Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Nhớ một thời “Hà Nội trong mắt ai” (tiếp)

Cho đến giờ thì cũng không còn khó hiểu vì sao bộ phim và những người làm ra nó lại có một thời long đong đến thế.

So với những sự kiện văn hóa văn nghệ diễn ra trước "thời kỳ đổi mới" như loạt bài viết về khoán 10, khoán 100, phóng sự “Cái đêm ấy đêm gì?”, tiểu thuyết “Cù lao Chàm”... hay hàng loạt vở kịch chấn động dư luận của Lưu Quang Vũ thì xét về mốc thời gian, “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy “đi trước thời đại” hơn cả...

“Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa" - ông Thủy chua chát kể lại: "Kể cả điều kiện làm việc cho đến “miếng cơm manh áo”, tất tật. Vợ mình bảo mình điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn. Đồng nghiệp bảy rưỡi, tám giờ sáng tề tựu ở cơ quan chỉ để xem mình... đã bị bắt chưa!".

Nhiều năm sau này, có tờ báo phỏng vấn "trong những năm "Hà Nội trong mắt ai" bị cấm, ông làm gì?”, ông Thủy trả lời rằng: “Trong quãng thời gian nhàn tản không có việc làm này, tôi đã đến những nơi mình từng đến quay phim để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Và tôi thường thắp hương lên bàn thờ nhà mình mà khấn rằng: "Thưa các bậc tiên tổ, con có tội tình gì không?"...

"Vì sao bộ phim không được chiếu? Xin các anh chỉ bảo cho những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi sửa" - Ông khẩn khoản “kêu". Ban giám đốc Xí nghiệp (XN) "kính chuyển" nguyện vọng này lên những người "cầm cân nảy mực". Họ đồng ý cho sửa bộ phim, nhưng khi hỏi "cần sửa chỗ nào" thì một người thốt lên: "Bộ phim này sai đến mức không thể sửa được"(!).

Cùng kíp làm phim có Lưu Hà, con trai ông Lưu Xuân Thư, Phó giám đốc XN phim Tài liệu khoa học Trung ương lúc bấy giờ. Đây là bộ phim đầu tay anh bấm máy, đồng thời là bài thi tốt nghiệp trường SKĐA. Ông Thủy “xui” Hà đề nghị nhà trường tổ chức chiếu phim này ở Cung Thiếu nhi để "báo cáo tốt nghiệp". Danh sách mời ngoài giáo viên của trường có các học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo nhiều Cục, Vụ, Viện... Cung Thiếu nhi là điểm chiếu phim sang nhất Hà Nội lúc ấy với hơn 500 chỗ, màn ảnh cực trắng, ánh sáng cực mạnh. Ơn trời, kế họach được chấp thuận! Khán giả đến chật cứng các hàng ghế, reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp.

Sau buổi chiếu, lãnh đạo XN đốc hỏi ông Thuỷ: "Bây giờ ý cậu thế nào?". Ông đáp: "Bộ phim này ra đời không chỉ bởi cá nhân tôi mà còn do cả tập thể, của cả XN. Nếu phim hay, được khen ngợi thì là công chung, nhưng tại sao phim "có vấn đề" thì cả 100 roi các anh đánh cả vào tôi?". Họ thành thật: "Cậu nói phải! Nhưng bây giờ sửa thế nào?". Ông Thuỷ nói: "Sửa thế nào là chuỵện của các anh. Bác Hồ dạy phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Ít nhất thì các anh cũng phải chiếu cho anh chị em trong XN, rồi chiếu cho XN phim truyện, Cục Điện ảnh, Xưởng phim quân đội, cho các hội văn học, nghệ thuật để người ta góp ý". Ban giám đốc lên danh sách khách mời... Xem xong, nhiều người thốt lên: "Sao cái phim như thế này lại định “cấm” kia chứ?". Không ai, kể cả các vị bên Viện Triết hay Viện Sử, Viện Hán Nôm..., có thể tìm ra bất cứ sai sót nào. Nhưng vẫn có lệnh bất thành văn từ đâu đó: "Không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào!". Đó là vào giữa năm 1983. Ông Thủy bắt đầu hết hy vọng...

Bỗng một hôm, ông Nguyễn Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) gọi điện đến XN, đề nghị mang phim “Hà Nội trong mắt ai” lên chiếu. Ông Bùi Đình Hạc (mới được bổ nhiệm Giám đốc thay ông Lý Thái Bảo) trả lời: "Đã có lệnh của cấp trên là không được chiếu!". Ngày 15-10-1983, Văn phòng HĐBT lại gọi xuống. Ông Hạc lại từ chối với lý do: "Phim đang được cắt ra để sửa". Nhưng từ đầu dây bên kia, giọng ông Dũng đĩnh đạc vang lên: "Chúng tôi biết phim ấy có thể chiếu được hay không chiếu được, nhưng đây là chỉ thị của Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng!”.

Kế hoạch chiếu phim "Hà Nội trong mắt ai" cho Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng xem được ấn định lúc 3 giờ chiều ngày 18-10-1983. Ông Thuỷ đề nghị đi cùng, giám đốc Hạc bảo: "Đi sao được. Vào đấy phải qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh đấy!". "Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính cái tai của tôi xem Bác nói gì. Còn nếu có điều gì không phải thì chắc là Bác cũng thương mà chỉ bảo cho thôi". Thế nhưng ông Hạc vẫn không đồng ý. Gần đến giờ hẹn, ông Thủy lẻn lên "con" Lada trắng của cơ quan, bụng bảo dạ: "Ngày xưa khẩu hiệu ở chiến trường là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, giờ tôi cũng phải nắm lấy thắt lưng anh thôi"... Kể đến đây, ông Thuỷ bật cười. Nụ cười đầu tiên tôi được chứng kiến đã xóa tan những ưu tư trên gương mặt ông...

Đến nước ấy ông Hạc đành chấp thuận. Xe lăn bánh, đến Văn phòng HĐBT, bảo vệ từ chốt gác hỏi vọng ra: "Xe nào đấy?" - "Xe xưởng phim vào chiếu cho bác Đồng xem đây!". Ông Thuỷ bê 5 hộp phim vào phòng khách. Có người ra thông báo: "Bác đang tiếp Phó chủ tịch HĐBT Liên Xô A-li-ep. Các anh chờ một lát". Bỗng dưng ông Thuỷ thấy lo lo... Gần 30 phút sau bác Đồng đến. Ông Thủy kể: "Vừa trông thấy chúng tôi, Bác đã bảo: "Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu khó quá thì tôi không phiền các đồng chí nữa". Dù sao Bác đã phải chờ ngót nửa tháng kể từ lúc yêu cầu xem bộ phim...". Linh tính mách bảo ông Thủy rằng ông đang gặp may. Ông vòng tay, nói: "Xin phép Bác cho cháu được thay mặt anh em trong đoàn làm phim bày tỏ lòng biết ơn Bác, vì việc nước bận như vậy mà Bác vẫn bớt chút thì giờ...”. Nói đến đây ông Thuỷ nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. "Cháu ngồi xuống đây! Cháu ngồi xuống đây!". Nghe giọng nói ân cần của Bác, ông Thuỷ bình tâm trở lại nhưng vẫn chưa dám ngồi. Bác cầm tay kéo ông Thuỷ ngồi xuống bên phải mình, bên trái là Giám đốc Bùi Đình Hạc...

Khi phim hết, đèn bật sáng, Bác vẫn ngồi lặng lẽ, đầu hơi cúi, tay đặt lên trán. Những người có mặt trong phòng cũng im lặng, nghe rõ tiếng quạt trần quay lạch phạch trên đầu, tiếng chú cún con nô đùa quanh chân bác. Một lát sau Bác hỏi: "Những ai đã được xem phim này và họ nói những gì?". Ông Hạc trình bày: "Thưa đồng chí! Đây là bộ phim được các đồng chí có trách nhiệm đánh giá là có vấn đề, mượn xưa để nói nay. Bộ phim đã không cùng Đảng giải quyết những khó khăn hiện tại mà nuối tiếc quá khứ phong kiến và gieo rắc vào quần chúng đảng viên những bi quan, hoài nghi và tiêu cực...”. Trong lúc ông Hạc nói, ông Thuỷ như ngồi trên đống lửa, cứ nhấp nha nhấp nhổm đến mức ông Dũng phải vít vai mấy lần... Cuối cùng, ông Hạc “chốt”: “Thưa đồng chí! Những người có trách nhiệm kết luận rằng tác giả bộ phim không phải là một nghệ sĩ cách mạng"...

Bác quay sang hỏi ông Thuỷ: "Cháu có ý kiến gì không?". Ông Thuỷ đứng lên thưa: "Thưa bác! Nếu bộ phim này có gì sai lầm thì đó là do lực bất tòng tâm chứ bụng dạ chúng cháu không nghĩ thế. Khi chúng cháu đến mộ bà Đoàn Thị Điểm thì thực sự chỗ đó là một đống rác. Chúng cháu phải thuê người dọn mất nửa ngày, rồi xin nước vôi quét lên bia mộ của bà, mượn một số chậu cảnh bày xung quanh rồi mới quay phim, để khỏi mang tội bất hiếu với tiền nhân...". Linh cảm mách bảo với ông Thuỷ rằng, trong cơn bão tố cuồng phong đang trải qua, ông đã tìm được một chốn an lành để trú ngụ, đó là sự bao dung, che chở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cuối cùng, Bác nói: "Tôi cũng không nghĩ sự thể lại quan trọng đến mức này". Rồi Bác phân tích đoạn phim về Nguyễn Trãi là chuyện có thật trong lịch sử và nói về thân phận của Nguyễn Trãi chứ không chủ ý nói về Lê Lợi. Từng đoạn khác cũng được bác phân tích cặn kẽ... "Tôi thật sự kinh ngạc về trí nhớ tuyệt vời của Bác. Bác chỉ xem phim có một lần trong khi trăm công nghìn việc đang chờ đợi" - ông Thủy trầm trồ kể tiếp: “Bác kết luận: "Ý kiến thứ nhất của tôi là: Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ nhau. Các anh mà không bênh vực cho nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa". Bác còn dặn dò ông Thuỷ: "Khi nào cần cứ gặp bác. Cháu phải tìm mọi cách mà chủ động liên lạc với bác"...

Không biết có phải vì bức xúc trước số phận của bộ phim hay không mà tại buổi khai mạc Đại hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Cung Thiếu nhi chỉ 2 ngày sau khi xem phim "Hà Nội trong mắt ai", Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng đã có bài phát biểu hơn 1 giờ đồng hồ trước hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc. Bác nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: "Đừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!". Hẳn những người có mặt tại buổi lễ còn nhớ mãi hình ảnh đầy ấn tượng khi Bác hướng về phía Chủ tịch đoàn Đại hội mà rằng: "Tôi lạy các anh! Tôi xin các anh! Khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi". Cả hội trường lập tức vỡ oà bởi những tràng vỗ tay. Ai nấy đều hiểu Bác đang nói gì. Với đạo diễn Trần Văn Thuỷ, có lẽ hôm ấy là một ngày hạnh phúc đến tột độ... Kể đến đây, ông không kìm được nỗi xúc động: "Một phần thưởng tâm linh, vô cùng cao quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác trong đời đã đến với tôi" - Ông nói trong nước mắt giàn giụa...

Từ đó, bộ phim bắt đầu được công chiếu rộng khắp cho mọi tầng lớp nhân dân xem. Hàng tuần liền rạp Tháng Tám và nhiều rạp khác ở Hà Nội chiếu phim này tới 3 ca/ngày, vậy mà ca nào khán giả cũng xếp hàng mua vé đông nghịt. Nếu như ngày ấy mà có Ghi-nét Việt Nam thì phim này chắc chắn lập kỷ lục về "phim tài liệu ăn khách nhất". Bộ phim đã tạo nên một cơn sốt khán giả, điều chưa từng xảy ra đối với phim tài liệu "nội", bởi từ trước đến lúc bấy giờ phim tài liệu chỉ được chiếu "chùa", chiếu kèm phim truyện. Tại Liên hoan phim quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3-1988, phim được nhận giải Bông sen vàng duy nhất cho thể loại phim tài liệu, ngoài ra còn được giải biên kịch hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim hay nhất.

Trần Ngọc Kha

(Nguồn: Hà Nội Mới Cuối tuần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét