Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

“Lượm” - “Hà Minh Thành” và câu chuyện nghiệp vụ báo chí.

Định viết mấy lần về câu chuyện nghiệp vụ báo chí với mấy cái sự kiện như “Lượm” và ông “Hà Minh Thành” nhưng cứ mắc cái bệnh lười. Cho đến lúc đọc cái entry “Phản chữ” trên blog BEO thì mới ngứa ngáy quá chịu không được.


Chuyện của “Lượm” thì nhiều người đều biết, đại khái là: “Lượm” viết 01 câu chuyện kể về “đời mình” và tham gia 01 cuộc thi của trang TintucOnline (của Viet Nam Net) tổ chức. Ban tổ chức cuộc thi đã trao giải cho “Lượm”, VTV thấy câu chuyện hay quá (nghe nói cũng có lý do VTV mời Lượm là để chữa cháy cho 01 khách mời khác nhưng không đủ thông tin chính xác nên tớ không dám khẳng định) nên mời “Lượm” đến tham gia chương trình Người xây tổ ấm. Sau khi VTV phát sóng thì nhiều người gửi tiền đến cho “Lượm”, sau một thời gian thì “Lượm” hối hận và xin lỗi độc giả, kiện tụng…Câu chuyện nghiệp vụ báo chí ở đây rất rõ ràng nhưng hình như VTV quên mất: Cuộc thi “Mối tình đầu của tôi” do trang TintucOnline tổ chức không hề có quy định rằng chuyện viết ra phải là chuyện thật. Theo nguyên tắc cơ bản của nghề báo thì khi tiếp tục sử dụng thông tin của “Lượm” đưa ra trong câu chuyện của mình trong cuộc thì kia Ban biên tập chương trình Người xây Tổ ấm phải kiểm tra lại cho chính xác nhưng họ đã không làm. Việc không kiểm tra chính xác rồi cứ thế tin vào các đồng nghiệp ở Viet Nam Net là một bài học kinh nghiệm cho những người làm chương trình Người xây Tổ ấm của VTV. Điều hơi mừng ở đây là lần đầu tiên Bộ 4T ra một quyết định xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam về hành vi “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, chuyện chưa từng có trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam J

Câu chuyện ông “Hà Minh Thành” thì có phức tạp hơn chút xíu. Thoạt tiên bài viết được đăng trên blog của ông nhà văn Phạm Viết Đào. Câu chuyện về cậu bé 9 tuổi xếp hàng nhận lương thực phát chẩn nhưng đã dạy cho ông “Hà Minh Thành” một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Có ít nhất 06 cơ quan báo chí lớn của Việt Nam cùng “nhảy vào” đăng lại bài viết này (báo Tuổi Trẻ Tp.HCM, báo Dân Trí, báo Người Lao Động, báo Sài Gòn Tiếp thị, VN Express và chuyên trang Tuần Việt Nam của Viet Nam Net).

Hầu hết các cơ quan báo chí trên đã bỏ qua một nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ báo chí đó là: kiểm tra lại tính chính xác của thông tin, nguồn tin. Cho đến giờ này, ngay tại blog của ông nhà văn Phạm Viết Đào thì ông “Hà Minh Thành” cũng đã thừa nhận không hề có ông “Hà Minh Thành” nào cả, xin trích dẫn nguyên văn:

“Mở ngoặc thêm: Trên blog Phamvietdonv chưa có dòng nào giới thiệu Hà Minh Thành là Tiến sĩ cả; Chỉ giới thiệu anh làm việc trong lực lượng cảnh sát tham, gia cứu hộ ở vùng Fukushima do anh tự giới thiệu ! Khi đăng bài này Blog Phamvietdaonv chỉ biết Hà Minh Thành là người đang sống ở Nhật Bản theo anh tự giới thiệu !”

“Hà Minh Thành thực ra là môt code name của em để liên lạc với bên ngoài cũng như tiếp xúc với anh, chỉ có cái họ của em là đúng thôi còn tên dĩ nhiên không phải tên thật. Điều này em cũng xin lỗi anh và mong anh thông cảm vì công việc của em nó buộc phải như vậy.”

Vậy ông “Hà Minh Thành” kia còn không có thật thì câu chuyện cậu bé 9 tuổi kia cũng chẳng có căn cứ nào để khẳng định là chính xác cả. Nếu các báo muốn đăng câu chuyện này hãy nói rõ với bạn đọc rằng “đây là thông tin chưa được chúng tôi kiểm chứng” tức là vì lý do áp lực công việc quá nhanh, quá gấp, chúng tôi chưa hoàn thành hết trách nhiệm của mình, bạn đọc hãy tự phán xét chứ đừng “lập lờ đánh lận con đen”.

1 nhận xét:

  1. Hix, quyết định từ bi giờ nghỉ đọc báo luôn, chuyển qua đọc blog thôi :)

    Trả lờiXóa