Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ ba

Tút này có quảng cáo - không có tiền thì làm nhạc làm sao? (ĐEN)


Nghe tiếng ồn ào tưởng như máy xịt khuẩn quanh đây, bèn bật dậy ngó xem, thì ra là máy cắt cỏ. 

Lại lướt Phây chờ bữa sáng. Tình cờ đọc bài bình thơ anh Sáu Bình của Nông dân đất Úc - Lai Trong Tinh. Hắn bình như nào các bạn tự đọc trên FB hắn, chỉ biết đọc xong mình vỗ đùi liên hệ Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của một tạp chí thuộc Liên Hiệp các Hội Unesco Việt Nam đề nghị giao hắn chức Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Úc châu. Để viết đôi nét về Tình: Tay này xưa cũng từng chuyên văn Lê Hồng Phong -Nam Định (đoạn này hắn tự nhận), từng làm báo nổi tiếng khắp Hà Nội (lúc ấy mình ở SG, sau này nghe anh em giang hồ làng báo bảo thế - chắc cũng đúng mươi phần). Lúc chuyển ra HN công tác thì Tình đang làm ở VTC14 (kênh truyền hình thời tiết - nói vậy cho dễ nhớ), sau sự kiện đặc biệt hắn bỏ nghề nghỉ nhà mấy tháng rồi sang Úc theo diện đoàn tụ với vợ con (chắc chắn không phải diện H.O - việc này mình biết). Mình thích tản văn quê nhà hắn viết, đọc thấy mùi rơm rạ, mùi bùn và cả mùi phân trâu bò của làng quê Việt. Đọc hắn mình cảm giác thấy Tô Hoài thời Dế mèn phiêu lưu ký, thấy Trần Đăng Khoa thời Góc sân và khoảng trời….Mình rất thích món cá cuộn giấy bạc nướng rơm ủ qua đêm nhà hắn, Tết năm nào cũng đặt vài con. Ăn ngọt thịt, bùi mà hơi dai nhắm với bia thì tuyệt. Sang Úc hắn làm nông dân chính hiệu (cũng là hắn tự nhận thế) trồng nho, bán rượu vang, thi thoảng chạy uber (thấy khoe FB thế). Thấy bảo mấy tháng chuyển lửa về quê hương một lần, mỗi lần vài container rượu vang Úc để bán cho bạn bè và người dân Việt. Mình có mua vài lần, nhưng khổ cái mua lần nào cũng giảm giá với khuyến mại kiểu mua 2 thùng tặng 1 thùng thành ra rất ngại. Mình không sợ những “viên đạn bọc đường” như thời các Cụ, thời nay nếu không vì sợ tiểu đường thì mình vẫn có thể nhai hết đường rồi nhả đạn chì ra thoải mái. Nhân văn tri thức như vậy mà bỏ đi sang Úc làm nông dân quả thật rất đáng mừng cho nền văn học nghệ thuật và báo chí nước nhà và tất nhiên là cả bản thân hắn. Mình nhấn mạnh lần nữa là rất đáng mừng! Vì vậy, để ngăn cản hắn quay trở lại với con đường văn chương, nếu bạn có nhu cầu mua rượu vang uống nhâm nhi trong bữa trưa, bữa tối (tốt cho tim mạch) thì nên mua rượu vang của hắn. Giá cũng bình dân như con người hắn vậy. 


Cạch cạch, bữa sáng hôm nay là Xôi ruốc. Xong bữa sáng là đến giờ biên tập, bổ sung cho hoàn chỉnh (tắt nhiên lần nào cũng vội) để đăng tút duyệt phây. Đa phần không tin hoặc nghi ngờ việc mình hủy kết bạn Zalo với em gái suýt chung phòng. Thì kệ thôi, đâu bắt mọi người tin mình được…he he.


Bạn bè vẫn nhắn tin hỏi thăm tình hình cách ly có ổn không? Các em gọi hỏi anh thiếu đồ gì để ship vào khu cách ly….Thực ra thì tối qua đã nhờ anh em cq ship cho gừng, sả, bộ ấm đun nước (đa năng), C sủi, dầu gió, dao kéo…vào rồi. Nhưng vì gửi buổi tối nên chưa được nhận, hẹn sáng nay sẽ giao. Việc gửi đồ tiếp tế cũng khá đơn giản, chỉ cần ghi rõ họ tên, số phòng và toà nhà (tất nhiên nên kèm số đt) gửi ngay ngoài cửa KTX thì sẽ có người ship đồ giúp đến cửa phòng. 


Trưa nay, ngoài giao cơm còn được giao thêm đồ tiếp tế. Ăn xong, vận động nhẹ, tập hít vào thở ra chút rồi đi ngủ. Luyện khí công môn hít vào thở ra này khó khăn phết. Hai lần khoanh chân bấm giờ mà không lần nào quá nổi 5 phút. Làm việc này đòi hỏi phải tập trung, theo dõi luồng khí hít vào từ mũi cho đầy bụng, xong thở từ từ ra đường miệng. Ngày xưa đọc sách (sách gì chả nhớ tên) hướng dẫn còn có trình cao hơn là khi hít vào thì dùng tâm trí điều khiển (thực ra chính là ý nghĩ thôi) cho luồng khí đi khắp cơ thể 1 vòng xong mới thở ra. Thời sinh viên rảnh rỗi cũng thử luyện vài lần mà khó quá nên bỏ qua. Giờ nghĩ kỹ thực ra Đông Y cũng là đây. Dùng khí mở huyệt đạo như truyện chưởng, chắc cũng nhiều  phần sự thật. Chợt nhớ cuốn Quyền Sư của anh Trần Việt Trung, rất hay, khuyến cáo các bạn nên đọc (nếu còn tìm mua được).


Chiều ngủ dậy, bắt đầu khám phá túi đồ tiếp tế. Lấy sả với gừng ra cắt thành nhiều miếng nhỏ cho vào ấm đun nước đa năng (Nói đa năng vì ấm này có những 10 chế độ: Đun nước, pha trà, luộc trứng, nấu mì, nấu chậm, lẩu, chưng yến, thuốc Bắc, sửa chua và pha sữa).  Tất nhiên đến phần lau nhà, dọn dẹp vệ sinh phòng ở. Bình thường cũng không chăm như này đâu, nhưng trong này có việc động chân động tay là tốt rồi, không thì cũng lại mờ mắt mòn vân tay trên ipad với điện thoại thôi. Hôm nay mở rộng không gian lau nhà sang cái giường thứ hai, cạnh giường mình nằm. Lười nó thế…he he. Và tất nhiên xong việc thì phải tắm rồi. 


Tối vừa cơm xong được lúc thì con bé gái thứ 2 gọi Zalo video, vừa nói chuyện vừa cười như nắc nẻ. Bảo con vừa đọc status trên FB của bố xong, buồn cười quá bố ạ. Ô hay, tôi đấu trí với gái thế mà cô cười được à (mình nghĩ thầm trong bụng). Sao bố không nói với cô ấy là bố có vợ rồi? Ha ha, bố nói rõ rồi đấy! Bố bảo mình có 1 vợ 3 con cơ mà. Thế tình hình ở nhà thế nào? Phải đổi đề tài ngay lập tức. Kinh nghiệm cho thấy là không nên coi thường phụ nữ và trẻ con các cụ ạ. Phụ nữ chả có logic nào cả. Họ là chân lý. Còn trẻ con thì rất ngây thơ, hỏi những câu rất ngây thơ, chân chất mà người lớn thường cứng họng. 


Nói chuyện với mấy đứa trẻ con xong thì lên cơn buồn ngủ. Không hiểu sao thỉnh thoảng mình hay có giấc ngủ ngắn tầm 8 hoặc 9h đến 11 hoặc 12h, sau đấy lại thức. Tầm giờ đấy thì bớt chat chít nên yên tĩnh và tập trung hơn để viết tút. Viết những gì đọng lại trong ngày (mấy hôm nay thì phải note các chi tiết vì hay quên). 


Hẹn các bạn ngày mai nhé!


Ảnh minh họa: Ban công khu cách ly.


—————-

Update thêm 01 tản văn Lại Trọng Tình viết truyện làng quê để bạn bè thẩm văn. 


ĐẰNG SAU


Góc vườn chỗ mảng tường đất còn sót lại mọc lên một cây sung hái.

Sau mấy trận mưa rào, cây lá trong vườn mơn man như phủ một lớp dầu bóng màu xanh. Sáng sớm tinh sương, bố đã vác bừa vắt trâu ra đồng. Mẹ chắc đi chợ bán thóc đong muối mua rọc khoai cho lợn. Thằng Thương từ ngoài vườn chạy về rỉ tai tôi " cây sung hái sắp có tổ chim". Nó nói nhỏ như sợ con chim sâu nghe thấy bỏ đi không làm tiếp. 

Ở giữa cây sung, một tàu lá to đẹp cứng cáp nhất đã được khâu cong lại, khum khum hình cái bồ đài. Mấy hôm nay vợ chồng chim sâu đã miệt mài chuẩn bị ngôi nhà cho những đứa con sắp ra đời.


Mũi khâu của đôi chim trên tàu sung hái đánh thức cả khu vườn. Bụi chuối tây giáp tường nhà ông Thụ bỗng ló ra một cái đò nhỏ xíu, hóa ra bông hoa chuối đã trổ thành buồng từ bao giờ. Tôi hí hửng, tối nay lại có món nộm. Đò chuối tây luôn là đỉnh nhất, bùi, ngậy mà chát vừa phải. Thái mỏng, ngâm qua nước vo gạo...mới nghĩ tới đó đã tứa nước dãi. 

Cây khế sát bờ ao bà Đê cũng trổ thêm bông, những chùm quả sai chĩu chịt lả sát mép nước. Cầu ao bố bắc bằng một tấm gỗ lấy từ miếng quan tài sau bốc mộ, hai bao thóc giống mẹ ngâm buộc ở hai đầu cọc tre lăn tăn sủi bọt. Hai bao thóc kẻ thù của tôi. Nỗi khiếp sợ của tôi. Mấy ngày mẹ ngâm thóc tối nào tôi cũng bị sai nhấc lên xách vào hiên để. Cầu ao vừa trơn vừa lung lay, bắc bằng tấm ván thôi đã quá đáng, lại bắc ngay góc ao sát vườn bà Âu, chỗ có cây sung. Đêm, nằm ở giường bố, mỗi lần thò chân lên cửa sổ, nghe tiếng quả sung rụng tõm xuống ao, tôi lại cảm giác như có bàn tay nào chộp lấy chân mình lôi ra ngoài cửa sổ. 

Mỗi lần bị sai đi nhấc bao mạ vào thời điểm xâm xẩm tối là tôi lại chơi trò vừa làm vừa gọi mẹ ơi. Gọi váng cả đằng sau, mà mẹ thì mải cho lợn ăn chả mấy khi giả lời. Tôi cũng biết vậy, nhưng không gọi thì sợ tụt quần. Mấy đứa em xỏ lá biết tôi sợ, đứng trong nhà bám cửa sổ còn hét toáng lên " ôi ma kìa" " ôi có cái gì đỏ lòm trên cây sung ". Lần nào cũng vậy. Cho đến khi bao thóc ngâm với những cái mộng mạ màu trắng đâm ra vỏ bao, ấm áp chạm vào bắp chân tôi trong hiên nhà, mới có thể thở phào nhẹ nhõm. 

Buổi trưa. Bố đi bừa về. Mẹ đội thúng lòa xòa rọc khoai và chỉ có thế. Thì chúng tôi được xách cần câu ra đằng sau.

Hồi ao chưa bán cho chú Võ, lối nhà tôi bùn sẩu vì ao toàn đón lá nhãn lá sung rụng, ít có cá vào. Tôi đáp vùng bằng cám rang, họa hoằn lắm mới giật được một hai con cá diếc. Sướng củ tỷ.

Nhưng ra đằng sau câu không bao giờ là một ưu tiên. Ao bà Lãng đằng trước nhiều tôm trà hơn, lại tiện để rắng nhà, chủa thóc. Đặc biệt là nhiều câu chuyện rùng rợn được sáng tác ra để ngăn chúng tôi ra đằng sau. Gốc cây sung có ông Ớt chết đuối thỉnh thoảng lại nổi đỏ lòm. Vườn bà Đương có mấy người bị Pháp bắn vùi ở đó, giờ bà Đương làm vườn vẫn nhặt được cát tút vàng chóe.

Đáng sợ nhất, thực sự là rắn và ngã ao.

Gốc chuối tây là ổ cạp nong. Hổ mang bành thì luôn bò qua bò lại hai bên mảng tường đất còn sót giữa vườn bà Sảng và vườn nhà tôi. Lối tắt chui qua bụi duối nhà bà Âu để sang nhà Bác Hằng bị chặng lại bằng một lần nhì thấy cặp rắn ráo cuộn nhau vắt vẻo, lộ cái bụng vàng ươm.

Tôi vẫn bị mũi khâu điệu nghệ của đôi chim sâu cuốn hút. Trên cành trà rào giữa ao bà Đê, con chim chả lòe loẹt rình rập. Những tàu lá chuối chín già gập xòa xuống gốc. Cây chuối non đang nhú lên từ nền đất ẩm ướt sau mưa. Vết chém trên gốc sung vẫn còn rỉ nhựa. Ai đã hứng nhựa sung để phất diều. Đám chìa vôi và chích chòe vẫn xà xuống đầu vườn. 

Không có những cọng rơm trong cái bồ đài sung hái. Có lẽ đôi chim sâu đã quyết định tìm một chỗ kín đáo hơn. Đằng sau vẫn là một thứ bí ẩn và hấp dẫn. Vẫn gai gai khi sẩm tối bước ra. Vườn bà Đương bán lại cho chú Chinh làm nhà, chả có gì ngoài mảnh sành bát vỡ. 

Bây giờ ra đằng sau. Những gốc bưởi tôi trồng đang bám vào đất ướt. Cây khế và cầu ao không còn.

Bất giác tôi vẫn thấy lành lạnh và cất tiếng gọi " mẹ ơi".

Không có tiếng trả lời....dù tôi biết là ở trên kia, vầng trăng mười rằm tháng sáu tròn vành vạnh, mẹ nghe rõ tiếng gọi của tôi.

Vậy đó, phía đằng sau luôn có những thứ làm người ta ớn lạnh. Nhưng không sao, chỉ cần cất tiếng gọi mẹ, mẹ ơi. 

(Vân Đồn, 8/7/2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét