Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Gốc (tiểu luận / nhận định của Phạm Thị Hoài)

Copy bài này từ Note của bác Nguyên Hưng trên Face Book.

Mỗi lần nghe nhắc: mất gốc là người nghệ sĩ mất nguồn sáng tạo, tôi lại có cảm giác không yên ổn. Như thể mình đang là một công dân đứng đắn của quốc gia nghệ thuật, mà thỉnh thoảng đội bảo vệ cứ gõ cửa, hỏi xem mình có cần họ giúp gì không. Cũng gần giống cảm giác như khi bị nhắc, rằng nghệ thuật muốn thế nào cũng phải phát sinh từ hiện thực. Kết quả là tôi vô cùng biết ơn gốc rễ, hiện thực với mọi quê hương và căn cứ địa khác của nghệ thuật, cũng như biết ơn đội bảo vệ sốt sắng ấy, song trong thâm tâm thì bắt quả tang mình mong các quý vị đó đừng ở chơi quá ba ngày. Phần đông các nghệ sĩ không sáng tạo gì hết. Một số ít sáng tạo trong một giai đoạn ngắn. Một số vô cùng ít sáng tạo tương đối lâu dài. May ra đếm trên đầu ngón tay được những nghệ sĩ suốt đời sáng tạo trong lịch sử nhân loại. Như vậy tìm ra nguồn cơn của sáng tạo thì khó, và điều đó mãi mãi là bí ẩn, chứ một lần nữa cho sự không sáng tạo thêm một nguyên cớ nào có ích gì. Nhà văn Việt ở bên ngoài có thể cho rằng mình không viết nổi, vì thiếu nước Việt chẳng hạn. Nhà văn Việt ở bên trong, nếu viết cũng không nổi, liệu có phải vì quá thừa nước Việt chăng?

Tôi vốn tin rằng, người ta dù theo nghĩa nào cũng không thể mất gốc. Một là, nếu không có, chưa bao giờ có một gốc rễ nào đó, thì mất nó khác nào mất con cá ở ngoài lưới, một con cá thật to. Những thế hệ con cháu chúng ta ở hải ngoại, tuy được mệnh danh là người Mỹ, người Pháp... gốc Việt, nhưng chữ ‘gốc’ này cùng lắm chỉ tiết lộ đặc trưng chủng tộc chứ không phải đặc trưng văn hoá. Song chu trình con gà và quả trứng áp dụng vào chủng tộc và văn hoá đã lộ rõ nhược điểm của nó, từ ít nhất hai thập kỷ nay chúng ta coi chủng tộc không là gì khác hơn một trong những chức năng của văn hoá, chứ chiều ngược lại không vận hành. Những thế hệ ấy bắt rễ trong văn hoá của những quốc gia phát triển phương Tây, họ không thể đánh mất văn hoá Việt, là thứ họ không sở hữu. Chữ ‘gốc’ thứ hai này mới thật sự. Thậm chí chữ ‘gốc’ thứ nhất nói trên, dùng cho họ, tôi cho là đã khiên cưỡng. Chẳng những các thói quen, hay là bản năng thứ hai, mà bản năng thứ nhất ở những thế hệ ấy cũng đã thay đổi đáng kể. Chỉ cần xem da họ phản ứng thế nào với ánh nắng và độ ẩm nhiệt đới, và răng họ mắc hay không mắc những bệnh gì là đủ. Không cần phải là một chuyên gia dân tộc học cũng xác nhận được, khoảng cách giữa người Việt Kinh ở trong nước với người Mỹ gốc Việt chẳng hạn, ít nhất cũng bằng giữa người Kinh với người Mèo. Chúng ta thường cảm động trước những cố gắng tìm hiểu về Việt Nam của họ và gọi đó, một cách đầy thiện cảm và cũng đầy mơ hồ, là những cố gắng ‘tìm về cội nguồn’. Nhưng ai có thể chắc chắn nên đẩy cội nguồn đến mốc thời gian và không gian nào trong quá khứ? Đi ngược vài ba thế hệ để về đến hai đồng bằng châu thổ lớn của nước Việt, hay có thể triệt để đi tiếp, về hướng những khu rừng Đa Đảo chăng? Chúng ta lại càng nhiệt tình khích lệ họ viết tiếng Việt. Trong phần lớn các trường hợp ăn giải khuyến khích như vậy, phẩm chất văn chương mà biểu hiện hiển nhiên nhất là ở ngôn ngữ, xếp hàng cuối cùng. Tôi không muốn làm kẻ phá đám ‘khuyến Việt’, song phải nhận là thương tiếng Việt như thế cũng khổ cho tiếng Việt lắm thay!

Quyết định viết bằng một ngôn ngữ nào là kết hôn với nó cả đời, hưởng nó mà cũng chịu đựng nó, thậm chí cắn răng mà chịu, đúng theo nghĩa đến chết mới chia ly. Cuộc hôn nhân thủ cựu, hà khắc, trói buộc này thông thường không phải là phòng thí nghiệm hay hãng du lịch. Ở đa số tác giả thử viết bằng tiếng Việt nói trên, tôi có cảm tưởng đôi bên còn chưa cầm tay nhau, trong khi rất có thể họ đã ăn nằm như thế nào đó với một bản ngữ khác. Cảm giác chưa cầm tay nhau đương nhiên rất phỉnh nịnh và quyến rũ, khiến người chưa vỡ tiếng Việt có thể lâng lâng bay như trên lưng ngựa Phù Đổng, trong khi người dày dạn lại như bò lê dưới gánh nặng mà dân tộc Việt có thể trút xuống một thành viên đơn lẻ của mình. Có lẽ không cần phải quẩy trọn gánh ấy mới là mang quê hương theo, tôi biết vô số người đã trút quá nửa gánh ấy xuống dọc đường di tản mà vẫn còn nguyên là người Việt. Nhưng cưỡi ngựa mà xem hoa như nói trên thì ít liên quan đến việc tìm cội nguồn Việt. Cách đây không lâu tôi đọc một truyện ngắn của một tác giả gốc Việt viết tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt chỉ cho thấy đấy là văn dịch, không tiết lộ một văn phong riêng tư gì đã đành, mà cố hình dung bản gốc tôi cũng chẳng tìm được một điều gì nhất thiết liên quan đến ‘Việt tính’, song truyện ngắn đó được giới thiệu đại loại là nghệ thuật của một thế hệ tuy đã dùng ngôn ngữ khác, nhưng vẫn ‘man mác tâm hồn dân tộc’. Tôi hy vọng dân tộc Nga chẳng hạn, không đi tìm dấu vết của tâm hồn mình trong ‘Lolita’. Còn Kafka, liệu dân tộc nào giành được bản quyền tâm hồn mình ở đó?

Hai là, nếu một gốc rễ nào đó từng tồn tại, thì không dễ gì mất hẳn. Vốn liếng của một cộng đồng văn hoá cấp cho mỗi người khi bước vào đời có phần khác với món gia tài của cha mẹ để lại. Khả năng hoàn toàn phá sản ở trường hợp thứ hai có thể xảy ra qua đêm. Ở trường hợp thứ nhất, không dễ dàng mà thành trắng tay như vậy. Vốn liếng ấy giống tuổi thơ, có thể giống cả mối tình đầu, giống lần thứ nhất nhìn thấy biển, nếu muốn thì giống lần đầu tiên đi xem hát nữa. Tôi rất tránh dùng những cách nói, đại loại như ‘tìm lại tuổi thơ’, hay ‘mối tình đầu đã mất’, và đương nhiên là bất đắc dĩ mà dùng ‘tìm về cội rễ’. Người ta mang những thứ ấy trong mình tự nhiên chẳng khác gì mang mẩu ruột thừa sót lại từ thuở tổ tiên gặm cỏ, để lấy ví dụ khiêm tốn nhất. Lắm người phải cắt nó đi mới sống được, còn lại không mấy ai dành cho nó lấy một nửa ý nghĩ. Ấy quả là vật thừa duy nhất trong cái cơ thể được chức năng hoá hoàn hảo của chúng ta. Có lẽ cũng thừa như các vua Hùng trong mỗi ngày đi làm, đóng thuế, kẹt xe và viết vô vọng vài trang truyện ngắn của một người Việt nơi đất khách. Tôi mang nó, từ khi mới đẻ, và hài lòng rằng nó chưa bao giờ viêm lên. Nhưng tôi không hình dung được con đường ‘tìm về’ mẩu ruột thừa ấy.

Lại lấy ví dụ một người từng sinh trưởng trong tiếng Việt. Là ngôn ngữ của một xứ phương Nam, nơi hoả vượng mà vạn vật khuếch trương hương vị như cách lý giải của người xưa, tiếng Việt giàu vốn từ chỉ tỉ mỉ từng sắc thái, cấp độ của muôn loại mùi chẳng hạn. Hẳn cũng vì hoả vượng, mà những mùi khó chịu cũng được cơ hội bành trướng. Mùi phân mèo thì chua, mùi phân gà hôi, phân trâu hắc, phân lợn nồng, phân trẻ con thum thủm, phân người lớn thối, còn mồm ai đó thì thối hoắc. Mùi và tình trạng thực phẩm hỏng trong bếp Việt mới thực đa dạng. Cá thì tanh, thịt thì ôi, cơm thì khê, rau thì oi khói, dưa thì khú, mắm thì khắm, gạo thì hẩm, trứng thì ung, khoai thì ủng, cháo thì vữa, canh thì thiu, lạc thì mốc, mỡ thì khét lẹt... Sau này người ấy sống hẳn ở một xứ lạnh, hoả chẳng vượng, vạn vật không phát hết mùi, mũi xứ người chắc cũng nhạy không kém mũi xứ ta, nhưng tiếng nước người cho chân thối, cá thối, tiền thối, chính trị cũng thối như thế cả, muốn phân biệt phải dùng thêm từ mô tả, không có chữ nào, chỉ bằng chính nó, thoả mãn cái biết của khứu giác như trong tiếng ta. Một lúc nào đó, người ấy thậm chí có thể quên cái vỏ âm thanh của những từ Việt chỉ mùi, nhưng bản thân những mùi đã từng có một tên riêng ấy, từng là những thực thể đặc thù ấy, trong sâu thẳm không dễ gì hoà chung làm một với ‘thối’ và chỉ ‘thối’. Theo tôi, giữ được mùi quê như thế, thụ động và ở tít một nơi ẩn khuất nào đó trong lòng, đã là bảo quản gốc gác. Với người viết, ai biết giữa một mùi mong manh đã mất tên và một nền tảng nhận thức được mệnh danh chắc nịch, cái gì dư sức khuấy động hơn?

Cộng đồng Việt nhỏ bé ở bên ngoài lại có một phẩm chất đặc biệt: nó bảo tồn rất nhiều khía cạnh văn hoá Việt mãnh liệt và cuồng nhiệt hơn ở chính quốc. Một lúc nào đó, tôi e rằng các học giả muốn truy tìm dấu tích lịch sử của dân tộc Việt, thay vì đi Hà Nội có lẽ phải đến Quận Cam. Cội rễ có thể bị bật tung tại chính chỗ phát sinh, nhưng lại dai dẳng sống sót ở những vùng biên xa xôi nhất. Việt Nam hải ngoại là một vùng biên như thế. Xin lấy già nửa thế kỷ lưu lạc của văn chương tiền chiến làm ví dụ. Lấy lời than năm 1917 của một trong những nhà khuyến Việt nhiệt thành mà bi đát nhất, Phạm Quỳnh, làm mốc, rằng quốc ngữ khi ấy còn sài đẹn ấu trĩ như tiếng bi be của đứa lên ba, khiến bậc cao sĩ ‘ngồi hầu chuyện các văn-nhân thi-sĩ nước Tàu nước Tây vẫn còn sướng hơn’, và ‘trong khi họp-tập năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết-tha, nói những điều tâm-sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu tiếng tàu’, thì tiếng Việt không đầy hai thập kỷ sau của văn chương tiền chiến là một thành quả vĩ đại. Hai thập kỷ sau nữa nó đã ngắc ngoải, và chậm nhất là sau Hiệp Định, miền Bắc đã kết thúc thời kỳ quá độ ngôn ngữ, để các thế hệ sau đó có thể yên tâm mà nói giọng hiện thực xã hội chủ nghĩa thuần khiết. Thế hệ tôi quả là miệng không uống giọt sữa nào, bút không chấm giọt mực nào của tiền chiến. Lại hai thập kỷ sau, nếu nước Việt không tái thống nhất, có lẽ tôi chẳng có dịp thử nếm mùi vị của một quá khứ không xa ấy. Cả một nền văn hoá tiền chiến theo chân người-Bắc-54 di cư mà cố thủ trong lòng hồi cổ, và sinh sôi trên mảnh đất Nam Bộ vốn không quá khắt khe. Rồi lại hai thập kỷ sau nữa, Nam Bộ ấy đã đổi khác, muốn gặp văn chương tiền chiến phải tiếp tục di tản, giạt mãi tới vùng chót, bám gót người Việt hải ngoại. Ở tít nơi hạ nguồn này, một thành quả từng là vĩ đại mãi mãi là vĩ đại. Một nửa thế kỷ chen vào giữa không có giá trị gì. Tôi từng ngẩn ngơ, khi đọc thơ của một tác giả hải ngoại cùng lứa, thấy ‘xuân mộng, hồn mơ, cõi tiên, quan san, tống biệt, hận thu, đêm liêu trai, trăng mất ngủ, gió về đâu, sầu mấy kiếp, lệ vơi, tình rơi, đời ơi, trời hời...’, như lạc vào bảo tàng văn học. Như vậy cũng có thể phỏng đoán, chẳng hạn tiếng Việt hiện thực xã hội chủ nghĩa nếu có mất mát tại chính quốc, chắc còn chỗ trú lâu dài nơi người Bắc tị nạn đời mới tại Đông Âu. Bảo hoàng hơn vua phải chăng là tính cách muôn thuở của tỉnh lẻ? Như thể càng xa nguồn càng bị trói không giãy nổi khỏi nguồn? Như thể văn chương Việt hải ngoại đau ruột thừa triền miên mà không dám cắt phăng cái mẩu nợ nần ấy.

Vào chính lúc này, khi xã hội Việt Nam ở bên trong đang lên cơn truyền thống dân tộc, như nó đã từng lên những cơn kích động kỳ lạ khác mà không sẵn rơ-le tự ngắt, liệu một nhà văn Việt ở bên ngoài có nên mạnh dạn vứt đi chiếc cân tiểu ly thường thủ sẵn trong tay áo, bên này là dân tộc, bên kia là thế giới, hay không. Cái dụng cụ tinh tế ấy chưa từng dùng được cho một tác phẩm nặng cân nào của văn học Việt đương đại. Vả lại, cái đầu của nhà văn Việt thì hoan nghênh một sự hài hoà kết hợp, mà lòng thì nghiêng về truyền thống hơn. Văn chương Việt ra ngoài nước ắt có sứ mệnh làm một nền-văn-học-đau-lòng-con-cuốc-cuốc, lại càng viết bằng bụng nhiều hơn bằng đầu, yêu cái đã có hơn đam mê cái chưa có, ngoái nhìn cội rễ xa ngái hơn khao khát những vùng đất lạ ở sát nách, chăm bẵm những lý tưởng nghệ thuật của cha ông mình để lại như con đẻ, còn lý tưởng của cha ông kẻ khác là con ghẻ, bằng mặt mà không bằng lòng. Tôi không dám cho thế là dở. Nếu cái đã có đủ đồ sộ thì ở tù trong đó chắc cũng được sung sướng. Có lẽ nhiều người mãn nguyện như thế hơn tôi tưởng. Khi đọc D.H. Lawrence chẳng hạn, tôi không bất giác coi ông là nhà văn Anh dù ông viết tiếng Anh về nước Anh, sau này vỡ lẽ rằng ông cả đời lưu lạc. Còn khi đọc một số đồng nghiệp Việt ở hải ngoại, tôi thành thật xin lỗi vì nhận xét không ưu ái này, tôi bất giác cho rằng họ chưa bao giờ rời nước Việt, mặc dù các nhân vật của họ đi gần khắp thế giới, chỉ trừ đi Phi đen. Văn học Việt hải ngoại không thiếu Việt Nam. Mà thiếu thế giới.

Ngay cả sự thiếu thốn tiếng Việt ở bên ngoài, quả là xác thực, nhưng tôi cũng cho đó là một trở ngại cần thiết. Rút cục thì chúng ta đáng được cái handicap này thử thách hơn là những chướng ngại khác từng biết. Mỗi người cầm bút đều hơn một lần than thầm, hoặc kêu ầm lên, về sự bất lực của ngôn ngữ, rằng ngôn bất tòng ý, bất tòng tình. Như thể điều mình muốn diễn đạt vượt quá sức tải của ngôn ngữ. Cá nhân tôi không công nhận cái bi kịch nghề nghiệp đó. Tôi cho rằng ngôn ngữ cũng như thời gian, không biết thế nào là đủ, nhưng ai cũng có một phông thời gian và một kho từ ít nhất là vừa đủ dùng cho chính mình. Vốn liếng ấy không thể bất cập nhu cầu của bản thân, mà chỉ bất cập với nhu cầu của kẻ khác. Nếu chỉ thuần túy sống trong môi trường ngôn ngữ Việt, dù có là một thiên tài chăng nữa cũng chỉ đi đến hết cái giới hạn của tiếng Việt hiện có, hay nói cách khác, lên đến đỉnh cao của những nhu cầu diễn đạt hiện tại của dân tộc. Có trời chứng giám là những nhu cầu ấy tự biết chừng mực của mình. Tôi xin trở lại câu chuyện ngôn ngữ vào một dịp riêng khác, ở đây chỉ xin lưu ý rằng, trong suốt lịch sử văn học và lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam, không một nhà lập ngôn quan trọng nào của chúng ta không cùng một lúc đứng vững chãi cả hai chân, một trong tiếng Việt nôm, và một trong một ngôn ngữ khác. Chính sự bất lực tạm thời của tiếng Việt trước nội dung cần diễn đạt của một cộng đồng ngôn ngữ khác như chúng ta hằng chứng kiến trong cuộc sống lưu lạc, vâng, chính nó là cái may trong cái rủi của nhà văn Việt xa xứ. Ta hãy xem hắn có những cơ hội gì:

Hắn có thể vừa bị cuốn theo ông chủ ngôn ngữ mới, vừa trung thành trong giới hạn cho phép với chủ cũ, là vốn liếng tiếng Việt mang theo. Trong trường hợp này, sớm muộn hắn cũng rời bỏ văn chương tiếng Việt. Mỗi năm viết dăm bảy trang là cố gắng cuối cùng của hắn, để chăm sóc một kỷ niệm về tiếng Việt hơn thực sự dùng tiếng Việt. Rồi hắn sẽ thử viết bằng ngôn ngữ mới. Bằng một ngoại ngữ. Và có cảm tưởng mình cũng không tồi. Dường như sự tầm thường của hắn trong tiếng Việt có thể biến mất trong ngoại ngữ, chí ít hắn trở nên khúc chiết và ít bay bướm hơn. Tuy mỗi khi trở về với tiếng Việt, hắn lại xoàng như cũ, nhưng điều đó không quan trọng, vì chẳng cộng đồng văn chương nào thiếu bóng những thành viên như thế. Quan trọng là, hắn không còn đặt kỳ vọng ở tiếng Việt, và đấy là sự giải phóng: giải phóng hắn, để hắn tự do đi tìm một ngôn ngữ khác. Và giải phóng tiếng Việt. Khỏi một mối tình hờ. Công cuộc giải phóng này không thể xảy ra ở Việt Nam.

Hoặc hắn quyết liệt tẩy chay cái ngôn ngữ lạ mặt kia ngay từ đầu, và trong thế phòng thủ đơn độc cũng có thể kiêu hãnh mà đi hết giới hạn đã định của mình. Văn giới Việt Nam hải ngoại biết không ít những cuộc đi nhẵn nẻo đường cùng như vậy. Giãy chết cũng có thể hùng tráng, và tang lễ hoàn toàn có thể đẹp.

Hoặc hắn phải nhảy vọt. Vượt khỏi một lãnh thổ ngôn ngữ, một giai đoạn ngôn ngữ, một số phận ngôn ngữ cho trước. Tôi tin rằng, sinh lực của Việt ngữ phụ thuộc vào những thành tựu vượt rào như vậy, chứ không nhất thiết còn hay mất ở việc vốn từ bên ngoài có bị tiêu lẹm, có kém cập nhật chút ít so với ở Việt Nam.

Tiếng Việt trong nước quả nhiên có những cách nảy nở riêng của nó, và công trình ngôn ngữ của một tập thể gần tám mươi triệu người nhất định là trên tầm cỡ của một cố gắng cá nhân. Khu vực ngôn ngữ chính trị không mấy tiến bộ, ngôn ngữ của các khoa học nhân văn cũng dẫm chân tại chỗ, của các ngành kinh tế và kỹ thuật phát triển chắp vá và vô chính phủ, ‘quan thoại’ của Việt ngữ tại chính nước Việt thì ngủ kỹ, nhưng bù vào đó, ‘bạch thoại’ rực rỡ hơn bao giờ. Tôi có cảm giác rằng, người Việt chưa từng ăn nói lắm kiểu hấp dẫn, khôi hài, giàu liên tưởng và mắc những lỗi ngôn ngữ tuyệt vời như trong vòng một thập kỷ nay. Nôm hiện đại đang ở đỉnh cao, tuy vẫn không phải là ngôn ngữ lý tưởng để suy tư trừu tượng hay thúc đẩy luận lý, nhưng dồi dào để diễn đạt những tâm tình và kinh nghiệm trực quan của thời đại. Nếu muốn thì gần như bất kỳ ai trong các nhà văn Việt hải ngoại cũng có thể mỗi năm về ‘vỗ béo’ tiếng Việt đã gầy guộc chút ít của mình ở đó. Song nhu cầu Việt ngữ của văn giới hải ngoại xem ra không cấp thiết đến mức như vậy. ‘Bạch thoại’ của miền Nam trước bảy lăm mang theo đến giờ còn dùng đủ, còn up-to-date lắm. Nếu ngày mai, lý do lưu vong của chúng ta không còn nữa, liệu có bao nhiêu nhà văn Việt đang sống ở hải ngoại, chỉ vì cái nghiệp của tiếng Việt, chỉ vì e ‘mất nguồn sáng tạo’, mà quyết định trở về?

Phần mình, tôi ra khỏi Việt Nam vài năm trước, công việc cho phép gặp vô số nhà văn sống lưu lạc, đến mức tôi có cảm tưởng rằng, du mục là một trong những điều kiện nghề nghiệp của một nhóm văn sĩ càng ngày càng đông đúc. Quê hương họ là những cuộc hành trình. Phản bội quê hương là dừng lại quá lâu một chỗ.



Phạm Thị Hoài

(Chưa bình luận gì được gì về bài viết này vì thực sự là cần nhiều thời gian để đọc và cảm nhận. Hình như trình độ đọc hiểu của mình đang ngày càng suy kém thì phải.)

2 nhận xét:

  1. TRỜI ƠI, THÔI ĐỪNG CÓ "NỒI DA XÁO THỊT". Ích gì không? Mất gốc không hàm nghĩa là ly hương, mất chỗ ở , mà mất gốc là mất đi linh hồn Việt. Đất Việt, không chỉ có "sông, núi Việt" không thôi mà chính là "hồn thiêng sông núi".Ai còn giữ được "hồn thiêng" sông núi thì không hề mất gốc, và văn chương đó, sáng tạo đó cũng không thể nào mất gốc.

    Trả lờiXóa
  2. Bài nay hay nhỉ, bà Hoài viết luôn vậy, rất khó đọc.

    Trả lờiXóa