Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Con người và thiên kiến

Theo Wikipedia thì "thiên kiến" là: ý kiến thiên lệch, không đúng, thiếu khách quan. Với hàm nghĩa này thì rõ ràng "thiên kiến" là để diễn giải theo nghĩa xấu. Nhưng tớ có cảm giác rằng "thiên kiến" không phải là một hàm ý xấu. Theo góc nhìn của cá nhân tớ thì "thiên kiến" là một ý nghĩ chủ quan của một cá nhân, thực thể nào đó về một vấn đề nào đó. Chỉ có 2 loại người không có "thiên kiến" đó là: trẻ sơ sinh và thánh thần. Trẻ sơ sinh khi ra đời trong trắng nó không thể có "thiên kiến" về bất cứ những gì nó thấy, nó nghe hay nó cảm nhận. Thánh thần (như Phật hay Chúa) thì phải trải qua một thời gian rất dài có "thiên kiến" rồi mới đi tới được "cõi niết bàn" hay "thiên đường" và chỉ ở đó mới không có thiên kiến.

Con người sinh ra không có "thiên kiến" nhưng theo thời gian cùng với tác động của gia đình và xã hội đã làm nẩy sinh "thiên kiến" của mỗi người. Tớ có thể ghét bạn này vì bạn này hay yêu quý bạn kia chỉ vì những lý do nhỏ nhặt đó chính là "thiên kiến". Thiên kiến của mỗi người là khác nhau tùy vào mức độ tác động của gia đình và xã hội. Nếu tớ sinh ra trong gia đình Công giáo thì nhiều khả năng tớ không thể ghét Công giáo, còn một số ít khả năng tớ có thể ghét Công giáo nếu Công giáo gây ra những tác động xấu tới gia đình tớ hoặc cá nhân tớ. Thiên kiến của mỗi người cũng phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Nếu là người hiểu biết về Công giáo tớ cũng có thể có "thiên kiến xấu" hoặc "thiên kiến tốt" về Công giáo. Thật khó để phân biệt rõ điều gì tác động tới "thiên kiến" của mỗi cá nhân, chắc hẳn phải là sự tác động nhiều chiều, nhiều mặt. Có thể mặt này mạnh hơn mặt kia nhưng để nói mặt nào, chiều nào tác động quyết định đến "thiên kiến" của mỗi người là điều bất khả. Vì "thiên kiến" của mỗi người là sự tác động nhiều chiều, nhiều mặt theo thời gian nên "thiên kiến" của mỗi người cũng có thể thay đổi. Nhưng chắc hẳn "thiên kiến" của một người già sẽ khó thay đổi hơn một người trẻ. Để thay đổi "thiên kiến" của một người già chắc rằng phải có một tác động rất lớn đến tư duy và suy nghĩ của người già. Đó hẳn phải là một "bước ngoặt" của cuộc đời con người đó. Ở tuổi nào thì "thiên kiến" của mỗi người được định hình? Chắc rằng là tùy người và tùy từng hoàn cảnh của mỗi người, có thể sớm hơn, có thể muộn hơn nhưng theo tớ "thiên kiến" của mỗi người thường sẽ định hình vào độ tuổi từ 25 đến 30.


Thôi, viết lung tung thế chán rồi! Đi chơi thôi, nghĩ ngợi viết lách mệt quá!

2 nhận xét: