23-8-1968
Hôm qua 8g đã đi ngủ. Sáng 4g dậy, bây giờ đã cay xè mắt. Cả đêm gió ào ào và B57, B52 của nó liên tục bỏ bom xa. Mùa thu, mùa thu êm dịu và lạnh đã tới. Đường Lý Thường Kiệt lại đẹp lắm đây. Hà Nội bớt nóng chưa?
Ly ơi, con lại cô đơn quá, mùa đông này con không được vòng tay vào cổ mẹ và không được mẹ ôm vào lòng như năm ngoái nữa. Khổ thân con tôi. Một nỗi hối hận vò xé lòng tôi. Biết thế tôi không đi nữa hoặc chờ Ly lớn một chút, gửi vào trại đã. Tôi vội vàng quá. Ly ơi, mẹ còn xốc nổi quá. Mẹ chưa đáng là mẹ mà con đã ra đời. Tội thân con tôi.
Vừa viết được vài dòng thì Thu Bồn và Hồ Ngọc Sơn sang chơi. Thu Bồn tốt thật. Mình thích cái tính dễ gần của Thu Bồn. Thu Bồn bảo: “Suốt một tháng nay bên ấy ăn ngày có một lon rưỡi bắp. Mỗi bữa một người được một bát bắp hầm. Ngồi nhà viết truyện anh hùng nóng ruột quá. Nóng ruột vì chiến trường đang kêu gọi. Và nóng ruột vì đói. Tối nằm suy nghĩ, hôm sau viết cái phần suy nghĩ tối hôm trước. Đến 9g30 sáng là ngó xuống bếp, chờ đợi, loanh quanh đón bữa cơm. Không làm gì được. Chiều thì 4g đã đứng dậy. Ốm, khá nhiều lính trẻ miền Bắc vào ốm la liệt. Nằm tập trung thành 2 nhà dài. Ốm sơ sơ vẫn phải ăn bắp”. Thế mà Nguyên Ngọc thì cứ đào ra “Đất lửa” (sau đổi là “Đất Quảng” - BMQ), Thu Bồn viết anh hùng Nguyễn Ngọc Bình và Nguyễn Chí Trung viết Đồng Phước Huyến. Phục các anh ấy quá. Mình còn sướng hơn các anh ấy nhiều, còn có một lon rưỡi gạo và dẫu sao sức ăn của mình cũng không bằng các anh ấy. Nhìn các anh cao lớn, lực lưỡng mà ăn miệng bát bắp, cực quá.
24-8-1968
Chiều tối qua anh Giai ở Tí Sé về. Mua được ít bắp và ít bột ngô. Có nhẽ là thứ bột ngô xấu, dân xay, dần ra, có thể chỉ để cho lợn. Sáng nay ăn bột ngô quấy đặc ớn không thể tả. Mình chỉ ăn được độ 2 lưng bát, mà ăn mãi mới hết. Chóng ngán quá. Anh Tiến và Tam cũng kêu ngán. Bốn người nấu bốn lon, ăn không hết. Bụng đói mà không tài nào ăn được nữa.
***
3g chiều, xong “Hoa rừng”, đọc thấy không đến nỗi tồi lắm. Hay là mình chủ quan, “văn mình vợ người”? Muốn đưa cho Trần Tiến đọc nhưng lại sợ. Sợ Trần Tiến bảo vốn sống mình nghèo, thấy cái gì cũng tưởng hay ho, trong khi người ta coi rất bình thường. Cố gắng viết “Niềm vui thầm lặng” đã, rồi đưa một thể.
27-8-1968
May mắn. Chiều 24.8, mình đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng quyết định đưa Trần Tiến đọc “Hoa rừng”. Mình cũng chẳng nên giấu dốt làm gì. Mình còn viết nhiều, cái này không tốt thì anh em giúp cho, sửa chữa. Vấn đề là thực sự cầu thị, thực sự học hỏi…
Vừa đưa “Hoa rừng” xong thì anh em C9 về bảo Thông nhắn đưa 2 người nữa xuống Tí Sé cõng bắp. Thế là mình và anh Tiến đi (Hôm trước anh Chất đã đi rồi).
Sáng 25-8 thì mình và Tiến xuống TíSé. Đi rất nhanh. Lòng mình hồi hộp lo cho chuyến đi này. Một là mình lâu rồi chưa đi. Hai là mình sau một trận ốm, tiếp theo là những ngày đói, sâm không còn, ba là chặng đường Tí Sé A7 khá xa. Anh Giai cõng mà xẩm tối mới về… Sức mình yếu mất rồi. Lại đi với anh Tiến là người vốn đi rất nhanh mà mình thì vốn đi chậm như sên. Lòng mình ngổn ngang những nỗi lo. Kỳ này mà cõng tồi thì hóa ra mình chỉ là đứa nói mép.
Đi không mà mình không tài nào theo kịp Trần Tiến, hai người luôn cách nhau một quãng dài. Lưng mình muốn sụn ra. Mình hoang mang tột độ. Không biết là hiện tượng sốt rét hay hành kinh đây? Anh Tiến kêu mỏi vai và gây gấy. Mình không dám hé răng lộ ra. Giá đi với Anh thì mình đã đòi nghỉ. Nhưng đằng này mình cứ đi miết. Từ A7 xuống Tí Sé nghỉ có 4 lần. Nghỉ thì lại đỡ mỏi lưng. Bữa sáng mình ăn không khá. Bữa trưa mình và anh Tiến đều không ăn được, cơm hãy còn. Mình mỏi mệt tột độ. Càng lo. Đi không mà còn thế, mai cõng thì thế nào?
Lần đầu tiên biết một “cửa ranh”. “Cửa ranh” là ranh giới ngăn cách giữa căn cứ và đồng bằng. Dòng sông Thu Bồn xanh biếc với những nóc nhà ven đồi và những thửa ruộng lúa đang thì con gái bỗng hiện ra... Như một ngọn gió phả vào lòng, mình thấy hồi hộp quá. Trời nắng gắt mà mình thấy gió đồng bằng mát như gió biển. Thấy cả những cây dừa hơi gầy gò và xơ xác một chút, nhưng dẫu sao đây vẫn là lần đầu tiên từ ngày đặt chân vào miền Nam mình được thấy những cảnh đó. Mình và anh Tiến băng qua đồng trống. Bên trái là một cái đồn địch trên đỉnh đồi. Bên phải là những dặm đồi bị vàng lụi, đen sẫm lại vì chất độc hóa học. Trời nắng, đường lầy. Đi tới 2g kém 10 thì thấy ngay chỗ Thông và anh Chất. Mừng quýnh. Chòm nhà này có 3-4 cái ở ngay ven sông Thu Bồn. Con sông nước xanh biếc, đúng là dòng sông của miền Trung. Con sông chảy giữa một bên là những dãy đồi trọc và một bên là những chòm nhà rải rác. Mình ra sông Thu Bồn giặt võng và bọc võng bị mắm cái đổ vào, lòng bàng hoàng xúc động. Không ngờ đời mình lại có ngày được dầm chân xuống dòng sông Thu Bồn mát rượi… “Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…” (thơ Tố Hữu). Thật kỳ lạ quá đỗi. Những lúc này mình thấy yêu đời quá và sự ra đi của mình nó lý thú quá. Dù sự ra đi ấy mình có phải trả một giá rất đắt, thậm chí có phải hy sinh, phải đau đớn… Mình rửa mặt và thấy thích cái nước sông có phần ấm áp hơn nước suối giá lạnh. Bao nhiêu mệt mỏi đều tiêu tan. Lâu lắm mới lại thấy đàn trẻ bơi quẫy dưới nước và những chiếc thuyền nan úp trên bờ sông hoặc cột nơi mép sông. Trong này gọi là những chiếc ghe. Ghe được dầu rái trát vào. Thứ dầu dễ cháy và hắc, dính như sơn. Trẻ con khu vực này đứa nào bơi cũng giỏi. Cái Huệ - con gái ông chủ nhà bọn mình ở nhờ - mới 11 tuổỉ. Hỏi biết bơi chưa, nó gật đầu (...).
4g sáng đi. Qua đồng lầy, bãi trống và bãi tranh. Phải rất vội. Tàu rà đã lên. Thông bảo theo qui luật đã có 2 lần thực tế thì cứ cách một ngày phản lực lại đến ném bom và ngày hôm nay chính là ngày nó thả bom. Bao giờ cũng một chiếc tàu rà lên trước, rồi phản lực lên và chúng ném độ hơn chục quả. Hố bom và đất tảng bắn vung vãi dọc đường mình đi. Một thoáng lo hiện ra rồi vụt tan biến ngay. Mình sợ chết lắm, nhưng sao những phút nguy hiểm nhất mình lại bình tĩnh nhất. Mình luôn tin rằng rồi mình sẽ thoát. Chiếc tàu rà 2 thân nghiêng ngó điên đảo. Trần Tiến (Chu Cẩm Phong - BT) bảo: “Nó nghiêng bên kia, cứ đi, bao giờ tôi bảo ngồi xuống thì ngồi nhé”. Trần Tiến rất tốt, luôn kèm sát mình. Còn ông Chất thì lỉnh lên mãi quá cửa ranh mới ngồi nghỉ ở chân dốc. Thông bảo:
- Chịu ông Chất, ông ấy đi nhanh quá. Có tí máy bay nữa thì rồi chả ai theo kịp ông ấy.
Mình cười. Trần Tiến im lặng (dĩ nhiên).
(...)
Lên dốc. Dốc thoai thoải nhưng lối đi hẹp và bậc cao. Mình bò. Lúc ở dưới cửa ranh, vượt một cái dốc ngắn nhưng cao và trơn mình đã ngồi xệp và tụt xuống rồi lại bò lên. Tiến đi sau. Mình thật ngượng vì thảm hại nhưng không biết làm thế nào. Lúc lên dốc mình cũng bò, nhưng chiếc gùi cứ kéo mình xuống, Trần Tiến phải đẩy gùi lên đỡ mình. Thông và Trần Tiến bảo sớt cho ông Chất, mình không nghe, cứ đi trước. Tiến lại theo sau và dặn mình: “Đừng đi một mình, đi có người nhỡ làm sao thì còn đỡ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét