Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

Văn chỉ Vĩnh Xương - Sự vô lý tồn tại có lý

Hôm nay đọc cái tin "Chuộc lại di vật Văn chỉ Vĩnh Xương với giá gấp 10 lần" đăng trên báo Thanh Niên mà cứ thấy ngơ ngác làm sao!

Đọc lại tin bài về việc này lại càng thấy ngơ ngác hơn nữa. Theo báo Lao Động thì "Toàn bộ hệ thống kiến trúc của một ngôi miếu cổ thờ đạo học (Khổng Tử) có lịch sử tồn tại gần 150 năm, ở mặt tiền của một đường phố giữa trung tâm TP.Nha Trang bị chính quyền địa phương cho đập bỏ, tháo dỡ và bán... phế liệu. " và "...Kế hoạch đập phá miếu thờ đạo học để lấy đất xây trạm y tế đã được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2007 của HĐND phường Phương Sơn. Ngày 28.4.2008, UBND phường Phương Sơn gửi công văn trình UBND TP.Nha Trang, ghi rõ: "Xin thanh lý, phá bỏ nhà mẫu giáo (nằm trong miếu Văn Chỉ) ở 123 đường Phương Sài để trả mặt bằng xây dựng trạm y tế". Lãnh đạo UBND TP.Nha Trang "chuẩn y" đề nghị này. ...". Sau khi vụ việc xảy ra thì "...Những người có trách nhiệm liên quan vụ việc đập bỏ, bán đấu giá Văn chỉ Vĩnh Xương đã tìm cách... lách trách nhiệm. PGĐ Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Nguyễn Văn Thích khẳng định: "Trách nhiệm quản lý di tích lịch sử văn hoá (DTLSVH) trước hết thuộc về chính quyền địa phương...Chủ tịch UBND phường Phương Sơn thanh minh: "UBND phường chỉ quản lý, bảo vệ những DTLSVH đã xếp hạng, miếu Văn Chỉ hiện không có tên trong danh mục DTLSVH". Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Chủ tịch UBND TP.Nha Trang - thì nại rằng: "Chúng tôi phê duyệt kế hoạch đập bỏ trường mẫu giáo bỏ hoang để xây dựng trạm y tế, chứ không biết đây là Văn chỉ Vĩnh Xương..." (!?)...."

Tiếp đó, báo Tuổi Trẻ Tp.HCM cho biết: Chiều 14-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp xem xét các kiến nghị về việc khôi phục di tích văn chỉ Vĩnh Xương (Nha Trang) đã bị phá dỡ đem bán đấu giá. Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cho biết đã có kết luận: đồng ý cho UBND TP Nha Trang thương lượng để “chuộc” lại toàn bộ di vật đã bán...Giao cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch làm chủ đầu tư để khôi phục văn chỉ Vĩnh Xương ngay vị trí cũ (số 123 Phương Sài, P.Phương Sơn, Nha Trang) và lập hồ sơ trình công nhận văn chỉ Vĩnh Xương là di tích văn hóa. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho việc khôi phục đó. Nếu không có tài trợ thì chi ngân sách nhà nước thực hiện.

Và kết quả là :
đoàn công tác của UBND TP Nha Trang và Trung tâm Quản lý di tích, danh lam thắng cảnh Khánh Hòa đã huy động 3 xe tải, mang theo 220 triệu đồng vào tỉnh Đồng Nai để thương lượng mua lại những di vật trên.


Có mấy vấn đề nổi lên trong vụ việc trên khiến tớ ngơ ngác:
*
Trình độ văn hóa của cán bộ địa phương cực kỳ thấp, quan liêu không nắm được tình hình của địa phương mình.

* Lãnh đạo Thành phố Nha Trang cũng cực kỳ quan liêu, ký văn bản đồng ý phá dỡ mà không cần biết mình đồng ý phá dỡ cái gì ? Tất nhiên ở đây cũng phải nói đến trách nhiệm của bộ phận tham mưu giúp việc trên lĩnh vực văn hóa cho UBND Thành phố.

* Chẳng có một ai nhận trách nhiệm về mình, lỗi là của tập thể! Và như vậy thì cứ thế lấy tiền ngân sách ra để chi ? Tiền ngân sách đấy là của ai ? Thì của dân chứ của ai !!!

Vô lý nằm chính ở điểm này: Những cán bộ chính quyền địa phương đã ra nghị quyết phá di tích lịch sử, văn hóa của dân (một công việc mà đáng nhẽ ra họ là người được dân trả lương để bảo vệ) và rồi cũng chính họ đã lấy tiền ngân sách (cũng lại là tiền của dân) để khôi phục. Và chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả.

Nhưng ngẫm cho kỹ thì dù "vô lý" đến đâu đi nữa mà nó vẫn có thể tồn tại thì chắc là nó cũng "có lý"!

Con gấu và 2 người bạn!

Tự nhiên chợt nhớ tới câu chuyện đã được học từ hồi lớp 1, post lại đây chơi:

Có hai người bạn nhỏ rủ nhau vào rừng chơi. Đang lang thang, họ bất ngờ nhìn thấy một con gấu đen to lớn đi đến. Một người bạn, vì quá sợ hãi nên đã bỏ rơi bạn mình và chạy leo lên cây. Người bạn còn lại, trong lúc nguy khốn không biết phải làm thế nào nên giả vờ nín thở nằm chết, vì biết rằng loài gấu sẽ không bao giờ ăn thịt những sinh vật khi đã chết. Con gấu đi đến, ngửi vào đầu cậu bé, thấy đã tắt thở nên bèn bỏ đi. Khi gấu đi rồi, cậu bé trên cây tụt xuống, đến chỗ người bạn của mình và hỏi: Gấu nói gì với cậu thế? Cậu bé này trả lời: À, gấu bảo rằng ai bỏ rơi bạn trong lúc hoạn nạn là người không tốt!


Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

Chuyện Osin (Version trên blog)

Trong thời buổi xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, công việc đòi hỏi nhiều thời gian thì Osin (người giúp việc) là lựa chọn cho rất nhiều gia đình. Có Osin sẽ giải phóng được sức lao động rất lớn cho người phụ nữ ở trong nhà. Tuy nhiên chọn Osin cho gia đình như thế nào là điều không hề đơn giản.

Trước tiên, hầu hết các gia đình đều muốn Osin phải là người tin tưởng vì toàn bộ nhà cửa, con cái đều giao cả vào tay Osin. Ai cũng thích Osin phải thật thà trung thực và khỏe mạnh, chăm chỉ bởi với những đức tính ấy, Osin sẽ là người giúp việc hoàn hảo. Tất nhiên là chẳng bao giờ có Osin nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ấy, không sứt chỗ nọ thì cũng méo chỗ kia.


Ở thời kỳ đầu hầu hét người ta tuyển Osin từ những người họ hàng ở quê vì đảm bảo tương đối chắc được sự tin tưởng (họ hàng mà chả tin thì còn tin ai – các cụ nhà ta vẫn thường nói thế). Sang đến cấp độ cao hơn thì Osin có thể là họ hàng xa hơn (bắn mấy phát đại bác cũng chưa tới) hay cũng vẫn phải là ở quê nhưng phát triển hơn ở mức có thể là người được người quen giới thiệu. Thị trường có cung tất có cầu. Đã xuất hiện một số công ty chuyên nghiệp tuyển dụng và đào tạo Osin, gia đình nào có nhu cầu chỉ cần điện thoại cho họ biết, lập tức sẽ có ngay. Đây có thể nói là cấp độ cao nhất của Osin hiện nay, sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của "thị trường" như: giúp việc theo giờ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc trẻ nhỏ, giúp việc nhà trong ngày hay ở lại luôn cùng nhà chủ. Với những công ty như vậy đương nhiên số tiền mà gia chủ bỏ ra cũng phải "cao cao" và nghe nói Osin ở những công ty này cũng được đóng Bảo hiểm xã hội, nghỉ phép theo chế độ....(?). Tuy nhiên loại hình này chỉ dành cho tầng lớp trên vì giá cả của nó khiến giới công chức bình dân "lác mắt", nếu muốn thử thì chắc cũng phải hết cả tháng lương. Vì thế hầu hết các gia đình hiện nay vẫn chọn phương án "người ở quê".

Người ở quê cũng thường được nghĩ đến với quan niệm là người chăm chỉ, khỏe mạnh và thật thà. Osin ở quê thì tuy có hơi "chậm tiến" trong việc tiếp thu các công nghệ hiện đại của gia đình ở Thành phố nhưng "trăm hay không bằng tay quen", việc ấy dạy được hết, chỉ vài bữa là "nhoay nhoáy" bật ti vi, máy giặt, nấu cơm hay phức tạp hơn như lò vi ba...Osin ở quê có "quê" cỡ nào đi nữa thì lên thành phố vài năm giúp việc gia đình cũng "biến thành" người thành phố. Nào thì trắng ra này, nào thì béo lên này, rồi cũng tập tọe son phấn tí chút, quần áo điệu đà hơn và thời bây giờ thì tung tẩy cả điện thoại di động nhé! Có thể không ngoa khi nói rằng sau chừng 5 năm thì chưa chắc đã phân biệt được ai là Osin ai là người nhà. Làm lâu rồi thì Osin cũng sẽ muốn về thăm quê thường xuyên hơn, tăng lương cao hơn, tị nạnh so bì với Osin nhà bên cạnh và càng ngày càng lười hơn....Mà tâm lý người thuê Osin thì bao giờ cũng vẫn chỉ là ở lâu dài, làm việc chăm chỉ, cho gì được nấy, không đòi hỏi quá đáng...Cũng có gia đình chiều chuộng Osin, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", thấy Osin có ý muốn tăng lương mà hoàn cảnh gia đình Osin cũng nhiều khó khăn nên "chậc lưỡi" tăng lương. Nhưng họ đâu nghĩ rằng cái cách họ tăng lương như vậy rất dễ gây "nghiện" và rằng chính vì được chiều sinh "quen thói". Tăng lương được lần này thì cũng sẽ tăng lương được lần tới với thời gian ngắn hơn, "chiều" được việc này thì chắc gia chủ cũng sẽ dễ dàng "chiều" theo việc kia, bỏ qua việc nọ...Và thế là Osin được đà lấn tới, gia đình thấy thế cũng hết chịu nổi đành cho nghỉ việc. Một vòng tròn mới lại bắt đầu: Nhờ bạn bè người thân tìm giúp Osin

Thế nhưng câu chuyện "mâu thuẫn" giữa Osin và chủ nhà vẫn còn đó và luôn là câu chuyện muôn thuở.


Trăm sự chuyện tuyển người làm (Version trên báo Tiền Phong cuối tháng)

Trong thời buổi xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, công việc đòi hỏi nhiều thời gian thì ô-sin (người giúp việc) là lựa chọn cho rất nhiều gia đình. Có ô-sin sẽ giải phóng được sức lao động rất lớn cho người phụ nữ ở trong nhà. Tuy nhiên chọn ô-sin cho gia đình như thế nào là điều không hề đơn giản.

Nhu cầu tìm người giúp việc thì quá lớn mà số người có thể tin tưởng được thì không nhiều (chứ không phải thiếu người tìm việc làm) nên xảy ra tình trạng “sốt” ô-sin, kéo theo đó là giá thuê ô-sin cũng tăng chóng mặt.

Nếu như trước đây, một ô-sin kiêm trông trẻ, làm việc nhà giá khoảng 700.000 – 800.000 đồng/tháng thì theo đà “bão giá” đã tăng lên đến 1 triệu, thậm chí hơn 1 triệu mà nhiều gia đình vẫn chưa tìm được…Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.

Nhất cùng họ – Nhì cùng quê

Hầu hết các gia đình đều muốn tìm ô-sin phải là người tin tưởng vì toàn bộ nhà cửa, con cái đều giao cả vào tay ô-sin. Ai cũng thích ô-sin phải thật thà trung thực và khỏe mạnh, chăm chỉ bởi với những đức tính ấy, ô-sin sẽ là người giúp việc hoàn hảo.

Tất nhiên là chẳng bao giờ có ô-sin nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ấy, không sứt chỗ nọ thì cũng méo chỗ kia.

Ở thời kỳ đầu hầu hết người ta tuyển ô-sin từ những người họ hàng ở quê vì đảm bảo tương đối chắc được sự tin tưởng (họ hàng mà chả tin thì còn tin ai – các cụ nhà ta vẫn thường nói thế). Sang đến cấp độ cao hơn thì ô-sin có thể là họ hàng xa hơn (bắn mấy phát đại bác cũng chưa tới) hay cũng vẫn phải là ở quê nhưng phát triển hơn ở mức có thể là người được người quen giới thiệu.

Thị trường có “cung” tất có “cầu”. Đã xuất hiện một số công ty chuyên nghiệp tuyển dụng và đào tạo ô-sin, gia đình nào có nhu cầu chỉ cần điện thoại cho họ biết, lập tức sẽ có ngay. Đây có thể nói là cấp độ cao nhất của ô-sin hiện nay, sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của "thị trường" như: giúp việc theo giờ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc trẻ nhỏ, giúp việc nhà trong ngày hay ở lại luôn cùng nhà chủ. Với những công ty như vậy đương nhiên số tiền mà gia chủ bỏ ra cũng phải "cao cao" và nghe nói ô-sin ở những công ty này cũng được đóng Bảo hiểm xã hội, nghỉ phép theo chế độ....(?). Tuy nhiên loại hình này chỉ dành cho tầng lớp trên vì giá cả của nó khiến giới công chức bình dân "lác mắt", nếu muốn thử thì chắc cũng phải hết cả tháng lương. Vì thế hầu hết các gia đình hiện nay vẫn chọn phương án "người ở quê".

Chị Thương, nhà ở dốc Đoàn Kết, kể rằng, đã từng bị ô-sin lừa rất nhiều tiền rồi trốn biệt tăm. Nguyên nhân là “Lúc đầu, thấy con bé ngoan hiền, chân chất, chị thường đưa tiền cho nó đi chợ giùm. Dần dà, thấy nó có biểu hiện không bình thường, mua đồ đắt hơn mọi người, nhưng chị nghĩ đó chỉ là tiền nhỏ, chẳng để ý, lâu dần quen thói, và nhu cầu cất tiền đi của con bé ô-sin đó càng cao. Đấy, thế nên, cứ tìm người nhà, họ hàng xa hoặc làng xóm ở quê, có mất thì cũng còn đỡ tiếc”.

Khi dòng đời thay đổi…

Người ở quê cũng thường được nghĩ đến với quan niệm là người chăm chỉ, khỏe mạnh và thật thà. Ô-sin ở quê thì tuy có hơi "chậm tiến" trong việc tiếp thu các công nghệ hiện đại của gia đình ở thành phố nhưng "trăm hay không bằng tay quen", việc ấy dạy được hết, chỉ vài bữa là "nhoay nhoáy" bật ti vi, máy giặt, nấu cơm hay phức tạp hơn như lò vi ba...

Ô-sin ở quê có "quê" cỡ nào đi nữa thì lên thành phố vài năm giúp việc gia đình cũng "biến thành" người thành phố. Nào thì trắng ra này, nào thì béo lên này, rồi cũng tập tọe son phấn tí chút, quần áo điệu đà hơn và thời bây giờ thì tung tẩy cả điện thoại di động nhé! Có thể không ngoa khi nói rằng sau chừng 5 năm thì chưa chắc đã phân biệt được ai là ô-sin ai là bà chủ. Làm lâu rồi thì ô-sin cũng sẽ muốn về thăm quê thường xuyên hơn, tăng lương cao hơn, tị nạnh so bì với ô-sin nhà bên cạnh và càng ngày càng lười hơn....

Mà tâm lý người thuê ô-sin thì bao giờ cũng vẫn chỉ là ở lâu dài, làm việc chăm chỉ, cho gì được nấy, không đòi hỏi quá đáng...Cũng có gia đình chiều chuộng ô-sin, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", thấy ô-sin có ý muốn tăng lương mà hoàn cảnh gia đình ô-sin cũng nhiều khó khăn nên "chậc lưỡi" tăng lương. Nhưng họ đâu nghĩ rằng cái cách họ tăng lương như vậy rất dễ gây "nghiện" và rằng chính vì được chiều sinh "quen thói".

Tăng lương được lần này thì cũng sẽ tăng lương được lần tới với thời gian ngắn hơn, "chiều" được việc này thì chắc gia chủ cũng sẽ dễ dàng "chiều" theo việc kia, bỏ qua việc nọ...Và thế là ô-sin được đà lấn tới, gia đình thấy thế cũng hết chịu nổi đành cho nghỉ việc. Một vòng tròn mới lại bắt đầu: Nhờ bạn bè người thân tìm giúp ô-sin.

Chị Hà, nhà ở Lê Trọng Tấn than thở: “4 cô giúp việc rồi đấy, mà vẫn chưa tìm được đứa nào. Đứa thì hư, cãi chủ bem bẻm; đứa thì lười, bảo nó làm gì thì mình cố làm một chút có khi còn nhanh hơn, suốt ngày bảo: đợi cháu tý; đứa ngoan ngoãn thì được mấy hôm lại bảo, thôi cháu về quê, mẹ cháu bảo về. Chán lắm. Cái con bé tôi vừa cho nghỉ đấy, lúc đầu cũng ngoan lắm, chẳng hiểu nghe ô-sin nhà hàng xóm xúi bẩy thế nào, tự nhiên thích ăn diện, đòi mua quần áo liên tục. Còn biết xin phép đi chat ở ngoài hàng internet, bảo để nói chuyện với bạn nữa chứ. Dần dà nó là chủ còn mình là ô-sin”.

Nói đi cũng phải nói lại

Phải thừa nhận, các bà các cô cứ ngồi với nhau mà nói chuyện về người giúp việc của nhà mình là kể không hết chuyện. Đa phần đều ngán ngẩm, lắc đầu vì thói hư, tật xấu của người giúp việc. Nhưng trên thực tế, ô-sin cũng có rất nhiều người tử tế, thật thà và chăm chỉ như bất cứ một nghề kiếm cơm nào khác. Nhưng những gì họ nhận được bao giờ cũng là sự đòi hỏi, sự nghi ngờ và mong muốn quá nhiều từ phía chủ nhà.

Cũng không hiếm những người giúp việc đã sống yên ấm, cơm lành canh ngọt với chủ nhà, và có những người sau khi không còn làm cho gia chủ nữa thì được họ tiếp tục giới thiệu cho người thân hoặc bạn bè của họ.

Những câu chuyện "mâu thuẫn" giữa ô-sin và chủ nhà vẫn còn và đó luôn là câu chuyện muôn thuở. Nhưng nếu chủ nhà tin tưởng, người giúp việc chăm chỉ thật thà, thì có lẽ, đôi bên sẽ cùng có lợi.

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Nhà thơ Thảo Phương!

Chân Dung Tự Họa*


Tôi sinh ra ở Việt Bắc, lớn lên nơi một đường phố yên tĩnh trông ra đê sông Hồng, bên cạnh Nhà hát lớn Hà Nội. Khu nhà đoan cũ khi đó chỉ có ngôi nhà Tây hai tầng với vườn hoa nhỏ và những dãy nhà trệt vây quanh khoảng sân rộng, xanh mát. Những cây bàng không biết được trồng từ bao giờ - bao giờ? Mùa đông, mây xám lặng lẽ trôi qua những cành bàng khẳng khiu run rẩy - và tôi: yếu đuối cùng hờn giận, chảy những giọt nước mắt vô cớ... Giờ đây, tôi vẫn thấy mình đứng lặng trên sông Hồng - Bác Cổ, giữa đám nồi niêu chăn chiếu và những người chạy lụt... Dưới kia vài mét, dòng nước đỏ ngầu cuồng nộ đã nhấn chìm và xô đổ bao mái nhà bình yên, lam lũ ngoài đê. Phải đây là dòng nước hiền hòa làm nên bãi bồi từng in dấu chân tôi bé bỏng trên những mầm ngô xanh biếc...?

Phải. Và đó cũng là cuộc sống. Không trong, không đục. Không thiện, không ác. Và luôn bị chi phối bởi những dòng ngầm mạnh mẽ và bất ngờ. Tôi yêu sông Hồng như nó vốn thế. Như yêu cuộc sống mà tôi không dứt được nợ.

Thơ đến với tôi thật bất ngờ. Đó cũng là lúc tôi tưởng hết một kiếp sống. Cũng là lúc tôi đã biết yêu môn khoa học của sự sống: Sinh học - và luôn khao khát truyền đạt được tình yêu đó bằng những ngôn từ chính xác và sinh động nhất...

Tôi biết chắc: mình là kẻ may mắn khi gặp được Thơ - phương cách mà tôi mong muốn thể hiện được tình yêu, nỗi đau, những trăn trở trước cuộc sống và nhân tình.

Nó cũng như một phép ứng xử rất tự nhiên...

Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc vụt đến. Là điểm ngưng kết vủa những gì xa xưa và sâu thẳm - có thể vốn rất ngẫu nhiên và rời rạc. Và thơ được quy định bởi một mặt bằng tri thức và văn hóa mà ta đã góp nhặt với nhu cầu tự thân cho tới phút chót. Cộng với "một chút gì nữa" - thật huyền diệu - và ngoài ta... Nó cho ta câu đầu và dắt ta tới câu cuối, không cho ta cưỡng lại.

Tôi nghĩ: Thơ là cái gì đó - "muốn" cũng không được, mà "không muốn" cũng không được. Tôi không biết chắc: mình còn có bài thơ tiếp hay không? Và điều đó có quan trọng không? Nhưng khi ta còn lành mạnh, còn nặng nợ với cuộc đời và con người... thì những khoảnh khắc vụt đến với ta hơn một trăm lần... lẽ nào không đến thêm một lần... Điều quan trọng là hãy trung thực và hết mình.

Thà là chạm vào Barie của chính mình rồi giã biệt.

Có lẽ, không có con đường sáng tạo nào không cực đoan và cô đơn.


... Rồi một ngày - Thơ cũng sẽ bỏ ta mà đi... như Tình Yêu - như tia nắng cuối...

Đẹp và buồn biết bao...

* Thảo Phương
SG. tháng Sáu
tháng Mười
1994

*****************

Lối Không Ai Về Qua


Lá rơi đầy lối nhỏ - khẽ khàng bước em qua - và cơn mưa thôi đổ - dịu bay sương móc một trời...

Những cánh cò thôi trôi - lời ru em ngọt ngào giấc mộng - mà giọt lệ mong manh - phía tối tâm hồn tôi xao động.

Thời gian cần mẫn trôi - khẽ khàng bước chân em huyền diệu - lối không ai về qua - phía tối tâm hồn tôi xa động.

Lối không ai về qua
Và phía tối tâm hồn tôi
Bàng hoàng...

(Nguồn: Đặc Trưng)

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Khi trông thơ Thụy Châu - Du Tử Lê

Cũng đành người đã quên tôi
Con chim nào cũng một đời kêu than
Cây phong đã đỏ lá vang
Quán sâu tôi quấn khăn quàng đợi đêm
Phải người quá nhẹ chân em?
Tôi nghe như thể gió vin cửa ngoài
Cũng đành người đã ham vui
Núi non nào cũng một đời cô đơn
Tuyết trên mái cổ nghiên hồn
Dưới chân cổ tượng cũng bồn chồn theo
Xe không nào sẽ qua đèo
Đêm nay chắc lá lại nhiều chiếc rơi
Cũng may tôi có một đời
Để đau, để khổ, để ngồi trông thư.

Du Tử Lê

(Dinfos 11 – 69)

(Nguồn: Thơ Miền Nam trong thời chiến – Tủ sách Di sản Văn chương Miền Nam - Thư Ấn Quán xuất bản - 2006)

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

Đêm sâu - Hồ Dạ Thoại

Đêm sâu

Đèn lu con khóc thét
con muỗi vòng qua hiên
bóng đêm nhòa bóng mẹ
con nhện sầu truân chuyên

Lớn đi con chóng lớn
mẹ làm thơ ngũ ngôn
dạy con bình trắc khóc
ôi chỉ khóc trong hồn

Bước đi làm quan tái
ngõ về mây phiêu du
biển sâu hay bến tuyến
thư đề thơi xuân thu

Bừng lên cây huệ trắng
cho đến nồng nhớ thương
cho mơ về đến bến
trẻ thơ rồi chiến trường

Tiếng loa nhòa tiếng khóc
tiếng mình len tiếng đêm
người vào đêm dừng lại
giấc ngủ lên ngập thềm

Hồ Dạ Thoại

(Nguồn: Tạp chí Hành Trình số 40 ngày 26/01/1972)

Trên Quốc lộ 4 - Diễm Châu

Trên Quốc lộ 4


Tôi bàng bưởi trên con đường lỗ chỗ
về miền Tây vựa lúa nước tôi
những cánh đồng mênh mông như lời mời gọi
những lạch sông rực ánh mặt trời
những cây cầu chênh vênh
những chuyến phà lộng gió
những món quá đượm hương đồng nội
những mẹ hiền và thiếu nữ ngây thơ

Tôi đi mãi vào miền hy vọng ấy
tưởng chừng như nhịp gót chân tôi
cả trăm vạn người xưa cùng bước
bàn tay nào mở mang bờ cõi
bàn tay nào dựng nước dựng nhà
khi khói lên xanh trên hàng dừa thẳng tắp
khi cá về đầy ắp bến sông
và lúa vàng rào rạt trổ bông
tôi biết rõ là hơi thở ấy
đã thổi vào lòng đất quê hương
tôi biết rõ nhữn giọt mồ hôi ấy
đã làm sương phủ khắp cánh đồng
và tiếng chim kêu trên bờ lau
nhắc tôi tới những ngày đơn độc
cánh tay trần chống trả với thiên nhiên
con cá lội ngu ngơ giữa hai dòng nước biếc
mở cho tôi cánh cửa bình yên
của lao lác hiền hòa của kiên cường bất khuất

Tôi kiêu hãnh nhìn quê hương lớn mãi
với giấc mơ một dân tộc anh hùng
tôi nghe tiếng người xưa thầm gọi
trong miên man triều sóng biển khơi
và tôi hiểu là đời tôi không thể
ở yên như núi xa
ở yên như dòng sông lặng lờ trôi cùng lục bình tưởng nhớ

1969

Diễm Châu


(Nguồn Tạp chí Đất nước số Xuân Canh Tuất 1970)



Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Sân bắn - Nguyên Sa

Bia lên ta thấy thân người

Thấy ta thấy địch thấy đời lãng du

Thay tay dư thấy chân thừa

Thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không

Một đời phơ phất hình nhân

Thấy còn thấy hết sau cùng thấy đau

Bia lên thấy mẹ u sầu

Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta

Trời cao ngó xuống thịt da

Bia lên mây cũng vật vờ cỏ xanh

Bia lên tìm chỗ ta nằm

Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu

Hầm bia buồn đến mộ sâu

Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay.

Nguyên Sa

(Nguồn: Tạp chí Đất Nước số Xuân Canh Tuất – 1970)

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Tắm - Nguyên Sa

Thể theo yêu cầu của chị BEO (sắc), tớ mời các bạn đọc thơ nhé! Thơ Nguyên Sa luôn!

Tắm

Ta cởi quần áo

Ta vặn nước

Nước chảy từ đầu tới chân

Ôi khoái,


Nước chảy từ trời

Chẩy từ Hoàng hà

Chẩy từ mây

Từ núi cao

Từ suối

Từ sông

Bây giờ đến

Đến tóc

Đến vai

Đến lưng

Đến bụng

Đến chỗ dưới đó

Đến những nơi em gọi là mặt trời

Qua những nơi em gọi là muông thú

Mặt trời

Mặt trời

Em có nhớ

Muông thú

Em có nhớ

Em nhớ, em nhớ

Nước chẩy

Còn dấu tay không

Còn vết môi không

Em nhớ

Làm sao em nhớ?


Ta vặn nước

Chuyện dấu tay

Chuyện vết môi

Bỏ qua đi em

Nước đang chẩy trong óc

Ôi khoái

Trong cuống phổi

Trong uột

Trong gan

Ruột gan trôi vật vờ

Cuống phổi trôi vật vờ

Có cái gì không trôi

Em biết không

Biết chắc không

Làm sao em biết

Em thử chưa

Em thả chưa

Em thả tóc chưa

Thả mắt chưa

Thả môi chưa

Thả đôi vú

Thả đôi chân

Thả vai run

Thả da bụng trắng

Thả buổi sáng

Thả buổi chiều

Thả những đêm

Sáng đó chớ sáng nào

Đêm đó chớ đêm nào

Đêm ta say trên trời

Đêm ta cười trên núi...


Em đừng phiền nghe em

Ta nhặt được cành khô

Ta ném cành

Ta nhặt được hoa tươi

Ta ném hoa

Ta nhặt được em

Ta ném em

Ta nhặt được ta

Ta ném ta

Xuống biển

Đã tới đó

Đang ở đó

Thì ném xuống đó

Chớ ném đi đâu

Làm sao ta lên trời

Làm sao ta lên núi

Sông Hoàng hà ở đâu?

Sông Hoàng hà ở đâu

Giọt nước có giống giọt nước

Vui sướng có giống vui sướng

Đau khổ có giống đau khổ

Trên nó, còn có nó

Làm sao ta biết

Em muốn biết

Em muốn hỏi

Em muốn thù hận

Em muốn đam mê

Em muốn gặp gỡ

Em muốn lãng quên

Em muốn trở về

Em muốn tới nơi


Này đây

Hãy cầm

Cành khô năm nhánh.


Nguyên Sa

(Nguồn: Tạp chí Đất Nước số 15 tháng 11 năm 1969)

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2008

Về việc khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội

Vâng, sau khi post entry "Bàn về chuyện đất đai của tôn giáo" thì cũng có mấy bác hỏi về Lá thư Mục từ của Hồng y Phạm Minh Mẫn. Báo Công giáo và Dân tộc cùng số 1673 tuần lễ từ 05/9 đến 11/9 ngoài bài viết của Linh mục Thiện Cẩm thì cũng còn đăng bài viết "Về việc khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội" của Linh mục Trương Bá Cần (TBT của Công giáo và Dân tộc). Nếu mọi người sau khi đọc xong bài "Bàn về chuyện đất đai của tôn giáo" có cho rằng "sẽ bị vu là giọng điệu của công giáo quốc doanh" thì có lẽ sẽ hết băn khoăn về điều đó sau khi đọc bài viết của Linh mục Trương Bá Cần.


From Tu lieu
From Tu lieu
From Tu lieu
From Tu lieu
From Tu lieu
From Tu lieu

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

Đừng "âm tính" trước những "tai nạn" kiểu đó!

Báo Phụ Nữ Tp.HCM ngày 28/9/2008 đăng bài “Đừng "âm tính" trước những "tai nạn" kiểu đó!” của nhà báo Bạch Mai. Nội dung bài báo ngắn nên tớ trích nguyên văn:

Sự cố Quách Thành Danh với hình ảnh trên bìa CD ngày nào - bị lên án kịch liệt là phản cảm, là thiếu văn hóa - vẫn còn "đắng" đối với không ít bạn trẻ đang sống bằng nghề diễn trên sân khấu, từ MC, ca sĩ, diễn viên, vũ công cho đến người mẫu!


Thế nhưng, trong một lần quảng bá cho việc người mẫu Chung Thục Quyên tham dự cuộc thi Nữ hoàng Du lịch quốc tế tổ chức tại Hà Nam (Trung Quốc) vào tháng 3/2008, tung hoành trên mạng là hình ảnh của cô mặc quần jeans không cài "cửa", để lộ hẳn chiếc quần bé tí màu hồng bên trong. Nếu sự cố của Quách Thành Danh đã "coi không được" thì phải hiểu thế nào về sự "khiêu khích" của Chung Thục Quyên?


Gần đây, một lý lẽ biện minh được đưa ra khá "hùng hồn": tụt áo, tụt váy là chuyện nhỏ, chuyện bình thường trên sàn diễn! Thật ngán ngẩm, khi có thông tin cho biết, sự cố tụt áo phơi ngực "một phần" hoặc "toàn phần" đối với một số người mẫu là "chuyện bị hoài" ! Đến nước này thì làm sao tin được đó chỉ là sự cố?


Ca sĩ Lưu Hương Giang trong đêm tổng duyệt chương trình văn nghệ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ngày 31/8/2008, cũng đã gặp chuyện "không may" với trang phục trình diễn màu hồng cánh sen của mình. Chiếc áo ống không chịu nổi những động tác "cực mạnh" của chủ nhân đã tụt xuống khỏi bộ ngực. Các quan khách tham dự tổng duyệt một phen ớ người. Các người mẫu nên khoe vóc dáng đẹp, trong trang phục đẹp và cần chuyên nghiệp đến mức biết kiểm soát, tiên lượng những "tai nạn" gây ảnh hưởng xấu cho bản thân, vi phạm thuần phong mỹ tục. Đừng "âm tính" với những "tai nạn" kiểu đó, để trở thành kẻ khoe của lộ liễu một cách khó coi.


Bà Nguyễn Thế Thanh (Phó GĐ Sở VH-TT-DL TP.HCM) đã có lời phê bình thuyết phục: họ sử dụng trang phục nhạy cảm mà không có giải pháp an toàn khi trình diễn, để xảy ra điều phản cảm, là họ vi phạm luật chứ không phải là chuyện "nhỡ nhàng"! Phạt 9 triệu cho điều "không may" trong Đêm phong cách vừa qua là cần thiết, tuy còn nhẹ.

Hơi ngạc nhiên là nhà báo Bạch Mai lại “nhầm lẫn” một cách cơ bản đến thế!

Với ví dụ đầu tiên là bìa CD của ca sỹ Quách Thành Danh thì rõ ràng đây là sự cố ý chọn hình bìa của ca sỹ. Với ví dụ thứ hai là sự sơ suất của người mẫu rồi bị cộng đồng mạng tán phát (nếu muốn chứng minh rằng Chung Thục Quyên cố tình thì nhà báo Bạch Mai cần phải nhiều chứng cứ hơn). Sao lại có thể cố tình “lập lờ” rồi gộp chung cả hai sự việc lại làm một? Từ sự cố tình “lập lờ” ấy nhà báo Bạch Mai lại tiếp tục lập luận của mình khi đi đến khẳng định “tụt áo”, “phơi ngực” của người mẫu là chuyện cố tình. Nhà báo tiếp tục lên lớp và dạy các người mẫu VN rằng “Các người mẫu nên khoe vóc dáng đẹp, trong trang phục đẹp và cần chuyên nghiệp đến mức biết kiểm soát, tiên lượng những "tai nạn" gây ảnh hưởng xấu cho bản thân, vi phạm thuần phong mỹ tục.”. Và khi đọc đến kết luận của bài viết thì tớ mới chợt hiểu. Cả bài viết với lập luận “gượng ép” như trên chỉ là để chứng minh rằng: Bà Nguyễn Thế Thanh đã có lời phê bình thuyết phục với người mẫu trong Đêm Phong Cách!

Tớ hoàn toàn tán đồng với việc Sở VH-TT&DL Tp.HCM tiến hành phạt những sai phạm trong Đêm Phong Cách nhưng coi đấy là sự “cố tình” thì quả là gượng ép. Tớ cũng chẳng bênh giới “người mẫu” với những scandal sex ầm ĩ rất nhiều trong xã hội VN. Nhưng việc nào ra việc đó, nếu có thông tin thì hẵng nói, còn không có thì đừng nói mò, người ta cười cho. Việc “dạy dỗ” các người mẫu cũng không phải chức năng của cơ quan quản lý vì thế hãy cứ làm tốt công việc của mình, như dân gian vẫn hay nói: “Đừng có dạy đĩ vén váy!”