Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường" : Quảng Nam ác liệt - Phần 8

27-9-1968

Lại một ngày đã qua. Đọc được ít bài thơ Puskin và vài trang “Mác, Ăng-ghen, Lê-nin với văn học nghệ thuật”. 3g chiều qua ông Đống đến. Tối nằm nghe đài. Sáng nghe ca nhạc. Nằm đọc. Buồn ngủ. Mệt trĩu. Chép được vài trang “Hoa rừng” rồi thiu thiu. Gần 10g thì Kym Tấn, Lê Ái Mỹ, Văn Nhị kéo đến. Kym Tấn đi Kông Tum, Gia Lai, Mỹ, Nhị đi Quảng Ngãi. Họ nấu ăn trưa ở đây rồi kéo đi tất. Bên báo thế là đã lên đường cả. Ông Nhị vừa vào gần một tháng đã được đi liền. Tiểu ban mình thì cái gì cũng chậm chạp vì nhiều khó khăn quá. Mình cho rằng lỗi chính là ở lãnh đạo. Ông V.L lờ khờ. Ông Đ. thì cả nể tắc trách. Trần Tiến thì không bao quát được cả và cũng chả có sức nặng trong tiếng nói với cấp trên.

Đêm qua khó chịu vì đau cái nhọt dưới thắt lưng. Vừa khỏi cái nhọt ở chân lại lên luôn cái nhọt nữa dưới thắt lưng, cực quá. Nằm. Cứ nghĩ đến bao nhiêu nguy hiểm đang rình đợi Anh và cái ngày mình nhận tin đau thương ấy… Khổ quá. Lòng mình lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị nhận tin đau đớn. Trước đây có bao giờ mình lo như thế.

Ánh sao

Dương Thị Xuân Quý

Một ngôi sao long lanh
Một khoảng trời nho nhỏ
Giữa mênh mông rừng xanh
Như mắt con bừng mở

Ôi thân yêu mắt thỏ
Những đêm ngước nhìn trăng
Ông trăng tròn lung linh
In sâu trong đáy mắt

Như ngôi sao sáng nhất
Giữa rừng khuya đêm nay
Tưởng mắt con thơ ngây
Đang tìm theo bóng mẹ
Đêm hành quân không nghỉ
Ánh sao ánh mắt con
Tỏa sáng khắp sườn non
Sáng đường ra mặt trận

Dù bao nhiêu lận đận
Dù trăm dốc nghìn đèo
Có mắt con dõi theo
Mẹ bỗng thêm sức mạnh.

Rừng Quảng Nam
Tháng 7 - 1968

Hôm qua mơ rất sợ. Mình bế Ly, Ly đang nằm ngủ trên tay mẹ thì Hà Nội báo động. Nhà mình xây một chiếc hầm ngay trong nhà trồng răng ở đầu Hội Vũ. Người ta chen lấn vào hầm nhà mình. Bà Sinh cán bộ khối phố phải vào dàn xếp, bảo là hầm để nhường cho trẻ con. Rồi báo động hết, mình bế Ly, tay ôm thêm cả ít củi khô. Chợt có tiếng Ly khóc khe khẽ. Mình nhìn xuống thì Ly không còn ở trên tay mình nữa. Tay mình chỉ còn mấy que củi. Mình lại đang đứng trên bờ một hồ nước lớn. Trời nhập nhoạng tối. Tim mình đập mạnh, mình tái người quờ tay xuống nước. Có lẽ Ly tuột khỏi tay mình rơi xuống nước rồi. Không thấy, lại tìm trong bụi rậm, vẫn thấy tiếng Ly khóc khe khẽ mà mình không thấy Ly. Mình kêu lên “Ly ơi! Ly ơi! ” và mình choàng dậy. Thấy chiếc võng và mái lều mình mới tin là tai họa đó không xảy ra. Và mình yên tâm.

29-9-1968

Mình đã tranh thủ chữa và chép xong “Hoa rừng” sáng nay. Còn mười hôm nữa là đến 9 tháng 10, ngày Ly 22 tháng. Mình sẽ cố viết xong “Niềm vui thầm lặng” để giữ lời hứa với con.

Nghe Thông nói Anh đang ở Duy Xuyên, anh đã khỏe. Chắc anh lại về Xuyên Hòa rồi.
3-10-1968, A9

Hôm nay Anh vừa tròn 28 tuổi. Em sẽ chúc mừng sinh nhật của Anh bằng một ngày làm việc thật chăm chỉ. Em sẽ mở đầu truyện “Niềm vui thầm lặng” trong ngày hôm nay. Cả ngày sẽ là của Anh. Của Anh, anh nhé. Ngày này năm ngoái, em đã mua hoa lay-ơn về cắm trong cái gác vắng Anh và Ly. Buổi tối em đã lặng lẽ mua cà phê, bánh về mời anh Dân, anh Thú và Chắt. Hôm nay, ở A9 em chả có gì. Nhưng lòng em, sự cố gắng làm việc của em sẽ là món quà đẹp nhất gửi tới Anh.

4-10-1968

Một niềm vui bất ngờ. Tối qua nhận được thư cậu và anh Hải viết 3-5-1968. Thư đi 5 tháng. Mình thật hạnh phúc, vào mới chưa đầy 3 tháng đã có thư nhà. Biết được tin nhà sau ngót một tháng mình ra đi. Ly và cậu mợ đã ra Hà Nội từ 1-5-68. Thế cũng đỡ. Gần bệnh viện cho cậu mợ và Ly.

5-10-1968

Chiều qua, từ 12g trưa, mình lại lên một cơn sốt rét. Trưa vẫn ăn bắp khỏe, chỉ thấy hơi mỏi mỏi. Rồi tự nhiên gây gấy. Lấy áo len mặc, rồi lấy màn đắp, vẫn rét. Rét rồi nóng, rồi nhức đầu. Ăn được một bát cơm với canh măng và trám đen rất ngon mà mệt quá. Ăn xong Thông bắt gió cho. Nửa đêm thì đỡ và sáng nay khỏi hẳn sau khi uống 4 viên ký ninh. Thế là trận ốm thứ tư kết thúc. May thật.

*
* *

Anh Vương Linh bảo:

- Truyện “Hoa rừng” được. Câu kéo tốt. Dẫn dắt truyện tốt. Còn băn khoăn: 1 - Giao liên không đi suốt bao giờ mà chỉ đi nửa đường thôi. 2 - Việc xin đi công tác của Phước không thực tế vì các trường hợp đi thường là do xã điều. Việc xin đi chỉ là thời mấy năm trước.

Cả hai ý kiến ấy mình đều thấy hơi khó tiếp thu.

- Giả thử không có việc đi suốt trạm thì trong truyện ngắn mình vẫn có thể dựng được chứ sao. Nhất là ở một đoạn đường ác liệt. Và rõ ràng là ở nửa ngoài hành lang thì toàn là đi suốt trạm.

- Ở vùng chưa giải phóng, việc đi khó có thể do xã điều, mà giả thử xã điều chăng nữa thì xã thấy một gia đình 14 người hy sinh như vậy thường là không có ý định điều Phước đi nữa.

Mà nếu quả anh Linh muốn thế thì chữa cũng dễ thôi. Mình không trao đổi lại với anh Linh, sợ anh ấy bảo mình chủ quan, thiếu suy nghĩ đối với những ý kiến phê bình.

8-10-1968

Chiều qua hội ý Tiểu ban. Anh Vương Linh phổ biến công việc di chuyển. Lại đi nữa. Đi trong tháng 10 này. Đi giữa mùa mưa, chỗ mới cách bốn năm ngày đường, không rõ ở đâu. Chuẩn bị sức khỏe, có thể di chuyển xong mới đi công tác. Chi ủy quyết định ăn 7 lẻ gạo với 1 lon rưỡi bắp để thêm sức. Dù thế nào cũng phải ăn tăng. Tình hình sức khỏe sụt nghiêm trọng. Bên ban ăn 1,8 lon bắp và 1 lon gạo. Bên mình vẫn thiếu nên không dám, vì tốn kém việc ăn đi đường nhiều quá. Khi đi đường ăn tới 2 lon rưỡi - 3 lon gạo.Tất cả phải kiếm thêm để cải thiện (rau, cá).

10-10-1968

Thông mang chiếc võng của mình vào làng đổi được 70 lon bắp. Một chiếc màn của chị Nga bán được 200đ.

Hôm nay là ngày sốt đây. Mệt lắm. Ăn vẫn chưa biết ngon. Không thèm ăn. Không thấy đói. Mình lo ghê gớm. Nay mai lại sắp di chuyển. Đi 3 ngày đường. Thế mà người mình cứ phờ phờ.

13-10-1968

Hôm nay mới thật khỏi sốt. Mai lại di chuyển rồi. Mùa mưa đã đến. Chiều nào cũng mưa. Trời xầm. Cực. Suốt ngày hôm qua mình phá chiếc quần tây simili màu cứt ngựa - cái quần đã theo mình suốt dọc Trường Sơn - đem khâu một cái gùi đẹp, và nằng nặc đòi đi luôn ngày mai, mặc dù Trần Tiến bảo mình ăn còn như mèo, phải ở lại. Ở lại cũng chết, 25-10 này cắt đò. Lệnh: di chuyển gấp. Cực quá.

Mình viết xong truyện “Gùi” (tức là truyện “Niềm vui thầm lặng”- BMQ) rồi. Truyện này có thực tế nên mình viết dễ hơn. Đọc thấy tàm tạm. Còn đặt tên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét