Đọc bài Rate cut II trên blog của bác Lê Hồng Giang, vòng qua blog Cavenui mới chợt nhớ ra là mình còn nợ bác Cavenui một câu trả lời. Chuyên môn chính của mình thì chắc chắn không phải là kinh tế và cá nhân mình không phải là doanh nhân. Dù chưa hỏi doanh nhân nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và sắp tới nhưng mình đã được ngồi nói chuyện về tình hình kinh tế của Việt Nam với một (01) chuyên gia kinh tế có uy tín của Việt Nam và hiện ở Việt Nam. Ghi chép dưới đây là để trả nợ bác Cavenui:
Tình hình kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng rất xấu. Có thể ví kinh tế Việt Nam hiện nay giống như một căn bệnh trong xương tủy, đến lúc nào đó khi có điều kiện bên ngoài thích hợp thì sẽ bộc lộ hết ra. Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ đã được đưa ra với 3 vấn đề ưu tiên: tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Về cơ bản đó là những bước đi đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vấp phải 2 vấn đề rất lớn:
Thứ nhất là các chương trình tái cơ cấu trên được thực hiện quá gấp gáp. Từ cuối 2008, Thủ tướng đã giao cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì và dự thảo chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tháng 3/2009, dự thảo chương trình đã hoàn thành và nộp lên Bộ Kế hoạch Đầu tư để trình cho Chính phủ nhưng không nhận được phản hồi. Đến tháng 9/2011, chính phủ lại giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng điểm là đầu tư công; Giao cho Bộ Tài Chính cùng với Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước xây dựng Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng. Từ 03 đề án trên, Chính phủ sẽ tổng hợp thành một đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc Chính phủ giao cho các bộ, ngành trên xây dựng đề án tái cơ cấu đã sai về mặt nguyên tắc bởi sự xung đột trực tiếp về lợi ích.
Thứ hai là cả 3 đề án tái cơ cấu trên không có sự phối hợp với nhau. Ngân hàng, doanh nghiệp và đầu tư công là 3 đỉnh của một tam giác kinh tế nên liên hệ cực kỳ chặt chẽ với nhau. Nếu cải cách được Ngân hàng thì sẽ hỗ trợ lại cho đầu tư công và cũng sẽ hỗ trợ cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Khi nghiên cứu kỹ 3 đề án tái cơ cấu, các chuyên gia thấy 3 cách làm đi theo 3 hướng khác nhau. Do vậy, nếu không có một sự điều phối mạnh (trên thực tế đến giờ là chưa có) thì chắc chắn việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sẽ không đi đến đâu cả.
Đứng về góc độ cơ bản của kinh tế học thì căn bệnh của kinh tế Việt Nam đã ăn sâu vào trong xương tủy. Nhưng những công việc đề ra trong 3 đề án tái cơ cấu nếu làm tốt cũng mới chỉ giải quyết được bề nổi, chưa có phương án nào đi sâu giải quyết căn bệnh của nền kinh tế. Vì vậy, 3 đề án tái cấu trúc thực sự chỉ có một tác dụng nào đó và trong thời gian ngắn mà thôi. Chẳng hạn trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: giải pháp duy nhất mà đề án này đưa ra là cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Với cách làm như vậy thì căn bệnh của các Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nguyên và đó không phải là tái cơ cấu. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải làm thế nào để các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả.
Đó là những nội dung chính liên quan tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trong đề án đã không "động chạm" tới. Và nếu không giải quyết được những nội dung căn bản đó thì câu chuyện tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước sẽ không có hiệu quả thực sự. Một trong những biện pháp đáng lẽ ra cần phải làm từ rất lâu là niêm yết tất cả các doanh nghiệp Nhà nước trên thị trường đại chúng. Nhà nước vẫn sở hữu 100% nhưng các doanh nghiệp này phải được chuyển thành các công ty đại chúng và đặt các doanh nghiệp này trong một môi trường hoạt động công khai minh bạch. Đây chính là một trong những cơ chế giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tương tự như thế đối với đầu tư công và với cải cách hệ thống ngân hàng.
Một điều rất quan trọng là phân định cho rõ, phân biệt giữa triệu chứng và nguyên nhân cơ bản. Đọc báo sẽ thấy thông tin nói thanh khoản ngân hàng có vấn đề, những biểu hiện của nó như lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cao, hoặc là các ngân hàng không cho nhau vay, hoặc là sức ép để đẩy lãi suất lên ở thị trường tín dụng giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng với người tiêu dùng….Các dấu hiệu trên có thể diễn giải theo 2 cách: một là thuần túy chỉ là thiếu thanh khoản, hai là mất khả năng thanh toán. Nếu như thiếu thanh khoản thì chỉ cần hỗ trợ thanh khoản là hết bệnh. Còn mất khả năng thanh toán tức là về cơ bản kỹ thuật là phá sản rồi, tức là khi bán hết tất cả các tài sản cũng không đủ để trả các nghĩa vụ nợ. Khi mất khả năng thanh toán, các ngân hàng cũng phải đi vơ vét trên thị trường làm cho lãi suất lên, làm cho thị trường trở nên cạn kiệt thanh khoản, nên biểu hiện bề mặt giống như thiếu thanh khoản nhưng thực tế chính là không còn khả năng thanh toán. Với tình hình hiện nay thì các ngân hàng thực ra đã phá sản về mặt kỹ thuật hay là mất khả năng thanh toán nhiều hơn là thiếu thanh khoản. Nếu chỉ chẩn bệnh là thiếu thanh khoản sẽ kê đơn sai. Vì vậy, có thể nói các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện mới dừng ở bề mặt. Việc sát nhập một số ngân hàng hiện nay đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo cơ chế hành chính chứ không phải theo cơ chế thị trường. Khi Nhà nước đã tiến hành sát nhập, đã tham gia tiếp quản tức là Nhà nước sẽ lấy lại sở hữu và đứng ra giao cho một ngân hàng nào đó đứng ra tiếp quản coi như sở hữu nhà nước. Sau một thời gian tổ chức lại, thay đổi hệ thống quản trị và phương thức kinh doanh cho hiệu quả thì phải đưa lên đưa lên thị trường chứng khoán và bán cổ phần để lấy lại số tiền đã bỏ ra để đưa vào công quỹ mới đúng là cơ chế thị trường. Đó chính là hoạt động mua bán tài chính nhằm ổn định thị trường.
Thực tiễn ở Việt Nam đã có những kinh nghiệm để cải cách thành công với một ví dụ điển hình là lĩnh vực Viễn thông. Thời kỳ đầu tiên là sự độc quyền của VNPT (Vinaphone và Mobile phone) sau đó chỉ với sự tham gia thị trường của một công ty rất nhỏ như S Fone đã làm thay đổi thị trường bởi khi vào thì làm nóng lại thị trường, vì họ đưa ra những mức giá mà VNPT không thể nào mà định giá quá cao khi bán hàng nên đã tạo ra cạnh tranh. Hiện nay thị trường viễn thông cơ bản còn lại VNPT và Viettel, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có Beeline, có SPT, có GTel, có EVN Telecom, S Fone….Điều đó có nghĩa là vấn đề không thuần túy chỉ là sở hữu, hay vẫn là sở hữu 100% vốn Nhà nước nhưng mà cước viễn thông đã rẻ đi rất nhiều, chất lượng cao hơn rất nhiều, độ bao phủ rộng hơn rất nhiều. Nói cách khác, nếu như có áp lực cạnh tranh (ngay cả đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước) thì hoạt động kinh doanh mới thực sự có hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, tưởng là giống như lĩnh vực viễn thông nhưng về bản chất rất khác, đó là ngành điện. Hiện nay Petro Việt Nam chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng điện của cả nước trong đó chủ yếu là từ sản xuất điện khí. Nhưng EVN vẫn được giữ độc quyền hoàn toàn, độc quyền từ đường trục truyền tải điện cho đến khâu mua bán điện. Nếu bây giờ Nhà nước tạo ra sự cạnh tranh với nhau thì chắc chắn ngành điện Việt Nam sẽ phát triển hơn hiện nay rất nhiều. Mặc dù đã có đề án tách hệ thống sản xuất, truyền tải và kinh doanh điện nhưng tôi tin rằng cũng sẽ không đi đến đâu bởi trong đề án này thì Công ty mua bán và điều phối điện vẫn trực thuộc EVN. Tức là EVN vẫn là nơi quyết định mua điện của ai. Muốn thực sự tạo ra sự cạnh tranh thì Công ty mua bán điện phải độc lập, khi mà Công ty mua bán điện vẫn trực thuộc EVN thì chắc chắn Công ty này sẽ ưu tiên mua điện của EVN chứ không phải các doanh nghiệp sản xuất điện khác, chỉ khi nào rất thiếu mới mua của doanh nghiệp khác. Và như vậy thì hoàn toàn không có cạnh tranh lành mạnh.
Nhà nước thường nói các doanh nghiệp ngành điện, ngành than hay các doanh nghiệp Nhà nước chủ chốt khác đang hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng trên thực tế thì không như vậy, đó là kinh doanh độc quyền có điều tiết của Nhà nước. Và khi kinh doanh độc quyền có sự điều tiết của Nhà nước thì vấn đề quan trọng nhất là thông tin phải minh bạch, ít nhất là với cơ quan điều tiết, chứ không nhất thiết đối với tất cả người dân. Thứ 2, trong các khâu của hoạt động kinh doanh độc quyền ấy không phải khâu nào nhất thiết cũng phải nhà nước nắm giữ. Chẳng hạn một khâu quan trọng trong ngành điện như trục truyền tải quốc gia, việc có 02, 03 trục truyền tải thì sẽ rất lãng phí. Chỉ cần một trục truyền tải, nhưng 2 khâu còn lại là sản xuất điện và kinh doanh điện thì hoàn toàn có thể xã hội hóa. Thứ 3, phải có một cơ quan điều tiết độc lập chứ không thể gắn cơ quan điều tiết đó với nhóm lợi ích.
Một cách tổng quan nhất là không hy vọng vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam có thể được giải quyết bởi 3 chương trình tái cơ cấu này và sẽ vẫn không thể giải quyết được bởi không có một thủ lĩnh và một quyết tâm rất mạnh mẽ để giải quyết.
* update có bổ sung lúc 16h15. Title là do tớ tự đặt :)
chị phát hiện chú chả hiểu tí gì về tính thanh khoản của ngân hàng cả
Trả lờiXóaBeo