Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

Nhớ một thời "Hà Nội trong mắt ai"


Trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả, "Hà Nội trong mắt ai" là bộ phim "có vấn đề". Hồi đó, nhờ người bạn có bố công tác ở Bộ Nội vụ mà chúng tôi được xem phim. Từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ, đó là cảm xúc của tôi sau khi xem phim. Sao mà không ngạc nhiên, sửng sốt khi được xem bộ phim lạ như vậy? Sao mà không bái phục, ngưỡng mộ khi những ngưòi làm phim đã nói lên những điều ngay thẳng lại hay đến vậy? Đi đâu cũng thấy xôn xao, bàn tán về bộ phim, nhưng mọi người đều chung một câu hỏi: Tại sao nó bị "cấm"(?)...


Thực ra, lúc đó không có bất kỳ một văn bản nào cấm lưu hành bộ phim này. Thế nhưng, chỉ vài ba tháng kể từ khi phim được phát hành, không nơi nào còn dám công chiếu cũng như không ai dám công khai xem bộ phim. Còn đạo diễn Trần Văn Thuỷ rơi vào cảnh bị cô lập, đến mức có lần nghệ sĩ PH (nay là cố nghệ sỹ) đã hỏi thẳng: "Ơ! Cậu chưa bị bắt à?"!


Chuyện đã hơn một phần tư thế kỷ. Ông Thủy không những "thoát" khỏi hoàn cảnh khó nói mà giờ đã là "Nghệ sĩ nhân dân". Hầu hết những người có "duyên nợ”, “ân oán” với bộ phim đã đi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, với ông Thủy, dường như mọi việc vẫn chưa qua. Có cái gì như nghèn nghẹn nơi ông khi nhớ lại chuyện này. Và có cái gì như ngài ngại nơi những người có trách nhiệm khi buộc phải nhắc đến chuyện này. Có lẽ bởi thế mà phải đến 5 lần gọi điện tôi đều nhận được câu trả lời: "Chuyện ấy qua lâu rồi. Tôi không muốn gợi lại nữa". Đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông, rất may hôm ấy cái điệp khúc kia không lặp lại.


... Ngày ấy, ông Thủy nhận được kịch bản phim "Hà Nội năm cửa ô" viết về du lịch Hà Nội, về phố cũ phố mới với chùa chiền lăng tẩm, khéo tay hay làm... Nhìn lại thực tế cuộc sống, ông thấy mất mát quá nhiều. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Hà Nội khó khăn lắm, người dân phải ăn hạt bo bo. “Mình thấy kịch bản này không thể làm được. Nếu làm phim này lúc ấy thì chỉ có đóng mà thôi, lấy đâu ra quần chùng, áo dài...” - ông kể vậy. Kịch bản phim liên quan nhiều đến lịch sử, phải tìm sách đọc, đi điều tra, ví dụ như đoạn: "Ngôi nhà 80 - 82 phố Hàng Gai, nếu đang đi giữa cái nắng choáng ngợp của phố phường mà ta bước chân vào ngôi nhà cổ này, có những cái gác xép cửa lùa, có tiếng chim gù trên mái ngói thì lòng ta tĩnh lại". Kịch bản viết thế, nhưng đi thực tế chỉ thấy một bên là cửa hiệu thêu, một bên là trụ sở HTX. Ông hỏi chủ nhà: "Cái nhà này sửa lại từ bao giờ?", vì nom nó chẳng có gì khác biệt với những nhà cửa, phố xá, cửa hàng cửa hiệu khác. Ông đọc cho chủ nhà nghe đoạn kịch bản này. Ông chủ nhà hỏi lại: "Người viết cái này bao nhiêu tuổi?". Ông đáp: "Cỡ bằng tuổi cháu". Chủ nhà bèn khẳng định: "Thế thì anh ấy chép ở đâu ra ấy chứ. Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bọn Tây ở bên kia, bọn tôi ở bên này, hai bên bắn nhau chí chết thì cái nhà nó đã thế này rồi, làm gì có cảnh như anh ấy viết trong đó".


Đến Ô Quan Chưởng tìm văn bia của Tổng đốc Hoàng Diệu, gặp ông Nguyễn Vinh Phúc, gặp cụ Trần Huy Bá ông mới bừng tỉnh ra một điều: Những giá trị tinh thần của dân tộc thì tồn tại vĩnh cửu. “Thế thì thôi, đừng làm cái đẹp về mặt cảnh quan khi nó không còn, không có nữa. Hãy tìm đến những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào” - Đạo diễn Trần Văn Thủy rút ra sau những đắn đo suy tính. Vào cái thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những điều này cần thiết biết bao! Xót xa với hiện thực của đời sống dân chúng thế nào, trọng dụng nhân tài ra làm sao?... Ông đã liệt kê ra giấy như vậy sau khi đã dày công đọc sách, điều tra. Quan niệm của ông là làm phim tài liệu không chỉ đúng và đủ như chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học. Muốn người xem “tiêu hoá” được thì phim phải hay. Bởi thế nhiều tích chuyện hay trong sử sách đã được ông đưa vào phim, như chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức quan sách nhiễu dân lành; chuyện vua Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn ra sao... Chuyện Nguyễn Huệ sau khi đại thắng quân Xiêm trên sông Rạch Gầm-Xoài Mút đã vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng - ông vua già mất quyền đã lâu - như thế nào? Khi vào điện rồng vị tướng Tây Sơn vẫn đeo kiếm khiến quần thần nhà Lê sợ xanh mặt, chỉ riêng quan lễ tân Phương Đình Pháp dám góp ý. Nguyễn Huệ trừng mắt nhìn Phương Đình Pháp nhưng viên quan này vẫn điềm nhiên, cuối cùng người anh hùng áo vải đã tháo kiếm rồi mới bước lên điện.


Chuyện chỉ có thế nhưng ông Thủy nhận thấy rằng: Trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ dưới dám nói những điều ngay thẳng, còn bề trên biết nghe theo lẽ phải. Hay là chuyện bức tượng ở Chùa Bộc (Hà Nội) bây giờ vẫn lưu giữ, trên đầu tượng có đề chữ Tâm. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu đều chịu, không biết tượng tạc ai. Về sau cụ Trần Huy Bá mới đặt giấy bản sau bức tượng rồi dùng than củi trà lên, mới hiện ra dòng chữ: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng". Tức là, đúng vào cái năm Gia Long truy diệt tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn thì dân chúng Thăng Long vẫn dựng tượng Quang Trung... Rồi cả những chuyện tại sao Nguyễn Siêu lại cho dựng Tháp Bút bên Hồ Gươm? Tại sao Tổng đốc Hoàng Diệu lại cho đặt tấm bia kia ở Ô Quan Chưởng?... "Hà Nội trong mắt ai" đã ra đời và tập hợp những câu chuyện như thế!


Ông Thủy kể rằng: Ngay từ lần đầu chiếu phim để trình duyệt, Ban giám đốc Xưởng phim Tài liệu khoa học trung ương đã thấy "có gì đó không ổn". Mời những người "có trọng trách" trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá xem, họ kết luận ngay rằng "phim có vấn đề"! Cuối cùng giám đốc xưởng phim Lý Thái Bảo nói với ông Thủy rằng "bộ phim không được chiếu"! Thực ra, theo ông Thủy, "là do có một vài người xem phim xong tự "vơ vào" vì họ "... giật mình". "Hà Nội trong mắt ai" có không ít chi tiết khiến nhiều người hiểu lầm. Như là đoạn nói về Bà Huyện Thanh Quan vào miền Trung, nơi chồng bà làm Tri huyện. Một hôm ông Huyện đi vắng, bà nhận được đơn của một người tên là Nguyễn Thị Đào xin được cải giá vì chồng đi lính thú (đóng ở biên ải) lâu ngày. Nhớ cảnh Tây Hồ, thương cảm cho người phụ nữ xa chồng, bà đã mạnh dạn phê vào đơn: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai...". Thế là cô Đào được đi bước nữa, nhưng chẳng bao lâu sau chồng cô trở về và phát đơn kiện. Hậu quả là ông Huyện bị mất chức. Và lời bình của phim rằng: "Thế mới biết cái máu me văn nghệ dính vào việc quan trường gây ra nhiều sự rắc rối là thế!" (!)... Hay là đoạn nói về vua Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn, trong có đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan. Phim liên tưởng: "Giá như thời Lê mạt cũng có một cái trống như vậy thì dân chúng ở đây sẽ phải đinh tai nhức óc"! Toàn là nói việc người xưa "trị nước yên dân". Nhưng không may cho ông Thủy, có người lại nói chuyện xưa sao nó lại giống hiện thực (bấy giờ) đến thế?!


Của đáng tội phim cũng có vài đoạn theo kiểu "nhân chuyện xưa nói việc nay", như nói về triều vua Lê Thánh Tông: Trong 38 năm vị vua này cầm quyền, đất nước thịnh trị. Vua đã cho xây dựng bộ luật Hồng Đức, thành lập hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng bia Văn Miếu... Hiếm có vị vua nào làm được nhiều việc lớn như thế. Vậy mà khi điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra vua Lê Thánh Tông, bị xiêu vẹo rồi đổ nát, người ta đã dọn đi để lấy chỗ làm trụ sở UBND phường! Lẽ nào điều đó không đáng nói hay sao?


Ông Thuỷ nhớ lại: "Có lần bộ phim đã được chiếu đi chiếu lại tới bốn lượt trong một buổi sáng tại Quân uỷ Trung ương - một chuyện lạ chưa từng có. Về sau Uỷ ban Khoa học xã hội đã phải tổ chức một cuộc toạ đàm "nghiên cứu" bộ phim, có các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán Nôm cùng tham gia. Không đại biểu nào có thể tìm ra bất kỳ một sai sót nào của phim.


Ông Thủy tâm sự: "Phim có nhắc về quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi gốc người làng Nhị Khê (Hà Tây) nhưng sinh thành ở Hà Nội. Ông suốt đời mang nặng tâm huyết cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của người dân: "Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân". Ông cùng Trần Nguyên Hãn từng "nếm mật năm gai" suốt 10 năm trời phò Lê Lợi, nhưng khi lên ngôi vị vua này đã nghi kỵ cận thần, phế truất cả Nguyễn Trãi, Phạm Văn Sảo và Trần Nguyên Hãn. Khi đã tống giam Nguyễn Trãi vào ngục rồi Lê Lợi còn hỏi ông nên viết quốc nhạc như thế nào? Nguyễn Trãi bình thản mà rằng: "Thưa bệ hạ, thương yêu dân chúng thì hãy làm những việc nhân đức. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy. Đừng vì giận ai mà phản bội. Đó là cái gốc trường tồn nhất của quốc nhạc!"...

Sau khi xem phim, một nhà nghiên cứu lịch sử của Học viện Nguyễn Ái Quốc quê Thanh Hoá phản đối ông Thủy ầm ầm, rằng "Lê Lợi chúng tôi chưa bao giờ được miêu tả như thế!". Người ta tranh cãi rất dữ, rằng phim "ám chỉ ông này, ám chỉ ông kia". Và thế là từ đấy, không ai dám nhắc đến việc tiếp tục cho chiếu bộ phim này nữa...

(còn tiếp)

Trần Ngọc Kha

(Nguồn: Hà Nội Mới Cuối tuần)

4 nhận xét:

  1. Đề nghị bloger chọn ảnh minh họa ph� hợp hơn. N�i phim "H� Nội trong mắt ai" m� lại lấy h�nh nghệ sỹ m� thế �?

    Trả lờiXóa
  2. H� h�! Đ�ng l� ch� chưa xem phim "H� Nội trong mắt ai" rồi. Ngay cảnh đầu ti�n của phim l� cảnh về nghệ sỹ Ghi ta Văn Vượng (ảnh tr�n) đ�n b�i nhạc do ch�nh �ng s�ng t�c "H� Nội trong mắt ai".

    Trả lờiXóa
  3. http://blog.360.yahoo.com/blog-7wCVVGMncqgebokjafywbKIAMQ--?cq=1&p=171 - Link dẫn v�o Entry: Bất thường hay kh�c thường n�! Good for enjoy it! :-)

    Trả lờiXóa
  4. Nhạy cảm thế anh nhỉ!? Cứ như l� c� tật lại giật m�nh �!!! H�m n�o cho em mượn về xem nh�!!! H� h�!

    Trả lờiXóa