Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Hệ thống kiểm định giáo dục ở Mỹ

Thời gian vừa qua các tờ báo lớn ở TPHCM đã tập trung khá nhiều bài viết về việc liên kết đào tạo bậc Đại học, sau Đại học của một số pháp nhân tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung với các "trường" Đại học ở nước ngoài (chủ yếu là ở Mỹ). Sau khi đọc một lượt các bài viết trên các báo nhận thấy vấn đề cốt lõi nhất của hệ thống giáo dục Mỹ vẫn chưa được các báo hiểu cho đầy đủ và khách quan. Mặc dù không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng tớ cũng xin mạn phép đưa ra những gì mà tớ biết về cách thức kiểm định "đại học tư nhân" ở Mỹ. Những gì tớ viết ở dưới đây là quan điểm của cá nhân tớ, không phải đại diện phát ngôn cho ai khác.

Hệ thống giáo dục ở Mỹ hiện nay đã được "xã hội hóa" đến mức cao. Bất cứ cá nhân nào có tiền đều có quyền mở trường Đại học riêng của mình để kinh doanh, giấy phép thành lập trường Đại học ở Mỹ nó cũng giống như cái giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các công ty ở Việt Nam. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Bộ giáo dục Mỹ thả nổi hoàn toàn chất lượng đào tạo của giáo dục đại học. Thay vì kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo của tất cả các trường "đại học tư nhân", Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cửa cho một hệ thống các Trung tâm trung gian, độc lập chuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng của các trường "đại học tư nhân". (Tớ không biết chính xác nó gọi là gì nên cứ tạm gọi là Trung tâm kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo Đại học và sau đại học).

Về phần mình, Bộ Giáo dục Mỹ chỉ việc kiểm tra và đánh giá chất lượng kiểm định của các trung tâm trung gian này. Nôm na ra thì nó sẽ là thế này: Nếu Bộ Giáo dục Mỹ công nhận chất lượng kiểm định của Trung tâm A nào đó, thì có nghĩa là tất cả những trường "đại học tư nhân" mà Trung tâm A đó kiểm tra đánh giá đều được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận. Trong trường hợp, Bộ Giáo dục Mỹ không công nhận chất lượng kiểm định Trung tâm A thì cũng có nghĩa là toàn bộ những trường mà Trung tâm A đó kiểm tra đánh giá chất lượng đều không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Về phần các Trung tâm kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo: Trước tiên phải khẳng định rằng các trung tâm này cũng hoàn toàn là phi chính phủ và chịu trách nhiệm với chính mình về kết quả kiểm tra đánh giá các trường "đại học tư nhân" mà mình thực hiện. Để vượt qua được những kỳ kiểm tra đánh giá của Bộ Giáo dục Mỹ các Trung tâm phải xây dựng cho mình 1 khung kiểm tra đánh giá tốt, hệ thống giám sát chất lượng cao để duy trì uy tín của mình với Bộ Giáo dục và với chính các trường "đại học tư nhân" muốn kiểm định. Các trung tâm này hoạt động bằng cách thu phí kiểm tra giám sát các trường "đại học tư nhân". Nếu uy tín của Trung tâm càng cao thì số lượng các trường "đại học tư nhân" muốn kiểm tra, đánh giá ở Trung tâm càng lớn, số tiền thu về càng nhiều (tất nhiên là cũng sẽ còn rất nhiều hình thức thu phí khác nữa). Nếu chỉ vì lợi ích trước mắt mà Trung tâm đánh giá sai chất lượng của 01 trường "đại học tư nhân" nào đó thì khi bị phát hiện Bộ Giáo dục Mỹ sẽ rút giấy phép kiểm định của Trung tâm này, việc đó đồng nghĩa với việc tất cả uy tín của Trung tâm sụp đổ, tất cả các trường "đại học tư nhân" mà Trung tâm này đánh giá đều bị mất giá trị. Tất nhiên theo sau nó sẽ là một hệ thống những vụ kiện tụng đòi đền bù tiền bạc và nguy cơ phá sản là tất yếu.

Về phía các trường "đại học tư nhân": Để đáp ứng các yêu cầu của các Trung tâm kiểm định (đã được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận) các trường "đại học tư nhân" Mỹ bắt buộc phải xây dựng một chương trình đào tạo khung chuẩn, có những tiêu chí đánh giá đối với đầu vào và đầu ra của sinh viên rõ ràng, minh bạch và đương nhiên phải chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có một số (khá đông) các trường "đại học tư nhân" không đáp ứng được yêu cầu của các Trung tâm kiểm định nhưng như vậy không có nghĩa là họ không có quyền đào tạo sinh viên. Vấn đề lúc này tùy thuộc vào sự hiểu biết của sinh viên trước khi vào học cũng như khả năng kinh tế của chính sinh viên đó.

Với cách làm như trên thì hệ thống hành chính của Bộ Giáo dục Mỹ sẽ rất đơn giản và gọn nhẹ. Thay vì phải kiểm tra, đánh giá chất lượng của tất cả các trường "đại học tư nhân" (con số có thể lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn) thì Bộ Giáo dục Mỹ chỉ cần kiểm định và đánh giá các Trung tâm kiểm định đánh giá độc lập (số lượng chắc chỉ vài chục đến vài trăm). Cách vận hành hệ thống này lại tuân theo cơ chế thị trường: Trung tâm kiểm định đánh giá nào tốt thì sẽ có nhiều trường "đại học tư nhân" đến xin được kiểm định đánh giá (tất nhiên là phải chịu nộp lệ phí, và hệ thống kiểm tra, giám sát của Trung tâm); Trường "đại học tư nhân" nào được Trung tâm kiểm định đánh giá có uy tín xếp hạng và kiểm định thì trường đó sẽ có nhiều sinh viên theo học.

Trên đây là những cảm nhận của tớ về hệ thống giáo dục Mỹ sau vài tiếng mày mò trên mạng Internet buổi tối hôm qua. Chắc rằng sẽ có rất nhiều thiếu sót, rất mong các bạn tham gia ném đá....

1 nhận xét:

  1. Theo tôi thấy như thế là hợp lý và rất tốt rồi, nhưng nếu có một công cụ để kết hợp với việc kiểm định của các trung tâm thì sẽ tốt hơn nhiều, như là một hệ thống thông tin để các trường tự đưa ra các tiêu chí, đánh giá và kết quả của việc đào tạo chẳng hạn.
    Liệu ở bên đó đã có những hệ thống như thế chưa bạn?

    Trả lờiXóa