Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Kỳ cuối)

23-11-1968

Chiều qua anh Giai đi chỉnh huấn về báo tin: Anh đã về A7 và chiều nay sẽ cùng anh Chất về tới đây nếu đi kịp. Không thì sáng mai. Mừng quá. Đang mong Anh đến căng thẳng. Nhưng mình tin ngay là Anh không thể về tới chiều nay được vì ông Chất ốm, anh cũng yếu, không thể gùi nặng mà đi 2 ngày từ A7 về tới đây.

Hôm nay anh Tiến bảo mình làm một con tính: số ngày gùi, ốm và ở nhà. Tính từ 9-7-68 đến hôm nay 23-11-68, cộng là 136 ngày.

Mình đã mất: 71 ngày đi gùi; 26 ngày sốt; còn: 39 ngày ở nhà.

24-11-1968

Ăn sớm xong, ngồi nói chuyện với anh Giai. Nghe anh ấy kể về nông nỗi thiếu muối trong những ngày đi lĩnh gạo xã hội chủ nghĩa. Mình từ thuở bé chưa từng biết thiếu muối, nay nghe thấy lạ quá: ăn cơm nhạt, được người ta cho 7 hạt muối, để dành cuối bữa mới ăn vã.
Anh Hồng (Điện ảnh) về chiều qua. Anh ấy nhắn Cao Duy Thảo bảo mình là Quốc còn ở lại làm việc với ban vài hôm. Buồn quá. Thế là Anh chưa về hôm nay được. Mình lại khổ sở vì chờ đợi.

Sáng nay anh Tiến bảo tổng số ngày ốm của anh ấy hơn mình 12 ngày, còn ngày gùi của anh ấy hơn mình có 4 ngày thôi. Như vậy sự đóng góp về gùi cõng của mình cũng không đến nỗi tồi lắm.

28-11-1968

Anh về chiều hôm qua, đúng lúc mình chữa và chép xong truyện “Niềm vui thầm lặng”. Nói chuyện gần hết đêm. Nói chung là vui.

Anh về kỳ này mình quyết phải động viên anh làm việc. Mùng 3-12, còn 4 hôm nữa anh lại phải ra A7 họp rồi. Chán.

3-12-1968

Anh lại đi. Anh ra A7 họp đại hội chi bộ và có thể ở lại A7 luôn để viết.

Hôm qua họp Tiểu ban để quần chúng góp ý cho ban, Tiểu ban và đảng viên. Mình cũng nói rất mạnh. Chỉ có chuyện ông V.L bảo (với mình) là làm thơ không cần đi thực tế thì hơi tiếc. Bữa trước mình nói với ông Điểu và Thảo. Ông Điểu đưa ra chi bộ bảo là không biết ai nói. Ông L. chối. Hôm qua Thảo nêu ra. Mình đành phải vạch thẳng. Đại hội chi bộ kỳ này sẽ nêu lại vì nó sai cơ bản về quan điểm, nhất là ông L. vốn có dư luận là sợ ác liệt, ngại đi thực tế. Thế nào ông L. cũng căm mình lắm. Anh bảo lẽ ra thì đừng nói với ai. Nêu ra ổng thù mình. Thôi ổng thù thì thù. Rõ ràng mình không vu cáo ổng. Ổng không đồng ý kết nạp mình thì còn cả chi bộ.

15-12-1968

Họp toàn ban bất thường. Rút mức ăn xuống: 1 lon gạo (trộn bắp) một ngày. Tình hình nghiêm trọng. Địch càn. Bít ranh. Sớm mai một số lớn của ban đi A5 ngay, một nửa ở lại sản xuất và tránh ăn gạo ở ban. Mỗi ngày 2 người đi kiếm rau chống đói. Đêm nay có thể sẽ nổ súng tấn công đợt mới.

**********************

Nằm lại với đất lành...

Trong cuốn nhật ký mà nhà thơ Bùi Minh Quốc lưu giữ thì chị Dương Thị Xuân Quý thật ra còn viết nhật ký đến ngày 17-12-1968. Trong lần ghi nhật ký này, chủ yếu chị Xuân Quý tường thuật về hội nghị sáng tác của Hội Văn nghệ Khu 5 và đã được nhà thơ Bùi Minh Quốc công bố trước đây (nên lần này ông chủ động không đề cập nữa).

Vậy là “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý kết thúc - tạm gọi như thế - trong thời điểm cuối năm 1968, khi đang ở A7, một căn cứ thuộc vùng tây Quế Sơn. Đến sáng sớm 19-12-1968, vợ chồng Bùi Minh Quốc - Dương Thị Xuân Quý chia tay, chị Xuân Quý đi công tác xuống vùng đông Thăng Bình, Duy Xuyên, “và đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy vợ tôi” - nhà thơ Bùi Minh Quốc tâm sự. Cũng theo trí nhớ của ông Quốc cùng một nhân chứng tên Mười ở thôn 3 Duy Thành - người sống sót và chứng kiến cảnh chị Xuân Quý hy sinh trên miệng hầm bí mật - thì chị Xuân Quý còn một cuốn sổ ghi chép nữa, có thể đó là những đoạn nhật ký kế tiếp. Và như đã giới thiệu, đêm 8-3-1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn. Toán lính Nam Triều Tiên sau đó canh giữ nhiều ngày liền, khiến thi thể chị Xuân Quý bị thất lạc. Năm 1996, bia tưởng niệm được dựng tại nơi chị hy sinh. Năm 2000, Bùi Minh Quốc gắng tìm kiếm lần nữa từ tiết lộ của một nhân chứng, nhưng lại thất bại. Thật bất ngờ, năm 2006 hài cốt liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được tìm thấy sau 37 năm thất lạc, và được an táng cạnh bia tưởng niệm.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã từng viết “Bài thơ hạnh phúc” rất xúc động (với bút danh Dương Hương Ly) về cái chết của Dương Thị Xuân Quý: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mộ em có mùa xuân ở mãi / Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”. Nhân dịp lần đầu tiên công bố “Nhật ký chiến trường”, Quảng Nam cuối tuần tiếp tục giới thiệu nội dung “Đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu” viết năm 1965 và Bức thư cuối cùng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý gửi cho chồng (Bùi Minh Quốc) ngày 31-12-1968. Tư liệu này cũng do nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp.

H.V.Đ

**************

ĐƠN TÌNH NGUYỆN VÀO MIỀN NAM CHIẾN ĐẤU CỦA NHÀ VĂN DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ VIẾT NĂM 1965

(trích)

Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu.
Tình hình đế quốc Mỹ ngày càng ngang ngược đẩy mạnh cuộc chiến tranh ăn cướp của chúng ở miền Nam và gần đây chúng liên tiếp cho máy bay bắn phá miền Bắc, là một thanh niên, tôi đã tình nguyện ghi tên đăng ký Ba sẵn sàng. Nhưng nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất. Xin các đồng chí hiểu cho tôi! Đã từ lâu tôi mong ước vô cùng được vào miền Nam chiến đấu…

Tôi năm nay 24 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, đã mười năm nay không ốm đau, không có bệnh tật gì. Trong suốt 8 năm kháng chiến (từ 1946 đến 1954) tôi đã quen với bom đạn và những trận càn quét tấn công của thực dân Pháp. Dạo đó, tôi hoạt động thiếu nhi. Hòa bình lập lại, tôi đi học và đã từng làm bí thư chi đoàn trường Trưng Vương. Tôi làm báo từ tháng 2.1961 đến nay đã được bốn năm. Như vậy, nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi v.v. Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nếu Đảng gọi tôi “vào Nam chiến đấu”, tôi xin có mặt ngay mà không cần một giây phút nào thu xếp. Tôi không có một vương vấn, một vướng víu nào cả.

*********************

Bức thư cuối cùng của nhà văn Dương Thị Xuân Quý gửi cho chồng

31-12-1968
Anh thương yêu
Đi vất quá anh ạ. Mãi chiều 28.12 mới tới được Tuyên huấn Quảng Nam (đi sáng 20.12). Em phải bám dây mây qua sông, chỗ đường 16, sợ quá. Em kêu ầm ĩ. Nước sông to mà em thì không tài nào quẫy được. Cậu Quý bên Quân khu đi sản xuất phải dìu em. Kinh quá. Đến Tuyên huấn Quảng Nam thì em sốt. Nghỉ hai ngày. Sáng nay sẽ theo giao liên về Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào (Thăng Bình) ít ngày. Ở đây pháo bắn dữ lắm, mảnh rơi gần. Phải ngủ hầm. Bắt đầu về đồng bằng, em gửi hăng-gô lại chỗ đội Điện Ảnh rồi. Đi giữa làng thú vị lắm. Tuy cũng căng nhưng so với Quảng Đà chắc kém xa. Hai hôm trước chúng nó thả bom ngoài suối, mấy anh vớt cá chết được hàng thúng. Bọn em ăn chán cá. Tuy chưa thực sự chè chén gì nhiều nhưng tươi hơn ở nhà lắm lắm. Thương các anh ghê.

Hôm đi, em gửi anh Thanh Đính mang về “Niềm vui thầm lặng” và “Tiếng hát trong hang đá”. Anh Đính có đưa anh không? Nhớ giữ bản thảo cho em đó.

Lẽ ra em phải viết thư cho anh Vương Linh, nhưng kỳ này anh Tiến đã viết. Em lại sốt li bì cả ngày hôm qua. Hôm nay mệt. 8g sáng đã phải đi, nên không có thư cho ảnh. Nhờ anh nói hộ em, kẻo anh ấy kêu em không viết nhé.

Thôi, vài hàng ngắn ngủi, em đang mệt mà.

Yêu anh
Xuân Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét