Thứ Ba, 9 tháng 1, 2007

Nền Hòa Bình ăn thịt những đứa con của nó


Nguyễn Loan Brossmer

Lời dẫn: Đây là câu chuyện thường ngày của một gia đình ngư phủ ở Huế. Gia đình là nạn nhân trong chiến tranh Việt Nam và tan nát thời hậu chiến. Tác giả bài này lúc còn nhỏ bị thương nặng và được một tổ chức cứu trợ đưa về Đức. Hai mươi năm sau, anh trở về quê nhà. Ở đây anh miêu tả số phận của mình và gia quyến.

*****************

Tôi cảm ơn mẹ tôi về tất cả mọi điều. Trong một đêm tháng Hai dịp Tết năm 1968, tôi bị thương vì một mảnh lựu đạn. Mẹ bán đi chiếc thuyền (đồng thời cũng là nơi trú ngụ của gia đình) để có tiền chữa chạy cho tôi rồi đưa anh chị em tôi đi ở nhờ nhà bà con.

Sáu tháng sau, khi các bác sỹ đã chịu bó tay thì bà đưa tôi ra sân bay. Khi ấy mẹ đang mang bầu tháng thứ bảy. Ở sân bay, các nhân viện của một tổ chức cứu trợ Đức đã chờ sẵn. Trong giây phút ấy trong lòng tôi trỗi lên một nỗi buồn không bao giờ dứt. Đấy là một ngày nào đó trong một cuộc chiến nào đó, một cuộc chiến mà cả về sau này cũng chẳng có một ý nghĩa gì. Cuộc chiến này đã giết 58.000 người Mỹ và hơn 3 triệu người Việt Nam. Tôi chỉ bị gãy cột sống, những người khác thì óc phọt ra, tan xương nát thịt vì đạn pháo hay da thịt cháy queo như một tờ giấy.

Lại nói về mẹ tôi: Mẹ trao đứa con trai của mình cho những người xa lạ để cứu nó, Mẹ khuỵu xuống đường băng bê tông, trên vũng dầu rớt ra từ một chiếc máy bay nào đó. Thiên hạ, lúc đầu còn há hốc mồm, ngạc nhiên tò mò xúm quanh người đàn bà khóc tức tưởi, giờ quay đi chỗ khác. Vài năm sau mẹ qua đời, không hề được thấy con một lần nữa. Người ta kể với tôi rằng tôi không hề khóc từ khi ngồi trong máy bay – đôi khi trẻ con câm lặng vì nỗi đau của chúng quá lớn. Có lẽ nỗi buồn của tôi sẽ trở nên nực cười khi cố gắng thử khóc bù cho những giọt nước mắt thuở ấy. Nỗi buồn cũng chôn sâu trong trái tim cha tôi và 6 anh chị em tôi. Gia đình tôi là một trong hàng trăm gia đình ngư phủ ở Huế sống trên thuyền. Nỗi buồn ấy đưa chị Thê (lớn hơn tôi 2 tuổi) thường xuyên đi coi bói. Thày bói bảo: Hãy ở lại đây, rồi chị sẽ có duyên có phận ở chốn này. Anh chị em tôi kể là cha tôi thường đột nhiên rời chỗ ngồi quen thuộc của ông ở đằng mũi thuyền, lần vào dưới mái để mở chiếc tủ gỗ. Giữa những cây nhang và bức thư là nơi cất giữ những bức ảnh của mẹ đã được trọn 15 năm và gần như đã ngả mầu vàng. Tuy nhiên ông tin cậy vào sức mạnh to lơn của ký ức trong ông. Khi cha tôi ngồi trước bàn thờ, ông trò chuyện với linh hồn của những người đã khuất.

Cũng phải biết thêm rằng: Ngay gần chùa Thiên Mụ, bên dòng sông Hương nơi những cây phượng cao cao với những chùm hoa đỏ như lửa ngả bóng xuống, cha tôi đã đạp phải mìn và phải cưa hai chân. Đấy là chuyện xảy ra tháng 3 năm 1975, sáu tuần trước khi cuộc chiến chấm dứt. Cha tôi không khi nào than thở về chuyện đó. Chị Thê bảo tôi rằng, nếu mẹ còn sống chắc không đến nỗi xảy ra nhiều bất hạnh như thế. Ở Huế mà phàn nàn về những điều đó thì chẳng khác nào than vãn vì đêm nào cũng lắm muỗi. Chẳng ở dải đất nào có nhiều nạn nhân chiến tranh như ở An Nam, nơi giới tuyến đi qua.

Có thể, không, chắc chắn sự có mặt của mẹ cũng không ngăn cho những mộng ước quá lớn đến mức chúng tan vỡ. Tôi nói về anh Phong của tôi. Anh ấy là chàng trai rắn rỏi nhất trong số trai tráng sống và làm việc trên sông Hương. Sự cương nghị hiện rõ trên nét mặt làm anh ấy khác hẳn đám anh chị em khác. Khi những bạn chài khác đã nghỉ thì anh ấy vẫn còn làm. Đúng 4 giờ sáng họ nhảy xuống biển và Phong lặn thật sâu để rải lưới, tưởng chừng như chẳng bao giờ anh trồi lên nữa. Trong những tháng ngày Phong chưa biết rằng những ước mơ có thể ngốn sạch tâm hồn, tôi quan sát anh làm công việc thứ hai của mình. Anh vác bao đá nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể đi phăm phăm trên công trường xây dựng và chỉ chịu ngừng nghỉ khi ói ra vì kiệt sức. Vốn liếng của anh là những bắp thịt rắn như thép, tính háu đá, hiếu thắng và không bao giờ chịu đầu hàng. Nhưng rồi nỗi đau đã tới.

Năm 1990 tôi về thăm Huế lần đầu, hai mươi năm sau vết thương chiến tranh của tôi, vết thương đã đưa tôi lên xe lăn. Chuyến viếng thăm ấy đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi một cách ngớ ngẩn. Những tuần đầu tôi mới về Phong còn là con người dịu dàng nhất trên đời. Chúng tôi nắm tay nhau trên hàng hiên khách sạn Hương Giang hướng ra sông. Chúng tôi nói cho nhau nghe về những ước nguyện. Tôi hình dung ra một ngôi nhà villa mầu trắng ở Huế, rồi đây tôi sẽ ở đó. Ước vọng (hão huyền) của anh ấy cũng chẳng kém vĩ đại:Anh ấy muốn cưỡi một con thuyền nhỏ vượt đại dương và một ngày nào đó đột nhiên gõ cửa nhà tôi ở Munich. Tôi cười: Anh đã biết châu Âu ở chỗ quái nào đâu mà! Vẻ mặt trang nghiêm, anh ấy chỉ vào đường chân trời, nơi dòng sông uốn khúc và biến mất giữa những bụi chuối và những lùm cỏ dại ven bờ: Đấy là địa chỉ của Thiên Đàng.

Tôi nghĩ đến việc mình cần làm là phải trao lại món quà mẹ đã cho tôi. Vài ngày trước khi bay về Đức tôi mua một căn nhà để cha tôi, anh Phong (người anh lớn 28 tuổi), Phóng (em kế của Phong, 24 tuổi) cùng với ba chị em gái khác: Thê (32 tuổi), hai chị em sinh đôi Thu, Hiên (22 tuổi) và Bé (17 tuổi) ở cùng với lũ con cháu. Như không tin vào mắt mình, Phong nhìn chăm chăm vào chiếc phong bì màu xanh đựng số tiền mà có lẽ anh phải làm quần quật ba chục năm thì may ra mới kiếm nổi. Rồi anh lại nhìn chằm chằm vào thằng em trai xa xứ đã trở nên mập mạp nhưng vẫn vận một chiếc áo thun tinh tươm, đôi chân cứng đơ không đi lại được nhưng vẫn đóng bộ Jean Mỹ.

Từ bữa đóPhong biết rằng anh ấy chính là kẻ thất bại. Chỗ ở mới dù có sang trọng như hoàng cung thì cũng không xoa dịu được nỗi đau của anh, khi biết rằng, có những nơi mà ở đó rõ ràng người ta dù không có đôi chân lành lặn vẫn có thể trở nên giàu có vô cùng, trong khi anh làm lụng đến kiệt sức vẫn chỉ mãi mãi là một trong số những người dân chài nghèo khó. Mỗi buổi sáng về nhà với mành lưới rỗng, người sặc sụa toàn mùi ốc, mùi rong, rồi còn phải ra chợ đấu khẩu với những mụ đàn bà chanh chua, nhưng mụ đàn bà cứ xăm soi lật ngược, lật xuôi từng con lươn, mớ cá vụn, kì kèo trả giá, cân tới cân lui chán chê rồi mới chịu mua. Từng ấy công việc mang lại cho Phong mỗi ngày khoảng 8000 đồng, chưa tới 1 USD. Quỷ thật, tại sao thằng em không xay cho nhà mình hai, ba, bốn ngôi nhà ? Ít ra thì cũng phải kiếm lấy một căn phố lầu gần chợ Đông Ba để ông anh có thể ngồi trên cao phẩy tay lấy le với mấy con mẹ hàng cá chứ !

Suốt hai mươi năm ông bố không thật sự tin rằng lại còn được ôm trong tay đứa con lưu lạc. Bởi vậy ông tha thứ cho nó mọi sự: bộ đồ jean, chiếc áo thun trắng, chiếc bao thư màu xanh và cả cái việc mãi đến bây giờ mới về thăm bố. Bởi vậy ông nhắc thằng anh thua thiệt: “Mày phải biết ơn nó, nó mới đúng”. Từ lâu Phong không còn chịu sự dạy bảo của cha nữa, anh nghe vậy chỉ gật đầu im lặng. Tuy nhiên, dường như một quyết tâm đen tối đã thoát ra từ tâm hồn anh ấy, vì nhìn vẻ mặt anh u ám lắm.

Trở về Đức được ít bữa thì tôi nhận được thư của Phong, người hoàn toàn mù chữ, chắc anh đã đọc cho ai đó viết: “Ma quỷ gieo rắc bệnh tật, xui xẻo vào nhà, chúng tôi phải mua căn nhà mới, nhờ chú giúp”. Vâng, ở Việt Nam không hiếm khi thánh thần, ma quỷ xông vào nhà bạn và bạn chớ coi thường, hãy liệu hồn đấy! Nhưng đây là chuyện Phong bịa ra, trong nhà người duy nhất bị ma ám là Phong. Và con ma ấy là ma men, một bác sỹ người Huế tôi quen biết từ bên ĐỨc đã cho tôi hay. Từ sau ngày tôi ra đi, Phong nổi máu điên, cứ ngỡ mình là ông lớn, suốt ngày say xỉn, đi khắp làng và thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tất cả những ai không tin những lời anh ta ba hoa hoặc không cho anh ta vay tiền. Là con trai trưởng trong nhà, Phong đứng ở vị trí thứ hai sau ông bố. Có lần Phóng định mở máy cho thuyền chạy thì Phong đẩy bắn thằng em ra và mọi người cho qua cái hành động ngang ngược ấy của anh. Nhưng bây giờ thì Phong không chỉ đánh bạn bè va lũ em mà còn nện cả bà con họ hàng, thậm chí cả ông bác ruột anh của mẹ tôi. Xưa nay, kể từ ngày mẹ tôi mất ông vẫn để mắt trông nom tới gia đình tôi, giúp gì được là bác luôn giúp. Ngay cả bố cũng sợ những trận lôi đình nổ ra khi Phong say xỉn: Khi ông còn say thì chỉ một câu trả lời sai cũng có thể làm ông ta nổi cơn thịnh nộ. Cha tôi nghĩ đến điều đó và mọt đêm, như bao đêm khác. Phong về nhà nồng nặc mùi bia. Anh ta đã chờ đợi hoài mà không thấy bên Đức gửi tiền về, Phong lại gần bố và bảo: “Con nợ nần nhiều. Ta phải quay về sống trên thuyền thôi, bán cái nhà này đi”. Và vậy là bán nhà. Suốt một thời gian dài cha tôi đã giấu không cho tôi biết nguyên nhân thật và sao lại có chuyện bán nhà đó. Nếu tôi có hỏi thì ông chỉ mỉm cười đau khổ. Nhiều năm sau tôi mới biết là cha tôi hoang mang và xấu hổ, ông không thể nói về chuyện đó. Nỗi nhục do con cái gây ra, ông cảm thấy như nỗi nhục của chính mình. Sợ bị mất thể diện là một trong những tính cách của người Châu Á. Điều này thì bất cứ cuốn sách du lịch rẻ tiền nào cũng biết cách giải thích. Ít khi nào tôi thấy ấn tượng hơn để nói tính cách Châu Á thực sự là gì. Với một sự tuyệt đối không gì lay chuyển nổi, với phẩm giá và sự quên mình, ông bố đỡ lấy tất cả gánh nặng của thế gian. Không có gì thuyết phục được ông rằng không phải lỗi tại ông, khi mà truyền thống, những giá trị và kinh nghiệm cổ truyền bị phản bội như Phong đã từng làm. Ở Việt Nam hầu như không còn gì tệ hơn là gia đình lục đục. Tập thể là một trong những bí mật của đất nước này, nơi mỗi người sinh ra trong một cộng đồng và ngay từ thuở còn thơ đã học cách gánh vác trách nhiệm cho người khác. Người ta chia sẻ với nhau những thành công, thất bại, nỗi đau. Việc Phong bán đi ngôi nhà chung là không thể tha thứ vì lợi ích cá nhân không khi nào được gây hại cho gia đình. Lẽ ra anh ta phải tự bước ra khỏi nhà. Tuy nhiên, một người đã cụt cả hai chân và mất uy quyền như cha tôi, quá yếu ớt để tống cổ anh ta đi. Và hậu quả là các con ông, hết đứa này đến đứa khác chối từ trách nhiệm của thế hệ mình.

Chị Thê cũng vậy. Trước kia chị cũng giống như mẹ: chăm sóc chu đáo việc nhà, nghiêm khắc và cảm thông với các em và cũng như trong hoàn cảnh tương tự, chị đảm nhiệm cả việc dạy bảo chúng. Nhưng rồi sự thể đổi thay. Thê bắt đầu hút thuốc và chửi đổng như những cô gái thô lậu. Chị đánh bài hết ngân quỹ của cả nhà, số tiền mà những bà máu me cờ bạc nhất cũng chẳng dám làm. Bởi vậy, chẳng ngạc nhiên khi chị chỉ kiếm được một anh chồng đã có một đời vợ. Ngay cả lời của thày bói cũng mất thiêng. Thê quyết định vào Sài Gòn, một trong những thành phố có thể biến những kẻ rửa bát thành triệu phú. Ở đó những dàn âm thanh Nhật Bản, khách sạn chọc trời, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm ấn giấu trong mọi ngóc ngách đang chờ đón bạn, và cả chuyện bạn thuộc giới thượng lưu trong một thành phố lớn nữa. Thành phố không bao giờ ngủ: người ta cười, hò hét và phóng xe máy trong cái thành phố tràn đầy năng lượng này, cho dù tất cả phần còn lại của thế giới đều đã đi ngủ. Cơ man nào là người các tỉnh lân cận và ở các vùng khác của đất nước trong những năm qua đã dời nhà về thành phố. Hầu như không có thành phố nào trên thế giới này hiện nay lại phát triển nhanh đến như thế. Và theo đòi hỏi của nó thì những năm đầu tiên của thiên niên kỷ tới nó sẽ là định tinh hấp dẫn nhất châu Á, còn trước cả Hong Kong hay Singapore. Những ai ngày mai không muốn trở thành kẻ thất bại thì hôm nay hãy sớm thu xếp hành lý “đi Sài Gòn” là công thức kỳ diệu hấp dẫn vô số người đi tìm vận may. Như hai chị em Thu và Hiên nghĩ, không còn gì để mất ở Huế. Có thể họ nghĩ đúng: điều gì chờ đợi Hiên khi nó không chồng mà chửa. Những ngày cuối cùng trước khi sinh, nó rúc vào một góc thuyền để trốn tránh những lời độc địa của họ hàng, làng xóm. Khi đứa bé chào đời được ít lâu thì Thu và Hiên lên Sài Gòn.

Phóng - thằng em, ở nhà vẫn gọi nó là Tèo (một cái biệt danh có nghĩa gần như là ngốc) ở lại Huế với Phong – ông anh. Phóng không chịu lấy cô gái mà cha tôi đã ngắm cho nó. Nó bỏ chạy (tất nhiên là vào Sài Gòn) và sa ngay vào vòng tay của một cô điếm. Số tiền lận lưng chỉ đủ cho nó sờ vú cô ta - thế nhưng khi về đến con thuyền xưa nó đã oang oang khoe tài trai của mình. Dù là ban đêm nó vẫn đeo cái kính râm mới thửa được - thứ hàng dỏm nhái theo mẫu Ray-Ban. Bọn trẻ ở Sài Gòn đã bảo với nó rằng thứ này đang là mốt nhất.

Con Bé, 17 tuổi, là đứa đầu tiên tính từ chị Thê trở xuống lại được tiếp tục đến trường đi học. Thê còn nhớ rõ hồi đó mẹ cấm chị trốn học như thế nào. Còn con Bé thì cho tới giờ này chưa hề tháy mặt nó ở trong lớp. Thay vì đi học, nó khoe có ông anh bên Tây Đức tiếp tế để vay của người ta khi 50 USD lúc 100 USD, số tiền bằng lương tháng trung bình của hai người. Có trời mới biết nó dùng số tiền ấy vào việc gì.

Trong khi đó ba chị em gái ở Sài Gòn đã mở một quán ăn nhỏ bán bánh bột lọc đặc sản, mỗi tháng cũng kiếm được dăm chục đô. Nhưng trước hết là trong thành phố kỳ diệu này họ được biết đến những thứ mà người ở lại Huế có nằm mơ cũng không thấy được. Ví như lần đầu họ đi vào thang máy, cứ nơm nớp là nó sắp rớt đến nơi hoặc một lúc nào đó Thê học cách gọi điện thoại, mới đầu chẳng biết nghe đầu nào, nói đầu nào. Lại có bữa cả ba chị em nhìn thấy cái vòi hoa sen trong phòng tắm, cứ ngỡ là một loại máy liên lạc nào đó. Họ nghe ngóng mãi chẳng thấy tiếng ai, đẩy cái cần gạt sang nút đỏ, thế là nước nóng rẫy trút xuống ào ào, suýt bỏng hết những bàn chân trần. Thu bảo, thực ra họ muốn quay trở lại Huế. Chị nhớ bố, ông ấy chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thu nghĩ đến những chuyện xích mích mà chị muốn quên đi, chị nghĩ đến chuyện chị không thể hình dung ra trong đầu một nơi nào đó mà chị có thể sống hạnh phúc thực sự. Nếu Thu nghĩ ngợi về số phận của chị thì lòng chị lại buồn rười rượi, nỗi buồn khiên chị câm lặng.

Có thể đó là nỗi buồn đã kết nối chúng tôi lại làm một. Tôi nghĩ người ta cần rất nhiều sức mạnh cho những hoạch định của cuộc đời mình, nhưng cuối cùng thì ở một chỗ nào đó lại thiếu năng lượng để tin vào chúng. Trong mơ tưởng của tôi không còn nữa chiếc villa trắng ở Huế. Nó sẽ không bao giờ được xây, vì tôi cần một chiếc máy điều hòa để khỏi hoang mang bởi cái nóng ở Việt Nam, tôi cần biết kết quả bóng đá cuối tuần và tờ nhật báo. Có lẽ chẳng có gì hay hơn là ngồi ngoài hàng hiên thưởng thức trà đen Bảo Lộc, sáng tác tiểu thuyết và gõ vào bàn phím. Không, nỗi khát khao này sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Vào cái ngày tôi xuất hiện ở Huế, anh chị em tôi đã đánh mất sự vững tin của họ. Trong khi tôi nghĩ rằng tôi có thể mua cho họ hạnh phúc thì tôi đã cướp đi của họ lòng tự hào và tự trọng, những gì ta còn cảm nhận được trong con người khi ta có thể thực hiện ước mơ bằng lao động của chính mình. Cha tôi đã suy sụp và kiệt lực quá rồi, chẳng có thể ngồi bàn bạc với ông về điều đó. Không có nhiều người để tôi có thể nó với họ về điều đó. Có một người phụ nữ sẽ lắng nghe tôi, tất cả chúng tôi sẽ bỗng nhiên thêm dũng cảm gấp bội nếu chúng tôi được nhìn vào đôi mắt dịu dàng của bà. Mẹ, con muốn được một lần nữa nói với mẹ, dù chỉ năm phút thôi./.



Thứ Ba, 2 tháng 1, 2007

Chuyện buồn đầu năm.

Đã định không viết về chuyện buồn vào ngày đầu năm mới ấy thế nhưng cứ bị ám ảnh bởi những gì được chứng kiến và cảm nhận khiến tôi không thể không viết.
Vào đúng cái ngày 1/1/2007 thì nhận được tin vợ của một anh đồng nghiệp bị sảy thai vào tháng thứ 6, một bé gái sinh ra và sống được trên đời chỉ có vẻn vẹn 35 phút đồng hồ. Anh đặt tên bé là Vũ Thị Vô Danh (tức BUỒN - tên tục của bé) còn sư thầy ở chùa Vĩnh Nghiêm khi cầu siêu thì đặt pháp danh cho cháu là GIẢI THOÁT!
Sáng sớm nay, bác nhân viên nhà xác của bệnh viện với những thao tác quen thuộc của người làm công nhẹ nhàng tháo chiếc khăn vải quấn bé để mọi người nhìn cháu lần cuối rồi bế cháu vào quan. Tiếng đóng đinh chan chát! Khe khẽ tiếng khóc của mấy chị phụ nữ! Cháu được đưa xuống Bình Hưng Hòa làm lễ hỏa táng rồi đưa tro cốt của cháu về chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ cầu siêu. Cầu cho cháu được siêu thoát !
Cũng là một kiếp người !

Người tử tế và "chuyện tử tế"


Đã dự định khép lại loạt bài viết về bộ phim "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy, ấy thế nhưng hôm nay lại đọc được bài viết của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thước kể về những ngày quay cảnh Đồng Xuân Thuyết nằm trên giường bệnh và đọc cho bạn bè nghe một đoạn trong cuốn sách "Chuyện của muôn đời", lại thấy bứt rứt, lại thấy khó chịu trong người. Thôi thì đành phải post cả bài viết đó lên blog để chia sẻ với bạn bè.

Người tử tế và “chuyện tử tế”

Năm 1985, nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung cùng nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết (1940 – 1986) vào TP.HCM để thực hiện bộ phim tài liệu nhựa “Cùng một dòng suy nghĩ”, một bộ phim về những vấn đề của tiểu thủ công nghiệp thành phố.

Một tuần sau, Đồng Xuân Thuyết đột ngột bay ra cầm theo lá thư của đạo diễn Sỹ Chung gửi Ban giám đốc. Trong thư, đạo diễn Sỹ Chung đã đề nghị Ban Giám đốc cho tôi bay vào gấp để làm tiếp công việc của Đồng Xuân Thuyết.

Cũng không hiểu vì sao, những năm ấy, nhiều nhà làm phim tài liệu đã qua đời, đều do một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư.

Nhà quay phim Nguyễn Quý Nghĩa, Nguyễn Quang Trình, nhà biên kịch Quang Minh, đạo diễn Tô Cương, nhà quay phim Phan Trọng Quỳ, đạo diễn Trần Thịnh, đạo diễn Xuân Thành dều ra đi vì căn bệnh tai quái ấy và, bây giờ là Đồng Xuân Thuyết…!

Công việc của anh Sỹ Chung và tôi rồi cũng xuôn sẻ. Sau một tháng, chấm dứt những cảnh quay cuối cùng, chúng tôi bay ra và mang theo quà của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh gửi cho anh Thuyết.

Sáng hôm sau, nộp trả máy quay, đóng gói phim gửi in tráng xong, tôi và anh Sỹ Chung chạy ngay vào Viện E, nơi anh Thuyết đang nằm.

Cũng không thể tưởng tượng nổi khi bước vào phòng bệnh, một người quay phim to khỏe như con bò mộng ngày nào, chỉ đổ bệnh sau một tháng, anh đã như một bộ xương nằm trên giường.

Khi chúng tôi đến, cũng thật bất ngờ đã thấy đạo diễn Trần Văn Thủy đang ngồi cạnh anh và hình như các anh đang trao đổi với nhau một công việc gì đó rất say sưa.

Sau những thăm hỏi về công việc, sức khỏe thì chúng tôi mới biết Đồng Xuân Thuyết đang trở thành một nhân vật trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” đang triển khai của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Cách đó một tuần, đạo diễn Trần Văn Thủy đã quay những cảnh Đồng Xuân Thuyết trên giường bệnh đang tâm sự với bạn bè đồng nghiệp. Anh còn hứng chí đọc lại cho bạn bè một đoạn thú vị luận về tâm hồn và thể xác trong cuốn “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Nga Dumbatzê.

Hôm nay Thủy vào, thông báo cho Thuyết kết quả của mẻ phim nháp vừa xem. Hình như cũng chưa hài lòng lắm và các anh muốn quay lại.

Những chuyện mà tôi và đạo diễn Sỹ Chung định kể cho Đồng Xuân Thuyết nghe về một tháng làm việc với những việc làm được và chưa làm được, những vui buồn của chuyện làm phim bỗng trở nên nhợt nhạt khi đạo diễn Trần Văn Thủy và nhân vật Đồng Xuân Thuyết của Thủy tiếp tục bàn về bộ phim tương lai của các anh sẽ như thế nào.

Thủy muốn lùi bộ phim tới lúc Thuyết nằm xuống. Đám tang của Thuyết với bạn bè đồng nghiệp và những người thân đưa tiễn sẽ phải quay vào phim để làm cái cớ bàn tới lẽ sống của cuộc đời.

Thủy thì say sưa nói đến mạch phim tiếp theo, những vấn đề sẽ được động chạm tới. Thuyết thì rất hào hứng với chi tiết đám tang mình sẽ được quay vào phim để lấy cớ cho một mệnh đề.

Cái máu quay phim trong nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết bỗng bật lên, anh hào hứng bàn với Trần Văn Thủy rằng cái đám tang sẽ phải quay như thế nào.

Lê Văn Long (người quay phim đang quay cho đạo diễn Trần Văn Thủy) sẽ phải đưa máy quay xuống dưới huyệt và đón cảnh cỗ quan tài từ từ hạ xuống ra sao… “Cứ thế, cứ thế…!”

Tôi ngồi đấy mà lạnh gáy. Nhìn sang, thấy đạo diễn Sỹ Chung lặng đi.

Hình như nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết đang bàn về việc quay một đám tang của một ai đấy đang là nhân vật của các anh…

…Nhớ lại chuyện người anh, người đồng nghiệp, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết của chúng tôi, chúng tôi không bao giờ quên cái khuôn mặt hốc hác, cặp kính lão thường đeo ngày nào, giờ đây như to lên một cách không bình thường trong phim “Chuyện tử tế”:

“Mấy ngày hôm nay tớ đau kinh khủng, như xé ruột. Nhưng những lúc đỡ, đọc cuốn sách này tớ thấy hay quá! Đọc thử các cậu nghe một đoạn nhé: Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác.

Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy cố gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử.

Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng… Sao cho cái chết của một con người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống…”.

Có lần mẹ anh vào thăm anh, thương con quá, bà òa khóc: “Con ơi nhà ta bất hạnh quá!”.

Tôi thấy anh Thuyết bật dậy, ôm lấy mẹ và nói: “Sao mẹ nói thế, con hạnh phúc lắm, con ốm có tất cả bạn bè quay con, cho con các thứ, tiếp máu cho con, lùng mua mật gấu cho con uống, ai hạnh phúc bằng con nữa?”.

Tôi nhìn, nước mắt tứa ra trong hốc mắt của bà.

Anh là người tốt bụng với tất cả, anh đã sống như một người tử tế.

Có lẽ, nhờ cái sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trời cho trong anh, sau ca phẫu thuật Thuyết khỏe lại như chưa từng đổ bệnh. Một hôm Thuyết phóng cái Honda 67 đen xì tới nhà Thủy và hét to: “Thủy ơi, phim mày đổ rồi, tao không chết thì phim mày đổ rồi…”.

Từ trên gác ba, nghe hai tiếng “Thủy ơi”, đạo diễn Trần Văn Thủy biết ngay chỉ có Thuyết. Anh vội chạy xuống đón bạn. Không có cảnh Thuyết chết thì xoay cách khác, mà không làm phim này thì làm phim khác, Thuyết mà sống thì Thủy còn hạnh phúc nào bằng…Họ là vậy!

Tình cảm ấy, đạo diễn Trần Văn Thủy đã dồn vào những cảnh kết phim với tâm sự của chính anh “…

Có dám tranh cãi với ai đâu và có gì mới đâu? Chỉ thương bạn, người đồng nghiệp xấu số, lúc sống và lúc chết đều vui lòng để chúng tôi quay phim. Nỗi bất hạnh to lớn trong quá khứ của gia đình cậu ta kể ra ở đây không tiện.

Vậy mà vẫn tự cậu ta đùa bỡn với chính cái chết của mình cho đến lời cuối… Cậu ta bảo rằng, tao thèm sống quá, muốn sống nữa để xem chúng mày làm cái phim tao chết như thế nào ?...”.

Trời ơi, những người làm phim đàn anh của chúng tôi đã từng sống và nghĩ với nghề, với đời như vậy! Mỗi khi nhớ lại, tôi vừa buồn vừa muốn làm thêm điều gì đó cho nghề mà tôi theo đuổi.

Có một lần đạo diễn Thanh An nói với tôi: “Với những người làm phim tài liệu, trước tiên phải có bản lĩnh, có bản lĩnh rồi mới đến tri thức và tài năng…”.

Vâng, cái bản lĩnh của những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh tài liệu Việt Nam đã kết lại trong anh, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết, người anh, người đồng nghiệp của tôi.

NSƯT Nguyễn Thước
(đạo diễn phim tài liệu)

(Theo Tiền Phong Online)