Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

CÙNG CỞI...VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ SỰ CẮN XÉ TRUYỀN THÔNG

(Bài viết dưới đây của tác giả Khải Đơn, được đăng trên FB cá nhân)

Cởi hết và...ăn thịt hết

Có một cô người mẫu tên Ngọc Quyên. Cô đi chụp ảnh nude trên rừng xanh núi thẳm. Sau khi bắn đi tứ tung lên mạng. Cô tuyên bố rằng chụp ảnh là để kêu gọi bảo vệ môi trường. Trên đời này, phàm chuyện gì có dính đến yếu tố “nude”, “cởi”...thì bàn dân thiên hạ rất quan tâm. Ngọc Quyên bảo cô không cần đánh bóng thêm tên tuổi vì cô đã nổi tiếng rồi. Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Nghiệp(người chụp) bảo đây là thể nghiệm của anh. Cư dân mạng và tất tần tật những ai mê mải thông tin đều chúi mũi lên mạng kiếm xem “nude vì môi trường là thế nào?”

Câu chuyện có lẽ chỉ dừng tại đó nếu mọi người chỉ chúi mũi đi xem, xem chán thì có thêm ý thức bảo vệ môi trường hay...đi kiếm ảnh nude khác xem. Nhưng ở đây, giới truyền thông không để câu chuyện phai nhạt màu nhanh chóng thế. Ngay lập tức, tất cả các trang truyền thông nào có chỗ và có giấy đều nhanh chóng nhảy vào đào sâu, tìm kiếm, giải mã, hốt hoảng với thông tin trên. Vietnamnet giật tít: “Ngọc Quyên nude 100% để...bảo vệ môi trường”; giadinh.net giật tít : “"Ngọc Quyên nude": Bảo vệ môi trường hay gây sự chú ý?”. Cam go hơn, ngoisao.net đưa tít dữ dội: “Sốc với bộ ảnh nude vì môi trường của Ngọc Quyên”. Thâm trầm hơn, afamily.vn (chuyên trang phụ nữ trẻ và gia đình) viết: “Siêu mẫu tuyên bố sẽ 'chịu và chấp nhận tất cả' những lời chê, chửi bộ ảnh nude toàn thân của mình.”, hoặc: “Ngọc Quyên phản hồi vụ ảnh nude vì môi trường”... Trong những ngày chung quanh độ “hot” của bộ ảnh còn có thêm độ đứng ngồi không yên của giới truyền thông trước sự bức xúc, bức bối, và cả...bức bài. Ngay sau Ngọc Quyên, một họa sĩ ngay lập tức tự họa chân dung nude của mình để...hưởng ứng vì môi trường. Báo chí lại tiếp tục ồ ạt đuổi theo câu chuyện nude hay ko nude, nude vì cái gì, nude vì môi trường thì cao quý hơn hay nude vì phim sex thì hay hơn. Mọi chủ đề và khía cạnh, góc cạnh, hệ quả đều được tập trung khai thác một cách triệt để và liên tục. Độc giả bị cuốn vào một câu chuyện vừa sexy vừa hấp dẫn, không thể không click liên tục.

Câu chuyện kể trên có thể được coi như một hình thức của khái niệm “media feeding frenzy”. Tôi cũng không biết phải dịch cái này ra thế nào nên...để y nguyên vậy. media feeding frenzy, được tác giả Larry J.Sabato (nhà khoa học và phân tích chính trị) lần đầu tiên định nghĩa trong tác phẩm “Feeding Frenzy: Attack Journalism and American Politics” như sau: “Media feeding frenzy xảy ra khi báo chí tập trung vào tường thuật một sự kiện chính trị hay vấn đề gì đó mà một lượng nhà báo khổng lồ cùng đổ xô nhau xoáy vào sự giật gân và rắc rối của vấn đề, đồng thời liên tục đeo bám sự kiện đó một cách dữ dội, thái quá nhiều khi đến mất kiểm soát”.

Hành vi này cũng giống như hình ảnh chỉ giai đoạn săn mồi hung hãn nhất của đàn cá mập (hay cá loại cá ăn thịt). Cắn xé hết. Tơi tả hết. Ăn sạch.

Làm sao để kích động “bầy cá”?

Ngọc Quyên là một ví dụ có thể gọi là mồi để “kích động “bầy cá”. Mồi càng ngon thì cơn hung hăng của “bầy cá” càng lớn, càng dữ dội. Trong truyền thông, những nhân vật có tiếng tăm, có ảnh hưởng lớn, thu hút ánh mắt và sự quan tâm của công chúng nhiều, càng có khả năng kích động các làn sóng truyền thông lên dữ dội. Ngọc Quyên là siêu mẫu, nổi tiếng nên nhiều người quan tâm. Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields toán học nên ông rất nổi tiếng trên cả giới toán học thế giới và là niềm tự hào của cả Việt Nam, thế nên cái gì ông viết ra, ý gì mọi người cũng rất quan tâm .Bill Clinton là tổng thống Mỹ, cả nước Mỹ quan tâm, nên scandal tình dục của ông ta cũng được cả nước Mỹ quan tâm... Những nhân vật ấy đều có khả năng trở thành con mồi của cuộc săn đuổi truyền thông và tạo ra làn sóng “media feeding frenzy”.

Điều kiện đủ cho cuộc tổng tấn công của giới truyền thông vào các đối tượng này là khi một sự kiện bất thường hoặc bước ngoặt nào đó xuất hiện trong đời họ. Với Bill Clinton là việc ông lùm xùm với cô gái Monica Lewinsky trong Nhà Trắng. Với Ngọc Quyên là tại cô này nude vì môi trường. Nếu không có những bất thường này xảy ra, hình ảnh của họ có thể bị ồn ào khủng khiếp trên báo chí.

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ trong lịch sử báo chí, “media feeding frenzy” không được gây ra bởi sự tự thân hấp dẫn của sự kiện mà sự hấp dẫn và cơn hung hăng đó của báo chí...do chính họ tự tạo ra. Câu chuyện nổi tiếng về cô gái trẻ Cheryl Ann Barnes ở Florida bị mất trí nhớ là một ví dụ như thế. Cheryl 18 tuổi, nhà ở Bushnell, Florida, lên xe rời nhà đến trường, rút 100USD từ máy rút tiền ở gần trường và rồi biến mất không một dấu vết. Đó là ngày 03/01/1996. Phát ngôn viên của cảnh sát trưởng tại Sumter Country (Florida) kết luận: “99.9% đây là một vụ bắt cóc.” Kể từ khi đó, giới truyền thông liên tục tường thuật diễn biến của vụ án. Báo chí đăng các bài viết về Cheryl, cha cô, mẹ cô, mẹ kế cô, ông bà cô.... Truyền hình liên tục đưa tin về vụ án, nhưng chủ yếu là những câu chuyện bên ngoài vụ án. Thậm chí, có thời gian, các nhà báo đã “đóng đô” hẳn trong nhà của Cheryl, ăn bánh do bà Cheryl làm, kể những chuyện linh tinh thường ngày của gia đình họ lên truyền hình, báo chí. Ngày 6/2/1996, cảnh sát tìm ra Cheryl tại New York, xác định rõ được thân thế của cô qua giấy tờ và chiếc xe Mazda mà cô dùng lúc ra đi. Cheryl bị mắc chứng quên.

Câu chuyện có lẽ chỉ dừng tại đó với truyền thông thông thường là đưa cô về nhà, đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, giới truyền thông không bỏ qua đây là một “miếng mồi” quá ngon cho việc khai thác sự chú ý theo dõi của khán giả. Họ không báo tin và đưa Cheryl về với gia đình theo cách thông thường. Chi nhánh đài ABC tại vịnh Tampa, kênh WFTS 28 đã cho Cheryl nói chuyện điện thoại với gia đình, và ngay sau đó thỏa thuận sẽ thuê hẳn một máy bay riêng, lo chi phí ăn ở, khách sạn cho cả gia đình Cheryl để đến trường quay gặp gỡ con gái mình. Tuy nhiên sau đó, kênh 13 WTVT của hãng Fox tại Tampa đã “qua mặt” ABC khi thuê chiếc máy bay Lear Jet, với giá $8,314 cho gia đình cô gái đến trường quay để gặp gỡ cô, đồng thời “bán” lại một vài ghế tường thuật cùng máy bay cho các phóng viên đài khác.

Cuộc gặp gỡ được mô tả rất xúc động. Tuy nhiên, ngay sau đó, trong giới truyền thông dấy lên câu hỏi về việc “dựng sự kiện” hoặc “mua câu chuyện” bằng tiền (tiền thuê máy bay, thuê khách sạn sang trọng (Grand Hyatt), chi phí cho cả gia đình Cheryl đến tạo cảnh gặp gỡ).

Với sức hút đã có từ trước do chuyện mất tích bí ẩn được căng ra bởi các bài báo và tường thuật, “show” gặp gỡ của gia đình Cheryl được công chúng cực kì chú ý đón xem. Các đại gia truyền thông như ABC, Fox, NBC, Times đều nhảy vào tường thuật.

Trong câu chuyện kể trên, nếu không có sự thúc đẩy kịch tính của chuyến đi tìm và đoàn tụ, đượ chi tiền và dàn dựng của giới truyền thông, có lẽ câu chuyện về Cheryl Ann không được quan tâm dữ dội đến thế. Đồng thời, ngay sau câu chuyện đầy lùm xùm của đoàn tụ - hội ngộ nhà Cherry Ann với những hậu trường rất xấu về gia đình Cheryl sau đó, giới truyền thông đã bùng lên một cơn tranh cãi khác về đạo đức truyền thông, khi tờ St.Petersburg Times bắt đầu có những bài viết đầu tiên đặt dấu chấm hỏi về tư cách công tâm của phóng viên khi họ chôn chân trong gia đình ông bà và cha mẹ Cheryl Ann, ăn đồ ăn họ nấu, kết thân với họ...và rồi chẳng phát hiện ra ông bố có tiền sử đã từng tìm cách lạm dụng tình dục con gái Cheryl của ông ta. Dấu hỏi đặt ra là sự can dự của truyền thông trong một làn sóng “media feeding frenzy” nên tới mức nào là vừa đủ?

Nhưng đã là mồi ngon thì chẳng bao giờ vừa đủ cả!

Sexed-up ???

Khoan vội hứng khởi, sexed-up là một cách được sử dụng khá thường xuyên trong báo chí, đặc biệt là với những câu chuyện trong dòng chảy “media feeding frenzy”.

Thông thường, một câu chuyện dù có ghê gớm, giật gân, nhiều thắt nút mở nút cỡ nào thì rồi cũng sẽ đến lúc làm người đọc ngán ngẩm. “Sexed-up” câu chuyện là làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn, dù vẫn giữ nguyên bản chất của thông tin.

Đây thực sự là một nghệ thuật. Bởi nếu báo chí mà chỉ kể những câu chuyện chung chung và thong thả thì chẳng chóng thì chày, bạn đọc cũng nhanh ngán ngẩm. Làm hay câu chuyện lên là điều cực kì cần thiết để người đọc tiếp nhận câu chuyện. Dù sao, câu chuyện mà ko có người chịu đọc thì cũng chẳng thành thông tin được. Tuy nhiên, vừa làm hay câu chuyện lên mà vẫn vừa giữ được bản chất của sự thật trong thông tin là một trò đi trên dây không hề dễ dàng. Ví dụ có thể dễ thấy nhất là “hồ sơ tháng Chín” về vũ khí hủy diệt của Iraq mà chính quyền Anh đưa ra, để dẫn đến việc kết luận sẽ ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Sau này, khi phân tích lại hồ sơ này, báo The Guardian đã đưa ra 10 điểm quan trọng trong đó các kĩ thuật sexed-up đã dẫn đến quyết định tấn công này. Trong báo cáo ban đầu, tên báo cáo được viết là: “Chương trình vũ khí hủy diệt của Iraq”, sau đó đã được sửa thành “Vũ khí hủy diện của Iraq” khi báo cáo – một ngầm ý gây hiểu lầm rằng Iraq ĐÃ CÓ vũ khí này, chứ không phải là chỉ mới đang trong “chương trình”. Trong lời mở đầu, thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng có một kết luận gây tranh cãi là Iraq có thể triển khai vũ khí hủy diệt trong vòng 45 phút. Sau khi được sửa chữa, bản báo cáo khẳng định hẳn rằng Saddam Hussen có chuẩn bị để một số vũ khí hủy diệt “sẵn sàng trong vòng 45 phút để đưa ngay vào sử dụng”. Đó là các ví dụ cụ thể về kĩ thuật “sexed-up” thông tin.

Những cách diễn đạt gây ra sự lôi cuốn, hấp dẫn như vậy đều có thể được khai thác triệt để trong khi các phóng viên báo chí khai thác “con mồi” của mình ráo riết trong dòng chảy thời sự và sự khát thông tin của độc giả. Tuy nhiên, cũng trong ví dụ trên, báo The Guardian đã kết luận chính bản báo cáo đưa đến hiểu nhầm về một nguy cơ quá rõ ràng của Saddam với phương Tây, cần tất công ngay.

Tuy nhiên, sexed-up thông tin không chỉ có làm hay, làm lôi cuốn thông tin lên cho thỏa mãn trí tò mò của người xem, mà còn là các cách làm giảm sự nghiêm trọng của vấn đề trên trang báo, nhằm làm giảm sự phẫn nộ hay thu hút đối với khán giả, trong trường hợp thông tin miễn cưỡng buộc phải đưa lên, hoặc phục vụ cho ý đồ chính trị nào đó của các nhóm quyền lợi đang điều khiển báo chí. Chẳng hạn thay vì nói “Từ đầu năm đến nay giá xăng tăng gấp đôi” thì có nơi người ta sẽ giật tít “Giá xăng tăng chậm hơn nhịp độ của xăng dầu thế giới”, là một cách lấp liếm đi cơn khủng hoảng về giá cả, vốn đang rất hiện hữu và gay go.

Media feeding frenzy : Trò đánh bạc một mất - một còn của giới truyền thông

Vai trò quan trọng nhất khi nảy sinh ra cuộc săn đuổi báo chí này là vì phục vụ thông tin cho bạn đọc. Đó cũng là vai trò tối thượng của truyền thông. Song song với vai trò này là nguồn lợi khổng lồ về rating, sự quan tâm, đánh bóng tên tuổi của hãng truyền thông, khai thác quảng cáo... Vì thế, không thể nói trong truyền thông không tồn tại những làn sóng Media feeding frenzy này và cũng ko thể tìm cách loại bỏ nó.

Tuy nhiên, về trách nhiệm truyền thông, đôi khi media feeding frenzy gây ra các sức ép cộng đồng rất dữ dội, mà nếu không chừng mực, sẽ đẩy những nhân vật của sự kiện vào sự cùng quẫn, cô đơn, tự vẫn hoặc chấm dứt sự nghiệp vĩnh viễn. Phản ứng của công chúng truyền thông vốn luôn náo động và hung hãn. Tuy nhiên, nếu phản ứng này lan rộng theo cấp số nhân trên các hệ truyền hình, radio, báo in, internet một cách mất kiểm soát, những người xuất hiện trong bài viết khó có thể quay trở lại cuộc sống bình thường vì những dòm ngó và cả đánh giá của cộng đồng. Chính vì thế, khi lao vào một vòng xoáy media feeding frenzy, sự biết dừng và giới hạn của phóng viên là yếu tố quan trọng duy nhất có thể khiến sự kiện nóng được cân bằng nhiều chiều, cả về mặt xã hội lẫn các vấn đề được phản ánh trên trang báo.

Trong nhiều ví dụ về sự ko chừng mực của media feeding frenzy, hình ảnh những nghệ sĩ Hàn Quốc tự tử trong cô đơn vì ko chịu nổi sức ép tin đồn trên báo chí là những ví dụ đáng sợ mà người viết và tổ chức truyền thông phải chú ý.

Media feeding frenzy như một trò đánh bạc, hoặc tăng rating, uy tín báo chí, hoặc bị cộng đồng trách móc và tẩy chay vì xâm hại các giá trị nhân bản mà cộng đồng theo đuổi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét