của cô, con đã biết rằng sự khôn lớn của con bắt đầu từ việc học tập. Từ sự học ăn, học nói dến sự học hỏi kiến thức và tri thức của nhân loại. Con đã biết làm những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Những việc mà chỉ có thể có người lớn cùng làm. Mẹ biết, con đã luôn yêu thương và ngoan ngoãn.

Ngày ra trường, con được mặc bộ đồ tốt nghiệp. Mẹ thấy con lớn và chững chạc hẳn. Không còn là cô bé hay khóc. Cả trường làm lễ chia tay các con, cô khóc, bạn khóc vì khi các con không học Mầm non, các con sẽ mỗi bạn về một trường để học chữ. Các con không còn đi học và học cùng nhau, các con sẽ có nhiều cô giáo mới, nhiều bạn mới. Các con sẽ được học viết, học làm toán, học những kỹ năng khác để làm hành trang cho cuộc sống của các con. Các con sẽ có những cấp học mới, những môi trường mới và thời gian sẽ thay đổi không ngừng. Con sẽ không còn là một cô bé con như ngày đầu đến trường. Nhưng mẹ tin rằng, ký ức của con về ngôi trường Mầm non sẽ không phai mờ. Những ký ức về các cô - những người Mẹ thứ 2 của con, về những người bạn trai, bạn gái cùng học, cùng chơi. Những ký ức Tuổi thơ tại ngôi trương thân yêu này sẽ là hành trang cho con trong suốt cuộc đời.

Mỗi lần đi học qua, con vẫn hát "Chúc mừng sinh nhật", và ước: "Ước gì con được về học lại ở trường".

Yêu con, và yêu nơi con đã lớn khôn.