Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Một vài kinh nghiệm nhỏ khi đi Trường Sa



Note này được viết theo yêu cầu của các anh (chị/em/bạn bè) sắp đi Trường Sa và cũng là để chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân trong chuyến đi Trường Sa vừa qua.

Được đi thăm Trường Sa là một trải nghiệm thú vị hiếm hoi mà không phải ai muốn cũng được. Theo con số mà quân chủng hải quân thông báo, năm 2012 là năm có nhiều đoàn tàu ra thăm Trường Sa nhất, chỉ có 18 đoàn  (mỗi đoàn khoảng từ 100 đến dưới 150 người). Thời gian tầu đưa đoàn ra thăm Trường Sa nằm trong khoảng từ tháng 2 đến giữa tháng 6 (được lính hải quân gọi là “mùa tàu”) do đây là thời điểm ít có giông bão, sóng yên, biển lặng. Thời gian còn lại (từ giữa tháng 6 đến sau Tết Âm lịch) thì Quân chủng Hải quân vẫn thường xuyên đưa tàu hàng ra tiếp tế (nước, thực phẩm…) và thay quân (chủ yếu vào tháng 8) cho 33 điểm đảo của Trường Sa nhưng gần như không có đoàn thăm.

Chương trình thăm quan của mỗi đoàn luôn khác nhau và thường được gói gọn trong vòng 10 ngày với 10 điểm đảo, nhà giàn DK và gần như bao giờ cũng có đảo Trường Sa Lớn. Theo quan sát của mình thì lính trên đảo chìm (Đảo Đá Nam, Đảo Đá Lớn, Đảo Thuyền Chài, Đảo Cô Lin, Đảo Len Đao, Đảo Tiên Nữ, Đảo Núi Le, Đảo Tốc Tan, Đảo Đá Đông, Đảo Đá Tây, Đảo Đá Lát và Đảo Đá Thị) bao giờ cũng vất vả và khó khăn hơn lính trên đảo nổi (Đảo Trường Sa, Đảo An Bang, Đảo Trường Sa Đông, Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Phan Vinh, Đảo Song Tử Tây, Đảo Nam Yết, Đảo Sinh Tồn và Đảo Sơn Ca) và đương nhiên là lính nghĩa vụ, hạ sỹ quan bao giờ cũng khó khăn hơn so với sỹ quan.

Trở lại với câu hỏi của hầu hết những người sắp đi Trường Sa: Mang theo những gì khi đi và có thể mang gì về đất liền?

Khi được thông báo chuẩn bị tham gia đoàn thăm Trường Sa, bạn nên hỏi kỹ những người phụ trách đoàn để nắm rõ tính chất của đoàn, thành phần của đoàn cũng như việc chuẩn bị của đoàn để sự chuẩn bị của cá nhân không trùng với chuẩn bị của đoàn để tránh lãng phí.

* Với những người có tiền sử bệnh cần thuốc đặc trị riêng thì việc chuẩn bị thuốc riêng để mang theo là điều bắt buộc, quân y trên tàu sẽ chỉ có thể đáp ứng một số loại thuốc thông thường mà thôi.

* Với thời gian 10 ngày trên tàu thì bạn có thể tự tính được lượng quần áo cần thiết phải mang đi theo yêu cầu của chính mình. Với cá nhân tớ thì chỉ cần 03 bộ quần áo dài và khoảng 05 bộ quần áo lót vì vẫn có thể tắm giặt hàng ngày trên tầu (tất nhiên, bạn luôn được khuyến cáo là cần phải sử dụng tiết kiệm nước). Ngoài ra, những vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt, kem đánh răng, dao cạo râu, dầu gội và dầu tắm…là những thứ mà bạn cũng nên chuẩn bị cho chính mình.

* Bạn sẽ được các chiến sỹ hải quân trên tàu phục vụ ăn uống chu đáo (04 bữa/ngày với suất ăn lên tới 176.000đ/ngày) nên nếu không phải là người kén ăn thì không có gì phải lo lắng cả. Bạn cũng có thể đem theo chè (trà), café hay rượu ngon để đối ẩm với bạn bè trên tàu khi ngắm biển buổi sáng hay ngắm trăng khuya J.

* Trong thời gian đi trên biển thì việc liên lạc qua điện thoại di động sẽ bị gián đoạn. Bạn sẽ chỉ có thể liên lạc được mỗi khi tàu gần đến khu vực đảo hoặc nhà giàn có lắp trạm BTS để thu phát sóng và bạn sẽ chỉ có thể sử dụng được mạng Viettel.

* Do yêu cầu di chuyển liên tục nên bạn sẽ được khuyến cáo mang dép có quai hoặc giầy đế bằng có buộc dây. Các thiết bị giải trí cá nhân nên nhỏ gọn để đỡ tốn quá nhiều diện tích (kindle, ipod, ipad….hoặc một vài cuốn sách mà bạn yêu thích). Máy ảnh và máy quay phim là những vật dụng bạn nên mang theo để ghi lại những khoảnh khắc mà bạn khó có điều kiện gặp lại. Và tốt nhất thì nên dùng loại có pin sạc, thời gian sử dụng lâu. Với máy ảnh thì sau thời gian đi Trường Sa về, tớ khuyến cáo bạn nên mang đi vệ sinh lại máy và ống kính để tránh hỏng hóc về sau do hơi nước biển xâm nhập.

          * Bạn cũng nên ghi chép lại lịch trình, cảm nghĩ hay cảm xúc của mình hoặc có thể đem theo 01 máy ghi âm để có thể ghi lại bất cứ những gì mình nghĩ trong những điều kiện ghi chép khó khăn.

          * Đời sống vật chất của những người lính đảo hiện nay đã khá hơn rất nhiều nhưng đời sống tinh thần thì đã và sẽ luôn luôn thiếu thốn. Có 04 thứ mà người lính đảo rất quý trọng là: Mưa (đem lại nước ngọt); văn công; thư nhà và rau xanh. Vì vậy,quà của các đoàn trong đất liền đem ra Trường Sa thường là sách báo, lương thực phẩm và bao giờ cũng phải có văn công. Bạn cũng có thể đem theo thẻ Viettel để tặng cho các chú lính trẻ trên đảo chìm.

          * Chỉ có các đảo nổi có diện tích lớn như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn là có các hộ dân sinh sống. Các hộ dân ra sinh sống ngoài đảo với thời hạn 05 năm và được bao cấp toàn bộ nên đời sống vật chất cũng không quá khó khăn. Nghe một vài thành viên trong đoàn đi gặp gỡ và nói chuyện với các hộ dân trên đảo cho biết thì bên cạnh việc trợ cấp và trả lương cho các hộ dân tham gia vào các công việc dân sự trên đảo ở mức trung bình từ 14 triệu/tháng/hộ thì các hộ dân cũng nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các đoàn ra thăm đảo cũng như của bộ đội trên đảo. Hiện nay đã có 03 ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng. Đợt vừa rồi trong đoàn của mình có 02 người của doanh nghiệp Xuân Trường cùng đi để tiến hành đo trắc địa nhằm chuẩn bị cho việc tiếp tục xây chùa ở trên đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết.

          * Hầu như ai đến thăm các điểm đảo của Trường Sa đều muốn mang về một thứ gì đó làm kỷ niệm như: Ốc, sò, quả (hoặc cây) bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp….thế nhưng người thì đông mà quà mang về thì ít. Nhiều trái bàng vuông còn chưa kịp già đã bị bứt khỏi cành để mang về đất liền. Vỏ ốc, vỏ sò cũng không phải luôn có sẵn trên đảo và để có được những chiếc vỏ ốc, vỏ sò đẹp thì những người lính trên đảo cũng đã phải gia công rất vất vả. Vậy thì có thể mang thứ quà gì về đất liền, ngoài những bức ảnh hay clip video mà bạn chụp? Có một vài gợi ý mà các thành viên trong đoàn đi của tôi đã thực hiện:

- Thông thường bạn sẽ được phát 01 cuốn sổ ghi lịch trình các điểm đảo mà bạn sẽ đến. Với cuốn sổ đó bạn có thể nhờ Trưởng đảo ký và đóng dấu ở mỗi điểm đảo mà bạn đến, cuốn sổ đó sẽ là một kỷ niệm tinh thần thú vị. Trong trường hợp không được phát thì bạn cũng có thể tự tạo cho mình 1 cuốn sổ như thế chứ nhỉ? J
- Hay một hình thức khác tương tự thế như: Một vài thành viên của đoàn của tớ đã lấy 01 chiếc áo đồng phục của đoàn ra và xin chữ ký của các anh lính trên đảo, ghi rõ ở đảo nào…01 chiếc áo có chữ ký tặng của những người lính trên các điểm đảo nơi bạn đi qua cũng là một kỷ niệm tinh thần đáng quý.
          - Trên đảo Trường Sa Lớn có 01 ngôi chùa và vị trụ trì cũng là người viết chữ thư pháp khá đẹp. Bạn có thể kiếm 01 viên đá san hô (ở trong Nhà khách Thủ Đô trên đảo có sẵn, hoặc bạn có thể nhờ những người lính đảo kiếm giúp ở ven bờ kè) và nhờ sư thầy viết chữ, đóng dấu của chùa trên viên đá đó. Đây cũng là một món quà tinh thần khá độc đáo. Hoặc bạn có thể chuẩn bị sẵn từ nhà một tờ phướn có ghi 14 lời răn của Phật (hay đại loại thế) rồi nhờ sư thầy trụ trì ký tặng, đóng dấu.
         
Tạm thời nhớ có thế thôi, mời các anh chị và các bạn đi trước có thêm kinh nghiệm gì thì bổ sung vào cho phong phú. Hoặc các anh chị (hay các bạn) có câu hỏi gì thêm thì cứ mạnh dạn hỏi, biết đến đâu xin trả lời đến đó.