Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

BGK Vina Idol 2010

(entry này copy nguyên văn bên blog 5 xu)

Ban giám khảo lúc đầu có ba người. Từ sân khấu nhìn xuống bàn của ban giám khảo, từ trái qua phải: nhạc sỹ Quốc Trung, ca sỹ Siu Black, đạo diễn Quang Dũng.

Sau đó ban giám khảo được bổ sung nhà báo Diễm Quỳnh. Diễm Quỳnh ngồi giữa Siu Black, Quang Dũng và thường hay mặc váy.

Có mấy tuần thi, ca sỹ Siu bị đau chân. Ban giám khảo chỉ còn ba người: Quốc Trung – Diễm Quỳnh – Quang Dũng.

Tối thứ ba hằng tuần có một thí sinh bị loại. Thí sinh bị loại sẽ hát bài hát chia tay để Ban giám khảo xem xét và dùng quyền “save” để cứu. Ban giám khảo thường tắt micro, chụm đầu thì thầm bàn bạc khá lâu rồi quyết định không cứu ai cả.

Lần đầu tiên Diễm Quỳnh tham gia thì Siu nghỉ. Hai giám khảo còn lại là Quốc Trung, Quang Dũng xoay ghế chụm đầu vào …Diễm Quỳnh rồi cúi đầu thấp xuống …giữa và thì thầm bàn bạc khá lâu, khá gay gắt. Tưởng như Quốc Trung đang tra khảo Quang Dũng nhằm moi bí mật gì ghê gớm lắm. Diễm Quỳnh ngồi thẳng và đờ đẫn mỉm cười.

Rồi Quang Dũng ngẩng đầu lên. Quốc Trung ngẩng đầu lên.

Quốc Trung hỏi Quang Dũng giọng đầy hăm dọa: Khai không?
Quang Dũng: Hơi khai!
Diễm Quỳnh hơi đỏ mặt.

Quốc Trung (quay lên sân khấu, mặt rất quan trọng): chúng tôi chia tay em, em dừng cuộc chơi ở đây.

Các thí sinh ôm nhau khóc òa lên.

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Bong bóng

Truyện ngắn của VƯƠNG KIM THÀNH

1. Anh bất ngờ nhận được tin dữ từ bộ chủ quản: Việc chọn anh thay cho Tổng giám đốc Công Ty Hưng Thịnh chưa chắc đã thành. Tổ chức phân vân vì anh chưa có kinh nghiệm quản lý. Anh là cục phó chỉ phụ trách 3 người, trong khi công ty có đến 500 con người. Anh vẫn được nhìn như một công chức thuần tuý. Ở vị trí ấy, năng lực chuyên môn và khả năng kinh doanh của anh hoàn toàn chưa được thể hiện. Nỗi lo của những nhà tổ chức là có cơ sở. Liệu anh có đủ sức đảm đương gánh nặng mà tổng giám đốc cũ Hưng Thịnh bàn giao? Nghe nói việc anh có nhận chức hay không phụ thuộc rất lớn vào cuộc bỏ phiếu thăm dò tại văn phòng bộ.

Anh nhẹ người. Vậy là vẫn có cơ để cứu vãn. Không phải tổ chức không có lý nhưng làm sao biết anh đủ năng lực hay không khi nhiệm vụ chưa giao? Cờ vào tay ai, người ấy phất. Thời thế sẽ tạo anh hùng. Anh tự tin vào khả năng của mình. Trước khi anh chính thức được đưa vào danh sách tuyển chọn, nhiều người bạn khuyên anh: “yếu thì đừng ra gió”. Có người mạnh mồn hơn còn đe: Hưng Thịnh là đất dữ. Cậu muốn hạ cánh an toàn thì giữ chặt cái ghế Cục phó vào. Về Hưng Thịnh biết đâu cậu chẳng “thân bại danh liệt”. Nhưng anh sợ gì? Chiến tranh chết chóc còn chẳng doạ nổi ai, huống hồ làm kinh doanh. Anh được cử theo dõi các doanh nghiệp nhiều năm, trong đó có Hưng Thịnh làm ăn có hiệu quả. Nhưng không hiếm các doanh nghiệp, ôm khư khư bầu vú sữa bao cấp của nhà nước mà có lờ lãi bao nhiêu đâu? Có doanh nghiệp còn lỗ triền miên. Tiếp quản Hưng Thịnh là anh tiếp quản một cơ ngơi đã được trải thảm đỏ, có gì phải lo ngại?

Vậy thì phải đánh tan sự hoài nghi về năng lực quản lý của anh. Muốn thế, cần tạo ra một sự kiện để thu hút sự quan tâm của dư luận, mục tiêu chính là các quan chức trong Bộ. Với mối quan hệ với giới truyền thông anh dễ dàng tổ chức một bài báo phỏng vấn anh về một vấn đề kinh tế nóng. Dịp may trời cho, trong khi tìm cách khắc phục suy thoái, các chuyên gia lần đầu tiên đặt vấn đề tái cấu túc nền kinh tế đất nước. Cậu đệ tử của anh ở một tờ báo uy tín đã thuyết phục được Ban Biên tập. Cậu lập tức được anh mời thực hiện cuộc phỏng vấn. Mọi chi phí do anh lo. Cái danh nghĩa “chuyên gia kinh tế” mà bài báo phong cho anh cộng với nghệ thuật PR của nhà báo có tên tuổi, trên một tờ báo lớn đã làm lãnh đạo Bộ quan tâm. Cú đánh tỏ ra ép phê. Các nhà tổ chức dường như yên tâm hơn. Vấn đề còn lại là thuyết phục các thành viên khác trong cơ quan Bộ. Đã chắc chắn có một cục trưởng, hai cục phó khác và có thể là cả thứ trưởng ủng hộ anh. Các thành viên khác chắc không khó khăn nếu anh vận động hành lang tốt. Cần thiết, có thể chi phí tốn kém cũng được. Vợ anh, một người rất rành về vụ chạy chọt nơi quan trường bảo, người ta còn chi cả vài tỷ cho một chức danh. Chị bảo anh đừng lo tiền. Đây là một vụ phi đầu tư chắc chắn có lời và khuyên anh lập tức bay ra Hà Nội vận động.

2. Thật ra, anh vốn là người an phận thủ thường. Lên đến chức cục phó, tưởng không còn gì để ước mơ nữa. Có ước mơ cũng viển vông. Anh là cục phó phụ trách phía Nam, không còn đủ quỹ thời gian để tranh chức cục trưởng. Nhưng làm cục trưởng chắc gì đã hơn? Cục phó, tướng ngoài biên ải như anh không hẳn không danh giá. Nhiều doanh nghiệp trong cơ quan Bộ ở phía Nam rất nể trọng anh. Xuất hiện với tư cách long trọng viên ở các hội nghị. Nói vài câu trong lễ lạt. Tham gia cắt băng khánh thành. Đời sống kinh tế thì khỏi bàn. Vợ anh là chủ nhân mấy khách sạn kinh doanh hái ra tiền. Hai đứa con, một du học Pháp, một du học Mỹ. Nhìn lên tuy chưa thể bằng ai nhưng nhìn xuống chẳng mấy ai bằng mình. Có lúc anh đã tự nhận mình là người sung sướng.

Song ý thức tự thỏa mãn chỉ có khi không có cơ hội. Những dích dắc của cuộc đời như với cú va đập cực mạnh như những viên bida đã xáo trộn nếp suy nghĩ bình yên của anh. Việc Tổng giám đốc Hưng Thịnh nghỉ hưu và gợi ý của một quan chức “sao cậu không tranh cử” đã đánh thức khao khát tưởng đã chôn chặt tận đáy lòng anh. Nó như con sóng ăn chìm bất chợt sống dậy. Anh quyết định thử thời vận của mình bằng việc vận động một suất ứng viên. Chưa hẳn anh ham ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh. Cái chính là anh muốn chứng tỏ con người mình. Sao người ta làm được mà anh không làm được ? Anh có kém cạnh gì ai đâu. Vả lại, cũng phải đánh tiếng cho tổ chức biết, việc xếp anh chức cục phó là sai lầm khi anh có thể làm hơn thế. Anh chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Niu tơn. Ông nói gì nhỉ ? “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên”. Ai biết đâu, sự nghiệp cuối đời anh sẽ danh giá gấp bội so với phần đời nhạt nhẽo trước đó. Sẽ có những phút huy hoàng thực sự chứ không phải ngồi gặm nhấm thứ vinh dự hão huyền với cái chức cục phó hữu danh vô thực của anh. Điểm tựa ấy, rất có thể là cái ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh.

Ngay khi quyết định ra tranh cử, anh biết mình đã lựa chọn đúng. Anh phát hiện ra một khả năng chưa từng thấy ở trong con người mình. Hóa ra anh cũng có khả năng vận động, thuyết khách. Có thể là nhờ cái vẻ bề ngoài đĩnh đạc của anh. Có thể là ở cái bộ tóc chải bóng láng, đen mun trời cho: 57 tuổi mà chẳng thấy một sợi tóc bạc nào, không phải nhờ một sự can thiệp của thuốc nhuộm. Nhưng cái chính là nhờ khả năng, mà một ông “vua cửa sau” phải bái phục tài “lốp bi chính trị của anh”. Cũng không ai biết là còn cái gì khác hay không. Chỉ biết, sau nhiều lần, bàn bạc xem xét của cấp trên, người được đề cử duy nhất chỉ còn một mình anh. Khả năng ấy đã được phát huy hết mức trong cuộc vận động cuối cùng. Chẳng hiểu bằng tuyệt chiêu nào, anh đã thuyết phục được các cán bộ cốt cán cơ quan Bộ trong cuộc bỏ phiếu quyết định. Phần thưởng cuối cùng là xứng đáng. Anh trở thành Tổng giám đốc đời thứ 7 của công ty Hưng Thịnh.

3. Người xưa bảo “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Giàu vì bạn, với anh không biết có đúng không, nhưng sang vì vợ là chuyện ai cũng biết. Chị là bà chủ kinh doanh tài ba nhưng cũng là người vợ rất yêu thương chồng. Chị chăm lo cho anh từng ly từng tí. Nhưng có lẽ vì quá yêu nên chị quản lý chồng hơi chặt. Người ta đồn ngày nào đi làm về, chị cũng ngửi cổ áo chồng xem có mùi son phấn lạ không và kiểm tra cả túi áo, túi quần lẫn ví. “Đàn ông nhiều tật lắm. Có tiền trong túi dễ sinh hư” chị bảo thế. Khi có người hỏi, sao chị cho anh mỗi ngày vài chục ngàn, chị cười “tiêu vặt thôi. Nếu tiếp khách, ảnh chỉ cần gọi điện, em sẽ chi”. Nhưng anh chẳng bao giờ mời ai. Mà có mời, bố bảo bạn bè cũng chẳng dám đi. Không ai dám bảo đảm rằng, chuyện chủ chi của chị không gây khó cho cuộc sống gia đình anh. Chị là người nổi tiếng chặt chẽ về tiền bạc. Đó là lý do hồi còn làm cùng cơ quan, anh chẳng bao giờ biết lương mình bao nhiêu và đồng lương tròn méo thế nào.

Những chuyện như thế không làm anh buồn dù đã thành câu chuyện làm quà của bạn bè và nhân viên cơ quan. Anh là người vốn vô tư. Thậm chí tự nhận mình là hội trưởng hội sợ vợ. Anh sợ vợ mình chứ sợ vợ hàng xứ đâu. Anh bảo cả nhà anh gọi chị là gấu mẹ vĩ đại. Anh kể, có lần anh hỏi con: các con có biết chuyện người đẻ ra sư tử không? Bọn trẻ tròn mắt: bố chỉ bịa, làm gì có chuyện người đẻ ra sư tử? Ai bịa? Không tin bọn con đi hỏi bà ngoại xem. Bà đẻ ra không chỉ một mà đến mấy sư tử Hà Đông, trong đó có mẹ các con.

Đó chỉ là chuyện đùa cho vui. Nhưng có chuyện thật một trăm phân trăm. Mà chuyện ấy ai hỏi anh chỉ đỏ mặt cười. Không ra nhận cũng chẳng ra không. Đó là lần anh đi công tác Hà Nội dài ngày. Căn phòng khách sạn làm ăn liên thông với chị, được kiểm tra thường xuyên. Chị điện thoại cho anh một ngày mấy lần. Khi thì hỏi anh ăn uống ngủ ngê ra sao, khi thì nhắn nhe công việc mua sắm. Có một hôm chị gọi điện không theo quy luật. Lúc ấy có một cô gái tới thăm. Anh xin lỗi vào rửa mặt trong phòng tắm. Nghe tiếng chuông điện thoại reo, đang phân vân không biết có nên nhấc máy hay không, cô gái bỗng giật bắn người khi anh từ toa-lét lao vụt ra như một mũi tên. Trên người chỉ độc một chiếc quần đùi, giọng thều thào như người tắt thở: “Đừng nghe, đừng nghe. Chết rồi!”. Bạn bè bảo anh nể chị và chị là thần hộ mệnh của anh. Giang hồ còn đồn vống lên rằng chức cục phó của anh cũng một tay chị sắp xếp. Bây giờ là ghế Tổng giám đốc Hưng Thịnh. Không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời đồn đại ấy, nhưng những ngày ấy chị bay ra bay vào như con thoi giữa Hà Nội-Sài gòn. Biết đâu, trong phi vụ này, chị chẳng đóng vai trò kiến trúc sư ?

4. Cú ra chiêu ngoạn ngục của vợ chồng chị đã đem lại kết quả ngoài sức tưởng tượng. Vấn đề bây giờ là củng cố thành quả. Không thể ngồi gặm nhấm vinh quang. Giành được ghế đã khó, bảo vệ ghế sẽ khó hơn là thế. Chuyện làm ăn của Hưng Thịnh vẫn đi trong đường ray, không phải lo lắng gì. Anh chỉ không an tâm với việc quảng bá thương hiệu của công ty. Nhiều người khuyên anh đừng khuyếch trương. Họ bảo hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng anh không nghĩ danh tiếng chỉ nhắm vào chất lượng sản phẩm mà có được. Phải có nhiều phương thức đưa công ty vào những hoạt động được xã hội và dư luận quan tâm. Hoạt động từ thiện cũng là hoạt động có thể quảng bá thương hiệu.

Quyết định mua bức tranh 10 tỷ của anh làm xôn xao dư luận. Danh tiếng Hưng Thịnh bỗng nổi như cồn. Cũng có ý kiến ở công ty bàn ra tán vào. Nhưng bức tranh bán đấu giá công khai trong chương trình văn nghệ trên truyền hình nên không ai nói gì được. Chuyện lãng phí tiền bạc cũng không thể đặt ra. Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung là lý do tuyệt vời khóa mồm những người nhiều ý kiến. Bức tranh do họa sĩ ít trên tuổi vẽ, nhưng bù lại có chữ ký Thủ tướng. Bức tranh sau đó đã được treo trang trọng ở hội trường công ty, không chỉ thể hiện lòng hảo tâm mà minh chứng cho trách nhiệm xã hội một đơn vị kinh tế có tầm cỡ như Hưng Thịnh tiếp tục ủng hộ những phong trào xã hội khác.

Được lời như cởi tấm lòng. Anh đã có tấm vé thông hành để bước vào hành trình mạ vàng tên tuổi nhờ hoạt động phi sản xuất. Hình như con đường này có vẻ ngắn hơn, tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Ý nghĩ ấy củng cố quyết tâm của anh. Với sự môi giới của một người bạn, Tổng biên tập một tờ báo lớn, phối hợp với Hội Nhà văn, anh quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ sáng tác về đề tài chiến tranh”. Hôm ra mắt quỹ, báo chí đăng tin rùm beng. Vị tướng, tư lệnh quân khu đến dự đánh giá cao những ý tưởng của anh. Rằng đây không chỉ là hành động có ý nghĩa về văn hóa, góp phần kích thích một đề tài sáng tác đang bị lãng quên. Những hoạt động sau này chỉ là chuyện tự nhiên nhi nhiên. Trong đó có quyết định tài trợ cho cuộc thi “Bộ đội cụ Hồ”. Mà, khi trao giải cuộc thi, xuất hiện trên truyền hình, được hỏi vì sao Hưng Thịnh tài trợ cho một đề tài quan trọng nhưng ít người quan tâm, anh xúc động suýt muốn khóc. Anh bảo anh luôn nhớ công lao của những người lính, những người đã chiến đấu hết mình vì độc lập tự do. Anh tài trợ cuộc thi vì anh luôn cảm thấy mình còn món nợ chưa trả với những người nằm xuống.

5. Những chương trình xã hội liên tục có thiên hướng văn hóa không chỉ vinh danh Hưng Thịnh. Tên tuổi anh, Tổng giám đốc cũng thường xuyên được nhắc đến trên báo chí. Cậu đệ tử đã viết một bài báo, cao hứng gọi anh là “Tổng Giám đốc yêu văn học”. Cái tít báo đã thành danh. Nhưng anh đâu chỉ là người yêu văn học. Anh vốn là môn đệ của nàng thơ đã in 2 tập thơ ở hai nhà xuất bản mặc dù nó chìm nghỉm trên văn đàn. Bây giờ, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà văn, giấc mơ nghệ sĩ vốn nằm trong máu cứ lớn dần lên. Anh không dấu diếm là mình đã từng khát khao trở thành thi sĩ. Nhưng thơ lúc đó chỉ là thú vui nhàn tản những lúc trà dư tửu hậu. Trở thành nhà thơ là mơ ước bất khả thi. Còn bây giờ? Con đường trở thành “nhà” đang nằm trong tầm tay. Anh có công cụ trong tay. In tập thơ quá dễ, chỉ cần có tiền. Viết bài ủng hộ đăng trên các báo cũng không khó khăn. Anh đủ khả năng tổ chức một đêm thơ, có sự ủng hộ của giới truyền thông. Chỉ cần tranh thủ thêm tình cảm của các quan chức trong Hội. Tiền lệ đã có. Nhiều Tổng Giám đốc không nổi tiếng trong kinh doanh mà nổi tiếng trong văn chương. Bộ anh đã từng có một Thứ trưởng đã được kết nạp vào Hội nhà văn mấy năm trước. Tiếc là ông đã bị...

Cái thú văn chương oái ăm thay, đã làm tiêu ma bao nhiêu sự nghiệp, vẫn có sức quyến rũ như bị ma ám. Mới đây khát khao có cuốn sách để đời của một Tổng Giám đốc đã làm hại chính ông. Cuốn “Từ đứa trẻ chăn trâu thành Tổng Giám đốc” của ông trở thành trận cuồng phong thổi bay cái ghế tưởng vững như bàn thạch. Ông Thứ trưởng, hội viên Hội Nhà văn, vốn là một Tổng Giám đốc danh giá một thời cũng mất chức vì văn chương. Các cụ xưa bảo “lập thân tối hạ thị văn chương” liệu có liên quan gì đến các sự kiện đó? Nhưng anh không lập thân bằng văn chương. Với anh, văn chương chỉ là chức danh cộng thêm cho cuộc đời thêm sang trọng. Cái danh ấy, anh cũng không giành nó cho riêng mình. Hưng Thịnh sẽ danh giá hơn với những hoạt động văn hóa ít doanh nghiệp nào bì kịp. Chất lượng văn hóa Hưng Thịnh sẽ là đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của công ty. Nó sẽ nâng hoạt động của Hưng Thịnh lên một tầm cao mới, tầm cao của nhân văn. Đó chính là cái gốc của một nền sản xuất bền vững. Đấy cũng là lý do anh quyết định làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn. Cái ý nghĩa về một danh thiếp ghi Nhà thơ - Tổng Giám đốc làm anh sung sướng đến mụ cả người.

6. Con đường vào văn chương tưởng dễ ăn hóa ra cũng không kém chông gai. Có khi còn khó hơn việc anh vận động cho chức tổng giám đốc. Bốn lần xét đơn là bốn lần anh tất tả chạy ngược chạy xuôi mà cuối cùng chờ đợi ê chề trong thất vọng. Anh kinh ngạc vì hình như đây là một thế giới khác hẳn. Họ không giống giới quan chức hành chính mà anh quen. Trong quan trường, hứa như đinh đóng cột. Những cuộc vận động hành lang, vì vậy, dễ đoán định kết quả hơn. Còn ở đây, anh bất lực, chẳng bao giờ biết cánh nhà văn nghĩ gì. Những cuộc tiệc tùng sau thi của các ban giám khảo, có anh, đều rất vui vẻ, thân thiết nhưng không để lại một dấu ấn nào trong các cuộc bỏ phiếu. Hình như ở đây: câu có tiền mua tiên cũng được lại hóa câu tổng kết sai của người xưa. Không có những cuộc ký kết trên bàn nhậu như giới kinh tế. Khi anh đặt vấn đề, người ta gật gù và cười rất tươi, nhưng khi bỏ phiếu anh rớt vẫn hoàn rớt. Chưa lần nào tên anh vượt qua cuộc bỏ phiếu dù chỉ ở mức Hội đồng.

Nhưng anh còn làm gì được? Sách đã đưa ra hết trơn rồi còn đâu. Anh uất đến nghẹn lòng khi nghe thiên hạ đồn rầm, hội đồng không bỏ phiếu vì bảo thơ con cóc. Mọi nỗ lực của anh vận động đăng bài quảng bá trên báo, tổ chức đêm thơ hoành tráng và lập quỹ “hỗ trợ sáng tác đề tài chiến tranh” hóa ra là công toi. Vậy phải ra chiêu gì? Hay như câu nói đùa của một anh bạn: Cậu phải kiên trì, học thuộc câu thơ “Chầm chậm đến mình” của Trúc Thông. Trời chắc không phụ người có công. Không lẽ cách duy nhất, như mọi người nói, là mỏi mòn chờ đợi một phép màu?

Khổ nỗi anh không quen há miệng chờ sung. Anh lần tìm hiểu quy trình xét kết nạp hội viên của Hội nhà văn. Hóa ra bỏ phiếu không chỉ khó ở cấp Ban Chấp hành. Vượt qua cấp hội đồng mới là chuyện nan giải và Ban Chấp hành có muốn cũng chẳng cách gì can thiệp được. Ở đây, mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một gu thẩm mỹ riêng không giống ai. Tác động được người này, chưa chắc đã tác động được người kia. Họ cũng chẳng quan tâm đến việc các nhà báo phê bình hay tán dương. Họ luôn có quan điểm nhận định riêng của mình. Họ thích những đột phá sáng tạo. Đó chính là trở ngại lớn nhất của những cây bút không chuyên như anh. Cuối cùng anh đành tìm đến một mẹo vặt mà một bậc đàn anh truyền cho. Anh muối mặt tìm gặp từng vị trong hội đồng: Tôi thì chắc không đủ phiếu rồi. Nhưng xin anh thương bỏ cho một phiếu danh dự để đỡ tủi thân. Mẹo vặt ấy đã lừa được các vị trong hội đồng, đem lại thành công cho bậc đàn anh. Còn với anh? Chết đuối đành bám cọng rơm thôi. Chỉ mong là cọng rơm mỏng manh sẽ không chìm.

*
* *
Thông tin về kết quả bỏ phiếu được chuyển tới lúc anh đang họp Ban Tổng giám đốc. Ai biết đâu chuyện làm ăn của Hưng Thịnh đang ngon trớn là thế bỗng đi xuống một cách bất ngờ. Vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế? hay vì anh quá mải mê chạy theo việc đánh bóng thương hiệu, bỏ bê chuyện kinh doanh? Cũng có thể là cả hai. Đó là cú đòn đau đầu tiên mà anh phải nếm trải từ sau khi nhận chức Tổng Giám đốc. Nhưng làm ăn là chuyện lâu dài, còn rất nhiều cơ hội để sửa sai. Kết quả bỏ phiếu ở hội đồng thơ mới là đòn choáng váng thực sự. Anh bỗng cảm thấy không gian ngột ngạt như không còn không khí để thở. Trước sự ngơ ngác của cả Ban Tổng giam đốc, Anh hấp tấp đứng dậy mở cửa bước ra sân.

Sự thật không thể tin được. Hơn 600 đơn xin vào hội, các hội đồng chọn được 131, chuyển lên chấp Ban chấp hành. Hội đồng thơ chọn 39 người nhưng không có anh. Nghe nói cái mẹo vặt của anh đã bị các thành viên hội đồng phát hiện. Họ đồng loạt gạch tên anh. Số phận bọt bèo của lá đơn đã được quyết định. Anh thẫn thờ ngồi ngấm nháp cái vị đắng chát của thất vọng và rùng mình khi nghĩ rằng cánh cửa của Hội nhà văn, không chỉ đóng lại mà có thể sẽ vĩnh viễn đóng lại. Anh bước đi như người mất hồn, có cảm giác mình đang bước vào một không vô tận và trống rỗng.

Ngoài đường, trời Sài Gòn đang mưa.

(Nguồn: Tạp chí Thế giới PR)

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

THƯ MỘT NGƯỜI GỬI MỘT CHỦ BLOG

(Bài này lấy trên Note của trang Facebook của bà Phan Cầm)

Nhân thấy chuyện một entry mà thấy làm ông bác lo buồn biện bạch nhiều quá, cũng thấy nên nói dăm lời. Về cái Blog ấy mà, tôi thì nghĩ nó khác với các trang Web do một người/một nhóm người lập ra chủ trương tạo một diễn đàn có tôn chỉ mục đích cao siêu về chính trị, xã hội hay trao đổi học thuật. Đã gọi là một dạng nhật ký cá nhân thôi thì chính là viết để thỏa mãn mình. Ngày xưa chưa có mạng miếc gì, viết nhật ký vào cuốn sổ tay cho riêng mình, sống để cạnh, chết chôn/thiêu theo. Cùng lắm cuối đời cho vợ đọc để biết chồng mẹ mày là thằng thế nào; cho con đọc để biết bố chúng mày là ông ra sao. Ngày nay có thể tùy nghi quyết định ai là người được vào đọc/viết bình luận: private, friends of friends, friends, public. Đã chọn public rồi thì ráng chịu hệ lụy việc ai cũng có thể vào đọc và bình luận. Đời thì chín người mười ý, chiều sao cho khắp được. Mà người làm vừa lòng tất thảy thì cũng là người chẳng ra gì.

Vậy Blog của bác là “nhà” bác. Bác có thể đóng cửa trò chuyện một mình, có thể cho một số bạn thân chìa khóa riêng, có thể mở cửa suốt đêm ngày cho ai vào chơi cũng được. Ở đây, người ta nói chuyện hoặc nghe người khác nói chuyện. Ở cái nhà ấy chủ khách nói chuyện tay đôi, tay ba, tay tư…Tùy! Khách nói chuyện với nhau, hợp nhau rủ nhau đi sang nhà nhau chơi, quên luôn nhà bác. Ở nhà bác, trò chuyện với nhau thấy khoái thì off, kết bạn thật, đi nhậu chơi.

Tôi hay la cà, thấy nhà ai mở cửa, có tiếng ồn ào thì ngó vào nghe chơi, thỉnh thoảng thôi, ngứa miệng nói một câu vô thưởng vô phạt chẳng chết ai. Lang thang gần giáp vòng mới thấy nếu viết nên xác định rõ mục tiêu: viết để tự giải tỏa mình hay tìm kiếm sự chia sẻ ngoài xã hội, mong kết giao thêm bạn bè hoặc tất cả các mục tiêu trên (nghe giống Game show). Thấy bác có vẻ quảng giao, chắc tham lam quan hệ bạn bè. Vậy là vất vả đấy. Vì bác phải làm chủ được ngôi nhà đông khách. Kể chuyện cho người ta nghe, khởi xướng đề tài câu chuyện, đối đáp với nhiều người, đào sâu chuyện riêng, hư cấu tí tỉnh… Rất mất thời gian. (Bọ Lập xưa kia viết ào ào một hồi rồi tá hỏa vì mất nhiều thời gian quá, đành khất một entry/tuần, nay thấy đi mượn cũng nhiều nhiều). Ai cũng vậy thôi, sa vào cái chuyện viết lách là nó phiền ở mấy cái: phải có vốn sống, trải nghiệm, phông nền văn hóa, có sức đọc, sức nghĩ và sức viết. Có sức rồi lại phải có tài viết sao cho hay, cho duyên, có thủ thuật làm nhựa dính chân người đọc (nếu đó là mục đích). Cái tài này do năng khiếu và tập luyện nhiều viết mới lên chân (quên, tay). Kiến thức rất quan trọng nhưng Blog không phải là cái kênh để khoe khoang và phổ biến kiến thức. Kiến thức là phương tiện thôi. Người đọc muốn hơn là tìm thấy một góc nhìn mới, một cách nghĩ, cách cảm mới làm họ suy nghĩ và xúc cảm. Bác mong mình được nhẹ nhàng hơn, vui hơn thì dễ chứ mong lấy được tiếng khóc câu cười của người đời thì e rằng khó (trừ khi bác gặp người động tí là khóc, là cười!).

Vậy nên mới thấy có nhiều blog đầu tiên vui như hội, sau nhạt dần. Có cái hóa nhảm nhí và sống lay lắt, có cái chết hẳn vì chủ nhà mệt mỏi, cạn kiệt, chán chường. Tủ sách trong nhà sẽ đỡ bụi bám, Google ta lướt nhanh như gió, ta năng lượm lặt câu hay, ý lạ trong blog bạn bè, ngoài quán nhậu vỉa hè, ta đào bới bản thân đến xác xơ ra…rồi cũng đến hồi kết, khi ta thấy ta cũng chán chết!

Xác định vậy rồi thì sợ quái gì, cứ vui. Mệt mỏi, ta đóng cửa quán, đi làm việc, đi chơi. Mình có lấy sự viết lách để mưu sinh đâu mà lo. Nó là thú vui thôi, không phải nghề thì cũng chẳng sợ có lúc duyên nghiệp bẽ bàng.

Tôi lang thang trên mạng, thấy có cái cô kia viết blog hay phết. Văn thơ rì rào róc rách đào nguyên mỗi ngày, tao nhân mặc khách túm năm tụm ba hít hà khen tụng lẫn nhau, sướng nấc lên. Đến một ngày, có một thằng mả mẹ nào đó làm một cái blog giả y chang, nói lung tung xà bần. Chủ nhà (thật) tức quá trách móc mắng mỏ. Bạn bè xúm lại bênh vực, xỉ vả thằng khốn nạn kia. Có chú rắp tâm rủ thằng “ngụy” này offline nhậu để giáo dục vì cho rằng thằng này có ẩn ức gì nên thái nhân cách. Có chú hung hơn, gạ offline đánh nhau cho thỏa chí Lục Vân Tiên. Cha chả! Rồi cũng êm êm. Cô chủ này ngộ ghê, kể cả nhiều lúc không có Entry nào nhưng vẫn đều đặn mỗi ngày thổi ra một cái blast bong bóng là câu thơ, câu văn rất hay ho và bí hiểm (Lúc là của mình lúc của người khác để nguyên hoặc modified cho nó nhộn). Toàn những lời có cánh cả! Thế là nhân dân ta lao vào comment búa lua xua. Làm tao đàn nguyên súy thích ơi là thích! Thơ con cóc thi triển vang lừng hẻm núi. Riết rồi cũng thấy nhàm, nhạt dần đi. Nàng ấy nói hồi đầu mỗi ngày nướng 6 giờ vào cái blog yêu quý như ma túy này, sau bận quá hạ quyết tâm mỗi ngày không quá 60 phút. Thế là đúng chứ cứ vậy hoài không làm ăn gì cả có mà bốc cám (chưa chồng mà). Entries nàng viết có cái hay, có cái cảm giác như vừa viết vừa ngáp ngái ngủ. Đấy, bác bảo cứ thế thì biết “nàm xao bi giờ”?

Tôi xui bác thế này: không cần tuyên ngôn to tát gì, bác cứ điềm tĩnh mà viết, viết chậm rãi. Hứng mới viết, không hứng thì thôi, đừng viết như trả nợ lại tạo áp lực cho mình. Nghe khen thì ai chả thích nhưng đừng thích quá, đê mê ngủ gật. Si-rô, nước mía xã hội tuy ngọt nhưng uống nhiều dễ đau bụng. Mà đừng tham rộng, nên viết sâu cái sở trường, cái tâm đắc nó mới thỏa chí mình và lôi cuốn được người ta. Đừng giải thích ý tôi thế này, tình tôi thế kia. Tình hay ý nó bốc hơi, tỏa hương lên từ bài viết, câu văn. Đừng có loạng quang sang cái xứ “sở đoản” mà đâm hỏng việc, hỏng hình ảnh của mình. Chữ nghĩa nó có mắt, lại giết được người. Chết dưới tay (hoặc dưới chân, tùy) các nàng thì chả sao cái đời trai, chứ chết dưới chữ thì băn khoăn oan gia lắm, bác ơi!


Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

C.I.A. VÀ CÁC NHÀ TRI THỨC (tiếp)

Đối với phe đối nghịch-ta hãy tạm gọi là cánh Hữu như vậy, với tất cả những gì dè dặt cần thiết-những quan điểm trên, tử tế nhất có vẻ ấu trĩ và giả nhân giả nghĩa, dựa trên một sự hiểu biết quá ngây thơ về bản chất con người, không đếm xỉa tới những sự kiện khó khăn của đời sống thực tiễn và thế lực chính trị. Mà tệ hơn cả, thì những quan điểm đó có mùi âm mưu khuynh đảo phá hoại, có lẽ có mùi cách mạng nữa, và như thế cũng rất có thể khoác cái tình chất dân chủ cấp tiến Jacobin lãng mạn, mà hình thức mới nhất lẽ cố nhiên là chủ nghĩa Stalin. Lại cũng đối với cánh Hữu, thì trong hệ thống Mỹ có những khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng nó không phải là những vấn đề có thực chất-những vấn đề trong phạm vi ý chí của quốc dân, ấy là nói như vậy-mà là những vấn đề lệch lạc kỹ thuật mà thôi. Đây chỉ là vấn đề thu thập những thống kê đúng, tìm ra và xử dụng những cần-điều-khiển đúng để cho bộ máy có thể điều hành trơn tru êm ái, các vòm trời thanh quang trở lại, các giòng nước tươi mát hơn, và một ngày nào đó một ông da đên có thể trở thành Chủ tịch Công ty điện thoại, và Điện tín Mỹ AT&T.

Trong khi chờ đợi thì vấn đề lớn, thiên hạ cho ta hay, không nằm trong ý muốn của quốc gia mà ở trong tim óc của người châu Á và châu Phi, tức là những người cần phải được cứu vớt khỏi chủ nghĩa Cộng sản và như thế khỏ lỡ dịp mua sắm và sinh sống trong cái trung tâm thương mại vĩ đại mà Mỹ quốc đương xây dựng cho thế giới-mặc dầu làm thế nào họ có khả năng trả giá được thật quá khó hiểu. Đối với cánh Hữu, thì bóng ma của Stalin dầu đã thành tro tàn trong nấm mồ tăm tối, vẫn còn sống động hơn cả cái bạt mạng ngày một kiêu căng phách lối và lớn rộng thêm mãi, bằng xương bằng thịt, của nước Mỹ và cái chủ trương bành trướng, tức là chủ trương theo quan điểm bình thường của con người, vào đầu những năm 60, đã đi đến chỗ có vẻ như cưỡng chế, bị ám ảnh, điên khùng và bắt đầu làm cho không phải chỉ một số lớn người Mỹ, nhất là những người trẻ, mà còn hằng hà sa số những người khác trên thế giới nữa, phải ghê tởm.

Thất vọng với những người bạnh lầm lạc cánh Hữu này đôi khi người ta hình dung một bức họa về những lý do thầm kín thúc đẩy họ, trong bức tranh ấy, đối với những người này, cài biến cố tột điểm trong lịch sử Mỹ quốc, cải chứng cớ hiển nhiêm của Ý Trời, cái biện minh đầy đủ cho tội lỗi cha ông họ, chính là cái bước hiển đạt của họ, từ những vỉa hè Nữu-ước và Chicago, tới những vị trí thâu dụng trong những đại học được kính trọng, tới những ghế diễn giảng lừng lẫy và những lời mời dự tiệc và khiêu vũ tại Tòa Nhà trắng. Thật là dễ hiểu tại sao từ đó lại thoát ra cái niềm tin tưởng sắt đá rằng bất cứ một toan tính nhừmg thay đổi hoặc phê bình hệ thống Mỹ một cách triệt để nào đều liên kết với những sức mạnh đen tối. Và bới đó mới có được cái “chónh nghĩa” trong một cuộc thánh chiến chống những tay Anabaptist (4) và những kẻ lãng mạn khác của cánh Tả, và có cái nghĩa lý trng lời rêu rao rằng mọi ý thức hệ đối nghịch là vô nghĩa, rằng rốt cuộc ý thức hệ đã nhường chỗ cho sự thật.

Tôi thường hết sức ngạc nhiên và thắc mắc không hiểu tại sao những người bạn của tôi bên cánh Hữu, những người có lập trường như thế, lại không nhìn nhận, và bởi đó chắc chắn đã không cảm thấy, cái phân tích giữa ý thức riêng tư của họ về trật tự với sự hỗn loạn và xấ xa kệch cỡm to lớn của đời sồng Mỹ, cái phân tích đã khiến ta phải hãi hùng ghê rợn và dễ dàng hiểu được Tổng thống Jefferson đã phải run sợ cho quê hương ông như thế nòa khi ông coi Thượng đế là công chính. Có thể nào sự phân biệt mà tôi đương cố gắng vạch ra giữa những nét hí họa đối nghịch về phe Tả cũng như phe Hữu này rốt cuộc lại không phải là một vấn đề nguyên tắc mà chỉ là một lối cảm kích được sao? Phải chăng đó là một nhược điểm trong tôi khi tôi quá dễ phẫn nội vì những cái lỗi hoàn toàn có thể sữa chữa được trên thế giới này nếu tôi biết kiên nhẫn? Tự mãn trước những lỗi lầm mà chúng ta đã phải sống với khá lâu phải chăng là cái yếu kém của họ? Đây là câu hỏi tiểu tiết không đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn lại cái độc ác của chủ trương Stalin kia, cái chủ trương dường như đã bào chữa cho chủ nghĩa McCarthy, và vẫn còn cuộc chiến tranh ở Á-Châu, cuộc chiến tranh mà một người bạn tôi đã từng bênh vực với lập luận rằng đây là cách thế duy nhất để cứu vớt các bạn tri thức của chúng ta ở Bombay và Delhi, nếu không chắc chắn họ sẽ bị thanh trừng trong một cuộc xâm lăng ào ạt của Cộng sản. Thế nhưng chưa có ai động tới bất cứ một người trí thức Ấn độ nào mà tôi được biết và hiện chúng ta vẫn tiếp tục sát hại biết bao gia đình VN. Có lẽ đây cũng là một vấn đề cảm kích, nhưng nếu quả thế thì tất cả mọi vấn đề khác cũng đều như vậy mà thôi.

Thế nhưng, nói gì về CIA và cái chuyến tầu biệt đãi ngay lúc này đây đương tiếp nhận một số hành khách và bỏ lại một số khác đây. Lúc này hẳn đã rõ là dầu vai trò của CIA có là gì đi nữa, đó nhất định chẳng phải là vai trò của chính phạm cho bằng vai trò của một kẻ tòng phạm, xét theo sự kiện xảy ra. Phe Hữu mà tôi đã cố gắng mô tả không cần bị mua chuộc. Nó chỉ cần người ta hỗ trợ nó trong cái mà nó tin tưởng chắc chắn là một công cuộc đạo đức và cần thiết kia. Việc nó có thể du lịch đây đó một cách xa hoa hào phóng trong lúc bênh vực quyền lợi của loài người là một việc có càng tốt, thế nhưng nếu phải hoạt động từ một hầm rượu ở đường Bleecker đi nữa, những tay Hữu phái ấy chắc chắn cũng vẫn tiếp tục những tin tưởng sắt đá kia. Mà hay là thôi, không tiếp tục nữa? Không lẽ, với chứng cớ là tất cả những chiếc xe hòm bóng lộn của nhà nước, những ghế diễn giảng, những khoảng tài trợ và bao nhiêu món chi phí khác, mà lại chẳng có lấy một ông nào tin tưởng rằng cái lựa chọn của mình là đúng, đúng theo nghĩa tiền định của Calvin hay sao?

Không phải sự thành công trong xã hội này là một điều khá thẳng thắn và còn là dấu hiệu của một sự hòa hợp lớn hơn giữa mình, dân tộc và vũ trụ như một toàn thể đó sao? Có một thứ tự mãn nào đó phát sinh từ việc thành đạt hoặc nếu không cũng tà việc đã có được những dấu hiệu thành công mà, theo chỗ tôi đoán, cả đến thánh Francois, Thoreau hoặc Allen Ginsberg tự thâm tâm cũng không thể hòan toàn tránh khỏi. Tuy nhiên, chắc chắn là có những kẻ dễ bị ảnh hưởng vì sự lừa phỉnh do những của cải và vinh dự trần thế đem lại hơn những người khác, và bởi đó những kẻ ấy sẽ cãi rằng cái xã hội cung cấp cho họ những thức đó nhất định phải là một xã hội công bằng và hơn nữa nếu thế giới chịu khó kiên nhẫn và xử sự cho đúng cách thì những cái lợi kia sẽ tràn lan khắp cả, đó chỉ là vấn đề thời gian mà thội... Bởi đó không lạ gì chính những người bạn tin theo như vậy của tôi là những người được CIA và các cơ quan cộng tác với nó hỗ trợ mạn mẽ nhất và nhiều khi họ cũng không biết chắc là sự hỗ trợ từ đâu mà tới nữa. Cố nhiên nói như vậy là diễn tả một cách quá sống sượng và có lẽ sẽ không công bằng lắm. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là Allen Ginsberg đã bỏ tiền túi đi Ấn độ, Phiip Rahv và Irving Howe, ấy chỉ kể tên hai người, không có đi đâu bao giờ, và CIA, Quỹ Ford, Bộ Ngoại giao chẳng có chỗ nào hỗ trợ những cuộc biểu dương ở Berkeley cả. Chỉ có những tay all rightniks (O.K., O.K...), ấy là dùng một từ ngữ mà các nhà trí thức của những năm 50 ưa dùng, mới lãnh phần lớn những vụ du lịch mắc tiền thôi.

Nói cách khác, có một sự chia sẻ quyền lợi và tin tưởng thật sự giữa những kẻ bao thầu chính sách đối ngoại chiến tranh lạnh của Mỹ và những người trí thức, cứ nói trắng ngay ra, được thêu mướn để thi hành những công tác thường thường, rút cuộc, lại là một hình thức giao tế hỗ trợ những chính sách chiến tranh lạnh của Mỹ.

Việc có thể có sự ngay tình về phía một số lao công và mưu mô gian xảo do cảm hứng ái quốc về phía các chủ nhân ông của bọn họ lại là một việc khác. Chắc chắn là có nhiều nhà trí thức, nhiều nhà văn, nhiều học giả, nhất là trong số những người châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh không có ý niệm gì về việc họ đương lao vào, những dẫu sao họ cũng dễ xiêu lòng trước sự mê hoặc của tiền Mỹ như bất cứ ai trên trái đất này, nhất là từ những khu vực giới hạn nghèo khổ. Mặc dầu có nhiều người trong số này chắc chắn đã bối rối buồn phiền khi biết được rằng tiền bạc tài trợ kia là của CIA chứ không phải là của những nguồn gốc có vẻ hợp pháp nọ, nhưng có lẽ cũng có những kẻ khác lý luận rằng một đô-la là một đô-la, từ đâu tới mặc kệ. Việc những vấn nạn như vậy không bật ra, ít nhất là trong những năm 50, nhất định có liên quan tới sự kiện là chỉ có một dúm nhỏ những người được trực tiếp dính với bộ máy bí mật kia và bởi đó mới có thể biết rõ ngọn nguồn thật sự của các ngân khoản. Thêm nữa, có nhiều dự án được tài trợ bởi Tổ hợp-tức là chỗ cấu kết nửa kín nửa hở của những Quỹ tài trợ hợp pháp, cơ quan gián điệp CIA và Bộ Ngoại giao-khá đặc biệt và có ích, dù do ai bảo trợ, bởi thế mà người ta không muốn thấy những dự án ấy bị hủy bỏ mặc dù đã có những tiếng đồn ngày càng lan rộng. Không phải là vì việc duy trì các tạp chí, các buổi hội thảo, các vũ đoàn vũ khuc.. là quan trọng mà thôi, mà còn vì, ít ra là trong những năm 50, người ta cũng đã có thể lý luận rằng quyền lợi Mỹ lúc ấy không đáng – hoặc có vẻ như không đảng – đặt thành vấn đề như từ bấy đến nay.

*

Tuy vậy, cũng với những năm 60, đã nẩy nở một nỗi bất an khó chịu mạnh mẽ và, với cuộc chiến ở VN ngày càng dã man, tàn bạo, một sự tởm gớm tăng thêm mãi. Đúng những tạp chí ở nước ngoài mà tổ hợp tiếp tục tài trợ, lúc này phần chính yếu là qua những cơ quan công khai, vẫn còn những lúc lừng lẫy, đặc biệt là trong những phân văn nghệ. (1) Tuy nhiên người ta thất vọng khi nhơ tới, trên những trang chính trị của các tờ báo ấy, có quá nhiều tiếng thở dài não nuột về tình hình ở Ba-lan va quá ít điều nói về những chế độ tài được Mỹ ủng hộ ở chây Mỹ La-tinh, hoặc về vấn đề người da đen, hoặc những lời phản kháng trên khắp thế giới và cuộc chiến tranh của chúng ta ở VN. Sự thật buồn thảm là cái ngạch trí thức được đặt vào những vị thế cao trong báo giới và các lãnh vực văn hóa khác một cách độc đoán bằng phương tiện tài trợ của Mỹ, không bao giờ, do kết quả của sự bảo trợ này, được hoàn toàn tự do. Những cái giới hạn những người trí thức đó không phải là một cái đơn giản như sự cưỡng bách, mặc dầu có thể có sự cưỡng bách ở một vài cấp nào đó, mà một cái gì hơn thế nữa giống như những mối liên hệ không tài nào tránh được giữa ông chủ và kẻ làm công, trong đõ những ước muốn của người trước tàng ản trong những hành động của kẻ sau.

Lại nói về các chủ nhân ông –tức là những kẻ trực thuộc bộ máy bí mật kia – có nhiều người có lẽ cũng không tệ gì hơn mấy tay đầy tham vọng, nếu không đáng khen thì cũng dễ hiểu, đã ưng lựa cái công việc phiêu lưu đó hơn những cơ hội ở đại học hoặc thương trường đương chờ đợi họ trong một nền kinh tế bình thường của thế giới không kiềm tỏa. Những lý do thúc đầy những tay trong, khác rất có thể là lý tưởng hơn, mặc dù hồi tưởng lại quá khức, ta hẳn phải đau đớn lắm khi chiêm ngưỡng cái ngay thật trong trắng đã tưng có thể hỗ trợ cho cái thứ lý tưởng như vậy. Thế nhưng, dầu cho những lý do thúc đẩy họ là gì đi nữa, cách thể xử sự của họ đã gây ra một thứ hiệu quả nó ăn sâu hơn cả cái ngả nghiêng của những điều cam kết có tính cách chính trị của họ. Khi gia nhập bộ máy bí mật, những tay trong này không còn để cho mình được lựa chọn gì khác hơn là nói dối các đồng nghiệp – bạn bè họ - về những vấn đề hết sức quan hệ tới cá nhân mình, ấy là: Ai thêu tôi và quyền lợi của kẻ đó là gì? Và như thế, những tổ chức mạnh dạn phụng sự cho tự do văn hóa và theo đuổi sự thật đã xây dựng trên những lời dối trá. Muốn hiểu cái bi thảm của tình cảnh này ta cần phải nhớ lại những ngày của các trận Cộng sản và cái không khí bội phản của chúng, trong đó các quyền lợi của bộ máy thường xuyên thay thế cho cái tình liên đới giữa cá nhân, cái hồn nhiên thẳng thắn giản dị, và cái danh dự thông thường. Đối với một số những kẻ làm công này, việc khám phá ra rằng xưa rầy mình đã làm việc cho CIA, đã bị chúng bạn và đồng nghiệp nói dốivà do đó đã bị chúng gạt đền chỗ đánh lừa người khác, hẳn là thật sự không sao chịu nổi, nhất là đối với những kẻ có thể đã có những kinh nghiệm tương tự một thế hệ trước liên hệ tới chủ nghĩa Cộng sản.

Vào những năm 60 thì phần lớn những kẻ thụ hưởng của tổ hợp đã nghi ngờ, nếu không nhất thiết là đã nhìn nhận với chính mình, rằng những tay chủ ngân hàng và luật gia, những tay Dulles va McCloy và bọn đại diện họ, tức là những kẻ đã dựng nên và điều hành tổ hợp, không hành động vì lòng yêu mến trí thức một cách vô vị lợi và những quan điểm thẩm mỹ sâu xa thúc đẩy: thay vì thế họ chỉ quan tâm đến việc bảo vệ và bành trướng thế lực Mỹ. Rốt cuộc người ta thấy rõ là các nhà trí thức đã trả một cái giá quá dở, và không bao giờ có thể làm lợi cho nghệ thuật hoặc văn chương, bất cứ thứ tư tưởng đứng đắn nào hoặc ngay cho chính nhân laọi nữa khi phục vụ cho ý muốn của bất cứ quốc gia nào. Nhiều người trong số đó lúc này đã bắt đầu thu xếp cho mình những công việc khác. Đa số có lẽ đã ra đi vào lúc mà CIA thi hành cái đề nghị mới đây là từ rầy sắp tới nó sẽ công khai tiếp tục các chương trình văn hóa của nó. Dẫu đa làm cho khổ cách mấy, sự bí mật trước kia, nói cho cùng, cũng đã là cần thiết, nếu chúng ta biết được cái khối lượng thực tế có giới hạn mà những người giỏi giang nhất có thể chịu đựng được.

*

Tình thế trong những năm 50, với cái không khí bí mật bao trùm, hứa hẹn những phản bộ bất thần và những lời tố cáo ngược lại tiếp theo, có vẻ như một cái gì tương tự như cái tình thế của các nhà khoa học đã đưa kế hoạch chế tạo bơm cho Roosevelt với hy vọng cao cả là sẽ tiêu diệt Hitle trước khi hắn tiêu diệt ta. Ai có thể nói rằng đáng lẽ mấy nhà khoa học chẳng bao giờ nên tiến hành công việc đó? Nhưng có ai bây giờ lại chẳng mong ước: giá họ dừng bao giờ khỏi sự? Tuy nhiên lúc này, ấy có vẻ như đã không thể nào tránh được và cái thiệt hại kia giờ thì không còn có thể gỡ lại được nữa. Có lẽ có một thứ cạm bẫy tất nhiên nào đó trong mọi công việc của con người ta, bởi đó mà trí thức, dầy ý muốn có trong sạch tới đâu chăng nữa, rốt cuộc, bao giờ cũng lại phải thấy mình ở dưới quyền xử dụng của những thế lực có tổ chức chặt chẽ hơn, nếu không thích hợp được thì cũng lâu đủ đề phải hối tiếc mối liên hệ.

Trong hai phe trí thức mà tôi đã cố gắng mô tử thì một phe lúc này đương bị ám ảnh vì cái khối đen tối bao trùm nước Mỹ hiện tại. Tuy nhiên vẫn còn có những kẻ khác, hăng say bênh vực cho đế quốc va bận bịu với những kế hoạch cho năm 2000 của triều đại nó, những kẻ mà ta có thể nói trước là được các quỹ lớn và các cơ quan của chính quyền tài trợ trong công việc của họ. Những gì mà họ đương làm dường như vạch ra, qua những cuộc phân tích được tính toán công phu, một tương lai Mỹ, một tương lai bao gồm cài hỗn loạn và tuyệt vọng hiện tại của ta ở mức tổi thiểu và, có lẽ do tình cờ, không dành một chỗ nào cho cải tư tưởng giải thoát cảu Mác là muốn cải tạo thế giới thời ta cần phải làm một cái gì mới từ cái trật tự cũ. Bị huyễn diệu bởi cái hiệu lực của doanh nghiệp Mỹ và quên mất rằng cái hiệu lực này, trong tình trạng hiện nay, cốt yếu chỉ nhắm tới việc sinh lời, bất kể có thiệt hại gì cho những công cuộc sắp xếp xã hội hợp lý và sản xuất hữu ích, những nhà tư tưởng này hình như cảm thấy rằng trong phạm vi cơ cấu hiện tại của xã hội Mỹ, có thể tìm ra được những nguyên tắc cũng như ý chí để từ đó xây dựng cái hạnh phúc tương lai của nhân loại. Tất nhiên là bây giờ có nhiều người, và không phải chỉ nguyên ởMỹ, không đồng ý kiến với họ. Mơ hồ người ta bắt đầu cảm thấy những lý lẽ ngày trước lại đương thành hình giữa những kẻ đề xướng một tương lai rực rỡ dựa trên thế lực và thiện chí của Mỹ - kỳ vọng thực hiện của mấy người ấy lúc này có vẻ viển vông hơn bao giờ - và những người khác, những người có lý do để lo ngại một thế lực như thế và hoài nghi cái thiện chí của nó, những người lúc này dường như đương chiếm những vị trí, không phải chỉ ở bên trái những kẻ kia mà còn bao quanh những kẻ đó từ khắp mọi phía nữa.

JASON ESTEIN

Diễm Châu dịch

(The New York Reviw of Books, Bộ VIII, số 7 ra ngày 20-4-1967.)

Tác giả bài này, Jason Epstein, là Phó chủ tịch nhà xuất bản Mỹ Random House.

Chú thích

(1) ở trang 2: John McCloy, người trước kia là Cao Ủy Mỹ tại Đức, sau này trở thành chủ tịch Quỹ Ford John Forter Dulles và sau này là Dean Rusk đi từ ghế chủ tịch Quỹ Rockefeller để trở thành Ngoại trưởng. Khi McGeorge Bundy quyết định rời Tòa Nhà Trắng, nơi ông đã làm Phụ tá đặc biệt cho Tổng thống phụ trách An ninh Quốc gia, nghĩa là trông coi luôn CIA trong số những trách vụ khác, McCloy liền thêu ông điều khiển Quỹ Ford. McCloy nói rằng sau khi đã nhìn trên nhìn dưới ông ta không thể tìm được một người nào thích hợp với công việc hơn. Người anh em của Bundy là William hiện làm ở Lầu Năm Góc, ngày trước đã làm việc với CIA cho đến năm 1961. Điểm chính yếu ở đây không phải là ám chỉ tội lỗi gì bằng liên tưởng mà là có ý gợi rằng CIA không phải là cơ quan độc nhất đã có thể nghĩ tới quyền lợi chính trị của Hoa-Kỳ khi nó lựa chọn hỗ trợ, hay không hỗ trợ một dự án văn hóa này nọ. Tới một mức độ nào đó, các quỹ tài trợ lớn luôn luôn hành động như những cánh tay nối dài chính quyền. Shepard Stone, người đã phục vụ trong thời Thế chiến thứ Nhất với cấp Trung tá trong Tình báo Quân đội Mỹ và sau này với McCloy ở Phủ Cao ủy Mỹ tại Đức, là Giám đốc Quốc tế Sự vụ cho Quỹ Ford từ năm 1954. Mới đây quỹ Ford đã đảm nhận phần lớn việc tài trợ cho Hội đồng Tự do Văn hóa. Đã nhiều năm Hội đồng này chuyển tiền của CIA cho các công cuộc xuất bản, các hội nghị ở nước ngoài và các công cuộc văn hóa quốc tế khác. Trước đây một năm gì đó thì mối liên hệ giữa Hội đồng và CIA trở thành đề tài bàn tán suy luận rộng rãi. Tới đây CIa bắt đầu rút ngân khoản trợ cấp và Quỹ Ford, từ trước tới nay vẫn lưu tâm tới Hội đồng, liền bắt đầu gia tăng công cuộc tài trợ. Thật là ngây ngô khi cho rằng mối quan tâm chính yếu của Quỹ Ford là bảo vệ sự miễn thuế cho mình như trường hợp một số các quỹ tài trợ nhỏ làm bình phong cho CIA. Cố nhiên các chủ nhân ông của các Quỹ tài trợ lớn cảm thấy bổn phận của mình, tức là của những công dân lãnh đạo, là phải hợp tác với chính sách đối ngoại của Hoa kỳ. Việc Quỹ Ford bắt buộc phải tiếp tục công việc mà CIA bỏ dở, đối với những người điều khiển Quỹ ấy, nhất định chỉ là việc tự nhiên. Chuyện lôi thôi trong tất cả công việc này không phải là ở chỗ các quỹ tài trợ đã lén lút âm mưu với một cơ quan gián điệp, mà là ở chỗ, tùy như các dự án mà các quỹ đó hỗ trợ được thúc đẩy vì lý do chính trị, các quỹ đó không còn được thúc đẩy vì những tiêu chuẩn văn chương hoặc khoa học vô vị lợi nữa. Dĩ nhiên đây không có ý nói rằng tất cả các dự án do các quỹ Ford và Rockefeller đảm nhiệm có thể đã giúp tăng tiến lợi quyền của Hoa kỳ đều là kinh khủng. Một vài dự án trong số đó có ích lợi. Nhưng cái nguyên tắc mà các Quỹ ấy đã dựa vào để có những quyết định liên quan tới một số những dự án văn hóa đôi khi không được trong sạch, bởi lẽ nó đã pha trộn những lý do chính trị với những lý do văn nghệ hoặc trí thức.

(2) trang 5: Vào thời gian này có nhiều người theo Cộng sản đã bắt đầu chuyển hướng. Một số trong bon họ đã được CIA dùng.

(3) trang 6: Đảng viên Cộng sản đã đổi áo, nổi danh vì tố cáo Alger His. (Chú thích của ND.).

(4) trang 9: Những người theo giáo phái xuất hiện ở Zurich từ 1523, chủ trương tách biệt Giáo hội và Chính quyền, người Ki-tô hữu phải từ bỏ tư hữu để sống chung trong một thứ cộng đồng tôn giáo, cải cách xã hội triệt để. (Chú thích của ND.)