Thứ Tư, 2 tháng 7, 2008

Entry for July 02, 2008 - Đọc báo - Văn hóa

“...Gần 2 năm, dốc sức cho Mùi cỏ cháy trên mọi phương diện, khi cái kết có hậu vừa đến - kịch bản được duyệt trợ giá, cũng là lúc Điệp Vân Film phải đối mặt với bài toán “liên kết” không có trong dự tính. Đơn giản, vì theo Luật Điện ảnh, các phim nhận trợ giá của Nhà nước đều phải được “đấu thầu chọn nhà sản xuất”. (Theo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc giao kế hoạch, đặt hàng, đầu thầu sản xuất phim, mua bản quyền phim, tài trợ phim bằng nguồn ngân sách của Nhà nước thì đơn vị muốn tham gia đầu thầu phải chứng tỏ được năng lực về vốn, năng lực kỹ thuật, quản lý, sáng tác… Áp theo tiêu chuẩn này, thì Điệp Vân Film không hội đủ yếu tố để … nhận phim)....” (Bài viết “Phim về anh Thạc... “vướng” luật!” đăng trên báo Thể thao & Văn hóa).

“...Chúng ta đang có cả kênh truyền hình dành cho cái gọi là “ văn hoá” game; băng đĩa lậu thì bày bán tùm lum, những quán trò chơi điện tử mọc khắp hang cũng ngõ hẻm, có những trung tâm để làm giàu cho “văn hoá” game… Trong khi đó thì văn hoá đọc ngày càng trở nên xa vời, “phù phiếm” đối với lớp trẻ. Hiện nay có một mảng sự nghiệp hết sức quan trọng đó là mảng sự nghiệp sáng tác văn học của các nhà văn thì mảng này không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan chuyên trách nhà nước nào. Trong khi đó thì điện ảnh, mỹ thuật, văn hoá quần chúng... đều có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách hàng năm được đầu tư nhiều tỷ đồng từ tiền ngân sách…” (Bài viết “Giới trẻ và cái gọi là “văn hoá” game” đăng trên báo Thể thao & Văn hóa).

“...Hiện nay, có vẻ như một số người làm sân khấu đang chạy theo “mốt” đưa cảnh “nóng” lên sàn diễn vừa làm “tươi mát” vở diễn, vừa tạo sự tò mò, kéo khán giả đến rạp đông hơn. Tuy nhiên, theo một số đạo diễn, cảnh “nóng” là con dao hai lưỡi, nếu xử lý khéo, là nghệ thuật, hấp dẫn và ngược lại. Bởi khác với điện ảnh, sân khấu là nơi giao lưu trực tiếp với khán giả, xử lý sao cho vừa phải, tăng hiệu quả mà không bị trần trụi, gợi dục là điều không đơn giản. Mặt khác, nếu sân khấu lạm dụng cảnh “nóng” để câu khách thì thật đáng buồn. Ngoài ra, sân khấu cũng đang tồn tại một vấn đề, đó là việc một số nam nghệ sĩ thường xuyên đóng những vai nữ trên sân khấu. Hiện tượng này xuất hiện nhan nhản trên sàn diễn. Điều nguy hại hơn là ở sân khấu thiếu nhi. Có thể, qua những vai nữ ấy, các nam nghệ sĩ muốn chứng minh một điều, họ là nghệ sĩ tài năng, có thể hóa thân trong nhiều nhân vật? Nhưng khổ nỗi, cái tài năng õng ẹo, đầy chất nữ tính ấy cứ xuất hiện liên tục trên sàn diễn thì quả thật đáng lo ngại. Nhiều phụ huynh có con em yêu thích các thần tượng nam nghệ sĩ chuyên sắm vai nữ, tỏ ra băn khoăn: trẻ nhỏ thường hay bắt chước, vô tình biến cháu thành một người “nam không ra nam mà nữ không ra nữ”, sau này sẽ rất khổ!...” (Bài viết “Thấy gì ở sân khấu hôm nay?” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

“...Không như những gì qua thông tin mà Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 phía VN từng cho biết, trung tâm báo chí, nhà hát Crown Convention, Diamond Bay resort (khu lưu trú dành cho 80 thí sinh và các quan chức) chỉ gây ấn tượng duy nhất là to lớn. Thay vì thực hiện 7.500 chỗ ngồi như dự tính ban đầu, nhà hát đang xây dựng được nâng số ghế ngồi lên 8.000 chỗ. Cảm giác chung của những người được vào tham quan Crown Convention là choáng ngợp bởi khán phòng rất rộng. Dẫu vậy, bên cạnh sự choáng ngợp đó là nỗi lo ngại tiến độ hoàn thành không kịp. Bởi khi cuộc thi đã bắt đầu, giới truyền thông nước ngoài đã đổ xô về VN để theo dõi cuộc thi nhưng một vài hạng mục vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Dù nhà hát đã làm lễ khánh thành nhưng bên trong khán phòng còn ngổn ngang vật liệu. Sân khấu trống hoác với một phông màu đen. Thảm đỏ lót sàn được cuộn tròn còn nằm trong góc. Đó là chưa kể, trung tâm báo chí xây dựng phục vụ cho một sự kiện tầm quốc tế, với hàng trăm nhà báo trong và ngoài nước nhưng chỉ được trang bị 6 máy vi tính; trạm điện thoại công cộng có 5 máy chưa nối mạng quốc tế (nhân viên điện thoại công cộng cũng chưa biết khi nào được nối mạng, với lời tiên đoán “chắc mai mốt sẽ có”)... Lãnh trách nhiệm đeo bám một sự kiện thu hút sự chú ý của hàng tỉ người trên thế giới, cánh phóng viên báo chí VN rất hăng say làm nhiệm vụ. Niềm hăng say ấy càng tăng lên bội phần khi MUO (Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008) tuyên bố “không có chuyện báo chí tác nghiệp”. Bằng con đường chính thống hay luồn lách, các phóng viên quyết chí “săn” cho được những tấm ảnh lạ, độc quyền. Chính vì thế, dù được mời tham dự những buổi tiệc với tư cách là một khách mời, không ít phóng viên vẫn cứ tác nghiệp với máy ảnh ở chế độ sẵn sàng ghi hình và máy ghi âm sẵn sàng bật mở để phỏng vấn... Một nhân viên của MUO đã dí dỏm rằng: “Sao các bạn lại chăm chỉ làm việc ngay cả khi được mời làm VIP. Sao không nhân sự kiện này để nâng tầm quốc tế cho chính mình”? (Bài viết “Bên lề cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008: MUO siết chặt kiểm soát” đăng trên báo Người Lao Động).

“...Nghe những nhận xét của hội đồng nghệ thuật trong đêm đầu tiên, thấy họ như đang chấm bài trong một kỳ thi tốt nghiệp và các thí sinh đã không hề có bất cứ một ý kiến phản hồi nào ngoài những câu cảm ơn và những nụ cười rất tươi. Đó chính là điều mà đêm đầu tiên của Sao Mai Điểm hẹn 2008 giống hệt những chương trình ca nhạc bình thường khác của VTV3 như Bài hát Việt, như Điểm hẹn âm nhạc…Năm nay, nhạc sỹ Ngọc Châu là nguời quá từ tốn và hầu như thí sinh nào anh cũng có một nhận xét đơn điệu: "Em đã chọn bài phù hợp với chất giọng của mình". Còn ca sỹ Thanh Lam như thể đã "mất lửa". Nếu theo dõi chị nhận xét các thí sinh ở vòng loại thì sẽ đặt nhiều hy vọng vào sự hóm hỉnh và cả những nhận xét chính xác của chị trong vòng chung kết. Nhưng đêm đầu tiên, chị thường xuyên ra dấu cho MC để từ chối nhận xét và những nhận xét của chị khá… tham khảo. Riêng nhạc sỹ Giáng Son đã thẳng thắn hơn. Dẫu vậy, chị đã quá nặng về chuyên môn và kỹ thuật hát. Những thứ đó rất cần, nhưng không phải là tất cả với các thí sinh trong cuộc thi hát như Sao Mai - Điểm hẹn. Còn nhớ, trong cuộc họp báo trước khi diễn ra vòng chung kết Sao Mai - Điểm hẹn 2008, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra với ban tổ chức về hội đồng nghệ thuật. Và câu hỏi được đặt ra là tại sao không có một người làm việc trực tiếp trong công nghệ showbiz, hay một nhạc sỹ đến từ thị trường âm nhạc lớn nhất cả nước là TP HCM để họ có được những nhận xét tốt nhất, phù hợp nhất trong tình hình xu hướng âm nhạc hiện thời của giới trẻ, giúp các ca sỹ dễ hòa mình vào với đời sống âm nhạc sau cuộc thi hơn?...” (Bài viết “Sự “yếu ớt” của hội đồng nghệ thuật Sao Mai - Điểm hẹn 2008” đăng trên báo Công an Nhân Dân).

“...Blog đang trở thành những "nồi lẩu" thông tin và những người ngồi nhậu vô cùng ưa thích những thông tin giật gân, đụng chạm đến đời riêng của người khác. Và nó đã phát huy tác dụng khi có những kẻ mang tà tâm đến với blog. Có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, hoặc được bóp méo theo ý muốn của người viết. Blog sẽ trở thành một vòi bạch tuộc khát máu nếu chủ nhân của nó có ý đồ đen tối trong việc hạ nhục một ai đó....Trên blog, chỉ việc gõ lên những gì mình thích và thỏa mãn với việc người khác sẽ "dính đòn", họ đang dùng một việc làm thiếu minh bạch để phanh phui những việc thiếu minh bạch khác. Về cơ bản, họ làm không vì mục đích cứu giúp ai đó mà chỉ để thỏa mãn những tư thù của mình mà thôi. Blog cũng dành cho những người thiếu tự tin. Trong một công ty, khi thấy đồng nghiệp vượt lên, tạo được uy tín và được sự tín nhiệm của lãnh đạo, ngay lập tức những nhân viên thiếu năng lực sẽ trút tức giận và lòng đố kị lên blog. Thực chất điều này là dễ hiểu và nó thường xuyên xuất hiện trong suy nghĩ của rất nhiều người trong đời sống công sở. Thậm chí từ xa xưa, những điều đó đã được ghi đầy trong những trang nhật ký đau khổ. Nhưng việc viết blog để tìm những đồng minh và xoa dịu nỗi đau thua cuộc của mình thì lại là việc khác. Sẵn sàng dựng chuyện để thóa mạ người khác lại là điều khác nữa. Khi ấy, nó lại thuộc về nhân cách của người viết. Chỉ vì lòng đố kị và sự thua kém mà sẵn sàng đạp bỏ tất cả, phủ nhận mọi thành quả của người khác và sẵn sàng dựng lên những câu chuyện không có thật làm tổn hại người khác. Đó là thực tế đã và đang diễn ra. Đáng tiếc thay, nó đang ngày càng nhiều lên. Blog bẩn hay sạch, chính xác hay nhảm nhí hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng nó. Nhưng blog ở Việt Nam đang giống như một số đám đông, có một vài kẻ luôn thích làm thủ lĩnh ảo, hô hào mọi phong trào. Nhìn những blogger ngây thơ bị hiệu ứng của tâm lý đám đông tác động đã sẵn sàng vào cuộc trong những chuyện biểu tình, lên án, đòi hỏi… mà bất chấp pháp luật, với niềm tin ngây thơ rằng, người khác làm vậy thì mình cũng làm được mà quên mất rằng, chính những kẻ to mồm nhất trên blog sẽ là những kẻ im lặng và đứng trong góc tối nhất của cuộc biểu tình. Và khi có một biến động, ngay lập tức "bang chủ" ấy sẽ biến mất. Và đám đông bơ vơ ấy sẽ phải trả giá vì niềm tin ngây thơ của mình...” (Bài viết “Blog và những "bàn nhậu thông tin" đăng trên báo Công an Nhân dân).

Cuốn sách có cái tên khá giật gân nhưng chỉ là một tập hợp mỏng những bài báo, cả những lời điếu văn chia buồn, phần lớn yếu về tư liệu, cực kì cẩu thả về văn phạm, diễn đạt; chưa kể những sự khó hiểu khác về nội dung, tư tưởng. Có lẽ “bí mật” của vụ việc này nằm ở chỗ làm thế nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra 3200 cuốn sách như thế - với một nhà xuất bản uy tín như NXB Văn học....(Bài viết “Khó hiểu “Nguyễn Đình Thi bí mật cuộc đời” đăng trên báo Tiền Phong).

“...Kể cũng lạ, báo chí cứ ra rả rằng Việt Nam thiếu các nhà phê bình điện ảnh mà không biết họ ở đây trong rạp đấy thôi. Tuổi của họ thường là trẻ, dáng ngồi của họ thường là vắt chân lên ghế trước (một số người cá biệt còn đạp), khẩu hình của họ thường là bèn bẹt theo chiều hạt dưa, hoặc nhóp nhép theo chiếc kẹo cao su đang lộn nhào trong miệng. Ngôn ngữ phê bình của họ thì rất phong phú: có đủ cả sinh ngữ thuần văn hóa lẫn thuật ngữ trong giải phẫu cơ thể người. Phương pháp lý luận của họ cũng rất đa dạng. Họ có thể bình luận cảnh cô Kiều (diễn viên Trương Ngọc Ánh, phim Sài Gòn Nhật Thực) đang quay lưng tắm theo phương pháp ngoại suy, kiểu “cảnh này quay từ đằng trước chắc chắn đẹp hơn”, hoặc cảnh Hằng Nga (diễn viên Thanh Thúy, phim Vũ Điệu Tử Thần) nhảy trong quán bar bí mật theo phương pháp tổng hợp, kiểu: “Úi giời, có cả lắc mông như Mỹ lẫn múa bụng như Ả Rập.”...(Bài viết “Văn hóa rạp” đăng trên Tạp chí Sành Điệu).

“...Những bộ phim có số tiền đầu tư lớn để kỷ niệm những ngày lễ phần lớn đều đã gây tranh cãi về nội dung: Ký ức Điện Biên (15 tỷ), Cầu ông Tượng (gần 10 tỷ đồng), Trung úy (6 tỷ đồng)... cái chính là đầu tư cho những bộ phim này nhiều, nhưng lại không có hiệu quả về mặt phát hành. Chúng chỉ được chiếu với số buổi rất "khiêm tốn" ở các rạp thành phố (vì không có người xem) nhân đợt kỷ niệm. Sau đó, có phim được đưa về chiếu ở các địa phương, nhưng có phim đành xếp kho! Đây là một lãng phí không chỉ về tiền bạc, mà buồn hơn là khiến những người nghệ sĩ tâm huyết không khỏi nản lòng! Không ít khán giả đã đặt câu hỏi với các nhà làm phim: Nếu làm phim không hay thì có trả lại tiền cho dân? Các vị giám đốc làm phim thì một mực tuyên bố "chịu trách nhiệm về chất lượng phim". Nhưng khi phim hoàn thành, có lẽ cả hai ông giám đốc hãng phim "ôm" các dự án phim lịch sử 1.000 năm Thăng Long đã... về hưu rồi!...” (Bài viết “Về đâu những bộ phim tiền tỷ?” đăng trên báo Phụ Nữ Tp.HCM).

Bảo tàng Lâm Đồng vừa đem về trưng bày chiếc trống đồng Đông Sơn lần đầu tiên được phát hiện ở Lâm Đồng. Chiếc trống do ông Nguyễn Văn Vinh (thôn 2, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) tình cờ phát hiện trong lúc làm vườn cách đây hai tuần. Qua giám định, mặt trống đồng có đường kính 55cm, hoa văn trang trí có 2 vòng chim lạc và nhiều hoa khác đã bị mờ, ngôi sao ở giữa mặt trống có 12 cánh và thân trống có 4 tai nhưng đã bị vỡ nên không xác định được chiều cao. Theo Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng (Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện KHXH vùng Nam bộ), đây là chiếc trống đồng Đông Sơn Herger loại I và có niên đại cách đây 2.000 năm. (Tin "Lâm Đồng:Phát hiện trống đồng Đông Sơn có niên đại 2.000 năm" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

"...Có dịp xem bản phim Sex and the city mà nhà nhập khẩu là Công ty Thiên Ngân chiếu cho các nhà báo xem trước khi phim ra rạp, sẽ thấy nó... không giống với bản phim đang được trình chiếu chính thức ở các rạp trong cả nước, nói cụ thể là bản mà các nhà báo được xem "nóng" hơn. Đem thắc mắc này hỏi bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, đại diện Công ty Thiên Ngân, bà thừa nhận: "Bản mà công ty chiếu cho các nhà báo xem là bản chưa cắt, vì lúc chúng tôi đem chiếu thì bản cắt theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim chưa chuẩn bị xong. Vả lại chúng tôi cũng muốn chiếu nguyên bản để thăm dò ý kiến của các nhà báo. Cũng có vài nhà báo cho rằng phim có một số cảnh "nóng" quá, không phù hợp với rộng rãi khán giả. Còn bản chiếu rạp là bản mà chúng tôi đã cắt bớt những cảnh nóng theo đề nghị của Hội đồng duyệt phim". "Đã cắt, nhưng vẫn phải cấm khán giả dưới 16 tuổi?". "Đúng vậy, chúng tôi chấp hành yêu cầu của Hội đồng duyệt". Quả là bất ngờ. Đã hạn chế một đối tượng khán giả nào đó thì đừng cắt, mà đã cắt thì đừng hạn chế, nếu bộ phim không vi phạm những "điều cấm" của Luật Điện ảnh. Chứ vừa cắt, vừa cấm như Sex and the city, thì đối tượng bị "cấm" không được xem phim đã đành, mà người được xem lại ngơ ngác: "Thế này thì có cái gì mà phải cấm?"." (Bài viết "Thấy gì từ bộ phim "cấm khán giả dưới 16 tuổi"? đăng trên báo Thanh Niên).

2 nhận xét:

  1. Ngồn ngộn những vấn đề tưởng b�nh thường m� qu� lớn. Chất lượng quản l� của VN m�nh qu� tồi.

    Trả lờiXóa
  2. �i, ko c� b�nh luận đọc buồn hẳn! :(

    Trả lờiXóa