Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Chết giập mõm

(Truyện này được copy nguyên văn từ Note của bác Thần Gió trên Facebook).

Khoảng tháng 8 năm 93, mình nhận được một bản fax đơn đặt hàng máy kinh vỹ dài mấy trang giấy. Người gửi cho mình là anh K, một đối tác của mình ở VN. Trị giá lô hàng gần 300 ngàn đô la Mỹ. Từ trước đến giờ mình chuyên oánh vòng bi, thuốc tây, ni ken về. Lần này mặt hàng tuy có hơi lạ, nhưng mình nghĩ: “Cái đéo gì múc về chả được, miễn là ra hìu”. Ngay như anh bạn mình chuyên oánh rượu sâm panh, vừa rồi còn hí hửng kiếm được đơn đặt hàng 2000 khẩu k59, kiếm cũng kha khá.

Lại nói về anh K, nguyên là sỹ quan quân đội. Năm 87 anh đang 29 tuổi đeo lon thiếu tá rồi phá ngang, về làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty thương binh nặng. Anh trẻ tuổi, có tài buôn bán, rất được ông giám đốc trọng dụng, người mà thời ấy báo chí tốn không ít giấy mực để ca ngợi gương mặt điển hình tàn mà không phế. Một chuỗi cửa hàng bán lẻ của công ty được thiết lập trên những mảnh đất ven đường mà chưa có chủ. Tất nhiên là không phải mua, có mua cũng chẳng ai bán. Công ty thiếu gì thương binh nặng, cả tiểu đội cứ ra đấy mắc võng, đào bếp Hoàng cầm, lúc thì hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân, khi hô xung phong váng trời. Bố bảo chả có cán bộ nào dám xách nhiễu. Vài hôm thì tiểu đội ấy rút, nhường chỗ cho một căn nhà tạm mọc lên. Lúc nào có biến lại thấy ba lô con cóc, lá ngụy trang xanh rì, chống gậy hành quân đi bảo vệ cứ điểm. Hệ thống rạp cót ép chiếu video chưởng cứng, chưởng mềm dọc theo con đường Nguyễn Trãi và khu vực Gia Lâm cũng chính là sản phẩm của anh K. Đang là một thiếu tá lương 3 cọc 3 đồng, vợ đẻ còn phải phi vào Thanh Hóa buôn lạc ra HN bán kiếm sữa cho con, bỗng nhiên xe máy 81 kim vàng giọt lệ chạy vè vè, tiền toàn dùng “vé”, đổi bộ quân phục sang bộ bò Levis đóng ở phố Hà trung, giầy thể thao cao cổ Tiệp khắc mầu trắng, thật là con người của thế giới thượng lưu.

Mình vô cùng nể và khâm phục anh K. Có thể nói, lúc ấy anh là thần tượng của mình.

Lại quay về chuyện của mình. Rời quân ngũ mình sang ngay nước Nga. Học thì ít đi kiếm ăn thì nhiều. Đang từ một thế giới toàn súng đạn và chém giết, sang một thế giới gái đẹp có thể thơm chó trên tầu điện. Từ một đất nước đói vàng mắt lúc nào cũng chỉ mơ được ăn thịt một bữa cho nhờn mép, sang một đất nước trứng gà là thứ rẻ rúng chẳng ai thèm ăn, thì có cái gì múc được về nhà mà không có lãi cơ chứ. Đầu những năm 90, bàn là hoa dâu, nồi áp xuất nắp ngoài nắp trong không còn là món hàng lợi nhuận cao. Nhưng thề có Chúa trên trời, có lão Đoàn, lão Chương, lão Sowntt làm chứng, mấy cái loại thuốc chuyên chữa lậu với giang mai như Lanh cô mi xin, Tờ ri khô pôn, hay mặt hàng đặc chủng khác như vòng bi, phụ tùng ô tô kamaz oánh được về nhà mà không lãi gấp 3 thì mình là con chó. À, mà có là chó thì chó Tây nhé, để gái Tây nó còn thơm. Chó ta toàn ăn cứt, kinh bỏ mẹ!

Anh K ở nhà chuyên bán hàng giúp mình. Giá cả thì không phải nghĩ, bao giờ anh cũng bán được giá đắt nhất và róc hàng. Hàng cứ về đến nhà đã thấy con buôn ôm tiền đến đợi lấy, bia kèm đậu phụ cũng mua, hàng họ sứt mẻ phế phẩm tí cũng không hề hấn gì. Đấy là nhờ tài buôn bán của anh K.

Cho nên khi mình nhận được cái đơn đặt hàng này, mình không khỏi rên lên vì sướng. Lô hàng này mua chỉ hết cỡ 100 ngàn đô, về bán được 300 ngàn, lãi một cục. Chí béo là cái cục cứt, bố mày cũng sắp ngồi vào hàng Soái ở đất Matxcova rồi đây này.

Thực ra vài trăm ngàn đô bây giờ thì chỉ là tiền tiêu vặt của khối vị, nhưng thời đó, trăm ngàn là lên soái. Soái của các loại soái là Chí béo, chuyên oánh hàng Ba lan, gia tài thấy đồn khoảng 200 ngàn. Cái loại Vượng vincom, Chi Liêu, Sơn cá rán… là trẻ trâu đéo biết đang khóc nhè ở bãi cỏ nào trên đất nước Nga rộng lớn kia. Gia tài của mình lúc ấy có độ 3 chục ngàn. Cũng là khiếp phết rồi đấy.

Trước đấy mấy năm, lúc còn ở bộ đội, mình khao khát tài sản sau này có khoảng 20 ngàn đô. Mua 1 chiếc xe máy DD đỏ chói mất hơn 2 ngàn, còn lại mua một cái nhà nhỏ, thoát khỏi căn hộ 12 m vuông cho 5 thành viên là thành thần tiên đéo phải làm gì, phóng xe máy chở gái rong chơi đến già.

Cái ao ước có một chiếc xe máy chở gái cũng là một kỉ niệm buồn. Dạo đó mình chợt phát hiện mình chưa biết biển là gì. Mình gọi mấy cậu bạn thân lại hỏi:

_ Chúng mày ra biển chưa?

_ Chưa. Hồ to lắm hả.

_ Mai nhỡ thằng nào dẫm phải mìn, dính quả pháo của Tầu mà đi thì sao? Phải biết biển là gì đã rồi chết mới không tiếc.

_ Thì đi xem biển.

Vậy là 3 thằng bọn mình ôm mấy cân gạo sấy, cắt rừng tránh trạm kiểm soát, lội bộ ra thị xã bắt xe về HN rồi leo lên tầu chợ trốn vé đi Hải phòng.

Từ Hải phòng đi tiếp Đồ sơn bằng xe khách. Vụ hải chiến năm 88 vẫn còn nóng hổi, nên cánh lính hải quân vùng 3 luôn được ưu tiên đi không mất vé. Đấy là bà buôn ngồi cạnh mình mách thế. Ba thằng bọn mình xách cái ba lô lộn đựng gạo sấy, áo quần bẩn thỉu tả tơi rách nát, quân hàm quân hiệu không có, xưng là lính kể cũng khó tin. Cánh hải quân trông phong độ hơn nhiều, áo trắng quần tím than khác hẳn cái mầu mốc đá của bọn mình.

Tay phụ xe nhìn bọn mình rồi cũng e hèm: “Ba thằng em cho anh xin tiền vé”

Mình bảo: “Bọn em là lính, anh cho đi nhờ nhé”

Tay phụ xe vằn mắt: “Lính tráng đéo gì mấy thằng đồng nát. Lấy vé đi.”

Mình tiếp: “Bọn em lính chốt. Mà anh biết đéo gì về lính chốt nhỉ. Bọn em đéo có tiền đâu, nhưng có cái này trả thay tiền vé. Lính chốt mà.”

Mình nói rồi mở hé ké cái miệng ba lô lộn ra. Tay phụ xe nhìn vào, thấy bốn năm quả na xanh rì, lạnh ngắt vội cười tươi như hoa: “Xin lỗi, xin lỗi các chú, luật bất thành văn ở tuyến này là bộ đội được đi miễn phí”.

Thế là xuống được Đồ sơn. Trên xe còn được mấy bà già giúi cho cái bánh khi nghe mình nổ về tình hình chiến sự nơi địa đầu tổ quốc.

Nước Đồ sơn đục ngầu. Cả ba thằng lao vội xuống nước, chả ai bảo ai đều vục mặt uống thử một ngụm xem có mặn như sách viết không. Vầy vò một lúc mệt nhoài thì lên bờ lấy gạo sấy ra nhai. Hôm ấy là chiều thứ bảy. Trai thanh gái lịch từ Hải phòng phóng xe máy ra Đồ sơn hóng mát như chảy hội.

Ba thằng ngồi trên bờ, chiếc quần đùi lính mỏng tang, dính chặt vào mấy tấm thân còm cõi, nhỏ nước tong tong xuống cát. Zai gái lượn đi lượn lại, tiếng máy nổ panh panh rất nghịch nhĩ.

Mình bảo: “Đéo được các ông ạ.”

Một thằng hỏi lại: “Đéo được gì? Biết thế nào là biển rồi còn đòi hỏi gì nữa.”

Mình bảo: “Đéo được vì mình khổ quá, nghèo quá mà bọn kia lại sung sướng thế. Lên đấm chúng nó một trận cho bõ tức”

Nói rồi ba thằng chạy lên đường cái. Tóm một thằng đang đi xe chở gái đẹp, lôi xuống đánh hội đồng tổng cốc. Thằng kia ôm đầu, lăn lộn dưới đất, miệng không ngớt rên la: ‘Em làm gì các anh đâu mà anh đánh em”. Cô gái sợ quá chạy biến đâu mất.

Đánh xong 3 thằng vơ quần áo chuồn sang khu khác rồi leo lên đồi thông. Đêm ấy cả hội nhai gạo sấy, ngủ khách sạn ngàn sao trên đồi thông ở bãi 3. Giấc ngủ chập chờn vì không có tiếng pháo.

Mình nghĩ: “Phản ứng tiêu cực thế cũng đéo được. Nhất định mình phải kiếm tiền mua xe máy trả thủ đời”.

Giấc mơ lúc ấy chỉ cỏn con thế thôi.

***************************

Đến lúc mình có trong tay 20 ngàn như mong muốn, thì lại không định mua xe máy nữa. Năm 92 mình sắm một chiếc xe ford chạy vèo vèo. Gái Việt gái Tây lác hết cả mắt, suốt ngày kiếm cớ xin thuốc hút rồi gạ đi nhờ xe. Gái đẹp dùng không hết, có hôm còn dùng cả nữ công an quá giang, trả thù cho những vụ bắt bớ kiếm ăn với người Việt.


Cậu Tây đệ mình chạy đôn đáo khắp nơi tìm hàng. Cuối cùng cũng ra manh mối. Cậu ấy bảo: “Loại này của Đông Đức. Nhà máy ấy nó đóng cửa rồi, không sản xuất nữa đâu. Tao tìm được một lô hàng tồn kho trên đất Nga”.

Cái cứt gì tồn kho ở nước Nga lúc ấy đều là tiền, nhiều là đằng khác. Một cái máy tính tồn kho, móc ra được đâu chừng 1,5 kg vàng. Mà cách đấy không lâu, mình còn bới được một lô thuốc tây ở tận Ircut, đếch biết tồn kho bao lâu, giá rẻ như cho. Vụ thuốc Tây tồn kho này có cụ Đoàn Thụy Anh trên FB này kiểm chứng. Mình ở nhờ nhà cụ ấy vừa bóc thuốc lấy lõi vứt vỏ đóng hàng cho nhẹ, vừa đàm đạo võ thuật, hứng lên lại làm vài đường quyền giãn gân cốt. Riêng vụ bóc thuốc đã giúp cho tay Thụy Anh cứng như thép, nghe nói sau này Thụy Anh bôn tẩu giang hồ không cần dao, chỉ cần lấy tay sọc một cái vào háng gái Tây là máu chảy ồ ồ như nước sông Cửu long.

Thế nên mình thấy đệ báo tồn kho là mừng húm.

Mình điện về, trao đi đổi lại, mọi việc ok lắm. Lại nói về việc điện thoại của Nga thời đó củ chuối vô cùng. Nhà nào cũng có điện thoại, nhưng đếch gọi đi nước ngoài được. Muốn gọi thì kết nối với tổng đài, đặt số. Hôm sau có cô tổng đài viên giọng buồn ngủ ngồi quay số rè rè về VN, rồi lại quay số đt của mình, sau đó cắm phích mới kết nối đàm thoại được. Nhưng từ VN, lúc ấy nhiều nhà đã có điện thoại, bấm phát là ăn ngay, đi đâu mà chẳng được, miễn là có tiền trả.

Thằng Tây bảo: “Hàng ở nơi khác, bọn nó yêu cầu kí hợp đồng đặt cọc 30% để chuyển hàng về”.

Mình nhẩm trong đầu đang có tầm 30 ngàn, đủ tiền đặt cọc. Rồi vay đám anh em bạn bè mỗi thằng vài ngàn, kiểu gì chả có được 70 ngàn thanh toán nốt. Đúng là ở hiền gặp lành, ở cái thiên đường này tiền rơi vào đầu dễ thế.

Mình gọi về cho anh K: “Ngày mai 9h sáng, tức 1h chiều ở VN, em sẽ kí hợp đồng và đặt cọc 30 ngàn. Từ lúc này đến đấy, nếu có gì phát sinh, anh phải báo cho em để em dừng HĐ”.

Sau đó nhà cứ có ĐT reo là mình giật mình, chỉ sợ có gì bất ổn thì tan mất giấc mơ đại soái của mình.

Đêm hôm ấy mình khó ngủ. Yên bình. Không có tin dữ từ nhà bay sang.

8h sáng, đầu chải gôm bóng mượt, ca vát hoa sặc sỡ, com lê com táo đàng hoàng ngồi đợi thằng đệ đến đón đi kí hợp đồng.

Mọi việc diễn ra chóng vánh. Hợp đồng kí roẹt roẹt. 300 tờ 100$ xỉa ra xanh lè. Hai bên bắt tay nhau hỉ hả. Bên bán hàng có nhã ý mời cơm nhưng mình từ chối. Vui thế này ăn thế nào được mà ăn.

Mình tạt qua ngay Đôm 5 (cũ), ở đấy mới có dịch vụ điện thoại vệ tinh của một ông chủ người Việt. Chiếc điện thoại có cái ăng ten dài nghêu như máy 2W của bộ đội. Muốn gọi phải chìa ăng ten ra cửa sổ. Mà tài lắm, bấm phát về VN ngay, giá thì hơi đắt, hình như 10 đô/phút mình nhớ không rõ lắm.

_ A lô anh K hả? Em đây. Báo anh tin mừng nhé là em kí HĐ rồi. 2 tuần nữa nhận hàng, em chuyển đường hàng không về cho nóng. Mọi việc anh an tâm nhé. – Mình tuôn một tràng không kìm chế nổi.

_ Ôi em à? Anh mong quá, từ hôm qua chỉ mong em gọi điện về.

_ Thế à! – Mình rổn ràng vì vẫn chưa dứt được mạch sướng.

_ Vụ ấy hỏng rồi. Anh kiểm tra lại thì đơn hàng đã lâu, họ mua sắm đủ rồi.

_ Thế là sao? Chuyện như vậy sao anh không gọi điện cho em?

_ Anh lại cứ đợi em gọi về…

Mình cúp ngay máy. Ngồi thừ ra một lúc để định thần lại. Mình bảo thằng Tây: “Mày gọi cho bọn kia bảo dừng lại vụ này đi”. Nói rồi mình chạy vội đi mua vé máy bay, cũng ngay trong dãy nhà ấy thôi, cái gì cũng có.

Thằng Tây quay lại bảo: “Không được rồi. Chúng nó cũng chuyển tiền cho bọn kia rồi”. Mình bảo: “Thôi được, để tao tính”.

*************************

Từ Đôm 5 mình phóng xe về khu nhà DAC của trường MGU gần đấy, chạy bộ lên tận tầng 8, gõ cửa phòng cô bạn gái mới chính thức yêu bảo: “Tớ về đây. Ấy có đi không”. Cô bạn gái ở nhà nên mặc cái kha lát mầu tim tím, ngồi bên mép giường, hỏi: “Có chuyện gì à sao bạn phải về gấp thế”. Mình bảo: “Chuyện làm ăn thôi, mới cả cũng sắp tết rồi, tiện đôi đường”. Bạn gái cúi đầu xuống, ngẫm nghĩ một lúc, trả lời: “Tớ đang trong giai đoạn viết luận văn”. Mình động viên: “Về đi, tớ hứa là sẽ viết hộ bạn luận văn”. Bạn gái gật đầu. Mình lại lao xuống cầu thang đi mua thêm cái vé nữa.

3 hôm sau mình có mặt ở sân bay Nội bài. Anh K ra đón, đi chiếc xe Dream mầu mận chín, thuê thêm chiếc Toyota đời ơ kìa để chở mình. Đường về thành phố vẫn phải vòng qua ngã ba Phủ lỗ, chưa có đường cao tốc chạy thẳng từ cầu Thăng long lên sân bay như bây giờ.

Anh K đã thôi làm trưởng phòng kinh doanh ở công ty nọ, mở một quầy riêng ở chợ Ngã tư sở, bán loa đài cát xét xập xình và nhảy vào buôn bất động sản, mua những căn nhà giá rẻ sắp có qui hoạch mở đường đi qua rồi đợi. Mình vào việc ngay: “Anh dẫn em đến bọn mua máy, em xem có vớt vát được cái gì không. Còn nước còn tát anh ạ”. Anh K bảo: “Để anh liên hệ với Tổng cục Địa chính”. Mình thắc mắc: “Có cái của nợ này à”. Anh K trả lời: “Mới thành lập, sáp nhật Liên đoàn trắc địa và Cục đo đạc”.

Mấy hôm sau anh K dẫn mình đi thăm các mối mua hàng của mình. Bà béo ở Quốc tử giám chuyên mua thuốc chữa lậu. Ông gầy bên Gia Lâm là khách hàng chính nhập nhip xe Kamaz. Cậu bóng mượt ở Trung tự là vua vòng bi. Đến đâu mình cũng được tiếp đón thịnh tình và được nghe kể về quá khứ kinh doanh oai hùng của họ. Mãi đếch thấy đưa đến thăm đối tác chính, khách hàng của vụ máy kinh vỹ, mình đành phải hỏi: “Vụ đấy thế nào rồi anh”. Anh K gãi đầu: “Ông ấy nghỉ làm ở chỗ ấy rồi”. Mình truy tiếp: “Chức vụ ông ấy là gì”. Anh K bảo: “Trưởng phòng”. Mình lại hỏi: “Phòng gì?” Anh K lúng túng một lúc rồi nói thật: “Phòng bảo vệ”. Mình phải hỏi lại lần nữa: “Anh lấy đơn hàng này từ ông bảo vệ à?” Anh K không nói gì, quay mặt đi chỗ khác ngó lơ.

Mình thấy bất ngờ còn hơn lúc nghe thông tin vụ này hỏng. Mình đẻ ra từ Cục đo đạc. Mình nghĩ nếu vậy thì có thể tiếp cận được thông tin chuẩn xác để có hướng xử lý.

Hai hôm sau, trong đầu vẫn quay cuồng tìm cách tiếp cận để xác minh thông tin, tình cờ đi qua đường Kim mã, chỗ gần khách sạn Daewoo đang xây dở. Thấy ven đường có mấy cửa hiệu chữ Tây trông như cái nhãn hiệu máy kinh vỹ mình mua. Trong cửa kính bầy mấy cái máy, đặt trên chân gỗ mầu vàng cam. Mình mò vào thử. Gặp một cậu nhân viên, hỏi ngay: “Bọn em kiếm máy này ở đâu thế?” Cậu nhân viên nhìn mình tròn xoe mắt như thể mình là người giời, bảo: “Của bọn em. Đây là văn phòng đại diện của hãng máy này đặt tại Việt nam”.

Mình quay về luôn, gió thổi ù ù bên tai, còi xe bấm bim bim nhưng mình mặc kệ. Ý định tiếp cận mục tiêu tìm kiếm thông tin chết hẳn, thay vào đó là câu hỏi: “Mình sai ở đâu? Như vậy là thế nào?”

*****************************

Về đến nhà mình gọi điện ngay cho thằng Tây, bảo: “Hỏng rồi mày ạ. Không còn hi vọng gì đâu. Mày báo với bọn kia hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền đặt cọc. À, mà tìm việc mới nhé. Tao chắc là không làm cái này nữa rồi”. Mình chấp nhận bỏ cuộc sớm. Thà mất 30 ngàn còn hơn vay mượn ôm đống hàng ấy về để thắp hương.


Tối ấy mình ngồi với anh K bên ấm trà đặc. Malboro bóc đến gói thứ 2, khói bay mù mịt. Anh K vốn không hút thuốc, thế mà cũng đỏ tay, nhấp liên tục. Trời rét nhưng trán anh lấm tấm mồ hôi. Mình hỏi: “Anh có biết bọn đấy có văn phòng ở VN không?” Anh K nói rất nhỏ: “Không”. Mình bảo: “Em cũng tin là anh không biết”.

Mình tin bởi chính mình cũng nhận thấy một vấn đề gì đó của xã hội đang thay đổi rất nhanh và mình hoàn toàn không biết cụ thể, không chỉ mặt đặt tên nó là cái gì. Mình rút cuốn hộ chiếu ra, chỉ cho anh K xem từng trang, nói: “Anh chưa đi nước ngoài lần nào đúng không. Đây, anh xem nhé. Quyển hộ chiếu của em đề chỉ được đi đến Liên Bang Nga, tức là ngoài nước Nga ra quyển hộ chiếu này không có giá trị anh ạ. Bạn em, chúng nó kiếm được cuốn hộ chiếu đề: Được đi tất cả các nước. Oách hơn em. Anh nhìn nhé. Khi em ra nước ngoài, có hộ chiếu rồi chưa đủ, phải có thêm cái visa xuất cảnh. Anh thấy đấy, triện như củ khoai nhưng không có là không xong. Trong cái visa triện củ khoai này, thể hiện rất rõ em được phép rời VN vào thời điểm nào tại sân bay nào. Ở đây ghi Nội bài, em vào SG bay là móm. Anh lật trang bên này xem nhé. Cái này là visa nhập cảnh. Cũng triện của khoai thôi, em phải qua sứ quán VN ở Nga đóng cái này thì về em mới không bị thu mất hộ chiếu. Em nghĩ, chính bản thân em đã đang ở nước ngoài, đang buôn bán ở nước ngoài, mà trong đầu em cũng không bao giờ tưởng tượng ra được rằng có bọn nước ngoài lại chui vào VN buôn bán. Chúng nó làm ra cái máy này, chúng nó bán thẳng ở đây, anh em ta làm sao mà cạnh tranh được.”

Anh K trầm ngâm, cái đầu gật gật liên hồi. Anh nói phào phào trong tiếng gió bấc luồn qua khe cửa: “Xã hội thay đổi nhanh quá. Chính bản thân anh cũng đang mất phương hướng. Năm trước anh đã phải đi học khoa quản trị kinh doanh của ĐH Mở. Giờ có vài tỉ thì mình quản lý được, sau có vài chục tỉ hay vài trăm tỉ sao quản lý nổi nếu không học”.

Mình thực sự bất ngờ khi biết anh K lúc này đã là SV năm thứ 2 QTKD. Đấy hoàn toàn là một quyết định đúng, mặc dù mình cóc biết khái niệm quản trị kinh doanh là cái khỉ mốc gì.

Mình bảo: “Trời phú cho anh có tài buôn bán, nhưng còn thiếu cái gì nữa thì em cũng không rõ”. Anh K ngồi im không nói gì.

2 năm sau, khi mình đã cứng cáp hơn và sự hiện diện của nền kinh tế thị trường rõ nét đến từng ngóc ngách cuộc sống mình mới biết anh K thiếu cái gì. Buôn bán chỉ là một kỹ năng trong số nhiều kỹ năng khác của kinh doanh. Nếu chỉ có duyên buôn may bán đắt mà thiếu hàng loạt các kỹ năng khác, mãi mãi vẫn chỉ là con buôn mua đầu chợ, bán cuối chợ, loại nghề có thể giầu được vào những năm 80, nhưng sẽ bị tụt hậu trong những năm tới.

Anh K đưa cho mình 5 ngàn đô. Thở dài, bảo: “Em hết tiền rồi phải không? Cầm tạm lúc nào có thì trả anh, không thì thôi”.

Mình cầm tiền, chạy về nhà cô bạn gái, xòe ra bảo: “Có hìu rồi, tớ với ấy ăn chơi bét nhè”.

Hai đứa mặc kệ đời chơi bời các kiểu hết 4300 đô thì phải quay lại Nga. Anh bạn thân lấy vợ, mình đưa nốt 700 đô còn lại, bảo: “Đáng nhẽ tớ phải mừng nhiều hơn, nhưng tế hết sạch rồi. Mai có khi lại phải kéo xe đi chợ bán hàng như tụi công nhân”. Anh bạn nhìn mình, trả 700, cương quyết không lấy. Mình cầm lại số tiền ấy nhưng lại lừa đưa cho vợ bạn, thế là mọi việc ok.

Mình chỉ hơi buồn buồn một chút vì lỡ mất cơ hội lên soái. Và cũng hơi lo lo một tí vì cô bạn gái kha lát tím quyết định trở thành vợ mình. Và mình thì đang trong tình trạng phải chia bao thuốc ra hút cho đủ 1 tuần. Nhưng cơ bản không có gì căng thẳng cho lắm, vì mình mới 22, còn cả một chặng đường dài trước mặt. Hơn nữa ở cái nước Nga này, được mất như cơm bữa mà cũng thấy có ai chết đói đâu.

Sau đận ấy mình không oánh hàng hiếc gì về VN nữa. Mình chuyển sang cách kiếm tiền khác có sự trợ giúp đắc lực của cô bạn kha lát tím với nhiều kỉ niệm còn rùng rợn máu lửa hơn nhiều những gì đã trải qua trước đó. Nhưng bài viết này chỉ là một kỉ niệm của máy kinh vỹ, nên mình dừng ở đây, kẻo lan man thêm lại là tài liệu đấu tố sau này khi mình sinh hoạt ở tổ hưu. He he.

PS. Cụ Đoàn và các cụ khác.
Em lan man kể chuyện về kỉ niệm bằng chữ, nên em để mạch văn như đang kể, đụng đâu móc ra đấy. Không có ý định viết thành một bài kí, hồi ức hay truyện ngắn. Chính vì vậy em cứ đéo lắc cho sướng mồm, như anh em mình vẫn thường tán nhảm với nhau.

(01/2011@ Thần Gió Facebook)