Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Lan man Nghề sinh nghề tử!

Lâu lâu cũng nhớ viết blog. Không phải không có ý tưởng gì để viết mà có lẽ những ý tưởng để viết ấy nó còn "chưa chín" nên cứ "chuội" ra. Công việc dạo này cũng nhiều, nhưng toàn việc không đâu. Để ghi sổ tính toán tuần này làm được việc này, hôm nay làm được việc kia thì "bất khả thi". Có cái cảm giác rất lạ, gì đó như uể oải, mệt mỏi nhưng không hẳn thế! Thôi thì cứ gạch đầu dòng cái ý nghĩ về nghề ra đây đã.

Nghề sinh ra do nhu cầu của con người, của xã hội chính vì vậy nó cũng có thể biến mất khi đã "hoàn thành nhiệm vụ". Chính vì thế, có những nghề tồn tại rất lâu trong xã hội nhưng cũng có những nghề chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn chừng vài năm rồi "biến mất". Nếu chỉ thoáng qua thì sẽ có cảm tưởng nghề "không bao giờ chết" nhưng thực tế thì đã có khá nhiều.

Nhớ hồi còn nhỏ, mới lon ton học sinh cấp 1 đã đi theo bà chị họ bán nước chè phục vụ cho khách khắp nơi đổ về bến xe Kim Liên. Quanh hàng nước chị là đủ thứ dịch vụ khác xung quanh nhưng mình ấn tượng và vẫn nhớ đến giờ là hàng "bơm ga bật lửa" của một tay "anh chị" mới vừa ra tù. Ấn tượng không phải vì nghề mà vì là "anh chị" ở tù ra. Cũng chỉ là dân trộm cắp thôi nhưng hồi ấy trộm cắp đã là ghê rồi chứ không phải như bây giờ! Chuyện ông ấy ở tù ra là do bà chị kể, chị cũng kể chuyện lão ấy ngày bơm ga tối vẫn đi trộm như thường. Mà trộm khôn nhá, trộm xây được nhà 2 tầng mà vẫn bơm ga thì khôn quá còn gì?

Quay trở lại với chuyện nghề: Cái nghề bơm ga bật lửa hồi ấy khá thịnh hành vì dân nghèo, không thể mỗi lúc mua 1 cái bật lửa ga như bây giờ nên cứ dùng đến hết ga, mòn đá thì lại đi bơm ga thay đá lửa. Đồ nghề cũng đơn giản, có cái tủ con con với vài ba cái bật lửa, hộp ga lớn và vài cái vật dụng con con là đủ. Nhưng giờ thì nghề ấy chết vì chả ai còn đi bơm ga nữa cả, 2000 đ/ cái bật lửa (quẹt) ga, mất thì mua cái khác.

Rồi thì như cái nghề hàn dép chẳng hạn: Hồi những năm 80 thì chủ yếu đi dép nhựa, sành điệu như mấy anh chị đầu gấu thì hay dùng dép Tiền Phong có quai hậu, nhựa trắng đâu những 15.000 đ/đôi. Sang lắm mới có tiền mua dép Cao su Bác Hồ. Mang tiếng là nhựa trắng nhưng chỉ đi chừng 1 tháng là chuyển sang mầu vàng. Dép đi rồi thì cũng phải rách, đứt quai...vậy là có nghề hàn dép. Đồ nghề còn đơn giản hơn cả nghề bơm ga. Chả cần hộp gì cả, chỉ cần cái bếp dầu với 2, 3 cái mỏ hàn và vài đôi dép nhựa cũ...Kinh tế khá lên, chả ai nghĩ đến chuyện hàn dép cả.

Đấy là những nghề có thể thấy rõ quá trình nó sinh ra và chết đi. Nhưng cũng có những nghề chẳng biết nó sinh ra từ lúc nào và đến lúc nào mới chết (dù về mặt lý thuyết là nó cũng sẽ phải chết). Tất nhiên với những nghề này là sự thay đổi cho phù hợp với hoạt động xã hội, như nghề ăn uống chẳng hạn: Bà già bán bún riêu góc đường ngày xưa nay có thể đã mở cửa hàng bán Bún Riêu sang trọng chỉ đón khách có túi tiền bự chứ không niềm nở với các em sinh viên nghèo. Ngày xưa các cụ buôn thúng bán bưng, ngày nay bà con ta rủ nhau vào siêu thị (tất nhiên là ở Thành phố nhé!). Những nghề như vậy chưa thực sự chết bởi nhu cầu xã hội và con người vẫn còn, chỉ có điều nó đòi hỏi phải biến đổi cho phù hợp với nhịp sống XH mà thôi.

Năm rồi TPHCM có ra cái quy định bắt nghề lái xe ba gác "phải chết". Nhưng cái sự "bắt chết" ấy nó không bắt nguồn từ thực tế nên xe bác vẫn "sống nhởn nhơ". Đường thì nhỏ và hẹp, nhu cầu vận chuyển với khối lượng nhỏ vẫn còn rất lớn trong đại bộ phân dân chúng thành phố, thế nên có bắt kiểu gì đi nữa thì xe ba gác cũng chỉ "biến hình" thôi. Chừng khi nào thành phố toàn đường 8 làn, xa lộ đan nhau chiu chíu, chừng ấy tự khắc các bác tài xe ba gác biết đường kiếm nghề khác mà chả cần tí hỗ trợ hay kêu gọi nào của Nhà nước cả. Còn như muốn "Sạch nhà, gọn phố, đẹp thủ đô" thì chờ nhá, chờ khẩu hiệu biến thành sự thật nhá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét