Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ 5

Hôm kia, trong tút giới thiệu ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam tại Úc châu - kiêm người bán vang dạo - mình có giới thiệu cuốn sách Quyền sư của anh Tran Viet Trung. Thích cuốn truyện này vì nó kể về Vịnh Xuân, thật giả trong truyện bao phần thì để hôm nào phỏng vấn riêng anh Trung, nhưng phủ lên trong sách là tinh thần võ thuật cao thượng và nghĩa khí. 

Mình có cảm tình với Võ thuật, chắc do hồi bé đọc truyện đánh nhau nhiều. Ban đầu là Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, sau đến chưởng Kim Dung, Cổ Long... Ấn tượng trong trí nhớ ngay lúc này với truyện Việt Nam thời đó là Người không mang họ (sau có được dựng thành film nhưng không toát lên được hết cái không khí trong truyện). 

Hồi bé có lần được Dì cho tiền, nhân dịp lĩnh tháng lương đầu tiên khi đi làm, mình đã đi bộ từ nhà lên Hiệu sách Quốc văn (nay là cửa hàng Louis Vuitton góc Tràng Tiền - Ngô Quyền) để mua quyển Tây Du Ký tập 1. Đọc nhoáy phát trong ngày xong, hụt hẫng vì hết nhanh quá. Hồi ấy sách không ra cả bộ cùng lúc mà mỗi tuần 1 tập như TV series. Thành ra mỗi tuần lại lên hiệu sách Quốc văn 1 lần - tất nhiên, chỉ để mua sách. Cái không gian sách ở Hiệu sách Quốc văn thời ấy nó sang trọng, quý phái như sảnh khách sạn 5 sao bây giờ vậy. Tam Quốc với Thuỷ Hử thì mượn đọc của mấy anh trong khu tập thể. Ấn tượng mạnh nhất với mình là cuốn truyện tranh “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” được vẽ theo trường phái Thuỷ mặc, hoàn toàn đen trắng. Sau này hình như Nhã Nam có in lại 1 đợt xong biến mất. Nhưng khổ in của Nhã Nam vẫn nhỏ hơn khổ sách của TQ (hình như là 25cmx35cm). 

Lớn lên chút thì đi thuê sách. Thời đầu thì thuê sách ở Bà Triệu, cạnh trường Mầm Non gần ngã tư Bà Triệu-Trần Nhân Tông có cái kios bằng gỗ như bốt gác của mấy chú CSGT bây giờ, thời ấy bùng nổ sách dịch không cần quan tâm tác quyền, trăm hoa đua nở. Ấn tượng nhất có lẽ là NXB Phú Khánh. Đọc truyện chưởng thì mình đi thuê ở Lý Nam Đế, ngay gần ngã ba với Cửa Đông. Lúc đầu là “sách xịn” in trong SG thời trước 75, sau chỗ này dời về trong khu tập thể đầu Nguyễn Tri Phương với Điện Biên Phủ. Đến thời này thì chỉ toàn sách photo đóng quyển cho thuê, giá vẫn không đổi. Những tên tuổi lừng danh trong làng văn kiếm hiệp như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô gái Đồ Long, Liên Thành Quyết, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu ngạo Giang hồ…đều đọc trong thời kỳ này. Ấn tượng nhất đến giờ này ngoài tác giả Kim Dung, Cổ Long ra thì mình vẫn phục dịch giả Hàn Giang Nhạn, giống như Ngọc Thứ Lang thổi hồn cho bản dịch Bố Già của Mario Puzo vậy. 

Đọc sách chưa đủ, thời những năm 80-90 cũng là thời của đầu video tape bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ban đầu thì chỉ là những đầu video loại thường (như Akai và các loại khác quên tên rồi), sau này xịn hơn thì xuất hiện thêm những loại đầu video mà đầu từ mạ vàng, tách tiếng, đa hệ, có thể hát karaoke luôn như Sharp K98 (hiện giờ nhà vẫn còn 1 cái trong hộp cũ, năm đầu ĐH kỳ kèo bố mẹ mua đâu chừng 5 cây vàng, lâu rồi không thử xem phát được nữa hay không). Mỗi cuối tuần mình lại đòi bố mẹ cho lên nhà cậu mợ (họ hàng bên ngoại) trên Hàng Thiếc để xem film chưởng bộ. Film bộ Hồng Kông thời ấy ngoài kiếm hiệp Kim Dung còn có dòng ngôn tình Quỳnh Dao như Xóm Vắng, Dòng sông ly biệt, Nỗi lòng thấu trời xanh…Bên cạnh TV Series của TVB, ATV thời ấy cũng còn rất nhiều film lẻ võ thuật với dàn diễn viên đi vào Huyền thoại lứa tuổi 7x như: Lý Tiểu Long, Jackie Chan Thành Long, Trương Mạn Ngọc, Dương Tử Quỳnh…

Đấy là đời sống trong sách, trong film còn ngoài đới thực thì sao? Hồi mình còn bé vẫn có phong trào buổi sáng dậy sớm tập thể dục. Các anh chị Đội, Đoàn bắt phải dậy sớm ra tập thể dục tập trung từ lúc 5h30, sau 30 phút thì thả cho tự do. Mình thường lang thang vào Công viên Lê Nin xem mọi người tập và cũng là đi chơi. Sau nhiều lần quan sát một chú tập quyền mình bèn xin chú dạy. Bài quyền chú dạy mình nhớ là Hổ quyền, không rõ của môn phái nào. Sáng nào cũng chăm chỉ ra học, nhưng được chừng đâu hơn tuần thì bố biết cấm tiệt luôn. Giờ cũng chả nhớ được bao nhiêu, đại loại cũng học đứng tấn, cũng học trảo….Tiếp đến đâu như năm cấp hai, mình năn nỉ bà chị họ kêu ông Bồ bả dạy võ cho mình. Ông nể chị quá nên bảo: Thôi mày đi học Karate đi, xong anh dạy thêm cách di chuyển của Vịnh Xuân. Thế là được giới thiệu đến Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, cũng bắt đầu bằng đai trắng. Ấn tượng đầu tiên khi vào sân tập là võ sinh rất đông, mình thầm nghĩ trong đầu: Bỏ mịa, thế mà cứ hung hăng ra đường có ngày bị oánh cho tè mỏ. Học đâu cũng được mấy tháng hè, chưa kịp thi lên đai thì bố lại bảo: Mày học võ để ra đường đánh nhau à? Thôi nghỉ ờ nhà. Thế là kết thúc sự nghiệp võ học. Sau này, cũng có lúc quay lại với võ, học mấy tháng trời ở Đông Ngạc nhưng chủ yếu xác định mình làm “cave võ” vì người gầy ốm, các bạn tập dễ quật, mình “biết ngã” nên cũng nhẹ nhàng. Bạn nào cũng tranh thủ nhờ mình làm đối tác tập để quật qua vai cho dễ. Mỗi năm đều quay đi quay lại với bài quyền 38 và 42 động tác (hoặc rút ngắn thì chỉ học 38 động tác thôi) nhưng năm nào cũng như mới. Giờ bụng to do nghiến răng, nuốt nước bọt nhiều bảo cúi xuống để 2 tay cạm mũi ngón chân cái chừng 5p cũng lắc đầu chịu chết. 

À, hôm qua trong lịch làm việc tại khu cách ly có nhiều bạn thắc mắc việc nghiên cứu Nghị quyết ĐH Đảng XII, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIII trong khung giờ 18h30-21h30… Xin thưa là việc này đã từng có tiền lệ, hồi bé bố mẹ đi làm khoá trái cửa nhốt mình trong nhà, không có gì đọc mình lôi Điều lệ ĐCSVN ra đọc và thuộc lòng. Tuy nhiên, đến giờ này thì chả còn nhớ tí gì, mỗi khi cần nghiên cứu mình vẫn lên tra Google.

(Hẹn các bạn ngày mai nhé). 

P/s: Trong một diễn biến khác, sau 5 ngày an dưỡng trong khu cách ly mình vẫn chưa được hân hạnh một lần, dù chỉ một lần được gặp y tá, điều dưỡng hay bác sỹ ở đây. Chỉ có mỗi một mẩu giấy ghi số đt liên hệ khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét