Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

NGHE TIẾNG ĐÀN TRỜI NHỚ MẸ


Hôm nay con lại đi biển. Không phải là chuyến công tác mà là một kỳ nghỉ ngắn ngày. Ở đây, cạnh bạt ngàn thông reo vi vu là bãi cát vàng trải dài phơi mình trong nắng. Khung cảnh thật đẹp. Nhưng mẹ không đi cùng…

Mẹ chưa một lần ra biển, lên rừng hay tham gia bất kỳ một chuyến du lịch nào. Cha con, tuy cả đời làm công tác xã hội ở địa phương nghèo những cũng đã dăm lần được đoàn thể mời đi nghỉ mát. Các anh chị con, cũng đã từng cùng cơ quan đi thăm thú chỗ nọ, chỗ kia. Còn con, đứa con trai út bé bỏng của mẹ, do điều kiện công tác đã được rong ruổi lên rừng xuống biển, tuy chẳng dám so bằng ai nhưng cũng đã được đến nhiều nơi, đến nhiều chốn.

Nhưng tất cả những chuyến đi của chồng, của các con, mẹ đều không có mặt…

Có lần, chị con đi xem bói, ông thầy sau khi gieo quẻ, bảo số mẹ khổ, cả đời chẳng bước ra khỏi lũy tre làng. Con không tin vào bói toán nhưng khi ngẫm lại chợt thấy giật mình. Đôi lúc nghĩ lại, con thấy mình vô tâm quá, cứ bươn bả suốt ngày mà không giành nhiều thời gian bên mẹ. Lúc tranh thủ về quê thì chân ướt chân ráo chạy sang nhà bạn hữu, tào lao vài câu chuyện. Có lúc nói chuyện với mẹ được dăm bảy câu nhưng làm sao vơi được nỗi nhớ, niềm thương, lo lắng cho con khi con dong duổi khắp đó đây của Mẹ?

Hôm nay, ở đây, giữa cái nắng chói chang của vùng quê gió Lào, giữa bãi biển thơ mộng và tiếng gió thổi vào hàng phi lao, tiếng sóng vỗ vào hang đá tạo nên một thứ âm thanh khiến người xưa đặt nó với cái tên Thiên Cầm - con nhớ mẹ. Đáng lẽ, ở thời điểm này mẹ phải được đi cùng con cái trong những kỳ nghỉ, được an nhàn nhưng gánh nặng lo toan vẫn cứ bám lấy cuộc đời người. Ngày chúng con bé, mẹ một nắng hai sương tần tảo, từ sáng sớm tinh mơ đến tối khuya quần quật với công việc đồng áng, nhà cửa. Cha bận “vác tù và hàng tổng”, lương lậu chẳng đáng là bao, tất cả những nỗi lo toan lại trĩu nặng trên vai mẹ. Đến khi những đứa con khôn lớn, bay ra khỏi lũy tre làng lên Hà thành lập nghiệp. Lương lậu của cha cũng khá hơn, kinh tế gia đình ta đã có phần dư dả, không làm đồng áng nhưng mẹ vẫn thế, vẫn tất bật với việc chăm chút gia đình và mảnh vườn khá rộng. Khi chúng con đã hoàn toàn có đủ điều kiện kinh tế để tổ chức đại gia đình mình có một cuộc tham quan đâu đó thì chắc chắn chuyến đi ấy lại thiếu mẹ. Mẹ lại là người tình nguyện, thậm chí là tìm mọi cách để ở lại làm tròn chữ hiếu của người con dâu với bà nội con đã già yếu.

****

Mẹ! Công việc bắt con phải đi xa, nhiều khi nghe anh, chị gọi điện báo tin căn bệnh thấp khớp quái ác hành hạ mẹ làm con đau nhói. Lúc ấy, con chỉ ước được về thật nhanh bởi hiểu các anh chị con đã có gia đình, việc về với mẹ cũng ít nhiều gặp khó khăn. Những lúc không thể về với mẹ, con ngậm ngùi làm nốt công việc và không ngơi gọi điện về nhà. Với con, mẹ là niềm tin, là tất cả những gì thân thương nhất.

Đôi lúc rỗi rãi ngồi trò chuyện, bố con thường kể rằng, ngày bé con là một đứa con trai yếu đuối, hay làm nũng mẹ. Ngày con 1 tháng tuổi, căn bệnh ho gà tưởng như đã cướp con vĩnh viễn khỏi cõi đời này. Có đến 10 bệnh viện con đã qua, và đã bao đêm mẹ thức trắng, mẹ đã khép lại vòng tay chặt chàng, kéo con lại cuộc sống này.

Trong tiềm thức thơ dại của mình, con còn nhớ y nguyên những lần lũn tũn theo mẹ đi chợ làng Từ. Cái chợ tuy cách làng mình có 4km đường đi bộ nhưng với đôi chân bé nhỏ, con không thể theo kịp. Mẹ lại xếp chồng những mớ rau vào một bên quang gánh, với tay lấy lá chuối ven đường lót cho con ngồi rồi “quẩy” tiếp. Cũng trong cái ký ức ấy, con thấy mẹ gầy gò chong đèn dầu leo lét bao đêm may, vá cho anh em con những manh quần tấm áo để sớm hôm sau quần áo chúng con lành lặn tới trường. Thương con còi cọc, những khi đi chợ về, trong chiếc thúng đậy nắp bằng cái mẹt bao giờ cũng có khi là cái bánh rán, quả trứng vịt lộn mẹ hay giấu diếm cho con bởi chẳng đủ tiền mua cho cả 4 anh em…

Có nhiều kỷ niệm xuyên suốt cuộc đời con nhưng có lẽ lần mẹ tiễn con đi học đại học không bao giờ con quên được. Trong gian bếp nóng lực, mẹ nghẹn ngào tiễn con, dạy con phải cố gắng làm người khi phải xa gia đình… Thế rồi, khi con gạt nước mắt đạp chiếc xe cà tàng ra khỏi lũy tre làng. Con đã cố gắng thật nhiều. Mỗi khi con vấp ngã, con lại thấy mẹ ở bên, nắm lấy tay con, và con lại vùng lên mạnh mẽ. Con hiểu rằng, cha mẹ đã vắt cạn ước mơ của mình để vun cho ước mơ của con thành hiện thực. Con chưa làm được gì để báo đền ơn dưỡng dục. Và con lại vững bước đi, vượt qua trăm ngàn gian khó của thời sinh viên. Rồi cái gì đến cũng đã đến, những cố gắng không ngơi nghỉ của con đã bước đầu thành hiện thực. Con tự lập sớm, tự trang trải chi phí học hành, thiết bị cho nghề nghiệp... Những thành tựu nhỏ nhoi ban đầu cũng tìm đến sau những nỗ lực của con. Mẹ lẳng lặng không nói, chỉ treo tấm bằng khen của con lên rồi nở một nụ cười…

Con biết, cha mẹ chưa bao giờ cúi mặt khi đi ra đường. Và những đứa con của cha mẹ lại càng làm người được nở mày nở ở cái làng quê bé nhỏ này. Anh em con đã không phụ công dưỡng dục của người. Và con hiểu, đó chính là món quà quý giá nhất mà cha mẹ nhận được.

***

Ở nơi này, con đang cùng bạn bè ngồi ngắm biển chiều. Bãi biển Thiên Cầm đẹp mẹ ạ. Rừng thông kề bên ru theo tiếng gió vi vu, những hang động sóng vỗ… tất cả quyện thành thứ âm thanh đặc biệt. Xa xa, những hòn đảo nhấp nhô, những ánh đèn của những chiếc tàu bắt đầu lên khi ông mặt trời đang chìm dần xuống biển. Cảnh đẹp nên chắc chắn con lại chụp ảnh về để mẹ xem… Mẹ à! Giờ này, chắc ở quê mình gà đã lên chuồng, mẹ lại tất bật với bữa cơm chiều. Mặc dù đã có bếp gas, nhưng mẹ vẫn thường xuyên đun bằng củi rác và con đã nhiều lần bị khói mẹ nhỉ (?).

Tự dưng con thấy khóe mắt cay cay…

Hà Tĩnh, 2007
Trung Hiền

(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét