Thứ Ba, 26 tháng 12, 2006

Người không có nhiệt tâm


Vừa lên bốn đã là nạn nhân của chiến tranh Việt Nam và phải phấn đấu vượt lên trên bệnh tật và định mạng, vẫn ngồi suốt trên xe lăn, hơn hai mươi năm sau Nguyễn Loan Brossmer đã trở thành phóng viên. Nhân dịp Robert S. McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Đức, nhà báo đã viết thư đề nghị có một cuộc phỏng vấn, và McNamara đồng ý nên đã có hẹn. Nhưng ông ta không ngờ, khi chạm trán mới “vỡ lẽ” phóng viên là một chàng trai Việt Nam, nạn nhân của cuộc chiến tranh tội ác mà ông ta đã một thời là người đạo diễn. Hoảng hồn, ông ta từ chối thẳng thừng.

Sau đây là những cảm nghĩ của phóng viên hôm đó, đăng trên tạp chí Focus của thành phố Munic ngày 18/9/1995:

Có lẽ người ta chỉ có thể chịu đựng và giải thích được số phận bằng nhiệt tâm, bởi vì nếu nhiệt tâm không phải nguyên nhân chính, mọi điều xảy ra chỉ còn là một sự điên rồ.

Cũng như ngày ấy, hơi nóng trong địa ngục xanh ngột ngạt đến mức chỉ sau vài giây, lưng áo kaki của các chàng trai đã thấm đẫm mồ hôi. Tháng 5/1962, một người đàn ông tóc chải ngược mang kính không gọng, bước vào khu rừng. Bộ mặt ông ta là bộ mặt của người không bao giờ sai lầm. Cặp mắt ông ta lạnh lẽo và chính xác như một con diều hâu trước lúc vồ mồi. Không ai còn cảm thấy cái nóng 40 độ thiêu đốt nữa. Trong giây lát, bầu không khí như đông cứng lại. Mọi người có mặt đột nhiên cảm thấy trong cơ thể mình, ngoại trừ cái đầu, không có bộ phận nào khác, kể cả một thứ vẫn thường được gọi là trái tim. Ở một số người, trái tim lạnh lẽo cũng là bản chất đặc trưng hệt như những đường vân trên ngón tay họ vậy. Người mới đến cũng nằm trong số hiếm có đó. Đây là lần đầu tiên ông ta đến thăm Việt Nam. Nhiều năm sau đó, nhà văn Neil Sheehan, vừa đoạt giải Pulitzer, nhớ lại: “Sử dụng vẻ tự phụ ngờ nghệch của mình để làm an lòng tướng lĩnh, (nguyên) Bộ trưởng Quốc phòng McNamara chính là hiện thân của thói xấc xược trong giới chính khách cầm quyền”.

Giờ đây, Robert S. McNamara, người nổi tiếng nhất trong số tất cả các cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ lại xuất đầu lộ diện. Ông lão xuôi ngược khắp thế giới, đến Bec-lin, Hà Nội, Mát-xcơ-va. Ở nơi nào, ông ta cũng phát biểu hùng hồn, nhưng hễ khi có người chất vấn là ông ta lại biến mất. Đã có thời, McNamara, rải chất độc màu da cam lên đất của đối phương, nhưng giờ đây ông ta lại tự coi mình là sứ giả hòa bình - ít ra kể từ tháng tư năm ngoái, khi ông ta tung ra cuốn sách In retrospect (Hồi tưởng) công bố những đánh giá của ông ta về chiến tranh Việt Nam. Một câu trong cuốn sách đó đã bay đi khắp thế giới: “Chúng ta đã sai lầm, hoàn toàn sai lầm”

Mới đây, tôi có gửi cho Mc Namara một bức thư hẹn gặp nhân dịp ông ta đến dự một cuộc hội thảo hòa bình ở Béc-lin. Thường thì người ta không viết thư cho những kẻ người ta coi là tội phạm và giết người. tuy nhiên, tôi có lý do riêng: sinh năm 1964 ở Huế, một thành phố miềng Trung Việt Nam, người ta đã đưa tôi đi Đức vì tôi là nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Tôi đã cho rằng cần nói chuyện với McNamara để cả hai chúng tôi có thể quên đi quá khứ. Tất nhiên trước hết, tôi phải chửi cho ông ta một một trận. Sau đó, tôi sẽ rộng lượng tha thứ cho ông ta, điều mà chỉ các nạn nhân mới có quyền làm. Phóng viên nhiếp ảnh đi cùng hết sức nóng lòng chờ đón giây phút chụp được cảnh hai chúng tôi ôm hôn nhau.

Ở Béc-lin cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài đúng hai mươi giây, không hơn không kém. Tôi ngồi trong khách sạn Martitim chờ đợi ông ta. Rồi ông ta từ trên thang gác đi xuống, người thẳng đờ như khúc gỗ. Lần thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, ông ta lạnh lùng hủy bỏ cuộc phỏng vấn đã hẹn trước với tôi, với một lý do đưa ra là: “Tối nay tôi đi rồi”. Trước đó tôi đã quên mất rừng ông ta là người có thể làm mọi vật xung quanh đóng băng. Khi cái nhìn của ngày McNamara vĩ đại lướt qua tôi, bỗng nhiên tôi bừng tỉnh ra. Cái nhìn ấy giúp tôi hiểu nhiều về chiến tranh Việt Nam hơn là những gì tôi muốn biết.

Hồi tưởng là một cuốn sách tự thú kỳ quặc và không tưởng. McNamara đã phải dùng hết 400 trang giấy để giải thích về tai nạn của Mỹ ở Việt Nam cũng giống như một người vì lơ đãng mà mua lầm phải một chiếc xe hơi tồi. Ông ta ngắn gọn bào chữa cho “sai lầm thực thụ” của ông ta như sau: “Chúng tôi bận tối mắt tối mũi” và “đơn giản là” chúng tôi có quá ít thời gian để cùng nhau bàn bạc mọi vấn đề”.

Không, không hề có một lời xin lỗi. Chẳng cần ông ta phải tuyên bố hùng hồn, có lẽ chỉ nửa câu thôi cũng đủ. Ít ra, hai triệu người đã phải chết chi cuộc - chiến - tranh - như - mua - lầm - hơi ấy.

Có thể là ngày hôm nay, người ta không hề chờ đợi những lời thú nhận đó của McNamara. Vì thế, người ta đã bỏ qua cho ông ta một cách dễ dàng. Tất nhiên, trên báo chí Mỹ cũng có nhiều bài kịch liệt phản đối cuốn sách đáng ngờ của McNamara. Tuy nhiên, chẳng bao giờ chúng ta còn thấy lại phong trào mãnh liệt đấu tranh cho hòa bình hồi cuối những năm sáu mươi của thập kỷ này. Khi ấy, hàng trăm ngàn thanh niên đã xuống đườn biểu tình vì Việt Nam và công lý, hô vang tên Hồ Chí Minh; và khi ấy, những người xa lạ khoác tay nhau thề bảo vệ tình yêu, bảo vệ một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi tự hỏi không biết Mc Namara còn nhớ nhữn điều đó hay không ? Hay chúng đã vuột khỏi trí nhớ của ông ta mất rồi ?

Có một lần, ông ta phải đứng giữa vòng rào bảo vệ. Khi đó người ta phát hiện ra ngài tổng thống yêu quý Lyndon B.Johnson của ông ta phạm tội giết hại trẻ con. Năm mươi ngàn người đã hô vang trước Lầu Năm Góc: “Này, này, L.B Johnson, hôm nay ngàu đã giết được bao nhiêu đứa trẻ rồi ?” Kết cục có thể thấy rõ như lòng bàn tay: dù Mỹ có thắng được trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì cũng không thể nào thắng được công luận.

Nhà “lãnh đạo” vết thương Mỹ bản chất vẫn là một ông tướng như ai cũng biết. Trong bài phát biểu nhân dịp viếng thăm Béc-lin, ông ta thết lên trong micro như thể Việt Cộng đang đứng ngay ngoài cửa.

Lúc đó ông lão chỉ đơn giản muốn truyền đạt đến khán giả nhút nhát một bức thông điệp hoàn toàn vô hại. Trong mắt ong ta đó là một đề nghị hết sức sáng tạo. Nhà cách mạng McNamara kêu gọi: “Hãy loại trừ tất cả vũ khí hạt nhân!” Liếc nhìn người thông dịch, rồi ông ta lại gào lên, vừa buộc tội, vừa thuyết phục: “Và câu hỏi duy nhất của tôi hôm nay là, liệu có ai trong số các anh không đồng ý với lời kêu gọi của tôi không ?” Thấy chưa, ông tướng đâu có chờ đợi ai phản đối ông ta.

Ít có người dám phản đối ông ta: theo nguyên tắc này, ông ta không phải là nạn nhân mà cũng chẳng phải là người có lỗi. Giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ 1961 đến 1968, ông ta là người có quyền lực và sáng chói nhất dưới triều hai vị tổng hống John F.Kenedy và Lyndon B.Johnson.

Suốt một thời gian dài, mọi người chỉ bàn luận về cuộc chiến tranh của McNamara. Nhưng ngay cả vào năm 1967, khi nhà thiết kế cuộc chiến tranh đã hiểu ra rằng Goliah, gã khổng lồ, sẽ thua David, anh tí hon, ngày cũng đâu dám phản đối lại tổng thống của ngài. Ngài đã giải thích: “Kiểu trung thành như vậy là nhãn hiệu thương mại của tôi”. Liệu ngài có bao giờ nghĩ rằng còn có một lòng trung thành khác, lòng trung thành với nhân loại ?

Ông chủ của hãng xe hơi Ford, đại diện cho những thần đồng trẻ tuổi, tinh hoa trong những tinh hoa lãnh đạo, bao giờ cũng chỉ tin vào những con số và năng lực lý trí chứ không tin vào tình cảm.

Cụm từ “đếm xác chết” do ông ta chế tạo ra thực sự là đếm số xác chết của kẻ thù theo đúng nghĩa đen. Trong những chuyến bay thị sát từ Sài Gòn, ông ta đọc tiểu sử cac danh nhân, kể cả Paplo Picasso, trong khi chỉ vài giờ sau đó ông ta sẽ lạnh lùng đong đếm những tổn thất về người, vẻ bình thản cũng giống hệt như khi ông ta, trong vai trò ông chủ hãng xe hơi, tính toán việc sa thải hàng ngàn công nhân.

Kẻ đầy tớ tận tụy đã chấm dứt nhiệm vụ của mình trong nhục nhã. Năm 1968, tổng thống Johnson điều ông ta làm chủ tịch Ngân hàng Thế Giới (World Bank). Ngài chủ tịch nhận xét: “hắn ta là một lão thần kinh”. Còn McNamara lại nói: “tôi chưa bao giờ có ý định tự tử”.

Một cái đầu cứng rắn, một trái tim mềm yếu, một người luôn tính toán, một kẻ mê văn chương - tất cả những mâu thuẫn này chưa bao giờ làm phiền McNamara: “Một cái đầu cứng rắn và một trái tim mềm yếu không có gì là mâu thuẫn với nhau cả”. Sau tất cả, người ta thực sự bị sốc khi thấy những tính cách trái ngược này này cùng đồng thời tồn tại trong một con người.

“Có cái gì đó không ổn đối với ông ta:phong cách của ông ta gây được ấn tượng mạnh, toàn bộ tâm lực của ông ta là dành để thực thi nhiệm vụ, kẻ nào dám cản đường sẽ bị ông ta nuốt chửng... Ông ta mang trong mình mâu thuẫn phổ biến của thời đại đó:mâu thuẫn giữa những ý định tốt đẹp và khát vọng quyền lực”, David Halberstam, một trong những phóng viên chiến tranh đồng thời với thế hệ của Peter Arnett và Sheehan đã nhận xét như vậy về McNamara.

Với cuốn sách của mình, McNamara tin rằng ông ta có thể gấp chương sách nói về Việt Nam lại, cũng giống như một nhân viên kế toán kẻ một được gạch ngang từ trái qua phải dưới những cột số của mình.

“Hồi tưởng” sắp được bày bán ở Đức trong mùa sách sắp tới. Bìa sách trưng ra hình một McNamara đang nhe răng ra. Đó là nụ cười tính toán của một người chỉ muốn hiểu cuộc chiến tranh ấy theo lý trí, một cuộc chiến tranh trong thực tế đã đạt tới “tầm cỡ vĩ đại của Homer về nhiệt tâm và điên rồ” như tờ New York Times Book Review viết. Khi Robert S. McNamara rời khỏi Béc-lin lúc 7 giờ sáng ngày Chủ nhật, một người đàn ông thực sự không có trái tim đã chuồn mất.

(Nguồn: Tạp chí Thuốc & Sức khỏe số 70 ra ngày 15/6/1996)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét