Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Ngày cách ly thứ 6

Quả thật là hôm nay rất bí, không nghĩ ra viết cái gì hầu bạn đọc. Tìm đề tài cho mình quá khó. Lục lại những gì đã viết trên Note của FB thì FB đã đóng tính năng Note từ bao giờ, việc tìm kiếm rất khó khăn và không ra kết quả. Lục tìm tiếp bên blogspot đem về cái Note cũ này từ hồi 2008 để bổ sung, chỉnh sửa lại cho cập nhật với tình hình thực tế. 


——-+———-

Nhà cũ


Trong trí nhớ của tôi thì căn nhà mà tôi lớn lên lớn lên khá rộng rãi, là một căn nhà cấp 4 lợp mái ngói ở trong một khu tập thể cơ quan ngay trung tâm Hà Nội. Sau này mới biết nó chỉ có 17 mét vuông, 9 mét vuông chính thức được cơ quan phân cho gia đình, còn 8 mét vuông kia là cơi nới từ một cái giếng cũ lấp đi. Kể ra thì rất oai vì nhà tôi ngày đó ở ngay đối diện Rạp xiếc TW, cạnh công viên Lê Nin (giờ là công viên Thống Nhất) và bến xe Kim Liên (mà nay đã xây khách sạn Nikko, giờ chuyển thành HÔTEL du PARC HANOÏ). Nhưng thực tế thì nhà là căn cuối cùng của dãy nhà cấp 4 trong một cái ngõ cụt, đường vào rất khó khăn. Nếu có 1 người dắt xe máy đi vào thì người đi ngược chiều phải nép sang một bên để tránh. Sau nhiều năm khó khăn bố mẹ mới có điều kiện làm thêm cái gác xép, năm đó hình như là năm tôi học lớp 8.


Đây là khu tập thể 58 Trần Nhân Tông dành cho CBCS Cục thông tin liên lạc. Lúc còn nhỏ thì khu tập thể và khu làm việc hoàn toàn không có tường ngăn cách, có lẽ do số hộ gia đình còn ít, không quá phức tạp, sau này mới xây tường ngăn riêng giữa khu làm việc và khu gia đình (nên mới bắt đầu có 58A và 58B). Thỉnh thoảng mình vẫn lên chỗ mẹ làm việc, nhìn các cô các chú gõ tele tip (không biết gọi vậy đúng không?), lấy các cuộn băng giấy mã vứt đi về chơi. Khu làm việc được gọi là “Khu xử lý”, nơi điện báo, mật mã gửi thông tin đi khắp nơi của toàn ngành. Bố thì đi làm xa hơn, sáng nào cũng cặp lồng cơm lên xe ca Hải Âu đưa xuống Thường Tín, chiều xe đưa về. 


Nhìn tổng thể thì Khu tập thể nhà tôi có 03 dãy nhà cấp 4, một dãy nhà 02 tầng và 02 nhà 03 tầng. Có một nhà 3 tầng là khu nhà ở còn một nhà 3 tầng có toàn bộ tầng 1 (tầng trệt) làm nhà ở, các tầng trên là phòng làm việc. Dãy nhà cấp 4 nơi tôi ở nằm sát tường ngăn với Bến xe Kim Liên, trước mặt là dãy nhà 2  tầng. Toàn bộ các Phòng trong dãy nhà 2 tầng này được dành cho cán bộ chưa có gia đình, một phòng có 4 đến 8 giường tầng, tuỳ theo diện tích.


Nhà tôi ở ngay cạnh 02 cái nhà tắm chung cho cả dãy nhà cấp 4 (06 hộ gia đình) và 02 phòng tập thể của tầng 1 thuộc dãy nhà 2 tầng của những cán bộ chưa lập gia đình. Nói là nhà tắm chung nhưng thực tế thì nó cũng kiêm luôn cả chức năng của nhà vệ sinh (tiểu tiện) vì khu vệ sinh chung rất xa, nếu ai mà bị "tào tháo đuổi" thì chắc chắn sẽ ra quần.


Nhà bác ruột (chị bố) tôi ở bên khu 3 tầng, bác ở trên tầng 3. Khu bên này tiện nghi và hiện đại hơn hẳn so với dãy nhà cấp 4. Mỗi tầng hình như có 10 căn hộ, cầu thang giữa, mỗi bên cầu thang là 5 nhà. Mỗi bên cầu thang có 1 khu vệ sinh, bao gồm cả tắm rửa, giặt giũ và WC chung . Nhà bác tôi có cửa sổ nhìn ra mặt đường Trần Nhân Tông với diện tích khoảng 20 mét vuông. Tầng 1 của khu có 1 cái nhà trẻ dành riêng cho toàn bộ trẻ con của cán bộ, tôi và ngay cả thằng út nhà tôi cũng được gửi ở đây lúc nhỏ. Lớn hơn một chút thì đi nhà trẻ ở phố Đỗ Hành rồi chuyển về phố Thuyền Quang, cũng có năm được về trụ sở chính của Trường Mầm non Sao Sáng ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Học cấp 1 và cấp 2 thì đi bộ qua Hồ Thuyền Quang đến trường Tây Sơn, nhưng tôi nhớ hồi đó chúng tôi học lớp một ở tầng trệt Biệt thự ngay góc ngã tư Trần Bình Trọng và Nguyễn Du, giờ hình như cái Trường học của tôi đã là Chi nhánh ngân hàng PVCombank (vừa mới đập bỏ để xây lại). 


Quay lại với cái nhà tôi ngày đó. Không dừng ở việc cơi nới thêm 8 mét, bố mẹ tôi còn làm thêm cái chuồng lợn ở trước cửa, tất nhiên là để nuôi lợn rồi. Và mấy cái chuồng gà ở góc cạnh khu nhà tắm chung. Hồi đó tôi cũng có một nhiệm vụ nho nhỏ mà bây giờ vẫn có thể "đấm ngực" tự hào là đi vào Công viên vớt bèo về nấu cám cho lợn. Thật ra thì sáng học chiều về đi chơi là chính thôi, vớt bèo là nhiệm vụ bố giao nhưng chắc là ông chỉ muốn tôi liệu giờ mà về chứ không quá mải chơi thôi. 


Trẻ con trong khu tập thể hồi ấy nhiều trò chơi nghịch ngợm nhưng thông minh và sáng tạo. Anh Ngọc dịu làm pháo thăng thiên bằng đất đèn, làm film bằng cách vẽ trên nilon rồi chiếu đèn vào phóng lên tường làm màn ảnh rộng, quấn pháo đùng bằng lõi cây sắt đánh kẻng (rồi nhét quả pháo tép trong ruột) để ra giữa đường dọa người đi đường…Hồi ấy cũng nhiều lần được xem chiếu bóng lưu động tại sân chung cư, được đem tem phiếu đổi bánh mỳ, bia hơi chở xe ô tô đến lăn bom xuống bán. 


Cả gia đình mình đã ở căn nhà này đến tận năm đầu tiên tôi vào Đại học (1994), nhà được bán cho bác gái (chị thứ 2 của bố) chuyển từ quê lên tiếp tục ở đây. Từ năm 1999, mình vào SG công tác tận 2015 mới B quay về HN nên không cập nhật lắm, chỉ biết đến giờ gần như toàn bộ khu tập thể này đã nhận nhà tái định cư: Đợt đầu các Hộ gia đình về Khu chung cư ở Trung Hoà-Trung Kính; Đợt sau các Hộ gia đình còn lại về Khu Chung cư ở Hoàng Cầu…Ngoài ra thì các gia đình chuyển khỏi khu tập thể này trước khi có yêu cầu tái định cư cũng khá đông, nhiều anh chị mình không còn nhớ mặt, biết tên; nhiều thế hệ các em chuyển đến sau mình cũng không kịp cập nhật. 


Học theo cách anh Bình Ca gọi tên Quân khu Nam Đồng, các anh chị đã từng ở đây cũng đặt một cái tên cho khu tập thể này là: Quân khu 58: Ngôi nhà Huyền thoại.


P/S: Thật không biết viết gì, đành tìm về quá khứ. Vì thế rất có thể mai, kia không kể chuyện hàng ngày nữa. Kính báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét