Thứ Tư, 1 tháng 8, 2007

Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt (Phần 5)

Chủ nhật 4-8-1968



Ăn đói và thiếu thốn. Trưa hôm qua mỗi người chỉ được một bát bắp hầm. Anh bảo: “Giá đừng ăn thì lại đỡ đói”. Mình cũng thấy thế. Ăn xong về nằm lịm đi trên võng. Đói quá. Bực dọc vì đói thì không thể ngồi làm việc được. Mình rất sợ lãng phí thời gian. Mình muốn cứ thiếu thốn, cứ bận bịu thế này mà vẫn có những sáng tác tốt. Có khi chính những việc làm của mình sẽ kích động Anh, để Anh cũng say mê làm việc và quên bớt những gian khổ thiếu thốn. Nhưng đã có lúc mình bất lực. Mình cũng nằm dài và để thời gian vùn vụt trôi qua vô vị. Mình ngồi phắt dậy và rơm rớm nước mắt. Anh hỏi:

- Sao em khóc thế?

Mình chịu không trả lời được. Mở cuốn chép thơ của Anh đọc lại thơ tình và đọc lại bài “Đà Nẵng…”.

(...) Sáng nay Anh và anh Chất, và Thông lại xuống chợ Phú Thuận gùi gạo. Nghe nói địch rút rồi. Nếu chiều mai ba người không về thì sáng ngày kia mình, Trần Tiến (Chu Cẩm Phong - BT) và Tam sẽ xuống. Thế là phải xa anh hai ngày hai đêm. Chả thà sang báo Cờ Giải phóng thì lại đỡ. Đang ở với Anh, nay bỗng Anh đi. Cái nhà trở nên vắng lặng. Chắc mình cũng sắp phải xa Anh rồi (...). Phải nói ở gần Anh cũng thích nhưng trong hoàn cảnh này, gần nhau quá, hạnh phúc quá sinh chướng. Vả lại cũng làm mất thì giờ của nhau. Chẳng hạn có đêm muốn làm việc nhưng lại có Anh bên cạnh, không thể nào ngồi yên được. Nằm và nói những chuyện bâng quơ. Thế. Thế là giết thời gian. Rồi Anh mà ít sáng tác được hơn trước, người ta sẽ đổ tại mình.

Hôm nay muỗi quá phải chui vào võng có bọc dù nằm đọc lại “Bông hoa súng” của chị Thường (nhà văn Vũ Thị Thường - BMQ). Phải nói rằng chị Thường biết đưa những thực tế mới ở nông thôn vào truyện ngắn rất ghê. Những chuyện chính mình cũng đã thấy, đã suy nghĩ mà sao mình chưa hình thành được một truyện ngắn? Rõ ràng bà ấy có phong cách và truyện nào cũng đề lên được vấn đề cho người ta suy nghĩ… Chiều qua, nghe anh đọc một số đoạn các báo thế giới bình luận về phim “Vĩ tuyến 17” của Y-ven. Mình nghĩ mãi về sự say mê với nghệ thuật của nhà nghệ sĩ lớn đó. Phải có sự say mê và cái nhìn sắc sảo như ông ta. Bắt đầu từ mai, mình phải vượt lên mà ngồi viết mới được.

9-8-1968

Ly của mẹ,

Mẹ báo một tin để con mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu làm người lính chính thức của Tiểu ban Văn nghệ rồi. Hôm nay, ngày thứ nhất của cuộc đời mới. Hôm nay Ban (Ban Tuyên huấn Khu 5 - BMQ) đã quyết định chính thức cho mẹ ở văn nghệ. Thế là con ơi mẹ đã hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của cái nghề làm báo, cái nghề nó làm hỏng văn của mẹ. Dù mẹ làm một binh nhì (hiện nay) của văn nghệ, mẹ còn sung sướng gấp trăm lần làm một phóng viên ở 47HC. Mẹ đang rất ngỡ ngàng, dốt nát, nhiều khi ngu ngốc nữa về nhiều mặt của văn nghệ. Mẹ giận mình quá. Nhưng phải tiến dần.

Bắt đầu từ hôm nay. Từ hôm nay… Ly, bé Ly yêu dấu của mẹ ơi. Hôn con. Hôn con. Hôn con.

16-8-1968

Mưa. Chiều nào cũng mưa. Đêm lại mưa. Nhà dột, hai vợ chồng mình phải nằm co. Mấy đêm pháo bắn gần, phải nằm giường. Thương Anh vô hạn. Mình khỏi sốt hôm 12-8 đến 13-8 thì khỏi hẳn và bắt đầu họp Tiểu ban Văn nghệ học tập lời kêu gọi của Bác nhân dịp 20-7.

19-8-1968

Đêm hôm qua mấy anh em ngồi quây quần quanh bếp lửa nghe ca nhạc Cách mạng Tháng Tám đến gần 10g. “Du kích ca”, “Bắc Sơn”… Nghe “Bắc Sơn” muốn khóc. Nghe bài “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi…” của anh Phan Huỳnh Điểu đúng lúc anh Điểu và mấy anh em đang bàn chuyện đói. Địch chốt Phú Thuận, Tý Sé… Chốt các nguồn chuyển gạo của mình từ đồng bằng lên (...). Gay quá. Mấy anh em bàn ăn cháo từ ngày mai, từ 2 lon xuống 1 lon rưỡi, mỗi bữa nửa lon, nấu cháo. Lẽ ra ăn từ hôm nay, nhưng ngày hôm nay là ngày tiễn BMQ (Bùi Minh Quốc - BT) đi Quảng Đà. Ngày mai, sớm mai Anh của mình sẽ đi Quảng Đà… Anh đi Quảng Đà chuyến này mình hơi lo. Ác liệt và gian khổ. Đêm qua mình khóc. Nghĩ đến tai họa có thể xảy ra với Ly. Thương Ly bồn chồn. Mình bảo Anh:

- Dù sao thì Tiểu ban Văn nghệ cũng 2 người hy sinh rồi (Phương Thảo và anh Văn Cận). Anh đi chú ý cẩn thận…

Rồi mình lại lo anh mất tinh thần. Mình động viên Anh:

- Nói thế chứ sợ quái gì. Bao nhiêu người vẫn sống trong tầm pháo địch…

20-8-1968

Nắng rồi. Đỡ mưa rồi. Cả khu rừng sáng bừng lên chúc mừng chuyến đi của Anh. Anh đã đi Quảng Đà lúc 6g15 sáng nay. Mình phải chuẩn bị tinh thần từ hôm qua. Suốt ngày lặng lẽ, mình và anh mỗi đứa một chỗ và cùng đọc xong “Mặt trận trên cao”, tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi. Sau buổi ca nhạc tối, hai đứa về võng nằm. Mệt mỏi. Chả nói gì với nhau cả. Sớm nay Anh được một hăng-gô cơm vơi, ăn hai bữa. Bữa sáng được 4 lưng ca sắt và bữa trưa là một nắm cơm nhỏ bằng bìa đậu. Anh gầy, đeo chiếc ba lô nhỏ xíu và mặc chiếc quần đùi xanh. Mình ngồi chờ Anh ở cái nhà nhỏ ẩm ướt mà lâu nay hai đứa vẫn chui ra chui vào. Anh chìa tay “Nào/ đồng chí/ bắt tay” (thơ Nguyễn Đình Thi). Mình ngoảnh mặt đi, cố nén, cố nén… Anh có biết không, nhìn Anh lúc ấy thì em khóc mất. Em không muốn để cho ai biết là em rất khổ tâm khi phải xa Anh. “Em ở nhà giữ gìn sức khoẻ nhé. Hành kinh thì báo cáo thật với các anh ấy”. Mình chả nói gì cả. Đưa anh sang bên bàn ăn cơm. Anh bắt tay anh Điểu, anh Tiến, anh Giai, anh Chất - “Đi nhé! ...”, và anh nhìn mình hai lần. Mình cười, mắt ráo hoảnh. Anh đi rồi, anh Điểu bảo:

- Hồi Mỹ đi công tác, Phương Anh khóc. Con nít ấy mà. (Mỹ quay phim, chồng Phương Anh).

Anh Tiến:

- Có khóc mới ra phụ nữ chứ.

Mình cố bình thản ngăn những giọt nước mắt đầy ứ. Đêm 19-8 mình đã bảo Anh: “Em không đi tiễn Anh đâu. Chướng lắm”. Mình muốn đi với Anh một quãng, nhưng phải nén lại. Cái gì cũng phải nén lại, thật khổ vô cùng. Mình buộc phải đứng nghe nốt 15 phút ca nhạc sáng mà hình như không nghe thấy gì cả. “Cánh chim” - đêm qua anh nhắc “Cánh chim” và sớm nay mình đã hôn vào má anh và nói lời tạm biệt rồi: “Thôi, đi nhé”. Mình lạ thế. Không bao giờ mình muốn tình cảm lộ liễu quá. Nghe ca nhạc xong, tất cả giải tán. Mình về căn nhà nhỏ ghi những ngày ở A7 của hai đứa và mình khóc, khóc mãi. Nhớ và thương Anh quá. Anh đi, một mảnh ni lông che mưa không có, chỉ có nửa mảnh nhỏ rách tươm. Bảo Anh mang ni lông của mình đi, anh nhất định không mang. Thuốc đánh răng không có. Có chiếc thìa lại cụt.

… Sáng nay, cái Vân bên nhà in sang chơi. Vợ chồng nó cưới nhau được 2 tháng thì vào (...). Con bé con chị Diệp (cũng ở Phụ nữ Khu) mới lên ba. Nó gầy và đen. Mẹ đi công tác vắng. Chơi tha thẩn ở mé đồi cả ngày. Thèm ăn nhưng không dám đòi. Hỏi: - Lớn lên cháu làm gì? Nó bảo: - Cháu đi học, rồi làm cán bộ.

- Bố cháu đâu?

- Bố cháu hy sinh rồi.

Muốn khóc. Bé thế mà nói hai chữ “hy sinh” gọn không. Và mẹ nó đã dạy nó dùng hai chữ “hy sinh” chứ không phải “chết”. Ghê thật. Phải làm việc thế nào cho những đứa con ta đây?

Mình bây giờ đã quân sự hóa hoàn toàn. Đến cái dây phơi cũng đã cuộn vào ba lô từ hôm qua. Tất cả đã được xếp vào ba lô gọn gàng. Sổ sách cho vào túi vi-ni-lông nhỏ. Để trên bàn. Viết gì thì lấy ra. Có lệnh, chỉ 10 phút là mình đi ngay được. Bao gạo đã giặt, đã vá víu cẩn thận. Gùi đã lồng ruột ni lông và thắt quai. Mình bỏ ra mấy ngày xếp dọn cho gọn gàng. Chưa bao giờ cuộc sống của mình cơ động như bây giờ.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét