Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

NGHE TIẾNG ĐÀN TRỜI NHỚ MẸ


Hôm nay con lại đi biển. Không phải là chuyến công tác mà là một kỳ nghỉ ngắn ngày. Ở đây, cạnh bạt ngàn thông reo vi vu là bãi cát vàng trải dài phơi mình trong nắng. Khung cảnh thật đẹp. Nhưng mẹ không đi cùng…

Mẹ chưa một lần ra biển, lên rừng hay tham gia bất kỳ một chuyến du lịch nào. Cha con, tuy cả đời làm công tác xã hội ở địa phương nghèo những cũng đã dăm lần được đoàn thể mời đi nghỉ mát. Các anh chị con, cũng đã từng cùng cơ quan đi thăm thú chỗ nọ, chỗ kia. Còn con, đứa con trai út bé bỏng của mẹ, do điều kiện công tác đã được rong ruổi lên rừng xuống biển, tuy chẳng dám so bằng ai nhưng cũng đã được đến nhiều nơi, đến nhiều chốn.

Nhưng tất cả những chuyến đi của chồng, của các con, mẹ đều không có mặt…

Có lần, chị con đi xem bói, ông thầy sau khi gieo quẻ, bảo số mẹ khổ, cả đời chẳng bước ra khỏi lũy tre làng. Con không tin vào bói toán nhưng khi ngẫm lại chợt thấy giật mình. Đôi lúc nghĩ lại, con thấy mình vô tâm quá, cứ bươn bả suốt ngày mà không giành nhiều thời gian bên mẹ. Lúc tranh thủ về quê thì chân ướt chân ráo chạy sang nhà bạn hữu, tào lao vài câu chuyện. Có lúc nói chuyện với mẹ được dăm bảy câu nhưng làm sao vơi được nỗi nhớ, niềm thương, lo lắng cho con khi con dong duổi khắp đó đây của Mẹ?

Hôm nay, ở đây, giữa cái nắng chói chang của vùng quê gió Lào, giữa bãi biển thơ mộng và tiếng gió thổi vào hàng phi lao, tiếng sóng vỗ vào hang đá tạo nên một thứ âm thanh khiến người xưa đặt nó với cái tên Thiên Cầm - con nhớ mẹ. Đáng lẽ, ở thời điểm này mẹ phải được đi cùng con cái trong những kỳ nghỉ, được an nhàn nhưng gánh nặng lo toan vẫn cứ bám lấy cuộc đời người. Ngày chúng con bé, mẹ một nắng hai sương tần tảo, từ sáng sớm tinh mơ đến tối khuya quần quật với công việc đồng áng, nhà cửa. Cha bận “vác tù và hàng tổng”, lương lậu chẳng đáng là bao, tất cả những nỗi lo toan lại trĩu nặng trên vai mẹ. Đến khi những đứa con khôn lớn, bay ra khỏi lũy tre làng lên Hà thành lập nghiệp. Lương lậu của cha cũng khá hơn, kinh tế gia đình ta đã có phần dư dả, không làm đồng áng nhưng mẹ vẫn thế, vẫn tất bật với việc chăm chút gia đình và mảnh vườn khá rộng. Khi chúng con đã hoàn toàn có đủ điều kiện kinh tế để tổ chức đại gia đình mình có một cuộc tham quan đâu đó thì chắc chắn chuyến đi ấy lại thiếu mẹ. Mẹ lại là người tình nguyện, thậm chí là tìm mọi cách để ở lại làm tròn chữ hiếu của người con dâu với bà nội con đã già yếu.

****

Mẹ! Công việc bắt con phải đi xa, nhiều khi nghe anh, chị gọi điện báo tin căn bệnh thấp khớp quái ác hành hạ mẹ làm con đau nhói. Lúc ấy, con chỉ ước được về thật nhanh bởi hiểu các anh chị con đã có gia đình, việc về với mẹ cũng ít nhiều gặp khó khăn. Những lúc không thể về với mẹ, con ngậm ngùi làm nốt công việc và không ngơi gọi điện về nhà. Với con, mẹ là niềm tin, là tất cả những gì thân thương nhất.

Đôi lúc rỗi rãi ngồi trò chuyện, bố con thường kể rằng, ngày bé con là một đứa con trai yếu đuối, hay làm nũng mẹ. Ngày con 1 tháng tuổi, căn bệnh ho gà tưởng như đã cướp con vĩnh viễn khỏi cõi đời này. Có đến 10 bệnh viện con đã qua, và đã bao đêm mẹ thức trắng, mẹ đã khép lại vòng tay chặt chàng, kéo con lại cuộc sống này.

Trong tiềm thức thơ dại của mình, con còn nhớ y nguyên những lần lũn tũn theo mẹ đi chợ làng Từ. Cái chợ tuy cách làng mình có 4km đường đi bộ nhưng với đôi chân bé nhỏ, con không thể theo kịp. Mẹ lại xếp chồng những mớ rau vào một bên quang gánh, với tay lấy lá chuối ven đường lót cho con ngồi rồi “quẩy” tiếp. Cũng trong cái ký ức ấy, con thấy mẹ gầy gò chong đèn dầu leo lét bao đêm may, vá cho anh em con những manh quần tấm áo để sớm hôm sau quần áo chúng con lành lặn tới trường. Thương con còi cọc, những khi đi chợ về, trong chiếc thúng đậy nắp bằng cái mẹt bao giờ cũng có khi là cái bánh rán, quả trứng vịt lộn mẹ hay giấu diếm cho con bởi chẳng đủ tiền mua cho cả 4 anh em…

Có nhiều kỷ niệm xuyên suốt cuộc đời con nhưng có lẽ lần mẹ tiễn con đi học đại học không bao giờ con quên được. Trong gian bếp nóng lực, mẹ nghẹn ngào tiễn con, dạy con phải cố gắng làm người khi phải xa gia đình… Thế rồi, khi con gạt nước mắt đạp chiếc xe cà tàng ra khỏi lũy tre làng. Con đã cố gắng thật nhiều. Mỗi khi con vấp ngã, con lại thấy mẹ ở bên, nắm lấy tay con, và con lại vùng lên mạnh mẽ. Con hiểu rằng, cha mẹ đã vắt cạn ước mơ của mình để vun cho ước mơ của con thành hiện thực. Con chưa làm được gì để báo đền ơn dưỡng dục. Và con lại vững bước đi, vượt qua trăm ngàn gian khó của thời sinh viên. Rồi cái gì đến cũng đã đến, những cố gắng không ngơi nghỉ của con đã bước đầu thành hiện thực. Con tự lập sớm, tự trang trải chi phí học hành, thiết bị cho nghề nghiệp... Những thành tựu nhỏ nhoi ban đầu cũng tìm đến sau những nỗ lực của con. Mẹ lẳng lặng không nói, chỉ treo tấm bằng khen của con lên rồi nở một nụ cười…

Con biết, cha mẹ chưa bao giờ cúi mặt khi đi ra đường. Và những đứa con của cha mẹ lại càng làm người được nở mày nở ở cái làng quê bé nhỏ này. Anh em con đã không phụ công dưỡng dục của người. Và con hiểu, đó chính là món quà quý giá nhất mà cha mẹ nhận được.

***

Ở nơi này, con đang cùng bạn bè ngồi ngắm biển chiều. Bãi biển Thiên Cầm đẹp mẹ ạ. Rừng thông kề bên ru theo tiếng gió vi vu, những hang động sóng vỗ… tất cả quyện thành thứ âm thanh đặc biệt. Xa xa, những hòn đảo nhấp nhô, những ánh đèn của những chiếc tàu bắt đầu lên khi ông mặt trời đang chìm dần xuống biển. Cảnh đẹp nên chắc chắn con lại chụp ảnh về để mẹ xem… Mẹ à! Giờ này, chắc ở quê mình gà đã lên chuồng, mẹ lại tất bật với bữa cơm chiều. Mặc dù đã có bếp gas, nhưng mẹ vẫn thường xuyên đun bằng củi rác và con đã nhiều lần bị khói mẹ nhỉ (?).

Tự dưng con thấy khóe mắt cay cay…

Hà Tĩnh, 2007
Trung Hiền

(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Mẹ là của ai?


Con gái mẹ.

Tôi là một cô nhóc mười sáu tuổi. Mẹ thường hay đùa, con gái mẹ còn lâu mới lớn được, tính tình vẫn còn bồng bột, trẻ con lắm. Đó là bởi lúc nào cũng có người ở bên để mình dựa dẫm.

Tôi được mẹ chiều chuộng hết sức, con một mà. Lúc nào tôi cũng thấy mình yêu mẹ không đủ, quá ít so với mẹ yêu tôi. Nhưng từ bé đến giờ, tôi luôn muốn “độc chiếm” mẹ, giữ lấy cho riêng mình. Đó từng là lý do tôi ghét nó, ghét vô cùng.

Nó, thực ra là con trai của cậu tôi, hơn tôi năm tuổi, gọi mẹ bằng mẹ. Bởi từ năm lên ba nó đã bị bỏ rơi. Bố mẹ ly dị, mẹ nó sang Nga làm ăn còn bố đi lấy vợ mới. Nó được người ta đưa đến ở với ông ngoại – cạnh nhà tôi. Hồi ấy, tôi còn chưa ra đời, nên mẹ yêu nó nhất. Tôi nghe mẹ kể lại rất nhiều về nó. Về những lần bị bố đánh đòn, không dám khóc cho đến khi được chạy vào lòng mẹ. Mẹ xoa dầu, tìm kiếm khắp cả nhà thật nhiều chăn đệm để lót nó ngồi đỡ đau. Có dịp tết, rộn ràng hoa lá, mẹ dành nửa tháng lương mua cho nó áo rét mới. Nó mặc áo, mắt đỏ hoe… “Ở Nga chắc lạnh lắm mẹ nhỉ”… Bố nó về, lấy đi số tiền mừng tuổi ít ỏi mà nó cóp nhặt được. Mẹ lại sang dỗ, nhìn nó mà lòng xót xa như kim châm, dao cắt. Giọng kể của mẹ về nó luôn luôn da diết, tựa như những cảm xúc đã chìm trong lòng biển được sóng vỗ lên bờ, dạt dào, sâu lắng.

Rồi mẹ có thêm tôi, tức là tình yêu của mẹ phải chia hai rồi. Nhưng tất nhiên, mẹ luôn nghĩ đến tôi trước. Mẹ hát ru tôi trước khi xoa đầu cho nó ngủ, cho tôi ăn trước khi đón nó tan học. Máu mủ ruột rà vẫn hơn chứ. Năm tôi bốn tuổi, gia đình chuyển nhà, tôi chỉ biết đó là vì một lý do rất chính đáng chứ không nhớ cụ thể. Buổi chiều hôm chuyển nhà, nhớ nó quá nên mẹ lại quay về. Từ đấy, mẹ tách khỏi nó. Cho đến hè năm học lớp một của tôi, mẹ đón nó về chơi cả tháng. Tôi vui mừng tíu tít vì có một người bạn, tha hồ chơi đùa. Nhưng không, nó chẳng thèm đoái hoài gì đến tôi, cả ngày chẳng trò chuyện với nhau chứ nói gì đến chơi đùa. Dần dần, tôi ghét nó.

Một lần, mẹ đi vắng, dặn nó ở nhà trông tôi. Nó thấy tôi cứ nhõng nhẽo, mè nheo nên bỏ ra ngoài. Thừa dịp này, tôi mách mẹ. Tưởng mẹ sẽ mắng nó thậm tệ. Ai dè mẹ vội vã chạy ra đầu ngõ tìm nó. Tôi lại càng ghen tức. Lần khác, tôi nằng nặc đòi ăn kem. Mẹ bảo nó đi mua rồi hai chị em cùng ăn. Nó ngang bướng, nhất định không chịu. Thế là mẹ phải tự đi mua. Đợi mẹ đi khuất, nó quát vào mặt tôi: “Sao chị hư thế! Lúc nào cũng đòi hỏi, mẹ làm gì có tiền!”. Tôi im bặt. Trong bụng thấy bực mình, nó cứ làm ra vẻ hiểu mẹ hơn tôi. Nhưng ngẫm lại, hóa ra nó nói chẳng hề sai.

Cuối cùng, nó cũng rời nhà tôi. Tuy hơi hẫng hụt, vắng vẻ nhưng tôi vẫn thấy thoải mái. Không còn ai tranh mẹ với mình nữa rồi. Nó đi khỏi, mẹ vẫn không yên, liên tục gọi điện hỏi xem nó đã về đến nơi chưa. Thật không thể hiểu nổi. Tối hôm ấy, tôi dỗi mẹ: “Mẹ yêu nó hơn con, có nó, mẹ toàn cho con ra rìa thôi!”. Mẹ không nói gì, chỉ cười nhẹ. Mẹ phải hiểu là tôi ghét nó như thế nào chứ!

Con trai mẹ.

Có thể, nhiều người thấy tôi là một thằng bé đáng thương. Tôi không có mẹ. Còn bố, đôi khi tôi nghĩ, không có còn hơn. Ông trời quả vẫn còn tốt bụng, giúp tôi mỉm cười được với chính mình, bởi bên tôi lúc nào cũng có một người mẹ, vĩ đại hơn cả Trái đất này.

Mẹ - đáng ra tôi phải gọi bằng bác, vì là chị của bố tôi. Nhưng nếu không gọi là mẹ thì không ai xứng đáng với cái tiếng cao quí ấy hơn thế. Mẹ là người duy nhất bảo vệ tôi, xoa dầu cho tôi mỗi khi bị đánh, mua quần áo cho tôi nhân dịp năm mới. Nếu không có mẹ, chắc cả tuổi thơ lẫn tâm hồn tôi đã bị nhấn chìm vào bóng tối.

Tôi luôn biết ngày đó sẽ đến. Cái ngày mọi thứ mẹ dành cho tôi bị sẻ đôi. Mẹ có một người con ruột thịt. Ban đầu thì chán nản, lo mẹ bỏ quên tôi, nhưng về sau tôi thấy chẳng có gì đáng lo cả vì mẹ vẫn yêu tôi, vẫn chăm sóc cho tôi bằng hết khả năng có thể.

Bốn năm sau đó, một sự kiện đã xảy ra. Khi mọi người đều đi vắng, chỉ còn mình chị họ ở nhà, một tên trộm đã lẻn vào. Rất may hắn chỉ lấy đồ đạc và chút tiền, còn chị thì không sao. Bác trai kiên quyết chuyển nhà để giữ an toàn cho chị. Thế mà tôi hoàn toàn không biết tin ấy. Mẹ đã giấu tôi và lẳng lặng ra đi. Chắc tại sợ tôi buồn. Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều ấy, tôi chạy mải miết dọc con đê, tìm mẹ. Tôi sợ mất mẹ một lần nữa. Sợ lắm. Rồi không biết từ lúc nào, mẹ chạy lại ôm tôi. Tôi khóc nức: “Mẹ ơi, con tưởng mẹ đi đâu mất rồi”. Câu nói ngô nghê của tôi làm mẹ giấu không nổi nước mắt. Đến giờ, tôi thường tự hỏi, tại sao mẹ luôn đến đúng lúc tôi cần nhất. Buổi chiều hôm ấy, tại sao mẹ lại biết mà tìm ra tôi?

Lớn lên, hình như tôi có mối mâu thuẫn lớn với chị họ. Tôi luôn lảng tránh, lạnh lùng vì tôi phải chia sẻ mẹ với chị ấy. Bẩm sinh chị đã có tất cả. Thế mà chị còn tỏ vẻ ghen tức, ghen với một đứa không có gì ngoài mẹ như tôi?

Con gái mẹ.

Gần đây, tôi mới hiểu ra, vì sao mẹ luôn biết khi nào nó cần mẹ nhất, vì sao luôn lo lắng cho nó. Mẹ lo cho nó, vì hồi đó nó còn bé, mà chẳng ai bảo vệ. Mẹ lo khi nghĩ đến quãng đường buổi tối nó đi học về đầy bất trắc. Mẹ lo chẳng ai hát ru nó như mẹ, chẳng ai dạy nó những bài học cuộc sống, cũng không ai chăm lúc ốm đau. Bây giờ, nó với tôi đều đã lớn, tất nhiên, tôi thì vẫn bé hơn nó, vẫn làm nũng mẹ. Nhưng nó với tôi đã hòa hợp hơn. Tất cả nhờ mẹ. Mẹ của hai đứa.

Nó lớn rồi nhưng mẹ cũng có hết lo đâu. Mẹ bảo ở tuổi này, con người ta rất dễ sa ngã. Ông nó cũng mới mất. Không lo sao được, xung quanh nó vẫn chẳng có ai. Thỉnh thoảng, mẹ đi làm về, hay ghé qua trường, cho nó đồng quà tấm bánh, lần nào cũng dặn dò nó cẩn thận. Mẹ muốn theo sát nó từng bước dù không ở cạnh. Mẹ lo xa quá. Đêm mùng hai Tết, mẹ thấy nó đập cửa. Mở ra, nó vội chạy vào, làm dấu cho mẹ im lặng. Hóa ra, nó cùng đứa bạn đi đốt pháo, bị các bác bảo vệ đuổi theo. Nó luôn miệng bảo mẹ: “Không sao đâu, mẹ đừng lo!”. Làm sao thế được, nói thế, mẹ càng lo. Đồ ngốc ạ! Tôi cũng không ngờ đó là dịp Tết cuối cùng trước khi nó rời đi. Mẹ đẻ nó trở về, ngỏ ý đón nó sang bên ấy học đại học. Mẹ là người hăng hái nhất thúc giục chuyện này. Thấy vậy, tôi cũng lấy làm lạ khi mẹ chỉ cách nó vài con phố đã thấy nhớ nó, nay đến nửa vòng trái đất. Mà chẳng biết liệu nó có về không. Mẹ vẫn yêu nó như xưa cơ mà?

Nó bay vào đêm khuya, làm thế để mọi người khỏi ra tiễn. Cũng như mẹ khi xưa, nó lẳng lặng rời khỏi nơi này. Nó để lại cho mẹ một bức thư: “…Mẹ hãy yên tâm về con, mẹ nhé…”. Hóa ra, mẹ không buồn khi nó đi, mà lại vui cho nó. Còn tôi, tôi mong nó sớm trở lại, trưởng thành và thật rạng rỡ. Bất ngờ nhất là tôi cũng có thư của nó. Tôi đọc thư và mỉm cười. Sao tôi lại không mở lòng mình sớm hơn nhỉ? “…Chị à, em biết rồi. Khi có thêm một người con, tình yêu của người mẹ không bị sẻ đôi hay giảm bớt, nó lại còn nhân đôi, lớn ra, vì lòng mẹ mở rộng để đón cả hai đứa mà…”.

Nguyễn Thu Thủy

(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Sẽ ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

P/S: Là con một trong một gia đình bố mẹ đều là công nhân, Nguyễn Thu Thuỷ, con bé Cún hay ốm ngặt ốm nghẽo ngày nào giờ đã là học sinh lớp 11 chuyên Toán-Tin trường Hà nội- Amsterdam. Thuỷ luôn cố gắng học tập và giúp đỡ mẹ. Em đoạt giải 3 Toán thành phố năm lớp 5 và lớp 9, và liên tục dẫn đầu lớp cũng như đoạt danh hiệu học sinh giỏi 10 năm liền."Thuỷ rất tự lập và tự giác trong học tập," Mẹ Thủy nói . "Thuỷ là đứa con rất tình cảm, rất thương bố mẹ. Ước mơ của cô bé là dành được một xuất học bổng du học nước ngoài. "Con rất muốn được du học, rồi lại về với mẹ mà," đã có lần Thuỷ nói với mẹ như vậy. "Con sẽ cố gắng học tập và làm việc để nuôi bố mẹ."

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Thưa Mẹ!


Mẹ kính yêu!

Con viết lá thư này vì đột nhiên con thấy nhớ mẹ da diết, nỗi nhớ cứ quặn thắt trong con, mà có lẽ chưa bao giờ như thế! Không phải con chưa bao giờ nhớ mẹ, mà chỉ chưa bao giờ nhớ mẹ như lúc này! Vì nỗi nhớ luôn thường trực trong con là nỗi nhớ về bố - người đàn ông của mẹ, là người đã sinh ra con, cho con nghị lực và sức mạnh để được như ngày hôm nay. Và con ước sao người đàn ông của con sau này cũng tuyệt vời như bố!

Mẹ kính yêu của con, mẹ sẽ không giận con chứ?

Con cũng chẳng hiểu sao, con đặc biệt khác những đứa trẻ khác về chuyện tình cảm với gia đình. Con yêu bố, nghĩ đến bố và luôn cảm thấy bình yên khi có bố. Bố nghiêm khắc lắm mỗi khi con phạm lỗi. Bố đòi hỏi con gái của bố phải thông minh và dũng cảm. Và những trận đòn roi khi con làm bố thất vọng, đến bây giờ con cũng chẳng thể nào quên được. Dù khi bé, con chỉ dám yêu bố từ xa, từ thẳm sâu trong tiềm thức của một đứa trẻ. Con không dám đến thật gần bên bố như đám chúng bạn nhưng tình yêu với bố vẫn luôn hiện hữu trong con…

Con luôn cảm thấy mình thiếu sự quan tâm của mẹ. Đấy chỉ là cảm nhận của con khi con còn bé. Con luôn ghen tỵ với em, vì nó được mẹ chiều chuộng hơn, nâng niu hơn. Con còn nhớ, hồi khai giảng năm học lớp 7, lần đầu tiên, mẹ đã chải và bện tóc cho con. Mẹ có biết lúc ấy con đã khóc không? Con đã khóc vì tủi thân và hạnh phúc! Cái điều mà mẹ của các bạn con thường xuyên làm cho chúng thì con lại chẳng bao giờ có được. Ngày 8-3, con thèm được có một chút tiền nhỏ để mua hoa tặng mẹ, nhưng thu nhập duy nhất của con là học bổng thì mẹ không cho con giữ. Lúc ấy con đã giận mẹ bởi con không hiểu mẹ sợ con còn bé, không nên tiêu tiền. Mẹ uốn nắn cho chị em con từng cách cầm bút, cách cầm đũa, cách biết nói xin lỗi và cảm ơn…

Bà ngoại mất khi mẹ của con mới lên ba tuổi. Cái tuổi chưa nhận thức được sự mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời con người. Ông ngoại đi làm cách mạng, mẹ đã trải qua tuổi thơ cực nhọc, vất vả, thiếu thốn tình thương và sự dạy dỗ của hai người thân yêu nhất. Nhưng mẹ vẫn lớn lên, trưởng thành, trở thành một chiến sĩ công an nhân dân dịu dàng và dũng cảm. Từ đồng nghiệp đến các phạm nhân, ai cũng yêu quý và tôn trọng mẹ.

Mỗi ngày trôi qua, con chỉ âm thầm cầu mong cho mẹ không bao giờ già đi, không bao giờ phải khóc, vì mẹ hay khóc lắm…

Mẹ thương yêu!

Khi con lớn lên, rào cản của sự phân biệt nơi con về tình yêu của bố mẹ không còn nữa. Vì bây giờ, con đã là một nhà báo, con làm việc bằng trái tim. Con đã hiểu rằng, không ai trên đời này thương con bằng mẹ!...

Mỗi lần về nhà, nhìn tóc mẹ có thêm sợi bạc, con thấy nhói buốt, xót xa. Cả cuộc đời mẹ, đến tận giờ này vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn chưa được đủ đầy vật chất. Nhưng mẹ biết không, mẹ là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên thế gian này bởi bên mẹ có bố - người đàn ông tuyệt vời nhất mà con biết, có em và con, những đứa con luôn ở bên và thương yêu mẹ.

Nhiều lần, con muốn được ôm mẹ, được nói rằng: Cho con xin lỗi mẹ vì những suy nghĩ non nớt trẻ con. Nhưng tất cả cứ nghẹn lại, con không thể nói bằng lời…

Mẹ sẽ tha thứ cho con, phải không mẹ?

Con không dám cầm bút viết thư, viết bằng màu mực tím, màu mực mà mẹ rất thích, vì tay con run và mắt con nhoè nước. Mẹ cố gắng đọc hết lá thư này mẹ nhé vì đằng sau nó là trái tim của con, mãi mãi hướng về mẹ, ở bên mẹ!

Con biết, bố mẹ luôn ở bên chị em con, cho dù chúng con ở đâu. Bố mẹ luôn ở nơi ấm áp nhất trong trái tim và trong tâm trí con, cho con soi rọi, cho con hướng tới. Thế nên, con biết, mình thật sự hạnh phúc vì được sinh ra bởi hai người tuyệt vời nhất, hoàn hảo nhất trong cuộc đời này. Con sẽ sống để không phụ lòng những gì mà bố mẹ đã tin yêu, mong đợi.

Cảm ơn bố mẹ đã cho con cuộc sống như ngày hôm nay, cho con nghị lực và tri thức để sống và làm việc. Và con lại muốn nói lại câu này: Nghề báo buộc con phải đi nhiều, viết nhiều, nhưng viết về những người thân yêu của mình thật khó!

Hãy ôm con, như khi con còn bé! Lễ Vu Lan - mùa báo hiếu, con muốn được cài lên ngực áo mẹ một bông hồng đỏ thắm - bông hồng của tình yêu và lòng biết ơn của con đối với hai người thân yêu nhất.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2007

Mẹ tôi


(Định đưa hình này lên làm bìa sách nhưng vì
lý do khách quan nên cuối cùng đã chọn một bìa khác)

Người đầu tiên tôi luôn nghĩ đến khi gặp buồn vui là mẹ. Đã bao lần tôi muốn gọi điện về hỏi thăm mẹ, ít nhất cũng được một câu: “Mẹ khỏe không mẹ?” Nhưng cái sỹ diện của thằng con trai trưởng thành đã không cho tôi làm điều đó.

Mẹ lại luôn là người gọi điện hỏi anh em tôi sống ra sao. Mỗi tuần vài lần, đều đặn, đều đặn như những lần mẹ đứng lên ghi số xe hay xóa số xe cho khách để có tiền cho anh em tôi ăn học. Đều đặn như những lần mẹ chịu đòn khi bố say rượu, chửi mắng và đánh mấy mẹ con tôi khi xưa. Tôi không bao giờ có thể quên được mẹ đã chịu nhiều đắng cay, tủi nhục như thế nào mỗi khi bố lên cơn say. Mẹ không bao giờ cãi lại bố một lời dù bố có đánh mẹ đau đến mấy. Kể cả khi bố tỉnh rượu mẹ cũng không một lời hờn trách. Nhưng mẹ lạy van và kêu khóc khi bố đánh mấy anh em tôi. Mẹ hiểu những gì bố phải trải qua.

Bố đã gửi lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Trở về với thân hình không lành lặn, với bao nhiêu vết thương khắp cơ thể, mỗi lần trái gió trở trời bố lại đau buốt. Và một trong những vết thương đó đã vĩnh viễn mang bố đi xa, để lại mẹ một mình với 4 đứa con cùng những thách thức của đời. Khi bố còn sống, mẹ là người che chở cho chúng tôi mỗi khi bố tức giận. Đến khi bố mất, cả nhà mất đi chỗ dựa vững chãi, mẹ lại thay bố, trở thành bố của chúng tôi. Mẹ làm việc không kể ngày đêm để lo cho anh em tôi bằng bạn bằng bè. Nhiều lúc tôi không hiểu mẹ lấy đâu ra sức lực để thức đến khuya và dậy từ sớm ngày này qua ngày khác như vậy?

Tôi vẫn nhớ sở thích của mẹ là ngủ, mẹ có thể ngủ bất cứ lúc nào, đặt lưng xuống là có thể ngủ được ngay. Nhưng mẹ hiếm khi được ngủ thật lâu, thật ngon. Trong giấc ngủ mẹ vẫn thao thức, lo cho cửa giả đã an toàn chưa? Các con đã yên giấc chưa? Đặc biệt là tôi, mùa hè không có quạt, tôi không ngủ được, nhà thì nghèo, chưa có quạt, đêm đêm mẹ lại cầm cái quạt nan phe phẩy cho tôi ngon giấc. Thỉnh thoảng mẹ ngủ thiếp đi, ngừng tay quạt, tôi khó chịu kêu lên, mẹ lại giật mình tỉnh dậy quáng quàng tay quạt. Chỉ đến khi tôi ngủ say giấc, quên đi cái nóng thì mẹ mới được ngủ yên. Lúc đó trời đã gần sáng... mẹ lại phải dậy sớm dọn hàng, xếp xe, giặt giũ...

Bây giờ khi anh em tôi đã lớn khôn, những tưởng gánh nặng trên vai mẹ sẽ nhẹ bớt đi phần nào... Nhưng mẹ vẫn phải lo toan bao nhiêu là việc, mặc dù anh Nam đã có vợ, có con, nhưng mẹ vẫn phải lo cho từng tý một. Anh Hải chưa lấy vợ, mẹ cũng không yên tâm, mà lấy vợ rồi chắc mẹ còn phải lo hơn khi lo cho anh Nam ấy chứ! Còn em Linh và tôi, mẹ nói thương hai anh em vì phải sống xa nhà, đặc biệt là em Linh, mới nhỏ tuổi đã phải xa mẹ lên Hà Nội để chăm sóc anh. (Anh trai thứ của tôi bị viêm màng não từ khi lên 5 và tôi thì không được lành lặn như những đứa trẻ khác - bằng chứng của tội ác của chiến tranh). Thỉnh thoảng mẹ lại gọi điện, mỗi tháng một lần, mẹ đi ô tô hơn một trăm cây số lên xem hai anh em ăn ở ra sao? Có thiếu thốn gì không? Mỗi lần như thế, khi chưa kịp nghỉ ngơi sau chặng đường dài, mẹ lại lau dọn nhà cửa, giặt giũ cho chúng tôi. Mà tôi biết mẹ say xe...

Vậy mà... tôi - đứa con hay tâm sự với mẹ nhiều nhất khi còn nhỏ, hay khóc cùng mẹ mỗi khi mẹ bị bố đánh, hay nói những câu ngây ngô thật lòng với mẹ (tôi vui khi biết vì những câu nói ngây ngô của tôi mà mẹ đã quyết định ở lại với chúng tôi, chứ không tự giải thoát kiếp sống bạc bẽo của mình với cái dây thừng mẹ luôn treo sẵn trên cành cây cao cuối vườn, hay trầm mình xuống sông và để lại đứa con mới 3 tuổi của mẹ trên bờ). Giờ đây ít khi tôi nói với mẹ một câu tình cảm như trước. Con bất hiếu quá phải không mẹ? Tôi đã thật sự trưởng thành chưa? Đã thật sự chín chắn chưa? Hiếm khi tôi nói với mẹ một câu như vậy?

Mỗi khi ngồi nghĩ lại những gì mình đã làm, hay ngay lúc này đây, khi viết những dòng về mẹ, tôi đang khóc. Khóc vì mình chưa thật sự lớn khôn, mẹ cần một niềm an ủi biết bao, mẹ cần một lời động viên biết bao, mẹ cần một lời thăm hỏi đến nhường nào…Vậy mà, tôi vô tâm quá. Nhưng tôi biết mẹ không hờn trách tôi, mẹ chỉ buồn... Mẹ hiểu tính từng đứa con, nhưng tôi biết mẹ vẫn buồn. Bây giờ tôi không tâm sự với mẹ thì ai là người tâm sự với mẹ đây? Ai chia sẻ với mẹ như trước kia?

Con xin lỗi mẹ! Ngàn lần xin lỗi mẹ! Mẹ nói chỉ cần anh em học giỏi là mẹ vui rồi. Nhưng tôi biết, mẹ cũng cần được nhận những lời động viên an ủi vì tất cả những gì mẹ đã hy sinh cho anh em tôi lắm chứ?

Nhưng mẹ ơi! Mẹ đừng nghĩ rằng con hết yêu thương mẹ, mẹ nhé! Con vẫn nhớ những câu à ơi mẹ ru con ngủ, vẫn nhớ những món ăn mẹ nấu, những điều tốt đẹp mẹ dạy con. Con luôn tự hào vì là con của mẹ. Mấy anh em con, không ai bảo ai, nhưng đều mong muốn sau này có được những người vợ như mẹ. Và, nếu có kiếp sau, con vẫn muốn là con của mẹ, mẹ lại nhận con làm con của mẹ, mẹ nhé!

Nguyễn Sơn Lâm

(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Sẽ ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

Chiếc áo lạnh của mẹ tôi


…Sinh thời, mỗi khi trời trở lạnh, mẹ tôi lại lục đục lần tìm, lôi áo lạnh của chúng tôi ra để vá, rồi đem giặt. Thời ấy thứ gì cũng hiếm, đắt, thứ gì cũng thiếu chứ không được thoải mái như bây giờ. Chuyện ba bốn anh em trong nhà chuyền tay nhau một chiếc áo là thường. Tôi đứng ở vị trí áp chót trong anh em nên chuyên được phần áo vá nhiều. Sau tôi, hai thằng em thường được phần khá hơn vì anh em đông, đến phiên tôi thì áo cũng đã tã. Nhưng cũng chính vì phải mặc loại áo ấy nên tôi được mẹ thường xuyên chú ý chăm sóc hơn. Lần nào cũng vậy, hễ tôi mặc áo xong thể nào bà cũng bắt xoay tới xoay lui, vuốt ve từng chỗ vá một, kéo đường chỉ ra cho áo phẳng phiu xong, mẹ tôi mới cho tôi ra ngõ. Bởi mặc áo vá nhiều nên vào mùa đông tôi không thích đi học chung cùng bạn bè. Tôi đến lớp, không cần ngoái lại cũng biết mẹ mình đang đứng ở đầu ngõ nhìn dõi theo cho đến lúc tôi đi khuất.

Một trong những niềm mơ ước đến tuyệt vọng của mẹ tôi thuở ấy là làm sao để mấy anh em tôi ai cũng có áo lạnh mới để mặc. Nhưng đó chỉ là mơ ước xa vời. Mùa đông năm ấy trời lạnh ghê hồn, gió rét căm căm, rặng phi lao trước nhà réo lên từng hồi từng hồi như cắt da thịt. Nhắm bề không xong, mẹ tôi đưa chiếc áo bông to xù của mình cho tôi, nó đã cũ, vá nhiều nhưng dày và ấm. Chiều hôm ấy, đi học về, trả lại chiếc áo cho mẹ, tôi lúng búng giải thích chuyện bạn bè trêu chọc vì mặc áo con gái. Mắt mẹ tôi chợt tối lại. Cho đến mãi sau này, chưa bao giờ tôi thấy mẹ mình buồn như lần ấy. Hôm sau tôi có áo lạnh mới. Và cũng mãi lâu sau đó, khi mùa đông qua, tôi mới biết mẹ mình đã bán đi nhiều đồ đạc riêng, những kỷ vật thời con gái để mua áo lạnh cho tôi. Chiếc áo ấy là của riêng tôi, cho đến ngày mẹ tôi qua đời.

Năm nay, mùa đông lại về mỗi lần nghe cháu tôi chê ỏng chê eo - áo này lạc hậu, áo kia không đẹp, tôi lại thấy cay cay trong mắt và lại muốn kể cho chúng nghe câu chuyện kia thêm một lần nữa.

Hỡi những người bạn mặc áo vá cùng thời của tôi, các bạn có gặp hoàn cảnh như tôi không, các bạn có muốn kể lại câu chuyện chiếc áo vá của mình cho con cháu mình nghe không, rằng có một thời chưa xa, bố mẹ chúng ta đã phải gian khó, cần kiệm như thế nào?

Bá Phùng
(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Sẽ ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2007

Gánh bình minh trên vai mẹ


1. Mẹ đã gánh bình minh về nhà khi tôi còn rất nhỏ.

Ký ức về Mẹ trong tôi là chiếc đòn gánh. Chỉ là một chiếc thanh tre mà chất chứa bao nỗi niềm. Những đêm mưa, mẹ thức dậy từ rất sớm, những quả mướp phơi mình trong gió lạnh, đợi Mẹ gánh ra chợ cho kịp phiên. Tôi còn nhớ rất rõ những bước chân rón rén của mẹ khi mở cửa, thật nhỏ và thật nhẹ, sợ gió lùa vào, sợ tiếng động làm chị em tôi thức giấc. Cảm giác mỗi sáng thức dậy, quờ tay là một khoảng trống mênh mang. Không có cái vuốt tóc, không có cái nựng yêu… dù rất bé, nhưng tôi không khóc. Lúc đó tôi đã ý thức được rằng mẹ đang cùng chiếc đòn gánh tiếp tục cho cuộc mưu sinh. Có nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao chiếc đòn gánh lại chịu được sức nặng đến ngút ngàn như thế nhỉ? Có lẽ đơn giản nó làm bằng tre, những cây tre Việt Nam. Thời gian trôi qua, chiếc đòn gánh vẫn kĩu kịt, duy có đôi vai mẹ ngày càng sờn đi, gầy mờ theo năm tháng. Câu trả lời cho những thắc mắc bé xưa chợt ùa về. Chính đôi vai mẹ đã làm chiếc đòn gánh dẻo dai, chịu đựng được tất cả sức nặng với trái tim cò vạc ấy.

2. Tôi đã từng mơ về những cánh đồng hoa với những gánh hàng hoa, khói sương, lãng đãng. Mọi thứ đều nhẹ và dịu. Tôi kê vai gánh thử những bông hoa rực rỡ ấy, để cảm nhận chút lãng mạn còn sót lại trong tâm hồn nhuốm màu phố. Chợt thấy lòng nặng trĩu một ký ức. Mẹ không gánh hoa. Mẹ gánh cả bình minh về nhà mỗi khi tôi thức giấc. Một gói xôi, vài bịch chè, khi thì cái bánh gói nóng hổi mùi lá chuối mẹ ủ trong gánh rau mua về cho lợn. Chị em tôi đã reo lên mừng rỡ, ngọt lịm một cảm giác sung sướng rất trẻ con. Mãi sau này, trong một lần được theo mẹ ra chợ, ngạc nhiên khi biết mẹ không ăn gì. Nhìn quanh, thấy mọi người quẳng gánh đánh phịch, ăn liền bát mì, tô bún hay cuốn bánh xèo đang đúc nóng hổi trong tiếng ồn ào xen lẫn của kẻ bán, người mua. Tôi níu tay, mẹ cười giòn “để dành bụng về nhà ăn cơn cho ngon”.

3. Tôi ghen tị với chiếc đòn gánh, được ở bên mẹ suốt ngày. Những buổi mẹ ra đồng, tôi đã khóc vang cả đầu hè, trong cái nắng chiều liên xiên gắt gỏng. Nhìn xa xa, bóng mẹ đổ dài cùng quang gánh. Tôi cố chạy theo, nhưng chỉ được một đoạn là đôi chân trần bé xíu không thể chịu nổi sức nóng của con đường đầy đất bột và đá dăm. Ngồi bệt bên lề đường, thấy bụi gai mắc cỡ với những bông hoa tròn tim tím, lòng trào lên một nỗi giận hờn. Mỗi lần nhắc lại, tôi xấu hổ giấu mặt vào lưng mẹ, thoảng nghe mùi cỏ, mùi gió và cả những cánh cò chấp chới, rưng rưng.

4. Có những cơn mưa nơi phố thị, rào qua bất ngờ cũng đủ làm ướt sũng trong tôi nỗi nhớ. Quang gánh bây giờ thôi thõng chân kĩu kịt trên vai mẹ. Vậy mà mỗi lần nhắm mắt, bóng mẹ cùng quanh gánh vẫn trùm lấy tâm hồn tôi cỏ dại.

Mẹ đã gánh mùa xuân về nhà…

Nguyễn Thị Thùy Dung

(Trích từ cuốn sách Quà tặng Mẹ - Sẽ ra mắt vào dịp Lễ Vu Lan 2007)

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Kỳ cuối)

23-11-1968

Chiều qua anh Giai đi chỉnh huấn về báo tin: Anh đã về A7 và chiều nay sẽ cùng anh Chất về tới đây nếu đi kịp. Không thì sáng mai. Mừng quá. Đang mong Anh đến căng thẳng. Nhưng mình tin ngay là Anh không thể về tới chiều nay được vì ông Chất ốm, anh cũng yếu, không thể gùi nặng mà đi 2 ngày từ A7 về tới đây.

Hôm nay anh Tiến bảo mình làm một con tính: số ngày gùi, ốm và ở nhà. Tính từ 9-7-68 đến hôm nay 23-11-68, cộng là 136 ngày.

Mình đã mất: 71 ngày đi gùi; 26 ngày sốt; còn: 39 ngày ở nhà.

24-11-1968

Ăn sớm xong, ngồi nói chuyện với anh Giai. Nghe anh ấy kể về nông nỗi thiếu muối trong những ngày đi lĩnh gạo xã hội chủ nghĩa. Mình từ thuở bé chưa từng biết thiếu muối, nay nghe thấy lạ quá: ăn cơm nhạt, được người ta cho 7 hạt muối, để dành cuối bữa mới ăn vã.
Anh Hồng (Điện ảnh) về chiều qua. Anh ấy nhắn Cao Duy Thảo bảo mình là Quốc còn ở lại làm việc với ban vài hôm. Buồn quá. Thế là Anh chưa về hôm nay được. Mình lại khổ sở vì chờ đợi.

Sáng nay anh Tiến bảo tổng số ngày ốm của anh ấy hơn mình 12 ngày, còn ngày gùi của anh ấy hơn mình có 4 ngày thôi. Như vậy sự đóng góp về gùi cõng của mình cũng không đến nỗi tồi lắm.

28-11-1968

Anh về chiều hôm qua, đúng lúc mình chữa và chép xong truyện “Niềm vui thầm lặng”. Nói chuyện gần hết đêm. Nói chung là vui.

Anh về kỳ này mình quyết phải động viên anh làm việc. Mùng 3-12, còn 4 hôm nữa anh lại phải ra A7 họp rồi. Chán.

3-12-1968

Anh lại đi. Anh ra A7 họp đại hội chi bộ và có thể ở lại A7 luôn để viết.

Hôm qua họp Tiểu ban để quần chúng góp ý cho ban, Tiểu ban và đảng viên. Mình cũng nói rất mạnh. Chỉ có chuyện ông V.L bảo (với mình) là làm thơ không cần đi thực tế thì hơi tiếc. Bữa trước mình nói với ông Điểu và Thảo. Ông Điểu đưa ra chi bộ bảo là không biết ai nói. Ông L. chối. Hôm qua Thảo nêu ra. Mình đành phải vạch thẳng. Đại hội chi bộ kỳ này sẽ nêu lại vì nó sai cơ bản về quan điểm, nhất là ông L. vốn có dư luận là sợ ác liệt, ngại đi thực tế. Thế nào ông L. cũng căm mình lắm. Anh bảo lẽ ra thì đừng nói với ai. Nêu ra ổng thù mình. Thôi ổng thù thì thù. Rõ ràng mình không vu cáo ổng. Ổng không đồng ý kết nạp mình thì còn cả chi bộ.

15-12-1968

Họp toàn ban bất thường. Rút mức ăn xuống: 1 lon gạo (trộn bắp) một ngày. Tình hình nghiêm trọng. Địch càn. Bít ranh. Sớm mai một số lớn của ban đi A5 ngay, một nửa ở lại sản xuất và tránh ăn gạo ở ban. Mỗi ngày 2 người đi kiếm rau chống đói. Đêm nay có thể sẽ nổ súng tấn công đợt mới.

**********************

Nằm lại với đất lành...

Trong cuốn nhật ký mà nhà thơ Bùi Minh Quốc lưu giữ thì chị Dương Thị Xuân Quý thật ra còn viết nhật ký đến ngày 17-12-1968. Trong lần ghi nhật ký này, chủ yếu chị Xuân Quý tường thuật về hội nghị sáng tác của Hội Văn nghệ Khu 5 và đã được nhà thơ Bùi Minh Quốc công bố trước đây (nên lần này ông chủ động không đề cập nữa).

Vậy là “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý kết thúc - tạm gọi như thế - trong thời điểm cuối năm 1968, khi đang ở A7, một căn cứ thuộc vùng tây Quế Sơn. Đến sáng sớm 19-12-1968, vợ chồng Bùi Minh Quốc - Dương Thị Xuân Quý chia tay, chị Xuân Quý đi công tác xuống vùng đông Thăng Bình, Duy Xuyên, “và đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy vợ tôi” - nhà thơ Bùi Minh Quốc tâm sự. Cũng theo trí nhớ của ông Quốc cùng một nhân chứng tên Mười ở thôn 3 Duy Thành - người sống sót và chứng kiến cảnh chị Xuân Quý hy sinh trên miệng hầm bí mật - thì chị Xuân Quý còn một cuốn sổ ghi chép nữa, có thể đó là những đoạn nhật ký kế tiếp. Và như đã giới thiệu, đêm 8-3-1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn. Toán lính Nam Triều Tiên sau đó canh giữ nhiều ngày liền, khiến thi thể chị Xuân Quý bị thất lạc. Năm 1996, bia tưởng niệm được dựng tại nơi chị hy sinh. Năm 2000, Bùi Minh Quốc gắng tìm kiếm lần nữa từ tiết lộ của một nhân chứng, nhưng lại thất bại. Thật bất ngờ, năm 2006 hài cốt liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được tìm thấy sau 37 năm thất lạc, và được an táng cạnh bia tưởng niệm.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã từng viết “Bài thơ hạnh phúc” rất xúc động (với bút danh Dương Hương Ly) về cái chết của Dương Thị Xuân Quý: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mộ em có mùa xuân ở mãi / Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”. Nhân dịp lần đầu tiên công bố “Nhật ký chiến trường”, Quảng Nam cuối tuần tiếp tục giới thiệu nội dung “Đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu” viết năm 1965 và Bức thư cuối cùng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý gửi cho chồng (Bùi Minh Quốc) ngày 31-12-1968. Tư liệu này cũng do nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp.

H.V.Đ

**************

ĐƠN TÌNH NGUYỆN VÀO MIỀN NAM CHIẾN ĐẤU CỦA NHÀ VĂN DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ VIẾT NĂM 1965

(trích)

Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu.
Tình hình đế quốc Mỹ ngày càng ngang ngược đẩy mạnh cuộc chiến tranh ăn cướp của chúng ở miền Nam và gần đây chúng liên tiếp cho máy bay bắn phá miền Bắc, là một thanh niên, tôi đã tình nguyện ghi tên đăng ký Ba sẵn sàng. Nhưng nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất. Xin các đồng chí hiểu cho tôi! Đã từ lâu tôi mong ước vô cùng được vào miền Nam chiến đấu…

Tôi năm nay 24 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, đã mười năm nay không ốm đau, không có bệnh tật gì. Trong suốt 8 năm kháng chiến (từ 1946 đến 1954) tôi đã quen với bom đạn và những trận càn quét tấn công của thực dân Pháp. Dạo đó, tôi hoạt động thiếu nhi. Hòa bình lập lại, tôi đi học và đã từng làm bí thư chi đoàn trường Trưng Vương. Tôi làm báo từ tháng 2.1961 đến nay đã được bốn năm. Như vậy, nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi v.v. Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nếu Đảng gọi tôi “vào Nam chiến đấu”, tôi xin có mặt ngay mà không cần một giây phút nào thu xếp. Tôi không có một vương vấn, một vướng víu nào cả.

*********************

Bức thư cuối cùng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý gửi cho chồng

31-12-1968
Anh thương yêu
Đi vất quá anh ạ. Mãi chiều 28.12 mới tới được Tuyên huấn Quảng Nam (đi sáng 20.12). Em phải bám dây mây qua sông, chỗ đường 16, sợ quá. Em kêu ầm ĩ. Nước sông to mà em thì không tài nào quẫy được. Cậu Quý bên Quân khu đi sản xuất phải dìu em. Kinh quá. Đến Tuyên huấn Quảng Nam thì em sốt. Nghỉ hai ngày. Sáng nay sẽ theo giao liên về Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào (Thăng Bình) ít ngày. Ở đây pháo bắn dữ lắm, mảnh rơi gần. Phải ngủ hầm. Bắt đầu về đồng bằng, em gửi hăng-gô lại chỗ đội Điện Ảnh rồi. Đi giữa làng thú vị lắm. Tuy cũng căng nhưng so với Quảng Đà chắc kém xa. Hai hôm trước chúng nó thả bom ngoài suối, mấy anh vớt cá chết được hàng thúng. Bọn em ăn chán cá. Tuy chưa thực sự chè chén gì nhiều nhưng tươi hơn ở nhà lắm lắm. Thương các anh ghê.

Hôm đi, em gửi anh Thanh Đính mang về “Niềm vui thầm lặng” và “Tiếng hát trong hang đá”. Anh Đính có đưa anh không? Nhớ giữ bản thảo cho em đó.

Lẽ ra em phải viết thư cho anh Vương Linh, nhưng kỳ này anh Tiến đã viết. Em lại sốt li bì cả ngày hôm qua. Hôm nay mệt. 8g sáng đã phải đi, nên không có thư cho ảnh. Nhờ anh nói hộ em, kẻo anh ấy kêu em không viết nhé.

Thôi, vài hàng ngắn ngủi, em đang mệt mà.

Yêu anh
Xuân Quý

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Phần 3)

6-11-1968



11g trưa rồi. Chưa làm gì được. Mệt. Đầy bụng. Hâm hấp sốt. Trưa nay Trần Tiến, Phương Anh, Cao Duy Thảo đi cõng gạo. Trần Tiến không cho mình đi. Kiên quyết. Mình xin đi nhưng không tha thiết vì đang mệt và muốn ở nhà viết mấy hôm. Nửa muốn, nửa không. Còn Trần Tiến, có nhẽ ảnh thấy mình đi nhiều mà gầy xanh quá, ảnh muốn cho mình nghỉ. Hoặc xuống Sơn Phúc ác liệt, ảnh không muốn cho mình đi.

9-11-1968

Bé yêu thương,
Bé ơi, Bé 23 tháng rồi đây. Hôm nay Bé đã chữa cho mẹ khỏi sốt rồi. Chốc nữa mẹ sẽ bắt đầu một chuyến đi cõng gạo rất xa Bé ạ. Chưa rõ ở đâu, Sơn Phúc hay Tí Sé, Lộc Thành hay kho Kiểm. Mẹ còn mệt nhưng phải đi thôi Bé ơi. Cả Tiểu ban đi để có gạo ăn mà đi công tác. Mẹ không thể ở nhà được. Ở nhà ăn ba bữa bắp mẹ không chịu nổi, mẹ mệt và đi ngoài. Mẹ ốm liền ba hôm rồi Bé ạ. Nóng hâm hấp, rồi gây gấy, rồi mệt và mẹ đã khóc vì mẹ cô đơn quá. Giá có cơm, mẹ đã khỏi ngay rồi. Mẹ sốt mà cứ ăn bắp hoài, chân mẹ run ghê quá, nhưng phải đi thôi. Mẹ nhớ Bé, hôm nay nhìn lại lồng ngực gầy gò của mẹ, khổ quá Bé à, mẹ lấy làm lạ là sao mẹ đã nuôi nổi Bé cũng chính từ bộ ngực ấy và chính cái miệng thơm thơm và đôi môi đỏ của Bé lại mút mút vào bầu vú mẹ hôm nay chỉ còn là hai cái núm lép kẹp…

Tháng này mẹ đã xong “Niềm vui thầm lặng” rồi. Từ nay đến 25-11-68 mẹ sẽ cố xong “Tiếng hát trong hang đá” nữa. Mẹ rất tranh thủ đấy Bé ạ…

Thôi, mẹ hơi vội. Hẹn con 9-12-68 mẹ sẽ có món quà mừng sinh nhật con, con thân yêu nhé.

20-11-1968

Mười ngày đi cõng gạo đã qua. Buồn, mệt mà không kết quả chi. 10-11, mình, anh Tiến, Thanh Đính, anh Linh, ông Chất và Thảo đi cõng gạo. Còn Vân và Thu Hoài thì đi đồng bằng lùng mua hàng. Theo hẹn, bọn mình phải đi vòng đường A7 để tìm tin Thông đã xuống trước xem gạo để đâu. Suốt mấy hôm ăn ba bữa bắp liền mình đã giảm sức. Lại sốt. Sốt lử đử từ 6-11 đến 9-11, mình không làm gì được. Chỉ nằm. Cơm không có ăn. Nhưng huy động cả nhà đi mình không có mặt khó coi quá. Mình gắng đi. Tin là nó sẽ khỏi dần như lần trước. Đi ba ngày mới tới Tí Sé. Ai cũng mệt. Mình rét run lẩy bẩy. Lội suối, nhất là suối A7, mình buốt tận óc. Vay được gạo nhưng mình không ăn được cơm. Sáu người mua 1kg thịt lợn giá 380đ, mình được vài miếng mà cũng chỉ ăn ba bát nhỏ cơm (bát đồng bào). Mình không có tiền nên các anh mua thêm thịt ăn ngoài đến ớn mà mình vẫn thèm. Mình muốn gặm chân giò hoặc sườn, nhưng mình không có tiền. Mỗi người được vay 250đ. 250đ của mình Thanh Đính cầm để mua xà phòng và kem đánh răng rồi… Buổi tối mỗi người được mua 2 tán đường, góp một tán vào nấu chè chung. Mình ngán. Cố ăn mà ăn được rất ít. Chỉ thèm thịt.

*
* *
Ở Tí Sé một tối. Sớm hôm sau, Anh Tiến, Thanh Đính, ông Chất và Cao Duy Thảo đi Sơn Phúc lĩnh 100kg gạo. Số gạo lĩnh theo phiếu chỉ cần 4 người cõng. Mình phải quay lên với anh Linh. Tìm kho gạo của Thông. Nghe đồn Thông và anh Giai đã móc gạo gửi ở cách Tí Sé 2 giờ đường mà tìm nửa ngày không thấy. Nằm lại ở một cái kho gạo dọc đường của bộ đội. Vay gạo của họ ăn. Ông Linh về nhà để báo tin cho mấy vị đi chỉnh huấn. Mình nằm lại và từ 14 đến 17-11 mình sốt. Nằm lịm. Mệt nẫu người. Không ăn được. Chờ người ở nhà xuống không thấy (Thông và anh Giai đi cõng đã về). Chờ cánh Sơn Phúc lên cũng không thấy. Mình phải xin người đi đường từng tí mắm. Lấy một tán đường nấu chè mà bỏ hết. Nghe tin anh Ngô Trí Hữu sốt rét ác tính chết, mình rụng rời cả người. Nhớ đầy đủ những kỷ niệm về anh ấy, người mình thương mến nhất trong đoàn cùng vượt Trường Sơn. Ở miền Nam, cái chết đến thật mau lẹ và dễ dàng. Mình buồn. Một tay Làng Bắc (cơ quan điện đài Khu), người Hà Nội, mở cho mình ăn cả một hộp thịt mà mình chịu. Chán quá. Mãi 17-11 anh Tiến và Thảo mới cõng gạo qua. Hai người đều sốt. San bớt hơn ang rưỡi gạo cho mình cõng. Ba người mang về được có hơn 100 lon. Mình cõng cả võng và màn. Tất cả chưa tới 2 ang mà mình đi chậm. Mệt bã. Chưa bao giờ mình bị kiệt quệ như lần này. Mình vẫn không ăn được. Không lần nào biết đói. Mình leo dốc một cách khó nhọc mới về tới. Ở nhà Thông đã đi cõng chuyến nữa. Vân và Phương Anh sáng nay đi. Còn 16 ang và 100kg ở Sơn Phúc. Mình sẽ phải đi một chuyến nữa vì chuyến này vô duyên quá. Cũng may, nếu có gạo nặng hơn thì mình bò ra đường mất. Không may mà hóa may.

Anh Hồng vừa khám cho mình. Anh ấy bảo gan và lá lách của mình không việc gì. Mình hết cả ký ninh nên vừa qua chỉ ngày nào sốt mới uống 6 viên bột gói vào giấy. Anh Hồng bảo mình vẫn đang sốt, cho mình 24 viên ký ninh uống trong 6 ngày. Hôm nay bữa sáng mình ăn khá, vì chiều qua không ăn. Bữa trưa lại bỏ ăn. Khổ quá. Ở kho dọc đường 4 ngày mình chỉ ăn có 5 lon gạo mà vừa ăn vừa cho bớt. Không thấy đói. Thèm thịt quá chừng. Ngọt thì chán rồi. Ba tối liền ăn chè.

Anh gửi thư cho mình. Động viên. Bảo mọi người khen mình. Chả thiết. Mình buồn vì thấy người kiệt sức quá. Hai tháng mất kinh rồi. Sốt mãi còn máu đâu nữa. Sáng nay đọc ký “Sông Hàn gặp biển” của anh gửi về. Anh gửi 5 bài thơ cả thảy nhưng mình chỉ được đọc 2 bài, còn các bài kia anh Linh chuyển sang anh Phi đọc rồi. Ký của anh ít vốn sống quá. Tán quá, ý không mới, mình chả thích. Mấy bài thơ có nhẽ tốt hơn(...).

*
* *
Chiều nay ngồi đọc lại cuốn nhật ký ghi những ngày chuẩn bị ở 105 và bắt đầu đi. Hâm nóng lại được nhiệt tình. Hồi ấy tâm trạng mình phơi phới quá, phấn đấu quá. Thơ mộng và khỏe khoắn quá, yêu đời quá. Xem gian khổ như một khám phá lý thú. Xem chia ly như một sự hy sinh đẹp đẽ và hạnh phúc. Điểm lại lòng mình hiện tại, hơi rùng mình. Hình như hồi này, mới có ít tháng trôi qua thôi, mình đã nguội bớt nhiều rồi, nếu mình tránh chữ “nguội lạnh”. Mình cằn cỗi, già nua đi, buồn rầu đi và bắt đầu có sự bi quan. Mình đã mất cái phớt đời. Mất đôi mắt chỉ biết nhìn cái đẹp trong thiên nhiên và trong sáng tạo. Mình đã để cho đầu óc có lúc thèm muốn nhỏ nhen: một ngày Hà Nội đầy đủ cà phê, bánh mì, rau muống và cà chua, trứng và xi-rô… Mình đã để nỗi nhớ Ly đôi lúc làm lung lay quyết tâm ở lại miền Nam chiến đấu lâu dài. Tóm lại là tư tưởng mình khác với hồi mình mới lên đường dữ quá. May mắn hôm nay mình kịp ôn lại và kịp nhìn thẳng vào lòng mình. Lâu nay mình đã nằm võng và ngồi bếp không biết tiếc thì giờ. Mình đã giảm cái hăm hở tranh thủ làm việc. Nghĩa là mình sắp trì trệ trong lo lắng bệnh tật và bi quan về cuộc sống. Nguy quá. Một mảnh trăng rừng, một vòm trời xanh, một con đường núi… không khiến mình xôn xao xúc động như trước nữa. Mình bắt đầu chỉ hay chú ý tới cuộc sống gian lao và khó khăn.

Từ nay phải chấm dứt. Hãy sống phơi phới, sống đi lên. Yêu đời, và đạp bằng mọi vất vả về vật chất và tinh thần.


Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Phần 2)

27-10-1968, Đội 5

Chiều qua mình đã chữa xong “Niềm vui thầm lặng”, sáng nay chép lại đoạn cuối và đã đưa Trần Tiến. Trần Tiến chưa đọc. Lo. Giá có Anh. Nhưng thôi. Phải mạnh dạn. Theo mình thì cái này không được bằng “Hoa rừng” về chất truyện, nhưng cũng không phải là hỏng.

23-10 mình lại sốt một trận nữa. Ăn sáng xong rét, rồi mệt. Gặp cái Đê. Nó cho 40 viên B1 và 10 viên APC với ít viên ký ninh. 1g30 chiều uống thuốc. Chiều bỏ cơm. Anh Tiến, Vân về A9 lấy thêm muối mắm và một gùi gạo chưa ra. Anh Điểu, anh Chất, Đính và Thông đi về Đội 5. Mình nằm lại giữa rừng với một gùi bắp và một gùi gạo của anh Tiến. Mình mệt tái người. Mình không thấy sợ hãi gì cả. 4g30 chiều thì các anh ấy đi. Một lát có hai thanh niên dòm vào võng mình. Thì ra hai tay vẫn ở với đoàn mình mấy hôm nay. Các cậu ấy bảo:

- Ở lại một mình à? Khổ thế. Nữ. Ốm mà dám ở. Chúng tôi cũng ở lại chờ đơn vị, mắc võng xuống chỗ chúng tôi nằm.

- Thôi. Tôi mệt lắm.

Mình tạm yên tâm vì dẫu sao thế là mình không trơ trọi một mình giữa rừng vì tăng của hai cậu ấy chỉ cách mình một quãng, không trông thấy nhưng không xa. Một cậu đem cho mình khúc sắn luộc. Mình chỉ ăn được nửa khúc. Mình thiếp đi trên võng. Gần sáng dậy đi giải. Không thấy sợ gì cả. Sáng, hai cậu cho mình 5 củ sắn, mình nấu canh 3 củ và nướng 2 củ. Ăn được một chút cơm, vẫn mệt lử.

Buổi chiều Trần Tiến, Vân và Phương Anh ra. Rồi Thông từ Đội 5 về với anh Chất, anh Đính. Anh Chất anh Đính quay lại A9 gùi nốt, còn 5 đứa mình gùi về Đội 5. Chiều 25-10. Ra đò. Đi thôi đầu mình chóng mặt đến quay cuồng tuy 3 ang bắp không nặng gì. Đò đông nghịt. Trần Tiến sốt. Năm đứa chui vào một lùm cây ven sông mắc võng ngủ. Liều không mắc tăng. May đêm không mưa. Đổi được 6 con cá ước chừng 1kg. Nấu canh ăn. Cũng đỡ thèm. Tụi văn công cho một hăng-gô sắn. Ăn khoái quá. Mình ăn cơm vẫn chưa ngon. Hôm nay mới thực ngon thì lại ăn hai bữa bắp rang liền.

Sáng qua, qua đò rồi thì về tới Đội 5. Mình đi cũng khá. Thôi, thế là cơn sốt trôi qua. Mình thấy vui vui. Cảm giác nhớ Hà Nội đỡ dần. Mặc dù đêm qua mình mơ thấy Ly. Ly nói như khướu. Ly vui lắm. Ly bảo Ly vẫn nhớ lần mình về Mễ tạm biệt Ly. Ly bảo: vì nó “thiêng liêng” lắm. Mình bật cười: Ba tuổi mà đã dùng chữ “thiêng liêng”. Ly gọi Mẹ, Mẹ, sau khi sững sờ một lúc và nghe mình bảo: - Mẹ đây mà. Ly bảo: Mẹ thì Ly nhớ, còn bố thì Ly không biết. Vì bố đi hồi ấy Ly còn bé quá.

B52 nó thả suốt dọc từ rẫy lang về phía A9. Đi 2g mới hết. Nó bỏ đúng chỗ để cái ché mà hôm đi lạc mình dừng lại định chăng võng ngủ lại một mình. Chao ôi, không ngờ hai hôm sau B52 lại bỏ trúng đấy. Tưởng tượng đêm đó mình nằm lại, một trận B52 trút xuống. Mình tan xác. Mình mất tích. Không ai biết mình ở đâu. Nỗi đau đến với Anh và Ly sẽ là vô hạn, vô hạn. May mình quá. Cuộc sống ở căn cứ như thế đấy. Từ nay phải rất hạn chế việc ở lại đêm giữa rừng một mình.

4-11-1968

Hoàn thành đợt gùi cõng cho đợt di chuyển từ A9 sang A8. Thế là đợt di chuyển này mất 20 hôm. Và mình tham gia 2 chuyến về A8. Sau cơn sốt nhẹ, mình ngại đi quá. Nhưng khi đã khoác ba lô lên vai thì mình lại đi khỏe và đi nhanh chưa từng thấy(...). Đi đường, trừ Phương Anh và mình, ai cũng tụt hậu. Mình nhận đeo 1 hăng-gô cơm đầy, Vân 1 và Thanh Đính 1. Còn anh Điểu, Phương Anh và anh Tiến, Thảo thì không mang vì chỉ có 3 hăng-gô cơm. Có thêm hăng-gô cơm thật nặng, nhưng mình nghĩ rèn luyện cho quen đi. Sở dĩ mình đi mạnh, đeo khá được là nhờ mình gùi tương đối liên tục. Dốc không còn đáng sợ nữa. Đúng là khi người ta khỏe thì chả coi khó khăn ra gì cả. Sức khỏe quan trọng quá. Nghe tin anh Điều (Điện ảnh) chết. Mình rụng rời. Anh ấy mới vào cùng đoàn với Đỗ Quảng, anh Nhị hồi cuối tháng 8 vừa rồi. Câu cá rất giỏi. Ốm liên tục từ hồi vào. Bốn con. Đang có ý định xin ra Bắc vì yếu quá. Đảng viên lâu năm, chuyên môn rất khá (in tráng phim). Trên đường gùi từ A7 về đây, Anh Hồng (cùng tiểu ban Điện ảnh) đi trước chuẩn bị nấu cơm. Anh Điều đi sau bị ngất và chết. Thằng Tạo (ở văn phòng ban) đi từ A7 sang đây thấy một người đeo ba lô đội mũ ngồi bệt, hai chân ngâm dưới suối (nước tới đầu gối). Tạo lật mũ lên nhận ra ông Điều đã chết. Kinh khủng quá. Giá có người xoa bóp ngay thì anh ấy không chết. Anh Tiến đã có lần bị vậy mà cứu được. Chỉ tại đi một mình. Sợ chưa? Từ đây mình cũng không dám đi cách xa đoàn nhiều quá. Cái hôm mình lạc mà lỡ bị ngất thì mình chết thôi. Ở miền Nam cái chết dễ quá. Mới hôm nào ở A9 mình bắt đầu viết truyện “Niềm vui thầm lặng” còn trao đổi với anh Điều về các chiến sĩ gùi. Nay truyện viết xong thì anh ấy đã chết. Mới hôm nào còn nằm võng bên Điện ảnh, nghe anh ấy tâm sự: “Tôi nhớ các cháu quá”.

Tội cho những đứa trẻ.

Cái hôm mình vừa khỏi sốt ở bến đò, trên đường gùi chặng đầu ra bến mình cũng chóng mặt nôn nao muốn ngất và mặt mình tái đi, mình ngồi phịch xuống. May sao một lát cũng đỡ. Rõ ràng là không thể coi thường sức khỏe được. Ở miền Nam không phải chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì bệnh tật. Anh Quý (quản lý ban mình) cũng mới chết vì một thứ cầu trùng gậm nhấm trong những cơn sốt rét vặt. Mưa, nước to, không kịp đưa đi cấp cứu, thế là chết. Xuyên Phúc - nơi nay mai mình sắp tới cõng gạo - chúng nó câu pháo ghê gớm. Bên Báo vụ, hai anh đi cõng gạo, một chết, một bị thương. Bao nhiêu nguy hiểm đang rình đợi mình, nhưng mình quyết không sợ.

*
* *
2g30 chiều qua, sau 2 ngày đường, mình đã về tới A8. Chú Khánh (bố Trà Giang) đạo diễn kịch sắp ra Bắc. Mình tắm giặt xếp ba lô suốt chiều. Hôm nay sẽ viết thư và chép 2 cái truyện để gửi ra. Uổng quá, giá đừng phải đi Xuyên Phúc (Đúng ra là Sơn Phúc, Quý ghi nhầm - BMQ) thì mình gửi được cả “Tiếng hát trong hang đá”. Mai mốt lại đi gùi, không viết được nữa. Đi gùi lần này ít nhất 10 hôm. Nhà hết nhẵn gạo. Bắt đầu từ hôm nay bọn mình phải ăn 3 bữa bắp cả. Gạo hụt vì các nhóm đi phân tán lẻ, ăn bừa. Không kiểm tra được nhau. Rồi bà Ng. và ông L. Anh em có ý nghi…, vì ông ta nói đầu đuôi không thống nhất. Chán quá, một số lớn người chỉ biết lo cho bản thân.
*
* *
Gùi về A8. Trở lại bãi bom B52 dạo tháng 7. Những cây khô đã đâm chồi non. Dưới những cây cháy đã mọc những lớp “rừng non” hơi rậm. Không còn thấy những hố bom đỏ loe loét như xưa. Mình đỗ ba lô lặng nhìn. Và mình nghĩ: khi sức sống đã dồi dào, có lẽ chả có sức mạnh độc ác nào vùi dập nổi sự vươn lên… Những chồi non mạnh khỏe không hề biết sợ… Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh, chính ta tự hủy nhựa sống trong ta. Còn nếu ta vẫn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã.


Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Phần 1)


18-10-1068


Thật là những ngày khủng khiếp. Sáng 14-10, mình gùi 3 ang gạo cùng với anh Điểu, Trần Tiến, anh Chất, Thanh Đính, Vân, Thông di chuyển về A10. Trời mưa mấy hôm liền nhưng vẫn cứ phải đi thôi. Anh Tiến vác gùi và dắt mình qua sông. Nước đến ngực lạnh cóng. Buổi sáng mình chỉ ăn được một vá (môi múc canh - BMQ) bắp vì cơn sốt chưa qua. Mình trốn vào ăn trong nhà để mọi người khỏi nhìn thấy. Mình lo. Run chân nhưng mình cứ đi. Đi sau Vân và trước 5 người kia. Mưa mù mịt. Mình cắn răng đi từng bước. Qua bãi đá mình mất phương hướng và mình lạc về quá bến sông nhà. Mình đi vào một khu rừng già. Mình biết lạc. Mình gào lên hàng chục tiếng: “Anh Tiến ơi! ”. Mình biết chỉ có tiếng mưa, tiếng nước sông réo đáp lại, nhưng mình cứ gào thét trong rừng (...).

Mưa vây lấy mình. Mình lách lau, bám rễ cây vượt qua, vượt qua những cái dốc trơn nhẫy. Đũng quần rách toang, trơ si-lip, may có áo mưa khoác ngoài và mình cầm khăn mặt che phía trước. Tới một chỗ, mình thấy đói. Giở hăng-gô cơm ra, không muối mắm. Xén thìa cơm đút vào mồm chỉ muốn nôn. Cơm sống, nhạt. Giở gói bắp. Ăn được vài thìa. Khát nhưng không dám uống nước suối đục. Lỡ ốm thì nguy. Nghe một anh đi đường bảo có người kiếm mình nhưng quay lên rồi. Mình thất vọng. Mình để ý tìm chỗ treo võng, lúc ngớt mưa thì nằm, mưa thì tìm một hẻm đá trùm ni lông ngồi vừa che gùi. Mình không có tăng nhưng có bật lửa và hăng-gô. Mình đang dừng lại tìm chỗ ở vì lúc ấy đã 3g chiều, thì Vân tới. Thật may. Lúc ấy mình mệt bã, vừa ngã lộn tùng phèo một cái, mãi mới rút nổi người ra khỏi gùi. Thế là theo Vân đi 10 phút nữa thì đến đường 13 và mọi người đã quyết định ngủ lại đây để chờ mình. Trời vẫn mưa. Có một mái lều bằng chiếc chiếu của đồng bào dân tộc làm trông rẫy. Cho gùi vào đấy và căng tăng thêm. Chiều ăn cơm với canh sắn và rau chuối thái ghém. Ngon tuyệt. Nhưng mình lo, vì mình thế là cả đoàn chậm một ngày.

Quả nhiên, việc mình bị lạc đã dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Sáng 15-10 lại ra bến đò. Trời vẫn mưa. Qua suối. Anh Tiến toàn phải vác gùi và đưa mình qua. Nhưng gần đến bến đò thì đường tắc nghẽn vì nước sông to quá, không lội qua được. (...) Sớm hôm sau (16-10) đoàn ông Tám nhanh chân qua được đò, 3 đứa mình chòng vòng đợi mấy anh mãi, song cứ ra bến đò trước. Gần tới nơi, mắc một con suối nước đến ngực. Vân lội qua xong quay lại đón mình rồi sợ đò không chở nữa mà mấy anh lại chưa tới nên quyết định ba đứa lên cắm tăng ở một mỏm cao cách bờ sông một bức tường cao 4m và nước còn ở mãi bìa xa. Một lát, anh Tiến ra. Anh ấy bảo thấy mưa, sợ đò không chở, các anh không đi. Anh Tiến bảo: “Nó mà lụt như năm 1964 thì chỗ này nguy đấy nhé”.

- Thì leo lên cây bám thôi.

Nếu trở về chỗ các anh, phải đi 1 giờ nữa, mà lội nước, mà dốc trơn, cực quá. Ba đứa đều ngại. Riêng mình càng ngại hơn vì lúc sáng qua đây mình đã rơi xuống một rãnh nước tới ngực, cả người và gùi lềnh bềnh trên nước (...). Bây giờ phải quay lại đằng đó, mình rùng mình sợ hãi. Thế là ba đứa ở lại. Càng xa đoàn hơn. Anh Tiến vội vã trở về vì sợ nước dâng to. Cả ngày ba đứa lo thấp thỏm. Ngồi chịu những đợt mưa tưởng như không bao giờ dứt mà buồn tê tái. Không có việc gì làm. Nhóm lửa hết một bộ quai dép vì củi sũng nước. Nấu canh khế với lá lốt ăn với cơm nguội. Rang bắp bằng hăng-gô và nắp hăng-gô, nhai. Rồi lại ngồi nghe tiếng nước sôi réo và mưa đổ nước xuống. May mắn mực nước vẫn chỉ đến chân bức tường. Đêm ngủ bình yên. Sớm hôm sau (17-10) nước rút nhiều. Tưởng yên. Ai ngờ lại mưa cả ngày và đến chiều nước dâng lên trông thấy. Đang nằm, tất cả vùng dậy cuộn võng buộc vào người, gác gùi lên cao. Mình quính lên tìm cây. Vân chỉ cho mình một cây khế cao và mình trèo lên. Nước đã ập vào dưới chân gốc khế. Chỗ ba đứa nằm cũng ngập, chỉ còn trơ lại một mỏm đất hẹp bằng hai gian nhà. Khăn mặt, hộp mắm, dép cao su, móc hết lên cây, bảo nhau mỗi đứa xách một hăng-gô cơm lên cây, nhưng Vân, Thông vẫn không chịu lên. Theo dõi mức nước một cách hồi hộp. Nước xuống, đứng, rồi lại lên ào ạt. Nghĩ tới trận lụt 1964 mà ghê hồn. Biết đâu trận này chả như trận 1964 và nước sẽ lên đến tận ngọn cây khế mình đang ngồi đây. Vân, Thông an ủi:

- Dẫu sao cũng phải bám chắc lấy ngọn cây. Không lý gì nước lên đây được.

Nhưng vẫn run. Run quá. Nghĩ đến Ly, đến Anh. Không lý gì mình lại chết đuối một cách đau đớn thế. Giá có Anh ở đây mình sẽ vững tâm hơn biết bao. Mong Anh về. Đi gùi cõng với anh có khổ đến đâu mình cũng chịu được tất, đường có xa đến đâu mình vẫn cứ vui. Đằng này…, nghĩ mới sợ làm sao những chặng đường ghê hồn. Trời tối dần. Thông lấy cơm ăn. Bụng mình đói. Mình cũng treo hăng-gô trước mặt và ăn. Nhưng chỉ ăn được vài thìa. Một chùm khế trước mặt, mình chả thèm hái. Ăn canh chua mãi phát sợ. Nước rút dần. Thông bẻ củi đốt lửa. Rồi đốt cao su soi cho mình xuống cây. Khoác ni lông ngồi trên cây, mưa, chịu những đợt mưa rùng rợn khiến người mình ướt đẫm. Lạnh cóng. Hơ cho khô tàm tạm vì chả còn quần áo đâu cả. Lên võng nằm, lạnh, lại xuống hơ lửa. Rồi lên võng và chợp đi.

***
Sớm nay vẫn mưa. Ba đứa vượt về chỗ các anh ở ven đường 13. Lội suối. Vân kéo mình, chân mình như bay trong nước vì sâu quá, chân không đụng đất. Bùn lầy, lau lách đổ rạp sau một đêm ngập lụt. Đi men bìa sông chỉ lo lăn tùm xuống. Nước ngập mất đường. Kinh khủng. Phải đi rất vội để chạy nước. Trời cứ mưa. Nước mà ập đến nhanh như hôm qua thì không còn lối nào chạy nữa ở dọc đường này. Trời xầm tối. Rùng rợn. Mình đi đất, len vào gai góc, luồn thật nhanh. Nước réo như đe dọa. Như sắp sửa dâng lên và cuốn mình đi. Mấy lần lội nước tới ngực. Cuối cùng bây giờ đến được chỗ các anh ở ven đường 13. Thế là yên trí. Vẫn mưa. Kệ. Ở đây càng lâu mình càng có thì giờ viết. Phải rất tranh thủ. Trần Tiến và anh Chất sốt. Trần Tiến phải lấy áo len dài tay của mình mặc. Tội quá. Anh Điểu mặc áo len dài tay của Anh. Thấy bọn mình, anh Điểu bảo:

- Cho đáng. Bảo lên không lên, tự lực cơ.

Mấy đứa tiu nghỉu.

Vẫn mưa. Mưa hết đợt nọ đến đợt kia. Chưa bao giờ mình chứng kiến một mùa mưa dữ dội như thế này. Cũng may vài hôm nay mình khỏe.

22-10-1968

Trời hửng nắng từ sáng, mặc dù hôm qua vẫn còn mưa. Nước rút nhiều, tuy rút chậm. Sóng bớt dữ dội hơn và sông lắng trong hơn. Trần Tiến và Vân trở lại A9 lấy muối mắm và gùi thêm một gùi ra. Chiều mai có thể sẽ qua đò.

Mấy hôm nay chỉ ăn ngày hai bữa. Một lon gạo chia hai bữa và ăn thêm bắp rang vì thiếu muối. Đói quá. Ăn xong lên võng nằm thèm đủ thứ. Chưa bao giờ mình bị cái cảm giác thèm ăn nó bóp nghẹt như bây giờ. Từ thèm ăn nhớ đến Hà Nội. Nhớ củ hành, đĩa rau cải luộc, bát rau muống xào, bún và cà phê, bánh và chuối…

- Ôi, tôi chỉ muốn một bữa rau muống xào.

- Được một bát rau bí luộc nhỉ.

Trần Tiến có vẻ thương cho những mơ ước nhỏ nhoi của mình:

- Ôi cha, thèm cái gì thì thèm cho đáng chứ. Thèm vớ vẩn mà làm gì. Mà thèm thì cái gì cũng không có, việc gì mà phải thèm những thứ tầm thường.

Nhất định từ nay mình sẽ không thèm thuồng gì nữa và không được ngại khó. Cái gì mọi người vượt qua được thì mình đều có thể vượt qua được. Phải lao vào cuộc sống với một tinh thần như thế.

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt - Phần 8

27-9-1968

Lại một ngày đã qua. Đọc được ít bài thơ Puskin và vài trang “Mác, Ăng-ghen, Lê-nin với văn học nghệ thuật”. 3g chiều qua ông Đống đến. Tối nằm nghe đài. Sáng nghe ca nhạc. Nằm đọc. Buồn ngủ. Mệt trĩu. Chép được vài trang “Hoa rừng” rồi thiu thiu. Gần 10g thì Kym Tấn, Lê Ái Mỹ, Văn Nhị kéo đến. Kym Tấn đi Kông Tum, Gia Lai, Mỹ, Nhị đi Quảng Ngãi. Họ nấu ăn trưa ở đây rồi kéo đi tất. Bên báo thế là đã lên đường cả. Ông Nhị vừa vào gần một tháng đã được đi liền. Tiểu ban mình thì cái gì cũng chậm chạp vì nhiều khó khăn quá. Mình cho rằng lỗi chính là ở lãnh đạo. Ông V.L lờ khờ. Ông Đ. thì cả nể tắc trách. Trần Tiến thì không bao quát được cả và cũng chả có sức nặng trong tiếng nói với cấp trên.

Đêm qua khó chịu vì đau cái nhọt dưới thắt lưng. Vừa khỏi cái nhọt ở chân lại lên luôn cái nhọt nữa dưới thắt lưng, cực quá. Nằm. Cứ nghĩ đến bao nhiêu nguy hiểm đang rình đợi Anh và cái ngày mình nhận tin đau thương ấy… Khổ quá. Lòng mình lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị nhận tin đau đớn. Trước đây có bao giờ mình lo như thế.

Ánh sao

Dương Thị Xuân Quý

Một ngôi sao long lanh
Một khoảng trời nho nhỏ
Giữa mênh mông rừng xanh
Như mắt con bừng mở

Ôi thân yêu mắt thỏ
Những đêm ngước nhìn trăng
Ông trăng tròn lung linh
In sâu trong đáy mắt

Như ngôi sao sáng nhất
Giữa rừng khuya đêm nay
Tưởng mắt con thơ ngây
Đang tìm theo bóng mẹ
Đêm hành quân không nghỉ
Ánh sao ánh mắt con
Tỏa sáng khắp sườn non
Sáng đường ra mặt trận

Dù bao nhiêu lận đận
Dù trăm dốc nghìn đèo
Có mắt con dõi theo
Mẹ bỗng thêm sức mạnh.

Rừng Quảng Nam
Tháng 7 - 1968

Hôm qua mơ rất sợ. Mình bế Ly, Ly đang nằm ngủ trên tay mẹ thì Hà Nội báo động. Nhà mình xây một chiếc hầm ngay trong nhà trồng răng ở đầu Hội Vũ. Người ta chen lấn vào hầm nhà mình. Bà Sinh cán bộ khối phố phải vào dàn xếp, bảo là hầm để nhường cho trẻ con. Rồi báo động hết, mình bế Ly, tay ôm thêm cả ít củi khô. Chợt có tiếng Ly khóc khe khẽ. Mình nhìn xuống thì Ly không còn ở trên tay mình nữa. Tay mình chỉ còn mấy que củi. Mình lại đang đứng trên bờ một hồ nước lớn. Trời nhập nhoạng tối. Tim mình đập mạnh, mình tái người quờ tay xuống nước. Có lẽ Ly tuột khỏi tay mình rơi xuống nước rồi. Không thấy, lại tìm trong bụi rậm, vẫn thấy tiếng Ly khóc khe khẽ mà mình không thấy Ly. Mình kêu lên “Ly ơi! Ly ơi! ” và mình choàng dậy. Thấy chiếc võng và mái lều mình mới tin là tai họa đó không xảy ra. Và mình yên tâm.

29-9-1968

Mình đã tranh thủ chữa và chép xong “Hoa rừng” sáng nay. Còn mười hôm nữa là đến 9 tháng 10, ngày Ly 22 tháng. Mình sẽ cố viết xong “Niềm vui thầm lặng” để giữ lời hứa với con.

Nghe Thông nói Anh đang ở Duy Xuyên, anh đã khỏe. Chắc anh lại về Xuyên Hòa rồi.
3-10-1968, A9

Hôm nay Anh vừa tròn 28 tuổi. Em sẽ chúc mừng sinh nhật của Anh bằng một ngày làm việc thật chăm chỉ. Em sẽ mở đầu truyện “Niềm vui thầm lặng” trong ngày hôm nay. Cả ngày sẽ là của Anh. Của Anh, anh nhé. Ngày này năm ngoái, em đã mua hoa lay-ơn về cắm trong cái gác vắng Anh và Ly. Buổi tối em đã lặng lẽ mua cà phê, bánh về mời anh Dân, anh Thú và Chắt. Hôm nay, ở A9 em chả có gì. Nhưng lòng em, sự cố gắng làm việc của em sẽ là món quà đẹp nhất gửi tới Anh.

4-10-1968

Một niềm vui bất ngờ. Tối qua nhận được thư cậu và anh Hải viết 3-5-1968. Thư đi 5 tháng. Mình thật hạnh phúc, vào mới chưa đầy 3 tháng đã có thư nhà. Biết được tin nhà sau ngót một tháng mình ra đi. Ly và cậu mợ đã ra Hà Nội từ 1-5-68. Thế cũng đỡ. Gần bệnh viện cho cậu mợ và Ly.

5-10-1968

Chiều qua, từ 12g trưa, mình lại lên một cơn sốt rét. Trưa vẫn ăn bắp khỏe, chỉ thấy hơi mỏi mỏi. Rồi tự nhiên gây gấy. Lấy áo len mặc, rồi lấy màn đắp, vẫn rét. Rét rồi nóng, rồi nhức đầu. Ăn được một bát cơm với canh măng và trám đen rất ngon mà mệt quá. Ăn xong Thông bắt gió cho. Nửa đêm thì đỡ và sáng nay khỏi hẳn sau khi uống 4 viên ký ninh. Thế là trận ốm thứ tư kết thúc. May thật.

*
* *

Anh Vương Linh bảo:

- Truyện “Hoa rừng” được. Câu kéo tốt. Dẫn dắt truyện tốt. Còn băn khoăn: 1 - Giao liên không đi suốt bao giờ mà chỉ đi nửa đường thôi. 2 - Việc xin đi công tác của Phước không thực tế vì các trường hợp đi thường là do xã điều. Việc xin đi chỉ là thời mấy năm trước.

Cả hai ý kiến ấy mình đều thấy hơi khó tiếp thu.

- Giả thử không có việc đi suốt trạm thì trong truyện ngắn mình vẫn có thể dựng được chứ sao. Nhất là ở một đoạn đường ác liệt. Và rõ ràng là ở nửa ngoài hành lang thì toàn là đi suốt trạm.

- Ở vùng chưa giải phóng, việc đi khó có thể do xã điều, mà giả thử xã điều chăng nữa thì xã thấy một gia đình 14 người hy sinh như vậy thường là không có ý định điều Phước đi nữa.

Mà nếu quả anh Linh muốn thế thì chữa cũng dễ thôi. Mình không trao đổi lại với anh Linh, sợ anh ấy bảo mình chủ quan, thiếu suy nghĩ đối với những ý kiến phê bình.

8-10-1968

Chiều qua hội ý Tiểu ban. Anh Vương Linh phổ biến công việc di chuyển. Lại đi nữa. Đi trong tháng 10 này. Đi giữa mùa mưa, chỗ mới cách bốn năm ngày đường, không rõ ở đâu. Chuẩn bị sức khỏe, có thể di chuyển xong mới đi công tác. Chi ủy quyết định ăn 7 lẻ gạo với 1 lon rưỡi bắp để thêm sức. Dù thế nào cũng phải ăn tăng. Tình hình sức khỏe sụt nghiêm trọng. Bên ban ăn 1,8 lon bắp và 1 lon gạo. Bên mình vẫn thiếu nên không dám, vì tốn kém việc ăn đi đường nhiều quá. Khi đi đường ăn tới 2 lon rưỡi - 3 lon gạo.Tất cả phải kiếm thêm để cải thiện (rau, cá).

10-10-1968

Thông mang chiếc võng của mình vào làng đổi được 70 lon bắp. Một chiếc màn của chị Nga bán được 200đ.

Hôm nay là ngày sốt đây. Mệt lắm. Ăn vẫn chưa biết ngon. Không thèm ăn. Không thấy đói. Mình lo ghê gớm. Nay mai lại sắp di chuyển. Đi 3 ngày đường. Thế mà người mình cứ phờ phờ.

13-10-1968

Hôm nay mới thật khỏi sốt. Mai lại di chuyển rồi. Mùa mưa đã đến. Chiều nào cũng mưa. Trời xầm. Cực. Suốt ngày hôm qua mình phá chiếc quần tây simili màu cứt ngựa - cái quần đã theo mình suốt dọc Trường Sơn - đem khâu một cái gùi đẹp, và nằng nặc đòi đi luôn ngày mai, mặc dù Trần Tiến bảo mình ăn còn như mèo, phải ở lại. Ở lại cũng chết, 25-10 này cắt đò. Lệnh: di chuyển gấp. Cực quá.

Mình viết xong truyện “Gùi” (tức là truyện “Niềm vui thầm lặng”- BMQ) rồi. Truyện này có thực tế nên mình viết dễ hơn. Đọc thấy tàm tạm. Còn đặt tên.

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt - Phần 7

28-8-1968

… Mai sẽ đi A9. Cõng 3 ang cộng thêm tăng, võng, một bộ quần áo, một hăng-gô cơm, một bi đông nước. Thu Hoài : 3 ang. Thăng Giai : 3 ang. Trần Tiến : 4 ang. Hơi lo. Chặng ngày mai vất vả lắm, lại lạ đường, liệu có bám kịp không ? Chả lẽ lại sụt xuống 2 ang rưỡi thì khó coi quá. Người vẫn đau nhừ. Mình vừa xoa dầu khắp người và buộc hai miếng vải xô vào bụng. Thấy nóng đầu, sợ quá. 12g đêm qua mới ngủ, 4g sáng đã dậy. Cả ngày bận bịu chuẩn bị đi A9. Mệt bã. Nằm võng không ngủ được. Bói Kiều. Xem anh có thắng lợi trở về không, gặp ngay đoạn Kiều gặp Từ Hải. Bói xem mình làm ăn có khấm khá không thì gặp đoạn này :

… Biết thân đến bước lạc loài
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
Trùng phùng dù họa có khi
Thân này thôi thế còn gì mà mong
Đã sinh ra số long đong
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao

Bói xem Ly có yên ổn không thì gặp một đoạn rất cô đơn :

Sớm ngơ ngẩn bóng đêm năn nỉ lòng

Lần lần tháng trọn ngày qua
Nỗi gần nào biết đường xa thế này

Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân

Buồn không thể tả. Nhắm mắt, không ngủ được. Thôi quên đi. Mai phải phấn đấu đi nhanh, đi thôi dài và đi vững.

3-9-1968

Sau 5 ngày cõng gạo về A 9 - địa điểm mới của cơ quan - 3g chiều qua mình về A7. Lại những thử thách mới mẻ, ác liệt đến với mình. Vẫn là những nông nỗi, những cực khổ giáng xuống. Buổi chiều trước hôm đi mình đã bị hâm hấp sốt, người mỏi nhừ, nhưng sợ ở lại thì nhỡ một chuyến đi, nhất là mình đang cần sang ban gặp anh Phi. Đêm lại ngủ giường vì sợ sáng đi sớm, mình cho võng vào gùi buộc lại và cất màn vào ba lô. Thế là bị lạnh. 3g sáng đã lục đục dậy vì Thông và Tam đã nấu cơm. 6g mới đi được. Mình cõng 3 ang, lại một hăng-gô cơm đầy, một bi đông nước, một cuộn dây cao su, một tấm tăng, một bọc quần áo. Mặc dù đã uống ký ninh từ chiều hôm trước và sớm hôm sau uống nữa, mình vẫn thấy trong người gây gây. Tuy nhiên mình cố theo kịp các anh, mà mình và anh Giai vẫn luôn tụt lại đằng sau. 11g30 lên đến đỉnh dốc. Ăn được ít cơm rồi rét run lên. Vội chạy băng băng xuống dốc, nóng toát mồ hôi, nhưng rồi gùi trĩu xuống, mình không sao đi nổi nữa. Anh Giai chỉ cõng 3 ang cũng cứ tụt lại. Chưa đến bờ sông thì mình quỵ hẳn. Đường còn dài. Lo đến nát lòng.

(...) Buồn quá. Nhớ nhà, nhớ Hà Nội như điên dại. Nhớ và thương cậu mợ vô cùng. Bỗng dưng mình thấy yêu cái gia đình ruột thịt của mình quá. Mình chưa bao giờ phải xa nhà lâu như thế này nên mình khổ quá. Thèm những buổi ngồi uống nước chè với cậu mợ. Những buổi nằm nghe mợ nói chuyện rủ rỉ. Ôi, sao hồi ở nhà mình ít nói chuyện với cậu mợ quá. Nhất là mợ. Mợ thích nói chuyện mà nhiều khi mình cứ ngủ thiếp đi. Có lẽ khi mình từ miền Nam trở về thì cậu mợ không còn nữa. Nhìn cái lược bí mợ mua cho ở chợ Mễ, lại thấy thương mợ quá đỗi. Nhớ hôm mợ bế Ly lên đê tiễn mình và nhìn theo mình lao xe đạp xuống dốc Mễ. Có lẽ đó là lần cuối cùng mình gặp mợ. Mợ yếu quá rồi. Chao ôi. Khóc. Chỉ biết khóc thầm. Từ hôm vào đây chưa ai thấy mình khóc. Nhưng chính thực thì mình đã khóc thầm khá nhiều. Lạ thế. Trước gian khổ, mình chịu đựng một cách lì lợm, không kêu một tiếng, không rên một lời. Chỉ khi Trần Tiến hỏi : “sốt hả?”, mình mới gật đầu. Nhưng những gì thuộc về tình cảm thì mình lại không thể nào chịu nổi.

(...) Mùng 2 tháng 9 thế là cũng rôm rả. Tối qua còn có 1 lon rưỡi bắp rang. Trời sáng trăng, mình mở cửa sổ nằm võng hát “Người Hà Nội”, nhớ Anh, nhớ Ly, nhớ Hà Nội…

9-9-1968, ven sông Nước Mỹ (Đăk My)

Con gái của mẹ,
Hôm nay Ly vừa tròn 21 tháng rồi đây con ơi. Tháng này, tháng thứ 22 của con, mẹ hứa với con, mẹ sẽ làm việc thế này :

1-Chữa lại “Hoa rừng

2-Viết xong “Niềm vui thầm lặng

Thế, Ly nhé. Thiên thần của mẹ ơi, con hãy đem nỗi cô đơn của con tới giúp sức cho mẹ. Tháng này mẹ sẽ rất bận vì phải làm nhà ở A9, nhưng mẹ sẽ tranh thủ con nhé (...).

15-9-1968

Năm hôm liền, mình, Thông, và Vân đi Tí Sé mua bắp. Tất cả vẫn nằm đợi ở ven sông Nước Mỹ (Đăk My) để sang A9 vì chưa có đò. Thế là xoay ra bàn chuyện mua bắp (...). Ngủ một tối ở chân dốc A7. Chiều hôm 12-9, ba đứa xuống tới Tí Sé. Lại ở nhờ nhà anh chị Bốn Huê. Căn nhà nhỏ lại một nửa, chỉ còn đúng một gian. Bọn mình phải mắc võng ngủ dưới hầm. Chị Bốn đi thăm lúa về, kêu hoài :

- Nó rải chất độc ác quá, lúa hỏng hết. Không có cái thứ chất độc ấy thì dân sướng lắm. Bây giờ, từ năm ngoái đến nay nó thả chất độc, bắp nhỏ lại. Đậu phụng (lạc) lép kẹp.

Chất độc ! Đâu đâu cũng thấy chất độc. Khu sản xuất của ban mình bị 7 lần chất độc, có làm mà không có ăn. Cả một vùng Tí Sé đỏ quạch vì chất độc, cây khô rũ. Chị Bốn vạch đầu gối, chìa ra những cái mụn lở loét:

- Cái giống chất độc ấy, quệt vào chân là sinh lở ra đó...

Dân thiếu, vẫn ăn toàn bắp xay. Anh Bốn đi câu cá quả và cá chạch chấu một ngày đổi được chục lon bắp xay. Nay mai mùa nước nên vào làng thì thấy một số nhà đã dọn xa bờ sông để tránh lũ.

Đi đường, ba đứa được ăn khá hơn : 2 lon. Xuống Tí Sé đổi được bắp xay, ăn mấy bữa no. Lại có cá ở nhà mang đi, và mình ăn luôn 2 lạng đường anh gửi về, thấy khỏe ra, những cái dốc và những chặng đường không làm mình khiếp sợ nữa. Đường đen 100đ một cặp, ba đứa mua 3 cặp. Tối qua nấu chè hết 1 cặp. Chè nấu bằng gạo xay, đặc, sánh. Ngon y như chè bà cốt nấu gạo nếp. Loại chè này ở Bắc mình ghét lắm, thế mà tối qua ăn thấy ngon vô cùng. Ăn chán rồi lên võng một lúc lại thèm. Còn mỗi đứa một tán đường, mình cất đi gặm dần. Khổ thật (...).

25-9-1968

Chả biết bao giờ mới di chuyển xong. Rồi lại lo chạy gạo. Ban đối với Văn nghệ, Giáo dục, Điện ảnh tệ quá. Bên ấy, các bộ phận Văn phòng, Báo, Tuyên truyền, Huấn học… đều có công vụ chạy, mỗi cán bộ chỉ đi cõng nghĩa vụ một tháng một lần. Còn bên mình thì phải tự chạy gạo lấy, lo đổi chác lấy. Trần Tiến phẫn nộ, nhưng không làm gì được. Vừa rồi, Điện Ảnh có Hạnh nằm lì ở kho Kiểm mới lấy được 25 ang gạo. Thông đi sau móc được có 5 ang thì địch lại chốt lại. Lúc nào cũng lo sắp hết gạo. Cả Tiểu ban lại ùn ùn kéo về. Thu Hoài ốm nằm một tháng nay sau một chuyến gùi từ A7 về A9. Phương Anh ốm. Anh Điểu yếu. Tam bé. Ông Chất luôn luôn “quặt quẹo”. Ông Vương Linh gùi “chơi chơi”. Số người còn lại thay nhau ốm. Thật buồn. Tình hình sẽ càng gay. Nó biết đường ta xuống kho Kiểm, vừa rồi nó rải B52 (...).

26-9-1968

Tất cả đã đi lúc 12g trưa hôm nay rồi. Mình ở lại đây trông đồ một mình. Vắng lặng, buồn lo… Mình lo những kẻ bất nhân qua đây… Mình lo cái tiếng réo của sông Nước Mỹ dội vào lòng mình, lo cái bịt bùng mênh mông của núi rừng quạnh hiu như thế ! Chính mình cũng không tưởng tượng nổi. Nhưng mình tin ở sức chịu đựng, lòng can đảm và nghị lực của mình. May sao chiều nay có một cô gái và hai ông khách đến ngủ. Thế là yên tâm. Qua được một đêm rồi. Thực ra mình cũng chả muốn về cái nhà đông đúc hiện tại. Lại chuyện trò đến hết buổi mất thôi. Mà chuyện phiếm thì vô ích quá. Cố ở đây viết cái “Gùi”.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt (Phần 6)

23-8-1968

Hôm qua 8g đã đi ngủ. Sáng 4g dậy, bây giờ đã cay xè mắt. Cả đêm gió ào ào và B57, B52 của nó liên tục bỏ bom xa. Mùa thu, mùa thu êm dịu và lạnh đã tới. Đường Lý Thường Kiệt lại đẹp lắm đây. Hà Nội bớt nóng chưa?

Ly ơi, con lại cô đơn quá, mùa đông này con không được vòng tay vào cổ mẹ và không được mẹ ôm vào lòng như năm ngoái nữa. Khổ thân con tôi. Một nỗi hối hận vò xé lòng tôi. Biết thế tôi không đi nữa hoặc chờ Ly lớn một chút, gửi vào trại đã. Tôi vội vàng quá. Ly ơi, mẹ còn xốc nổi quá. Mẹ chưa đáng là mẹ mà con đã ra đời. Tội thân con tôi.

Vừa viết được vài dòng thì Thu Bồn và Hồ Ngọc Sơn sang chơi. Thu Bồn tốt thật. Mình thích cái tính dễ gần của Thu Bồn. Thu Bồn bảo: “Suốt một tháng nay bên ấy ăn ngày có một lon rưỡi bắp. Mỗi bữa một người được một bát bắp hầm. Ngồi nhà viết truyện anh hùng nóng ruột quá. Nóng ruột vì chiến trường đang kêu gọi. Và nóng ruột vì đói. Tối nằm suy nghĩ, hôm sau viết cái phần suy nghĩ tối hôm trước. Đến 9g30 sáng là ngó xuống bếp, chờ đợi, loanh quanh đón bữa cơm. Không làm gì được. Chiều thì 4g đã đứng dậy. Ốm, khá nhiều lính trẻ miền Bắc vào ốm la liệt. Nằm tập trung thành 2 nhà dài. Ốm sơ sơ vẫn phải ăn bắp”. Thế mà Nguyên Ngọc thì cứ đào ra “Đất lửa” (sau đổi là “Đất Quảng” - BMQ), Thu Bồn viết anh hùng Nguyễn Ngọc Bình và Nguyễn Chí Trung viết Đồng Phước Huyến. Phục các anh ấy quá. Mình còn sướng hơn các anh ấy nhiều, còn có một lon rưỡi gạo và dẫu sao sức ăn của mình cũng không bằng các anh ấy. Nhìn các anh cao lớn, lực lưỡng mà ăn miệng bát bắp, cực quá.

24-8-1968

Chiều tối qua anh Giai ở Tí Sé về. Mua được ít bắp và ít bột ngô. Có nhẽ là thứ bột ngô xấu, dân xay, dần ra, có thể chỉ để cho lợn. Sáng nay ăn bột ngô quấy đặc ớn không thể tả. Mình chỉ ăn được độ 2 lưng bát, mà ăn mãi mới hết. Chóng ngán quá. Anh Tiến và Tam cũng kêu ngán. Bốn người nấu bốn lon, ăn không hết. Bụng đói mà không tài nào ăn được nữa.

***
3g chiều, xong “Hoa rừng”, đọc thấy không đến nỗi tồi lắm. Hay là mình chủ quan, “văn mình vợ người”? Muốn đưa cho Trần Tiến đọc nhưng lại sợ. Sợ Trần Tiến bảo vốn sống mình nghèo, thấy cái gì cũng tưởng hay ho, trong khi người ta coi rất bình thường. Cố gắng viết “Niềm vui thầm lặng” đã, rồi đưa một thể.

27-8-1968

May mắn. Chiều 24.8, mình đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng quyết định đưa Trần Tiến đọc “Hoa rừng”. Mình cũng chẳng nên giấu dốt làm gì. Mình còn viết nhiều, cái này không tốt thì anh em giúp cho, sửa chữa. Vấn đề là thực sự cầu thị, thực sự học hỏi…

Vừa đưa “Hoa rừng” xong thì anh em C9 về bảo Thông nhắn đưa 2 người nữa xuống Tí Sé cõng bắp. Thế là mình và anh Tiến đi (Hôm trước anh Chất đã đi rồi).

Sáng 25-8 thì mình và Tiến xuống TíSé. Đi rất nhanh. Lòng mình hồi hộp lo cho chuyến đi này. Một là mình lâu rồi chưa đi. Hai là mình sau một trận ốm, tiếp theo là những ngày đói, sâm không còn, ba là chặng đường Tí Sé A7 khá xa. Anh Giai cõng mà xẩm tối mới về… Sức mình yếu mất rồi. Lại đi với anh Tiến là người vốn đi rất nhanh mà mình thì vốn đi chậm như sên. Lòng mình ngổn ngang những nỗi lo. Kỳ này mà cõng tồi thì hóa ra mình chỉ là đứa nói mép.

Đi không mà mình không tài nào theo kịp Trần Tiến, hai người luôn cách nhau một quãng dài. Lưng mình muốn sụn ra. Mình hoang mang tột độ. Không biết là hiện tượng sốt rét hay hành kinh đây? Anh Tiến kêu mỏi vai và gây gấy. Mình không dám hé răng lộ ra. Giá đi với Anh thì mình đã đòi nghỉ. Nhưng đằng này mình cứ đi miết. Từ A7 xuống Tí Sé nghỉ có 4 lần. Nghỉ thì lại đỡ mỏi lưng. Bữa sáng mình ăn không khá. Bữa trưa mình và anh Tiến đều không ăn được, cơm hãy còn. Mình mỏi mệt tột độ. Càng lo. Đi không mà còn thế, mai cõng thì thế nào?

Lần đầu tiên biết một “cửa ranh”. “Cửa ranh” là ranh giới ngăn cách giữa căn cứ và đồng bằng. Dòng sông Thu Bồn xanh biếc với những nóc nhà ven đồi và những thửa ruộng lúa đang thì con gái bỗng hiện ra... Như một ngọn gió phả vào lòng, mình thấy hồi hộp quá. Trời nắng gắt mà mình thấy gió đồng bằng mát như gió biển. Thấy cả những cây dừa hơi gầy gò và xơ xác một chút, nhưng dẫu sao đây vẫn là lần đầu tiên từ ngày đặt chân vào miền Nam mình được thấy những cảnh đó. Mình và anh Tiến băng qua đồng trống. Bên trái là một cái đồn địch trên đỉnh đồi. Bên phải là những dặm đồi bị vàng lụi, đen sẫm lại vì chất độc hóa học. Trời nắng, đường lầy. Đi tới 2g kém 10 thì thấy ngay chỗ Thông và anh Chất. Mừng quýnh. Chòm nhà này có 3-4 cái ở ngay ven sông Thu Bồn. Con sông nước xanh biếc, đúng là dòng sông của miền Trung. Con sông chảy giữa một bên là những dãy đồi trọc và một bên là những chòm nhà rải rác. Mình ra sông Thu Bồn giặt võng và bọc võng bị mắm cái đổ vào, lòng bàng hoàng xúc động. Không ngờ đời mình lại có ngày được dầm chân xuống dòng sông Thu Bồn mát rượi… “Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…” (thơ Tố Hữu). Thật kỳ lạ quá đỗi. Những lúc này mình thấy yêu đời quá và sự ra đi của mình nó lý thú quá. Dù sự ra đi ấy mình có phải trả một giá rất đắt, thậm chí có phải hy sinh, phải đau đớn… Mình rửa mặt và thấy thích cái nước sông có phần ấm áp hơn nước suối giá lạnh. Bao nhiêu mệt mỏi đều tiêu tan. Lâu lắm mới lại thấy đàn trẻ bơi quẫy dưới nước và những chiếc thuyền nan úp trên bờ sông hoặc cột nơi mép sông. Trong này gọi là những chiếc ghe. Ghe được dầu rái trát vào. Thứ dầu dễ cháy và hắc, dính như sơn. Trẻ con khu vực này đứa nào bơi cũng giỏi. Cái Huệ - con gái ông chủ nhà bọn mình ở nhờ - mới 11 tuổỉ. Hỏi biết bơi chưa, nó gật đầu (...).

4g sáng đi. Qua đồng lầy, bãi trống và bãi tranh. Phải rất vội. Tàu rà đã lên. Thông bảo theo qui luật đã có 2 lần thực tế thì cứ cách một ngày phản lực lại đến ném bom và ngày hôm nay chính là ngày nó thả bom. Bao giờ cũng một chiếc tàu rà lên trước, rồi phản lực lên và chúng ném độ hơn chục quả. Hố bom và đất tảng bắn vung vãi dọc đường mình đi. Một thoáng lo hiện ra rồi vụt tan biến ngay. Mình sợ chết lắm, nhưng sao những phút nguy hiểm nhất mình lại bình tĩnh nhất. Mình luôn tin rằng rồi mình sẽ thoát. Chiếc tàu rà 2 thân nghiêng ngó điên đảo. Trần Tiến (Chu Cẩm Phong - BT) bảo: “Nó nghiêng bên kia, cứ đi, bao giờ tôi bảo ngồi xuống thì ngồi nhé”. Trần Tiến rất tốt, luôn kèm sát mình. Còn ông Chất thì lỉnh lên mãi quá cửa ranh mới ngồi nghỉ ở chân dốc. Thông bảo:

- Chịu ông Chất, ông ấy đi nhanh quá. Có tí máy bay nữa thì rồi chả ai theo kịp ông ấy.
Mình cười. Trần Tiến im lặng (dĩ nhiên).

(...)

Lên dốc. Dốc thoai thoải nhưng lối đi hẹp và bậc cao. Mình bò. Lúc ở dưới cửa ranh, vượt một cái dốc ngắn nhưng cao và trơn mình đã ngồi xệp và tụt xuống rồi lại bò lên. Tiến đi sau. Mình thật ngượng vì thảm hại nhưng không biết làm thế nào. Lúc lên dốc mình cũng bò, nhưng chiếc gùi cứ kéo mình xuống, Trần Tiến phải đẩy gùi lên đỡ mình. Thông và Trần Tiến bảo sớt cho ông Chất, mình không nghe, cứ đi trước. Tiến lại theo sau và dặn mình: “Đừng đi một mình, đi có người nhỡ làm sao thì còn đỡ”.