Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

Xí xớn Marketting

Chiều nay ngồi với một doanh nghiệp nhập khẩu sữa nho nhỏ. Chuyện nọ xọ chuyện kia, chả hiểu sao lại xí xớn cái miệng làm tư vấn marketting cho họ về cách quảng cáo sản phẩm sữa dành cho bà mẹ và trẻ em. Mặc dù chả biết gì về marketting cả.

Cái công ty này nhỏ về quy mô và cũng nằm trong số hàng chục, hàng trăm công ty nhỏ khác cũng nhập sữa về đóng hộp dán nhãn rồi bán cho bà con ở vùng sâu vùng xa. Vì là công ty nhỏ nên chắc chắn không thể cạnh tranh ở địa bàn thành phố với các đại gia lớn, hơi có tí ngo ngoe định ngoi lên là các anh đại gia dùng "tiền" đè chết ngay. Ấy thế nhưng đừng tưởng thị trường nông thôn là nhỏ nhé, nếu các anh biết cách làm marketting thì chỉ riêng bán cho bà con nông dân các anh cũng sẽ thành đại gia sớm!

Nhưng đi bằng con đường nào để bà con nông dân nhận biết và chọn sản phẩm sữa của cty anh trong số vô vàn sản phẩm sữa khác? Vấn đề thuộc về truyền thông, tức là phải quảng cáo. Các anh phải có cách nào đó để đưa thông điệp đến bà con rằng sản phẩm sữa của các anh là tốt, chất lượng cao, giá thành hợp lý...

Truyền thông bằng hình thức nào? Ở nông thôn chắc chắn đa phần bà con không đọc báo, ít xem truyền hình, thi thoảng nghe đài....nếu quảng cáo trên truyền hình thì chi phí rất cao, quảng cáo trên đài phát thanh cũng tạm ổn nhưng chi phí cũng không nhỏ. Kênh truyền thông quảng cáo tốt nhất là truyền miệng và tờ rơi, áp phích...vừa rẻ vừa hiệu quả.

Tất nhiên, trước khi làm truyền thông quảng cáo thì phải có nghiên cứu về đối tượng sử dụng sản phẩm, đặc tính của thị trường nơi đối tượng sử dụng sản phẩm. Nghiên cứu bằng cách nào để có số liệu tốt nhất? Với sản phẩm sữa thì đối tượng là phụ nữ từ 18 đến 35 (hay rộng rãi là 40). Ở nông thôn vẫn đang có những Hội phụ nữ tỉnh (huyện), tốt nhất là "mua" số liệu của họ sẽ có được con số thống kê tương đối chính xác nhất với giá rẻ nhất. Thông qua chính những Hội phụ nữ này để làm truyền thông quảng cáo bằng hình thức truyền miệng, tờ rơi, áp phích...chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều bởi không tốn chí phí nhân sự và nhiều chi phí khác về hành chính, hiệu quả chắc cũng không phải là nhỏ bởi sự tin tưởng lẫn nhau ở trong đời sống cộng đồng làng quê – nhất là giữa những người phụ nữ với nhau.

Cũng có một cách khác nữa. Hiện nay ở các địa phương đang triển khai lại hệ thống Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình (trước đây đã có song bị xóa bỏ, nay thành lập lại). Giúp đỡ cho họ một phần kinh phí nho nhỏ thì chính họ sẽ là một hệ thống tuyên truyền viên cho sản phẩm cực tốt. Kế hoạch hóa gia đình thì kiểu gì mà chẳng liên quan đến bà mẹ và trẻ em và tất nhiên là SỮA....Như đã nói ở trên thì cũng cần tính đến đặc tính của thị trường nơi đối tượng sử dụng sản phẩm. Đơn giản như ở tỉnh A thì họ thích ngọt, tỉnh B họ thích chua, tỉnh C họ thích cay... Mặc dù ở trong sản phẩm có tất cả các vị trên nhưng ở tỉnh A ta chỉ làm nổi bật lên vị ngọt, ở tỉnh B ta chỉ làm nổi bật lên vị chua còn ở tỉnh C thì khuyếch đại vị cay lên....người sử dụng sẽ ấn tượng.

Với phạm vi thị trường rộng thì như vậy nhưng với phạm vi thị trường hẹp hơn thì tất nhiên không nên làm quá nổi bật bởi như vậy sẽ tạo ra ấn tượng về sự không thống nhất của cùng một sản phẩm. Ở phạm vi thị trường hẹp thì chỉ nên tìm hiểu tâm lý sử dụng chung nhất, nổi bật nhất của người sử dụng rồi khuyếch đại nó lên thôi....

Note lại những gì đã tư vấn miễn phí ở đây! Nhưng cũng xin nói rõ là tớ i tờ về marketting nhá! Cảm thấy thế nào thì nói thế đấy thôi.