Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

"Nhật ký chiến trường": Vào Nam - Phần 1


12-4-1968, Lạc Sơn, Hòa Bình, 10g30 sáng

4g chiều ngày hôm qua, 11-4-68, ô tô chuyển bánh rời trường 105. Thế là cuộc hành quân vĩ đại của mình thực sự bắt đầu, sau những ngày chuẩn bị ráo riết. Nếu không thực sự khoác ba lô thì mình không thể thấm thía một cách sâu sắc những trang bị đầy đủ của Đảng đối với từng người, mà những người như mình thì có là cái gì đâu. Một hạt cát, một gịot nước… Nhưng tất cả đều được chuẩn bị chu đáo hơn cả những người vợ chuẩn bị cho chồng và những người mẹ chuẩn bị cho con. Mình đeo một chiếc ba lô cóc to hơn người. Trong ba lô là đủ thứ đồ dùng cần thiết: quần, áo, khăn rằn, hăng-gô, đường sữa, kẹo, chè, mì chính, ruốc, mắm, muối, thuốc (1kg đủ loại thuốc), phao bơi, vải mưa, tăng vi-ni-lông, võng dù, màn… Tóm lại, từ trong ba lô ấy mình có thể dựng nhà ở và nấu ăn trong lúc đi đường. Đúng là cuộc đời dã chiến, cái cuộc đời mà mình từng ao ước từ trước tới nay. Mình mặc quần bộ đội và áo sơ mi pô-pơ-lin màu cỏ úa. Chiếc áo bộ đội cho Tú rồi. Tú nó thích mà mình thì mặc cái áo ấy có vẻ già hơn mặc sơ mi. Mình làm quen với đôi dép cao su từ một tháng nay. Bây giờ chính thức mang nó lên đường. Lần đầu tiên trong đời, mình có một đôi dép vừa vặn như thế. Tất cả những trang bị cho cuộc đời “xê dịch” đó gây cho mình một cảm giác thú vị. Mình cảm thấy cuộc đời mình đang mở ra một giai đoạn mới. Vì vậy, giây phút lên đường chính là giây phút mình phấn khởi nhất.

14-4-1968, Như Xuân, Thanh Hóa, 3g chiều

Bằng giờ tuần trước mẹ đang tắm cho Ly đấy Ly ơi. Hôm nay là chủ nhật, mẹ và bố chẳng về với Ly được. Ly sẽ phải chịu nhiều chủ nhật vắng mẹ, vắng bố như thế nữa. Nhưng Ly ạ, mẹ tin rằng Ly sẽ khỏe mạnh và sẽ lớn lên như nghị lực của mẹ, sức khỏe và ý chí của mẹ.

Chiều nay mẹ ở nhà sàn, giữa một vùng đồi núi trùng điệp của Thanh Hóa. Bây giờ mẹ lại sắp đi tiếp con ạ. Càng ngày mẹ càng xa con thân yêu. Đêm nay chắc trăng sáng lắm, con có chơi trăng không? Đêm qua mẹ đã đi giữa một biển trăng đẹp. Trăng tỏa bức màn mỏng xuống đường mẹ đi. Ánh trăng không chói lọi như những đêm trăng hè mà trăng đêm qua mỏng manh, dịu lặng như lòng mẹ nhớ mong con. Ông trăng tròn xoe cứ chạy theo mà nhòm vào mắt mẹ. Nhìn trăng, mẹ nhớ Ly biết bao! Xe của mẹ phải dừng lại 2 lần và mẹ phải đi bộ một quãng vì đường lầy và xóc ghê gớm. Mẹ ngồi sau cùng, có lúc bánh xe sụt xuống, mặt mẹ gần sát xuống mặt đường. Nhiều đoạn xe nghiêng đi lắc la lắc lư. Nhưng mẹ vẫn vững vàng… Người ta dọa mẹ:

- Rồi đến lúc đi bộ sẽ thấy nhau.

19-4-1968, xã Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh, 9g45 sáng

Tới trạm 13 từ 1g30 đêm hôm qua. Mình đã vượt được một thử thách đầu tiên để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 27 của mình. Hôm nay ở trong ấy chắc Anh cũng nhớ và nghĩ về em. Anh đã biết tin em vào với Anh chưa? Có thể không cùng công tác với Anh nhưng cũng chung một chiến trường, và như thế là đến gần với anh rồi phải không? Thế là 3 lần sinh nhật rồi em có Anh mà vẫn chẳng có Anh. Bao giờ ở bên anh để được anh tổ chức một ngày kỷ niệm nho nhỏ cho em nhỉ?

Anh mà không nhớ 19-4 thì khi gặp em sẽ phạt đấy. Bây giờ em không nhượng bộ anh như trước nữa đâu. Em sẽ thi hành kỷ luật hẳn hoi.

5g30 chiều qua bắt đầu xuất phát. Chiếc ba lô của mình có cả 2kg5 gạo, thịt kho và đủ thứ trên đời trút xuống đôi chân nhỏ quá khổ của mình. Tất cả khoảng 32 đến 35kg. Hành quân trên một đoạn đường 18km nhưng vì nhầm nên phải đi tới 19km. Đi được 1 giờ ven một vùng đồi trọc, xuyên giữa bãi sim và thanh hao thì trời tối sập xuống. Sim đang phơi những chùm nụ trắng tròn, mọng căng, lác đác một vài bông hoa đã nở khoe màu tím chung thủy và thương nhớ. Khi bóng tối trùm xuống thì mặt đường chìm đi. Đồng chí giao liên không cho bật đèn pin. Bật đèn pin là phạm kỷ luật chiến trường. Thế là mình phải đi mò. Bước thấp bước cao, ngã 3 cái, anh Hữu, anh Nhật xách hai tay mà không sao đứng dậy được, phải một người nữa xốc ba lô lên. Lại trẹo chân. Chân cứ nghiêng bàn đi đau nhói. Đôi chân của mình nhỏ bé quá, nó lại không đủ sức đương đầu với sức nặng của chiếc ba lô đè xuống, nhưng nó cố gượng dấn bước và dần dần nó vượt lên được, mặc dù nó đau buốt tận xương. Đôi chân của mình nó cũng y như cuộc đời của mình vậy. Có nhẽ mình sẽ viết một truyện ngắn đồng thoại về đôi chân này, hoặc làm sao đưa mày vào sáng tác của tao “chân” ạ. Anh Hữu bảo: - Đầu tiên là tôi lo cho đôi chân của chị lắm đấy. Tôi bảo bà này rồi bất trị. Nhưng sau tôi thấy bà mang 7 - 8 viên gạch gọn gàng tôi mới yên tâm. Buồn cười, trông bà đi khuệnh khoạng đôi chân, vai đeo nặng cứ y như lạc đà. Chắc ngày xưa mẹ chị bắt chị đi sớm quá phải không? Chưa biết đi đã tập đi rồi, mẹ chị không kể lại à?

Đúng anh ạ, đôi chân tôi có lẽ phải đứng lên, phải đi, phải chạy non quá. Người ta bảo cái dáng đi của tôi vất vả. Ừ, vất vả, nhưng nó sẽ không chịu đầu hàng đâu. Nó run, nó vấp, nó trẹo xuống, nhưng nó không thể bong gân và cũng không thể gẫy xương được.

Thế rồi trong tiếng bom, tiếng máy bay của giặc Mỹ, bọn mình vẫn đi. Đi. Đi… Bộ đội mũ giải phóng, ba lô con cóc nhan nhản. Mình nhẩm “Đường ra mặt trận” của Anh (tức của nhà thơ Bùi Minh Quốc - BT) thấy đúng quá.

… Chúng ta đi rầm rập triệu bàn chân
Cả đất nước cùng ta nhịp bước
Mắt dõi hướng miền Nam
Ôi miền Nam thịt xương ta đang giục

Chúng nó hoạt động vùng trời này dai như đỉa đói. Máy bay rẹt thấp, bom và pháo sáng liên tục. 12g đêm tới chỗ ông trạm trưởng 13. Ông ta đứng ra giọng nghiêm trang:

- Báo cáo các đồng chí, chúng tôi nhận được điện ở trạm 12 báo các đồng chí sẽ đến từ 9g đến 11g đêm. Các đồng chí giao liên đợi đón về cả rồi. Bây giờ các đồng chí chịu khó quay lại 800m, còn tôi sẽ báo cáo tình hình địch vùng này. Tháng 12-1967 ta bắt được 1 thằng phi công, bản đồ của nó gạch chéo vùng này. Nó nói là điểm 2 (điểm 1 là trục giao thông). Từ 1968 nó đã đánh nhiều trận cách đây từ 150m đến 2km. Ngày 16-4-68 vừa rồi nó mới đánh cách đây 150m.

Nghe đồng chí ấy nói sao mà rùng rợn. Vậy mà nhân dân ở đây vẫn bình tĩnh như không. Bác chủ nhà thắp đèn trong chiếc ống tre che ánh sáng. Chỉ đủ ánh sáng hắt vào trong nhà. Máy bay rạt qua chả ai thèm chạy.

Bọn mình quay lại 800m, chân buốt nhoi nhói, mỏi rã rời. Đêm hành quân đầu tiên bị mưa, mình phải lấy mũ và áo mưa ra choàng. Đi sau anh Hữu, mỗi lần nghỉ anh Hữu lại đặt ba lô xuống và khoác ba lô lên cho mình. Đó là điều duy nhất mình phải phiền đến các anh.

… Hôm nay tới trạm 13, tất cả đều xôn xao để vứt đồ. Anh Nhật nộp lại toàn bộ đồ mổ và thuốc thang. Anh Chức trả dao găm, vỏ bi đông. Anh Thăng, anh Chức cho pin đèn, anh Sắc vứt phao bơi… Các anh ấy vứt không thương tiếc những thứ quý giá và hiếm hoi. Mình tiếc đứt ruột. Mặc, mình vẫn lặng lẽ và bình tĩnh để nguyên ba lô. Có thể đến một lúc nào đó mình không chịu được cũng sẽ vứt thôi, nhưng bây giờ thì chưa đâu.

… Chiều nay lại nhận thêm gạo và thực phẩm. Đường đi rất gay go. Bọn phỉ chôn mìn dưới đất làm mấy người bị thương trong đoàn đi bộ hôm trước. 8g tối qua chúng nó bắn pháo hiệu cho nhau. Máy bay thì vẫn cứ lồng lộn tìm kiếm. Chẳng đáng sợ gì nữa.

(Còn tiếp)

Tiêu đề trong cuốn nhật ký được trích đăng là của Tòa soạn đặt. Các chú thích: BMQ (là của nhà thơ Bùi Minh Quốc), BT (của biên tập).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét