Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2008

Entry for June 07, 2008 - Đọc báo - Văn hoá:

"Nàng Antigone Việt Nam là đứa con thứ hai của cuộc gặp gỡ giữa tuồng truyền thống Việt Nam và nghệ thuật kịch mặt nạ của Pháp. Đây là một sự kết hợp độc đáo và sáng tạo, diễn hai thể loại khác nhau trên cùng một sân khấu: người Việt diễn tuồng Việt và người Pháp diễn kịch mặt nạ bằng tiếng Pháp nhưng nội dung vẫn bảo đảm được sự hài hòa...Lấy cảm hứng từ nhân vật trong một vở kịch châu Âu cùng tên, vở diễn đã nhắc lại vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khác với Antigone châu Âu là nhân vật trung tâm của vở diễn không chết mà hướng người xem đến một tương lai lạc quan hơn. Đó là một nàng Tina dịu dàng, đằm thắm toát lên được trọn vẹn những nét đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Vở diễn với hai ngôn ngữ, hai phong cách trình diễn, hai nền văn hóa khác nhau nhưng được kết hợp một cách thông thái, chắc chắn sẽ làm cho khán giả hiểu tường tận nội dung của vở diễn dù họ là người Việt hay người Pháp...." (Bài viết "Nàng Antigone Việt Nam: Đứa con của tuồng Việt và kịch Pháp" đăng trên báo Người Lao Động)

Tớ hơi nghi ngờ về khả năng thành công của sự kết hợp này. Tuy nhiên, hãy cứ thử nghiệm, thời gian sẽ trả lời!

"...Gần 4 năm sau ngày gia nhập Berne, thị trường bản quyền văn hóa phẩm, nhất là mảng sách của Việt Nam, đã có những thay đổi rõ rệt. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam dần hòa nhập vào thị trường sách thế giới, với các hoạt động mua bán bản quyền ngày càng phát triển. Thực tế đã hình thành những đơn vị mua bán bản quyền chuyên nghiệp, với những ưu thế riêng trong từng lĩnh vực, như Công ty văn hóa Phương Nam với mảng sách tiếng Trung, Công ty Truyền thông Nhã Nam mảng sách văn học, FristNews sở trường các loại sách ngoại ngữ, kiến thức phổ thông…Thế nhưng, cũng chính sự phát triển này cho thấy Berne vẫn chỉ đang được nhìn nhận ở một góc hẹp. Luật Bản quyền không chỉ đơn thuần là chuyện mua bán bản quyền, mà chính là ở việc bảo vệ và giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu và sử dụng các sản phẩm được Luật Bản quyền bảo vệ...." (Bài viết "Bản quyền văn hóa phẩm: Đối diện với khiếu kiện từ nước ngoài" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

"Hiện tại, hàng loạt di tích, thắng cảnh ở Lâm Đồng đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không có phương án cứu những điểm du lịch từng khá nổi tiếng, nhưng đang xuống cấp thì Lâm Đồng chắc chắn sẽ không còn mang danh tỉnh giàu có danh thắng quốc gia....Những năm qua, hầu hết 14 danh thắng này đã được giao cho các cá nhân và tập thể quản lý và khai thác kinh doanh du lịch, nhưng việc quản lý, khai thác, kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập cho nên các di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia này bị xuống cấp, có nơi còn bị xâm phạm nghiêm trọng..." (Bài viết "Đừng để danh thắng là "mì ăn liền" đăng trên báo Lao Động).

Đã giao cho để quản lý và khai thác kinh doanh du lịch thì còn đòi hỏi gì nữa? Đấy là điều tất yếu thôi.

"Ngày 6/6, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo Tây Sơn - Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Đây là lần thứ 5, hội thảo về Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Hội thảo lần này có 30 tác giả, đa số là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và 4 tác giả ở nước ngoài. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những nghiên cứu công phu từ 2 nguồn tư liệu chủ yếu, là thư tịch trong và ngoài nước. Bên cạnh là những nghiên cứu, khảo sát điền dã ở các địa bàn, địa danh gắn với phong trào Tây Sơn. Các nghiên cứu này đã đưa ra khá nhiều thông tin mới về cuộc đời của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung và thời kỳ Tây Sơn...." (Bài viết "Hội thảo về Tây Sơn - Nguyễn Huệ" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

Vui nhất là thông tin về cái chết của Hoàng đế Quang Trung của bác sỹ Bùi Minh Đức ở Hoa Kỳ sau khi khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là “huyễn vựng”, trong đó có nói đến cách điều trị của thái y, chăm sóc của Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi qua đời, ông đã tái lập một hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân có tên Nguyễn Huệ; giới tính: nam; chết ở tuổi: 39; nghề nghiệp: Chỉ huy quân đội, tác giả đưa ra giả thiết về cái chết của Hoàng đế Quang Trung là do: “Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc”.

"...Không diễn viên nào thay thế được vai trò người dân trong festival ở Huế... Tôi vẫn mong những kỳ festival sau chẳng cần phải quá dụng công tạo nên những chương trình lễ tốn kém, chẳng cần phải chen vào Huế những sân khấu biểu diễn, chẳng cần phải quá mất sức cho việc tổ chức, sắp xếp, dàn dựng lễ hội, hãy để Huế như thế, bình yên như thế, trầm lắng như thế, với những cánh diều ngày ngày vẫn bay, với những con đò chở nặng tiếng hò lặng trôi, với một làng nghề như thường ngày, với một hoàng thành ngày nào như cũng đang có thiết triều, đang có vua chúa, đang có mỹ nhân; với một đường phố, mảnh làng xưa cũ... chỉ cần thế thôi Huế sẽ mãi mãi là một thành phố festival. Đó sẽ là festival không ngày bế mạc”... (Bài viết "Festival Huế: Thường xuyên hay chiến dịch?" đăng trên báo Tiền Phong).

Với những gì đã viết ở trên thì tác giả chẳng hiểu gì về từ "Festival" cả. Tuy nhiên tớ lại hoàn toàn tán đồng những ý kiến ở trên: Huế không cần thiết phải là thành phố Festival để trở nên quá ầm ĩ và nhộn nhạo, việc làm đó không phù hợp với văn hoá Huế, tính cách Huế và con người Huế - sự trầm lắng, yên bình, thanh tao...Hãy để Huế vẫn cứ là Huế, chẳng cần trang son điểm phấn làm gì quá cầu kỳ mà càng làm mất đi bản sắc Huế.

"Lịch sử để lại cho chúng ta nhiều câu chuyện đẹp, nhiều dấu ấn đáng được nhắc mãi đến mai sau như: Truyền thuyết Loa thành cùng mối tình nhiều oan trái của Mỵ Châu - Trọng Thủy, nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên, những chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng, 3 lần nhà Trần quét sạch quân Nguyên ra khỏi Thăng Long... Không phải những đạo diễn, những nhà biên kịch họ không có ước mơ làm được những bộ phim lịch sử xứng tầm, để được người đời ngợi ca, mà vì nó như một “kho báu” nơi rừng sâu, muốn tìm được phải qua nhiều gian nan khổ ải, thiếu thốn trăm bề. Thiếu tư liệu, thiếu kinh nghiệm, thiếu trường quay, thiếu luôn cả đạo cụ và phục trang...Hiện tại, căn cứ vào những tư liệu lịch sử, hiện vật tìm được tại một số mộ chí cũng như nhiều tư liệu mà phương Tây còn ghi lại, chúng ta đã có thể đưa ra những cứ liệu chính xác về trang phục từ thế kỷ 18 cho tới nay. Tuy nhiên, việc xác định các triều đại muộn hơn như Lý - Trần - Mạc ăn vận ra sao, áo mũ cân đai thế nào thì kể như... bó tay. Cả chính sử lẫn dã sử không có lấy một dòng nhắc đến chuyện “thời trang” của vua, của quan, của dân thường chứ đừng nói đến chuyện tả tỉ mỉ từng trang phục ấy...người ta hoàn toàn có quyền tư duy và sáng tạo để mở một con đường mới khi phía trước không có đường để đi. Vậy nên, cần có những cái bắt tay thật chặt giữa nhà nghiên cứu lịch sử và nhà làm phim. Chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế những bộ trang phục dành cho triều Lý hay triều Trần dựa trên cứ liệu lịch sử, sự sáng tạo và tư duy logic. Bên cạnh đó là việc tuân thủ chặt chẽ những luật lệ về màu sắc, ví như: màu vàng chỉ dành cho vua, màu đỏ cho võ tướng, màu tía dành cho quan văn. Các nhà thiết kế trang phục cũng cần phân biệt thế nào là rồng Lý thế nào là rồng Trần, rồng Lê - Nguyễn ra làm sao....Hãy khuyến khích họ sáng tạo, duy chỉ có điều đừng “sáng tạo” đến mức... không thể chịu nổi. Không thể bắt những nhà làm phim phải chính xác khi tư liệu hết sức mịt mờ, chỉ có điều họ nên tiếp cận gần hơn với lịch sử. (Bài viết "Phục trang cho phim lịch sử: Không xứng tầm" đăng trên báo An ninh Thủ đô).

Theo tớ, ai cũng biết rằng khi làm phim lịch sử cần những trang phục nào thì cứ đặt mấy ông bà chuyên ngành lịch sử "sáng tạo" ra rồi sau đó hoạ sỹ thiết kế làm theo thôi, chuyện tranh cãi ở cái thời "cả chính sử lẫn dã sử không có lấy một dòng nhắc đến chuyện “thời trang” của vua, của quan, của dân thường chứ đừng nói đến chuyện tả tỉ mỉ từng trang phục ấy" là bình thường! Tuy nhiên vấn đề vẫn cứ là cái vòng luẩn quẩn: Không có tiền để đầu tư chiều sâu hay có tiền nhưng lại muốn làm cho "kịp tiến độ" chào mừng XYZ...

"Có người nói ngoa rằng “cơn bão” gameshow đang tấn công truyền hình Việt Nam, nhưng ngẫm lại thấy đúng, bởi sự đậm đặc của các gameshow bao giờ cũng kéo theo hàng chục phút quảng cáo tra tấn khán giả. Và, trớ trêu thay quảng cáo mới là mục đích cuối cùng các trò chơi. Điều oái ăm nhất là hầu hết các trò chơi truyền hình đều được phát sóng vào các giờ vàng. Có thể nói không ngày nào không có một trò chơi; không ở kênh này thì kênh khác. Nếu kể gọn trong ngày chủ nhật ở TP. HCM chẳng hạn, ngoài 4 trò của VTV3, còn có trò chơi ở các kênh HTV7 và HTV9, cả thảy tới 12 trò chơi trong một ngày; nhẩm tính trong một tuần khán giả TP. HCM và các tỉnh phía Nam phải “chịu trận” tới 42 trò chơi....Ai cũng biết các trò chơi truyền hình của ta đều “photo” hợp pháp các bản quyền nước ngoài nên đều có kết cấu hấp dẫn lôi cuốn người xem nhất là lớp khán giả trẻ. Hơn nữa, các gameshow đều được hình thành từ cặp đôi hợp tác về lợi ích doanh thu, công ty nào đó mua được bản quyền trò chơi, ngay lập tức họ mua giờ phát sóng của đài truyền hình. Điều áp chót là gì? Đó là sự ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận các lượng hàng quảng cáo do sự thu hút của trò chơi nhiều hay ít....Hình ảnh các gameshow tấn công truyền hình quả là lý thú. Dường như chúng biểu hiện sự kết hợp với ngón nghề kinh doanh rất rõ ràng. Thời buổi này ta có thể xem đó là chuyện tất yếu. Chúng có sức thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia trò chơi, tài trợ, quảng cáo. Hiện có nhiều công ty quảng cáo truyền thông hợp tác với các nhà đài thực hiện các trò chơi truyền hình, thậm chí có một số công ty nắm bản quyền từ ba đến bảy trò chơi. Nhưng điều quan trọng ở người xem là sự kén chọn nên các nhà đầu tư gameshow cần phải cạnh tranh hơn nữa trong quá trình thực hiện có sáng tạo từ các Format nước ngoài...." (Bài viết "Mệt nhoài" vì gameshow" đăng trên báo Sức khoẻ và Đời sống).

Nói cho ngay thì đây là phạm trù kinh doanh - văn hoá, thường thì chẳng bao giờ chúng đi liền với nhau cả. Nếu đã kinh doanh thì chỉ có kiếm tiền là trên hết, còn nếu làm văn hoá thì đừng có tập trung vào kiếm tiền. Chuyện game show trên các đài truyền hình là chuyện kinh doanh. Vấn đề là cái "tầm văn hoá" của những người được giao gác cửa ở Đài truyền hình mà thôi!

"...Tại sao sân khấu Việt Nam hiện nay thiếu những kịch bản hay và thừa những kịch bản dở? Tôi xin thêm vào một lý giải: là vì hiện nay, dù công nhận hay mặc nhận, người ta đang coi kịch bản sân khấu là một cái gì đó (tôi nhấn mạnh), chứ không phải một thể loại của văn học!...Thể hiện rõ nhất cho việc kịch bản sân khấu hiện đang không được xem là tác phẩm văn học nằm ở ngôn ngữ mà đa phần các tác giả sử dụng trong kịch của mình. "Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ dùng để diễn xướng trong không gian rộng của sân khấu, là ngôn ngữ có trù tính tới hiệu quả đối với công chúng, tức là dạng ngôn ngữ mang tính sân khấu. Sân khấu kịch cần đến những tình huống để nhân vật phát ngôn trước công chúng; từng lời từng câu đều cần được nhân vật kịch nói to, rõ ràng mạch lạc hơn so với tình thế được miêu tả; cần đến các biện pháp phóng đại kiểu sân khấu"...Thế nhưng, phổ biến trong kịch hiện nay là một thứ ngôn ngữ tiêu dùng của đời sống sinh hoạt hàng ngày, nó nôm na tới mức người đọc (và người xem) tưởng như tác giả cứ bệ nguyên nó từ đường phố vào trong kịch mà chẳng cần phủi đi chút bụi bặm bùn đất nào cả. Kịch, và kịch bản sân khấu đang không được xem là một thể loại của văn học. Rất có thể sự ứng xử này là một nguyên nhân góp phần đưa đến sự tuột dốc (không phanh?) của nền sân khấu Việt Nam hiện nay. Có khá nhiều chuyện cần phải làm để nâng cấp nền sân khấu này, nhưng thiết nghĩ, việc đầu tiên phải làm là vấn đề của nhận thức: kịch bản sân khấu là một thể loại văn học, cần hiểu nó là như vậy trước khi ai đó định viết một tác phẩm gọi là kịch! (Bài viết "Kịch có phải là một thể loại văn học" đăng trên báo An Ninh Thế Giới Cuối tháng).

1 nhận xét:

  1. Đầu tuần vui vẻ. Anh o�nh Festival Huế kĩ nhểy?

    Buồn cười nhất l� C�i chết của Sir Nguyễn Huệ. ;))

    Trả lờiXóa