Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Tại sao tiền lương công chức lại thấp???

Có đứa em nó bảo vào blog nó đọc cái bài hay lắm, tưởng của ai hóa ra là của bác Vũ Quang Việt. Đọc xong bài này rồi thì thấy rằng về mặt lý thuyết bác đúng một vài điểm nhưng quả thật là thiếu thực tế Việt Nam. Về mặt chính sách vĩ mô thì cũng có thể bác đúng nhưng lại chưa bắt đúng căn bệnh của tiền lương công chức Nhà nước ở Việt Nam.

Các câu hỏi đặt ra là: Vậy thì lương công chức VN có thấp không? Ngân sách Nhà nước dành cho lương như thế là đã lớn chưa? Có nhất thiết phải tăng ngân sách cho lương không?

Đúng thực tế là tiền lương công chức Nhà nước ở VN thấp, phải nói là rất thấp. Cứ đơn giản như một em sinh viên Đại học sau 5 năm (có trường 4 năm, có trường 6-7 năm) ra trường với mức lương khởi điểm là chưa đến 2 triệu đồng thì có đủ tiền chi tiêu trong cả tháng không ? Câu trả lời chắc chắn là: Không bao giờ đủ.

Ngân sách Nhà nước dành cho lương công chức Nhà nước như thế đã lớn chưa: Bác Vũ Quang Việt đã trả lời câu hỏi ấy, chắc em chẳng cần nêu lại làm gì, vì "trình" em sao đọ đuợc với bác Việt.

Có nhất thiết phải tăng chi ngân sách Nhà nước cho lương công chức không: Câu trả lời của em là vừa có vừa không...hê hê. Có bởi vì tăng thì cũng tốt những người ăn lương Nhà nước sẽ có thêm thu nhập chính đáng.

Vậy tại sao lại không cần tăng ngân sách chi trả cho lương công chức Nhà nước?

Đơn giản thôi ạ, bác Vũ Thành Tự Anh vừa có một ý nêu lên trong cái bài viết đăng trên TBKTSG rồi đấy ạ, em xin trích: "Sau hơn hai mươi năm đổi mới, vai trò của Nhà nước đã có những thay đổi quan trọng. Nhà nước giờ đây đã trở nên ít “toàn năng” hơn sau khi tự hạn chế sự can thiệp của mình vào đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Cơ cấu sở hữu của nền kinh tế cũng đã thay đổi một cách cơ bản với sự bừng nở của khu vực kinh tế dân doanh và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài - cùng nhau đóng góp tới hai phần ba GDP của đất nước. Khu vực dân sự cũng dần được phát triển và chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Mặc dù đã có những điều chỉnh đầy ý nghĩa như vậy nhưng vai trò của Nhà nước hiện nay vẫn còn quá ôm đồm, và điều này làm cho Nhà nước bị quá tải. Không những thế, ở Việt Nam tồn tại tình trạng vừa quá nhiều, vừa quá ít nhà nước.

Cái mà bác Vũ Thành Tự Anh gọi là "vai trò của nhà nước vẫn còn quá ôm đồm" ấy thực chất chính là do công chức Nhà nước làm ra đấy ạ.

Cá nhân em nghĩ đây mới chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tại sao vậy ? Đơn giản bởi vai trò của Nhà nước thực ra chính là vai trò của các cá nhân làm nên chính sách Nhà nước. Các cá nhân cấp cao thì dựa trên sự tham mưu của cá nhân cấp dưới, các cá nhân cấp dưới lại dựa trên "lợi ích của cá nhân mình", "lợi ích của nhóm mình đang phục vụ"...để đưa ra những tham mưu về chính sách. Họa chăng có được vài người dựa trên lợi ích cao hơn là của đất nước thì hoặc là bị "trói" bởi vòng quay của các "lợi ích cá nhân" và "lợi ích nhóm mà mình đang phục vụ" hoặc tiếng nói của họ lọt thỏm giữa không trung, chẳng để lại tiếng vang nào. Ví dụ đơn giản cho dễ hiểu nhé: Vấn đề quảng cáo trên báo chí in được quy định là không quá 10% số trang báo, hoặc nếu muốn in nhiều số trang quảng cáo hơn thì phải xin giấy phép. Câu hỏi đặt ra là: Vậy Bộ VHTT và nay là Bộ TT&TT đâu có cần phải quan tâm là báo có bao nhiêu trang quảng cáo để làm gì? Người đọc báo mới phải quan tâm hơn chứ? Nếu quảng cáo nhiều thì thu thuế nhiều, có lợi cho ngân sách Nhà nước cơ mà? Câu trả lời lập tức có ngay: Đó là vì cái giấy phép ấy nó đem lại lợi ích cho một vài cá nhân, một vài nhóm lợi ích trong Bộ TT&TT nên họ nhất định không bỏ với lý do "quảng cáo nhiều hơn nội dung sẽ khiến tờ báo xấu xí, ảnh hưởng đến người đọc....Đây chính là hình thức tiêu biểu cho loại hình: Quản lý cũng được mà không quản lý cũng được. Loại hình quản lý này xuất hiện vô số trong các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là ở các bộ ngành. Chỉ có điều nó biến tướng khác nhau mà thôi.

Vậy giải pháp là gì? Trước tiên Nhà nước cứ mạnh tay cắt giảm quyền hành của các Bộ ngành trong các cơ quan Nhà nước đi đã, loại bỏ hẳn hoặc giao cho tư nhân tham gia vào làm những công việc mà "Nhà nước làm cũng được mà không làm cũng được" (kiểu như Công chứng tư) đi thì lập tức sẽ xuất hiện ngay lực lượng lao động dư thừa ở trong bộ máy. Việc giảm lực lượng lao động thừa này thì cũng đơn giản bằng cách đừng tuyển thêm nữa, cứ "ốm thay già thải" thôi là xong. Với con mắt của cá nhân em thì sau khi giảm bớt quyền hành của các cơ quan Nhà nước đi thì ít nhất cũng sẽ bớt được ½ công chức. Vẫn cái số tiền ngân sách dành cho lương ấy mà tỉ lệ chia cho công chức ít đi thì rõ ràng là lương sẽ tăng lên. Nếu có điều kiện thì Nhà nước không chỉ chăm lo đến đời sống của công chức mà có thể chăm lo cả đến từng thành viên gia đình công chức như: y tế, giáo dục, tiêu dùng...Tất nhiên đi kèm với quyền lợi phải là những ràng buộc nghiêm khắc: ăn hối lộ - nghỉ; vòi vĩnh – nghỉ; lợi dụng quyền hạn – nghỉ....

Vấn đề của mọi vấn đề lại trở về cái gọi là "sở hữu" và "lợi ích" cá nhân. Em sẽ trở lại vấn đề này khi nào có dịp bức xúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét