Thứ Hai, 30 tháng 6, 2008

Entry for June 30, 2008

Vợ bảo đi pha 2 bình sữa cho con, công thức đơn giản là 60 ml nước và 2 thìa sữa bột/1bình. Pha bình thứ nhất xong, quay sang bình thứ 2 thì bỗng nhiên chẳng nhớ là mình đã cho 1 hay 2 thìa sữa? Những tưởng chẳng nhớ gì đến vụ vợ sinh đứa con gái đầu lòng, ấy thế mà lúc đưa vợ vào nằm ở bệnh viện chờ mổ thì lại nhớ rất nhiều chi tiết mà tưởng rằng đã quên.

Trí nhớ con người hay thật. Có lẽ những ký ức đó đã được lưu trữ ở một góc nào đó của bộ não. Chỉ cần những gợi mở đúng với từ khóa mà nó đã lưu thì tòan bộ ký ức đó sẽ mở bung ra dù muốn hay không. Cũng có khi bạn cố gắng làm mọi cách để nhớ lại nó nhưng sẽ vô ích. Cũng có khi chỉ một bóng người thoáng qua hay chi tiết nhỏ nhặt sẽ khiến ký ức tràn về.

Quả thật, nếu con người không biết quên thì sẽ là một tai họa. Nhưng nếu con người mà không biết nhớ thì cũng khủng khiếp chẳng kém gì. Chả thế mà người ta nói "Hãy biết quên những gì đáng quên để nhớ sâu những gì đáng nhớ".

Nhớ và Quên

Vợ bảo đi pha 2 bình sữa cho con, công thức đơn giản là 60 ml nước và 2 thìa sữa bột/1bình. Pha bình thứ nhất xong, quay sang bình thứ 2 thì bỗng nhiên chẳng nhớ là mình đã cho 1 hay 2 thìa sữa? Những tưởng chẳng nhớ gì đến vụ vợ sinh đứa con gái đầu lòng, ấy thế mà lúc đưa vợ vào nằm ở bệnh viện chờ mổ thì lại nhớ rất nhiều chi tiết mà tưởng rằng đã quên.

Trí nhớ con người hay thật. Có lẽ những ký ức đó đã được lưu trữ ở một góc nào đó của bộ não. Chỉ cần những gợi mở đúng với từ khóa mà nó đã lưu thì tòan bộ ký ức đó sẽ mở bung ra dù muốn hay không. Cũng có khi bạn cố gắng làm mọi cách để nhớ lại nó nhưng sẽ vô ích. Cũng có khi chỉ một bóng người thoáng qua hay chi tiết nhỏ nhặt sẽ khiến ký ức tràn về.

Quả thật, nếu con người không biết quên thì sẽ là một tai họa. Nhưng nếu con người mà không biết nhớ thì cũng khủng khiếp chẳng kém gì. Chả thế mà người ta nói "Hãy biết quên những gì đáng quên để nhớ sâu những gì đáng nhớ".

Entry for June 30, 2008

Cả tháng bóng đá không xem trận nào. Tối hôm qua thấy tivi báo chung kết Euro nên quyết định xem thử. Bật tivi lên mới thấy bực mình, truyền hình Cáp HTVC cắt kênh của VTV phát truyền hình trực tiếp và đổi lại là ép phải xem HTV9. Không xem thì không có gì xem, mà xem thì nghe giọng bình luận của HTV thấy chói tai quá. Đành tắt tiếng xem hình. Đây cũng là một ví dụ cho sự "độc quyền" và thành tựu của Xã hội hóa trên lĩnh vực truyền hình ?

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2008

Đọc tuyên bố chung Việt - Mỹ.

Đọc bản tuyên bố chung Việt Nam - Hoa kỳ ngày 25/6/2008 thấy mấy điểm lưu ý như:

- Đây là cuộc hội đàm song phương lần thứ 4 giữa các nhà lãnh đạo 2 bên trong 4 năm qua.
- Hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương ổn định, an ninh, dân chủ, hoà bình...
- Hoa Kỳ và VN sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT)...
- Hoa Kỳ phản đối việc hạn chế xuất khẩu lương thực trong lúc giá đang tăng.
- Lập cơ chế đối thoại mới về chính trị - quốc phòng và chính sách...
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về vai trò quan trọng của pháp quyền trong các xã hội hiện đại.
- VN đang hoàn tất quá trình chuẩn bị cho việc tham gia có hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.
- VN sẽ tham gia vào Sáng kiến các Hoạt động Hoà bình Toàn cầu (GPOI) và sẽ tham gia vào các khoá huấn luyện và các hoạt động khác của chương trình này.
- VN và Hoa kỳ thoả thuận sẽ thành lập nhóm Đặc trách Giáo dục cấp cao để xác định lộ trình và các phương thức hiệu quả cho việc tăng cường hợp tác giáo dục
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc đối với đề nghị của Tổng thống Bush về Chương trình của Đội tình nguyện Hoà bình trong tương lai tại Việt Nam.

- Hoa Kỳ đã hỗ trợ VN xây dựng Luật Năng lượng Nguyên tử và cung cấp thông tin và đào tạo kỹ thuật về an toàn hạt nhân.

- Khởi động dự án Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn cầu (DRAGON) tại Việt Nam, theo đó sẽ thành lập một viện nghiên cứu tại ĐH Cần Thơ nhằm hợp tác trong huấn luyện và nghiên cứu việc xây dựng các hệ sinh thái trong lành và phát triển bền vững ở đồng bằng Sông Cửu Long.

* Xem VTV và VTC thì thấy người phiên dịch cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này trong buổi hội đàm với Tổng thống Bush chính là con trai của nhà báo Phạm Xuân Ẩn.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2008

Tôn giáo và tư tưởng

"...Mọi tín đồ Ki Tô đều tin rằng người được giáng phúc là những người nghèo khó và thấp hèn, những người bị thế gian ngược đãi; rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có được lên thiên đàng; rằng để cho người không phán xét mình thì cũng đừng phán xét người; rằng họ không được nguyền rủa một ai; rằng họ phải yêu thương người khác như bản thân mình; rằng nếu có người lấy của họ cái áo-choàng-cộc-tay thì hãy cho họ cả cái áo-choàng-dài-tay; rằng họ đừng quá lo lắng cho ngày mai; rằng nếu họ là người hoàn hảo thì hãy bán hết những gì họ có và chia cho người nghèo. Họ không phải là thiếu thành thật khi nói rằng họ tin vào những điều đó. Họ quả có tin vào những điều đó như mọi người vẫn tin vào những lời ngợi ca mà họ hằng được nghe thấy, nhưng không bao giờ thảo luận. Nhưng theo ý nghĩa của niềm tin sống động điều chỉnh hành vi, thì họ chỉ tin những lời thuyết giảng đó ở dưới điểm ranh giới quyết định hành động. Trong ý thức gắn bó trung thành của họ, các giáo lý có thể được dùng cả như viên đá để ném vào kẻ thù; và giáo lý được hiểu như là lý lẽ để họ sẽ được biểu dương (khi có thể) do làm bất cứ cái đáng khen. Thế những nếu có người nào nhắc nhở họ rằng các châm ngôn đòi hỏi vô số những điều mà họ còn chưa bao giờ nghĩ tới sẽ làm, thì người đó chẳng đạt được gì mà còn bị liệt vào hạng xấu xa làm ra vẻ ta đây tốt hơn người khác. Giáo lý mà các tín đồ bình thườn không thấm nhuần thì không có sức mạnh trong tâm trí họ. Họ có sự kính trọng giáo lý theo thói quen vì lời lẽ khoa trương, nhưng chẳng có cảm xúc nào toát ra từ lời lẽ đến với sự vật mà nó hàm nghĩa, để buộc lý trí phải nắm bắt lấy chúng và làm cho chúng thích ứng với giáo thuyết. Còn khi nào đụng chạm đến hành vi thì họ nháo nhác ngó quanh tìm ông A, ông B, xin các vị đó chỉ dẫn cho, làm như thế nào thì là vâng lời Chúa Ki Tô...." (Trang 100-101 cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill do NXB Tri thức xuất bản năm 2007).

Không hiểu sao đọc cuốn sách này khó chịu thế không biết. Chưa bao giờ cầm cuốn sách này lên mà lại đọc nổi quá 10 trang, cứ phải nhẩn nha đọc rồi nghỉ, nghỉ rồi đọc. Tiện lúc nào thì đọc lúc ấy chứ không thể nào đọc hết một mạch được. Mệt thật! Đọc đoạn trích ở trên cứ thấy gai gai! Vẫn biết là "nhìn vào đấy" thì tác giả nói về Ki Tô giáo nhưng ngẩn ngơ một lúc thì nó áp dụng cho tất cả những thứ được coi là "tôn giáo"!

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

Ghi chú ở Bệnh viện

Sau hơn 3 năm không có việc gì phải vào BV Từ Dũ, lần này vợ sinh con nên lại phải sống ở đây gần 1 tuần. Cảm nhận chung là chẳng có thay đổi gì lớn, bác sỹ, y tá, nữ hộ sinh vẫn những cung cách như thế! Có một thay đổi khá tốt là khu vực dịch vụ của bệnh viện có vẻ được chuyên nghiệp hoá hơn khi chuyển thành mô hình công ty kinh doanh, lợi nhuận chắc cũng khá cao (đơn giản như việc bán 1 bình nước sôi đã 3000 VNĐ hay 1 phòng dịch vụ dành cho 2 người giá là 150.000VNĐ/ngày mà lúc nào cũng kín người chờ đăng ký thì cũng đủ thấy).

Thấy Johnson & Johnson quảng cáo dày đặc ở tất cả những chỗ có thể quảng cáo trong bệnh viện. Nhưng lại nhận thấy các hãng sữa dành cho trẻ sơ sinh hình như quên mất Bệnh viện này cũng là một nơi lý tưởng để tiếp cận người dùng. Đơn giản là vì các bà mẹ sinh mổ bao giờ cũng phải cần có sữa cho trẻ sơ sinh, và thường thì khi đã dùng hãng sữa nào quen rồi ít khi người ta thay đổi hãng sữa khác. Hôm ở BV tớ hỏi mua Abbott nhưng không có, lạ thật!

Mấy hôm ngủ ở BV đọc tiếp được vài trang trong cuốn "Bàn về tự do" có một ý mà John Stuart Mill viết từ 1859 nhưng đến nay vẫn thấy thú vị. Đó là việc các toà án Phương Tây (hiện nay có cả Mỹ) vẫn bắt người làm chứng phải "đặt tay lên Kinh thánh tuyên thệ trước Chúa rằng những gì mình nói là sự thật" là một việc làm vi phạm tự do tôn giáo, tự do tư tưởng một cách rất nghiêm trọng và đứng trên toàn bộ luật pháp.

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2008

Kỳ Thư - Khôi Nguyên



Quay bằng điện thoại ở trong bệnh viện.


Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2008

Nhà có 5 người

Tối qua đi khám, bác sĩ bảo đứa con gái thì bình thường nhưng thằng con trai thì có vẻ hơi yếu, mai đến nhập viện để bác sĩ khám lại, nếu tình hình không thay đổi thì sinh mổ luôn.

Sáng nay chở Yên Khuê đi gửi, đưa vợ vào BV Từ Dũ khám. Nhập viện luôn, khám đi khám lại. Bác sĩ bảo cố gắng chờ đến 38 tuần nhưng chắc là không ổn nên chiều thấy vợ gọi bảo sinh mổ luôn. Trời đổ cơn mưa to. Ngồi chờ dài cổ dưới phòng đợi mới được gọi lên xem mặt con và thông báo: Cả hai đứa sinh cùng giờ, 15h40' (thì đương nhiên rồi, sinh mổ mà lại), đứa con gái ra trước 2,6 kg, thằng con trai ra sau 2,9 kg. Nhìn chúng nó nhưng chắc còn ngái ngủ nên vẫn mắt nhắm mắt mở. Vậy là đã có thêm 2 đứa con, đúng vào cái lúc lạm phát khó khăn này...Vừa mừng, vừa lo.

Nhìn quanh mới nhớ: Hôm nay thứ 6 ngày 13, vậy mà hên đấy chứ nhỉ?

* Update ảnh hai đứa sinh đôi mới chụp trưa nay. Cũng cần chú ý rằng con gái mặc quần áo màu hồng còn con trai mặc quần áo màu xanh.

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2008

Thông tin chậm, trách nhiệm của ai?

Tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất tại Singapore vào hồi 06h40’ sáng ngày 11/6/2008 được cộng đồng blogger truyền đi rất nhanh. Một số tờ báo mạng cũng “nhanh nhảu đoảng” lên tin, lên bài (Viet Nam Net, VN Express, VTC News) để rồi đến trưa lại rút tin, rút bài một cách không kèn, không trống. Các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài như AP, Reuters, AFP, Time, The Washington Post....lập tức “chiếm trận địa” tin, bài. Chỉ tính riêng Ban Việt ngữ đài BBC từ sáng hôm qua đến sáng nay đã đăng 5-6 bài với nhiều ý kiến cả ở trong và ngoài nước. Đã xuất hiện nhiều thông tin nhiễu cho rằng có những “khuất tất” hay “đấu đá nội bộ” trong việc đưa thông tin về tang lễ của bác Võ Văn Kiệt khiến cộng đồng mạng lại càng ngơ ngác trong khi những thông tin chính thống từ phía Nhà nước vẫn “bặt vô âm tín”. Theo Nghị định 61/NĐ-CP (2001) thì đối với một người như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi mất đi Nhà nước phải tổ chức Quốc tang. Việc thành lập và tổ chức một ban tang lễ Quốc gia hẳn là không đơn giản. Tuy nhiên, đáng nhẽ với chức trách và nhiệm vụ của mình Ban Tuyên giáo TW phải nhanh chóng thông tin cho các báo những thông tin cơ bản nhất của sự việc chứ không phải chờ đợi một sự hoàn chỉnh từ Ban bí thư hay Bộ Chính trị. Giờ đã là thời đại “Vinasat” mà các bác ở Ban Tuyên giáo TW vẫn còn đi..."xe đạp"! Buồn thay!

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

Entry for June 11, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“Ngồi trên khán đài, tôi nói đùa với anh bạn làm ở Bộ Ngoại giao rằng thế nào cũng được xem tiết mục các diễn viên đóng giả trai gái H’Mông cầm ô, vác khèn nhảy múa kiểu ba-lê, rồi sẽ pha thêm tí múa Nga hay Ấn Độ… Quả nhiên trúng phóc! Đêm khai mạc, tạm so sánh thế này, tiết mục của các nước bạn giản dị và khá thuần phác, thành thử in đậm dấu ấn văn hóa của họ, rất ấn tượng. Tiết mục của ta thì cầu kỳ và luôn huy động số đông, na ná giống nhau kiểu “nộm” ca+múa+nhạc, nên hiệu quả tổng thể đương nhiên đơn điệu. Thế mới biết đông người chưa chắc đã hay! Những người làm chuyên môn dễ dàng nhận ra điều tệ hại nhất: ca sĩ hát nhép, nhạc công chơi nhép trong các tiết mục hoành tráng của Việt Nam. Trong khi các đoàn nghệ thuật nước bạn như Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản chơi nhạc sống đàng hoàng. Tham gia Đêm Hoàng cung có 2 dàn nhạc của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Cảm giác đầu tiên của tôi là giật mình! Sau 5 năm được UNESCO công nhận, hiện hình trong Festival lần này lại vẫn là dàn Nhã nhạc cải biên với sự tăng cường số lượng nhạc cụ. Đây vốn là sự “phát triển” theo kiểu tổ -bộ của dàn nhạc giao hưởng. Có tới 3 đàn nguyệt, 2 đàn tam, 3 đàn tỳ bà… cùng diễn tấu, trong khi dàn Nhã nhạc nguyên bản chỉ được biên chế mỗi thứ 1 cây. Đặc biệt dàn Nhã nhạc cải biên ở đây dùng tới 3 đàn tranh, 2 đàn bầu cùng hỗn tấu. Đây là các nhạc cụ vốn không hề được sử dụng trong Nhã nhạc cung đình Huế. Ngoài ra, sự cải biên còn thể hiện ở thành phần nhạc công nữ - là điều không hề có ở Nhã nhạc cổ truyền.... (Bài viết “Xem Festival Huế 2008: Ngậm ngùi cho di sản âm nhạc dân tộc” đăng trên báo Tiền Phong).

Dàn nhạc của Nhã nhạc cổ truyền được phát triển như dàn nhạc của Giao hưởng. Có lẽ thế được gọi là “tân cổ giao duyên”. Thế mới biết Festival chưa chắc đã chất lượng! Chả biết may hay rủi nhưng các khán giả xem không hiểu gì về Nhã nhạc cả.

Sau một đợt sóng gió cùng con số 200 tỷ tổng dự toán, tưởng rằng dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn đã bị ngừng lại. Nhưng thực tế nó vẫn đang được người trong cuộc triển khai với những diễn biến ngày càng phức tạp... Lúc đầu tôi nghĩ dự án vì chậm vì chúng ta thiếu trình độ nghiệp vụ, thiếu nhiệt huyết và nhiều lý do khác. Nhưng đến giờ phút này, cá nhân tôi cũng như các anh chị em nghệ sĩ của Hãng nhận ra một điều rằng sự chậm trễ này là có chủ ý, cụ thể là chủ ý của Giám đốc Lê Đức Tiến. Ngay từ lúc đầu ông Tiến, với cương vị của người điều hành, đã có tham vọng mình là đạo diễn bộ phim này, đồng thời cũng lại vừa là Giám đốc sản xuất dự án. Trong khi trên thực tế, sự xuất hiện của anh Tiến sau đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn cả năm trời. Nói cách khác, Giám đốc Lê Đức Tiến đã dùng quyền lực quản lý của mình để chen ngang vào dự án lẽ ra được trao cho hai đạo diễn Tuấn – Ninh....” (Họa sỹ Vũ Huy giải thích về tình trạng chậm trễ của dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn trong bài viết “Lại chuyện lằng nhằng của phim Lý Công Uẩn” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net).

Dùng quyền lực để làm phim thì chắc rằng đây sẽ là bộ phim hành động hay! Bà con đón xem nhé! Toàn võ sư có kungfu siêu đẳng cả đấy.

“Trước kia, các cuộc thi nhan sắc thường thu hút rất đông người đẹp tham gia. Hầu hết đều là những người đẹp lần đầu bước lên sân khấu và khi họ đăng quang, cũng có nghĩa là bắt đầu cho sự nghiệp biểu diễn trên sân khấu. Vì lẽ ấy, cuộc thi Hoa hậu VN do Báo Tiền Phong tổ chức 2 năm một lần luôn có rất đông thí sinh đăng ký dự thi và cuộc thi trở thành một “thương hiệu” có uy tín…Ngày nay ngược lại, người mẫu từ các sàn catwalk là đội ngũ đông đảo tham gia vào các cuộc thi nhan sắc. Đi thi các cuộc thi sắc đẹp là cách để họ tạo dựng chỗ đứng, tên tuổi. Không được giải ở cuộc thi này, họ kéo sang tham gia cuộc thi khác. Chính vì thế, nhiều tên tuổi trở thành quen thuộc vì thường xuyên đi thi nhan sắc. Có vẻ, các thí sinh đã thành “thợ” thi các cuộc thi sắc đẹp....” (Bài viết “Loạn” hoa hậu, “cháy” người đẹp” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

Thi Hoa hậu thì vẫn luôn là thi Hoa hậu mà thôi. Có lẽ tác giả nhầm hay sao khi mà cho rằng: Thi Hoa hậu ngày xưa đông người tham dự còn ngày nay thì lại ít nhỉ ? Tớ thì cho rằng các thiếu nữ còn e lệ ít dám tham dự còn ngày nay thì gần như “chả có gì để mất” nên chị em chân dài tham dự đông lắm! (Bỏ quá cho tớ nếu có ai đó chân dài mà không tham dự thi Hoa hậu nhé, tớ không nói tất cả đâu chỉ là số nhiều thôi!).

“Ngày 9.6, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) - đại diện của gần 1.500 nhạc sĩ (NS) trong cả nước về tác quyền âm nhạc - đã gửi đơn kiến nghị của 371 NS, bà quả phụ và gia đình của các NS quá cố đến các cơ quan có thẩm quyền và có liên quan, về việc quyền lợi chính đáng của họ đang bị một số cơ quan lợi dụng, xâm phạm. Trong số những người ký tên, phải kể đến những NS đã có cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho nền tân nhạc VN, như: Phạm Tuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Doãn Nho, Nguyễn Đức Toàn, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Phong Nhã, Thuận Yến, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng... và không ít NS trẻ đã và đang có những đóng góp nhất định cho sự phát triển âm nhạc VN hiện nay: Đỗ Bảo, Giáng Son, Anh Quân, Quốc Trung, Ngọc Châu, Huy Tuấn...Trong kiến nghị của mình gửi cho TGĐ Đài Tiếng nói VN, Đài Truyền hình VN, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và GĐ các đài truyền hình cáp trong cả nước, các NS đã cho rằng: Đài TNVN có thực hiện chế độ nhuận bút do đài đề ra, nhưng đó chỉ là tiền nhuận bút ban đầu chứ không thể coi là tiền mua đứt tác phẩm để đài tuỳ ý sử dụng. Ngoài ra, trên các chương trình phát sóng của đài còn có một số lượng lớn tác phẩm âm nhạc do các BTV khai thác từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn các NS không hề nhận được khoản tiền nào từ việc đài sử dụng tác phẩm của mình...” (Bài viết “Gần 400 nhạc sĩ đồng loạt kiến nghị về bản quyền” đăng trên báo Lao Động).

Khiếp thật! Các nghệ sỹ dàn quân đông thế! Nhưng mà nói cho ngay, chuyện đòi được tiền bản quyền ở Việt Nam cũng còn phải mất một thời gian dài nữa. Có lẽ phải đến khi các Nghệ sỹ trẻ hôm nay thành nghệ sỹ già!

“...Một vài phim gần đây mới lấp ló một, hai khuôn mặt đã được dư luận vội vui mừng gọi là "sao". Cho đến lúc này, nhiều diễn viên (DV) vẫn hồn nhiên công nhận họ là tay ngang. Mấy mùa phim đã qua, hầu như không thấy ai nói chuyện mở lớp chỉ dạy diễn xuất DV truyền hình, dù là lớp cấp tốc. Tất cả cứ "xông" ra trường quay, trong khi giàn ĐD cũng vẫn hầu như ngần ấy khuôn mặt với ngần ấy lối làm phim. Có DV nói, quyền cao nhất một DV có thể có được chỉ là anh (chị) ta được từ chối vai diễn. Vậy, quyền cao nhất của một khán giả truyền hình sẽ là tắt tivi để đỡ rối trí khi không nhớ nổi nhân vật, bởi tình trạng truyền hình một tuần chiếu mấy phim, phim hãng nọ chiếu xen phim hãng kia, sự trùng lặp khuôn mặt DV trong phim... ngày càng phổ biến. Tình trạng "vét DV" vẫn và sẽ còn tiếp diễn ít nhất là từ hai-ba năm nữa; và chỉ có thể bớt dần khi trước hết truyền hình bình tĩnh với việc quy hoạch chương trình và có chiến lược đầu tư dài hạn; và, chủ các hãng phim tư nhân cũng phải bình tĩnh trong việc làm phim.” (Bài viết “Vét diễn viên...” đăng trên báo Lao Động).

“Trong vài năm gần đây, các liveshow ca nhạc đã không còn là điều mới cuốn hút công chúng. Có nhiều liveshow do các ca sĩ, đơn vị kinh tế… thực hiện và các chương trình thường có truyền hình trực tiếp trên màn ảnh nhỏ đã tạo nên sự bội thực, nhàm chán. Trên hết, thực hiện liveshow ca nhạc là một cách để ca sĩ tiếp cận với khán giả, chứng minh sự tồn tại và quảng bá tên tuổi. Với các ngôi sao ca nhạc, thực hiện một liveshow hoành tráng chính là thước đo danh tiếng, khẳng định thương hiệu “người của công chúng”. Các liveshow ca nhạc lâu nay diễn ra như một cuộc chạy đua và cạnh tranh gay gắt. Tại TPHCM, có đến hàng chục liveshow được tổ chức trong một năm, nhưng chất lượng không đồng đều và khán giả của các show diễn cũng rất khác nhau.... Cũng có một ít liveshow của ca sĩ người đẹp không bao giờ lỗ. Các đại gia khi bỏ tiền chi cho người đẹp làm show thường nhằm hai mục đích, vừa làm hài lòng ca sĩ và các fan hâm mộ, vừa quảng bá thương hiệu cũng như công cuộc kinh doanh của mình. Tất nhiên ẩn chứa trong ấy là chuyện tình riêng tư…” (Bài viết “Liveshow ca nhạc: Đến hồi “bội thực” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

Tớ thì không cho rằng cứ có liveshow là “chứng minh sự tồn tại và quảng bá tên tuổi. Với các ngôi sao ca nhạc, thực hiện một liveshow hoành tráng chính là thước đo danh tiếng, khẳng định thương hiệu” bởi đó chỉ là yếu tố cần chứ không phải yếu tố đủ, và cũng có thể chả cần!

“...Thử quan sát các buổi diễn của cải lương, sẽ thấy hầu hết khán giả là lớp trung niên, khán giả trẻ chỉ chiếm thiểu số, chừng 30%. Trong nhiều cuộc giao lưu với sinh viên - học sinh, khi được hỏi xem các em có biết hát một bài dân ca hoặc một điệu lý, một bài nhạc tài tử - cải lương... hay không, thì đến hơn 90% các em lắc đầu một cách đương nhiên. Đó thực sự là lời cảnh báo không hề vui vẻ cho bộ môn nghệ thuật truyền thống quý giá này.... Tại sao chương trình dạy nhạc trong trường phổ thông chỉ có tân nhạc mà không có cả nhạc truyền thống? Tại sao chỉ bắt các em kẻ hàng - ký âm đồ, rê, mi, fa... một cách thành thạo nhưng không tạo xúc cảm thẩm âm, nhạc cảm để giúp các em yêu âm nhạc ở giá trị thật của nó? Đa số học sinh trả bài cho thầy chỉ để lấy điểm, và nếu chỉ có thế thì với âm nhạc, các em vẫn là người ngoại đạo. Sao không dạy các em những bài bản đơn giản rất Việt Nam, để có được sự thẩm thấu tự nhiên vào lòng, làm nảy sinh tình yêu âm nhạc truyền thống?...” (Bài viết “Tìm khán giả trẻ cho cải lương” đăng trên báo Thanh Niên).

Tại sao, tại sao và tại sao? Quá nhiều câu hỏi và chỉ có một câu trả lời: Biết chết liền!

“Tiếng cười vang lên trong nỗi đau không phải là tiếng cười vô cảm, lạc lõng mà chỉ là để tạo ra một sắc màu tươi sáng hơn giữa những dòng trôi cảm xúc nhiều đá ngầm. Văn học Việt đang đi trong những trang viết buồn, gần như các câu chuyện kể đều khiến người đọc chênh vênh theo hành trình nội tâm với những chao đảo, xót xa của nhân vật. Nhiều đầu sách văn học nước ngoài được phát hành tại Việt Nam trong thời gian gần đây mang đến cho người đọc những tiếng cười đủ mọi cung bậc. Dù không phải là một câu chuyện hài hước, nhưng người viết đã lồng vào tác phẩm một không khí tươi mới, hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Trong khi đó, văn học Việt gần như đang thiếu vắng tiếng cười khi các tác giả tập trung khai thác những góc độ trầm và mang quá nhiều suy nghĩ u uẩn của con người....” (Bài viết “Chênh vênh hành trình văn học Việt” đăng trên báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp).

“Đã trở thành một kịch bản cố định, những cuộc thi hoa hậu, Sao Mai điểm hẹn… gần đây đều có chương trình các thí sinh đến giao lưu, thăm hỏi trẻ em mồ côi, người già cô đơn tại các làng S.O.S hay trung tâm bảo trợ xã hội. TP Nha Trang – Khánh Hòa là nơi đăng cai các cuộc thi hoa hậu nhất. Các trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ em S.O.S ở đây cũng may mắn được các thí sinh đến giao lưu, thăm hỏi nhất. Các người đẹp, ngôi sao tương lai ào đến với bao cử chỉ đẹp, tâm tình, hứa hẹn... Nhưng sau khi cuộc thi kết thúc, cũng là lúc các thí sinh “một đi không trở lại”, và nợ lại lời hứa khi đi cùng với Ban giám khảo và giới truyền thông...” (Bài viết “Hoạt động từ thiện: Trái tim không nên chỉ treo trên báo!” đăng trên báo điện tử Viet NamNet).

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2008

Bình chọn trên website Phật tử Việt Nam


Tớ tình cờ được biết đến website http://phattuvietnam.net qua một entry trên blog của bác Đông A. Phát hiện một vấn đề khá ư là lạ: Đây là website của Phật giáo thế nhưng lại có một mục bình chọn về vấn đề Toà khâm sứ với câu hỏi "Nên giải quyết vụ Toà khâm sứ cũ thế nào?" và có 4 lựa chọn trả lời: 1. Tiếp tục sử dụng vào mục đích công ích; 2. Giao quyền sử dụng cho Ki-tô giáo; 3. Phật giáo và Ki-tô giáo cùng sử dụng; 4. Giao cho Phật giáo phục dựng chùa và tháp Báo Thiên.

Tớ thấy kỳ lạ bởi cách bình chọn như thế này rõ ràng là sẽ đưa ra một kết quả thiếu khách quan bởi chỉ những người quan tâm đến Phật giáo và đa phần là các phật tử sẽ truy cập vào website này. Câu trả lời dù khách quan đến đâu cũng sẽ vẫn nghiêng về Phật giáo. Và dù kết quả bình chọn là như thế nào đi nữa thì việc quyết định giải quyết vấn đề Toà khâm sứ cũng vẫn thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Vậy thì tại sao Ban quản trị lại thiết kế một cái bình chọn như vậy nhỉ? Với cách làm như vậy sẽ có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có giữa Phật giáo và Kito giáo.

Tớ không nghĩ là Ban quản trị website phattuvietnam không hiểu điều ấy!

P/S: Phương châm của Phật giáo Việt Nam là: "Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội" thế nhưng ở website Phật tử việt Nam thì ngay trên banner của nó đã thể hiện một phương châm mới: Đạo pháp - Dân tộc - Thời đại.


Update ngày 11/6/2008: Trước khi viết entry này tớ có gửi mail cho Ban quản trị của website nói rằng "
Đây là website của Phật tử của Phật giáo vì vậy việc bình chọn việc giải quyết Toà Khâm sứ như website đang làm có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có giữa Phật giáo và Kito giáo. Đề nghị Ban quản trị website cân nhắc" và sáng nay tớ đã nhận được câu trả lời từ ban quản trị với nội dung như sau: "...Thiết nghĩ, việc tạo bầu chọn về tòa khâm sứ là một sự phản biện mang tính cảnh tỉnh cho những người Ki-tô giáo cực đoan. Trang web phattuvietnam.net không phải là cơ quan ngôn luận của một tổ chức Phật giáo nào, nên thiết nghĩ nó không gây sự chia rẽ tôn giáo được...". Vậy là rõ ràng Ban quản trị có ý đồ khi thiết lập bầu chọn này!

Ngoài email về việc trên thì tớ cũng có đề nghị Ban quản trị website cần thiết phải xin giấy phép Trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT để tuân thủ đúng luật pháp và cân nhắc khi đăng tin bài lấy từ các website khác không có quan điểm phù hợp với Nhà nước CHXHCNVN.


Thứ Hai, 9 tháng 6, 2008

Báo chí chỉ biết thông tin trung thực?

Một người bạn trong Friend list gửi cho tớ cái link bài viết “Chuyện bây giờ mới kể: Đêm kinh hoàng trong hang Hòn Kẽm”. Thực sự là kinh hoàng.

Câu chuyện đã kinh hoàng nhưng cái cách báo Tuổi Trẻ Tp.HCM đưa câu chuyện lên báo còn kinh hoàng hơn nữa. Kinh hoàng bởi tôi nhận thấy cách thể hiện thông tin của bài viết trên có vấn đề: Việc làm của mẹ Năm Nghê là đáng phải ghi nhận, tuy nhiên chế độ chính sách của Nhà nước không bao giờ là hoàn hảo và bao quát được toàn bộ mọi trường hợp. Việc “ám chỉ” rằng các cơ quan Nhà nước đã thiếu trách nhiệm trong chế độ chính sách với mẹ Năm Nghê của báo Tuổi Trẻ Tp.HCM cũng chính là thái độ thiếu trách nhiệm trong thông tin của báo đối với bạn đọc: Tại sao lại có chuyện 200 người không làm gì để tỏ lòng biết ơn sự hi sinh lớn lao đó? Tại sao cả một cộng đồng địa phương lạnh lùng trước cuộc sống của bà Năm Nghê ? Tại sao ngành thương binh – xã hội lại "không biết xếp bà vào diện chính sách gì"?....Những câu hỏi đó vẫn chưa được báo Tuổi Trẻ Tp.HCM giải đáp!

Tôi đã email cho BBT của báo Tuổi Trẻ Tp.HCM, nội dung thế này: Đọc câu truyện này của báo Tuổi Trẻ Tp.HCM càng thấm thía nỗi đau của những người Mẹ Việt Nam trong chiến tranh. Nên chăng báo Tuổi Trẻ Tp.HCM nên cử một đại diện xuống làm việc với chính quyền địa phương bàn cách hỗ trợ về đời sống tinh thần cũng như vật chất cho mẹ Năm Nghê; Cùng với chính quyền địa phương, đơn vị doanh nghiệp và bà con nhân dân thôn Trà Linh tạc 01 bức tượng cô Sáu Tiền và bé Lê Tân, cùng tấm bia ghi nhận công lao của họ....Có lẽ, khi làm được việc ấy báo Tuổi Trẻ Tp.HCM mới thực sự là làm hết trách nhiệm của một cơ quan báo chí của dân, cùng Nhà nước thực hiện trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong chiến tranh.

Rất mong BBT báo Tuổi Trẻ Tp.HCM làm hết trách nhiệm của mình. Mong lắm thay!

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2008

Entry for June 07, 2008 - Đọc báo - Văn hoá:

"Nàng Antigone Việt Nam là đứa con thứ hai của cuộc gặp gỡ giữa tuồng truyền thống Việt Nam và nghệ thuật kịch mặt nạ của Pháp. Đây là một sự kết hợp độc đáo và sáng tạo, diễn hai thể loại khác nhau trên cùng một sân khấu: người Việt diễn tuồng Việt và người Pháp diễn kịch mặt nạ bằng tiếng Pháp nhưng nội dung vẫn bảo đảm được sự hài hòa...Lấy cảm hứng từ nhân vật trong một vở kịch châu Âu cùng tên, vở diễn đã nhắc lại vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khác với Antigone châu Âu là nhân vật trung tâm của vở diễn không chết mà hướng người xem đến một tương lai lạc quan hơn. Đó là một nàng Tina dịu dàng, đằm thắm toát lên được trọn vẹn những nét đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Vở diễn với hai ngôn ngữ, hai phong cách trình diễn, hai nền văn hóa khác nhau nhưng được kết hợp một cách thông thái, chắc chắn sẽ làm cho khán giả hiểu tường tận nội dung của vở diễn dù họ là người Việt hay người Pháp...." (Bài viết "Nàng Antigone Việt Nam: Đứa con của tuồng Việt và kịch Pháp" đăng trên báo Người Lao Động)

Tớ hơi nghi ngờ về khả năng thành công của sự kết hợp này. Tuy nhiên, hãy cứ thử nghiệm, thời gian sẽ trả lời!

"...Gần 4 năm sau ngày gia nhập Berne, thị trường bản quyền văn hóa phẩm, nhất là mảng sách của Việt Nam, đã có những thay đổi rõ rệt. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam dần hòa nhập vào thị trường sách thế giới, với các hoạt động mua bán bản quyền ngày càng phát triển. Thực tế đã hình thành những đơn vị mua bán bản quyền chuyên nghiệp, với những ưu thế riêng trong từng lĩnh vực, như Công ty văn hóa Phương Nam với mảng sách tiếng Trung, Công ty Truyền thông Nhã Nam mảng sách văn học, FristNews sở trường các loại sách ngoại ngữ, kiến thức phổ thông…Thế nhưng, cũng chính sự phát triển này cho thấy Berne vẫn chỉ đang được nhìn nhận ở một góc hẹp. Luật Bản quyền không chỉ đơn thuần là chuyện mua bán bản quyền, mà chính là ở việc bảo vệ và giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu và sử dụng các sản phẩm được Luật Bản quyền bảo vệ...." (Bài viết "Bản quyền văn hóa phẩm: Đối diện với khiếu kiện từ nước ngoài" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

"Hiện tại, hàng loạt di tích, thắng cảnh ở Lâm Đồng đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không có phương án cứu những điểm du lịch từng khá nổi tiếng, nhưng đang xuống cấp thì Lâm Đồng chắc chắn sẽ không còn mang danh tỉnh giàu có danh thắng quốc gia....Những năm qua, hầu hết 14 danh thắng này đã được giao cho các cá nhân và tập thể quản lý và khai thác kinh doanh du lịch, nhưng việc quản lý, khai thác, kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập cho nên các di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia này bị xuống cấp, có nơi còn bị xâm phạm nghiêm trọng..." (Bài viết "Đừng để danh thắng là "mì ăn liền" đăng trên báo Lao Động).

Đã giao cho để quản lý và khai thác kinh doanh du lịch thì còn đòi hỏi gì nữa? Đấy là điều tất yếu thôi.

"Ngày 6/6, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo Tây Sơn - Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Đây là lần thứ 5, hội thảo về Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Hội thảo lần này có 30 tác giả, đa số là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và 4 tác giả ở nước ngoài. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những nghiên cứu công phu từ 2 nguồn tư liệu chủ yếu, là thư tịch trong và ngoài nước. Bên cạnh là những nghiên cứu, khảo sát điền dã ở các địa bàn, địa danh gắn với phong trào Tây Sơn. Các nghiên cứu này đã đưa ra khá nhiều thông tin mới về cuộc đời của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn...." (Bài viết "Hội thảo về Tây Sơn - Nguyễn Huệ" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

Vui nhất là thông tin về cái chết của Hoàng đế Quang Trung của bác sỹ Bùi Minh Đức ở Hoa Kỳ sau khi khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là “huyễn vựng”, trong đó có nói đến cách điều trị của thái y, chăm sóc của Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi qua đời, ông đã tái lập một hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân có tên Nguyễn Huệ; giới tính: nam; chết ở tuổi: 39; nghề nghiệp: Chỉ huy quân đội, tác giả đưa ra giả thiết về cái chết của Hoàng đế Quang Trung là do: “Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc”.

"...Không diễn viên nào thay thế được vai trò người dân trong festival ở Huế... Tôi vẫn mong những kỳ festival sau chẳng cần phải quá dụng công tạo nên những chương trình lễ tốn kém, chẳng cần phải chen vào Huế những sân khấu biểu diễn, chẳng cần phải quá mất sức cho việc tổ chức, sắp xếp, dàn dựng lễ hội, hãy để Huế như thế, bình yên như thế, trầm lắng như thế, với những cánh diều ngày ngày vẫn bay, với những con đò chở nặng tiếng hò lặng trôi, với một làng nghề như thường ngày, với một hoàng thành ngày nào như cũng đang có thiết triều, đang có vua chúa, đang có mỹ nhân; với một đường phố, mảnh làng xưa cũ... chỉ cần thế thôi Huế sẽ mãi mãi là một thành phố festival. Đó sẽ là festival không ngày bế mạc”... (Bài viết "Festival Huế: Thường xuyên hay chiến dịch?" đăng trên báo Tiền Phong).

Với những gì đã viết ở trên thì tác giả chẳng hiểu gì về từ "Festival" cả. Tuy nhiên tớ lại hoàn toàn tán đồng những ý kiến ở trên: Huế không cần thiết phải là thành phố Festival để trở nên quá ầm ĩ và nhộn nhạo, việc làm đó không phù hợp với văn hoá Huế, tính cách Huế và con người Huế - sự trầm lắng, yên bình, thanh tao...Hãy để Huế vẫn cứ là Huế, chẳng cần trang son điểm phấn làm gì quá cầu kỳ mà càng làm mất đi bản sắc Huế.

"Lịch sử để lại cho chúng ta nhiều câu chuyện đẹp, nhiều dấu ấn đáng được nhắc mãi đến mai sau như: Truyền thuyết Loa thành cùng mối tình nhiều oan trái của Mỵ Châu - Trọng Thủy, nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên, những chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng, 3 lần nhà Trần quét sạch quân Nguyên ra khỏi Thăng Long... Không phải những đạo diễn, những nhà biên kịch họ không có ước mơ làm được những bộ phim lịch sử xứng tầm, để được người đời ngợi ca, mà vì nó như một “kho báu” nơi rừng sâu, muốn tìm được phải qua nhiều gian nan khổ ải, thiếu thốn trăm bề. Thiếu tư liệu, thiếu kinh nghiệm, thiếu trường quay, thiếu luôn cả đạo cụ và phục trang...Hiện tại, căn cứ vào những tư liệu lịch sử, hiện vật tìm được tại một số mộ chí cũng như nhiều tư liệu mà phương Tây còn ghi lại, chúng ta đã có thể đưa ra những cứ liệu chính xác về trang phục từ thế kỷ 18 cho tới nay. Tuy nhiên, việc xác định các triều đại muộn hơn như Lý - Trần - Mạc ăn vận ra sao, áo mũ cân đai thế nào thì kể như... bó tay. Cả chính sử lẫn dã sử không có lấy một dòng nhắc đến chuyện “thời trang” của vua, của quan, của dân thường chứ đừng nói đến chuyện tả tỉ mỉ từng trang phục ấy...người ta hoàn toàn có quyền tư duy và sáng tạo để mở một con đường mới khi phía trước không có đường để đi. Vậy nên, cần có những cái bắt tay thật chặt giữa nhà nghiên cứu lịch sử và nhà làm phim. Chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế những bộ trang phục dành cho triều Lý hay triều Trần dựa trên cứ liệu lịch sử, sự sáng tạo và tư duy logic. Bên cạnh đó là việc tuân thủ chặt chẽ những luật lệ về màu sắc, ví như: màu vàng chỉ dành cho vua, màu đỏ cho võ tướng, màu tía dành cho quan văn. Các nhà thiết kế trang phục cũng cần phân biệt thế nào là rồng Lý thế nào là rồng Trần, rồng Lê - Nguyễn ra làm sao....Hãy khuyến khích họ sáng tạo, duy chỉ có điều đừng “sáng tạo” đến mức... không thể chịu nổi. Không thể bắt những nhà làm phim phải chính xác khi tư liệu hết sức mịt mờ, chỉ có điều họ nên tiếp cận gần hơn với lịch sử. (Bài viết "Phục trang cho phim lịch sử: Không xứng tầm" đăng trên báo An ninh Thủ đô).

Theo tớ, ai cũng biết rằng khi làm phim lịch sử cần những trang phục nào thì cứ đặt mấy ông bà chuyên ngành lịch sử "sáng tạo" ra rồi sau đó hoạ sỹ thiết kế làm theo thôi, chuyện tranh cãi ở cái thời "cả chính sử lẫn dã sử không có lấy một dòng nhắc đến chuyện “thời trang” của vua, của quan, của dân thường chứ đừng nói đến chuyện tả tỉ mỉ từng trang phục ấy" là bình thường! Tuy nhiên vấn đề vẫn cứ là cái vòng luẩn quẩn: Không có tiền để đầu tư chiều sâu hay có tiền nhưng lại muốn làm cho "kịp tiến độ" chào mừng XYZ...

"Có người nói ngoa rằng “cơn bão” gameshow đang tấn công truyền hình Việt Nam, nhưng ngẫm lại thấy đúng, bởi sự đậm đặc của các gameshow bao giờ cũng kéo theo hàng chục phút quảng cáo tra tấn khán giả. Và, trớ trêu thay quảng cáo mới là mục đích cuối cùng các trò chơi. Điều oái ăm nhất là hầu hết các trò chơi truyền hình đều được phát sóng vào các giờ vàng. Có thể nói không ngày nào không có một trò chơi; không ở kênh này thì kênh khác. Nếu kể gọn trong ngày chủ nhật ở TP. HCM chẳng hạn, ngoài 4 trò của VTV3, còn có trò chơi ở các kênh HTV7 và HTV9, cả thảy tới 12 trò chơi trong một ngày; nhẩm tính trong một tuần khán giả TP. HCM và các tỉnh phía Nam phải “chịu trận” tới 42 trò chơi....Ai cũng biết các trò chơi truyền hình của ta đều “photo” hợp pháp các bản quyền nước ngoài nên đều có kết cấu hấp dẫn lôi cuốn người xem nhất là lớp khán giả trẻ. Hơn nữa, các gameshow đều được hình thành từ cặp đôi hợp tác về lợi ích doanh thu, công ty nào đó mua được bản quyền trò chơi, ngay lập tức họ mua giờ phát sóng của đài truyền hình. Điều áp chót là gì? Đó là sự ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận các lượng hàng quảng cáo do sự thu hút của trò chơi nhiều hay ít....Hình ảnh các gameshow tấn công truyền hình quả là lý thú. Dường như chúng biểu hiện sự kết hợp với ngón nghề kinh doanh rất rõ ràng. Thời buổi này ta có thể xem đó là chuyện tất yếu. Chúng có sức thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia trò chơi, tài trợ, quảng cáo. Hiện có nhiều công ty quảng cáo truyền thông hợp tác với các nhà đài thực hiện các trò chơi truyền hình, thậm chí có một số công ty nắm bản quyền từ ba đến bảy trò chơi. Nhưng điều quan trọng ở người xem là sự kén chọn nên các nhà đầu tư gameshow cần phải cạnh tranh hơn nữa trong quá trình thực hiện có sáng tạo từ các Format nước ngoài...." (Bài viết "Mệt nhoài" vì gameshow" đăng trên báo Sức khoẻ và Đời sống).

Nói cho ngay thì đây là phạm trù kinh doanh - văn hoá, thường thì chẳng bao giờ chúng đi liền với nhau cả. Nếu đã kinh doanh thì chỉ có kiếm tiền là trên hết, còn nếu làm văn hoá thì đừng có tập trung vào kiếm tiền. Chuyện game show trên các đài truyền hình là chuyện kinh doanh. Vấn đề là cái "tầm văn hoá" của những người được giao gác cửa ở Đài truyền hình mà thôi!

"...Tại sao sân khấu Việt Nam hiện nay thiếu những kịch bản hay và thừa những kịch bản dở? Tôi xin thêm vào một lý giải: là vì hiện nay, dù công nhận hay mặc nhận, người ta đang coi kịch bản sân khấu là một cái gì đó (tôi nhấn mạnh), chứ không phải một thể loại của văn học!...Thể hiện rõ nhất cho việc kịch bản sân khấu hiện đang không được xem là tác phẩm văn học nằm ở ngôn ngữ mà đa phần các tác giả sử dụng trong kịch của mình. "Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ dùng để diễn xướng trong không gian rộng của sân khấu, là ngôn ngữ có trù tính tới hiệu quả đối với công chúng, tức là dạng ngôn ngữ mang tính sân khấu. Sân khấu kịch cần đến những tình huống để nhân vật phát ngôn trước công chúng; từng lời từng câu đều cần được nhân vật kịch nói to, rõ ràng mạch lạc hơn so với tình thế được miêu tả; cần đến các biện pháp phóng đại kiểu sân khấu"...Thế nhưng, phổ biến trong kịch hiện nay là một thứ ngôn ngữ tiêu dùng của đời sống sinh hoạt hàng ngày, nó nôm na tới mức người đọc (và người xem) tưởng như tác giả cứ bệ nguyên nó từ đường phố vào trong kịch mà chẳng cần phủi đi chút bụi bặm bùn đất nào cả. Kịch, và kịch bản sân khấu đang không được xem là một thể loại của văn học. Rất có thể sự ứng xử này là một nguyên nhân góp phần đưa đến sự tuột dốc (không phanh?) của nền sân khấu Việt Nam hiện nay. Có khá nhiều chuyện cần phải làm để nâng cấp nền sân khấu này, nhưng thiết nghĩ, việc đầu tiên phải làm là vấn đề của nhận thức: kịch bản sân khấu là một thể loại văn học, cần hiểu nó là như vậy trước khi ai đó định viết một tác phẩm gọi là kịch! (Bài viết "Kịch có phải là một thể loại văn học" đăng trên báo An Ninh Thế Giới Cuối tháng).

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

Báo chí và cuộc thi HHHV 2008

Chuyện thi của người đẹp thế nào tớ không quan tâm nhiều. Những sáo ngữ như kiểu “cuộc thi là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước và con người VN. Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, đây là những hoạt động cần thiết và có ý nghĩa đối với sự phát triển du lịch và giới thiệu văn hóa VN ra thế giới.” cũng không nên quá chú ý! Bởi đấy chỉ là trò PR mà thôi. Làm đếch gì có chuyện doanh nghiệp tư nhân nào mà bỏ ra 15 triệu USD (con số này cũng cần phải đặt dấu hỏi to tướng) để đốt tiền cho vui! Đọc lại các thông tin trên báo chí có thể dễ dàng nhận ra vấn đề đằng sau nó:

Ban đầu việc tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại VN do 03 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần quảng cáo và hội chợ thương mại Ciat, Công ty Việt CEO và Công ty TNHH Hoàn Cầu đứng ra lập 1 Công ty mang tên Công ty Cổ phần Hoàn vũ đứng ra thực hiện. Trong bài trả lời phỏng vấn của VN Express ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nêu ra những khó khăn khi tổ chức cuộc thi, hay bài viết “Hợp đồng tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2008: Còn ngổn ngang” hoặc bài “HHHV 2008 tổ chức tại Khánh Hòa: Lo nhưng không sợ!” đăng trên báo điện tử Viet Nam Net. Và tớ cho rằng đấy chính là mục đích của việc tổ chức cuộc thi HHHV 2008: xây dựng sân khấu có sức chứa 7.500 chỗ ngồi; nâng cấp Cảng hàng không Cam Ranh thành sân bay quốc tế; Hoàn Cầu sẽ sử dụng một trong hai cơ sở thương mại của mình để nâng cấp trang thiết bị hiện đại dành cho việc tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ; khu du lịch sông Lô chỉ là sân khấu phục vụ chính cho đêm chung kết....

Theo tớ, bản chất của cuộc thi này chẳng qua chỉ là một cách “đánh vòng” của Công ty Hoàn Cầu. Tất cả những dự án đất đai, xây dựng của Hoàn Cầu tại Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung sẽ nhanh chóng được thực hiện mà không hề vấp phải một khó khăn nào từ TW đến địa phương; tranh thủ việc tổ chức cuộc thi, Công ty Hoàn Cầu đã dễ dàng có được những Cơ sở hạ tầng do chính Nhà nước đầu tư. Tất nhiên, đó là chưa kể đến những lợi ích khác thu được từ việc tổ chức cuộc thi. Báo chí thì chỉ biết chạy theo cuộc thi còn những vấn đề đằng sau nó thì (dù biết) lại không đề cập đến.

Đọc thêm: Entry Hoa hậu trên blog Cavenui

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Entry for June 04, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“...Những cuộc thi ca nhạc trên truyền hình ngày nay, theo thiển ý của tôi, hiện đang phần nhiều chạy theo các tiêu chí của lợi nhuận, tài trợ, thương mại... Do đó thường rầm rộ trước, tẻ nhạt sau. Con người được phát hiện từ những cuộc thi, chỏng chơ giữa thị trường và dần dần một với nỗi chán chường và hoài nghi của xã hội.... Tôi cho rằng xã hội Việt Nam đang bị huyễn hoặc về sự nói dối của các chương trình truyền hình, hễ ai có mặt trên đó mới gọi là đương thời. Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng. Sự huyễn hoặc này, tôi cho rằng chỉ có tính giai đoạn của một xã hội văn hóa chưa có tính mở hoàn toàn....” (Nhạc sỹ Tuấn Khanh phát biểu trong bài “Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng” đăng trên báo Công An Nhân Dân).

“Đề án quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 vừa được Chính phủ phê duyệt. Đích nhắm của đề án này là cắt giảm tối đa việc bao cấp cho nghệ thuật và "đại phẫu" guồng máy tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu quả, tránh tình trạng bao cấp tràn lan, bình quân chủ nghĩa. Sự cần thiết của cuộc "đại phẫu" có lẽ ai cũng thấy rõ. Chỉ có điều, việc tách, nhập các đơn vị nghệ thuật (từ cấp trung ương đến địa phương) không đơn thuần chỉ là một thủ tục hành chính.... Những ngày này, tâm lý của nhiều diễn viên, nhất là các diễn viên các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh đều bị xáo trộn. Nếu đoàn bị giải thể, họ sẽ thất nghiệp, chẳng biết làm gì để sống, nhất là những người đã ở tuổi "quá lứa nhỡ thì", đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghệ thuật. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp, họ buộc phải học sang một nghề khác, hoặc học tiếng Anh, vi tính... Với nghệ sĩ trẻ, điều này có lẽ dễ dàng hơn....(Bài viết “Sân khấu nín thở trước cuộc "đại phẫu" đăng trên báo Thanh Niên).

“...Tài năng nghệ thuật là món quà số phận ban tặng, không phải cứ chăm chỉ mà nên. Song có năng khiếu mà thiếu rèn luyện thì cũng chỉ là thứ quặng thô sơ. So với lớp nghệ sĩ thế hệ trước, nhiều diễn viên trẻ ngày nay hơn hẳn về sắc vóc. Thế nhưng vì sao họ vẫn chỉ là trai đẹp mà chưa thể là kép tài? Có người rõ ràng không có cái duyên sân khấu dù đã rất nỗ lực, song phần đông còn lại là do họ chưa được trang bị kỹ năng đủ để hành nghề. Với sự bùng nổ của việc làm phim truyền hình hiện nay, nhiều sinh viên mới vào năm nhất đã bỏ lớp đi sô và sấp ngửa chạy theo tiến độ tốc hành của các đoàn phim. Phim này nối tiếp phim kia và hơn nữa, kiếm được tiền rồi việc học ở trường trở thành thứ yếu. Có được chút danh ở sân quay, họ trở về làm “sao” ở sàn diễn sân khấu mới hay mọi thứ không dễ dàng. Sân khấu đòi hỏi một sự hóa thân tuyệt đối, một bản lĩnh làm chủ tình huống thông minh và một khả năng quăng bắt nhạy bén, hoàn toàn không có chỗ cho cách diễn hời hợt, nhợt nhạt hoặc trông chờ vào các công cụ kỹ thuật hỗ trợ....(Bài viết “Sân khấu: Thừa trai đẹp, thiếu kép tài” đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM).

“...Thực chất, Vietnam Idol là chương trình truyền hình do Tập đoàn Unilever mua bản quyền từ nước ngoài đưa vào Việt Nam, nhằm quảng bá cho các nhãn hàng thuộc tập đoàn này, thông qua cuộc thi. Đài Truyền hình TPHCM đứng danh nghĩa tổ chức, còn Công ty Đông Tây là đơn vị được Unilever thuê sản xuất chương trình. Với kinh phí đầu tư lớn, Vietnam Idol 2007 đã thật sự thành công về mặt quảng cáo khi chương trình thu hút hàng triệu người xem ở Việt Nam. Mùa giải 2008, Unilever quyết định đầu tư lớn hơn cho Vietnam Idol, ngoài Công ty Đông Tây chịu trách nhiệm sản xuất còn có một công ty hoạt động PR hàng đầu được ký hợp đồng thực hiện công việc PR cho chương trình này.... Mặt khác, Vietnam Idol, với danh nghĩa là cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, cũng không khác gì về mục đích so với Ngôi sao tiếng hát truyền hình TPHCM, giải Sao Mai hay Sao Mai- Điểm hẹn của Đài Truyền hình Việt Nam. Việc thêm một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, dù hình thức có khác nhau, cũng không quá cấp thiết. Đó là chưa nói đến thực trạng hiện nay, các cuộc thi âm nhạc trong nước đang vô cùng khan hiếm thí sinh có năng lực ca hát dự thi...” (Bài viết “Hoãn tổ chức Vietnam Idol là hợp lẽ” đăng trên báo Người Lao Động).

“...các đối tác liên kết (ban đầu được coi là “đầu nậu”) chen chân mỗi ngày một mạnh hơn vào nghề sách, bắt đầu từ việc nắm khâu phát hành để dần dần chiếm lĩnh và phân chia nhau thị trường sách. Đồng thời, do thiếu tư cách pháp nhân (không được phép lập NXB) các đối tác liên kết, từ chỗ phải phụ thuộc các NXB, đã dần dần trở thành nguồn sống chính của các NXB, do vậy, trên thực tế đã biến các NXB chính ngạch trở thành một khâu trong chu trình sản xuất và kinh doanh sách của mình. Chỉ có vài NXB, nhờ lợi thế độc quyền, trở nên tương đối có thế lực trên thị trường sách; số còn lại, do bị làm yếu từ đầu vì quy chế “chức năng” hẹp của mỗi NXB, do không có vốn, do trì trệ, giữ nếp sống bao cấp, do tự thu mình lại, ít dám chấp nhận cạnh tranh, v.v…, rốt cuộc đều đành lòng chấp nhận vai trò “làm thủ tục” cho các xuất bản phẩm, thực chất là “bán giấy phép” cho các đối tác liên kết và đành lòng sống bám vào hoạt động kinh doanh của các đối tác liên kết ấy. Các thành viên ban giám đốc, giữ phần quyền lực cho hay không cho in đối với một ấn phẩm nhất định (đây là cái phần độc quyền duy nhất mà Nhà nước còn giữ lại cho NXB “quốc doanh”), thì đóng vai trò chủ chốt trong việc cấp giấy phép; nhưng để xem xét từng bản thảo có thể cho in thành sách hay không, cần phải có thợ chuyên môn: đó là các biên tập viên. Nên nhớ: không đối tác liên kết xuất bản nào thuỷ chung như nhất với “một và chỉ một” NXB nào, nên rốt cuộc, rất ít đối tác liên kết tạo được gương mặt riêng; trong khi hầu hết các NXB đều tự đánh mất diện mạo riêng, do gắn nhãn hiệu nhà mình vào đủ loại ấn phẩm thượng vàng hạ cám khác nhau!...(Bài viết “Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất” đăng trên Tạp chí Tia sáng).

“...Ai cũng nói phim dành cho thiếu nhi thiếu, rằng các hãng nhập phim chỉ chạy theo lợi nhuận, nhập các phim bạo lực, kinh dị. Trong khi đó, hàng năm không ít phim hoạt hình đã bị một số chủ rạp phim từ chối trình chiếu với lý do phim không có khách! Kể cả những phim hoạt hình thắng đậm về doanh thu trên thế giới. Khán giả nhí không có tiền để tự ra rạp mà chỉ có thể xem những gì phụ huynh các em xem, phụ huynh thì không thích xem phim hoạt hình, nhiều người chỉ thích xem các phim tình cảm, bạo lực. Kết quả: trẻ em vào rạp xem phim người lớn, còn phim thiếu nhi thì vắng người xem.... Chừng nào người lớn không hiểu rõ bản chất của việc phân loại độ tuổi không phải để cấm người xem, mà việc dán nhãn chính là để giúp phụ huynh có những chọn lựa phù hợp cho con em; cũng như chưa có ý thức tự nguyện bảo vệ con em mình thì sẽ không có công cụ cấm đoán nào hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em với các sản phẩm văn hóa không phù hợp lứa tuổi....” (Bài viết “Tản mạn chuyện "phim cấm trẻ em" đăng trên báo Tuổi Trẻ Tp.HCM).

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Bảy lần vấn đáp giữa Phật và Ananda - 3

Sau bảy lần phản biện các nhận thức sai lầm của ông Ananda về tâm, Phật cho Ananda biết rằng muốn rèn luyện để đạt đến trang thái Buddha (Phật) hoặc Nirvana (Niết bàn), trước hết phải hiểu và phân biệt hai loại: chân tâm và vọng tâm.

Phật đưa bàn tay lên co năm ngón lại và hỏi:

Phật: Ông có thấy gì không ?

Ananda: Tôi thấy Phật đưa bàn tay và co năm ngón lại

Phật: Ông lấy gì để thấy và lấy gì để làm tâm

Ananda: Tôi lấy mắt để thấy và lấy cái suy nghĩ, phân biệt để làm tâm.

Phật: Không đúng. Cái suy nghĩ, phân biết không phải là tâm của ông. Nó chỉ là sự vọng tưởng. Nếu cho rằng cái suy nghĩ phân biệt là tâm của ông thì khi không còn tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài, nó vẫn tồn tại thì mới là thật tâm của ông. Ngay cả khi năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, da) không hoạt động, chỉ còn lại sự suy nghĩ âm thầm (ý thức) thì dó cũng là sự phân biệt bóng dáng của đối tượng bên ngoài, chứ đâu phải là chân tâm của ông.
Tất cả những người rèn luyện để đạt đến một trạng thái tâm tốt đẹp mà không xác định được đâu là bản tâm của mình thì không thể đạt đến kết quả được.

Vừa rồi ông nói thấy năm ngón tay tôi co lại. Vậy vì sao có nắm tay và nhờ cái gì mà có cái thấy ?

Ananda: Vì ngón tay Phật co và nhờ mắt của tôi nên có cái thấy.

Phật: Vậy khi không có nắm tay tôi và không có con mắt thì ông không có cái thấy ?

Ananda: Đúng

Phật: Ông thử hỏi người mù: Có thấy gì không, thì họ sẽ trả lời: Chỉ thấy tối đen. Như vậy đối với người mù, mắt không hoạt động mà vẫn thấy tối đen. Rõ ràng là khi mắt không hoạt động và ngoại cảnh sáng tối khác nhau nhưng vẫn tồn tại một cái thấy lúc nào cũng có. Con mắt chỉ làm tỏ các vật, còn cái thấy là do tâm chứ không phải do mắt.

Phật đưa bàn tay lên, co vào, duỗi ra rồi hỏi: Ông thấy gì ?

Ananda: Tôi thấy những ngón tay Phật co mở

Phật: Tự tay tôi co mở hay cái thấy của ông co mở

Anada: Tự tay Phật co mở chứ cái thấy của tôi không co mở

Phật: Rất đúng

Phật phóng một đạo hào quang về phía vai phải của Ananda, Ananda giật mình xoay đầu sang phải. Phật phóng tiếp một đạo hào quang khác về phía vai trái, Ananda xoay đầu sang trái.

Phật: Tại sao đầu ông xoay qua, xoay lại ?

Ananda: Tôi xoay để nhìn hào quang của Phật

Phật: Cái đầu của ông xoay hay cái thấy của ông xoay ?

Ananda: Cái đầu của tôi xoay chứ cái thấy của tôi không xoay.

Phật: Vậy cái nào động, cái nào tịnh ?

Ananda: Cái đầu động, cái thấy không có động tịnh

Phật khen đúng và kết luận: Cái nào có co, có mở, có tịnh, có sinh, có diệt, đều là vọng, thuộc về khách thể. Cái nào không động tịnh, không co mở, không sinh diệt là chân, là chủ thể, là chính mình. Từ trước đến nay mọi người cứ nhận cái "vọng thân tứ đại giả hợp" (cái thân không có thật, do bốn yếu tố giả là đất, nước, lửa, gió hợp lại mà thành) làm thân thật của mình, cho rằng cái giả tạm bên ngoài là cảnh thật đối với mình, lại bỏ cái chân tâm thường trụ bất sinh bất diệt kia đi. Bởi thế mới sinh tử, luân hồi, thật là oan uổng!

(Trích "Bản chất của đời sống - NXB Tp.HCM 2002)

Bảy lần vấn đáp giữa Phật và Ananda - 2

Lần thứ 2

Ananda: Nếu tâm không ở trong thân thể thì phải ở ngoài thân thể. Vì tâm ở ngoài thân thể nên không thể thấy được phủ tạng bên trong mà chỉ thấy được cảnh vật bên ngoài.

Phật: Cái tâm của ông, nếu ở ngoài thân thể thì tâm và thân độc lập với nhau. Vậy khi tâm biết thì thân thể sẽ không biết; còn khi thân thể biết thì tâm phải không biết. Như tôi và các ông thân thể khác nhau, khi tôi ăn, các ông không biết no. Khi tôi giơ tay lên, mắt ông (thuộc thân thể) vừa thấy, tâm ông có biết ngay không ?

Ananda: Thưa, trong lúc mắt tôi vừa thấy thì tâm tôi liền phân biệt.

Phật: Nếu mắt ông vừa thấy, tâm ông lập tức phân biệt thì thân và tâm không rời nhau được. Ông nói tâm ở ngoài thân là không đúng.

Lần thứ ba

Ananda: - Nếu tâm không ở trong thân, cũng không ở ngoài thân mà lại không rời nhau thì tâm nấp trong đôi mắt, giống như người mang kính vậy.

Phật: Khi người mang kính để nhìn cảnh vật, họ có thấy được chính đôi kính đó không ?

Ananda: Thưa, thấy được.

Phật: Vậy sao tâm ông không thấy được mắt ông ? Nói tâm ẩn ở trong mắt là không đúng.

Lần thứ tư

Ananda: Bây giờ tôi nghĩ: Nhắm mắt thấy tối tức là tâm đang thấy phủ tạng. Nhờ các giác quan mở ra mà tâm thấy được bên ngoài. Như vậy có đúng không ?

Phật: Nếu nhắm mắt thấy tối thì có nghĩa là (vị trí tương đối) cái tối đó (so với vị trí của mắt) phải ở phía trước mắt. Như thế không thể nói là thấy ngược vào trong. Còn nếu cho rằng cái tối là phủ tạng, vậy khi không có ánh sáng, cả phòng này đều tối, chẳng lẽ mọi vật trong phòng này cũng là phủ tạng cả hay sao ? Lại nữa, nếu nói nhắm mắt thấy tối là thấy phủ tạng còn mở mắt thấy bên ngoài thân thể thì tại sao lúc mở mắt lại không thấy (bề mặt của) khuôn mặt mình. Khuôn mặt mình khi mở mắt còn không thấy, sao dám khẳng định rằng nhắm mắt là thấy bên trong thân thể ? Nếu tự thấy được khuôn mặt mình thì tâm và mắt đã ở ngoài thân thể mình rồi, đâu còn là tâm của mình nữa. Vậy nói nhắm mắt thấy tôi là tâm đáng thấy trong thân là không đúng.

Lần thứ năm

Ananda: Tôi nghe Phật dạy: "do Tâm sinh nên Pháp mới sinh, do Pháp sinh nên Tâm mới sinh". Nay tôi suy nghĩ, thì cái suy nghĩ đó là tâm của tôi; tùy hòa hợp nơi nào thì tâm liên theo đó mà có.
(ghi chú: Pháp - Dharma: Đối tượng, là bất cứ cái gì được đề cập đến.)

Phật: Ông nói "tùy hòa hợp chỗ nài thì tâm liền theo đó mà có". Như thế tâm ông không có thực thế. Nếu tâm không có thực thể thì lấy gì mà hòa hợp? Còn nếu tâm có thực thể thì ông thử lấy tay phải đánh vào tay trái, lập tức ông biết đâu. Vậy cái tâm biết đau này từ trong thân ra hay từ ngoài vào ? Nếu từ trong thân ra thì nó phải thấy phủ tạng, nếu từ ngoài vào thì nó phải thấy khuôn mặt của mình.

Ananda: Tôi nói rằng mắt thì thấy, còn tâm thì biết. Nói cái tâm thấy thì không đúng với ý này.

Phật: Nếu mắt thấy thì sao người ta vừa chết vẫn còn con mắt mà không thấy. Nếu chết mà còn thấy thì sao gọi là chết ? Ngoài ra, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thực thể, thì là một thực thể hay nhiều thực thể ? Có khắp trong thân hay không khắp cả trong thân. Nếu chỉ là một thực thể và ở khắp cả thân thì khi ông đánh vào một chỗ, toàn thân phải đồng thời biết đau. Còn nếu nói tâm gồm nhiều thực thể, thành ra có nhiều người (trong một thân), người nào mới đích thực là ông ? Nếu tâm ông không ở khắp thân thể vậy khi đồng thời va chạm vào hai nơi, như ở đầu gối và ở chân, thì tâm chỉ nhận biết được ở một nơi. Thực ra ông nhận biết đồng thời sự va chạm ở cả hai nơi. Nên nói tùy vào hòa hợp chỗ nào tâm liền theo đó mà có, là không đúng.


Lần thứ sáu

Ananda: Tôi có nghe Phật và ông Manjusri (Văn Thù Bồ Tát) luận bàn về thực tướng, khi đó Phật dạy rằng: Tâm không ở trong cũng chẳng ở ngoài. Vậy tôi suy rằng: tâm có thể ở chính giữa.

Phật: Ông nói tâm ở chính giữa, vậy (vị trí) chính giữa đó phải nói chính xác ở chỗ nào, giữa thân hay giữa cảnh ? Nếu nói giữa thân thì là trong thân như đã đề cập. Nếu chính giữa cảnh thì cảnh ngoài mênh mông biết đâu là chính giữa?

Ananda: Tôi không nói theo ý nghĩa đó. Như Phật thường nói con mắt đối với sắc trần sinh ra nhãn thức. Một bên là con mắt biết phân biệt, một bên là sắc trần không biết phân biệt, cái thức sinh ra ở chính giữa. Đó chắc là chỗ của tâm.
(Ghi chú: Sắc - Rupa: Sự hiện hữu có tính vật chất)

Phật: Ông nói tâm ở giữa căn (giác quan, trong trường hợp này là mắt) và cảnh trần. Vậy thực thể của tâm gồm cả các giác quan và sắc trần hay không gồm cả hai ? Nếu gồm cả hai thì căn và cảnh trần lẫn lộn. Nhưng cảnh trần không có tri giác còn giác quan có tri giác, hai bên đối lập khác biệt, lấy chỗ nào làm vị trí giữa. Còn nếu tâm không gồm cả giác quan và cảnh trần thì tâm không có thực thể, vậy lấy cái gì làm chính giữa ? Nói tâm ở chính giữa là không đúng.

Lần thứ 7

Ananda: Tôi nghe Phật dạy rằng: "Cái tâm hiểu biết phân biệt không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chỗ nào cả, không liên hệ với mọi thứ". Vậy có phải cái không liên hệ đó là tâm không?

Phật: Tôi hỏi ông: Tất cả mọi đối tượng trong thế gian này, nào là hư không, nào là thế giới...có đối tượng nào mà ông không liên hệ hay không ? Nếu đối tượng không có, ví dụ như lông rùa hoặc sừng thỏ...thì làm gì có sự liên hệ. Còn nếu có một cái gọi là không liên hệ thì không thể nói rằng không liên hệ được. Vì cái gì không có hình thái mới gọi là không, cái có hình thái tức là có, tất phải bị liên hệ. Vậy nói cái không liên hệ là tâm cũng không đúng.

7 lần vấn đáp giữa Phật với Ananda

Cách đây hơn 2500 năm, khi giảng cho chúng sinh về bản chất thế giới, một trong những việc đầu tiên của ông Gotama Siddhatha (lúc đó đã đạt đến trạng thái Phật - sau đây sẽ gọi là Phật) là phân tích về chính hoạt động quan sát. Việc này được ghi lại ở phần đầu của bộ kinh nổi tiếng mang tên Suramgana (Kinh Lăng Nghiêm). Bộ kinh trình bày những nội dung đối thoại theo thể vấn đáp phản biên giữa Phật và các học trò của ông mà đại diện là ông Ananda, cùng với những bài giảng của Phật sau đó. Xin trích 07 lần vấn đáp giữa Phật với Ananda để mọi người tham khảo cho vui.

Lần thứ nhất:

Phật: Mắt ở đâu và tâm ở đâu ?

Ananda: Thưa, mắt ở trên mặt, còn tâm ở trong thân thể.

Phật: Ông đang ngồi trong phòng học này, trước hết ông thấy cái gì và vì sao ông thấy được cây cối ngoài vườn ?

Ananda: Tôi ngồi trong phòng học, trước hết thấy Phật và các vị khác đang cùng ngồi ở đây. Sau đó nhờ cánh cửa phòng mở nên tôi thấy được cây cối và cảnh vật ngoài vườn.

Phật: Có ai ngồi trong nhà mà không thấy được cảnh vật trong nhà, lại chỉ thấy cảnh vật bên ngoài không ?

Ananda: Thưa không.

Phật: Tâm của ông cũng tương tự vậy. Ông nói cái thấy hay tâm của ông ở trong thân thể, vậy trước hết nó phải thấy được phủ tạng bên trong cơ thể rồi mới thấy đến các cảnh vật bên ngoài. Thực tế có ai thấy được như vậy không ? Nếu không thì ông nói tâm ở trong thân thể là sai.

(Bài viết này được trích từ cuốn sách "Bản chất của đời sống" - Quyển thứ 1 "Phật học & Khoa học hiện đại" của Nguyễn Đăng Trung tức Trương Công Dũng do NXB Tp.HCM xuất bản năm 2002).