Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

BBC VIỆT NGỮ: VÀI ẢO TUỞNG

Copy bài viết này từ blog Thiên Triều.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 35 năm. Vai trò đưa tin về cuộc chiến tranh này của các hãng tin và ký giả ngọai quốc lẽ ra cũng đã chấm dứt. Thế nhưng, vì những lý do khách quan và chủ quan, những hãng tin này lại tiếp tục là những nguồn tin tham khảo tưởng chừng như là “trung lập”, khách quan. Tiếc thay, thực tế lại không như thế, và một số người lại ảo tưởng về “thân phận” của mình.

Ảo tưởng đầu tiên là là độc lập trong đưa tin bài. Khuôn khổ chung cho các đài quốc tế có ban Việt ngữ là chỉ đưa tin bài thời sự thế giới “ngoài luồng” tức những tin bài của “đài mẹ” (BBC World Service hay RFI Service Mondial). Chỉ có dịch và dịch. Từ chiến tranh Việt Nam ngày xưa, đến chiến tranh Iraq, Afghanistan, Pakistan sau này… đố một ban Việt ngữ nào được tự mình bình luận mà không dựa 100% lên nguyên văn “đài mẹ”. Nghĩa là đướng lối chính phủ nước ‘chủ” như thế nào, thì phản ánh như thế ấy, theo “đài mẹ”.

“Lề phải” là “lề phải” , ở đâu cũng vậy.

Trước khi chiến tranh Iraq 2003 nổ ra, đài BBC “mẹ” (BBC World Service) và các “đài con” luôn bám sát ý của thủ tướng Anh Tony Blair lúc đó là sát cánh cùng tổng thống Mỹ George W. Bush , mà “đài mẹ” có nhiệm vụ truyền tải thông tin chiến sự Iraq theo “lề phải” .

Khi đó cả làng báo Mỹ được bộ quốc phòng Mỹ cho lên “lề phải” với cái cách gọi mỹ miều là “embedded journalists”, cùng ăn, cùng ngủ với các đơn vị quân đội Mỹ- Anh “Giải phóng Iraq”…Khi chiến tranh Iraq nổ ra, có đến từ 570 đến 750 ký giả Mỹ được BQP Mỹ mời “cùng ăn, cùng ngủ” và đương nhiên cùng “thấy” những gì được “cùng nhìn”.

Ngược lại, vào thời điểm đó, RFI (Việt ngữ) làm sao dám cùng ‘tham gia” lật đổ Saddam Hussein với BBC hay VOA, RFA (Việt ngữ) khi mà tổng thống Pháp Jacques Chirac lúc đó đang là lá cờ đầu chống chiến tranh đơn phưong của Mỹ-Anh. Còn sau này, khi ông Bush “về vuờn”, các đài kia có thi nhau tính sổ thành tích của ông Bush và phê phán cuộc chiến tranh sa lầy đó, lại là chuyện “thế gian thường tình”.

Nói đến “lề phải” của BBC Việt ngữ, có thể nêu vô số tin bài, như bài tường thuật ý kiến của đại sứ Anh tại Việt Nam, Mark Kent "Anh quốc cảnh báo thực trạng tội phạm người Việt”.[1]

“Tại buổi gặp mặt ở London ngày 05/03/2010 tại phía đông London, Đại sứ Mark Kent nói: “Thật không may là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh vào lúc này đang bị ảnh hưởng tiêu cực”. Trong cuộc trao đổi và bàn bạc với một số người Việt đã ở Anh lâu năm, Đại sứ Mark Kent nói: "Tôi không muốn thấy việc nhắc đến chữ Việt Nam là người ta liên tưởng tới trồng cần sa và nhập cư bất hợp pháp".

Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi báo chí tại Anh đăng tải tin cảnh sát đột nhập vào một tòa biệt thự sang trọng ở miền trung nước Anh có vườn và phòng trong nhà bị dùng để trồng cần sa và một số người bị bắt là người Việt.

"Thực ra không chỉ là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh bị ảnh hưởng mà chúng ta cũng phải thấy rằng nhập cư bất hợp pháp và tội phạm là hai vấn đề có liên kết với nhau”.Chúng ta nói tới không chỉ hoạt động trồng cần sa mà cả các vụ bắt cóc hoặc thậm chí giết người”, Đại sứ Mark Kent nói…”.

BBC Việt ngữ đã có thể tự mình đào sâu vấn đề nguời Việt nhập cư lậu vào Anh này với đại sứ Mark Kent, nhân dịp ông này có mặt ở London để làm rõ vấn đề này một cách khách quan thực sự. Tiếc rằng BBC Việt ngữ đã không làm như thế. Do lẽ vấn đề bao trùm nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan của Anh, như đường dây đưa người nhập cảnh vào Anh, qua nước Pháp, khu trú số người nhập cự lậu vào Anh, các nỗ lực ngăn chận của các cơ quan ấy, nỗ lực nào của sứ quán Anh ở Việt Nam trong việc thông tin bạch hóa ảo mộng sang Anh kiếm sống…?...Ít nhất, một mail với nội dung trên đã được gửi đến ông đại sứ Anh ở Hà nội từ tháng 1 năm nay song chưa được hồi âm.

Chẳng qua BBC Việt ngữ cũng chỉ là một ‘cái loa” cho chính phủ Anh, như có thể thấy qua đa số các tin bài “dịch và dịch”. Một ‘cái loa” có trả lương bên cạnh các “loa” không ăn luơng có thể đếm được trên blog của ông đại sứ Mark Kent.

LÀM CHÍNH TRỊ TỪ XA CHỤC NGÀN KM.

Thật ra, thế hệ BBC Việt ngữ ngày nay khác hẳn với thế hệ thứ nhất, trước 1975. Thời thế cũng khác. Trong nửa sau của cuộc chiến tranh VN, phong trào phản đối chiến tranh VN thời đó là xu hướng chính (major trend) trong giới truyền thông các xã hội Tây phương, nên báo chí phuơng Tây lúc đó (và thế giới) mới không chịu ở trong “lề phải” của các cuộc họp báo hàng ngày của JUSPAO vốn là những danh sách “đếm xác” (body counts) vô nghĩa và vô tận. Càng không “ái mộ” các cuộc họp báo của Bộ Thông Tin Sài Gòn ở Tổng Cục Thông tin quốc ngoại.

Nhờ dịch lại tin của báo chí “luồng chính”(major trend) tức độc lập đó, mà BBC Việt ngữ trong chiến tranh VN được hưởng hai chữ “thông tin khách quan”. Nhất là những tin nội bộ chính trường Saigòn. Khi mấy muơi tờ nhật báo ở Saigòn trưa trưa bị Chánh sở báo chí Việt ngữ đục bỏ nhiều quá, các trang báo trắng hếu vì các ô “tự ý đục bỏ”, thì sáng tối thiên hạ, có dò đài BBC mà nghe, cũng là chuyên dễ hiểu: lưỡi kéo kiểm duyệt của Bộ ‘Hốt Cắt Đục” đâu có làm rụng sợi lông nào các báo đài ngọai quốc. Chuyện dài này xưa nay đều thế.Và chính vì thế mà các bào đài ở bên ngoài bỗng dưng trở thành “báo chí chân chính” !

Sau 1975, khỏang cách thông tin cũng như trước 1975, vì cũng chừng đó lý do. Từ tin chính trị đến chiến tranh CPC, biên giới…, nên vô hình trung BBC Việt ngữ, khi dịch các bài viết của các ‘đài mẹ’, được hưởng “sái” khách quan, thông tin sớm.

Thế hệ ấy sau 1975 tất nhiên cùng chiều với làn sóng thuyền nhân. Lớp BBC đầu tiên ấy,vốn dân Tây học, thuộc lòng thế giới sử, nhớ việc tướng De Gaulle di tản qua Anh tháng 6 năm 1940, lên đài BBC đọc lời hiệu triệu dân Pháp kháng chiến chống Đức, rồi tưởng tượng ra mình cũng là De Gaulle, khi loan tin về thuyền nhân, về chiến tranh CPC, về khó khăn kinh tế của VN trong thập niên 1980, để có thể từ công việc dịch giả và phát thanh viên, khoác lấy vai trò ‘làm chính trị”…

Môt lần, năm 1996, trưởng ban VN BBC Chris Greene (cháu của nhà văn Graham Greene), được chia sẻ về số nhân viên của ông trong một bữa trưa ăn cơm Ấn Độ rằng:” Làm sao có thể làm chính trị từ cách xa 13.000km?! Có giỏi, họ hãy về nước mà làm chính trị”.

Sau khi Chris Greene lên làm giám đốc châu Á Thái bình duơng, tuyển một số nhân viên mới từ Úc qua, lấy một người làm trưởng ban. Đây là những người di dân sang Úc sau này. Một vài người gõ cửa BBC để kiếm một “cần câu cơm”, chứ không để làm chính trị. Có người, trưa trưa ra cửa sau nhai bánh mì sandwich cho tiết kiệm, vì thân ở London, vợ con ở Úc, một đồng luơng hai “bếp ăn”, sau đó nhanh chóng giã từ “Bush House” (tên gọi của BBC) về lại Úc.

Sau này, ê kíp mới gồm một số cựu “cán” hoặc “con cán” từ trong nước hoặc Đông Âu qua. Từ nguồn gốc “thành phần thứ tư” này , ảo tưởng càng nặng nề. Cuối chiến tranh VN, đã có ‘thành phần thứ ba”, tự cho mình là phi cộng hòa/ phi cộng sản, rốt cục chẳng bên nào tin. Cuối chiến tranh Lạnh, nổi lên “thành phần thứ tư” tưong tự. Chẳng qua nhờ đứng từ xa cả chục ngàn km, chẳng hề hấn gì, nên tự gán cho mình những tự hào vốn chẳng phải tự mình mà có, khi “từ trên trời nhảy qua” thừa hưởng những định chế có sẵn mà một đất nước như vuơng quốc Anh đã bắt đầu tập tành dân chủ từ thời Tể tướng Cromwell, cách đây ba thế kỷ rưỡi hơn.

Bài học từ mấy mươi năm trước: chính những “cái kéo kiểm duyệt” đã dựng nên những chính khách sa lông biết mình vô tội vạ nhờ từ xa chục ngàn km. Những con cắc kè thuờng hay đổi màu theo thân cây nó bám. Nay không lẽ phủ nhận dòng máu Lạc Rồng, ôm lấy hình hài da thịt “dị nhân” để đón gió? Hay để thả bóng cho ai?

[1] BBC Việt ngữ, thứ hai, 8 tháng 3, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét