Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

Diễn biến hòa bình

Bài này được copy lại từ Blog của bác Đông A.

Diễn biến hòa bình
Ngày 14-10-2007, ông Michalak, Đại sứ mới được bổ nhiệm của Mỹ tại Việt Nam, phát biểu trước cộng đồng người Mỹ gốc Việt về những ưu tiên của ông tại Việt Nam. Trong buổi nói chuyện của mình, ông Michalak có nói: "Hãy tưởng tượng, trong vòng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy không chỉ tiền của chúng ta đầu tư tại Việt Nam tăng lên mà có thể chúng ta sẽ thấy 75% thành phần chính phủ Việt Nam tốt nghiệp tại Hoa Kỳ", và không hề giấu giếm mục đích "sẽ có lợi cho Việt Nam phát triển và đi đến dân chủ hơn". Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức công khai chiến lược diễn biến hòa bình tại Việt Nam thông qua lời phát biểu của ông Đại sứ.

Ngày 23-10-2007, ông Nông Đức Mạnh làm việc với Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác cán bộ, trong đó có bảo vệ chính trị nội bộ. Đây có thể coi là động thái đầu tiên của Việt Nam trước lời tuyên bố của ông Michalak. Chiến lược của Việt Nam được ông Nông Đức Mạnh phát biểu qua tường thuật của báo chí như sau: "Xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, con em những gia đình có công với cách mạng." Lời phát biểu này mang phong cách công thức và tu từ, nhưng nội dung cơ bản của nó có thể hiểu là chiến lược công tác tổ chức lãnh đạo của Việt Nam sẽ dựa vào con em các gia đình lãnh đạo cốt cán của Đảng. Đây có lẽ là đối sách của Việt Nam trước chiến lược diễn biến hòa bình mới của Mỹ. Tuy lời phát biểu của ông Nông Đức Mạnh mang tính công thức, nhưng ở đó người ta cũng không thấy nhắc đến hai lực lượng lớn trong xã hội Việt Nam là nông dân và trí thức. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo tương lai của Việt Nam sẽ không có xuất thân từ nông dân và trí thức, theo như lời phát biểu của ông Nông Đức Mạnh. Nông dân và trí thức vốn không phải là lực lượng cách mạng nòng cốt theo quan điểm giai cấp, tuy nông dân ở Việt Nam là lực lượng lao động lớn nhất và cũng là nguồn cung cấp lực lượng cho giai cấp công nhân, còn trí thức tuy chỉ là một giai tầng trong xã hội nhưng lại là lực lượng tinh hoa của xã hội.

Năm mươi năm trước Ngoại trưởng Mỹ Dulles có 3 bài phát biểu quan trọng trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, trước Phòng Thương mại Bang California và trong buổi tiệc trao giải của Hội Luật gia Bang New York, chính thức tuyên bố chiến lược diễn biến hòa bình đối với khối các nước Xã hội Chủ nghĩa lúc đó. Mao Trạch Đông đặc biệt quan tâm đến 3 bài phát biểu này của Dulles. Cụm từ "hòa bình diễn biến" được Mao chính thức đưa ra để chỉ chiến lược của Hoa Kỳ thông qua các bài phát biểu của Dulles. Tháng 11-1959 Mao Trạch Đông có cuộc gặp mặt với Chu Ân Lai, Bành Chân, Vương Giá Tường và Hồ Kiều Mộc để phân tích và bàn thảo về các bài phát biểu của Dulles. Tháng 12-1963 Mao Trạch Đông có bài viết về "Chung sống hòa bình - Hai chính sách trái ngược nhau" trên Nhân dân nhật báoHồng kỳ, phê phán đường lối lãnh đạo của Khrushchev, và đồng thời nhắc lại mối hiểm họa của diễn biến hòa bình mà Dulles từng phát biểu. Mao vạch rõ đường lối của Khrushchev sẽ rơi vào bẫy của diễn biến hòa bình và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô theo hướng cải tổ của Khrushchev sẽ thất bại. Ba mươi năm sau lời tiên đoán của Mao Trạch Đông đã trở thành sự thực.

Sách lược diễn biến hòa bình của Mỹ đối với Việt Nam sẽ được thực hiện qua các giai đoạn như thế nào? Truyền thông Việt Nam có phải là đối tượng sẽ được sử dụng một cách có chọn lọc trong sách lược và chiến lược này? Đối sách của Việt Nam sẽ phải như thế nào?

Huntington trong cuốn sách của mình "Sự va chạm giữa các nền văn minh" có nói về chính sách toàn cầu của các nền văn minh, trong đó tiên đoán nền văn minh Trung Quốc sẽ cạnh tranh đối đầu với nền văn minh phương Tây mà Hoa Kỳ đóng vai trò lĩnh xướng. Quốc gia nào sẽ đóng vai trò tiên phong ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc xuống phương Nam, đặc biệt là Biển Đông. Huntington chỉ ra có hai quốc gia quan trọng trong vùng là Indonesia và Việt Nam, trong đó Indonesia tuy đông dân số, và có nền văn hóa Hồi giáo, nhưng lại ở xa, và do đó hẳn Việt Nam được nằm trong tầm ngắm trong chiếc lược toàn cầu của Mỹ. Một Việt Nam thân thiện và là đồng minh tin cậy của Mỹ hẳn là một điều mơ ước của các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ. Do đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Đại sứ Hoa Kỳ tuyên bố chiến lược diễn biến hòa bình tại Việt Nam. Viễn kiến 75% thành phần chính phủ Việt Nam tốt nghiệp từ Mỹ, một bản sao hay một tái bản lại chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là một hoạch định chiến lược để thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Đông Nam Á. Chiến lược này hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Đối đầu với Trung Quốc là một nguy hiểm lớn đối với Việt Nam. Trong ván bài chiến lược toàn cầu này Việt Nam không thể không chơi, mà trái lại bắt buộc phải chơi và chủ động chơi. Bế quan tỏa cảng, ngừng gửi người sang tu nghiệp ở Hoa Kỳ sẽ là một sai lầm trầm trọng. Phải chủ động trong ván cờ diễn biến hòa bình và cố gắng thu được lợi nhiều nhất trong diễn biến này. Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng thực tiễn dường như không thấy có cơ sở vững chắc để có thể tin chắc rằng Việt Nam có thể hưởng lợi. "Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn."

Trong lịch sử Việt Nam chỉ có kinh nghiệm và truyền thống Hán hóa và giải Hán hóa. Mỹ hóa và giải Mỹ hóa là những vấn đề xa lạ, và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm đối với Việt Nam, tuy Việt Nam có chút kinh nghiệm đối đầu chiến tranh với Mỹ. Điều này lý giải tại sao Việt Nam có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc rất nhanh, trong vòng một thập niên, trong khi đó bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ phải mất đứt hai thập niên. Hiện tượng Mỹ hóa đang xâm nhập rất mạnh mẽ vào Việt Nam trên tất cả các bình diện của xã hội và văn hóa. Đơn cử ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, việc chuyển đổi hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm là một hiện tượng Mỹ hóa, và được các nhà lãnh đạo giáo dục từng tu nghiệp ở Hoa Kỳ thúc đẩy. Giải Mỹ hóa là một vấn đề thách thức và nan giải đối với Việt Nam. Việt Nam đã từng có ít nhất hai lần thất bại trong cố gắng Mỹ hóa và giải Mỹ hóa. Một thời kỳ chống Pháp sau Cách mạng tháng 8 cố gắng liên kết của Hồ Chí Minh với Mỹ đã thất bại. Một trong thời kỳ chiến tranh cố gắng giải Mỹ hóa của Ngô Đình Diệm cũng thất bại. Nước Mỹ vẫn là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời rõ ràng trong kinh nghiệm và truyền thống của Việt Nam.

Sự tê liệt các cơ quan kiểm soát và các tổ chức cơ sở của Việt Nam là một mối lo ngại lớn trong diễn biến hòa bình. Điển hình của sự tê liệt này là ví dụ câu trả lời của ông bí thư Đảng bộ PMU18: "Trước khi bị bắt anh ấy là một Đảng viên tốt" hay hệ thống kiểm soát truyền thông đã bất lực trước hồi Đại hội X. Sự tê liệt các tổ chức cơ sở là điều kiện tốt để diễn biến hòa bình xâm nhập ngay từ cơ sở, còn hệ thống kiểm soát truyền thông bị tê liệt sẽ dẫn đến những lũng đoạn truyền thông, là cơ hội cho diễn biến hòa bình. Ví dụ nếu kiểm soát truyền thông bị tê liệt, có khả năng một phong trào chống Trung Quốc qua vấn đề Hoàng Sa được dấy lên như xảy ra trên mạng internet chẳng hạn, đẩy Việt Nam vào thế đối đầu với Trung Quốc, mà bản chất vấn đề Hoàng Sa cũng không giải quyết được.
Bài viết mới được cập nhật ngày 22/11/2007 do bác Đông A có update thêm đoạn cuối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét