Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2007

Dòng Máu Anh Hùng - Đạo diễn Charlie Nguyễn biết mình muốn gì !


Đã định không viết cái Entry về cảm nhận của riêng mình sau khi xem phim "Dòng Máu Anh Hùng" (bắt đầu chiếu chính thức tại các Rạp ở Tp.HCM từ 27/4/2007) vì ngại đứt gánh "Hoàng Lê nhất Thống chí" nhưng rồi lại bần thần viết ra để chia sẻ với bà con. Hôm chiếu ra mắt báo chí bộ phim này (20/4/2007) thì mình kẹt cái đám cưới nên không đi xem được. Có đứa em đi xem nhắn tin than thở: "Không như mong đợi, ngoài âm thanh, ánh sáng và những pha võ thuật"....

Phim lấy cốt truyện kể về hoạt động nổi dậy của nghĩa quân Đề Cảnh chống lại thực dân Pháp vào thời kỳ năm 1927. Thúy (Con gái của Đề Cảnh - Ngô Thanh Vân đóng) bị bắt trong một lần ám sát viên quan chức của Pháp được Cuờng (sỹ quan mật thám Pháp - do Jonhny Trí Nguyễn đóng) gia tay "nghĩa hiệp" cứu thoát khỏi nhà tù. Cả hai bị Sỹ (Sỹ quan mật thám Pháp - do Dustin Nguyễn đóng) truy đuổi. Kết phim, Cuờng lộ nguyên hình là "ngụy quân tử" giả vờ nghĩa hiệp cứu Thúy đưa về căn cứ của nghĩa quân nhưng thực chất là đã âm mưu với Sỹ từ trước lừa Thúy để truy bắt Đề Cảnh, thế nhưng vì cảm phục tinh thần của nghĩa quân chống lại giặc Pháp và tình yêu đối với Thúy sau một thời gian "chạy trốn", Cường đã quay lại cùng với nghĩa quân chống giặc Pháp.

Phim có tiết tấu nhanh, những pha võ thuật tuyệt vời, diễn viên nhập vai và diễn xuất tốt (nhất là vai Sỹ). Cũng có vài điều đáng tiếc như: phần lời thoại trong phim hơi khó nghe, nhân vật Đề Cảnh trong phim không khắc họa được hình ảnh một người thủ lĩnh thực sự của nghĩa quân....Công bằng mà nói thì đạo diễn Charlie Nguyễn biết mình định làm gì và đã làm khá tốt. Toàn bộ truyện phim chỉ nhằm thể hiện những pha võ thuật và hành động theo đúng "chất Mỹ", Ngô Thanh Vân đã thể hiện rất tốt vai diễn của mình, Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn với kinh nghiệm của mình ở Hollywood đã mang lại cho người xem Việt Nam "chất hành động Mỹ" không chê vào đâu được. Bộ phim Dòng Máu Anh Hùng chắc đã để lại "bài học lớn" cho các đạo diễn của Việt Nam khi muốn làm phim thương mại - giải trí.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2007

Xem Áo Lụa Hà Đông và những cảm nhận cá nhân


Chiều nay quyết định đi xem Áo Lụa Hà Đông để tận mắt coi xem phim thế nào, báo chí nhà ta khen có đúng hay không và chê có quá hay không. Xem hết bộ phim nhưng chẳng đọng lại điều gì nhiều. Trước tiên phải khen ê kíp làm phim đã vất vả, có mong muốn hướng tới một bộ phim hay và cũng đã đạt được một vài điều sau những cố gắng đó: Bộ phim thấp thoáng có ý tưởng, có truyện, hình ảnh đẹp, kỹ xảo tốt và dàn diễn viên hùng hậu với chi phí làm phim cao. Thế nhưng (vẫn cứ phải thế nhưng): Xem phim ALHĐ tôi có cảm giác như đạo diễn bỗng nhiên nhặt được ý tưởng về chiếc áo dài trắng làm hình tượng cho người phụ nữ VN rồi bám diết lấy nó; vì quá "tham" nên bộ phim bị chi phối quá nhiều với những trường đoạn dàn trải chẳng ăn nhập với ý tưởng (trồng Cây cau, Hai vợ chồng Dần từ Bắc đi vào Hội An...); đạo diễn có những lúc "quên" mất hình tượng chiếc áo dài trắng mà lại mải khắc họa hình ảnh người phụ nữ VN vượt khó khăn, đảm đang, chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng, cho con (trường đoạn bán sữa cho ông già) nên tạo ra rất nhiều khoảng trống trong phim. Tạm gác qua những lỗi morat trong phim như: áo dài khuy bấm, cột ăng ten ở phố cổ Hội An...) thì đúng là việc đưa hình ảnh những người nông dân nổi dậy từ những năm 1945 sang 1954 là không thể chấp nhận được về mặt lịch sử dù là ở thể loại phim nghệ thuật hay giải trí.

Có một chi tiết mà sau khi xem phim tôi vẫn cứ thắc mắc mà không thể giải thích được đó là tại sao ở cảnh không quân Mỹ ném bom trường học lúc Hội An đang đọc bài luận của mình về chiếc áo dài thì lại có hàng chữ chạy ở dưới chú thích rằng "Không quân Mỹ ném bom nhầm vào dân thường" ? Có thật là không quân mỹ ném bom nhầm vào dân thường hay đạo diễn Lưu Huỳnh có ý gì khác ? Và từ chi tiết này tôi lại liên hệ đến chi tiết cô bé Ngô cầm cây sào có treo áo dài trắng và chạy theo đoàn người "tản cư" và sau đó là năm 1975 khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh lá cờ trắng đầu hàng thường được bên thua trận sử dụng khi biết mình không thể tiếp tục chiến đấu !


Đây cũng chỉ là cảm nhận cá nhân nhưng thực lòng mà nói thì qua bộ phim này tôi cảm nhận rằng đạo diễn đã thiếu hẳn một "gốc rễ văn hóa" cần thiết của người Việt.