Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

"Nhật ký chiến trường": Cận kề cái chết (Phần 2)

27-10-1968, Đội 5

Chiều qua mình đã chữa xong “Niềm vui thầm lặng”, sáng nay chép lại đoạn cuối và đã đưa Trần Tiến. Trần Tiến chưa đọc. Lo. Giá có Anh. Nhưng thôi. Phải mạnh dạn. Theo mình thì cái này không được bằng “Hoa rừng” về chất truyện, nhưng cũng không phải là hỏng.

23-10 mình lại sốt một trận nữa. Ăn sáng xong rét, rồi mệt. Gặp cái Đê. Nó cho 40 viên B1 và 10 viên APC với ít viên ký ninh. 1g30 chiều uống thuốc. Chiều bỏ cơm. Anh Tiến, Vân về A9 lấy thêm muối mắm và một gùi gạo chưa ra. Anh Điểu, anh Chất, Đính và Thông đi về Đội 5. Mình nằm lại giữa rừng với một gùi bắp và một gùi gạo của anh Tiến. Mình mệt tái người. Mình không thấy sợ hãi gì cả. 4g30 chiều thì các anh ấy đi. Một lát có hai thanh niên dòm vào võng mình. Thì ra hai tay vẫn ở với đoàn mình mấy hôm nay. Các cậu ấy bảo:

- Ở lại một mình à? Khổ thế. Nữ. Ốm mà dám ở. Chúng tôi cũng ở lại chờ đơn vị, mắc võng xuống chỗ chúng tôi nằm.

- Thôi. Tôi mệt lắm.

Mình tạm yên tâm vì dẫu sao thế là mình không trơ trọi một mình giữa rừng vì tăng của hai cậu ấy chỉ cách mình một quãng, không trông thấy nhưng không xa. Một cậu đem cho mình khúc sắn luộc. Mình chỉ ăn được nửa khúc. Mình thiếp đi trên võng. Gần sáng dậy đi giải. Không thấy sợ gì cả. Sáng, hai cậu cho mình 5 củ sắn, mình nấu canh 3 củ và nướng 2 củ. Ăn được một chút cơm, vẫn mệt lử.

Buổi chiều Trần Tiến, Vân và Phương Anh ra. Rồi Thông từ Đội 5 về với anh Chất, anh Đính. Anh Chất anh Đính quay lại A9 gùi nốt, còn 5 đứa mình gùi về Đội 5. Chiều 25-10. Ra đò. Đi thôi đầu mình chóng mặt đến quay cuồng tuy 3 ang bắp không nặng gì. Đò đông nghịt. Trần Tiến sốt. Năm đứa chui vào một lùm cây ven sông mắc võng ngủ. Liều không mắc tăng. May đêm không mưa. Đổi được 6 con cá ước chừng 1kg. Nấu canh ăn. Cũng đỡ thèm. Tụi văn công cho một hăng-gô sắn. Ăn khoái quá. Mình ăn cơm vẫn chưa ngon. Hôm nay mới thực ngon thì lại ăn hai bữa bắp rang liền.

Sáng qua, qua đò rồi thì về tới Đội 5. Mình đi cũng khá. Thôi, thế là cơn sốt trôi qua. Mình thấy vui vui. Cảm giác nhớ Hà Nội đỡ dần. Mặc dù đêm qua mình mơ thấy Ly. Ly nói như khướu. Ly vui lắm. Ly bảo Ly vẫn nhớ lần mình về Mễ tạm biệt Ly. Ly bảo: vì nó “thiêng liêng” lắm. Mình bật cười: Ba tuổi mà đã dùng chữ “thiêng liêng”. Ly gọi Mẹ, Mẹ, sau khi sững sờ một lúc và nghe mình bảo: - Mẹ đây mà. Ly bảo: Mẹ thì Ly nhớ, còn bố thì Ly không biết. Vì bố đi hồi ấy Ly còn bé quá.

B52 nó thả suốt dọc từ rẫy lang về phía A9. Đi 2g mới hết. Nó bỏ đúng chỗ để cái ché mà hôm đi lạc mình dừng lại định chăng võng ngủ lại một mình. Chao ôi, không ngờ hai hôm sau B52 lại bỏ trúng đấy. Tưởng tượng đêm đó mình nằm lại, một trận B52 trút xuống. Mình tan xác. Mình mất tích. Không ai biết mình ở đâu. Nỗi đau đến với Anh và Ly sẽ là vô hạn, vô hạn. May mình quá. Cuộc sống ở căn cứ như thế đấy. Từ nay phải rất hạn chế việc ở lại đêm giữa rừng một mình.

4-11-1968

Hoàn thành đợt gùi cõng cho đợt di chuyển từ A9 sang A8. Thế là đợt di chuyển này mất 20 hôm. Và mình tham gia 2 chuyến về A8. Sau cơn sốt nhẹ, mình ngại đi quá. Nhưng khi đã khoác ba lô lên vai thì mình lại đi khỏe và đi nhanh chưa từng thấy(...). Đi đường, trừ Phương Anh và mình, ai cũng tụt hậu. Mình nhận đeo 1 hăng-gô cơm đầy, Vân 1 và Thanh Đính 1. Còn anh Điểu, Phương Anh và anh Tiến, Thảo thì không mang vì chỉ có 3 hăng-gô cơm. Có thêm hăng-gô cơm thật nặng, nhưng mình nghĩ rèn luyện cho quen đi. Sở dĩ mình đi mạnh, đeo khá được là nhờ mình gùi tương đối liên tục. Dốc không còn đáng sợ nữa. Đúng là khi người ta khỏe thì chả coi khó khăn ra gì cả. Sức khỏe quan trọng quá. Nghe tin anh Điều (Điện ảnh) chết. Mình rụng rời. Anh ấy mới vào cùng đoàn với Đỗ Quảng, anh Nhị hồi cuối tháng 8 vừa rồi. Câu cá rất giỏi. Ốm liên tục từ hồi vào. Bốn con. Đang có ý định xin ra Bắc vì yếu quá. Đảng viên lâu năm, chuyên môn rất khá (in tráng phim). Trên đường gùi từ A7 về đây, Anh Hồng (cùng tiểu ban Điện ảnh) đi trước chuẩn bị nấu cơm. Anh Điều đi sau bị ngất và chết. Thằng Tạo (ở văn phòng ban) đi từ A7 sang đây thấy một người đeo ba lô đội mũ ngồi bệt, hai chân ngâm dưới suối (nước tới đầu gối). Tạo lật mũ lên nhận ra ông Điều đã chết. Kinh khủng quá. Giá có người xoa bóp ngay thì anh ấy không chết. Anh Tiến đã có lần bị vậy mà cứu được. Chỉ tại đi một mình. Sợ chưa? Từ đây mình cũng không dám đi cách xa đoàn nhiều quá. Cái hôm mình lạc mà lỡ bị ngất thì mình chết thôi. Ở miền Nam cái chết dễ quá. Mới hôm nào ở A9 mình bắt đầu viết truyện “Niềm vui thầm lặng” còn trao đổi với anh Điều về các chiến sĩ gùi. Nay truyện viết xong thì anh ấy đã chết. Mới hôm nào còn nằm võng bên Điện ảnh, nghe anh ấy tâm sự: “Tôi nhớ các cháu quá”.

Tội cho những đứa trẻ.

Cái hôm mình vừa khỏi sốt ở bến đò, trên đường gùi chặng đầu ra bến mình cũng chóng mặt nôn nao muốn ngất và mặt mình tái đi, mình ngồi phịch xuống. May sao một lát cũng đỡ. Rõ ràng là không thể coi thường sức khỏe được. Ở miền Nam không phải chỉ chết vì bom đạn mà còn chết vì bệnh tật. Anh Quý (quản lý ban mình) cũng mới chết vì một thứ cầu trùng gậm nhấm trong những cơn sốt rét vặt. Mưa, nước to, không kịp đưa đi cấp cứu, thế là chết. Xuyên Phúc - nơi nay mai mình sắp tới cõng gạo - chúng nó câu pháo ghê gớm. Bên Báo vụ, hai anh đi cõng gạo, một chết, một bị thương. Bao nhiêu nguy hiểm đang rình đợi mình, nhưng mình quyết không sợ.

*
* *
2g30 chiều qua, sau 2 ngày đường, mình đã về tới A8. Chú Khánh (bố Trà Giang) đạo diễn kịch sắp ra Bắc. Mình tắm giặt xếp ba lô suốt chiều. Hôm nay sẽ viết thư và chép 2 cái truyện để gửi ra. Uổng quá, giá đừng phải đi Xuyên Phúc (Đúng ra là Sơn Phúc, Quý ghi nhầm - BMQ) thì mình gửi được cả “Tiếng hát trong hang đá”. Mai mốt lại đi gùi, không viết được nữa. Đi gùi lần này ít nhất 10 hôm. Nhà hết nhẵn gạo. Bắt đầu từ hôm nay bọn mình phải ăn 3 bữa bắp cả. Gạo hụt vì các nhóm đi phân tán lẻ, ăn bừa. Không kiểm tra được nhau. Rồi bà Ng. và ông L. Anh em có ý nghi…, vì ông ta nói đầu đuôi không thống nhất. Chán quá, một số lớn người chỉ biết lo cho bản thân.
*
* *
Gùi về A8. Trở lại bãi bom B52 dạo tháng 7. Những cây khô đã đâm chồi non. Dưới những cây cháy đã mọc những lớp “rừng non” hơi rậm. Không còn thấy những hố bom đỏ loe loét như xưa. Mình đỗ ba lô lặng nhìn. Và mình nghĩ: khi sức sống đã dồi dào, có lẽ chả có sức mạnh độc ác nào vùi dập nổi sự vươn lên… Những chồi non mạnh khỏe không hề biết sợ… Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh, chính ta tự hủy nhựa sống trong ta. Còn nếu ta vẫn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét