Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

tiếp tục...NUDE VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ KHOẢNG CÁCH TRONG TRUYỀN THÔNG

Note của Khải Đơn trên Facebook.




Tuần trước tôi đã nói về khái niệm Media Feeding Frenzy, với câu chuyện của những người nổi tiếng, trong đó có chuyện người mẫu Ngọc Quyên nude vì môi trường.
Vì độ “hot” của đề tài này, tôi lại tiếp tục nhớ về cô. Có 4 bài báo sau: “Ngọc Quyên nude 100% để...bảo vệ môi trường”(Vietnamnet); “Siêu mẫu tuyên bố sẽ “chịu và chấp nhận” tất cả những lời chê, chửi bộ ảnh nude của mình” (afamily.vn), “Ngọc quyên nude: bảo vệ môi trường hay gây sự chú ý?”(giadinh.net), “Tác giả bộ ảnh Ngọc Quyên nude toàn thân nói gì?” (Vietnam+) Tôi chọn 4 bài viết này vì nó đi theo tiến trình thời gian của diễn biến vấn đề, theo sự quan tâm của độc giả và sự đeo bám của truyền thông.
 
Bài viết thứ nhất của Vietnamnet mô tả câu chuyện, phỏng vấn một vài quan điểm của Ngọc Quyên khi cô quyết định tung bộ ảnh này ra công chúng. Đây là bài viết cung cấp thông tin bình thường, tất nhiên là “hot” hơn nhờ vào bộ ảnh chen lẫn các lời giới thiệu đơn giản.
 
Trong một bài luận tên “Proper Distance: Towards an ethics for cyberspace” của tác giả Roger Silverstone, ông có đề cập đến câu chuyện tương tác của người đọc và đối tượng được mô tả trong sự kiện truyền thông. Đối tượng được mô tả trong sự kiện truyền thông ở đây là Ngọc Quyên. Sau bài viết mô tả trên Vietnamnet, như cách thức một bài thông tin thông thường trên mạng, khán giả sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ câu chuyện này, vì tò mò, vì muốn hiểu thêm, và cả vì phán xét cô người mẫu này với hành vi ấy. Sự đòi hỏi này được học giả Silverstone gọi tên là khoảng cách. Roger viết trong tiểu luận của mình như sau: “Khoảng cách thích hợp là khái niệm mang tính phê bình hàm chỉ và liên quan đến việc tìm kiếm đầy đủ thông tin và thấu hiểu về người khác hoặc văn hóa khác để có trách nhiệm và quan tâm hơn đến nó, cũng như để có thể kích hoạt các hành động, từ việc có đầy đủ thông tin, và ngược lại sẽ gây tác động đến sự kiện đó. Chúng ta phải ở gần, gần gũi nhưng ko quá gần, phải đứng xa, nhưng ko được quá xa.”
 
Trong nhu cầu tìm kiếm thêm thông tin này, bài viết tiếp theo, phỏng vấn người mẫu Ngọc Quyên, sau khi phản ứng dữ dội của khán giả được tung lên khắp các diễn đàn trên mạng. Ngọc Quyên đã có các trả lời liên quan đến thuần phong mỹ tục, quan điểm, ý tưởng của cô, đáp lại các bình luận của người xem và báo giới. Bài viết thứ hai này cũng đã cho thấy gương mặt rất rõ nét của khán giả truyền thông qua internet. Internet đã làm báo chí và truyền thông cắt bỏ đi một khoảng cách vật lí rất rõ nét giữa thông tin và người đọc. Thông tin đi rất nhanh, trọn vẹn, với hình ảnh, âm thanh và các bài viết được cập nhật liên tục. Khác với tivi, radio và báo in trước kia, các phản hồi của khán giả, phản hồi của đối tượng trong tác phẩm báo chí nhanh chóng đến được với nhau một cách rõ nét. Khán giả post lại hình Ngọc Quyên ở nhiều diễn đàn khác nhau. Cô phản ứng trả lời. Bình luận tiếp tục xuất hiện. Tất cả là ưu thế của internet.
 
Nhưng cũng vì ưu thế này, cộng với tính chất vô danh trong biển thông tin, khoảng cách ko hợp lí – như Roger Silverstone đã định nghĩa – đã phá vỡ các chuẩn mực đạo đức của con người. Phạm trù đạo đức trong truyền thông trở nên gay gắt khi internet xuất hiện. Báo chí có thể “ném” vào độc giả những hình ảnh “thiếu thuần phong mỹ tục” (như 1 số người mô tả) vào độc giả. Đổi lại, độc giả cũng ném lại vào giới báo chí và cô người mẫu những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm trong các comment trên trang báo và mạng xã hội. Các giới hạn của trách nhiệm phát ngôn đã được mở rộng và phát triển một cách mất kiểm soát.
 
Roger Silverstone mô tả quan hệ của khán giả với nhân vật của truyền thông giống như quan hệ của mỗi cá nhân với các hàng xóm và những người lạ xuất hiện trong đời họ. Nếu như trong quan hệ thông thường, mỗi con người thường căn cứ quá nhiều vào sự xuất hiện vật lí của người đó để đánh giá họ (sự có mặt, sự quen thuộc, sự lạ lẫm..)  thì trong không gian truyền thông ảo, ngưuời ta lại đánh giá quá lố một người hoàn toàn xa lạ dựa trên sự xuất hiện hoàn toàn ảo của người đó trên các phương tiện truyền thông mạng, do thiếu đi sự xuất hiện vật lí của nhân vật và sự kiện đó.
Sự quá lố hoặc quá khích này lại không được phán xét bởi các giá trị đạo đức thông thường vì không có phản hồi, truy vấn nào quá dữ dội của chính nhân vật trong câu chuyện truyền thông ấy. Sự vô danh đã làm nhẹ đi các bậc thang trách nhiệm. Và theo đó, khi các nấc thang trách nhiệm bị hạ xuống, các khoảng cách ko đủ thích hợp, thì mức độ đạo đức của các phản ứng và quan hệ khán giả - nhân vật truyền thông cũng bị thay đổi nghiêm trọng.
 
Đến 2 bài viết sau, “Ngọc Quyên nude: bảo vệ môi trường hay gây sự chú ý?”; “Tác giả bộ ảnh Ngọc Quyên nude toàn thân nói gì?”, các phán xét về nghệ thuật hay ko nghệ thuật, gây sốc hay bảo vệ môi trường... từ phía độc giả đã được giới truyền thông “tương tác” lại nhân vật của họ, bằng những phán xét, câu hỏi, cụm từ như “chả liên quan gì đến môi trường”, “khiêu dâm”, “thất bại”, cũng như tìm cách làm thỏa mãn sự tò mò của khán giả bằng việc đào sâu thêm các bộc bạch của cả nhiếp ảnh gia và Ngọc Quyên. Khoảng cách ở đây đã được nối lại gần hơn, giữa khán giả và nhân vật. Và với khoảng cách gần hơn ấy, người đọc sẽ có những suy nghĩ khác, nhận định khác, cảm thông hơn hoặc gay gắt hơn, với câu chuyện cô người mẫu làm và quan điểm của cô.
 
Trong câu chuyện “nude vì môi trường”, khoảng cách thích hợp là mấu chốt căn bản để vấn đề truyền thông được nhìn nhận và đưa khán giả đến những hành xử hợp lí hơn về đạo đức con người.
 
Công nghệ đã góp phần rất cốt lõi vào việc đẩy nhanh sự gần gũi về thông tin lẫn con người lại với nhau. Tuy nhiên, cũng trong nấc thang leo rất nhanh của sự gần gũi ấy, trách nhiệm cá nhân của con người với đạo đức và hành xử đã liên tục bị từ chối và trở nên phức tạp bởi quá trình hiện đại hóa các phương tiện kĩ thuật. Khái niệm về “khoảng cách thích hợp” của Silverstone giúp giới truyền thông và tự thân khán giả dần định hình ra một mức độ thích hợp trong tiếp cận và phản ứng với thông tin, một cách có đạo đức và chừng mực.
 
Người ta có thể thoát khỏi trách nhiệm của mình bằng cách lạm dụng, phỉ báng thông tin và rồi tắt máy, thoát ra ngoài thế giới ảo. Nhưng sâu xa hơn, người ta ko thể thoát ra khỏi con người đạo đức chỉ bằng cách đơn giản là tắt máy tính đi. Sẽ có những chất vấn, những hố sâu, những tổn thương, những hiểu nhầm, kích động và cả các khoảng cách bất hợp lí. Silverstone viết: “Trách nhiệm bị chìm vào câm lặng khi sự gần gũi bị xói mòn, nó có thể cuối cùng được thay thế bằng sự oán giận khi đối tượng con người bị thay thế bằng một thứ hoàn toàn khác.”
 
Khải Đơn